Hôm nay,  

Biển Rộng Hai Vai

01/02/200800:00:00(Xem: 307665)

Tác giả: Trần Nguyên Đán

Bài số 2211-2003-777vb6010208

(Bài Viết Về Nước Mỹ năm 2007, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý 2008, đang phát hành khắp nơi)

*

Tác giả là mục sư tại một giáo xứ Việt tại Maryland. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt về nhiều đề tài gai góc của con người, mỗi bài viết đều thể hiện tài ba của nhà văn, đồng thời làm nổi bật tín tâm của một nhà truyền giáo. Sau đây là bài viết của ông về Mẹ, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý.

*

Ngày xưa khi còn đi học tôi nghe giải thích về sự cấu tạo của biển như thế này: nước từ trên nguồn chảy xuống làm thành những dòng suối, nhiều dòng suối đổ về một nơi gọi là sông, sông thì lớn hơn suối, rồi thì nhiều dòng sông chảy về tụ họp lại thành biển. Biển nhỏ năm ba cái chảy về một cái biển lớn hơn nữa gọi là đại dương. Thế giới có năm cái đại dương, cái lớn nhất trong năm cái là Thái Bình Dương, tiếng Mỹ gọi là Pacific Ocean. Tiếng Việt gọi nôm na là biển Thái Bình. Và nhạc sĩ gì đó viết bài Lòng Mẹ, à, Y Vân, viết: lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào ... Lòng Mẹ là cái đại dương lớn nhất của thế giới.

Nhỏ nghe thầy dạy thì nhớ vậy, tin vậy, chẳng hơi đâu mà thắc mắc, cũng chẳng buồn thắc mắc tại sao sông thì nước ngọt, mà chảy về biển tự nhiên lại... mặn" Ai đổ muối vào đó" Mà có phải đúng vậy không" Nếu mà dạy học trò bây giờ thì nó sẽ I have a question chứ chẳng chịu ngoan ngoãn mà nghe vậy đâu. Thôi thì đúng sai không thành vấn đề, vì ở đây đang nói chuyện văn chương, mà văn chương với khoa học thì khác nhau rất xa, hãy để việc đó cho các nhà khoa học. Còn chúng ta thì hãy cứ tin rằng những dòng suối chảy ngoằn ngoèo trên các sườn núi kia đã tụ họp về một nơi gọi là sông, và nhiều dòng sông đã chảy về thành biển. Nhiều biển quẫy sóng thành đại dương. Cho nó dễ thương và thơ mộng. Như những đứa trẻ Việt Nam bây giờ còn nhìn lên mặt trăng rằm tháng 8 mà mơ tưởng có chị Hằng... mặt rỗ trên đó, như các trẻ em Mỹ vào mỗi mùa Giáng Sinh vẫn viết hàng trăm hàng ngàn lá thư cho ông già Noel, chẳng ai buồn thắc mắc có chị Hằng không, có ông già Noel không, những con tuần lộc vẫn kéo những chiếc xe chạy kêu leng keng leng keng trên tuyết, cuộc đời vẫn còn rất đáng yêu.

Bà cụ có mười người con, giống như mười dòng suối, chảy vào sông, rồi vào biển, rồi thành đại dương. Thái Bình Dương. Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình. Cách đây cũng không lâu lắm người ta có con đông như vậy đó. Ra đường bây giờ thấy một bà mẹ hơi... to con đi trước, một lũ nhóc đùm đề đi sau, la hét vang rân, thì biết đó là một gia đình ... Mễ. Thấy kinh hãi quá. Việt Nam hồi xưa vậy. Việt Nam bây giờ không có cảnh đó nữa, hai đứa là nhiều, nhiều nhà chỉ một. Cho khỏe. Hồi xưa người ta quan niệm: đông con cho vui. Trời cho bao nhiêu nhận hết bấy nhiêu, có biết kế hoạch là gì. Không biết có vui không, nhưng quả là có mệt.

Sau 1975, cả gia đình, ngoại trừ một người con gái lớn nhất đã có chồng, bà mẹ dắt 9 đứa kia đi lên một nơi gọi là Kinh Tế Mới, sau khi ông cha đã một mình... vượt biển bằng tàu lớn, đi chính thức trên bến Bạch Đằng buổi trưa ngày 30 tháng 4. Ông ở lại thì chắc là ông chết, vì ông có... nợ máu quá lớn với chính quyền mới, ít nhất cũng trên chục năm... học tập. Mà ông thì chẳng bao giờ chịu học ai, ông chỉ có chết. Thế nên Thượng Đế đã mang ông đi trước qua Mỹ, dùng ông để cứu những người còn lại. Bà mẹ ở lại,  đem con lên núi, giống như bài hát năm mươi con theo mẹ lên núi năm mươi con theo cha xuống biển, mà ở đây tất cả con đều theo mẹ lên núi.

Thật ra chẳng phải bà muốn lên núi, người ta đẩy bà đi. Bà cố ngồi trì lại, ôm lấy thành phố, dù gì cũng sáng sủa hơn, gần mặt trời vẫn tốt hơn, nhưng sáng trưa chiều tối những công an rình rập cửa trước cửa sau, hết hù đến dọa, bà kinh hãi quá, sức yếu thế cô, bà bảo con: thôi mình đi. Trước đây bà chỉ toàn ngồi xe Jeep, đi giày đi guốc, làm bánh làm bông, bây giờ ngồi xe lam, đi bộ, đi chân không, hơn thế nữa, bà gánh bà gồng, bà cày bà cuốc, đám con cũng gánh gồng cày cuốc, cuốc cày những miếng đất hoang dại thành khoai thành bắp thành lúa, quăng hết sách vở vào xó. Những mùa hè đỏ lửa nổ tung con mắt những mùa đông trắng xóa nước lụt mênh mông. Người ta nói lên voi xuống chó, bà còn tệ hơn chó. Nhưng bà vẫn sống, vì đàn con, mỗi đêm bà cầu nguyện một Đấng thiêng liêng mà bà không biết rõ là ai, nhìn xuống hoàn cảnh bà, cũng như hoàn cảnh của hầu hết các gia đình sĩ quan chế độ... cũ. Nhưng mà thôi, cũng đã xưa rồi, ngày ấy qua rồi, cũng trên ba mươi năm chứ ít gì, thôi đừng nhắc tới nữa. Nhắc ít thôi. Sợ đau những kỷ niệm.

Nhưng mà, trong những ngày đó, mới thấm thía hết tất cả vẻ đẹp của những dòng suối khi chảy mãi về lòng đại dương. Và hình ảnh đại dương dang rộng vòng tay ôm hết những dòng suối vào lòng. Ngay cả những dòng suối đã trở thành sông, chia thành những sông con, lòng đại dương vẫn rộng mở. Bà mẹ thành bà ngoại bà nội, chắt chiu cho con, rồi cho cháu. Những mùa hè đói kém, bà ôm chén cơm nhỏ vào lòng, cái nón rách úp lên trên, chén cơm duy nhất mà những đứa con dành riêng cho bà, còn chúng thì ăn khoai trộn, rón rén đi qua mấy dãy nhà tranh, len lén đi vào căn nhà nhỏ như một cái chòi của Tazzan trong rừng sâu, đặt lên chiếc bàn tre cho cháu nội hai tuổi, rồi đội nón rách, rón rén đi về, nhịn buổi trưa đó. Rồi lên nằm võng, hát nghêu ngao ... cho đỡ đói. Quê hương điêu tàn. Lòng đại dương cạn kiệt, nhưng biển lớn vẫn vắt ra những giọt nước cuối cùng để thêm sức cho những dòng suối.

Năm 1979, ông cha liên lạc được với gia đình, rồi những thùng hàng từ bên kia Thái Bình Dương bay về. Cuộc sống khá hơn. Bà mẹ được bảo lãnh, những dòng suối chảy theo đại dương qua bên kia bờ Thái Bình. Còn lại những dòng sông và những nhánh nhỏ của nó.


Chỉ một năm rưỡi khi bà đến Mỹ, người cha của những dòng suối qua đời. Những dòng suối phải tự chảy ra ngoài đời, vừa học vừa làm, còn bà, lòng đại dương mênh mông" Bà nhớ tới những đứa con đứa cháu còn ở bên kia biển lớn. Bà đã hơn 60, những ngày Kinh Tế Mới đã vắt cạn của bà sức lực. Nhưng bà vẫn còn sức, nhất là khi nghĩ đến những đứa con, những đứa cháu chẳng có thể làm gì trong cái chế độ cách ly chúng, đang cần sự trợ giúp để vượt qua. Bà được thêm sức. Như những ngày xưa, bà phải đứng dậy, làm một cái gì đó.

Những buổi sáng rất sớm, bà rón rén ngồi dậy, lại rón rén, mặc dù đây là đất nước của tự do và phồn thịnh, thật khẽ, sợ làm những đứa con thức giấc, chúng thức giấc, sẽ không cho bà đi. Bà rón rén đội cái nón rách, quơ cái bao nhét kỹ trong xó, với cái que khều. Bà rón rén mở cửa, đi ra. Bà đi đâu" Bà đi về hướng những cái thùng rác to lớn trong khu apartment. Bà nhỏ người, sức già yếu, cố gắng leo lên thành thùng rác, chúi đầu vào trong, khều những cái lon, những bao lon nước ngọt, lon bia người ta uống xong vứt bỏ. Bà cười khi kể lại: lúc đó mà mấy thằng Mỹ đen nó ganh tỵ với má, vì má lượm hết lon của nó, nó xô má lọt vào thùng rác thì chắc là má chết luôn ở trong đó, ai mà biết. Ngày đó người ta đi lượm lon không nhiều, bà ở trong một khu chung cư của người Mỹ, chứ khu Việt Nam thì chẳng còn lon đâu mà bà lượm.

Bà lượm đầy bao, rồi rón rén đi về, dấu chỗ này chỗ kia, sợ các con biết, tụi nó giận mấy anh chị còn ở lại Việt Nam. Nhiều rồi thì bà chất lên những chiếc xe đẩy của các chợ đẩy tới chợ, chợ Ralph, chợ Albertson, chợ AlphaBeta, đổi thành những quarter, những quarter đổi thành tờ 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, tích tiểu thành đại, thành tờ 100 đồng, những cái lon bị vứt đi đó trở thành nguồn sống cho các con và cháu ở bên kia bờ đại dương, nhìn trên bản đồ, California và Việt Nam như đứng ở hai bên bờ Thái Bình nhìn nhau qua dòng nước... mắt. Như Ngưu Lang Chức Nữ hai bên cầu Ô Thước. Tiền bà gởi về mang theo cả một đại dương mênh mông mênh mông. Điều đó cũng đã xảy ra lâu rồi, có quá nhiều những chi tiết, những khổ nhọc, nước mắt và mồ hôi của cuộc đời một người đi... lượm lon trên đất Mỹ. Kể làm sao hết. Mà thôi, cũng chẳng nên kể, sợ đau lòng những kỷ niệm. Mà cần gì kể. Đại dương đâu cần kể. Đại dương chỉ cho đi. Nước vẫn chảy xuôi dòng.

Rồi những dòng sông bên kia bờ Thái Bình ấy cũng bắt đầu tự chảy. Một dòng sông tìm đường thoát. Và thoát đi được. Cuối mùa đông năm ấy, gia đình người con trai lớn lên máy bay, và bay đi. Malaysia, rồi London, rồi New York, rồi Texas và cuối cùng là California. Dòng sông hội ngộ đại dương. Bà mẹ lại ra tay giúp đỡ, bấy giờ bà không đi lượm lon nữa, vì đã già lắm rồi, và vì bà cũng đã có tiền trợ cấp, mà người ta gọi là tiền già. Bà dùng một phần số tiền già ấy để giúp đỡ con. Lẽ ra ở vào tuổi ấy bà đã chẳng phải còn trách nhiệm gì với con với cháu. Lẽ ra bà đã phải được hưởng những ngày thanh thản, bình an. Dòng biển lớn vẫn cứ chảy tràn, còn sức còn chảy, chảy mãi.

Một năm sau thì gia đình này vững vàng, và chắp cánh bay. Rồi hai gia đình hai người con gái còn ở lại, cuối cùng cũng qua đến, mười năm sau đó. Bà ở chung với gia đình họ, trong một căn chung cư nhỏ, cũ, và chật chội. Bà lại dùng số tiền trợ cấp để giúp đỡ họ, vì họ chưa có khả năng để trả tiền nhà. Bây giờ thì cả 10 đứa con, mười dòng suối, đều đã thành sông, tất cả đều đến Mỹ, quê hương của mộng ước và hy vọng. Hầu hết đều học hành đỗ đạt, nghề nghiệp vững vàng, và người nào cũng làm chủ một căn nhà... lớn, và đẹp. Các con thay phiên nhau chở bà đến nhà chúng chơi khi bà cần. Tuần này bà đi thăm cháu này tuần kia bà đi thăm cháu kia. Mỗi Giáng Sinh, gia đình đoàn tụ, mười dòng suối xưa tụ về, nay con cháu đầy đàn, nói cười vang rân, bà ngồi thu mình trên ghế sofa, thầm nhủ: cái đám Lu này sao mà ồn ào quá, giá mà ổng còn sống, để nhìn thấy cảnh này, ổng sẽ vui lắm.

Rồi tuổi già sinh bệnh. Bà bệnh, có khi không ngồi dậy được, trong phòng khách chung cư, kê một cái giường nhỏ. Bây giờ mẹ nằm, lá đổ ngoài sân, lá đổ ngoài sân ... để ru mẹ ngủ. Những dòng suối kia nhìn lại đại dương nay đã khô cằn, và tự hỏi: phải làm cái gì chứ, làm cái gì cho mẹ chứ. Họ feel guilty. Họ họp lại, một đại diện trình bày:

- Mình mỗi người ai cũng có một cái nhà to, rộng, còn má thì ở trong phòng khách một chung cư cũ kỹ, chật chội, có được không, nhìn có được không" Một mẹ nuôi mười con, mà mười con không nuôi nổi một mẹ...

- Hỏi má đi, hỏi má muốn ở với ai, rồi mình sẽ tính.

Bà nói:

- Má muốn ở với anh trai lớn, đang ở tiểu bang khác. Anh là một Mục sư, cứ năn nỉ má qua bển cho ảnh chăm sóc. Con dâu lớn cũng có hiếu với má, các cháu nội thì thương bà nội, năn nỉ bà nội qua ở với gia đình con, bà nội muốn gì tụi con làm cho bà nội cái nấy. Nhưng mà má ở bên này quen rồi, hơn 20 năm rồi, cái gì cũng dễ dàng quen thuộc. Bên này thì cháu đông, đi nhớ tụi nó. Thêm nữa, bà cười, nói thật: bên này đồ ăn đầy đủ, muốn ăn gì có nấy, tạt ra chợ một chút là có đủ đồ ăn, còn bên kia, muốn ăn chút gì phải chở đi thật là xa...

- Bây giờ tùy má, má muốn gì tụi con làm cho má cái nấy.

Bà chẳng muốn gì, bà chỉ muốn tụ họp những dòng suối về, ôm họ vào lòng, dù nay họ đã là những dòng sông lớn, họ vẫn cứ mãi là những dòng suối bé nhỏ năm xưa của bà mà bà đã cưu mang bao nhiêu tháng năm đời bà. Nhưng mà khó quá để tụ họp lại. Mỗi người bây giờ đều có hoàn cảnh riêng của họ. Tính hết cách, một đại diện nói:

- Bây giờ phải tìm một chỗ ở tốt hơn cho má, rồi một người nào đó nhận ở chung để chăm sóc má, và những người còn lại phải đóng góp tiền hàng tháng cho người chăm sóc đó. Má có chuyện gì thì cả đám phải xúm lại.

Bà để cho các con tính toán. Kể ra bà cũng không phải bất hạnh. Bà biết bà có phước hơn nhiều người khác. Bà đọc những bài báo viết về cuộc đời những bà mẹ Việt Nam hy sinh cả cuộc đời cho con cháu nhưng khi đã già không còn giúp ích gì cho họ nữa thì họ đem vào viện dưỡng lão. Bà sợ nhất là điều đó. Bà năn nỉ các con:

- Má có bệnh hoạn gì các con ráng nuôi má, đừng đem má vào viện dưỡng lão, má sợ lắm.

 Một người con gái của bà nói:

- Má có mười đứa con, chẳng lẽ không có đứa nào nuôi nổi má sao mà phải gởi vào viện dưỡng lão, má đừng lo, không ai làm chuyện đó đâu.

Những đứa con góp tiền lại hàng tháng, thuê cho bà một căn nhà tốt hơn, và một người con gái không đi làm ở ngoài nhận ở chung để chăm sóc bà. Bây giờ bà có một căn phòng riêng tha hồ bày biện bất cứ gì bà muốn. Một miếng đất nhỏ trồng hoa hay bầu bí gì đó, mỗi buổi sáng dậy sớm tập thể dục, khi cần ăn thì con hay cháu chở tạt qua khu chợ gần đó, Chúa Nhật đi nhà thờ. Nhớ cháu thì gọi con đến chở lên thăm. Người con trai lớn thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm bà, thỉnh thoảng bay về Cali thăm bà.

Bây giờ con xong rồi, thì đến cháu nội. Bà hỏi người con trai lớn:

- Chừng nào thằng Nguyên Đán và thằng Hải Triều đám cưới hả con, má thấy mấy đứa kia cũng dễ thương, con tính cho tụi nó đi.

Mấy đứa kia đó là mấy granddaughter-in-law to be của bà, liên hệ càng xa thì tên gọi càng dài.

- Con đâu có biết, đó là do tụi nó thôi, chứ ở đây cha mẹ có ... quyền gì đâu.

- Chừng nào tụi nó đám cưới cho má biết liền nghe con, má để dành tiền cho mấy đứa cháu đám cưới.

- Thôi bà nội già rồi lo cái gì. Tiền má có để dành tiêu xài đi, tụi con lo được.

- Chút quà cho cháu mà con, má thương tụi nó.

Khi nghe tin Hải Triều đám cưới, bà vội vã gọi qua:

- Con ơi bây giờ làm sao gởi tiền" Má đâu có đi đâu được. Nhờ ông bạn Mục sư của con gởi giùm được không"

- ........

- Con ơi thương con dâu cũng như con mình nghe con, dâu hiền là con gái rể thảo là con trai

- Lỡ dâu không hiền thì sao"

- Kệ nó con, thương nó, mình thương nó nó thương mình...

Rồi thời gian trôi qua, đến lượt... cháu cố. Bà hỏi thăm khi nào cháu dâu sanh, rồi khi sanh rồi thì hỏi han từng chút:

- Con bé nó dễ thương không con, có giống cha nó không, cha nó dễ thương...

- Mẹ nó chắc không dễ thương...

- Mẹ nó cũng dễ thương, đứa nào má cũng thương. Nó ở đâu còn là người ngoài, khi vô trong dòng của mình rồi thì mình thương hết.

Một lần người con trai lớn dự tính một chuyến đi Cali thăm bà. Đi cả gia đình. Bây giờ dòng sông này xem ra cũng khá... bề bộn rồi. Vừa chồng vừa vợ vừa con trai vừa con dâu vừa cháu nội, tổng cộng là 7. Người này xin phép được nghỉ thời gian đó thì đến người kia khó khăn. Phải chờ cho tất cả đều xin phép được, mua vé bay về. Buổi gặp mặt thật là vui. Bà dẫn con cháu vào phòng, chỉ:

- Thấy chưa, má phóng lớn tấm hình của bé để ở đây, trên cái Ti Vi, chỗ má hay nằm coi Ti Vi, lúc nào cũng nhìn thấy hình cháu. Cái mặt thấy thiệt ... ghét.

Mướn một chiếc xe van, thêm bà là 8, ngồi nép vào nhau, sợ cảnh sát thổi. Đi San Diego, đi Hollywood, đi... hết chỗ nào có thể đi được. Bà 84 tuổi rồi, vẫn còn đi bộ theo đám con cháu được mà không làm phiền ai, đôi khi còn đi nhanh hơn anh ... con trai lớn:

Một buổi tối gần ngày về bà thì thầm:

- Ngày mai con chở cả nhà ra Phước Lộc Thọ nghe con.

- Để làm gì vậy má.

- Má muốn mua quà cho con bé, mua ít đồ đám cưới để dành sẵn cho thằng Nguyên Đán...

- Thôi má ơi, quà cáp cái gì không biết, tụi nó có dư hết rồi.

- Kệ mà con, quà của bà cố, bà nội mà. Má đâu biết còn sống ngày nào...

Khi bà hát điệp khúc má còn sống ngày nào thì người con trai mềm lòng. Bà ra Phước Lộc Thọ, đĩnh đạc đi vào tiệm vàng, nói với bà chủ tiệm:

- Làm cho cháu tui một tấm lắc, đề tên nó, mấy chỉ cũng được, đeo vừa tay nó.

Bà chủ tiệm nhìn đứa bé hơn một tuổi đang được bà nội bồng ẵm bên cạnh.

- Cháu cố tui... Bà hãnh diện nói.

- Cháu cố ... bà chủ tiệm business liền. Cháu thiệt là có phước. Lại đây bà đo tay...

Người con trai ghé tai bà, thì thầm, nói đùa:

- Cháu cố... dỏm mà, má...

- Dỏm gì, cháu ruột. Bà trừng mắt.

Bà quay sang bà chủ:

- Khoan, còn thằng cháu nội kia, cái thằng đang đứng ngoài kia, nó sắp đám cưới, cần mua đồ..., cháu đích tôn. Đôi mắt già của bà long lanh.

Hạnh phúc của quãng đời còn lại của bà là như thế đó. Thỉnh thoảng người con trai lớn gọi qua, bà cười vui vẻ:

- Chào ông Mục sư. Tổ cha mày...

- Nè bà cụ, không được... hỗn với Mục sư nghe chưa. Mang tội với Chúa đó.

- Ông Mục sư với ai tui không biết, ông là con của tui, tui có quyền chửi, mang tội cái gì ..

Đây là một cuộc đối thoại giữa hai ông Mục sư, một ở California và một ở Maryland. Ông ở Maryland dự định về California để tham dự một buổi phát giải thưởng viết văn của một tờ báo Việt Nam:

- Tháng 8 này tôi về...

- Sao kỳ này về ở nhà tôi chứ, giảng cho Hội Thánh tôi chứ"

- Chắc vậy, lần trước ở nhà gia đình rồi, lần này ở nhà bạn. Tôi chỉ có hai ngày, muốn có thì giờ nói chuyện với ông.

- Nhậu ... nữa nhé.

- Yes, sir.

(Xin đừng hiểu lầm, đây là chuyện bí mật riêng tư của các Mục sư, ít khi nào... bật mí cho người khác nghe, nhậu cà phê và bánh ngọt đó)

Tuần sau, California gọi sang:

- Ông ơi nguy rồi. Chúa Nhật vừa rồi bà cụ nhà ông đi nhà thờ than phiền tôi.

- Than phiền cái gì"

- Bà cụ nói ông Mục sư tui qua Cali có 2 ngày mà muốn ở nhà Mục sư hết, đâu có được. Ổng phải ở với tui một ngày, ngày kia ở nhà Mục sư.

Maryland cười lớn:

- Rồi ông nói sao"

- Tôi nói dạ thưa cụ, để con hỏi lại ý ổng. Bây giờ ông tính sao" Ở bên tôi hết hay ở bên bà cụ một ngày"

- Nếu bà cụ của ông yêu cầu như vậy thì ông sẽ trả lời sao" Maryland đáp.

Ngày về, bà cụ đón trước cửa, dẫn con trai lớn lên lầu, chỉ căn phòng của bà:

- Má làm cái giường cho con ngủ ở đây, bên cạnh má, nếu con bị đau lưng thì qua giường nệm của má nằm, má qua bên nay cũng được. Má nằm đâu cũng được.

Anh nhìn lên vách, không muốn bày tỏ tình cảm của mình. Tấm ảnh người cha trong quân phục oai hùng đang nhìn xuống như mỉm cười.

- Ba hồi đó coi cũng đẹp trai chớ hả má"

- Ừ, ổng hồi đó đẹp trai lắm, nên má mới chịu ổng đó chớ. Con cũng giống ổng, con cũng đẹp trai ...

Anh cúi xuống cố giấu nụ cười. Bà cụ bước lại gần, và đưa tay ra ôm choàng đứa con trai nay tóc đã... phai mầu:

- Cho nên má thương con. Nhìn con má nhớ tới ổng. Cho dù con lớn bao nhiêu, già bao nhiêu, con vẫn là đứa con nhỏ của má, như hồi nào.

Bà cụ nhà tôi nói nguyên văn như vậy đó, cho dù bà đã 85 tuổi rồi.

Trăng có khi già, gọi là trăng già, nhưng biển thì chẳng bao giờ già. Đâu có ai gọi là biển già. Biển rộng cả hai vai ...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến