Hôm nay,  

Vùng Đất Chim Độc Thoại

18/11/200700:00:00(Xem: 150596)

Người viết: Xuân Đỗ

Bài số 2152-1944-720vb8181107

*

Tác giả Xuân Đỗ, 66 tuổi, định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Ông hiện là Guest Teacher cho Colton Joint Unified School District (nam California). Bắt đầu từ thời điểm Mùa Lễ Tạ Ơn tại California, bài viết mới của ông lần này là những hồi tưởng về  một vùng lưu đầy "một đi không trở lại"...

*

California, mùa Tạ Ơn 2005... Báo chí Việt hải ngoại nhất loạt tường thuật trận bão số 7 gần như lớn nhất từ trước đến nay đổ vào các tỉnh châu thổ sông Hồng. Sau khi tàn phá hai tỉnh Nam định, Ninh bình, bão chuyển hướng đâm thẳng vào Yên bái. Lũ lụt quét sạch phía hữu ngạn sông Hồng từ bến phà Âu Lâu đổ xuống.

Địa danh “Âu Lâu” làm tôi nhớ Yên Bái, mùa hè 1976.

. . .

Đoàn tù chúng tôi sang phà sông Hồng. Trời tối mịt, từng cá nhân với chút hành trang lỉnh kỉnh từ miền Nam ra mò mẫm đi vào vùng cấm địa.

Sau này mới biết đây là bến phà Âu Lâu, gần thị xã Yên Bái, ai lên mạn ngược đều biết địa danh này. Từ 1954, khi dân Hà Nội cũ bị chế độ mới đẩy đi kinh tế mới, bến Ô Lâu là nơi một đi không trở lại.

Trại tù nằm sâu trong thung lũng hẹp, dựa theo sườn đông của rặng Hoàng Liên Sơn. Địa hình vùng này quả là nơi lý tưởng để giam tù cải tạo. Bốn bề là đồi núi, cây trái không thứ nào ăn được, ăn lầm là hết thở. Thú rừng trừ loài khỉ, các loài khác không có đất sống. Chim chóc thì độc một loài với tiếng kêu độc thoại mà các cụ tôi thường kể cho nghe hồi thơ ấu, đó là loài chim "bắt cô trói cột" mang âm hưởng của một vong hồn oan nghiệt, nghe riết phát khùng. Tuy chỉ sống ở đây khoảng hơn một năm, nhưng những ký ức về vùng đất này lại là những tháng ngày không thể nào quên.

*

Nơi đây, các bạn tù của tôi nhiều người đã nằm xuống. Chủ nhân hai mộ phần đầu tiên được thiết lập trên đất Bắc lại là người có quan hệ mật thiết với tôi, một ông là cấp chỉ huy cũ cùng ngành bị chết ngộp trên tàu khi chưa đến trại, một ông cùng đơn vị và là phụ tá của tôi vì chứng sốt vàng da. Nhiều nấm mộ mới tiếp tục mọc lên trong những tháng kế tiếp. Nguyên nhân tử vong cũng chỉ nằm trong ba dạng: hoặc tự tử vì sợ không có ngày về, hoặc sốt vàng da do sơn lam chướng khí, nặng nhất là kiết lỵ do cầu tiêu lộ thiên, dòi bọ ô nhiễm nguồn nước.

Luôn được nhắc nhở phải an tâm cải tạo, nhưng những trại viên còn sống sót vẫn không tin vào chính sách vì tử thần luôn rình rập chẳng biết ngày nào đến phiên mình quay lại Hà nội thăm Bác.

Rồi học tập đâu chẳng thấy, chỉ thấy lên non lao động khổ sai mỗi ngày. Ăn uống lại chẳng được no, còn chết co vì rét. Thân lính lệ ngày xưa đóng đồn ở vùng này tuy "ngày thời canh điếm, tối dồn việc quan", có vất vả thật nhưng tụi Tây hay bọn quan viên còn cho ăn no mặc ấm.

Ngày nay dù đám lính canh giữ tù, mang tiếng là Quân đội nhân dân nhưng cũng chẳng khá hơn, sức trai bắt ăn tiêu chuẩn nhiều đứa cũng đói, phải xin khoai mì của dân để cải thiện thêm. Chính vì thấy đám lính đáng tuổi con em mình sau những năm tháng phải "vượt Trương sơn đi đánh Mỹ" lại bị "đầy" lên vùng đất này để tiếp tục phí phạm tuổi xuân thì nỗi cay đắng của những tù nhân biệt xứ cũng tạm vơi di khi nhìn lại thân phận mình.

*

Nhân một chuyến đi bắt heo về cho trại nhằm ngày 2-9 (nói cho ngay, cả năm được dăm ba lần ăn thịt heo hoặc thịt trâu), chúng tôi năm người được lệnh theo viên quản giáo và một chú bộ đội ra phà Âu lâu. Mấy tháng cùi cụi trong rừng, moi chuyện bưng bít chẳng hiểu từ đâu đến đâu, nay được ra bến sông Hồng, lòng thấy vui vui.

Càng đi xa Trại, càng thấy lác đác nhà dân, lại gặp từng tốp Kinh có, Tày có, nam ít nữ nhiều trên đường vô thung làm rẫy. Trên đường đi lại được nghe âm vang của chiếc "đài" chú bộ đội đeo theo đang hồ hởi phát ra những vần thơ của Giang Nam ca ngợi Tổ quốc mến yêu, quê hương giàu đẹp. Bài thơ bóng bảy, chải chuốt, đậm đà tình tự dân tộc, nghe thấy nhẹ lòng dù có đoạn xa rời thực tế, khi nhà thơ nhắc đến vùng đất của loài chim độc thoại mà mười bàn chân của những người tù đang rảo bước đi qua.

Gần đến bến sông, mắt chúng tôi đang dán vào mấy sơn nữ đi ngược chiều, thì một hình ảnh đập ngay vào mắt, muốn tránh cũng không được vì con đường độc đạo. Đó là một mái nhà tranh, trừ một cái chõng tre, còn trong thì trống trơn. Ngoài cửa treo cái bảng "Nhà Giữ Trẻ". Nhưng trẻ đâu không thấy, chỉ thấy một con trâu già và bãi cứt trâu to tướng. Tôi đoán có thể con trâu là của Hợp tác xã gửi nhờ qua đêm, còn trẻ thì từ lâu chắc không ai đem đến gửi. Nhưng nghịch lý ở chỗ có cái bảng gỗ với hàng chữ kẻ sơn rất ngay ngắn, "CHỦ NGHĨA LÊ NIN VÔ ĐỊCH MUÔN NĂM" nằm ngay kế bên. Anh bộ đội trẻ có vẻ ngượng, tắt đài, dục tụi tôi đi nhanh lên.

Tới bến phà, chúng tôi rẽ vào một khu xóm có khoảng mấy chục nóc gia, theo lối sinh hoạt chắc là gốc Kinh. Viên quản giáo và anh đội trưởng vào nhà dân tìm thu mua heo, bốn anh em chúng tôi cùng chú bộ đội chờ ở quán nước. Goi là quán nhưng hàng hóa cũng lèo tèo. Bà chủ quán đã già chắc hết tuổi lao động từ lâu, biết chúng tôi từ nam ra, vồn vã mời chào. Chúng tôi thú thật không có tiền vì trại không cho phép giữ tiền, xin ngồi nghỉ thôi. Bà cụ đổi thái độ, quay sang anh bộ đội dúi cho hai điếu Đồ sơn tất nhiên không tính tiền.

Chú bộ đội vốn cảnh giác, sợ tụi tôi trốn, nên chỉ đứng ngoài, để mặc tụi tôi ngồi trong quán ( ngồi dưới đất cho dễ kiểm soát). Đột nhiên bà cụ quay lại nói nhỏ với chúng tôi, "các anh cứ hút thuốc lào và uống chè (trà) thoải mái, không tính tiền đâu mà sợ." Lại cho một nải chuối già và chỉ cái rổ khoai lang khoảng vài chục củ bảo cứ ăn. Chú bộ đội biết nhưng cũng lờ đi vì nể bà cụ. Đối với anh ta làm gì thì làm miễn là đừng... trốn. Hơn nữa chọn năm thằng tôi đều thuộc loại lao động tốt, hoc tập tốt, nên cũng yên tâm.

Ấy vậy mà lúc ngồi trong quán, tôi thấy anh Thìn gốc Thủy Quân Lục Chiến cứ mắt la mày lém, tôi ngại cái ông này dám trốn lắm (vì đã có mấy trường hợp trốn rồi tuy không thoát). Lựa lúc chú bộ đội quay đi, bằng một thao tác rất nhanh, anh cởi áo tù bên ngoài, lột cái áo len của vợ mới gửi cho mặc bên trong, lén trao cho bà cụ. Bà cụ bảo các anh cứ  "vẽ "(tiếng nam là bày đặt), nhưng cũng vui vẻ nhận liền. Qua trao đổi, tụi tôi biết được ít nhiều về cái xã miền núi này tuy nghèo nhưng có cái tên khá đẹp: Việt Hồng.

Sục sạo mãi cũng mua được hai con heo và ba con chó (chắc cho cánh bộ đội). Bắt hai con heo không khó khăn, nhưng đuổi và tóm ba chú cẩu là hết sức vất vả. Rút cục phải nhờ mấy ông chủ nhà giúp sức. Hỏi ra thì hai ông bộ đội là dân ăn thịt chó và đã từng giết chó nên mấy chú cẩu đánh mùi không chịu cho bắt.

Trên đường về Trại, đẩy xe cải tiến đã thấy thấm mệt, tự nhiên có đám con nít chay theo, một thằng cứ hát toáng lên "Lợn to! Giò mới ngon!", nhái theo điệp khúc của bài hát rất thịnh hành sau giải phóng (Như có Bác...). Anh bộ đội vôi quát lớn: "Thằng ranh con bố láo, đi chỗ khác chơi không chết bây giờ". Chắc sợ nên tụi nhỏ vòng ra ngả khác, nhưng âm hưởng của điệp khúc vẫn còn vọng lại trong cảnh tĩnh lặng của chiều hoang.

Thật sự, miệng lưỡi con trẻ ai mà cản được, nhưng ngạc nhiên ở chỗ sao dưới chế độ cộng sản, được dạy dỗ và suy tôn Bác như thế mà đám thiếu nhi cháu ngoan của Bác vẫn "bố láo" như vậy! Hai anh chàng bộ đội thì có vẻ khó ăn khó nói với bọn tôi, dù sao họ cũng là thế hệ được lớn lên từ xã hội này.

Về đến Trại, anh đội trưởng dặn ngay chúng tôi "thằng quản giáo (trước mặt xưng hô theo nôị qui, sau lưng hai bên đều gọi nhau bằng thằng) nó dặn tụi mình ai hỏi đi bắt heo ở đâu thì nói trong thung, đừng nói lung tung lần sau không cho đi nữa!". Tụi tôi hiểu ý của chữ "lung tung". Nhưng làm gì có lần sau, vì mấy tháng sau chúng tôi chuyển xuống miền trung du do tình hình căng thẳng vùng biên giới Trung quốc.

*

Ba mươi năm nhìn lại... Vùng bến phà Âu Lâu năm xưa đang chịu cơn thiên tai tàn phá.

Thiệt hại về người và của rất là nghiêm trọng, ngoài khả năng cứu trơ của tỉnh và trung ương. Chính quyền Hà nội phải kêu gọi quốc tế yểm trợ, đặc biệt là kêu gọi các kiều bào hải ngoại.

Dân Việt ở quận Cam, nơi gia đình tôi ở, phong trào quyên góp rất mạnh, thậm chí nhiều vị ngày thường rất năng nổ trong viêc đấu tranh cho nhân quyền, tự do, dân chủ cho Việt nam, nay cũng quay sang hô hào cứu trợ hết mình. Thế mới biết người Việt mình không thể bỏ nhau, cho nên các ông cộng sản biết mình yếu về điểm này nên hễ có chuyện là họ dùng "khúc ruột ngàn dặm" để o bế mấy ông bà bỏ nước ra đi trước đây, kể cả đám cựu tù chúng tôi một thời đã là nạn nhân của chế độ.

Tôi có ông anh bà chị kết nghĩa rất hăng hái trong chuyện này. Tuy đã về hưu, dành dụm không có nhiều, nhưng về mặt gây quĩ và huy động con cháu lại rất hiệu quả. Lúc này ở Mỹ đang là mùa Tạ Ơn, không khí gia đình, bạn bè sum họp khá nhộn nhịp, nên rất tiện cho việc quyên góp. Gia đình anh chị có 9 người con, có vợ có chồng nhân 2 là 18, các cháu ở tuổi đi làm nhân 3 là 27, cộng chung gần tròn 50. Mỗi đứa bình quân đóng 100 là đã có 5,000 đô.

Cứ theo lối tính nhẩm của bà chị tôi thì đổ đồng là như vậy. Nhưng thực tế hai cô gái lớn có tiệm nails đã tự nguyện đóng góp gần một nửa số tiền này. Anh chị lại có quan hệ rộng rãi, ban bè biết anh chị về cứu trợ nên nhờ chuyển giùm góp lại cũng khoảng 2,000. Một nhà chùa dưới Santa Ana vốn tin anh chị, sau khi quyên góp của đệ tử được trên 3,000 cũng nhờ mang về làm công quả. Vị chi là mười ngàn đô, tối thiểu cũng giúp được cả trăm gia đình. Khoản ăn ở, di chuyển anh chị tôi bao.

Cũng may là nhà nước cộng sản đã cải tổ chuyện cứu trợ, cho phép chuyển thẳng đến tay nạn nhân khỏi qua trung gian xã, huyện. Địa điểm cứu lụt được tôi gợi ý là khu bến phà gần thị xã Yên Bái. Tuy chỉ ở đây một năm, nhưng tôi hiểu cái rét vùng này, nên nhắc chị tôi tìm mua một số chăn mền và nên trao thẳng tiền mặt cho người thụ hưởng. Nhờ có vài thằng cháu ở Hà nội giúp sức nên chuyến đi thành công ngoài dự kiến.

*

Sang lại Mỹ, qua câu chuyện thuật lại tôi được biết thị xã (nằm bên tả ngạn) bây giờ có đổi thay, dân tình có khá hơn. Khách du lịch ai muốn đi Sa Pa (điểm du lịch số 1 miền núi) phải qua Yên bái, nên tuyến đường lên Lào Cai khá tấp nập, không còn heo hút như xưa. Nhưng vật đổi sao dời, anh chi bảo tôi cứ xem cuốn video sẽ rõ.

Cũng tiện lúc vào thăm chính quyền xã để trình giấy giới thiệu cứu trợ, viên chủ tịch xã đon đả cho biết việc lấy cốt các cựu tù tại chân "đồi không tên" (trong khu trại cũ ngày xưa tôi ở) đã trở thành một dịch vụ góp phần đáng kể vào quỹ của xã ông. Chính nhờ thân nhân, con cái của các gia đình H.O. có người thân chết trong tù được đi định cư tại Mỹ đã về đây hốt cốt theo lời chỉ dẫn của một ông cựu tù bên Texas và sự quảng bá nhiệt tình của mấy ký giả hải ngoại bên Cali. Thế là mấy ông bạn tôi cũng đi Mỹ tuy hơi muộn màng nhưng phần nào giải tỏa nỗi ray rứt cho những người còn sống.

Phần tôi, xem được vài đoạn băng anh tôi mới quay, thì cảnh vật vùng đất này đổi thay nhiều quá. Phà xưa nay chỉ còn cái tên, một cầu dây đã được bắc qua sông, tuy bị bão đánh sập nhưng sẽ phục hồi không lâu. Bãi phù sa dọc phà giờ đây trải dài sâu trong thung cả chục cây số. Xóm vắng và quán nước không tên coi như mất tiêu. Đúng là lũ lụt thượng nguồn đổ về đã làm cho "xóm xưa nay đã trở thành bãi hoang".

*

Tuổi già dễ xúc động, mà "nỗi buồn như tóc bạc/cứ cắt lại dài ra" (thơ Phan Khôi). Chạnh lòng tôi nhớ lại bà chủ quán nhân hậu và chuyến đi bắt heo của năm người tù biệt xứ năm xưa, kéo theo dòng hồi tưởng về vùng đất của loài chim độc thoại "bắt cô trói cột", làm mờ nhạt đi bối cảnh của màn ảnh đang xem. Tôi tắt máy, không muốn xem tiếp.

Nhưng oái oăm thay, nhiều chuyện muốn quên mà lòng vẫn nhớ, đêm đó gần sáng tôi mới chợp mắt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,072,462
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.