Hôm nay,  

Giữ Lấy Mùa Xuân

09/02/200800:00:00(Xem: 168781)

Tác giả: Anthony Hung Cao

Bài số 2219-2011-784vb8100208

(Bài Viết Về Nước Mỹ năm 2007)

*

Tác giả tự sơ lược tiểu sử: 38 tuổi, cư dân Nam California, công việc: nha sĩ, đang hành nghề tại Costa Mesa. Bài đầu tiên của Anthony Hung Cao viết về nước Mỹ là "Con Búp Bê", một câu chuyện cho thấy tấm lòng của người viết: nhìn con trẻ hạnh phúc tại Mỹ, nhớ những tuổi thơ bất hạnh ở quê cũ. Bài viết thứ tư của ông lần này là một truyện ngắn với nhân vật gốc Việt trên một chuyến bay bị không tặc.

*

 Những lúc ngồi một mình trên hàng ghế chờ đợi ở phi trường như hôm nay, Sơn thường tìm một việc gì đó để làm cho thời gian trôi qua mau. Khi thì anh đọc một quyển sách, lúc thì nghe những bản nhạc yêu thích từ chiếc máy i-pod nhỏ... Từ lúc được thăng chức lên làm giám đốc điều hành chuyên về nghiên cứu thị trường và mở rộng hệ thống khách sạn nổi tiếng nhất nhì thế giới này ra nước ngoài, Sơn thường phải xa nhà ít nhất hai tháng một lần cho những chuyến đi công tác. Sau những ngày bận rộn với hành khách vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh và cuối năm, hôm nay phi trường Mazatlan trở lại nhịp độ sinh hoạt bình thường. Chỉ còn không bao lâu nữa là Tết đến. Sơn nhớ có một lần vào dịp Tết ở quê nhà khi Sơn còn bé, Sơn được mẹ dẫn đến chùa để xin lễ Phật đầu năm. Lúc đó cậu bé Sơn không lo nhớ những lời mẹ đã dặn dò trước ở nhà để khấn nguyện khi lên chùa, mà Sơn chỉ chờ dịp lúc mẹ không để ý để trốn ra ngoài, mon men la cà gần những ông thầy bói đang ngồi rải rác gieo quẻ đầu xuân cho những khách vãng lai dưới những tàng cây được trồng xung quanh ngôi chùa cổ kính. Sơn thường tò mò muốn biết tại sao những ông thầy bói này có thể đoán vanh vách vận mệnh tương lai của những người dù mới gặp họ lần đầu. Trong ánh nắng rực rỡ của mùa xuân, những làn gió nhẹ quyện cùng khói trầm hương tỏa ngát, tiếng chuông chùa thỉnh thoảng ngân nga xen lẫn tiếng gõ mỏ đều đều và những âm thanh vang lên từ những ống xin xâm cùng tạo nên một hình ảnh thật khó quên của những ngày đầu xuân. Xen lẫn trong tiếng trống múa lân là tiếng la hét của đám trẻ con chơi lắc bầu cua và bao nhiêu trò vui chơi khác tạo nên những âm thanh mùa xuân thật khó quên mà bất cứ ai cũng có thể tìm thấy được ở một làng quê nào đó của đất nước vào những ngày Tết.

"Cháu đi với ai mà lang thang ở đây một mình vậy""

Sơn chợt giật mình vì giọng nói cất lên từ một ông thầy bói. Ông ngẩng đầu lên hỏi Sơn sau khi xem xong cho một người khách vừa rời khỏi chỗ ông. Cặp mắt kiếng đen trên khuôn mặt khắt khổ của ông khiến trí óc non nớt của Sơn nghĩ rằng chắc có lẻ ông bị mù vì phần lớn những câu chuyện khi Sơn được đọc trước đây hể nhắc đến thầy bói mà mang kiếng đen thì phải...mù. Sơn mắc cỡ vì từ nãy giờ Sơn đứng quan sát và tò mò nghe ông đoán vận mệnh cho người khách mà Sơn cứ tưởng ông không nhìn thấy mình, đến khi ông thầy bói cất tiếng hỏi. Như đọc được vẻ ngượng ngùng xấu hổ trên gương mặt của Sơn, ông mĩm cười hiền lành nói:

“Tướng của cháu sau này rất thành đạt trên đường đời, nhưng hơi cực vì phải đi lại nhiều nơi...”

Sơn mắc cỡ bỏ chạy đi chỗ khác trước khi kịp nghe hết những lời tiên đoán của ông. Đã hai mươi mấy năm trôi qua, đôi lúc ngồi nhớ lại kỷ niệm nho nhỏ với ông thầy bói ở chùa vào đầu xuân năm nào, Sơn thầm cảm phục tài tiên đoán phi thường của ông. Giờ này chắc ông đã ra người thiên cổ sau khi đã đoán vận mệnh cho không biết bao nhiêu người khách qua đường. Bao nhiêu mùa xuân đã trôi qua, không biết có bao nhiêu những khách vãng lai khi xưa có còn nhớ đến ông khi những điều ông tiên đoán cho họ đã trở thành sự thật. Đôi lúc Sơn vẫn ngẫm nghĩ không biết làm thế nào ông có thể nhìn thấy trước tương lai của mình.

Không bao lâu sau ngày Sơn gặp ông thầy bói ở sân chùa, anh theo bố mẹ vượt biên đến Mỹ. Bao nhiêu điều ước nguyện, khấn vái của mẹ ngày xưa chắc có lẽ không bao giờ trở thành sự thật nếu như Sơn vẫn còn ở Việt Nam với cái lý lịch của bố ngày xưa từng là quân nhân trong chế độ cũ. Nước Mỹ, thiên đàng trên trần thế, đã mở rộng đôi tay đón nhận anh từ những ngày đầu đặt chân đến đây, đã cưu mang anh và gia đình trong những ngày tháng đầu cơ cực, cũng như đã cho anh cơ hội để học hỏi những kiến thức cần thiết từ các trường đại học danh tiếng để làm hành trang bước vào đời. Với mãnh bằng tốt nghiệp hạng ưu, Sơn được nhận vào vào làm việc ở công ty khách sạn lớn nầy và anh hãnh diện là người Việt Nam đầu tiên được nắm giữ một trong những chức vụ then chốt của công ty. Nước Mỹ cũng là nơi anh đã lập nên mái ấm gia đình của mình, với người vợ hiền mà anh hết lòng yêu quí từ những năm đầu mới quen khi còn học ở đại học. Giờ đây gia đình mới của Sơn đã ríu rít thêm tiếng cười nói của hai bé Kathy và Edward. Kathy năm nay đã lên 8 và Edward vừa tròn 6 tuổi. Với hạnh phúc và thành công trong cuộc sống hiện tại, Sơn không bao giờ quên ơn và luôn mong có dịp để đền đáp những cưu mang mà quê hương thứ hai đã dành cho anh.

Ông thầy bói ngày xưa đoán thật đúng. Cái số của Sơn tuy thành đạt nhưng phải bay đi lại thật nhiều nơi. Nhiều khi Sơn rất buồn khi phải xa gia đình đúng vào những dịp như họp phụ huynh trong trường của Kathy và Edward. Có những lúc Sơn chỉ muốn hủy tất cả những cuộc họp quan trọng để chỉ được bay về ngồi dự một buổi trình diễn piano nho nhỏ của bé Kathy hay buổi thi "lên đai" của bé Edward. Những lúc như vậy, Sơn mới thấy hết sự đảm đang của Thùy, vợ anh, thay anh chăm sóc hai đứa con trong những lúc anh vắng nhà. Kathy tuy còn nhỏ nhưng nó lúc nào cũng tỏ ra hiểu biết và xứng đáng làm con gái "rượu" của Sơn. Những lúc thấy Sơn buồn vì sắp phải đi công tác xa, nó hay xà vào lòng bố rồi thủ thỉ tâm sự:

“Bố cứ đi đi đừng lo cho con. Có gì mẹ sẽ quay video và chụp hình gởi e-mail cho bố xem liền."

Con bé sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng nói tiếng Việt rất thông thạo nhờ Thùy bắt hai đứa con khi về đến nhà chỉ được nói tiếng Việt thôi.

Cũng nhờ đi lại nhiều nơi, Sơn mới có dịp thấy được sự phát triển và cảnh đẹp của nhiều thành phố ở nhiều nước trên thế giới. Anh tự hào với công việc của mình như người đặt những nền mống đầu tiên cho hệ thống khách sạn của công ty anh có mặt nhiều quốc gia trên thế giới. Đôi lúc đứng trước sự giàu có và nền văn minh của nhiều nước trên thế giới, Sơn âm thầm đau buồn và tủi hổ cho quê hương nhỏ bé của anh. "Ước gì nước Việt của mình không bị kiềm hãm một cách vô lý như bấy lâu nay để được vươn mình sánh cùng những nước khác, để người dân bình thường có thể ung dung bước vào những khách sạn sang trọng mà không phải lo nghĩ đến túi tiền", nhiều lúc Sơn thầm nghĩ.

Hôm nay Sơn vừa hoàn tất chuyến công tác ký hợp đồng xây dựng một khách sạn 5 sao trên bờ biển Mazatlan của Mexico và đang ngồi ở phi trường chờ chuyến bay về Los Angeles. Sơn đã đến đây vài lần, nhưng lần này chuyến đi dài hơn nên anh có dịp quan sát kỹ hơn về thành phố biển của Mễ Tây Cơ, cách Los Angeles khoảng hơn 2 giờ bay. Giống như những bãi biển của miền nam California như Huntington Beach, nơi mà thỉnh thoảng vào những buổi chiều khi ánh mặt trời đang lặn dần ở phía chân trời xa xa, vợ chồng anh cùng hai bé Kathy và Edward thường đi bộ trên bãi cát, nước biển ở Mazatlan vẫn còn hơi lạnh vào tháng giêng và tháng hai. Bãi biển Mazatlan với con đường Camaron Sabalo chạy dài dọc theo bờ biển với những hàng dừa, những đóa hoa trang, và những hàng phượng vĩ làm Sơn nhớ thật nhiều đến thành phố biển Nha Trang nơi anh sinh ra và lớn lên. Nhìn từ ban công của khách sạn vào những buổi sáng sớm, hải đảo Stone Island xa xa ẩn hiện trong sương mù như hòn Ngọc Việt. Cũng như ở Việt Nam, Sơn bắt gặp rất nhiều em bé mới chừng 6,7 tuổi đã phải lang thang trên bãi biển để bán cho du khách những đồ lưu niệm làm bằng đủ thứ vỏ ốc. Cùng là một thân phận con người, nhưng những em bé này nếu được sinh ở Mỹ chắc giờ này đang được cắp sách đến trường chứ không phải lam lũ phụ giúp bố mẹ tìm kế sinh nhai trong một thành phố biển, nơi mà giá cả sinh hoạt cũng gần bằng bất cứ một thành phố khác trên nước Mỹ. Tương lai của các em không biết sẽ đi về đâu.

Tiếng loa của nhân viên hãng hàng không Alaska nhắc hành khách chuẩn bị lên phi cơ kéo Sơn ra khỏi những ý nghĩ phiền muộn trong đầu. Từ ngày xảy ra thảm họa 9/11, Sơn có thói quen hay đưa mắt quan sát một lượt thật nhanh những hành khách đi chung với mình trước khi lên máy bay. Chắc có lẻ anh muốn dùng trực giác để "kiểm tra" xem ai có dáng vẻ ..."khả nghi" không dù rằng đôi khi Sơn phải thầm phì cười cho cái tính "đa nghi, đa sự" của mình, vì thật tình "tri nhân, tri diện, bất tri tâm". Làm sao ai có thể đoán được những ý nghĩ, toan tính gì đang diễn ra trong đầu của những người hành khách xa lạ này nếu chỉ nhìn qua dáng vẻ bên ngoài của họ. Đôi khi tuy không muốn nói ra vì sợ mang tiếng "kỳ thị", nhưng chắc nhiều người cũng hơi ngại khi phải ngồi chung chuyến bay với những ông khách "Trung Đông". Những hàm râu quai nón và chiếc khăn quấn đầu đã tạo ra một hình ảnh không đẹp về họ sau vụ 9/11.

Thắt xong dây an toàn, Sơn định tranh thủ ngủ một lúc vì Sơn vốn không có thói quen bắt chuyện với những người ngồi kế bên vì anh nghĩ chỉ sau vài giờ bay, thì "đường anh, anh đi, anh đi, đường em, em đi, em đi" như lời của một bản nhạc nào đó, nên làm quen làm gì cho mất thời gian. Bổng một giọng nói bên cạnh chợt cất lên:

"Anh là người Việt Nam hả""

Sơn quay đầu sang bên trái và anh bắt gặp nụ cười của một người đàn ông Mỹ khoảng hơn 60 tuổi, có lẻ mới trở về từ chuyến đi nghỉ ở Mazatlan.

“Vâng"- Sơn trả lời.” Nhưng sao ông biết""

"Tôi chỉ đoán như vậy thôi." - Người đàn ông Mỹ trả lời. “Tôi tên John. Ngày xưa tôi có phục vụ ở Thủy Quân Lục Chiến đóng ở Đà Nẵng. Chắc anh biết Đà Nẵng phải không""

Ông phát âm chữ "Đà Nẵng" một cách rõ ràng, không như phần lớn những người Mỹ khác mà Sơn đã có dịp gặp và nói chuyện với họ về những ngày tham chiến ở Việt Nam, họ thường phát âm lơ lớ về những địa danh ở Việt Nam mà họ đã có dịp đi qua.

“Vâng thưa ông, tôi sinh ra ở Nha Trang, nhưng khi còn ở Việt Nam gia đình tôi có lần phải dọn đến ở Đà Nẵng khi bố tôi đóng quân ở đó." Sơn trả lời.

“Bố anh cũng là quân nhân à"" Giọng ông John như vui hẳn lên, ông nói tiếp,”Tôi rất cảm phục những người lính Việt Nam Cộng Hòa về tính kiên cường, gan dạ của họ trong cuộc chiến, đặc biệt là trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968, khi họ chiến đấu thật anh hùng để giữ lấy mùa xuân cho đất nước anh. Thấm thoát mà đã 40 năm rồi. Chắc lúc đó anh còn nhỏ lắm."

Giọng ông John chợt trầm xuống. Có lẻ ông đang hồi tưởng đến những thảm cảnh đau lòng đã xảy ra vào mùa xuân năm đó. "Phải rồi, cũng vào những ngày tháng này cách đây 40 năm, khi đất nước đang mong muốn một chút không khí hòa bình để đón mừng những ngày Tết. Thay cho tiếng pháo đón giao thừa mừng năm mới là những tiếng đạn pháo đã cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu người dân vô tội và cả những em bé thơ ngây trước khi chúng kịp khoanh tay chúc Tết cho ông bà và cha mẹ." Sơn bồi hồi thầm nghĩ.

“Ước gì trên trái đất này không bao giờ còn những cảnh chiến tranh, khủng bố, giết chóc để mọi người được sống trong hòa bình, cùng nhau đón mừng năm mới". Ông Jonh nói tiếp, giọng ông đượm vẻ u buồn.

Sơn cảm thấy tội nghiệp cho ông John khi ông kể thêm cho anh nghe về hoàn cảnh gia đình ông đã đổ vỡ như thế nào khi ông trở về sau cuộc chiến. Để làm cho ông tạm quên chuyện cũ, Sơn nói lãng sang chuyện khác. Anh kể về cuộc sống khó nhọc của anh và gia đình khi mới đến Mỹ, quê hương của ông John, và về những gì nước Mỹ đã dành cho gia đình anh cũng như bao nhiêu người Việt tị nạn khác mà anh được biết đến.

“Sắp đến Tết rồi, ước gì mời ông đến cùng gia đình chúng tôi đón mừng năm mới". - Sơn thành thật nói. “Khi đến khu Little Saigon trong dịp Tết Nguyên Đán này, chắc ông sẽ tìm lại một chút nào đó hương vị mùa xuân của quê hương Việt Nam."

Rồi Sơn say sưa kể về hai bé Kathy và Edward cho ông nghe như thể anh đã quen ông John từ lâu lắm. Sơn kể lại trước lúc chuẩn bị lên đường đi công tác lần nầy, bé Kathy vừa ôm anh thật chặt vừa thủ thỉ tâm sự bằng một giọng đầy vẻ bí mật:

“Bố đi mau mau rồi về ăn Tết với mẹ và tụi con nhe. Tết năm nay con sẽ làm bố surprise! Nhưng phải chờ đến mùng một Tết bố mới được biết ..."

Lời nói của con bé làm Sơn bồn chồn mong cho chuyến công tác qua mau để trở về nhà đón Tết. Mùng một năm nào hai đứa cũng diện nào áo dài, nào khăn đóng, để được bố mẹ lì xì và chở đi đến những ngôi chùa trong vùng đi xin lễ Phật đầu năm và đi chúc Tết ông bà ...

Bỗng có tiếng thét từ phía buồng vệ sinh phía sau vọng lại. Hành khách nhốn nháo muốn biết xem chuyện gì đã xảy ra. Vài người đứng bật ra khỏi ghế để quay đầu nhìn cho rõ phía sau. Sơn và ông John ngưng ngang câu chuyện đang nói dỡ về mùa xuân. Theo phản ứng tự nhiên, anh quay đầu về phía có tiếng động. Linh cảm cho anh biết một chuyện gì rất xấu đã xảy ra cho phi hành đoàn mà lúc nãy anh để ý chỉ thấy có hai nữ tiếp viên đã đến tuổi trung niên.

“Không tặc! Khủng bố!"

Vài người hành khách thét lên khi thấy một tên thanh niên đang uy hiếp một nữ tiếp viên. Một tay kẹp chặt lấy cổ của bà, tay kia hắn lăm lăm cầm một cái gì đó như một quả bom tự chế.

"Tất cả ngồi im. Không được nhúch nhích. Đưa hai tay ra phía sau đầu! Cúi xuống!"

Chuyến bay chỉ có vài chục hành khách, hơn phân nữa là đàn ông. Có nhiều người là thanh niên trẻ, vậy mà tất cả đều răm rắp tuân theo lệnh của hắn. Tất cả đều khiếp sợ với quả bom hắn có trong tay, không biết bằng cách nào hắn có thể mang lên phi cơ. Sơn liếc nhìn tên không tặc thật nhanh, trước khi anh cho hai tay ra phía sau và cúi đầu xuống như những người hành khách khác. Hắn chỉ ngoài 20 tuổi, qua bộ dạng và giọng nói của hắn giống như dân Mỹ chính gốc chứ không có vẻ gì là "Trung Đông" như anh hay liên hệ hình ảnh của những kẻ khủng bố trước đây.

“Hèn gì mình không ngó kỹ mặt nó trước khi lên phi cơ."

Sơn thầm trách mình một cách vô cớ. Không biết tên này muốn cướp phi cơ với mục đích gì. Hình ảnh những cảnh tượng kinh hoàng của ngày 9/11 chợt hiện lên rõ trong tâm trí Sơn. Chắc nhiều hành khách khác cũng có cùng cảm nghĩ như vậy. Sơn nghe có tiếng nấc nghẹn ngào. Có tiếng thở dốc của một ông hành khách lớn tuổi như đang lên cơn tim. Có tiếng khóc nghẹn của một em bé đang bị mẹ bịt miệng chặt không cho khóc sợ làm tên không tặc nổi sung lên. Tiếng nghiến răng của ông John ở bên cạnh đầy vẻ căm hờn.

"Đi mau lên! Đến bên cửa buồng lái báo cho phi công biết nếu không mở cửa tao sẽ cho nổ trái bom này."

Sơn nghe giọng hắn rít lên với người nữ tiếp viên hàng không và tiếng bước chân đang từ phía sau tiến tới buồng lái. Có lẻ hắn đã rình sẵn cơ hội để hạ gục một người tiếp viên để dễ dàng khống chế người còn lại. Tiếng bước chân hắn càng đến gần chỗ ngồi của Sơn. Trong phút chốc hình ảnh của bé Kathy, của Edward, của Thùy, của những nhành mai vàng được cắm xen lẫn với những nhánh đào hồng trong căn nhà tổ ấm của Sơn bên bờ biển Huntington Beach, của những người thân, bạn bè chợt thoáng qua trong tâm trí của Sơn thật mau.

"Mình phải làm một cái gì đó. Mình không thể để cho tên không tặc này cướp đi tất cả. Hắn có thể dùng máy bay để làm vũ khí giết hại nhiều người bằng cách đâm vô một cao ốc nào đó để thỏa mãn mục đích ngông cuồng nào đó. Mình phải giữ lấy mùa xuân thanh bình đang đến."

Tiếng bước chân của hắn đã tiến sát bên Sơn. Tất cả những gì xảy ra sau đó, không ai ngờ trước được. Một vài hành khách chỉ thoáng thấy một người đàn ông Á Châu đứng bật ra khỏi ghế, dùng tay đánh mạnh vào gáy của tên không tặc khi hắn vừa bước qua chổ ngồi của anh và kéo hắn bật ngửa ra phía sau. Không biết có một sức mạnh nào có thể giúp anh kéo ngã một tên cao lớn gần gấp rưỡi mình. Bị tấn công bất ngờ nhưng trước khi ngã xuống trên sàn máy bay, tên không tặc còn kịp bấm ngòi nổ của quả bom. Sơn nghe một tiếng nổ. Quả bom không đủ mạnh để làm thủng thân máy bay, nhưng nó đã hất tung tên không tặc lẫn Sơn về phía sau. Hắn ngã xấp trên người của Sơn. Tên không tặc có lẻ đã chết do chính quả bom hắn chế ra. Có nhiều tiếng bước chân chạy đến. Có tiếng khóc nấc. Có tiếng thở phào vì vui mừng đã thoát nạn. Ngực Sơn loang loáng vết máu. Anh thoáng thấy ông John đang cố lay anh với cặp mắt đẫm lệ. Môi ông mấp máy như đang cố nói với mọi người xung quanh:

"Anh ta...là người Việt Nam. Thật không hổ thẹn... là con của người lính chiến anh hùng..."

Sơn cảm thấy mình đang bay bổng giữa những đám mây trắng trôi bồng bềnh. Không biết đã đến mùng một Tết chưa, nhưng anh nghe tiếng bé Kathy từ nơi nào đó vọng lại bên tai:

"Bố ơi, ráng dậy đi bố. Bố đừng đi xa con nhe bố. Con có cái này để khoe bố nè. Con đã tự tay làm mức tắc cho bố ăn nè. Bố thấy con gái bố giỏi không. Bố ơi... Bố ơi..."

Ngoài kia một mùa Xuân thanh bình đang về.

Anthony Hưng Cao

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,017,978
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến