Hôm nay,  

Tại Sao Không?

24/02/200800:00:00(Xem: 234373)

Tác giả: Anne Khánh-Vân

Bài số 2231-1620808-vb7230208

*

Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, Anne Khánh Vân hiện sống và làm việc cho một công ty quốc tế tại miền Đông Hoa Kỳ. Cô  là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 và chỉ trong 10 ngày đã hoàn tất mọi giấy tờ đưa được ba má đang còn ở Việt Nam qua Mỹ theo thủ tục khẩn cấp để kịp dự họp mặt phát giải thưởng Việt Báo. Trong bài viết mới có tin vui vừa nhận quốc tịch Mỹ. Chúc mừng và mong tiếp tục viết.*

Hai ngày trước ngày lễ Valentine, Virginia và những vùng lân cận rối rít đi bầu. Sáng ấy, trước khi đến sở làm, tôi có lớp học lúc 8 giờ. Trên ngực thầy giáo khi vào lớp đã thấy dán dấu hiệu, "Tôi đã đi bầu." Vậy là ông thầy đã phải có mặt ở văn phòng bầu cử từ 7 giờ để có thể bầu xong là đến được lớp dạy đúng giờ.

Chiều tối hôm ấy, nhiệt độ càng lúc càng xuống thấp -dưới 20 độ F. Đường xá đóng băng. Tai nạn xảy ra liên tục trên những trục lộ chính. Nhiều người đi bầu giờ chót. Thế là xe nối đuôi xe cùng... kẹt!

Sau hơn hai giờ nhích nhích xe từng chút, tôi về được nhà. Điện thoại nhà có vài tin nhắn; ngạc nhiên thay, có tiếng của ngài John McCain. Thượng Nghị Sĩ John McCain khuyến khích và cảm ơn mọi người dân hãy cố gắng đi bầu vì thời tiết hôm ấy rất xấu.

Hừm, xứ Mỹ ngộ thiệt! Từ hôm qua, người giám đốc của Humain Resources trong sở làm tôi đã email cho toàn thể nhân viên nhắc 'dù bận bao nhiêu vẫn nên dành thời giờ đi bầu'. Nội dung email còn kèm phần giải thích các đảng và những ai là ứng cử viên...  Sáng nay ông ta lại gửi email nhắc thêm một lần nữa. Rồi bây giờ lại nghe tiếng TNS John McCain trong điện thoại - khuyến khích mọi người đi bầu. Dĩ nhiên khi làm thế, ngài J.McCain đã chiếm được cảm tình của những ai nhận được điện thoại của ông và có thể nhờ vậy mà ông ta sẽ có thêm nhiều phiếu...  Nhưng điều ấy cũng đã đồng thời cho thấy giá trị của từng lá phiếu quan trọng ra sao.

Người Mỹ rất biết xử dụng mọi thứ quyền của họ. Bà hàng xóm người Mỹ của tôi, tuy đã ngoài 70, bà vẫn hàng ngày đọc báo, theo dỏi tin tức và chưa một lần bầu cử nào mà bà vắng mặt, từ ngày bà có quyền đi bầu. Bà trả lời vui lắm khi tôi hỏi, "Nếu trong những ứng cử viên, không có người nào bà thích thì bà làm sao, có vẫn đi bầu không""

"Oh, dĩ nhiên là tôi sẽ vẫn đi bầu chứ! Không được bầu người mình thích nhất thì tôi sẽ bầu người mình ghét ít nhất. Không đi bầu, để cho người mình ghét nhất được đắc cử thì còn tức hơn."

Bà hàng xóm có lý. Tôi sẽ bắt chước bà ta.

Phụ nữ Việt Nam mình thường ít quan tâm đến chính trị, nên thường rụt rè, e ngại và ít khi đi bầu - lý do chính chỉ là vì chẳng biết chọn ai. Nhưng các cô, các dì ơi, tại sao không chọn người nào mà các chú bác và các anh trong nhà thích...  Đi bầu, lá phiếu khi ấy sẽ không phải là mình ủng hộ các ứng cư viên tổng thống hay dân biểu xa lạ, mà là ủng hộ người cha, người chồng hay anh em trong gia đình của chính mình. Các chú, các bác trai sẽ cảm thấy họ thật "oai", nhưng mình cũng sẽ "oai" không kém vì đã có dịp nói lên tiếng nói của mình. Ngoài ra đó còn là dịp các chú, các bác trai phải "nịnh" mình để mình bầu phe của họ...

*

Những tuần cuối năm, như hàng năm, mọi người trong sở làm tôi nhận được email của ngài CEO cho biết chúng tôi sẽ được "review" cuối năm - dựa vào review đó chúng tôi sẽ biết số tiền thưởng cuối năm và mức lương cho năm mới ra sao. Trong email ấy, ngài CEO cho biết cấp trên nào sẽ "review" cấp dưới nào, và ông giải thích rõ cách chấm review cho từng lãnh vực.

Đọc xong email, cuối ngày ấy tôi gửi lại cho ông một email dài dòng:

"Thưa ngài CEO,

Đọc xong email của ông, tôi có thắc mắc này, xin mạn phép chia sẻ với ông.

Chuyện cấp trên review cấp dưới là chuyện...  đương nhiên. Tôi chỉ thoáng nghĩ phải chi các cấp trên cũng được nhận review của các cấp dưới thì hay biết mấy. Cũng giống như ở các trường đại học mà tôi thấy; cuối mỗi khóa học, không phải chỉ thầy cô giáo mới được phê điểm cho kết quả học tập của chúng tôi mà phận học trò sinh viên cũng được quyền 'chấm điểm' khả năng giảng dạy và tư cách của thầy cô giáo. Cách chấm điểm ấy rất trung thực, và người chấm sẽ vô cùng thoải mái vì được chấm điểm dưới hình thức vô danh, tương tự như đi bầu. Tôi yêu nước Mỹ và hiểu sức mạnh nước Mỹ nhờ tự do dân chủ mà có.

Có thể ông sẽ thấy đề nghị của tôi hơi tức cười, nhưng tôi nghĩ các cấp trên cũng xứng đáng được nhận review từ các cấp dưới, nhất là khi cấp trên ấy có khả năng điều khiển thật tốt, luôn làm hài lòng mọi nhân viên và kết quả là hàng ngày chúng tôi làm việc với hiệu xuất cao; và khi các cấp trên này được cấp trên của họ xem review của chúng tôi và khen thưởng thì họ sẽ càng duy trì tốt công việc."

Ngay ít phút sau khi gửi email đi, tôi nhận được trả lời của ngài CEO. Ông ta chen cái mặt cười vào email và viết, "Ý kiến của cô rất hay. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi rất thích vì nó hữu ích, nhất là cho các cấp điều hành của chúng ta. Tôi sẽ cho áp dụng kiểu 'review...  ngược' này vào review hàng năm của chúng ta từ nay trở đi."

Hôm sau, tôi chuyển thư trả lời của ông CEO cho các bạn trong nhóm đọc và nói đùa  "Này tụi bây, vậy là hơn 30 ngàn nhân viên của hãng mình từ nay sẽ được quyền chấm điểm cấp trên. Oai không""

Bọn chúng đọc email xong thì la toáng lên, "Sao mày gan dữ vậy mảy" Dám viết thế cho ông CEO à""

Sự thật thì tôi cũng chẳng phải là gan lì gì. Tôi chỉ bắt chước người Mỹ: nên sử dụng những quyền mình được phép - Lên tiếng khi cần thiết!

Chẳng qua, chuyện là thế này. Vài tuần trước đó, trong buổi dạ tiệc Giáng Sinh cuối năm, cấp trên của tôi đã cho tôi một ngạc nhiên lý thú.

Chuyện khởi đầu từ hồi tháng Tám khi tôi xin nghỉ vài ngày để bay sang Cali dự lễ phát thưởng Viết Về Nước Mỹ. Vì tháng ấy nhiều người đang nghỉ hè, mình không xin nghỉ từ nhiều tháng trước mà đột xuất xin nghỉ thì sẽ làm công việc xáo trộn. Để không bị từ chối, tôi đã phải nói thật về giải thưởng và cho biết nó quan trọng ra sao, nhất là khi có cả sự hiện diện của ba mẹ từ Việt Nam sang để có mặt cho buổi lễ phát thưởng. Cấp trên đã vui vẻ cho tôi nghỉ và trước ngày nghỉ còn chúc tôi may mắn trúng giải Chung Kết. Chuyện tưởng xong rồi thôi. Nào ngờ trong buổi dạ tiệc cuối năm, khi ngài Tổng Giám Đốc tóm lược những thành quả của công ty trong năm qua, ông ta đã kể ra những thành tích nổi bật của từng bộ phận, cá nhân...  và tôi cứ tưởng mình nghe nhầm: Gì mà...  Anne Khánh-Vân, Writing on America, mười ngàn đô la, rồi VietBao Daily News...  Tiếp theo đó là những tiếng "oh oh... " và mọi người hướng  về phía tôi, vỗ tay.

Được yêu cầu có đôi lời kể về chuyện giải thưởng, tôi bất ngờ quá, không kể được gì, chỉ đứng lên nói cảm ơn và hẹn sẽ email cho mọi người chi tiết vào thứ 2 tới khi trở vào làm việc.

Chính người cấp trên trực tiếp của tôi là đầu dây mối nhợ. Cô ta đã kể cho ngài Tổng Giám Đốc biết chuyện giải thưởng Viết Về Nước Mỹ khi họ có buổi họp tổng kết cuối năm. Tôi ngạc nhiên quá vì thành quả này chẳng liên quan gì đến công việc của sở, vậy mà cũng được xem là quan trọng và tuyên dương...

Cô cấp trên cười thích thú nói với tôi, "Không liên quan đến công việc thì càng phải nói cho mọi người biết vì không phải ai cũng có 'tài...  tay trái' như vậy...  Hãy gửi câu chuyện trúng giải của cô cho mọi người cùng đọc."

Xứ Mỹ thật hay! Họ biết trọng tài, dù tài ấy có nhỏ chút xíu. Họ luôn khuyến khích mình phát triển tiềm năng.

Như lời hứa, sáng thứ hai khi trở vào làm việc, tôi đã email cho mọi người trong công ty kể lại sơ sơ giải thưởng Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo và  kèm theo bản Anh ngữ câu chuyện "Duyên Nợ Với Nước Mỹ" mà tôi  từng gửi cho văn phòng ngài Thượng Nghị Sĩ Jim Webb và bà dân biểu Loretta Sanchez khi làm giấy tờ xin visa cho ba mẹ vào Mỹ.

Bài gửi đi,  vài ngày sau, tôi đã nhận được nhận xét của nhiều bạn đồng nghiệp. Có người đích thân đến phòng làm việc của tôi để nói lên cảm xúc của họ, khi mặt mũi  còn... tèm lem. "Câu chuyện của mày cảm động quá, tao khóc ròng nãy giờ...  nhưng chuyện rất có hậu, nên tao lại cười."

"Tao cũng đã khóc sướt mướt khi viết kể lại câu chuyện ấy. Mọi người trong gia đình tao đều không cầm được nước mắt khi nhớ lại mọi sự việc. Tao thương nhất, nhớ nhất là bà nội tao...  Giờ này có lẽ bà đã hài lòng." Tôi nói.

Vài tuần sau, ông CEO mắt mũi cũng đỏ hoe...  sang phòng làm việc của tôi và cũng nói những lời tương tự.  Ông ta xin lỗi vì bận quá nên mãi hôm ấy mới đọc và nói nhỏ thêm với tôi, "Cô biết không, gia đình tôi gốc Đức. Cha ông tôi cũng đã rất nhọc nhằn những ngày tháng đầu mới sang cái đất này, nhưng so với chuyện gia đình cô thì chẳng nhằm nhò gì. Câu chuyện nhắc nhở người Mỹ phải quý cái họ có. Hàng ngày cứ quá bận rộn với công việc, quên đi rằng họ đang được hưởng giá trị của tự do, giá trị của nhân quyền...  mà những người dân ở nước khác không có. Câu chuyện của cô  đánh thức tôi và cho tôi biết nhiều người đã đánh đổi mạng sống của họ để đến được bến bờ tự do này."

Ôi thôi, tôi chỉ biết ngậm ngùi, gật gù cảm ơn. Cứ nghĩ bản dịch sẽ không thể nào thể hiện rõ tâm tình và cảm xúc của câu chuyện chính xác bằng tiếng mẹ đẻ; dè đâu cũng không đến nỗi nào. Ông CEO mắt mũi xụt xùi nhưng tôi thì lại vui thầm trong bụng. Nhờ những giọt nước mắt từ một người đàn ông như ông, tôi thấy được giá trị của từng thứ mà gia đình tôi, cũng như biết bao gia đình gốc Việt khác đã trải qua, trên con đường tìm đến tự do.

Câu chuyện ngoài lề mà tôi đã dài dòng chỉ là để giải thích lý do mà tôi đã dám cả gan yêu cầu ngài CEO để cấp dưới được quyền nhận xét về cấp trên trong review cuối năm. Đã biết chúng tôi sẵn sàng trả giá cho tự do ra sao, tôi tin là ông ta sẽ hiểu trước việc sử dụng quyền tự do của mình. Kết quả là ông ta đã nhanh chóng vui vẻ vui vẻ...  chìu lời đề nghị của tôi mà thôi. Nếu không sẽ...  mất mặt cho nước Mỹ quá. Tin rằng ông CEO đã rất thành thật khi nhận lời đề nghị; tôi chỉ đùa khi nghĩ mình đã đưa ông vào thế kẹt... không thể từ chối.

Chẳng qua là vì tôi đã chứng kiến một số bất công, thiên vị, kỳ cục của một số cấp trên đối xử với nhân viên của họ. Tôi mong mọi nhân viên bị trù ém đều có cơ hội sử dụng quyền lên tiếng của họ  khi được sống ở một đất nước tự do. Làm việc giỏi thì ai cũng nên được khen. Làm không đúng thì dù có là cấp trên, các vị ấy cũng cần phải biết họ không được nhân viên hài lòng và cấp trên của chính các cấp trên này cũng cần biết để quyết định có nên tiếp tục duy trì chức vị của người ấy không. Đây cũng là một hình thức bầu cử đấy chứ.

*

Được nói lên tiếng nói của mình mà không kiêng dè, sợ sệt là điều vô cùng quan trọng. Có những người than phiền rằng họ nói mà không ai nghe, họ với mà chẳng bao giờ có bàn tay ai đưa ra nắm lấy tay họ. Nhưng con người nhiều khi cũng kỳ, mâu thuẫn với chính mình. Không có, chưa có được cái mình muốn thì không ngừng than thở; khi có rồi thì lại quên mất cái mình được và rồi với thời gian, mọi thứ lại trở nên tầm thường; có khi mình lại than phiền về cái mình đã từng mong muốn.

Tôi thường nghe người nhà càu nhàu khi các cơ sở thương mại, hoặc các tổ chức chính phủ làm cuộc thăm dò survey bằng cách gọi điện thoại, gửi thư bưu điện hay thư tín email,...  để nghe được tiếng nói của từng khách hàng, từng người dân,...  để họ có cơ hội cải thiện, nhằm tiến bộ hơn. Vậy mà phần đông chúng ta luôn bực mình và than phiền bị các hoạt động thăm dò ý kiến này làm phiền; và biết bao nhiêu lá thư trả lời không cần dán tem - chỉ cần cho biết ý kiến, cứ bị xé bỏ.

Tôi nhớ lại một sáng Chủ Nhật cách đây 14, 15 năm trước, khi mới bắt đầu sống ở Pháp. Vừa vào phòng xem tivi, tôi thấy hiện trên tivi một hình múa rối đang lắc lư...  "Ủa, mà sao người rối này nhìn giống đương kim Tổng Thống quá vậy" Chương trình gì đây"" - Tôi hỏi mấy người bạn đang ngồi xem.

"Là chương trình Guignol - Rối." - Người bạn Pháp trả lời.

"Trời đất, sao dân Tây gan cùng mình vậy" Dám đem các ông lớn ra chế giễu công khai thế sao" Không ngán ngồi tù ha"" - Tôi nửa đùa, nửa thật nói với chúng bạn.

Người bạn Pháp giải thích tiếp rằng nếu Tổng Thống mà phạm lỗi thì người dân có cả quyền bãi chức ông ta, vì vậy chuyện chế giễu sơ sót của các ông lớn là chuyện rất bình thường.

Tôi bắt đầu nhận thức được thế nào là tự do ngôn luận, tự do nói lên tiếng nói của mình và ý nghĩa thực sự  của dân chủ, từ sáng Chủ Nhật ấy.

Trong phỏng vấn vào quốc tịch, một câu hỏi mà tôi hoàn toàn không chuẩn bị, đã được hỏi:

"Có được quốc tịch Mỹ, việc đầu tiên cô sẽ làm là gì""

Tôi nhìn người phỏng vấn giây lát và trả lời: "Tôi sẽ đi bầu ngay kỳ bầu cử Tổng Thống sắp tới."

Một lá phiếu có thể quyết định người sẽ làm Tổng Thống nước Mỹ. Mình "oai" vậy, tại sao lại không thích"

Một anh bạn trong hướng đạo, khi trò chuyện đã nhắc lại lời của người bạn đã giúp anh ta thôi ray rứt giữa những gì phải làm cho "tổ quốc" và "đất nước". Hai danh từ ấy thật sự có sự khác biệt mà chính tôi cũng không để ý cho đến khi nói chuyện với anh bạn.

"Mỗi người có thể có nhiều đất nước - là những nơi mình đã từng hoặc đang sinh sống, nhưng tổ quốc thì chỉ duy nhất một mà thôi - đó chính là quê hương xứ sở cội nguồn, nơi cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình sinh ra và lớn lên. Nếu chúng ta không hay chưa thể làm gì được cho tổ quốc thì phải cố gắng làm tròn bổn phận, đóng góp chút ít gì đó cho đất nước mình hiện đang sinh sống, vì nơi đó - thành thật mà nói thì - là nơi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của mình."

Tôi thì...  chắc chưa đóng góp được gì nhiều cho đất nước Mỹ này, vì tôi còn chân ướt chân ráo. Chỉ xin, trước hết, tạm làm tròn bổn phận mà cũng chính là sử dụng quyền dân làm chủ của mình.

Đây sẽ là lần đầu tiên trong đời tôi được đi bầu Tổng Thống. Tôi chưa từng được bầu tổng thổng ở tổ quốc tôi thì tôi sẽ bầu tổng thống cho đất nước nơi tôi đang sống. Không phải người dân ở bất kỳ đất nước nào cũng có quyền đi bầụ. Tôi may mắn hơn họ. Tại sao không đi bầu" Tôi sẽ đi bỏ lá phiếu của mình, dù ngày bầu cử sắp tới đường xá có đông đá như hôm nay, ngày bầu sơ bộ chọn ứng viên Tổng Thống.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,679,638
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến