Hôm nay,  

Lá Thư Tình Dưới Ấm Nước

29/01/200800:00:00(Xem: 181521)

Tác giả: Nguyễn Duy An

Bài số 2208-2000-774vb3290108

(Bài Viết Về Nước Mỹ năm 2007, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý 2008, đang phát hành khắp nơi)

*

Nguyễn Duy An là người Á châu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Senior Vice President  National Geographic, tổ chức văn hoá khoa học lớn nhất thế giới. Năm 2006, ông là tác giả được trao tặng giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ.

*

Tôi vươn vai, uể oải bước xuống giường, lừ đừ lê chân ra phòng khách vì tiếng gọi réo rắt của mẹ. Tôi đang "nằm mộng nghe kèn" suy nghĩ vẩn vơ về dĩ vãng của những ngày mới lớn ở thôn Bình... Từ ngày sang Mỹ du lịch, mẹ cũng thông cảm với cái tật "lươi huyền" của tôi nên những ngày cuối tuần, mặc dầu dậy sớm, mẹ chỉ âm thầm đọc kinh lần chuỗi, kiên nhẫn ngồi chờ tới gần trưa, khi nghe tiếng nước chảy trong phòng tắm, mẹ mới vội vàng chuẩn bị bữa ăn sáng cho hai mẹ con. Đã hơn một lần tôi tự nhủ sẽ cố gắng dậy sớm, lái xe đưa mẹ ra khu phố người Việt ăn sáng rồi dạo chợ cho mẹ có dịp gặp gỡ, nói chuyện với người người đồng hương, nhưng tôi chỉ mới thực hiện được một vài lần rồi đâu lại vào đó. Tôi biết mẹ buồn và nhớ các cháu bên nhà nhiều lắm, nhưng vì "thương con côi cút một thân một mình nơi xứ lạ quê người" nên mẹ đã đồng ý cho tôi xin gia hạn để ở lại thêm 6 tháng nữa!

Mắt nhắm mắt mở bước ra khỏi phòng ngủ, tôi nghe tiếng mẹ đang nói chuyện với ai đó trong điện thoại:

- Ừ, để bác hỏi coi anh mi có sắp xếp xin nghỉ phép được thì bác đi, chớ một chắc bác thì biết đàng mô mà mò.

- ...

- Thì rứa! Bác dục lên dục xuống mà anh mi cứ ì ra đó tê nạ. Cũng 30 rồi đó con. Ngày tê thì nói còn mắc đi học; chừ đi làm rồi lại than là bận rộn quá nỏ quen được o mô cả! Anh mi ra đây rồi. Nói chuyện với anh hây.

Mẹ quay sang bảo tôi:

- Con nói chuyện với Hoa, con chú Trường nha. Nó mới được bảo lãnh sang Ca-li, tháng sau làm đám cưới.

- Con nớ lấy ai rứa mẹ"

- Con hỏi nó chớ mẹ nỏ biết chi mô nạ. Khi còn ở nhà mẹ chỉ nghe chú mi nói hắn có anh mô người Làng Hai làm giấy tờ bảo lãnh hôn phu, hôn thê chi đó...

Tôi vừa dụi mắt tôi vừa cầm điện thoại:

- Hello người đẹp. Mới ngồi đánh thẻ ngoài hè nhà đó mà bi chừ làm vợ Việt Kiều rồi đa.

- Quỷ tha ma bắt anh đi! Em sắp già rồi đó... Bạn bè bên nhà có đứa đã 3, 4 con rồi. Em chờ đợi gần 3 năm mới lo xong xuôi thủ tục giấy tờ.

- Hoa chung tình hầy" Có đứa bạn mô cũng chung tình như Hoa, giới thiệu cho anh một đứa.

- Anh xin nghỉ đưa bác sang Ca-li làm chủ hôn cho em xong sẽ có người nâng khăn sửa túi liền.

- Người ở mô mà sẵn rứa"

- Bí mật nhà nghề mà. Anh ở Mỹ cả 10 năm rồi mà không nghe người ta nói "Ca-li đi dễ khó về, trai đi có vợ..."

- Cho anh xin hai chữ bình an đi Hoa ơi. Ông anh già của Hoa cũng đi Ca-li mấy lần rồi mà vẫn "phòng không gối chiếc". Mà Hoa lấy anh mô rứa"

- Chắc anh nỏ biết mô. Anh đi rồi "người ta" mới về Bình Giả, nhưng có một người trong gia đình chồng em biết anh "kỹ" lắm.

- Ai rứa hè"

- Anh cứ đưa bác sang chơi rồi em bật mí cho. Mà có thật là anh chưa có ai hay chỉ "giả mù sa mưa" với bác vài bữa rồi lại lăng nhăng hết o ni sang o tê làm khổ người ta... Ngay tê ở Bình Giả anh cũng chạy hết làng trên xóm dưới chớ có phải hiền từ chi mô.

- Mi cứ ăn nói tậm bậy tầm bạ chi rứa" Ngày anh ra đi mi còn hỉ mũi chưa sạch thì biết chi.

- Anh không dấu em được mô. Từ Làng Một, Làng Hai tới mấy chị trong họ ai cũng biết anh đàn giỏi, hát hay... chỉ hơi nhát gái một tý nhưng lại lắm người mê đó.

- Thôi đi. Nếu thật sự có o mô thương là anh nói bác đi hỏi liền chớ suốt ngày đi làm mệt thở ra đằng tai, về nhà lại nghe bác càm ràm chuyện vợ con nản quá sức lẽ mình.

- Thì cũng phải "có lửa mới có khói" chớ. Người ta vẫn chờ anh ngỏ lời đó.

- Mi làm anh nóng ruột quá. Bật mí một tý cho anh an lòng rồi anh mua vé máy bay sang liền. Còn sang sớm đưa bác đi chơi cho biết thủ đô người tỵ nạn nữa...

- Bảo đảm có mà. Rứa anh sang trước mươi bữa giúp em nha"

- Được rồi. Để tý nữa đưa bác đi chợ Việt Nam anh lấy vé máy bay luôn. Thôi bye nha. Hoa muốn nói chuyện với bác nữa không"

- Cho em gởi lời chào bác được rồi. Anh cứ ngồi "tự vấn lương tâm" xem có nhớ được "người ta" là ai không nha. Sợ ngày xưa anh bạt mạng quá, bồ bịch nhiều o quá nên bây chừ ngồi nặn óc cũng nỏ nhớ được ai ra ai...

Hoa cúp điện thoại. Tôi chạy vội vào đánh răng rửa mặt, tắm qua loa rồi ra ăn sáng với mẹ. Mẹ có vẻ vui nhiều vì được chú mự Trường uỷ thác nhiệm vụ làm chủ hôn và đại diện nhà gái trong đám cưới của Hoa. Tôi dò hỏi mẹ về bên chồng của Hoa, nhưng mẹ cũng chẳng biết chi nhiều.

Từ hôm Hoa gọi điện thoại cho tới ngày hai mẹ con ra phi trường đi California, Hoa còn gọi sang nói chuyện với mẹ tôi nhiều lần, cả cha mẹ chồng của Hoa cũng gọi sang nhưng tôi chịu thua không tài nào nhớ nổi họ là ai. Tôi năn nỉ nhờ mẹ hỏi Hoa về "cái o nớ", người mà theo Hoa nói thì tôi đã từng đến nhà chơi khi còn ở Bình Giả. Mỗi lần tôi hỏi tới, mẹ lại được dịp than thở về chuyện vợ con của tôi nên cực chẳng đã tôi phải áp dụng kiểu "tình vờ" là không thèm hỏi han gì tới "cô bé bí mật" nữa. Mẹ tôi thì trái lại, sau khi nói chuyện vài lần với "ông bà sui" đã thực sự chấm con gái họ làm con dâu mặc dầu chưa một lần gặp mặt. Ngơi ra là mẹ lại gọi tôi ngồi dặn bảo phải thế này, phải thế kia và ép tôi nhất định phải tìm cho bằng được một cô vợ trong chuyến đi California lần này. Mẹ nói quá làm tôi cũng "mê" nàng lúc nào không biết. Đêm đêm tôi nằm mơ mộng và tưởng tượng về hình dáng cô vợ tương lai. Lúc thì mong nàng đẹp như tiên, có lúc lại ước mơ nàng hiền thục đoan trang. Tôi vẽ rồng vẽ rắn, tưởng tượng ra những "pha" thật lãng mạn thêu dệt cho một chuyện tình "không tưởng" với một cô gái nào đó ở thôn Bình.

Tôi rời Bình Giả lúc vừa tròn 20 tuổi. Hai năm cuối ở quê nhà, tôi theo bạn bè đi "cưa" hết làng trên xóm dưới, viết thư tỏ tình với bao nhiêu cô nhưng rồi "lắm mối tối lại nằm không" vì chưa bao giờ nhận được thư trả lời của cô nào cả. Thư tình ngày cũ của tôi mười lá như một, vì tôi chép sẵn từ một cuốn truyện có lá thư tỏ tình rất "lâm ly bi đát", chỉ đổi tên "người đẹp" rồi đề ngày, ký tên là xong. Đã lâu lắm rồi tôi quên hết dĩ vãng "đi cưa" ở thôn Bình nên bây giờ phải "xét mình" để đoán thử xem cô gái Hoa ưỡm ờ úp mở là "o mô" nhưng rồi tôi đành chịu thua vì không tài nào nhớ nổi nàng là ai. Thôi đành an phận chờ khi gặp mặt rồi tính sau.

Tới phi trường John Wayne (Orange County), vừa ra khỏi cửa máy bay, Hoa đã kéo tay "chồng" chạy lại ôm chầm lấy mẹ tôi mừng mừng tủi tủi, vừa khóc vừa cười "coi nỏ ra răng" cả. Tôi thấy Cường cũng quen quen nên khi bắt tay nhau, tôi hỏi nhỏ:

- Anh em ta có gặp nhau chưa hầy" Nhìn Cường thấy quen quá.

- Bảo đảm 100% là chưa vì ngày anh Hoàng vượt biên, Cường vẫn còn ở với ông bà ngoại ở Bình Tuy, mãi ba bốn năm sau mới về Bình Giả.

Tôi theo mẹ đến chào cha mẹ của Cường. Khi nghe giới thiệu tên hai bác, tôi giật thót người run sợ vì cái tên ông bà Thành người Nghi Lộc làm tôi nhớ tới một người con gái ngày xưa ở thôn Bình. Tôi làm mặt "hiền" ngồi nghe hai bà "sui" kể chuyện Bình Giả mà lòng dạ nôn nao, bồn chồn lo lắng khôn nguôi. Đúng là "chạy trời không khỏi nắng!" Đã một thời tôi lẽo đẽo theo Hiền những đêm nàng đi tập hát về khuya! Chả trách gì lúc vừa gặp mặt Cường tôi đã thấy quen quen.

Cô em tên Hiền của nó thật tình chẳng hiền như tôi tưởng. Tôi đã nhiều lần năn nỉ ỉ ôi cũng không làm sao vô nhà ngồi chơi được vì "cha mẹ em khó lắm!" Suốt mấy tháng trời ròng rã tôi muốn trao cho Hiền lá thư tỏ tình nhưng nàng không nhận vì "em còn bé lắm!" Tôi tìm hết cách vô nhà nhưng nàng không "mở cửa chong đèn" như những cô gái mới lớn ở thôn Bình. Khoảng một tuần trước ngày ra Hải Sơn chuẩn bị lên đường, tôi làm liều vô nhà ngay khi nàng đang chuẩn bị lên nhà thờ tập hát. Nàng thật sự hoảng hồn khi thấy tôi xuất hiện, nhưng cũng đành rót nước mời tôi ngồi chơi. Tôi chưa kịp ngỏ lời, Hiền đã xin phép "vô buồng" chuẩn bị để lên nhà thờ cho kịp giờ tập hát. Tôi vội vàng móc túi lấy lá thư tình đã viết sẵn, dấu vội xuống duới ấm nước rồi từ giã ra về. Hiền mừng lắm vì thấy tôi biết điều, biết rút lui đúng lúc trong khi cha mẹ nàng đang ăn cơm dưới bếp chưa kịp lên. Tôi yên chí Hiền đã nhìn thấy lá thư tình tôi nhét vội dưới ấm nước nên ung dung ra về. Một tuần sau tôi xuống tầu vượt biển và quên mất "lá thư tình dưới ấm nước" vì nó cũng chỉ là một lá thư chép sẵn như hàng chục lá thư tôi đã trao cho nhiều cô gái khác ở thôn Bình. Tôi hy vọng Hiền cũng đã quên rồi những lời tỏ tình rất "cải lương" ngày đó, và tốt hơn nữa nếu Hiền đừng nhớ tôi là ai. Sự đời thật lắm chuyện oái ăm! Nếu như nàng còn nhớ chuyện cũ thì tôi biết ăn nói làm sao bây giờ!

Vừa đậu xe trước sân, Hoa đã nhanh nhẩu ghé tai tôi nói nhỏ:

- Người trong mộng của anh đi làm về rồi đó. Anh liệu mà o bế để kén dâu cho bác nha.

Một người con gái dáng người thon thon, vẫn để tóc thề, miệng cười mím chi, đon đả bước nhanh ra mở cửa xe. Bác gái nhanh nhẩu lên tiếng:

- Con chào bác và anh Hoàng đi Hương.

Nàng cúi đầu nhỏ nhẹ chào mẹ rồi phớt lờ như không hề biết có tôi hiện diện trên cõi đời này. Tôi hơi khó chịu nhưng Cường đã nhanh nhẩu lên tiếng giúp tôi:

- Bác và anh Hoàng sang lo đám cưới cho anh và Hoa. Bác gái đã có cha mẹ lo, anh nhờ Hiền "take care" anh Hoàng nha.

- Em nỏ dám mô!

- Rứa thì để anh Hoàng "take care" Hiền cũng được.

Hiền nguýt Cường một cái dài cả cây số với hai đuôi mắt sắc như dao. Tôi thầm mỉm cười cám ơn Cường. Cái thằng "em rể" ni coi bộ được quá. Mai mốt dám lại phải kêu hắn bằng anh. Tôi theo Cường xách các thứ lỉnh kỉnh vô nhà trong khi Hoa và Hiền cứ thầm thì to nhỏ đi nhanh vào bếp, mẹ tôi và bác gái đã dẫn nhau lên lầu tắm gội, còn bác trai đã ngồi dán mắt vào TV xem tin tức. Sau bữa cơm chiều thân mật, kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, Cường rủ tôi và hai cô đi nghe nhạc vì hôm đó là chiều Thứ Sáu, có chương trình văn nghệ rất đặc sắc. Thật ra đó chỉ là cái cớ Cường tìm cách giúp tôi "làm quen" với Hiền vì vừa tới nơi, Cường đã xin lỗi phải chở Hoa đi thử áo dài cưới đang đặt may đâu đó. Hiền vẫn "làm tỉnh" như chưa hề biết tôi là ai. Sau khi gọi cho nàng ly cam tươi, tôi nhỏ nhẹ lên tiếng:

- Hiền đã quên hay vẫn còn giận anh"

- ...

- Hiền cho anh xin lỗi, anh năn nỉ mà.

- ...

- Hiền đừng giận anh nữa tội nghiệp! Giận lâu quá "bụng to" ra thì khổ đó.

Hiền đỏ cả mặt mày nhưng cũng bật cười khi nghe kiểu lập luận vớ vẩn của tôi. Thấy Hiền vui vui, tôi vào đề:

- Ngày đó anh gởi Hiền lá thư tình dưới ấm nước...

- Hứ!

- Hồi đó anh phải lén lút ra đi nên không kịp từ giã... Chắc Hiền nghĩ anh là "sở khanh" nên giận dai, phải không"

- Hứ!

- Hiền đừng "hứ" nữa được không" Anh năn nỉ Hiền mà.

- Anh Hoàng vẫn "bạo" miệng như ngày xưa. Hiền đã bị một trận đòn thay cho món quà sinh nhật 16 tuổi vì lá thư của anh Hoàng đó. May mà cha Hiền bây giờ không còn nhớ...

- Sao Hiền không dấu đi lại đưa cho bác trai đọc. Anh xin lỗi... Hiền cho anh một dịp để đền bù vì lỗi lầm ngày mới lớn.

- Hiền đâu biết anh Hoàng viết chi trong đó! Hiền không giận anh Hoàng đã gởi thư, chỉ giận anh Hoàng "chơi trăng quên đèn" mà thôi.

- Hiền nói oan cho anh quá. Anh có chơi chi mô. Anh không có địa chỉ và cũng long long lận đận bao nhiêu năm vừa làm vừa học nên đâu dám viết thư cho Hiền.

- Nếu anh Hoàng thật lòng, anh hỏi chị Hoa là biết ngay.

- Oan cho anh quá Hiền ơi! Mần răng anh biết Hoa quen với Hiền... Mà thôi, bây giờ gặp được Hiền rồi, anh không bỏ cuộc nữa mô...

- Hiền nỏ dám tin mô!

- Hiền nói chi mà lạ rứa" Hiền làm như anh là "vua xạo" không bằng.

- Chị Hoa kể cho Hiền nghe đó. Hiền biết ngày xưa anh Hoàng có nhiều cô để ý, và...

- Trời ơi! Răng Hiền lại đi nghe "tin vịt" mần chi cho khổ thân anh ri hầy! Anh vẫn mang tiếng là nhát gái từ khi còn nhỏ Hiền ơi. Hiền hỏi mẹ anh mà coi...

- Anh Hoàng dại gái thì có. Hiền biết ngày đó anh Hoàng gởi thư tình cho bao nhiêu cô ở Bình Giả!

- Ngày mới lớn anh chỉ theo bạn bè "đi cưa" cho vui thôi. Anh lẽo đẽo theo Hiền suốt mấy tháng trời mà Hiền cứ "ngó lơ" nên anh làm liều gửi thư chớ anh có dám gửi cho ai khác mô nà!

- Anh Hoàng cần chi phải chối bai bải rứa. Anh không quen nói dối nên Hiền biết ngay anh "nói xạo" đó.

- Bây giờ cho anh xin lỗi đi. Anh thật lòng đó, không xạo mô.

- Rứa khi tê anh Hoàng viết chi trong lá thư gửi cho Hiền rứa" Hiền chưa được đọc...

- Thì cũng nỏ có chi mô. Những ngày mới lớn anh còn "ngu ngơ" nên nắn nót viết mấy chữ làm quen rứa mà. Hiền đừng nhắc lại nữa làm anh "quê xệ" lắm.

- Anh Hoàng viết "đền" cho Hiền đi. Hiền đã "ăn đòn" mà nỏ được coi thư. Hiền "thù" anh Hoàng từ dạo đó.

 - Hiền đừng thù ghét anh nữa tội nghiệp. Anh sẽ về năn nỉ bác trai chịu đòn thay cho Hiền nhé.

- Ấy chết! Anh Hoàng đừng làm rứa. Cha Hiền quên chuyện cũ rồi. Anh Hoàng nói ra chỉ thêm rắc rối.

- Rứa anh biết làm chi để chuộc lỗi với Hiền đây"

- Chi cũng được.

- Thật không" Rứa anh về nói mẹ xin hai bác để cưới Hiền nha. Cưới chung một lần với Cường và Hoa cho tiện việc sổ sách.

- Anh Hoàng đừng đùa dỡn rứa tội nghiệp Hiền...

Tôi quay sang thấy Hiền rươm rướm nước mắt. Tôi run quá nhưng chưa biết phải làm sao. Từ ngày sang Mỹ tôi không còn dùng khăn "mouchoir" nữa nên không có gì để thấm nước mắt cho nàng. Giấy lau mặt thì không có sẵn, trên bàn chỉ có mấy tờ giấy lau tay thô kệch... Tôi chạy vội ra quầy mượn đỡ một hộp giấy lau mặt, trở về định thấm nước mắt "người yêu" nhưng Hiền đã "thủ" sẵn khăn giấy và tự lau cho nàng. Tôi mất một dịp săn sóc cho nàng nên nhỏ nhẹ "ca bài con cá":

- Anh xin lỗi đã làm Hiền buồn. Hiền cho anh một dịp để chuộc lại lỗi lầm...

- Hiền không trách chi anh Hoàng cả, nhưng Hiền muốn được đọc lá thư ngày trước...

- Anh nói thật Hiền đừng cười anh nha.

- Rứa từ trước đến giờ anh Hoàng nói xạo à"

- Nỏ phải mô! Anh chỉ muốn nhấn mạnh là anh nói thật chứ anh đâu dám nói xạo với Hiền.

- Anh Hoàng nói đi.

- Hồi đó anh đọc thấy một lá thư tình rất hay trong một cuốn sách. Anh chép sẵn nhiều bản, gọi là "sao y bản chánh đó", rồi khi cần anh đề ngày và tên "ai đó", xong ký tên rồi gửi để làm quen.

- Rứa anh Hoàng gửi cho bao nhiêu người"

- Anh không nhớ, nhưng Hiền là người cuối cùng.

- Mần răng Hiền biết được"

- Thì sau khi gửi cho Hiền lá thư dưới ấm nước, anh xuống tầu vượt biển và chưa hề viết thêm một lá thư tình nào nữa.

- Ai mà tin anh được!

- Phải tin chớ. Anh đâu có mang theo cuốn truyện đó đi vượt biên nên đâu còn bản chánh để sao lại.

Hiền phì cười nhỏ nhẹ:

- Rứa bây giờ anh Hoàng viết cho Hiền đi.

- Anh vừa nói là anh không còn bản chánh...

- Hiền không muốn thư "photo copy" sao y bản chánh. Hiền muốn xem lá thư do chính anh Hoàng viết ra kìa.

Tôi hơi lúng túng, nhưng cũng làm liều nói mạnh:

- Tối nay về anh thức khuya viết cho Hiền nhé.

- Anh Hoàng ngủ chung phòng với anh Cường làm sao thức khuya viết được. Anh Hoàng viết bây giờ đi, Hiền chờ.

Một ý tưởng chợt đến trong đầu. Tôi lấy bút viết vội mấy chữ lên tờ giấy lau tay trên bàn, vừa định trao cho nàng thì Cường và Hoa xuất hiện. Tôi nâng vội ly nước của Hiền rồi dấu tờ giấy xuống, nhưng Cường đã nhanh tay cầm lấy. Hiền thẹn đỏ cả mặt mày khi Cường trải dài tờ giấy với mấy chữ tôi viết vội lên bàn - "Hiền. I love you. Hoàng" - rồi vừa cười vừa nói lớn:

- Sao anh Hoàng viết lời tỏ tình rồi lại dấu dưới ly nước thế này" Hình như ngày mới lớn cái Hiền đã bị một trận đòn chí tử vì cha tìm thấy một lá thư tình ai đó viết rồi dấu dưới ấm nước. Đúng là lịch sử tình yêu tái diễn.

Hiền gục mặt vào vai Hoa che dấu nỗi thẹn thùng. Tôi định nói cho Cường và Hoa biết chính tôi là thủ phạm nhưng tôi không phải là tác giả "lá thư tình dưới ấm nước". Hình như Hiền cũng linh cảm được những tư tưởng đang vật vờ trong trí của tôi nên nàng vội ngẩng đầu, nheo mắt ra hiệu cho tôi đừng "bật mí"! Tôi mỉm cười vu vơ vì chợt nhớ lại câu nói:

Ca-li đi dễ khó về,

Trai đi có vợ, gái về có con!

Biết đâu chuyến đi California lần này tôi kiếm được vợ. Mẹ ơi! Mẹ sắp được toại nguyện rồi đó, mẹ ơi!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,244,839
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Ba truyện kể về “Nhân Duyên” sau đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo năm Kỷ Hợi 2015.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây là bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của bà.
Chương trình America's Got Talent (AGT) trên truyền hình NBC, ra mắt từ tháng Sáu 2006, tới nay đã trụ được 13 mùa, tiếp tục làm mê mẩn 12 triệu khán giả hàng tuần. Simon Cowell, nhà sản xuất của AGT, vào danh sách báo Time bình chọn 100 nhân vật thế giới tạo nhiều ảnh hưởng nhất. Sang năm 2019. Simon 60 tuổi. Show chung kết AGT The Champions mùa thứ 13, gồm những màn trình diễn hấp dẫn của các tài năng đã thắng giải từ khắp thế giới, được sắp xếp thành 7 chương trình TV, trình chiếu đúng dịp Tết Kỷ Hợi. Riêng chương trình cuối, công bố kết quả AGT 2019, sẽ chiếu ngày Thứ Hai 18/02/19. Sau đây là bài viết của Tố Nguyễn, tác giả lần đầu viết về nước Mỹ và đã nhận giải đặc biệt 2018.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết đầu năm của tác giả.
Thứ Năm tuần này là Ngày Tình Yêu / Velentine Day 2019, đánh dấu đúng 750 năm ngày 14 tháng Hai năm 269, khi Giám mục Valentine bị hoàng đế La Mã Claudius Đệ Nhị cho lệnh chặt đầu, vì làm phép kết hợp các đôi lứa theo nghi thức nhà thờ. Nhân ngày đặc biệt này, mời đọc bài viết thứ ba của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, cựu nữ sinh Trưng Vương, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân Lafayette, Louisiana. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la!
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới về Tết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới sau đây kể về lớp dạy văn chương Việt tại UC Irvine.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài ông viết đầu năm mới Kỷ Hợi.
Nhạc sĩ Cung Tiến