Hôm nay,  

Nửa Hồn Thương Đau

04/04/200800:00:00(Xem: 168904)

Người viết: Nguyễn Thượng Đức

Bài số 2267 - 1620844-vb5030408

Tác giả Nguyễn Thượng Đức, 54 tuổi, cư dân California, nghề nghiệp: thông dịch viên.  Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện "hai cái nửa hồn" -một Việt một Mỹ- tranh cãi sâu sắc trong nội tâm của người Việt gốc Mỹ thuộc thế hệ thứ nhất.

Ghi chú của người viết: Trong bài, những câu in trong ngoặc kép được mượn từ thơ/nhạc của Thanh Tâm Tuyền, Phạm Đình Chương, Đặng Thế Phong, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trần Thiện Thanh, Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Vũ Thành An.

*

Từ nhỏ, qua đến thời còn trẻ, và cho đến bây giờ, tôi vẫn có một cái tật rất xấu là hay "chế biến" lại lời những bản nhạc mà tôi đã nghe để nó hợp với "khẩu vị" của mình. Việc chế biến này chẳng phải do tôi hay ho gì, cũng chẳng phải do tôi nghĩ tôi tài ba hơn tác giả những bản nhạc ấy. Rất đơn giản, tôi chế biến lời nhạc để ư ử hát theo vì mặc dầu rất yêu nhạc nhưng trí nhớ tôi kém cỏi, không bao giờ nhớ nỗi trọn vẹn lời của bất cứ một bản nhạc nào.

Như rất đông những người chưa có cơ hội ra CD, băng nhạc, hoặc ra "tác phẩm để đời", tôi là ca sĩ phòng... tắm. Nhiều buổi sáng, trong phòng tắm, vào những ngày tương đối thong dong không bị hai cái kim đồng hồ nó rượt đến đỗi phải hấp tấp như một con lật đật; trong tiếng hoà âm của những tia nước đang tung tăng trên đầu, trên cổ và tiếng đệm sột soạt của cái bàn chải trên lưng, tôi ung dung tà tà tì tì trình diễn rất tới những đoạn nhớ được trong các bản nhạc mình yêu thích. Hơn cả mấy cô ca sĩ nhí nhí  trên sân khấu, tôi dám trình diễn trọn vẹn một cách rất... cóc cần nghệ thuật. Một tay tôi nhịp nhàng đẩy đẩy cái bàn chải chà lưng, tay kia cầm cục xà bông xoa nhịp, tôi để trọn tâm hồn mình vào bản nhạc.  Các cô ca sĩ này, nếu mà thấy được lối trình diễn sống động của tôi lúc đang tắm chắc chắn phải lăn đùng bái phục, hoặc... ré lên gọi 911 rồi lăn đùng té xỉu luôn cũng có!

Như đã nói, miệng tôi hát, tâm hồn tôi trầm bổng với lời nhạc, nốt nhạc. Chỗ nào quên, tôi chế đại lời, hát tiếp. Nếu suy nghĩ không kịp những chữ để chế biến, nếu không thêm thắt biến chế nổi, tôi í i ì i, ứ ư ừ ư, à a á a... cho liên tục bản nhạc, hoặc tôi làm một cú liên khúc nhảy luôn qua bản nhạc khác.

 

Có lẽ giọng hát của tôi cũng da diết, tha thiết, trầm ấm, mùi mẫn lắm nên chưa bao giờ tôi nghe lời phàn nàn hay khen chê gì từ đám khán thính giả trung thành của tôi là những miếng gạch men và các món lỉnh kỉnh trong phòng tắm như thuốc gội đầu, xà bông, kem, bàn chải đánh răng, vân vân, vân vân. Vợ tôi khen chê thế nào tôi không biết.  Hoặc cứ coi như là tôi sợ sự thật đau lòng... lắm,  nên cứ giả vờ ngoan cố không cần biết. Mỗi buổi sáng, từ lúc đứng đối đầu với cái mặt còn thèm ngủ của mình trong gương để cạo râu, và từ lúc tôi ứ ứ á á trong miệng " dạo" trước điệu nhạc của một bài hát nào đó thì bả đã lắc đầu bỏ đi chỗ khác mất rồi. Có lẽ bả tôn trọng ca sĩ, biết ca sĩ khi nổi nóng thường hay biến dạng thành la sĩ, hoặc là bả không biết câu "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" nên đành phải lặng lẽ ra đi trong câm nín, dông đi chỗ khác, trả lại cho tôi cái không gian riêng tư của một người ca sĩ phòng tắm nặng nợ với kiếp cầm bàn chải cà lưng mà ca của mình.

Những bản nhạc tôi thích thì rất nhiều, đứng hát đến hết bình nước nóng gắn trong garage cũng chưa hát được phân nửa, nhưng không phải lúc nào tôi cũng chụp lấy bất cứ một bài nào đó để hát đại.  Tôi cũng tùy thuộc rất nhiều vào cái cảm hứng của tôi và những ý tưởng đang miên man trong đầu mình. Khi chợt nhìn những tia nước từ vòi sen vừa bắn ra, tôi có thể bắt giọng bằng một cú "ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi...", hoặc lúc thoáng hiện trong đầu hình ảnh của bãi biển Nha Trang mà hồi xưa có lần đã đặt chân tới, tôi làm luôn một câu "ngày mai em đi, biển nhớ thương em gọi về...". Lúc cạo râu, nhìn trong gương thấy cái đầu bù xù và những cọng râu lởm chởm của mình, tôi có thể đang "hôm qua tôi đến nhà em, ra về mới nhớ rằng quên cây đàn", nhưng đến lúc nhìn hơi nước nóng bao phủ trên tấm gương soi mặt, nhìn đám hơi nước mờ mờ như sương, tôi bước luôn rất gọn gàng vào "ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẽ bàng..." Tôi chuyển nhạc nhẹ nhàng như cái tia laser của máy CD hiện đại.

Đại khái, tôi đứng tắm ở Mỹ mà tâm hồn tôi, lòng tôi, mang mang hình ảnh của quê nhà.

Sáng hôm nay, trong lúc đưa cái đầu có da nhiều hơn tóc của mình ngay dưới vòi sen, mắt nhắm kín, ngẫng mặt cho nước trôi sạch thuốc gội đầu, miệng thì "ứ ứ, ư ư ừ, ự ứ ư ư, ư ư ừ ừ ứ ư ư, ư ư ừ ự ứ ư ư..." bản nhạc Nửa Hồn Thương Đau, và trong đầu hiện lên từng chữ trong bài thơ của Thanh Tâm Tuyền đã được Phạm Đình Chương phổ nhạc, tôi đột nhiên cảm thấy lạnh tê người mặc dầu đang tắm nước nóng. Tôi cảm thấy giá buốt từ trong lòng bỗng dưng ùa ạt lan nhanh ra như một đợt sóng nuốt trọn thân thể mình. Tôi ngộp thở.  Toàn thân nổi gai ốc. Tôi chới với, hụt hẫng.  Mắt tôi không bị chút thuốc gội đầu nào chảy vào mà tự nhiên thấy cay cay.  Tôi tê cứng trong thế đứng nhắm mắt để nước chan hoà trên mặt mình.

 

Vài ba phút sau, lúc bước ra đứng trước tấm gương lớn, tay cầm cái khăn tắm lau khô nước trên thân thể, tôi nhận ra rằng mình đột nhiên đã ứa nước mắt vì cơn xúc động đến bất chợt, gây ra bởi tôi chơi dại, dám sửa lời và ý thơ Thanh Tâm Tuyền.

Thơ Thanh Tâm Tuyền qua những nốt nhạc quá tuyệt của Phạm Đình Chương làm tôi mê mẩn, nhưng chính những hình ảnh và viễn ảnh tạo nên do việc chỉ thay đổi một vài chữ trong lời thơ của ông đã làm tôi quay quắt đến rợn người, xúc động đến ứa nước mắt. Tôi đã chế lại, trong đầu mình, qua giọng hát réo rắt của Thái Thanh mà tôi từng nghe, vỏn vẹn chỉ mấy câu thơ đầu tiên trong bài Nửa Hồn Thương Đau _  để rồi xúc động chới với trong đau thương một nửa hồn mình.

Như rất nhiều người gốc Giao Chỉ hiện đang sống ở Hoa kỳ, hồn tôi chia hai.  Một nửa "Made in America", một nửa "Made in Vietnam". Trong một ngày, những lúc ào ào làm việc hay bận bịu với đời sống đầy sức ép ở đây thì tôi sống trong cái nửa hồn đồ ngoại, đã nhập cảng vô đầu từ khi tôi đặt chân đến miền United States of America này. "Thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi" tôi sống trong cái hồn đồ nội mà tôi đã có từ thuở lọt lòng. Đồ nội, đồ ngoại của tôi nó xen kẽ, cái nọ nó lấn cái kia hiện lên bất chợt chứ tôi không có cái "remote control" nào để tắt bật hai cái nửa hồn của mình. Lúc đang phom phom tống ga lái xe trên xa lộ 50, tôi có thể đang vừa nghe "nghìn trùng xa cách người đã đi rồi...", vừa nhớ đến con đường Phạm Ngũ Lão có cô con gái mà tôi đã tóc mai sợi ngắn sợi dài. Tôi đang phê phê trong cái nửa hồn đồ nội của mình thì rồi bất chợt, khi thấy có cái xe đen trắng của mấy ông bạn không mấy thân thiết lắm của dân đang chạy ngược chiều, tôi vội vã lật đật dông luôn qua cái hồn đồ ngoại với hình ảnh phải ký ngân phiếu trả tiền phạt về tội chơi bạo 8, 9 chục dặm một giờ trên đường. Cứ vậy, hai cái nửa hồn tôi nó tự động "on", tự động "off", liên tục trong một ngày. Và cứ như vậy vì một ngày thì dầu sao phần lớn cũng như mọi ngày.

Nửa hồn đồ nội của tôi trú ngụ trong tim, nó tình cảm, nó tha thiết, nó da diết. Nó hư hư thật thật, mờ mờ ảo ảo. Nhưng sức níu kéo của nó lại bền bĩ như những sợi dây lòi tói neo tàu vào bến.

Còn nửa hồn đồ ngoại của tôi nó nằm trong đầu. Nó tính toán, nó logic, nó nguyên tắc, nó phân minh. Nó tính thiệt tính hơn. Nó rõ ràng. Nó đưa ra quyết định tôi phải theo.

Khi đang sống trong nửa hồn đồ nội, tôi nghĩ đến và nhớ đến rất nhiều những gì tôi đã thấy, đã cảm, đã nhận vô đầu óc, liên tục từ thuở thiếu thời cho đến ngày rời đất nước mình. Các nhà nghiên cứu bảo rằng trung bình một ngày, đôi mắt ghi nhận và chuyển vô đầu óc từ hai trăm ngàn đến hai trăm năm chục ngàn hình ảnh. Con số lớn quá tôi không tưởng tượng xuể, và chưa bao giờ dám ngồi lục óc đếm thử xem mình thấy được bao nhiêu tất cả hình ảnh trong một ngày, từ lúc mắt nhắm mắt mở buổi sáng sớm, cho đến lúc khuya lắc khuya lơ nằm chiêu hồi giấc ngủ trở về. Chưa bao giờ tôi đếm thử coi xem mấy nhà nghiên cứu này nói thiệt hay nói đùa. Theo nguyên tắc nếu mình không chứng minh được một điều gì đó là sai thì mình phải chấp nhận nó là điều không trật, tôi khiêm nhượng chấp nhận số lượng hình ảnh tôi thấy ở mức trung bình thấp, sơ sơ hai trăm ngàn bức hình một ngày. Rồi tôi tính sơ sơ luôn một cú, tôi sống ở quê hương tôi tổng cọng 18 năm, nhân 365 ngày một năm vị chi là sáu ngàn năm trăm bảy chục ngày. Nếu lấy trung bình ở mức thấp là trong thời gian tôi còn ở Việt Nam mắt tôi chỉ chuyển vô đầu hai trăm ngàn hình ảnh mỗi ngày thì qua mười tám năm đó, tôi đã có được trong đầu một tỉ ba trăm mười bốn triệu hình ảnh của quê hương mình.

Một tỉ ba trăm triệu! Con số vĩ đại, hãi hùng quá, kinh quá! Tình nhân đi chơi với nhau chụp được một cuốn phim 24 bô là đã nhớ nhau dài dài; vợ chồng làm đám cưới chụp hình giỏi lắm chừng trăm tấm gắn trong mấy tập album là duyên nợ đã níu kéo cứng ngắc rồi. Cái cuốn album kỷ niệm của tôi với quê hương nhiều hình ảnh như vậy nên bao năm nay tôi sống chập chờn, lúc nào cũng lơ tơ mơ đến quê nhà.

 

Cái dây lòi tói nửa hồn đồ nội của tôi có sức níu kéo bền bĩ vì nó kết bằng một tỉ ba trăm mười bốn triệu dây tơ lận.

Khi nửa hồn đồ nội kéo về, tôi chân đứng ở Mỹ mà lòng thì ở Việt Nam. Nhiều lúc tôi tự lục tìm trong một tỉ ba trăm triệu bức hình kỷ niệm để tự hỏi lòng, mình thương quê hương mình là mình thương cái gì" Con trâu ruộng lúa ư" Xạo! Tôi gốc Quảng Nam, cha mẹ dẫn vào Đà Lạt sống từ 3 tuổi, nhà nghèo nhưng là công tử bột, có biết cày bừa cóc chi đâu mà bảo thương con trâu ruộng lúa" Thương con sông uốn khúc ư" Chẳng phải luôn. Con sông nào lại chẳng uốn khúc" Thương sương mù, thương đồi thông" Ở đây xách xe chạy lên Lake Tahoe thì thấy thiếu gì đồi thông với sương mù. Thông ở đây còn cao hơn thông ở Đà Lạt, sương mù ở đây còn mù hơn, còn dày đặc không thấy đường hơn, đâu có thiếu đâu" Thương "ngôi trường đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát"" Cũng không đúng. Cây trên con đường tôi đã ở mấy tháng lúc mới về Saigon chưa hẳn đã nhiều, đã cao, và có nhiều bóng mát bằng những hàng cây trên đường J Street dẫn đến trường đại học Sac State. Thương tô mì Quảng, tô bún bò Huế, tô phở, tô mì ư" Lại càng không phải nốt. Bún, phở, mì ở đây chẳng thiếu. Chất lượng đem vào phòng thí nghiệm phân tích kỹ có lẽ lại khá hơn bún phở mì ở Việt nam vì tôm thịt gia vị ê hề. Thương bạn bè, hàng xóm láng giềng" Cũng chẳng phải luôn. Mỗi một người có mỗi cuộc đời để sống. Mỗi chặng đường trong cuộc đời mình đều có thêm bạn bè, láng giềng mới và để lại những láng giềng, những bạn bè trong chặng đường đã đi qua.  Bạn bè và láng giềng mình đâu có lúc nào mình thiếu đâu" Tôi có nhớ có nghĩ đến bạn bè ngày xưa, có nghĩ đến các thầy cô ở ngôi trường cũ của mình, nhưng chuyện này cũng không hẳn là điểm làm tôi thương quê hương mình. Rồi rất thật với lòng, tôi cũng đã tự hỏi có phải mình tơ tưởng đến quê hương vì nơi đó còn có người mình "...lấy nhau chẳng đặng...ghét hoài nghìn năm"" (viết vậy để vợ dzui lòng đó mà!). Rất thật lòng, tôi thấy điều này cũng chẳng phải.  Tôi với "người" đi qua đời nhau rồi, fi-ni rồi, và xa xưa lắm rồi.  Đôi lúc tôi có bất chợt thoáng nghĩ đến người tí tí những lúc vui buồn lẫn lộn, coi như cho có thêm chút mắm, chút muối, mặn mà đậm đà chút xíu cái thuở con tim của mình nó mới biết rung rung vậy thôi, chớ khi tôi tơ tưởng đến quê hương thì trong cái quê hương mà tôi tơ tưởng nó không nhất thiết lúc nào cũng có bóng dáng của "nàng" ở trỏng.

Tôi không rõ ràng là mình thương cái gì ở quê nhà. Đàn ông thương đàn bà có thể kể lể một thương tóc xõa đuôi gà, hai thương ăn nói mặn mà có duyên, ba thương... bốn thương.... năm thương... sáu thương... Kể gọn gàng chóng vánh một lèo tới mười thương. Tôi không biết mấy người Mỹ gốc Giao Chỉ khác thì như thế nào chứ riêng tôi thì tôi chịu.  Biểu kể đích xác năm cái thương quê nhà tôi kể không tới. Vậy mà tôi cứ thương hoài. Những cái làm tôi thương nó cứ mờ mờ ảo ảo mà lại rất rõ nét. Nó lơ tơ mơ mà lại rất thực. Nó hư hư ảo ảo mà lại chình ình. Nó làm tôi cứ u hoài, đầu óc cứ vấn vương, cứ bơi bơi đến cái miền đất ở tuốt luốt phía bên kia bờ đại dương.

Nó khiến tôi, như qua mấy câu trong bản Nửa Hồn Thương Đau mà tôi đã sửa lời lại, vẫn cứ thường xuyên

"Nhắm mắt,

Cho tôi tìm một thoáng quê xưa

Cho tôi về quê cũ nên thơ

Cho tôi gặp quê trong ước mơ..."

Từ bao năm qua, khi lái xe ngang qua quãng đường có những cây Palm _  cứ tạm gọi loại cây này là... dừa Mỹ _  thì trong đầu tôi lại hiện lên ngay những hàng dừa thứ thiệt, có trái đàng hoàng, ở Cam Ranh, ở Tuy Hòa... những nơi tôi đã thấy những hàng dừa thứ thiệt này. Và ý nghĩ so sánh, thấy "dừa mình" đẹp hơn "dừa Mỹ" lại hiện lên trong đầu, đưa đến kết luận: dừa Mỹ ở Cali ẹ, chẳng có trái!  Dừa không trái như...con gái thiếu con trai (Ai muốn nghĩ tiếp thế nào đó thì cứ việc nghĩ).

Khi lang thang ở những bến tàu vùng biển San Pedro, Long Beach, hay bến tàu dọc bờ sông ở Old Sacramento, trong đầu tôi cứ hiện lên hình ảnh của những hàng quán dọc theo bến tàu Saigon. Tôi phê bình trong đầu một cách rất ngang phè rằng dân Mỹ quả thiệt còn... chậm tiến, chưa biết thưởng thức thú ăn hột vịt lộn, ăn mì, ăn xôi, ăn chè,v.v. ở những nơi tình tứ như thế này.

Khi đi đến bất cứ nơi nào có đông hàng quán của người Việt, tôi cũng đều tìm vào những tiệm ăn có bán món mì Quảng để rồi vừa ăn, vừa chấm điểm trong cái nửa hồn đồ nội rằng là tô mì này so với tô mì của bà Chín Mì Quảng trong con hẻm bắc ngang đường Hai Bà Trưng với đường Phan Đình Phùng ở Đà Lạt thì còn chưa bằng. Mì Quảng ở Bolsa, mì Quảng ở San Jose, ở Sacramento, v.v., không so lại tô mì Quảng... Đà Lạt! Ngay cả lúc đi với mấy "ôn", mấy "mệ" bạn mình vào quán hứng chí gọi thử một tô bún bò Huế, món ăn mà ông bạn văn Trần Kiêm Đoàn của tôi đã long trọng nâng niu bằng hai tay, thiết tha hít hà bằng mũi, ngắm một cách trìu mến bằng mắt và ăn bằng... tâm hồn "Về Huế" của ổng, tôi thấy bún bò Huế ở đâu cũng thua cái tô bún tôi đã ăn ở cái quán lụp xụp bên cạnh bến xe Đà Lạt.

Chưa hết, khi tôi vẽ kiểu và làm cái vườn sau nhà, tôi cũng cố gắng xếp mấy cục đá bự bự chỗ này, xây cái hàng gạch cong cong đằng kia, trồng hai ba cây thông, cây dừa (Mỹ) kế bên cái sân lót gạch đỏ v.v., để cho nó giống cái vườn cái cảnh ở Việt nam _  mặc dầu hồi ở Việt nam bản thân tôi chưa có cái vườn nào cả. Trong những ngày tương đối không lạnh, tôi vẫn thích gác cẳng lắc lư trên cái võng sau nhà, để lòng lắng đọng, làm một tí tí "chiều chiều ra... nằm ngõ sau..."

Rồi đi thăm bạn bè ở đây, tôi để ý thấy đa số có vẻ cũng như tôi. Người nào có nhà có cửa rồi thì cũng lui cui làm hòn non bộ, làm cái sân lát gạch, làm những chậu kiểng, trồng dàn bầu, dàn bí... cho có vẻ Việt Nam. Và những người đang ở chung cư thì thể nào trước nhà, hoặc sau hè, cũng có cây ớt, chậu rau húng, rau thơm, diếp cá, bụi sả... để ăn (dĩ nhiên) và để thỉnh thoảng chiều chiều đứng tưới nước nhớ bụi sả, đám diếp cá, rau thơm, rau húng, cây ớt ở quê hương mình. Bởi vậy mà ở Mỹ đi tìm nhà Việt nam rất dễ, nhìn cái lối chăm sóc vườn trước, vườn sau; nhìn đám rau, bụi sả... là nhận ra liền.

Tóm lại, đại khái là khi mắt tôi vừa nhìn thấy một hình ảnh nào đó ở đây, cái máy vi tính trong tim tôi nó chạy cái ào, và chỉ trong tích tắc, nó lôi trong cái bộ nhớ kinh khiếp của nó ra rồi đẩy lên đầu tôi hình ảnh liên hệ tôi đã thấy ở quê nhà.

Tôi không thiên vị quá mức đến đỗi phải nghĩ rằng cái gì của quê hương cũng hơn ở đây. Khi đi ngang qua những đồng lúa bát ngát dọc theo xa lộ số 5 gần Sacramento, tôi nghĩ về những đồng lúa mình đã thấy ở miền Nam, ở ngoài Trung, rồi lòng thì cứ ước ao phải chi dân mình cũng có được những máy móc nông nghiệp hiện đại như ở đây để việc canh nông bớt khổ cực.

Những khi lái xe đi xa, tôi thường có ý nghĩ phải chi đường xá ở Việt Nam được mở rộng, được bằng phẳng như đường xá ở đây. Lái xe ban đêm, nhìn những miếng nhựa phản chiếu ánh sáng gắn trên mặt đường, tôi vẫn cứ phải chi đường xá ở Việt Nam cũng có gắn mấy miếng nhựa như vậy để người lái xe thấy đường.

Những buổi sáng đi làm ngang qua khúc đường có đám con nít đang cắp sách tới trường, nhìn đám con nít Mỹ tôi liên tưởng ngay đến đám con nít ở Việt nam; rồi ngó thấy chỉ sơ sơ cái trường tiểu học (hoặc trung học) thôi mà đã dãy nọ nối tiếp dãy kia trên cả một khu đất rộng, tôi nghĩ ngay đến chuyện phải chi quê hương mình cũng có được những ngôi trường khang trang như vậy để con nít Việt Nam tụi nó học cho... đã!

 

Khi nhìn thằng con mình vung vãi những chiếc xe lửa, xe cứu hỏa chạy pin đồ chơi của nó trên sàn nhà, cái chơi cái phá, tôi hình dung ngay đến những món đồ chơi tự biên tự diễn của đám con nít ở Việt Nam, rồi nghĩ phải chi tôi gởi về đó được mấy cái đồ chơi của con tôi cho tụi nó mừng.

Tôi cứ thiên vị thấy cái gì ở đây cũng không bằng, và tôi cứ "phải chi" như vậy liên miên ngày này qua ngày khác bao nhiêu năm rồi.

Cứ thế, trong đầu tôi lúc nào cũng có ý tưởng được nhìn, được thấy, được sống trên quê hương mình. Tôi ôm ý tưởng sẽ về sống ở Việt Nam từ ngày mới đến Hoa Kỳ.

Chuyện về sống ở Việt Nam có nằm trong dự tính về tương lai của tôi.  Đây là điều tôi mong ước một ngày nào đó mình sẽ thực hiện được. Ngẫm nghĩ kỹ thì thấy chướng chướng, và có vẻ vong ơn bội nghĩa với tiền nhân Huê Kỳ quốc nữa, nhưng thiệt tình là sống ở đây phần lớn tuổi đời mình rồi, đã bơi lội, tắm mát trong cái giòng linh động của đời sống tân tiến, và thụ hưởng biết bao quyền lợi của một người dân xứ này nhiều năm rồi, mà lúc nào tôi cũng cảm thấy mình như người đứng bên lề, mắt hờ hững nhìn và lòng rất ít rung động vì những gì đang xảy ra quanh mình. Từ ngày chân ướt chân ráo đến đây, và cho đến giờ này, tôi vẫn thấy tôi là người Việt đang "sống tạm" trên đất đai của "tụi Mỹ".

 

Như phần lớn những người đang mon men rón rén không dám bước dần dần đến cái tuổi "tri thiên mệnh", hoặc những người đang ở trong lứa tuổi năm bó này, tôi thường nghĩ về những điều tôi muốn hoặc dự tính sẽ làm trong tuổi về hưu của mình. Thời gian có những cái quái đản nghĩ không ra lẽ. Ngày tôi "xuân xanh", ngơ ngác như con nai vàng khè lần đầu tiên đặt bước trên lá khô xứ Mỹ, cho đến nay vèo một cú đã hơn ba mươi niên. Thời gian của quá khứ chạy nhanh như xe tám máy mới keng, số tay, đổ xăng super unleaded 92 độ. Còn thời gian trước mắt của một đời người sao thấy nó bò như xe ... bò đói.  Chậm chạp, lịch kịch, chở theo bao nhiêu niềm nỗi nặng nề, và còn có nỗi sợ hãi là lếch còn không tới nữa.

Tương tự như dự tính của nhiều bằng hữu, được biết qua những lần nghe họ tâm sự, dự tính của tôi là một ngày nào đó, lúc các con tôi đã trưởng thành _ đại khái là khi nào tụi nó học hành xong xuôi, có công ăn việc làm, tự lập rồi _ thì vợ chồng tôi sẽ dông về Việt Nam ở, sống trọn vẹn một trăm phần trăm trong nửa hồn đồ nội của mình. Lúc đó, vợ chồng tôi xấp xỉ 60 rồi, khoẻ khoắn với trách nhiệm rồi.  Tha hồ đi đâu cũng được. Tôi sẽ: "...về quê cũ nên thơ, gặp quê trong ước mơ..."

Nhưng, như mọi người, tôi thương bằng tim, làm việc bằng đầu. Khi dự kiến về tương lai, tôi suy nghĩ với sự tính toán rất thực tế về tất cả những điểm phải nghĩ đến. Tôi logic cẩn trọng và kỹ lưỡng trong cái nửa hồn "made in America" của mình rồi phải chấp nhận những lý luận nảy sinh từ nửa phần hồn này.  Quyết định nó đưa ra tôi phải làm theo vì như đã nói ở phần trước đây, khi mình không chứng minh được một điều gì đó là sai thì mình phải chấp nhận nó không trật. Có gì đi nữa thì nửa hồn đồ ngoại này nó rất... Mỹ, nó bảo vệ lo lắng cho tôi cũng chỉ vì quyền lợi riêng của nó. Tôi còn, nó còn. Tôi đi, nó tiêu diêu miền cực lạc, hoặc miền địa ngục.

Tôi đã suy nghĩ là với đà làm việc từ nhiều năm nay, giả như không có một điều bất thường nào đó xảy ra thì khi thu vén gọn gàng lại, sau tuổi 60 vợ chồng tôi có thể tương đối có được một cuộc sống không phải lo lắng về nhu cầu tài chánh cho lắm ở Việt nam. Lâu nay, lo sống và sống lo như vậy quá đủ rồi. Tôi nghĩ sẽ sống trong một căn nhà nhỏ nhỏ ở Đà Lạt, kiếm một chân dạy Anh văn ở một cái trường trung tiểu học nào đó hoặc một chân dịch thuật sách báo ở một nơi nào đó, làm việc không lương để chia với cái đám con nít hiếu học Việt Nam một chút kiến thức chuyên môn của mình. Rồi thì tôi sẽ thu xếp để ráng mà đi, mà thấy, mà sống trong cái quê hương của mình. Vợ tôi sẽ làm gì đó thì... hậu xét. Bả đã tòng phu với tôi lâu nay rồi thì tôi chắc bả cũng không cự nự  chuyện cùng tôi giang hồ trên quê hương trong tuổi già. Bả sẽ chìu ý tôi, "cho tôi về quê cũ nên thơ, cho tôi gặp quê trong ước mơ..."

Nhưng rồi câu tiếp theo trong bài hát nó làm tôi tê tái: "Hay chỉ là giấc mơ thôi""

Cái điều tôi muốn làm, muốn về quê cũ nên thơ, muốn gặp quê trong ước mơ đó, tôi có thực hiện được không, hay nó chỉ là giấc mơ thôi"

Tôi suy nghĩ, phân tích với sự tính toán rất thực tế những "điều kiện ắt có và đủ" để mình thực hiện cái chuyện trở lại sống nơi quê nhà. Trước nhất, đến lúc tôi "về hưu" đó, thể chế chính trị ở Việt Nam nó như thế nào" Ngày còn đi học, như rất nhiều chú nghé non khác, tôi từng vẽ vời nuôi chí lớn, mong "làm quan" để "giúp dân giúp nước". Đụng cú 75 lộn tùng phèo, rồi càng lớn tuổi càng mở được mắt, càng thấy được chuyện đời, tôi càng theo đạo Lão, chí lớn tôi xẹp lép. Thêm vào đó, qua những tiếp xúc, được nghe những lời tâm tình của nhiều bằng hữu cao niên đã từng "làm quan", tôi càng tiêm nghiệm được cái phù du của công danh. Từ nhiều năm qua, tôi đã dẹp mọi chí lớn chí nhỏ để thụ hưởng tận tình cái thú làm anh dân đen, rung đùi cười cợt trên những cái dổm của những kẻ loi nhoi muốn "quan" lớn, "quan" bé trong tập thể người mình. Tôi thấy làm dân quá đã, quá thú vị. Tôi thấy làm dân là sướng nhất, khoẻ nhất. Sau thời gian làm dân Mỹ gốc Giao Chỉ, tôi muốn về Việt Nam được làm dân Giao Chỉ gốc Đại Cồ Việt, hưởng thụ cái thú làm dân Việt trên đất nước Việt. Nhưng vấn đề đặt ra là làm người dân, tôi có hít có thở được cái không khí tự do khi sống trên quê hương mình; tôi có có được những cái tự do và những quyền căn bản của một người dân, như tôi đã có và đã sống trong nền tảng đó từ bao nhiêu năm nay trên đất người; hay tôi phải sống phập phồng trong âu lo" Cái máu Quảng Nam hay cãi của tôi, mặc dầu đã được khí hậu trong mát của Đà Lạt làm cho loãng ra nhiều lắm rồi, nhưng ở đây thỉnh thoảng tôi vẫn lớn họng khi gặp chuyện bất bình, chuyện trái tai gai mắt. Về quê hương sống, tôi có còn được phép và được quyền thỉnh thoảng hả họng la làng hay không, hay lại phải sợ bị đi cải tạo mà im lìm như con hến"

Tôi muốn sống ở quê nhà như một con người chứ tôi không muốn sống ở đó như một con chuột lúc nào cũng phải đề phòng, lúc nào cũng phải phập phồng vễnh tai nghe ngóng, canh chừng hiểm nguy. Tôi vẫn muốn cười cợt hả hê khi thấy chuyện dổm. Và tôi muốn sống ở quê nhà như một con người chứ không muốn về bển làm con hến.

Chừng đó không thôi cũng đủ làm cho tôi thấy rõ rằng chuyện về sống ở quê hương chưa chi mà đã nhiêu khê quá cỡ! Nhiêu khê thiệt tình!

Cái phần hồn đồ ngoại của tôi còn phân tích một điểm rất không thể không nghĩ tới được, và rất quan trọng nữa, là điều kiện y tế thiết yếu cho cái thân thể "over miles" của những người lớn tuổi. Sau chữ lão của chu kỳ một đời người là chữ bệnh. Và nói đến chữ bệnh là phải nói đến chuyện nhà thương, chuyện bác sĩ, chuyện máy móc y khoa. Mới đây, một người em của tôi sau dịp về Việt nam nghiên cứu về bệnh tim có đem qua một số hình ảnh cho thấy thực trạng của vấn đề chăm sóc y tế cho dân chúng sau mấy mươi năm "tiến bộ". Thê thảm lắm! Thê thiết lắm! Y sĩ Việt Nam bây giờ không thiếu những người có khả năng và tâm hồn, nhưng họ có giỏi và có lương tâm cách mấy cũng bó tay vì thiếu thốn phương tiện, thiếu thuốc men chữa trị bệnh nhân. Thiếu thuốc men phương tiện vì dường như những người theo chân bác Hồ chỉ thương dân khoẻ mạnh chứ không mấy thích dân bệnh. Họ chẳng thà đem ngân quỹ quốc gia ra bắt dân khoẻ mạnh đi lao động xây cái con đường mang tên bác ở tuốt luốt trên núi cho khỉ tản bộ hơn là dành tiền đó ưu tiên cho việc chăm sóc những người không còn hồ hởi phấn khởi lao động được. Thêm vào đó lại còn vấn đề chút ít tiền gì trong ngân sách y tế nó cũng đã chạy qua ngân hàng Thụy Sĩ hết rồi.

Mấy mươi năm qua, với đà tiến bộ siêu việt của ngành y khoa trong chế độ ưu việt ở Việt Nam hiện thời, tôi rất sợ cái viễn ảnh ngày nào đó phải đem cái xác thân over miles của mình vào nhà thương ở Việt Nam để tune up hoặc là để sửa chữa, thay đồ phụ tùng. Mấy bức hình người em đem về cho thấy khăn bịt mặt của bác sĩ, y tá, được phơi chung với những tấm khăn trải giường, khăn lau, bao cao su bọc tay v.v. bay phất phới trên hàng dây kẽm, ngay bên cạnh con mương lầy lội rác rưới; những bức hình chụp trong phòng hồi sinh cho thấy trên mỗi giường có hai bệnh nhân đang nằm chèo queo ... ráng hồi sinh, làm tôi thương cảm cho dân mình bốn phần mà hãi sợ cho viễn ảnh phải cần đến nhà thương ở Việt nam của tôi tới sáu phần. Ba mươi năm qua "nước ta" đã tiến bộ, thực hiện được những bước nhảy vọt xa tuốt luốt... ra đằng sau như thế; ba mươi năm tới sẽ ra sao"

Cái phần hồn "made in America" của tôi, vốn rất lo lắng bảo vệ và vốn rất gắn bó với thân xác của tôi, nó phân tách xong rồi nó nhận định chuyện trở lại Việt Nam để sống của tôi là "No way, José!". Dịch ra tiếng Việt là "Bỏ qua đi Tám!"

Cái hồn "made in America" của tôi còn phân tách. Dầu muốn dầu không gì, tôi đã hội nhập ào ào vào đời sống, vào xã hội và vào văn hóa xứ người. Những thói quen, tập quán (và nói cho xôm tụ chút đỉnh, tư tưởng nữa) của bao nhiêu năm trên xứ người chắc chắn sẽ không giúp tôi dễ dàng "tái hội nhập" vào đời sống nơi quê nhà.

 

Nhiều người ra đi năm mười năm, làm một chuyến Việt Kiều năm ba tuần trở lại Việt Nam đã rên nóng, rên bụi, rên đông đúc chật hẹp, rên thiếu tiện nghi, thiếu vệ sinh, chịu không thấu. Nhiều người khác, thâm thúy hơn và có chiều sâu hơn, rên về vật chất thì ít mà rên về vấn đề tâm linh thì nhiều, với không ít quan ngại. Một anh bạn người Nam của tôi, qua Mỹ năm 82, đã rất thật lòng qua câu nói: "tui dzề bển tui thấy tui ngu hơn họ nhiều quá. Mình ở Mỹ lâu chừng nào mình đâm ra mình thơ ngây và ngu như mấy thằng Mỹ. Mình dzề Dziệt Nam mình chơi hổng lại dzới người ở bển!"

 

Câu nói của anh bạn nghe vui vui mà chua xót, đau đớn, nói lên một thực trạng bắt buộc phải nhìn nhận là ít nhiều gì, qua bao nhiêu năm trời sống dưới một chế độ chỉ biết trị dân mà không biết dạy dân, lại còn bịp dân nữa, giá trị đạo đức trong lòng rất nhiều người dân Việt nam đã vì hoàn cảnh sống mà bị lung lay không phải ít. Nói ra có thể động chạm, và bị rầy nữa, nhưng mà cũng như rất nhiều người đã nhìn nhận, sự thật là dân mình sau này coi bộ phức tạp hơn ngày xưa nhiều lắm. Kẻ có chút quyền hành thì lộng hành. Người không quyền hành thì phải "uyển chuyển". Bên Đức, bức tường ô nhục đã sụp cả bao năm rồi mà dân Tây Đức vẫn đang điên đầu với đồng hương của họ bên Đông Đức. Giả tỉ mai mốt này đảng cọng sản Việt nam tị nạn qua... Cu Ba thì bao nhiêu năm sau đó phần tâm linh của người Việt nam mới phục hồi trở lại" Cần bao nhiêu năm mới làm phai nhạt đi cái việc trồng người tầm bậy trăm năm của ông Hồ"

Nói cho ngay, nếu chỉ bàn về vấn đề tiện nghi của đời sống thì thiệt tình là ở Mỹ nhiều năm, sống trong những tiện nghi đầy đủ, tôi trở thành loại người chịu lạnh rất dở mà lại chẳng ưa nóng nực. Mùa đông, tui lập cập than lạnh lúc mới bước lên xe. Mùa hè, ra ngoài là tôi toát mồ hôi la nóng. Mai mốt, ở tuổi 60, biểu tôi đem cái thân sáu bó của mình chọi nhau với cái nóng điên người của Saigon không có máy lạnh hoặc cái lạnh ê răng ban đêm của Đà Lạt không có máy sưởi, nói thẳng ra là tôi thấy không hấp dẫn lắm lắm. Tuy nhiên, nóng lạnh là... bệnh của Trời. Có muốn đổi cũng không đổi nỗi nên tôi nghĩ mình chấp nhận được. Về nước, mình nóng toát mồ hôi riết rồi mình quen, tự nhiên sẽ thấy... mát theo lối "nắng Saigon anh đi mà chợt mát"; còn mình lạnh thì mình ráng quấn thêm cái mền, bận thêm hai ba cái áo, hoặc đem hai cái thân 6 bó của mình với vợ ra mà ca bài "em ơi, nép vào lòng anh...", thì chắc cũng ấm áp phần nào. Còn bụi bặm, chật hẹp, thiếu tiện nghi... là chuyện nhỏ! Điều mà tôi nghĩ là mình sẽ chịu không nỗi, sẽ không cách nào đối phó được, là mình sẽ bị kỳ thị trên chính quê hương mình. Tôi sẽ là "Việt kiều" trong mắt hàng xóm, bà con láng giềng. Việc được ra nước ngoài, "được sống đầy đủ, dư thừa, đô la trên cây cứ thò tay mà lấy"... trở thành một cái "tội" khó chối cãi; và dầu cho tôi có tế nhị như thế nào đi nữa, có cố gắng sống hòa mình thế nào đi nữa, thì đối với bà con hàng xóm láng giềng, tôi cũng vẫn sẽ là Việt kiều, chứ không phải là người Việt như họ. Tôi sẽ là "đối tượng" của phân bì, của kèn cựa soi móc, hoặc của ganh ghét tị hiềm.  Anh công an _  nói dại miệng, nếu lúc ấy còn công an!_  sẽ ghé thăm tôi, hỏi thăm "hao-a-ru" một phát, mời tôi đến trụ sở "đi-nàm-thủ-tục-đầu-tiên" một phát. Bà bán quần áo sẽ tính giá đặc biệt "bớt" cho Việt kiều một tí, giảm giá cái áo len từ ba trăm ngàn đồng "xuống" còn chỉ có sáu trăm ngàn. Rồi nếu răng long tóc bạc phải đi thăm các ông các bà nha sĩ thì họ cũng sẽ vì tình nghĩa mà tính giá đặc biệt, "on sale", nhổ một cái, tính giá... nguyên hàm!

 

Mình sống trên quê hương mình mà đi đâu mình cũng thấy mình được đối xử như một anh Mán mới ở núi xuống thì thiệt đau lòng.

Thêm vào đó, cái nửa hồn "made in America" nó còn quơ tay quơ chân chỉ cho tôi thấy là chính cái thân cây tôi cũng đã mọc được rất nhiều cành, rễ, sau bao nhiêu năm ở xứ này. Các con tôi đã sinh ra và lớn lên ở đây, tụi nó như trái chuối, vàng ngoài trắng trong, thương ham-bơ-gơ hơn thương phở. Bắt tụi nó "thương" cái xứ Việt Nam tụi nó chưa hề thấy, "về" cái nơi tụi nó chưa hề đặt chân tới để sống là điều không làm được. Rồi đây, mai mốt tụi nó sẽ lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái, vợ chồng tôi sẽ có cháu nội cháu ngoại. Như những ông những bà bạn cao niên hơn mình hiện giờ, vợ chồng tôi cũng sẽ gần con gần cháu thì điên cái đầu mà sống xa tụi nó lại thương nhớ chịu không thấu. Tôi là đàn ông mà còn cảm thấy vậy rồi huống chi vợ tôi. Rồi còn anh em họ hàng bằng hữu ở xứ này nữa. Chuyện về Việt Nam sống coi vậy chớ cũng kẹt. Bứng cây non đi cấy nơi khác thì còn làm được. Dời một cây "trung thụ" mấy mươi năm đem trồng nơi khác coi bộ không dễ dàng. Đem cả cành lá rễ theo thì không đem được, mà chặt hết rễ lá cành thì cây không sống đặng _  hoặc sẽ sống chơ vơ như cây cột đèn vô tri vô giác.

 

Tôi suy nghĩ tất cả những điều kiện ắt có và đủ đó rồi, tôi thấy rất rõ ràng một điều rất thực là mình, cũng sẽ như nhiều người khác, sẽ chẳng bao giờ trở lại để sống trọn vẹn trên quê hương của mình. Việc trở về để sống, thực tế, "chỉ là giấc mơ thôi!"

Nó chỉ là giấc mơ thôi không những đối với riêng một mình tôi, mà cũng chỉ là giấc mơ thôi đối với bao nhiêu người khác nữa. Nhất là với những bằng hữu lớn tuổi mà tôi có duyên được quen biết rồi thành thân thương. Những người tôi gọi bằng bác, chú, hoặc những người tôi gọi bằng anh, chị cho thân mật, mặc dầu tuổi họ hơn tôi có đến một hai giáp.

Hình như càng lớn tuổi, tôi càng hay suy nghĩ đến và càng cảm thông hơn với những ông già bà cả này. Tôi thường hình dung đến họ khi dự kiến về tương lai. Tôi nghĩ đến cái dây lòi tói kết bằng những sợi tơ hình ảnh quê hương của mình. Mười tám năm thôi, không là bao nhiêu cả, mà đã bền bĩ, níu kéo không rời. Còn sợi dây của những người thân, bằng hữu, có đến mấy chục năm hay là gần trọn cuộc đời họ ở quê hương. Làm sao họ sống ở đây mà không bị cái hồn "made in Vietnam" của họ làm cho ngầy ngật, lơ tơ mơ đêm ngày" Làm sao họ chịu cho thấu" Tôi "may mắn" chỉ sống trên quê hương thời gian chưa là bao, và ở đây tôi còn ham hố bon chen sống, còn lu bu với công việc của mình; ở đây tôi xoay xoay chạy nhảy trong cái hồn "made in America" rất nhiều giờ trong một ngày, mà tôi còn điêu đứng, huống chi là những người thân, bằng hữu lớn tuổi này. Tôi liên tưởng đến những khuôn mặt đã có nhiều nét thời gian của bằng hữu lớn tuổi hơn mình, tôi nghĩ đến ánh mắt đã chứng kiến biết bao đau thương của những bằng hữu cao niên, rồi tôi nghĩ đến ước mơ của họ, ước mơ không khác gì với ước mơ của tôi, một ngày nào đó sẽ có cơ hội được về sống trên quê nhà; tự nhiên tôi thấy xót xa. Bên cạnh những lần gặp gỡ tay bắt mặt mừng, bên cạnh những nụ cười, lời nói tếu lúc họp mặt, thăm viếng, tôi biết lòng họ còn nặng nề hơn tôi rất nhiều mỗi khi lắng đọng suy nghĩ về quê nhà. Lúc họ lủi thủi ở vườn sau, sân trước, khi con cái họ đã đi làm, đi học, hoặc đã rời xa, tôi đoán là họ còn ngật ngầy trong hình ảnh quê hương gấp trăm lần tôi. Ngay giờ phút này, trong không khí Tết gượng gạo của những người Việt tha hương trên đất Mỹ, trong những căn nhà ở Elk Grove, ở Rancho Cordova, ở Carmichael; trong những chung cư ở khu đường số 5, ở đường 47, hay ở khu "cư xá sĩ quan cải tạo" Shade Tree, có bao nhiêu bằng hữu của tôi đang quay quắt nhớ về quê hương" Có bao nhiêu bằng hữu lớn tuổi hơn tôi đang nghĩ đến chuyện một ngày nào đó sẽ về sống ở quê nhà" Và có bao nhiêu bằng hữu đang tư lự, suy nghĩ những điều tôi đang suy nghĩ, rồi bùi ngùi, xót xa, như tôi đang xót xa, bùi ngùi, nhận ra rằng việc trở về sống ở quê hương mình nó chỉ là giấc mơ thôi!

Nó chỉ là giấc mơ thôi, như giấc mơ làm loài cá hồi (cá salmon) mà tôi đã có lần nghĩ đến cách đây nhiều năm. Cá salmon sanh ở nguồn, lớn lên ra biển sống, rồi bất chấp mọi ghềnh thác ngược dòng trở về để đẻ trứng, cấy giống, rồi chết, thân xác lở loét bên giòng.

Điều đó vẫn canh cánh bên lòng tôi. Đôi khi, trong những tháng 11, 12, tôi vẫn thường ra đứng bên bờ sông American River, gần đập nước Nimbus Dam, nhìn xác thân trầy trụa lở loét của những con cá Salmon đang dập dình theo sóng nước tấp bên bờ mà thương cảm, xen lẫn chút kính phục, ngưỡng mộ. Nhưng rồi khi nghĩ đến việc trở về quê hương để sống của chính bản thân mình, tôi biết không bao giờ tôi dám bắt chước loài cá Salmon. Cá Salmon ngon lành dám can đảm bất kể thác ghềnh quay về nơi chôn nhau cắt rốn (") của nó, rồi chết, tại vì nó hơn tôi cái chỗ không có những suy tính phức tạp của một con người. Cá Salmon nó dám ngon lành chơi bạo tại vì nó là... con cá. Tôi đứng bên bờ sông, tôi nhìn thân xác rã rời của nó, vì... tôi là con người. Một con người Việt Nam đang ôm giấc mơ trở về nguồn cội của mình. Trong đầu con cá Salmon không biết có gì không chứ còn trong đầu tôi ngoài cái nửa hồn "made in Việtnam" thôi thúc tôi trở về còn có cái nửa hồn "made in America" ôm cứng, giữ chặc, kéo cẳng tôi lại, bắt tôi sống cho hết cuộc đời của một người Việt trên đất Mỹ.

 

* ** *

Nơi tôi làm việc nằm ngay trên đường Stockton Boulevard.  Ngày nào có công việc tôi cũng phải lái xe chạy lên chạy xuống cái trục lộ tập trung các sinh hoạt Việt nam này ít nhất vài ba lần. Tôi đoán là cũng như tôi, những người Việt khác _  nhất là những bằng hữu cao niên hơn mình _  khi đi trên con đường này đều thấy hiện tại và tương lai của một đời người nó rất rõ nét ngay ở góc đường Stockton với đường Lemon Hill. Bên này là chợ Vĩnh Phát, buôn bán các thứ cần thiết và gần gũi nhất với sự sống là thức ăn, gạo, mắm, thịt, cá; còn phía bên kia đường là nhà quàn và nghĩa trang Sacramento Memorial Lawn, nơi mà người bạn văn của tôi là Nguyễn Hàn Thư đã rất văn chương phụ đề Việt ngữ ra thành "Khu Chung Cư Vĩnh Cữu". Cái bon chen, sôi động, của một đời người mong được vĩnh phát rất cận kề với cái hiển nhiên, tĩnh lặng của sự vĩnh cữu. Vĩnh cữu là là muôn niên, đương nhiên sẽ đến. Vĩnh phát là tính toán, là tạm thời, là mong mỏi.

Sáng nay, tôi thấy rất rõ nét, qua mấy câu thơ được sửa lời, điều mình đã mơ hồ trong đầu, điều mình sợ hãi, là với tất cả phân tách và suy tính của lý trí trong cái nửa hồn "made in America", những "thoáng quê xưa, ... quê cũ nên thơ, ... gặp quê tôi ước mơ" rốt cục, rất thực, "chỉ là giấc mơ thôi", và giấc mơ này đang chết trong tôi. Theo ngày tháng, theo thân xác càng ngày càng thêm miles của mình, "quê nhà đang chết trong tôi" _  Nói đúng hơn, dự tính một ngày nào đó sẽ về sống một trăm phần trăm, sống trọn vẹn là người Việt chứ không phải là Việt kiều nơi quê hương mình, đang rất thực và rất đau xót úa tàn theo cái thân xác over miles của mình. Tôi sẽ phải đành đoạn chấp nhận thực tế. Và tôi sẽ phải "nghe lòng tiếc nuối, nhớ thương suốt đời" suốt phần đời còn lại của mình.

Cái xe thời gian còn lại của cuộc đời tôi do con bò đói nheo lòi be sườn kéo đi đang lịch kịch, lịch kịch tiến tới. Tôi đang ở tuổi trung niên. Các con tôi sẽ lớn. Nếu Trời Đất thương, tụi nó sẽ nên người, sẽ có gia đình sinh con đẻ cái. Và nếu Trời Đất thương, vợ chồng tôi sẽ đến cái tuổi cao niên như những bằng hữu cao niên mà mình đang có. Các con tôi sẽ có cuộc sống riêng tư của tụi nó, rời xa. Tôi với bà xã sẽ như nhiều bằng hữu lớn tuổi hơn mình bây giờ, lẩn quẩn sân trước vườn sau "cố gắng vui lên mà sống, tô lên đôi môi nụ cười" làm người Việt tạm cư... vĩnh viễn trên đất Mỹ. Mỗi năm trong thời gian đang tới, tôi sẽ tiếp tục như đã tiếp tục từ ngày rời quê hương, chơi vơi trong cảm giác cô đơn của người đứng bên lề lạc lõng nhìn những nhộn nhịp của ngày lễ Giáng Sinh, Tết tây ở đây. Rồi trong cái tĩnh lặng của những ngày tháng Giêng, tôi sẽ tiếp tục, như đã tiếp tục từ ngày đặt chân tới xứ này, gượng gạo tay bắt mặt mừng với anh em bằng hữu mà lòng buồn thiu đón cái Tết ta đang tới.

Tôi sẽ nhớ thương suốt đời những gì tôi không thể thực hiện được.

Tôi sẽ mãi mãi thương đau trong cái nửa hồn "made in Vietnam".

 

Một ngày nào đó, gần xa chưa biết, tôi cũng sẽ như những bằng hữu thân thương cao niên hơn mình, nằm xuống. Thân xác tôi có lẽ sẽ nằm trong Khu Chung Cư Vĩnh Cữu, nửa hồn "made in America"của tôi sẽ tiêu diêu miền cực lạc (hay chốn địa ngục), mất hút. Còn cái nửa hồn đồ nội của tôi, cái nửa hồn "made in Vietnam" của tôi, sẽ lây lất, vất vưởng bên chỗ tôi nằm. Tôi sẽ mãi mãi đau thương vì không bao giờ còn được về sống như một người Việt trên quê hương mình.

Sáng nay, lúc đứng tắm, ứ ứ ư ư bài hát Nửa Hồn Thương Đau được sửa lời, "Nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng quê xưa _  Cho tôi về quê cũ nên thơ _  Cho tôi gặp quê trong ước mơ...";  ứ ứ ư ư đến đoạn "hay chỉ là giấc mơ thôi _  Quê nhà đang chết trong tôi_  Nghe lòng tiếc nuối, nhớ thương suốt đời", trong ý nghĩ đó tôi đã buốt lạnh, ứa nước mắt.

Nguyễn Thượng Đức

_________________________________

(Những câu in trong ngoặc kép được mượn từ thơ/nhạc của Thanh Tâm Tuyền, Phạm Đình Chương, Đặng Thế Phong, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trần Thiện Thanh, Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Vũ Thành An.)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,009,966
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến