Hôm nay,  

Chân Dung Một Người Mỹ Tốt Bụng

15/12/200700:00:00(Xem: 213169)

Người viết: Xuân Đỗ

Bài số 2177-1969-744vb7151207

*

Tác giả 66 tuổi, định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO, cư dân Riverside, hiện là Guest Teacher cho Colton Joint Unified School District (nam California). Ông là tác giả 3 bài viết "Người về từ đảo Guam," "Ông Già Bãi Giá", và "Oan Ức Một Thời, Oan Ức Một Đời"., “Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm...”

*

Có một điều ông ân hận là chưa đặt chân lên đất Saìgon, chưa có dịp thăm Việt nam, mặc dầu biết Việt nam từ khi ông còn rất trẻ. Sống kiếp hải hồ từ sau khi học hết trung học, bị hụt đi tu, ông đăng ký Hải quân. Rời California, chiến hạm của ông được điều về vùng biển Thái bình dương nằm trong phạm vi hoạt động của Hạm đội 7.

Kịp lúc chiến trường Việt nam sôi động, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ vào Đà nẵng thì tàu của ông được phái đến Biển Đông, ngoài khơi thành phố Đà nẵng, chuyên lo phần tiếp liệu, kể cả yểm trợ hải pháo cho các cánh quân bạn dọc từ Hải lăng đổ vào.

Ông tự thân không thích chiến tranh, đi Hải quân cũng chỉ là có dịp đi đây đi đó, ghé lai bến nọ bờ kia, một phần muốn quên đi mối tình đầu dang dở vì mẹ cản không cho lý do khác đạo, phần cũng muốn xa cái thị trấn nông trang vùng San Luis Obispo, miền Trung California, nơi mà tuổi thơ của ông đã bị khép kín trong một gia đình đông con, một nếp sống nông trại buồn tẻ, chưa kể phải chịu sự dạy dỗ có phần khuôn phép, bảo thủ của một bà mẹ có dòng đạo gốc.

Ông tên gọi thân mật là AL, hai chữ đầu của Alberto. Cậu AL có một thời thơ ấu không suôn sẻ. Cha mất sớm, mẹ một nách bảy tám đứa con, nên cậu đã bắt đầu phải lao động sớm để giúp gia đình. Cuộc sống nông trại thì đất đai canh tác chỉ hạn chế ở mức gia đình, lề lối thì cũng là sự lặp lại của một truyền thống chăn nuôi, canh tác đã có từ những thế hệ trước, lại sinh hoạt trong một xứ đạo khép kín cho nên nguồn thu nhập cũng chỉ ở mức dư dật chút đỉnh.

Cậu bé cũng không tỏ ra ngoan đạo lắm, giúp lễ ở nhà thờ cũng chỉ để làm mẹ vui lòng. Trong tâm tư cậu như thôi thúc bằng một ước vọng vô hình là muốn tìm một lối khác để được gần với Chúa, đừng quá nặng về hình thức, lễ nghi. Mẹ cậu thì vẫn kỳ vọng nơi cậu, bà tin chỉ có cậu mới làm dòng họ hãnh diện khi đi vào con đường phục vụ Chúa và giúp đỡ tha nhân.

Cha mẹ sinh con Trời sinh tính, mẹ thì muốn vậy, nhưng ông lại theo đường ông, theo tiếng gọi của con tim đi yêu một thiếu nữ ngoại đạo. Vì sự ngăn cản của gia đình không lấy được người yêu lại đưa ông vượt ra ngoài vòng cương tỏa của họ tộc khi chọn một lối thờ phượng khác với lễ tục trải qua nhiều thế hệ. Mẹ ông gần như muốn từ ông, chị em sợ mẹ nên né tránh ông, cộng đồng biểu thi lạnh nhạt với ông. Không còn cách nào khác, ông chọn kiếp sống hải hồ bằng cách gia nhập đời thủy thủ. Trên xứ Mỹ nghe ông thuật lại, tôi lại nhớ đến chuyện Xóm Đạo của nhà văn N.N.N., khi thấy hai phương trời dù cách biệt, hai văn hóa mang sắc thái đông với tây, nhưng về mặt tín ngưỡng thì hình như không có biên giới, cho nên lề thói gia đình, qui luật xứ đạo của cả Mỹ lẫn Việt hội tụ y chang.

Ông không đi vào con đường tu hành, thì gia đình chẳng còn ai, chỉ có một cô gái út đi vào tu viện và trở thành "sister" của một dòng nữ tu mạn Bắc. Nghe nói sau này khi tuổi ngoài 40 không hiểu vì lý do gì bà bỏ cuộc sống khép kín, quay về đời thường rồi kết hôn với một cựu binh cấp bậc khá cao. Cuộc sống không lấy gì làm hạnh phúc vì ông nghiện rượu do ám ảnh của hội chứng chiến tranh Việt Nam. Bà thất vọng định chia tay trở về tu viện, nhưng ông lại qua đời nên bà ở lại căn nhà chung, sống đời ẩn dật quãng đời còn lại. Những ngày cuối đời hai anh em ông trở thành đồng cảm vì cùng sống xa quê, cùng thoát ly gia đình và bị coi như hai con chiên lạc.

Ông vẫn mải mê với đời hải hồ, nó giúp ông dừng chân nhiều nơi xa xứ lạ. Đi xa ông mới thấy nhiều người quá khổ, nhiều thân phận xấu số, nhiều cảnh đời bên bờ địa ngục, không được sung túc, suôn sẻ như quê ông. Cuộc sống trên boong thì cũng có lúc nhàm chán, qui trình công tác thì một ngày như mọi ngày, chỉ vui khi có cuộc hải trình xa, dừng chân nơi bến lạ, giao lưu với những con người mới, văn hóa mới. Cũng cần nói là nhiệm vụ chính của ông trên tàu là tẩm liệm các thi hài lính Mỹ hi sinh tại chiến trường trước khi giao về cho thân nhân họ, ông không biết chọn nghề gì, chẳng ngờ sau này nó là cần câu cơm khi ông xuất ngũ.

Ít năm sau nhớ bờ, ông bỏ đời thủy thủ, xuống phía nam Cali kiếm việc. Tình cờ ông được một mục sư giới thiệu cho vào làm tại một trường Đại học Y khoa, chuyên lo chăm sóc bảo trì các tử thi để sinh viên sử dụng cho môn cơ thể học. Ông đã bỏ đạo cũ, theo đạo mới , tuy cùng theo một Chúa , cùng thờ một Đấng Chí Cao. Ông đi nhà thờ đều đặn, an phận với công việc, để nhiều thời gian với người chết hơn với người sống nếu không kể số giờ phải nghỉ ngơi.

Lúc này cảm thấy lòng mình trống trải, nên qua môi trường sinh hoạt nhà thờ, ông làm quen với một đồng nghiệp trong trường. Hai người cùng độc thân, bà khoảng trên 50, ông kém bà vài tuổi, hai người nếu tính theo sức học, sở thích, tính nết và lịch sử gia đình thì nghe chừng không hạp, nhưng họ tìm đến nhau trong tình đồng đạo tuy muộn màng nhưng lại thành tri kỷ gắn bó với nhau gần một phần tư thế kỷ.

Bà vợ ông không phải người Cali, mà gốc vùng Midwest. Bà là con gái duy nhất trong một gia đình mục sư, suốt thời niên thiếu theo cha làm công tác truyền giáo tại Peru, một vùng đất miền Nam Mỹ. Bà thạo tiếng Spanish, sau khi tốt nghiệp đại học, bà làm cô giáo dạy tiếng Anh cho giáo dân địa phương. Khi ông cụ mất, bà theo mẹ về lại Mỹ, học tiếp ngành quản trị kinh doanh và nhận một công tác kế toán cho trường đại học nơi ông cùng làm việc. Có thì giờ rảnh bà học thêm lấy được bằng MBA nên lương cũng khá.

Hai ông bà không có con , cũng chẳng nhận con nuôi, chỉ có một con chó(cho ông) và con mèo (cho bà) để làm vui ngoài tình tương kính yêu thương giữa hai người. Ấy vậy mà trong cuộc sống họ rất hạp nhau. Ông cũng chẳng mặc cảm vì sở học của mình kém bà, còn bà cũng chẳng ngại kiểu ăn nói có phần bá láp của ông mỗi khi đi đâu. Tức cười là khi sinh hoạt, bạn bè của bà phần nhiều là các giảng sư, giảng viên, nhưng sự có mặt của ông với lối noí chuyện kiểu thủy thủ làm các ông các bà cười ngất, nên chỗ nào có ông là vui, thiếu ông là người ta nhắc.

Có người hỏi rồi ông có quay về San Obispo không, câu trả lời là có. Quê hương là chum khế ngọt ai mà bỏ được, nhất là đối với người Mỹ hometown luôn là niềm hãnh diện vì là nơi họ đã sanh ra và lớn lên. Đông Tây gặp nhau ở chỗ này. Nhưng ông trở lại bằng cách nào. Lúc mẹ ông sắp mất, bà biểu chị ông gọi ông về, thật sự tình mẫu tử ai bỏ được con, giận thì giận vậythôi. Các anh em của ông, có người đã lập gia đình có con rồi có cháu vẫn sống quay quần nơi mảnh đất của cha ông từ thời mới di dân, trừ người em gái út nữ tu đi ở xa.

Mấy năm sau ông nghỉ hưu, bà thì nhà trường còn cần nên vẫn tiếp tục công việc. Vốn quen lao động chân tay, lại không muốn ở không, ông mở một dịch vụ nhỏ, chuyên sửa giầy dép các lơai. cho cả nam lẫn nữ bên Redlands. Nghề tay trái này ông học của ông nội khi còn ở nông trại. Tiệm của ông khá đông khách, tuy chỉ là khách địa phương, người Mỹ họ quí mấy đôi giầy đóng theo ni tấc vừa bền vừa hạp với chân nên thích sửa, nhất là dân trên vùng Big Bear và sa mạc Mojave, có người lái cả mấy chục miles đưa cho ông sửa.

Coi vậy mà ngồi hoài cũng mệt, tay búa tay kim mãi cũng nhức vai, túi tác có hạn chế nhất định, ông đi vào nghỉ hưu thực sự. Chẳng cần sang nhượng, ông cho luôn cái tiệm cho một phụ tá giúp việc ông từ mấy năm nay. Anh này người Việt nam gốc Campuchia, cùng sinh hoạt trong nhà thờ được ông bà coi anh như là con nuôi.

Sau khi giã từ với nghề nghiệp giờ là lúc muốn hưởng một chút cho thân nó nhàn, ông bà quay sang du lịch. Trong nước trước, ngoài nước sau, chỉ tiêu trước mắt là đi khắp 50 tiểu bang của Mỹ, tất nhiên kể cả Cali vì còn nhiều cảnh đẹp vẫn chưa đi tới. Phương tiện thì nhất định không đi máy bay, chỉ bằng phương tiện R.V. (loại xe đi xa tiện cho ngủ nghỉ trên xe).

Cũng năm 2000, thiên niên mới thì cũng là lúc hoàn thành chỉ tiêu. Bang cuối cùng là Alaska, ông lái xe đi ngang địa phận phía tây của Canada. Trong chuyến đi này, một tai nạn suýt xảy ra vì sự vô tình của bà khi bà biểu ông ngừng ngang trên freeway khi chiếc áo lót của bà phơi thế nào lại bay xuống nằm giữa xa lộ. Cái áo lót có đáng giá gì cho cam, bà có phần hơi lẩm cẩm, nhưng kể lại ông vẫn cười.

Ông bà không phải là người ít tiền, tiền hưu, tiền để dành, tiền lời dịch vụ, tiền tích lũy mua căn nhà mới, nhưng trong chi tiêu vẫn theo truyền thống người Mỹ lại rất tiết kiệm, không quá rộng rãi như người ta tưởng. Con cái chẳng có, chẳng phải nuôi ai thêm, chẳng phải lo cho con vào đại học, ngân sách gia đình chỉ tốn nhiều cho các lần du lịch xuyên bang.

Nhưng ông bà không phải chỉ sống cho riêng mình, mà còn đóng thuế cho chánh phủ, đóng góp cho cộng đồng, lại dâng hiến cho nhà thờ, giúp công tác từ thiện, ủng hộ quĩ trường học, chưa kể hay giúp đỡ bằng hiện kim hay tặng vật cho các di dân từ xa đến theo truyền thống lâu đời của người Mỹ.

Nói về giúp đỡ di dân không hiểu sao ông bà hay có cảm tình với sắc dân gốc Á châu nhất là hai chủng tộc gốc Tàu và Việt nam, theo tôi đoán có lẽ hồi trẻ ông hay ta bà vùng Thái bình dương. Trước khi gia đình tôi sang định cư tại Mỹ, thì nhà bà đã có hai chị em người Mã lai gốc Hoa được cho ở nhờ khi họ sang du học tại Mỹ. Họ tìm cách ở lại trong hợp pháp, rồi ra ở riêng sau khi lập gia đình. Một sinh viên Đại hàn thế vào chỗ họ, nhà ông bà lúc nào cũng có người lạ và ông bà chỉ ở một phòng.

Căn nhà ông bà đang ở là của bố bà xây cất từ đầu 60. Vì ông cụ là mục sư nên trong di chúc có ghi là sẽ dâng căn nhà này cho giáo hội sau khi con gái của ông mất đi. Di chúc không nói gì đến đời cháu, kể cả người phối ngẫu. Cho nên lúc cuối đời, ông đã phải mua phòng hờ một căn nhà khác nhỏ hơn trường hợp bà chết trước. Chiếc R.V. lúc nào cũng đậu sát garage, mấy lúc sau này khó ngủ nên hay đọc sách khuya, ông sử dụng nó như phương tiện sinh hoạt riêng, vì vậy mà ông đã bị trợt té khi bước hụt lúc xuống thang để vào nhà.

*

Gia đình tôi định cư tại vùng ông bà ở vào đầu thập niên 90 sau khi được chánh phủ Mỹ nhận qua một chương trình tị nạn dành cho các cựu tù cải tạo. Do cùng học chung trường, hai cô gái Mã lai bạn thân của con gái tôi đã giới thiệu gia đình tôi với ông bà. Biết chúng tôi từ Việt nam sang, ông có cảm tình ngay vì những ký ức liên hệ một thời với đất nước tôi hồi chiến tranh, nhưng chưa một lần đặt chân lên đất. Dần dần quen thân, ông bà coi con gái tôi như hai cô gốc Hoa, đối xử trong tình độ lượng, thương mến.

Lại nghe chuyện của tôi cải tạo trên 12 năm, vợ con một thời nheo nhóc ông bà càng quí mến hơn. Qua giao tiếp, tôi thấy khi nhắc tới Việt nam, có hai từ ông phát âm rất sõi là Saigòn và... Việt cộng. Nói đến Saigòn vì các bạn ông khen con gái ở thành phố này rất đẹp so với các cảng họ từng ghé qua, còn Việt cộng thì ông khâm phục vì họ đánh giặc gìoi", nhất là trận địa Khe Sanh gây tổn thất nặng cho TQLC Mỹ lúc tàu ông đang đậu ngoài khơi Quảng trị.

Ấn tượng này ông vẫn giữ cho đến khi gặp tôi thì niềm cảm phục biến thành nỗi khinh bỉ, vì với tư cách cựu binh, ông không hiểu sao họ có thể đối xử với những người ngã ngựa vừa là đồng loại một cách tàn tệ như vậy khi tàn cuộc chiến! Sau này khi tình bạn kết thân, mỗi lần ông định rủ tôi đi đâu, tôi không đi, hoặc nhờ tôi một việc công ích mà tôi quên chưa làm thì ông hay dọa vui, "tao gửi mày về cho VC bây giờ", dù dọa vui nhưng lại có ép phê mới lạ.

Trở lại những ngày đầu mới nhập cư, món tiền đầu tiên ông bà giúp con gái tôi là tấm chi phiếu $2300.00, số tiền dùng để chi trả cho việc thay và làm đẹp bốn cái răng cửa do bị hư khi còn ở Việt nam. Lúc đầu con tôi ngại, nhưng chính ông dẫn đi sửa. Sau thấy đám con chúng tôi hiếu học, ông bà khuyến khích bằng cách bảo trơ vay tiền Loan và cho ở nhờ không mất tiền trong mấy năm học ở vùng này. Ông bà quí mấy con tôi đến mức chịu sắp xếp các chuyến du lịch sớm hơn dự trù để đưa con tôi bằng R.V.chuyển trường sang bên Texas, rồi khi tốt nghiệp lại tự nguyện sang dự và đón về. Ông bà đi đâu cũng tỏ ra hãnh diện về chúng nhiều hơn cả bố mẹ của nó, một điều ít thấy theo tập quán quê tôi.

Tuy nhiên có sao nói vậy, do những hiểu lầm hoặc thiếu nhạy cảm mang tính chất văn hóa, cũng có lúc phật ý ông hoặc bà. Có một lần khá gay gắt vào một dịp đầu năm dương lịch. Theo truyền thống có cuộc diễn hành Rose Parade vào ngày đầu năm tại Pasadena, nam Cali. Đây là nét văn hóa và là niềm hãnh diện không phịa chỉ cho California, mà chung cho cả dân Mỹ, khi có cả tỷ người xem trên T.V. Lúc này con bé nhà tôi đang được nghỉ Christmas và New Year nên tranh thủ thời gian chuẩn bị thi vào Y. Nó đang được ông bà cho share phòng free. Tiện dịp đầu năm, bà rủ nó cùng coi cho vui. Con bé như ngồi phải lửa biết là sẽ đi đứt cả buổi, nên ngồi chừng nửa giờ nó lỉnh vào phòng riêng học tiếp. Bà mếch lòng ra mặt vì cho là thiếu tôn trọng bà và xem thường nét văn hóa Mỹ, một lễ hội mà người Mỹ vốn hãnh diện.

Chuyện tưởng nhỏ nhưng chuyển sang giận hoảng, nếu không có sự dàn xếp của ông chắc con gái tôi phải dọn đi. Nói thì nói vậy , biết chiều ý bà, nựng bà một chút bà cũng chóng quên, chẳng vậy mà khi con gái tôi lập gia đình thì thằng em của nó vẫn được ở tiếp căn phòng cho đến khi xong chương trình hậu đại học bốn năm.

Phần tôi chưa có người Mỹ nào tôi cảm thấy gần gũi thoải mái trong quan hệ thân tình bằng ông AL. Ông có kiểu xử sự xuề xòa tự nhiên như người Nam bộ (dĩ nhiên trước thời thập niên 60). Tôi với ông không có khoảng cách, gặp nhau tay bắt mặt mừng, tay ôm eo ông, noí chuyện theo kiểu tầm phào ngay từ phút đầu. Có điều ông không uống ruợu, cũng chẳng uống bia, không nghiền thuốc lá, chẳng biết uống trà nên khó lai rai, nhưng lại thích phở bò, chả giò, nem cuốn, không chê nước mắm mà ưa cả cơm chiên cá nướng theo kiểu của người Việt mình.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là có lần ông rủ tôi sang Mễ, tiện thể ông đi chích một mũi thuốc giảm đau (pain killer) cho cái vai của ông. Sáu tháng chỉ cần chích một mũi, bác sĩ Mỹ không dám làm chuyện này nên ông phải đi Mễ. Đã giao hẹn từ đầu là tôi sẽ đóng vai một anh cận vệ (bodyguard), vì tôi giống Đại hàn, mắt một mí, tướng người có vẻ biết võ. Còn ông cứ coi như một "big boss" không biết làm trong ngành gì, chỉ biết tướng ông cũng đô con, dáng cao đẹp nói làm nhỏ không ai tin. Ông nói đùa lâu lâu cũng cho tao lên gân một chút, tụi Bác sĩ Mễ không phải chỉ nể người Mỹ vì tiền mà nó còn nể hơn nếu biết mày có chức có quyền, nó chữa trị tốt hơn!

Chẳng mất mát gì lại có dịp làm bạn mình vui, nên tôi thủ vai một cách xuất sắc (thực sự tôi đã làm công tác này cho một ông tướng hồi còn ở quân đội, nhưng tôi dấu ông vì muốn ông nể tôi tài đánh giặc chẳng kém gì tụi V.C.). Chuyến đi lẽ ra vui hơn nếu đừng có chuyện bực mình trước khi vào đất Mễ. Chả là lúc ăn sáng xong ở Indio, ông bà trả bill riêng không tính phần tôi, biết cái tật sòng phẳng của người Mỹ hồi tôi đi Mỹ từ năm 66, nhưng trong lòng có phần ấm ức vì đã thân quen, sáu bẩy đô la đâu có đáng gì, làm mất tình, lại cứ nghĩ có lúc họ cho con mình cả mấy ngàn không tiếc, nay lại tiếc bố nó bữa ăn sáng!

Trở lại chuyện đi Mễ, khám bịnh chích thuốc xong, phái đoàn ra về. Ông vui vẻ ra mặt vì vừa hết đau, vừa được bác sĩ, nhân viên clinic nể ông ra mặt, ít ai mang theo cận vệ đi khám bác sĩ tại chốn này. Phần ông cũng đóng trọn vai khi nét mặt ra chiều khiêm tốn như không muốn ai biết mình làm... lớn, nhưng suýt lộ bài vì lại giới thiệu rất nhiệt tình về tôi với mọi người ông gặp.

Xe qua biên giới, ông nói nhỏ với viên thanh tra, "ông này người Việt nam, cận vệ của tôi." Chiếc cần chắn ngang tự động nâng lên, xe rời bánh kèm theo cái chào khá lịch sự của người kiểm soát biên gìơí. Lạ một điều là tôi chẳng cần xuất trình thẻ xanh.

Quay lại Indio cũng cỡ 4 giờ chiều, tôi đang chán vì tưởng sang Mễ được thăm thú cảnh quan ra sao, rút cục thành phố cửa khẩu nằm ngay biên giới, sao chép hệt Mỹ, muốn vào đất Mễ thực sự phải lái thêm... 50 miles nữa. Đang ngủ gật, thì xe dừng lại trước quán Sizzler, một loại quán ăn kiểu buffet. Ông bà mời tôi xuống ăn cho vui. Kinh nghiệm hồi sáng, lai biết bà xã ở nhà chờ cơm tôi viện cớ... chưa đói. Ông nói ngay, "tụi tao còn đói nữa là mày. Xuống! Lần này vợ chồng tao bao." Tôi làm bộ miễn cưỡng xuống xe. Chưa bao giờ ăn đồ Mỹ ngon như bữa nay, ăn xong mới sực nhớ mình nói với ông "chưa đói". Đoạn đường còn lại cả ba đều vui vẻ, tình "đồng chí" à quên tình" đồng đạo" phục hồi 100%.

Ngày vui qua mau, người có tình sớm từ giã nhau. Ông ra đi như chuyện tình cờ, giản dị như mơ. Nói về tuổi thọ thì cũng đủ rồi, nhưng vì mến nhau nên chưa muốn ông đi.

Đêm hôm trước ông bị té khi xuống cầu thang của chiếc R.V. Bác sĩ cho biết ông phải giải phẫu thay xương hông. Trước hôm mổ, tôi và bầu đoàn thê tử vào thăm ông, mang theo cả thằng cháu ngoại mà ông rất thích vì nó cũng gọi ông là grandpa. Chuyện trò vui vẻ, chúc ông ca mổ bình an. Thằng cháu hôn ông chúc "Goodnight, Grandpa Al". Ông xúc động ra mặt, tôi biết đêm đó ông ngủ ngon.

Chuyện đời khó đoán, chẳng ai biết chuyện ngày mai, dù chỉ là ngày hôm sau. Ca mổ dự trù 11 giò trưa, định tối vào lại xem sao, thì khoảng 5 giờ chiều được tin ông mất. Chính bà cũng không ngờ, tưởng chuyện mổ xương hông đâu có gì phức tạp, bà lại còn đi ăn trưa rồi mới vô thăm ông. Nên chẳng ai được gặp ông, bà thì như ân hận, chúng tôi phải an ủi mãi không thôi. Về sau được biết ca mổ xấu đi do biến chứng của bệnh suyễn ông nhiễm từ hồi còn trẻ, nhưng thôi cũng là số cả.

Như di chúc để lại, chuyện này ông cũng đã nói cho nhiều người nghe, thân xác ông đồng ý hìến cho trường đại học nơi ông làm việc, gắn bó trong cương vị bé nhỏ của mình mấy chục năm qua. Gia đình ông tôn trọng ước nguyện của ông.

Trong buổi lễ tưởng niệm tại một thánh đường lớn vùng Inland Empire, ông được bạn bè, kể cả số người thân trên San Obispo kéo xuống, dành cho những cảm xúc tiếc thương rất chân tình. Tấm hình được phóng lớn mặc đồ thủy thủ lúc còn trẻ được đặt ở trung tâm. Bà biết ông thích tấm hình này, thường được đặt trên chiếc piano nơi phòng khách. Phần phát biểu, tang quyến dành hết cho bạn bè thân quen.

Ba người đại diện nhóm thọ ơn, một anh con nuôi gốc Campuchia, một cô gái Mã lai gốc Hoa, và tôi đại diện cho một gia đình H.O., vận dụng hết khả năng Anh ngữ của mình để biểu lộ lòng biết ơn chân thành qua lối xưng hô thân mật vừa Daddy, Uncle, vừa Brother tùy vai vế. Người Mỹ có tập quán những buổi lễ như thế này, tuy buồn nhưng nên gợi lại những kỷ niệm dí dỏm, vui vui khi nhớ người đã khuất, nhưng tôi mắt đẫm lệ, giọng nghẹn ngào đã không làm vừa ý người thủy thủ một thời vui kiếp hải hồ trên Biển Đông.

Sau buổi lễ, mấy chị em ruột của ông đến gặp tôi bày tỏ những cảm tình coi nhau như tình huynh đệ, họ cảm nhận đươc mức độ tôi quí mến ông. Tôi cũng gặp riêng bà nữ tu, em gái út của ông để trao đổi những gì ông tâm sự với tôi về bà, bà tỏ vẻ xúc động. Nét mặt bà còn phảng phất nét đẹp của một thời nhưng vẻ sầu muộn hiện rõ trên đôi mắt.

Nhớ lúc sinh thời, ý nguyện của ông là sau khi đi hết 50 tiểu bang, ông bà sẽ làm một cuộc du lịch qua hai xứ, một chuyến qua Việt nam, một chuyến về Peru, nơi mà mỗi người có những kỷ niệm khó quên thuở thiếu thời. Ông sẽ đi với tôi qua Việt nam, ông sẽ đi với bà qua Peru. Cả hai cuộc đi đều không thực hiên được. Tôi có một phần lỗi khi trước đó ít năm (khoảng 98,99) ông có gợi ý chúng tôi cùng đi, nhưng tôi e ngại vì một anh cựu tù cải tạo dẫn một ông Mỹ cựu binh lang thang chỉ trỏ trên cảng Saigòn chắc không tránh khỏi con mắt tò mò của đám công an. Bây giờ là lúc thuận lợi thì ông chuyển hướng sang bến khác.

Có điều an ủi là mọi người biết ông ra đi trong thanh thản và tin chắc rằng ông đã ghé bến BÌNH AN. Chúng tôi nhớ ông như một người bạn lúc sống thì chan hòa đằm thắm, thích giúp tha nhân, khi chết thì thân xác hiến cho đời sau, tiền đem dâng, nhà đem hiến. Ra đời trần truồng, ra đi tay trắng, không mộ phần, không kỷ niệm chương, chẳng để lại dấu vết gì của một kiếp người trên đất.

Ông có để lại, thực sự ông có để lại cái TÌNH, chữ tình viết hoa, một di sản của những con người tốt bụng, mà những người còn sống, trong đó có gia đình tôi, không thể nào quên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,990,975
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến