Người viết: Thuyền Nhân
Bài số 2182-1974-749vb5201207
*
Tác giả là TCL. 54t, cựu quân nhân VNCH, vượt biển, vào trại tị nạn Songkhla Thái Lan 2/80, định cư ở Mỹ từ 6/80, ngụ tại Garland TX, là nhân viên hãng Alcatel-Lucent, Plano TX. Ông đã góp một số bài viết về nước Mỹ từ những năm trước: Ra Đi-Đất Mới-Trở Về, Ở Mỹ Không Ai Ngồi Chờ Sung Rụng, Của Thí Cô Hồn Sống. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
*
Điện thoại reo lúc nửa đêm. Thinh với tay tìm bắt cái ống nghe, lừ đừ lên tiếng - Hêlô.
Tiếng ông Năm với giọng cấp bách ở bên kia đầu dây
- Thinh đó hả" Thằng H đang ngủ tự nhiên nhẩy dựng lên rồi té xuống giường. Bây giờ nó đương ngồi bệt dưới đất, không biết trời trăng gì hết. Ba tính cạo gió cho nó&
Thinh nói chận ngang
- Khoang đã, ba đừng cạo gió gì hết. Con qua liền, coi H ra sao rồi tính.
Hai nhà chỉ cách nhau hai con đường, thoáng cái là Thinh có mặt bên nhà ba má vợ.
H ngồi trên nền thảm, mép miệng sùi bọt, nước mũi phập phều, vẻ mặt không có thần trí.
Thinh đưa tay lay lên vai của H, lắc nhẹ - H ơi, nhìn anh nè, H biết anh là ai không"
H im lặng, chầm chậm ngước mặt, mệt mỏi nhướng mắt nhìn lên. Cái nhìn hướng vào cõi hư vô.
Ông Năm bồn chồn hỏi
- Sao Thinh. Con thấy nó ra sao"
Thinh bước qua một bên, xốc một bên cánh tay của H - H lên giường ngồi nghe.
H ngồi gục đầu, không xê dịch, không trả lời.
Bà Năm nãy giờ đứng im lặng gần đó, bồn chồn hỏi - Thằng H làm giống như thể nó bị trúng gió nặng hay bị giựt kinh phong vậy hả Thinh"
Thinh trả lời
- Dạ không phải đâu má à.
Thinh ngước nhìn ông Năm
- Mình phải đưa H vô nhà thương ngay. Với tình trạng như thế nầy thì cần có bác sĩ mới được. Không phải H bị cảm cúm, trúng gió, giựt kinh phong gì đâu ba má.
H được đưa vào nằm trong phòng riêng sau khi hoàn tất thủ tục gíấy tờ, chẩn đoán bịnh trạng và chữa trị cấp thời ở phòng cứu cấp. Bác sĩ cho biết là H bị seizure, cần phải chụp hình cái đầu. Kết quả chụp hình là H có cái bướu não. Bác sĩ cho biết cái bướu não gây ra seisure. H nằm hai ngày trong bịnh viện, tình trạng trở lại bình thường. Bây giờ thì H có thể về nhà, sinh hoạt và đi làm việc như thường lệ. Bác sĩ cho toa mua thuốc uống hàng ngày để trung hòa chứng seisure. Bác sĩ hẹn gặp lại H để ông cho biết thêm chi tiết về bịnh trạng của H , đồng thời ông sẽ đề nghị các phương cách chữa trị để H lựa chọn.
Hai tuần lễ sau ông bà Năm, vợ chồng Thinh và H gặp bác sĩ ở văn phòng riêng của ông. Bác sĩ đặt cái máy thâu âm lên bàn viết để ghi lại những lời nói trong buổi nói chuyện. Thinh thông dịch qua lại những lời nói của hai bên. Ông cho biết tùy theo loại bứu, phương pháp chữa trị sẽ là sự tổng hợp của thuốc, chạy điện hay nếu cần thì sẽ mổ để cắt bỏ cái bướu não... Và để biết cái bướu thuộc loại gì, ông cần phải lấy mẫu từ cái bướu não để làm xét nghiệm.
Sau khi nghe bác sĩ giải thích cách để lấy mảnh tế bào từ cái bướu não trong đầu mình, H lo sợ và từ chối. Cho dù bác sĩ lập đi lập lại là ông cần phải biết loại cái bướu não của H thì ông mới có thể nói cách trị liệu nào áp dụng cho H. Thế mà H vẫn không để ông làm thử nghiệm. H chỉ muốn uống thuốc để giảm bị seisure mà thôi. Ông bà Năm thì không dĩ nhiên là không thúc đẩy H nghe theo lời bác sĩ. Ông bà Năm không có ý niệm gì về sự tiến bộ của y học hiện đại và ông bà cũng không hiểu biết cái chứng bịnh của H.
*
Điện thoại lại reo lúc nửa đêm. Thinh lại đưa H vào bệnh viện. Bác sĩ cho biết là H bị seisure. Ông giới thiệu H đến một bác sĩ chuyên môn về giải phẫu não. H đi gặp vị bác sĩ chuyên môn. Ông cho chụp hình đầu, xét nghiệm, lời giải thích chứng bịnh và các phương pháp trị liệu. Nhưng rồi H một mực từ chối làm theo những đề nghị của ông. H tiếp tục uống thuốc hàng ngày, mỗi tháng đi tái khám, chụp hình đầu để bác sĩ chuyên môn theo dõi sự phát triển của cái bướu. Rồi cơn seisure đến với H lần thứ ba. Bác sĩ chuyên môn nói cho H biết hiện nay cái bướu não lớn hơn so với vài tháng trước, và nó sẽ tiếp tục lớn hơn. Seisure sẽ mỗi ngày một tăng, đến lúc nào đó thì seisure sẽ xảy ra nhiều lần trong ngày, sinh hoạt sẽ khó khăn hơn. Nếu H để càng lâu thì càng khó trị và nhiều nguy biến về sau.
Thinh tìm tài liệu về seisure và bứu não trên mạng, trong sách. Thinh biết là H sẽ không tiếp nhận những điều Thinh sẽ nói với H. Có thể Thinh và H không có khẩu duyên, hoặc H không muốn chấp nhận sự thật về cái bịnh trạng của mình, hay H sợ những tai biến sẽ xảy ra sau khi mổ. Thinh nói chuyện với vợ những điều mà Thinh biết được, giải thích dựa trên những ý kiến của các bác sĩ định bịnh cho H trong thời gian qua. Thinh bảo vợ mình nói chuyện với ba má và H, giải thích cho họ những gì Thinh đã giải thích với vợ, phân tích cái lợi và điều hại cho sức khỏe của H trong thời gian dài sắp tới. Hy vọng là họ sẽ thông hiểu hơn để làm những gì cần phải làm như những ông bác sĩ đã nói.
Vợ Thinh nói chuyện, cổ động H và ba má. Rốt cuộc rồi H chịu để bác sĩ làm xét nghiệm cái bướu não. Khi có kết quả của xét nghiệm, bác sĩ đề nghị hai giải pháp chữa trị cho H. Giải pháp hữu hiệu nhứt là mổ cắt bỏ cái bướu não, cách nầy tương đối nguy hiểm bởi vì cái bướu não nằm ở cận kề khu vực điều khiển đi đứng và nói chuyện, nhưng nó có thể thực hiện được. Giải pháp thứ hai là chiếu điện cái bướu não, cách nầy tuy an toàn hơn nhưng nó kém hữu hiệu so với giải pháp mổ. Nhưng H lo sợ sau khi mổ thì mình phải ngồi xe lăn, tập đi đứng và tập nói năng lại từ đầu như một dứa trẻ. Cuối cùng thì H chọn giải pháp chiếu điện.
Cuộc chữa trị có kết quả tốt, cái bướu não teo nhỏ lại và ngừng phát triển. Hàng ngày H vẫn tiếp tục uống vài thứ thuốc, đi bác sĩ tái khám và chụp hình theo dõi cái bướu não định kỳ. Sức khỏe của H mỗi ngày tiến triển khả quan. Tóc bắt đầu mọc lởm chởm trở lại trên vùng đầu sói do ảnh hưởng của những kỳ chiếu điện. Seisure không còn xảy ra nữa. H có vẻ lấy lại lòng tin và yêu đời hơn. H trở lại sở làm với một tinh thần phấn khởi trong việc làm và hòa nhã với bạn đồng nghiệp. Vợ Thinh thôi thúc H tìm bạn gái rồi lập gia đình, nhưng H trả lời là không muốn làm khổ người khác với cái bịnh ngặt nghèo của mình.
Trong bữa cơm chiều, Thinh đang và miếng cơm. Bất chợt vợ Thinh lên tiếng
- Anh ơi, ba sắp đi về Việt Nam.
Thinh lơ đễnh hỏi lại
- Ba về chơi bao lâu"
Vợ Thing trù trừ nói - Ổng nói là ổng ở bển luôn, không qua nữa.
Thinh nhìn qua vợ
- Em nói thiệt hay nói chơi vậy"
Vợ Thinh nghiêm trang
- Ổng gom hết đồ của ổng, bỏ vô mấy cái thùng và dán kín hết rồi. Ổng đã có vé máy bay, một chiều thôi. Ổng làm thiệt chứ không hăm he như mấy lần trước đâu!
Thinh kêu trời
- Đang ở Mỹ sướng quá trời. Khi bịnh hoạn có thẻ y tế xài không tốn tiền. Tiền phụ cấp xã hội mỗi tháng nhà nước gởi tới tận nơi. Nhà ở có máy lạnh máy sưởi. Đi đâu thì có xe hơi. Ba về bển làm gì" Gây khổ cho mấy anh mấy chị nữa! Nhà người nào cũng chật chội, đời sống ai cũng khó khăn. Bây giờ ở Việt Nam đến nỗi trong nhà thương của nhà nước mà người bịnh có dâng tiền mới thấy bác sĩ, có đưa tiền mới có thuốc! Khi Ba bịnh hoạn rồi ai lo cho nổi" Tiền xài hàng tháng cũng hổng có.
Vợ Thinh thở ra
- Thì cả nhà có nói với ba như vậy. Ai cũng giải thích cho ba nghe. Ổng cứ làm theo ý của ổng thôi!
Thinh hỏi tới
- Sao ba không nghĩ tới ai hết" H đang bịnh. Má già yếu, hổng biết chữ nghĩa thì làm sao mà gồng gánh đây" Sao ba nỡ lòng nào bỏ đi như vậy"
Thinh chực nhớ thêm - Còn cái nhà nữa. Làm thế nào H trả nợ nổi"
Vợ Thinh nối tiếp
- Hồi đó ba nằng nặc đòi mua nhà. Lương thằng H không đủ để trả nợ, cho nên nó với má không chịu mua. Hằng ngày ổng kiếm hết chuyện tới chuyện nọ để gây gổ trong nhà. Sau cùng ba má với thằng H và anh N chịu ký chung tờ giấy nợ nên nhà băng mới cho vay tiền. Bây giờ trả nợ hổng nổi nên nó tính bán nhà. Khi hai mẹ con chị N được anh N bảo trợ qua tới, ở chung nhà. Chị N không tiếp tay làm việc nhà, hằng ngày sau khi tan sở làm thì đi đâu miết tới tối mò mới về, cơm nhà bữa ăn bữa không mà không cho biết trước. Còn anh N thì cũng một bè với chị N. Vợ con qua tới, ở chung nhà mà không tăng tiền phụ thêm hàng tháng. Ba thấy chướng mắt nên cứ rầy rà hoài. Ảnh và vợ con dọn ra riêng, nói là bị thằng H đuổi. Nay tới lượt ba ra đi. Từ bốn đầu lương tuột xuống còn hai đầu lương thì bó tay!
Vợ Thinh nói thêm
- Chưa hết đâu. Má cũng muốn dìa Việt Nam ở nữa kìa!
Thinh muốn bật ngửa
- Trời! rồi ai lo cho H đây"!
Vơ Thinh
- Má nói là má tính gởi nó cho tụi mình. Thằng H xin về ở chung với mình. Nhưng không biết anh có chịu hay không. Má nhờ em hỏi anh.
Thinh lặng thinh vài giây đồng hồ - Sau cùng vợ chồng mình hứng hết
- Từ bao lâu nay có cái gì cũng réo tụi mình, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn. Không kêu em thì cũng kêu anh. Ba má không bao giờ kêu T hay anh N cả. Bao giờ mình mới được thảnh thơi đây!
Vợ Thinh đồng ý
- Anh kể tới mấy người đó làm gì. Con T từ ngày qua Mỹ, mượn cớ con mắt có tật ở nhà ăn tiền nhà nước. Tới khi có chồng, về xứ chồng, ở nhà nuôi con, không chịu học hành, không chịu học lái xe, không biết trương mục nhà băng có bao nhiêu tiền, không biết chồng làm lương bao nhiêu, lại tiếp tục lãnh tiền trợ cấp xã hội. Chồng nó mua hết máy satellite nầy đến máy satellite khác để coi ba cái phim người lớn, máy computer cho con học thì không thèm mua cái nào.
Vợ Thinh nghỉ mệt, nói tiếp - Anh N ở Mỹ mà không chịu học tiếng Mỹ, đi kiểm xe định kỳ hằng năm mà cũng kéo thằng H đi theo. Vợ dữ thì không dám rầy, tiền lời stock thì vợ lấy để mua vàng hột xoàn còn nợ nhà không lo trả. Thằng con hỗn hào thì không dạy, vừa xong trung học thì đã mua xe honda accord mới toanh. Bây giờ chỉ bị thất nghiệp, ảnh đi làm hai job mới đủ sở hụi để trả bills hàng tháng.
Thinh từ tốn
- Thôi em. Đừng kể nữa. Ăn xong bữa cơm rồi tính tới!
*
Ông bà Năm, H, vợ chồng Thinh cùng ngồi trong phòng khách ở nhà H.
Thinh ngó vợ
- Em nói cho ba má và H nghe cách mình tính đi.
Vợ Thinh đổ ngược
- Anh nói rành hơn. Anh nói đi.
Thinh xoay qua hướng ông bà Năm và H
- Vợ con cho biết là ba má định về Việt Nam ở luôn, gởi H cho tụi con. Với tụi con thì không có gì trở ngại. Chỉ một điều là mẹ của con đang ở chung. Nhà của tụi con thì nhỏ. Cái sân sau nhà thì hẹp, không có chỗ để cất thêm phòng. Nếu H định bán cái nhà nầy thì tụi con mua lại. Bởi vì cái sân sau lớn, có thể cất thêm một cái phòng riêng, trong đó có luôn cái phòng tắm và cầu vệ sinh. Như vậy H được tự do sử dụng, sống thoải mái.
Ông Năm bình thản
- Ừ thì anh em cứ tính với nhau. Ba sắp về Việt Nam ở luôn. Ba không có ý kiến gì trong vấn đề nầy.
Bà Năm rươm rướm nước mắt
- Chuyện mua bán nhà má không rành. Tùy ý của thằng H. Má chỉ cám ơn tụi con đã giúp ba má từ mấy năm nay, rồi còn lo cho thằng H nữa.
Thinh nói thêm
- H là em. Tụi con giúp H. Má đừng cám ơn như vậy. Con muốn ba má và H cùng nghe và cùng đồng ý những điều vợ chồng con nói. Tụi con không muốn có sự tranh cãi trong gia đình sau nầy.
Thinh trình bày vấn đề
- Tụi con sẽ trả tiền nhà cho H như thế nầy - một là cái check bao gồm tiền vốn gọi là equity mà H đã trả cho nhà băng và tiền thuế, tiền bảo hiểm nhà gọi là escrow mà H đã đóng trước cho năm nay - hai là ngay bây giờ tụi con không có đủ tiền do đó tụi sẽ trả góp cho H số tiền khác biệt giữa giá H mua nhà hồi đầu và giá H bán cho tụi con bây giờ - ba là số tiền nợ còn lại gọi là principle balance mà H vẫn nợ nhà băng thì tụi con trả góp cho nhà băng. Còn đồ đạc trong nhà H cứ để y như vậy, tụi con sẽ trả tiền thêm cho H sau nầy.
H ngó vợ Thinh, vẻ thành thật
- Tui không bán mắc cho bà đâu, mua giá nào thì bán giá đó.
Vợ Thinh lườm H, nói đùa
- Mầy bán mắc, tụi tao lấy tiền đâu trả. Tao có nhà rồi, tuy nó nhỏ nhưng ít tốn tiền thuế, ít tốn tiền điện máy lạnh, ít tốn tiền gas máy sưởi, ít tốn tiền nước tưới sân, ít tốn tiền bỏ phân cỏ. Tao và anh Thinh mua cái nhà nầy là để lo cho mầy.
H cười cười
- Cám ơn bà với anh Thinh nghe.
Thinh chen vào
- Để H không tốn tiền lời, bắt đầu tháng tới H cứ tiếp tục viết check trả cho nhà băng như thường lệ, rồi anh chị viết check trả lại cho H. Sau khi ba má về Việt Nam, tụi con dọn qua đây, làm giấy tờ sang tên chủ quyền, rồi bán nhà cũ..
Sự việc ổn định. Mọi người vui vẻ. Thêm một trang sách lật qua.
*
Thinh ngồi trên sofa coi tivi, Vợ Thinh từ phòng ngủ bước ra.
Vợ Thinh tới gần, ngồi xuống bên cạnh Thinh
- Anh.
Thinh nhìn vợ
- Chuyện gì nữa đây"
Vợ Thinh hồ hởi nói
- Em mới nói chuyện với anh N trên điện thoại. Anh chị N định mua nhà.
Thinh nói không tính toán
- Vậy thì tiện quá, bán cái nhà nầy cho ảnh chỉ với giá vốn. Cho luôn cái tủ lạnh, máy giặt máy sấy, bàn ghế, mình khỏi công dọn dẹp.
Vợ Thinh
- Không phải. Anh chị N muốn mua cái nhà của thằng H. Nếu mình không muốn bán thì ảnh chỉ kêu realtor kiếm nhà khác.
Thinh với một chút bực dọc
- Lại muốn chơi tay trên rồi!
Thinh chợt nhớ
- Bán nhà đó cho anh chị N rồi H ở đâu"
Vợ Thinh
- Thì nó sẽ ở chung nhà với ảnh chỉ.
Thinh nghi ngờ
- Em có chắc là H sẽ ở lâu dài được với anh chị N hay không" ảnh chỉ đã không ở được với thằng H trước đó, dọn ra rồi nói là H đuổi. Em nhớ chứ"
Vợ Thinh
- Dạ. Nhưng anh chị N chịu cho nó ở chung. Ba má và thằng H cũng chịu như vậy.
Thinh trình bày
- Ba má, H và em phải suy nghĩ và tính cho chắc ăn. Bán cái nhà đó cho anh chị N, ba má về Việt Nam xong, tới lúc H không ở được với anh chị N nữa, nhà mình không có đủ chỗ cho thằng H. Mình không có khả năng tài chánh để mua cái nhà khác để đem thằng H về ở chung!
Vợ Thinh
- Em nghĩ sẽ không có sao đâu anh, đừng lo xa hoài.
Thinh kết luận
- Tới hôm nay tiền bạc của cái nhà đó mình đã trả cho H xong rồi. Nhưng giấy chủ quyền vẫn còn tên của H. Coi như H vẫn làm chủ. Thôi thì em nói H và anh chị N nói chuyện thẳng với nhau. Khi nào chuyện mua bán giữa H và anh chị N xong xuôi thì H tính lại tiền với mình. Anh tính như vậy, em chịu không"
Vợ Thinh
- Vậy thì tiện rồi. Để em cho anh chị N và H biết như vậy.
*
Bà Năm và H qua nhà vợ chồng Thinh. Bà Năm:
- Thằng H bán nhà nó cho vợ chồng thằng N rồi. Bây giờ vợ chồng con tính số tiền nhà trả cho thằng hồi trước là bao nhiêu để nó trả lại cho tụi con nghe.
Thinh dòm H, hỏi
- H bán nhà cho anh chị N như thế nào" ảnh chỉ trả cho H bao nhiêu"
H không trả lời, đưa mắt nhìn bà Năm như ngầm hỏi ý kiến.
Bà Năm nhìn Thinh, thế lời H
- Con tính phần của con để thằng H trả lại tiền là được rồi.
Vợ Thinh hơi gắt với H
- H, mầy phải nói anh chị N trả tiền nhà cho mầy như thế nào, rồi anh Thinh mới tính toán được chớ!
H rụt rè lên tiếng
- Em còn thiếu nhà băng bao nhiêu tiền thì anh chị N mua cái nhà với giá bấy nhiêu.
Thinh giật mình, hỏi H
- Chỉ có vậy thôi sao" Tiền equity, tiền escrow thì sao"
H lắc đầu nguầy nguậy.
Thinh ngạc nhiên
- Anh chị N nở tình nào mà bốc lột em của mình như thế!
Thinh nhìn vợ, nhìn má vợ, rồi nhìn H
- Như vậy tiền đâu mà H trả lại cho anh chị đây!
Thinh nói với giọng thúc đẩy
- Má và H phải kêu anh chị N tính lại cho H. Ngoài đời đâu có ai mà mua nhà kiểu của anh chị N đâu! H đang bịnh như thế nầy, nó còn cần tiền để về sau trị bịnh của nó nữa.
Bà Năm nhứt quyết
- Thôi. Bỏ đi con. Cứ tính phần của con được rồi.
H tiếp lời bà Năm
- Em không dám nói với anh chị N đâu!
Vợ Thinh tức tối
- Làm gì mà má với thằng H sợ anh chị N như vậy. Cái gì đúng thì mình nói. Ngậm miệng để thằng H bị thiệt thoài thì đâu có được.
Thinh tự quyết định rộng rãi, nói với bà Năm
- Thôi như vầy. Tụi con không lấy tiền của H. Coi như tụi con giúp anh chị N tiền mua căn nhà lần đầu trên nưóc Mỹ. Mình không cần cho ảnh chỉ biết.
Vợ Thinh như thường lệ, đồng tình với Thinh
- Ừ. Như vậy đi má. Nghỉ như là mình giúp anh chị N để định cư ở Mỹ.
Bà Năm nhăn nhó, vẻ bất an, trả lời vợ Thinh
- Không được. Đâu phải ra đó. Vả lại tụi bây đâu có khá giả gì. Đi làm cực khổ. Tụi bây còn nuôi con cái của tụi bây nữa chớ!
Thinh không còn kiên nhẫn
- Nói như thế nào má cũng không chịu. H không dám nói chuyện với anh chị N, thì con nói. Má kêu anh chị N tới nhà H rồi con qua gặp ảnh chỉ.
*
Vợ chồng Thinh, bà Năm, H và anh N ngồi ở bàn ăn trong bếp nhà H.
Thinh khởi đầu câu chuyện
- Anh N khỏe không" Chị N có tới không anh"
Anh N trả lời cụt ngủn
- Chị N mắc đi chợ, không tới được.
Thinh kín đáo đưa mắt nhìn vợ mình, ngầm nói
- Bà ấy chạy đạn, để anh N hứng!
Thinh
- Em có nhờ má mời anh chị tới đây để em bàn chuyện mua bán cái nhà nầy.
Anh N
- Ừ. Cô với dượng tính sao"
Thinh từ tốn kể cho anh N nghe hết cuộc nói chuyện với bà Năm và H trong ngày trước.
Thinh kết thúc
- Chuyện như vậy đó. Bây giờ ý của anh N như thế nào"
Dài theo lúc Thinh kể chuyện, vành tai của anh N mỗi lúc một ửng hồng thêm.
Anh N mặt đỏ rần, sừng sộ
- Đ.m. bữa trước chịu bán rồi, bây gìờ tự nhiên đòi lên giá, lấy tiền đâu ra mà tao trả cho nổi chớ!
Thinh giữ bình tĩnh
- Ít ra anh chị trả bằng giá H mua. Chứ anh trả cho H như vậy thì làm sao H có tiền trả cho tụi em. Trả cho H giá đó. Anh chị không lỗ lã đâu. Nhà nầy mỗi ngày một lên giá, bán nó cũng có lời.
Anh N đứng lên, dùng dằng nói
- Thôi. Xù. Không thèm mua nữa. Trả nhà lại đó.
Anh N xây lưng bước ra cửa, không chào ai.
Thinh nhìn theo, ngao ngán trong đầu
- Người không có lương tâm!
Vợ Thinh lắc đầu nhìn theo
- Hết thuốc chữa!
Bà Năm cắn môi, mắt đỏ ươn ưót.
H âm thầm bước lên nhà trên.
*
Vài tuần lễ sau. Thinh đang dọn dẹp sân sau. Vợ Thinh từ trong nhà bước ra.
Vợ Thinh nói với
- Anh ơi. Anh N vừa nói chuyện trên điện thoại với em.
Thinh lơ là
- Ờ.
Vợ Thinh bước tới gần Thinh
- Ảnh hỏi anh bán nhà nầy cho ảnh"
Thinh nghĩ thầm trong bụng
- Xin cho em hai chữ bình an!
Vợ Thinh
- Ảnh cần biết ngay. Nếu anh không bán nhà nầy cho ảnh, chiều nay ảnh đi với realtor mua nhà khác.
Thinh đổ quạu
- Hăm với he. Em nói với ảnh trễ mất rồi. Nhà nầy đã có người trả giá và anh bán rồi, vài bữa nữa làm giấy tờ đổi chủ quyền.
Vợ Thinh vuốt ve
- Nguội đi anh. Bán hay không là quyền của mình. Có gì đâu mà nóng!
Thật sự thì Vợ chồng Thinh vẫn còn làm chủ căn nhà, chưa đăng bản rao bán. Từ ngày Thinh thấy hành động của anh N, Thinh ngán ngẩm và không muốn bị níu kéo bởi người anh vợ của mình. Sau đó qua lời vợ Thinh kể lại, vợ chồng anh N mua căn nhà cũ trên ba mươi năm. Họ phải tốn trên mười ngàn đô la để sửa chữa những chỗ hư hỏng, tốn kém nhiều hơn so với mua nhà của vợ chồng Thinh hay nhà của H..
*
Bây giờ Ông Năm đã định cư ở Việt Nam.
Bà Năm đổi ý, tiếp tục ở lại Mỹ để H có bạn.
Thinh lo lắng
- Mình đâu có sức để giữ hai căn nhà lâu dài. Mấy đứa con mỗi ngày một lớn. Mình phải tiết kiệm tiền, một phần để giúp chúng phần nào khi chúng nó lên đại học, một phần chuẩn bị cho lúc mình về hưu. Kinh tế đang đà đi xuống, nếu một người bị mất việc làm thì còn lây lất, chứ hai người mất việc làm thì mệt nghe em! Không có đủ tiền trả nợ nhà và những chi phí khác!
Vợ Thinh hỏi thăm dò
- Vậy anh có tính gì không"
Thinh điệu trách móc
- Anh nói với em bao nhiêu lần. Mình sẵn sàng giúp ba má và anh em trong gia đình. Nhưng khi mình tính kế hoạch làm cái gì thì phải theo đó làm cho xong. Nếu thay đổi kế hoạch hoài, vừa mất thời gian, mất công lao, mất tiền bạc. Riết rồi điên cái đầu!
Thinh dẫn chứng
- Em thấy trước mắt, ba đòi mua nhà cho được rồi đột nhiên bỏ về Việt Nam. H ở lại đưa lưng ra cõng nợ một mình! Gánh hết nổi thì H phải bán nhà. H mất biết bao nhiêu tiền lời trong cái nhà đó!
Thinh kể tiếp
- Còn Anh N mua nhà H rồi trả lại. Mình nhảy vào, nhảy ra, rồi phải nhảy trở vô giải quyết. Bây giờ má đổi ý, không về Việt Nam. Mình lại phải đổi kế hoạch một lần nữa! Cứ như thế nầy hoài thì làm sao mà đời sống ổn định được!
Vợ Thinh chịu đựng, nói
- Em hiểu anh nói. Nhưng má muốn vậy thì làm sao bây giờ!
Thinh vẽ lại kế hoạch
- Nếu để mà và H dọn vô appartment ở xa mình, rủi nửa đêm nửa hôm má hay H trở bịnh thì làm sao xoay trở. Ban ngàyH đi làm, má ở nhà một mình mà xảy ra chuyện gì thì không ai hay biết. Còn nếu má và H dọn vô ở chung với mình, e rằng nội ngoại sớm muộn gì sẽ xích mích thì khổ hơn. Thôi thì má và H dọn qua đây ở tạm trong nhà nầy trong hai năm, nhà nhỏ với sân nhỏ. H có đủ sức săn sóc, giữ gìn nó . Thay vì H trả tiền mướn appartment hàng tháng thì H đưa một ít tiền cho mình để phụ trả nợ nhà băng, coi như nó mướn nhà trả rẻ. Còn vợ chồng con cái m ình với mẹ dọn qua nhà H ở. Trong khoảng thời gian hai năm đó, nếu má về Việt Nam thì mình bán căn nhà nhỏ rồi đem H về ở chung. Em nghỉ thế nào"
Vợ Thinh có vẻ hài lòng với kế hoạch của Thinh
- Em không biết tính thì anh tính giùm.
*
Bà Năm và H đã dọn vào nhà nhỏ của vợ chồng Thinh không bao lâu thì H có những triệu chứng cho biết sự ảnh hưởng của cái bướu não đang ở mức độ báo động. Ở nhà, H thường đánh rơi những món đồ đang cầm trong tay một cách vô cớ, ăn uống nhễu nhão, mất thăng bằng khi di chuyển. Trong sở làm thì H cứ quên tới quên lui cái mật mã dùng để ký vào máy vi tính cho việc làm hàng ngày. Trưởng toán nhân viên nghe lời e ngại của các bạn đồng nghiệp về những cử chỉ bất thường của H, báo cho cấp trên. Họ mời vợ Thinh và H vào họp với đại diện của phòng quản trị nhân viên và y tá của sở. Ngay sau buổi họp, họ quyết định đình chỉ việc làm của H tức khắc để giữ sự an toàn cho H cũng như các đồng nghiệp xung quanh.
Vợ Thinh đưa H tới găp bác sĩ. Bà cho biết cái bướu não đã phát triển trở lại và lớn cực nhanh, đến lúc phải mổ để cắt bỏ cái bướu não, bằng không thì chỉ trong thời gian ngắn thôi H sẽ không còn đi đứng, ăn uống được nữa. Phải công nhận H là nguời "điếc không sợ súng". Có thể vì H không tưởng tượng được cái hoàn cảnh đời sống của chính bản thân H và má, và những người thân xung quanh sẽ khó khăn đến mức độ như thế nào khi H nằm liệt một chỗ. H nằng nặc không chịu mổ. H muốn về Việt Nam ở luôn. Lần nầy thì đích thân Thinh ngồi xuống giải thích cho H cái hình ảnh tương lai rất gần của H. Má sẽ là người đầu tiên bị khổ sở vì H. Khi H nằm liệt giường, làm sao má bồng ẵm H nổi để tắm rửa cho H. Má sẽ phải ngồi kề bên đút từng muỗng cháo, từng thìa nước cho H. Má sẽ phải ngồi kế bên H chứng kiến sự sự đau đớn của H trên giường bịnh. Ngay bây giờ H có bảo hiểm sức khỏe bao cho tất cả chi phí chữa bịnh, rủi mà H có chết thì số tiền bảo hiểm sinh mạng cũng gúp cho các anh chị em của H có vốn làm ăn, sự mất mát của H còn có ý nghĩa, & Còn về Việt Nam ở luôn, H sẽ làm được gì" Sau cùng thì các anh chị gặp khó khăn hơn thêm vì phải lo cho H. Mà họ thì nghèo, làm sao lo được cho H đây" Nói chung là H cũng làm khổ mọi người vì cái suy nghĩ nông cạn của mình! H Không nghe lời bác sĩ cũng chết mà chết một cách chậm chạp và đau đớn, còn làm những người thân xung quanh hệ lụy với mình. Nghe lời bác sĩ vậy mà còn có cơ hội để chữa hết bịnh, khỏe cho bản thân H và tạo niềm vui cho mọi người.
Hình như Chúa, Phật và những người bề trên phù hộ, sau khi nghe Thinh giãi bày mọi lý lẽ, H muốn mổ bỏ cái bướu não. Vợ Thinh vội vàng liên lạc văn phòng bác sĩ để xin xếp đặt mổ bỏ cái bướu não cho H.
Bà bác sĩ nói đùa với vợ Thinh - Em của cô đã chờ tới bảy năm mới chịu mổ bỏ cái bướu não của nó, còn cô thì hối tôi mổ liền!
Mổ cái bướu não xong. Vết mổ lành lặn. Một bên mặt của H hóp vô,chỗ cái bướu não đã lấy ra. Mỗi ngày trung tâm trị liệu cử xe đưa rước H đi tập vận động tay chân, luyện trí nhớ. H từ từ hồi phục nhưng không đù điều kiện sức khỏe để trở lại làm việc.
Bà Năm và H giao trả căn nhà cũ lại cho vợ chồng Thinh. Hai má con dọn về ở chung nhà với anh chị N. Dĩ nhiên là vợ chồng Thinh không đồng ý, dựa vào những sự kiện bất ổn đã xảy ra trong quá khứ. Rồi thì chỉ trong vài tháng sự đời lại biến đổi một lần nữa.
Vợ Thinh nói trong nước mắt
- Anh N đuổi thằng H rồi anh ơi!
Thinh không ngạc nhiên, trả lời
- Em thấy không. Nó y như anh đã nghĩ và y như lời anh đã nói với em, má và H từ trước.
Vợ Thinh lau nước mắt
- Thằng H đâu có ở một mình nó được. Em xin anh cho nó về đây ở với tụi mình. Má vẫn ở với anh chị N.
Thinh trả lời không cần suy nghĩ
- Phải làm vậy thôi. Cái nhà kia đã bán rồi. Chỉ cầu nguyện ơn trên phù hộ cho mẹ và H hợp với nhau, ở chung nhà không có gì rắc rối.
Và lời cầu nguyện của Thinh được ban bố. Mẹ và H rất hợp khẩu. Hai bà cháu nói cười vui vẻ với nhau. Trong những bữa cơm, bà nhắc H ăn hết món nầy đến món kia, H thì xoa tay bóp chân cho bà những lúc bà bị 'chuột rút'. Hai bà cháu săn sóc, trông chừng cho nhau những lúc vợ chồng Thinh đi làm, các con Thinh đi học. Vợ Thinh rước bà Năm tới thăm H trong ngày lễ và ngày cuối tuần. Bà Năm tưoi cười mỗi khi gặp H, gương mặt bà dàu dàu buồn lúc ra về. Đợi lúc mẹ Thinh vui, vợ chồng Thinh gợi ý đưa bà Năm về ở chung, để má và H sum hợp. Mẹ Thinh nhiệt tình đón nhận bà Năm giống như bà đã đón nhận H. Từ ngày má vợ Thinh và H dọn vào ở chung, những bữa cơm ngon hơn và không khí gia đình nhộn nhịp thêm.
*
Chín năm kể từ ngày H bị seisure lần đầu tiên. Chín năm H đã chống chọi với cái bướu não. Trong chín năm đó, H đã đánh mất bảy năm cơ hội khi quyết định không mổ bỏ cái bướu não. Cùng lúc H chần chừ bảy năm để lựa con đường cho cuộc đời thì cũng là bảy năm các nhánh rễ của cái bướu não âm thầm len lỏi vào ngõ ngách bộ óc.
Sự đi đứng của H bắt đầu chậm lại. H đặt từng bàn chân khó khăn bước tới như đứa trẻ vừa biết đi, cầm đôi đũa gắp đồ ăn tuột trượt, đút muỗng cơm vào miệng rớt rơi, đưa cái bàn chải đánh răng không định hướng xuôi hay ngược, lúc nào cũng kêu lạnh dù dòng nước ấm đang tỏa lên người, không nhận thức được thời gian cứ ngày ngủ đêm thức. H trở nên sa sút đến độ không còn tự chăm sóc bản thân mình. Bây giờ Bà Năm phải luôn luôn đi bên cạnh H mỗi khi H vịn cái xe gậy để bước từng bước nhỏ. Vợ Thinh rửa mặt đánh răng cho H vào mỗi sáng. Thinh tắm rửa thay quần áo sạch cho H. Mẹ và mấy đứa con Thinh dòm chừng H ăn... Mọi người trong nhà cùng góp tay giúp H.
H có buổi hẹn với bác sĩ ngay vào ngày cuối cùng của năm. Vợ chồng Thinh đẩy H trên xe lăn vào phòng khám của bác sĩ. H trả lời những câu hỏi của bác sĩ bằng nụ cười ngu ngơ và ánh mắt vô tư. Bà nhìn vào phim hình cái đầu của H vừa chụp ban sáng, im lặng cuối đầu đọc bệnh án của H, len lén đưa tay chặm đôi mắt ướt. Bà cho vợ chồng Thinh biết là quãng đời của H chỉ còn khoảng từ ba tới sáu tháng. Những nỗ lực chữa trị của bà dành cho H cũng cạn rồi. Việc cuối cùng của bà có thể làm cho H là bà liên lạc với Hospice Care để xếp đặt người tới chăm sóc H tại nhà trong những ngày còn lại.
Cái không gian của phòng khám chợt yên lặng và lành lạnh. Bà bác sĩ nói vài lời tiếc nuối với vợ chồng Thinh, bắt tay từ giã H rồi xoay lưng bước đi nhanh, có lẽ bà đang dấu dòng nước mắt bắt đầu chảy xuống. Nói lời cám ơn và chào người y tá, vợ chồng Thinh mỗi người một bên đẩy xe lăn H ra cửa. Dòng xe xuôi ngược trên đường, mọi người đang vội vã trở về với gia đình để kịp đưa tiễn đêm cuối năm và đón rước ngày đầu của năm mới.