Hôm nay,  

Vị Võ Sư Và "vovinam Kid"

25/01/201000:00:00(Xem: 163474)

Vị Võ Sư  Và "Vovinam Kid"

Tác giả: Anthony Hung Cao
Bài số 2847-1628917- vb212510

Anthony Hung Cao tự sơ lược tiểu sử: 38 tuổi, cư dân Nam California, công việc: bác sĩ nha khoa, đang hành nghề tại Costa Mesa. Là tác giả đã nhân giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008, Hưng Cao đã góp thêm nhiều bài viết đặc biệt. Bài viết mới của ông là chuyện về một võ đường Vovinam vùng Little Saigon.

*
Nếu ai đã có dịp xem qua bộ phim võ thuật "Karate Kid" trước đây, chắc hẳn còn nhớ hình ảnh của cậu bé trẻ, đẹp trai Ralph Macchio trong vai Daniel, theo học Karate với sư phụ là võ sư Kesuke do nam diễn viên Pat Morita thủ diễn.  Nếu so sánh với nhân vật chính là cậu bé Daniel, được mệnh danh là "Karate kid" này, Tuấn không những già hơn nhiều và cũng không có dáng dấp tài tử với mái tóc vàng nâu dợn sóng và cặp mắt xanh, trong như nước biển của cậu.  Thầy dạy võ Vovinam của Tuấn cũng có nét tương phản với Võ sư Kesuke của cậu bé Daniel.  Ông có mái tóc bạc trắng và khuôn mặt rất phúc hậu trái với gương mặt lầm lì, ẩn chứa nhiều nội tâm của võ sư Kesuke trong câu chuyện phim "Karate Kid".
Đọc tới đây, chắc bạn đọc sẽ tò mò tự hỏi nếu như vậy, Thầy trò Tuấn có dính dáng gì tới bộ phim "Karate Kid" này"  Xin bạn đọc hãy bình tĩnh, hít một hơi thở thật sâu như trước khi chuẩn bị đi một bài quyền, để đọc tiếp câu chuyện.
 Ở tuổi hơn 30, Tuấn đến với môn phái Vovinam trong một dịp tình cờ.  Trước đây, thời còn đang đi học ở Việt Nam, Tuấn có một người bạn rất thân mang hoàng đai tam cấp học cùng lớp, đã tình nguyện dạy một số bạn bè học chung lớp môn võ này.  Anh bạn rất nhiệt tình chỉ dẫn, nhưng tiếc thay trong khoảng thời gian đó, chính quyền địa phương tìm đủ mọi cách để dẹp bỏ những nơi nào tụ tập nhiều thanh niên học sinh vì họ lo sợ sẽ thành lập những tổ chức chống lại chính quyền.   Vì lý do đó, Tuấn và các bạn chỉ tập luyện được vài tuần lễ thì nơi tập võ bị đóng cửa.  Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên Tuấn có dịp làm quen với những thế võ căn bản của Vovinam, đến khi anh tình cờ gặp lại một người bạn học cũ trong một lần đến trường đón con đi học về.  Anh bạn cho Tuấn biết anh đang theo học Vovinam với Võ sư Thành Phạm cùng với các con của anh và anh mong muốn Tuấn cũng đưa các con đến học chung võ đường cho vui. Tuấn vốn mê môn võ Vovinam từ lúc còn trẻ, nên anh sốt sắng nhận lời ngay. 
 Võ đường là một hội trường nhỏ trong một Thánh thất Cao Đài nằm trên một con đường nhỏ gần trục lộ giữa hai con đường Westminster và Golden West.  Lớp học vào mỗi buổi chiều thứ Sáu và trưa ngày thứ Bảy.  Khi Thầy Thành biết Tuấn phải đi làm vào ngày thứ Bảy, ông đề nghị dạy thêm cho anh vào Chủ nhật. Dù là một môn sinh mới gia nhập, nhưng Tuấn đã cảm nhận được sự nhiệt tình của Thầy Thành, cho môn phái Vovinam nói chung và cho những đệ tử của Thầy nói riêng.  Đáng lẽ ra Thầy có thể nghỉ ngơi vào ngày Chủ nhật và dành thời gian với các con cháu trong gia đình sau một tuần làm việc và hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy bận rộn hướng dẫn các võ sinh, Thầy vẫn sốt sắng dành thêm hơn hai tiếng ngày Chủ nhật để dạy riêng cho Tuấn. 
 Ngày thứ Sáu khi học chung với các võ sinh khác, Tuấn thấy như được sống lại thời tuổi trẻ trong không khí vui vẻ, nhộn nhịp của lớp học.  Tuy nhiên, ngày Chủ nhật đầu tiên khi Tuấn đến võ đường để học, khi chỉ có một Thầy một trò, Tuấn cảm thấy thật ngượng ngùng.  Mà Tuấn ngượng ngùng cũng phải vì trong ngày Chủ nhật, nơi đây có thật đông các cháu nhỏ đến để theo học lớp tiếng Việt. Bọn trẻ cứ thập thò nấp sau cánh cửa xem cảnh một thầy một trò quơ tay múa chân, đá tới đá lui.  Thời gian đầu, Tuấn chưa học được bao nhiêu võ nghệ, nhưng anh đã phải làm diễn viên bất đắc dĩ cho đám học trò hiếu kỳ rình xem.  Thầy Thành dường như bỏ ngoài tai tất cả những gì đang diễn ra xung quanh.  Ông chỉ chú tâm chỉ bảo Tuấn từng thế võ một và giảng giải ý nghĩa của từng thế đánh.  Thái độ bình thản và tấm lòng nhiệt tình của Thầy như giúp chuyền sang cho Tuấn một luồn nghị lực khiến anh chỉ còn chú tâm đến những lời giảng và từng động tác chỉ dẫn của Thầy mà không quan tâm đến những lời xì xầm, bàn tán của bọn nhỏ.  Đến giờ nghỉ giải lao, một thằng nhỏ chạy đến chỗ Tuấn hỏi:
   - Chú học Kung Fu gì vậy"
  - Chú học Vovinam - Tuấn chỉ cho cháu bé huy hiệu Vovinam-Việt Võ Đạo hai màu đỏ và xanh được thêu trên nền vàng có tấm bảng đồ nước Việt trên ngực áo và tên võ đường "Nguyễn Bá Học" thêu phía sau lưng của võ phục.
  -Vovinam là gì vậy chú"  Cháu thấy chú đánh "cool" quá - Thằng bé tò mò hỏi tiếp
  Tuấn đáp bằng một giọng tự hào:
  - "Vovinam" là viết tắt của chữ  "Võ Việt Nam", Vietnamese martial art đó cháu.
  Thằng nhỏ tròn mắt nghe Tuấn giải thích.  Chắc là lần đầu tiên trong đời nó mới nghe đến cái tên  "Vovinam" này.  Tuấn thầm nghĩ chắc thằng bé, cũng như bao đứa bạn trẻ khác của nó, có lẽ chỉ quen tai với những cái tên như Karate, Taewondo... hơn là Vovinam. 
 Mấy tuần lễ trôi qua, cho đến một hôm Chủ nhật,  vì Thánh thất cần nơi để làm lễ, nên Thầy trò Tuấn phải lội bộ qua một công viên sát bên để tập. Dù đã mấy năm trôi qua, Tuấn còn nhớ mãi ngày Chủ nhật hôm đó, vì số "khán giả" đến xem khá đông, mà đa số là dân Mễ hiếu kỳ đang tổ chức party trong công viên ngày hôm đó.  Họ kéo đến thật đông có lẽ do nhìn thấy một cảnh tượng lạ mắt khi nhìn một ông Võ sư đạo mạo tóc bạc trắng và một anh chàng đệ tử cũng không trẻ trung gì đang biểu diễn những thế võ công gì đó trên bãi cỏ.  Vài tia nắng xuyên qua những vòm lá trong công viên soi rõ những giọt mồ hôi đang chảy thành từng dòng trên khuôn mặt của thầy trò Tuấn.  Bầu trời trong xanh không một gợn mây chỉ thỉnh thoảng có những cơn gió nhẹ thoáng qua.  Đám cỏ xanh còn chưa khô hẵn những giọt sương mai khi Tuấn giẫm đôi chân trần của mình lên.  Tuấn bỗng nghe tim mình đập mạnh trong lòng ngực khi một ý nghĩ chợt đến là anh phải làm sao cố gắng hết sức đánh cho thật đúng những thế võ và bài quyền "Nhập Môn" mà anh đang học, để không phụ lòng vị Võ sư đã bỏ thêm thời gian và công sức để chỉ dạy anh và làm "lác mắt" những khán giả không mời mà đến này.  Thỉnh thoảng có những tiếng vỗ tay lác đác sau những cú đá làm Tuấn thêm lên tinh thần.  Dù không phải ra tay như đang thi đấu với một đối thủ nào đứng trước mặt, nhưng trong khung cảnh ngày hôm đó, Tuấn bỗng có cảm tưởng mình như cậu bé "Karate kid" trong phim đang cố hết sức đánh bại đối thủ để bảo vệ danh tiếng cho môn phái.
  Mấy tuần sau đó, Tuấn xin phép Thầy Thành để Tuấn đến nhà của ông tập võ vào ngày Chủ nhật để Thầy không phải tốn thời gian lái xe hơn nửa tiếng đồng hồ đến võ đường để chỉ dạy cho một mình Tuấn.  Chiếc sân cỏ nho nhỏ phía sau nhà của Thầy với bức tường gạch vây xung quanh là nơi đã chứng kiến những tháng ngày đầu tiên Tuấn được học hỏi thêm, không chỉ về nguồn gốc của môn võ Vovinam, mà Tuấn còn có dịp được biết thêm ít nhiều về vị Võ sư của mình, người đã dành phần lớn cuộc đời để học hỏi, truyền dạy và tận tụy phát triển môn phái Việt Võ Đạo.
Sinh ra trong thời chinh chiến ở Việt nam, Thầy Thành Phạm đến với môn phái khi còn rất trẻ.  Dù tuổi còn rất trẻ khi mới lên lam đai tam cấp, nhưng vì nơi Thầy đến cư ngụ thiếu những Võ sư Vovinam để huấn luyện, nên Thầy đã tình nguyện đứng lớp để dạy và tiếp tục theo học cho đến ngày Thầy lên hồng đai nhị cấp.  Cũng như bao lớp trai trẻ sẳn sàng hy sinh tuổi thanh xuân để mong chống lại làn sóng cộng sản toan xâm chiếm miền Nam, Thầy Thành gia nhập quân ngũ .  Thời gian trong quân đội, Thầy đem những kiến thức về võ phái Vovinam để hướng dẫn cho một số bạn bè cùng đơn vị, dù sau này, môn võ Taewondo được truyền bá vào và lấn áp môn Việt Võ Đạo.  Thầy luôn noi theo gương của vị sáng tổ Nguyễn Lộc, người đã suốt đời dấn thân để tìm tòi, nghiên cứu và hoàn thiện những thế võ cổ truyền, trong đó bao gồm môn vật cổ truyền của Việt Nam cũng như một số thế võ thuật đã du nhập vào Việt Nam, để lập ra võ phái Vovinam cho phù hợp với thể tạng và sức vóc của người Việt.  Thầy thường nói với Tuấn khi là người dân nước Việt, chúng ta nên tự hào và theo học những tinh hoa của môn võ từ ngàn đời của các thế hệ cha ông, đã từng dùng những thế võ này bao lần bất khuất đánh đuổi giặc ngoại xâm từ phương Bắc để giữ vững bờ cõi . Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, Thầy Thành vẫn tìm mọi cách để duy trì, truyền đạt và phát triển môn phái với niềm tự hào là người con dân nước Việt, và là một Võ sư của môn phái Vovinam.


 Biến cố tháng Tư năm 1975 đã đưa đẩy những người con thân yêu của đất nước, những chiến sĩ đã xả thân chiến đấu và bảo vệ cho nền Tự do và Dân chủ vào vòng tù tội.  Cũng như Chưởng môn Lê Sáng và một số Võ sư Vovinam khác, Thầy Thành cũng không thoát khỏi nghịch cảnh đau thương chung của đất nước. Vào những ngày tháng cuối của thập niên 80, Thầy đưa gia đình vượt biển tìm tự do.
Thầy Thành ít khi nào nói về mình, nhưngTuấn đã may mắn được Thầy kể cho nghe về chuyến vượt biển của Thầy trong một lần nghỉ giải lao, khi hai Thầy trò cùng ngồi bệt trên đám cỏ, cho những cơn gió thổi khô đi những giọt mồ hôi còn đang lăn dài trên mặt.

*
Chiếc ghe nhỏ như chỉ chực chìm xuống lòng đại dương với sức nặng quá tải của hàng chục người trên tàu và dưới những cơn sóng thịnh nộ của biển khơi.  Bao nhiêu ngày đã lênh đênh trên mặt biển với những cơn đói khát, dường như không ai còn đủ sức đếm thời gian.  Rồi cuối cùng chiếc ghe cũng trôi dạt đến một hòn đảo của Thái Lan. Thật không may cho Thầy và những người đồng hành, vào thời điểm này, các trại tị nạn ở đây đã bắt đầu đóng cửa không tiếp nhận người Việt tị nạn nữa.  Sau khi được cho tá túc một thời gian ngắn trên đảo, vào một đêm tối trời, mọi người được lệnh phải xuống ghe để đưa đến một nơi khác.  Vài người tìm được một chiếc ghe nhỏ đã bị hư hỏng nặng với nhiều lỗ thủng, những chứng tích còn sót lại sau một chuyến vượt biễn gian nan.  Sau khi trét tạm lại các chỗ  thủng, binh lính Thái Lan lùa mọi người xuống ghe rồi cho tàu kéo ra ngoài khơi.  Chúng cố tình kéo chiếc ghe rách nát ra trở lại biển khơi để hy vọng chiếc ghe sẽ trôi dạt đến một nơi khác.  Mọi người trên ghe la hét, vẫy tay ra hiệu nhưng chiếc tàu lớn vẫn lạnh lùng kéo băng băng chiếc ghe bé nhỏ như chiếc lá cuốn trôi trên mặt nước.  Ánh đèn khi nãy mọi người còn nhìn thấy bây giờ đã biến mất.  Xung quanh chỉ còn tiếng sóng nước rẽ mạnh vỗ vào mạn ghe và ánh trăng mờ nhạt.  Bất thình lình chiếc ghe khoanh tròn, tròng trành trên sóng nước.  Lúc đó mọi người biết rằng bọn chúng đã chặt đứt sợi dây thừng dùng để kéo chiếc ghe theo con tàu và bỏ mặc chiếc ghe lênh đênh trên sóng nước.  Sóng biển càng lúc càng vỗ mạnh theo từng cơn gió lốc.  Máy ghe không còn hoạt động và trên chiếc ghe không còn một cái mái chèo nào để bơi.  Mấy chục mạng người tuyệt vọng nhìn nhau như chỉ còn biết trao phó tính mạng của mình cho trời đất. Có vài người bị sóng hất tung ra khỏi chiếc ghe.  Chỉ cần một cơn sóng mạnh là đủ làm lật úp chiếc ghe bé nhỏ và nhận chìm những con người đáng thương, tuyệt vọng vào lòng biển cả.
Giữa lúc đó, Thầy Thành bỗng nãy ra một sáng kiến. Thầy ngồi sát cuối mũi chiếc ghe, dùng hai chân kẹp vào mạng chiếc ghe, rồi thả chân xuống nước để dùng chân mình làm bánh lái cho con tàu đỡ bị tròng trành.  Thầy dùng tay làm mái chèo và cùng một vài người còn có sức cố gắng quạt tay xuống nước để cho chiếc ghe di chuyển theo hướng của mặt trăng.  Thầy phải ngồi suốt một đêm dài trong tư thế như vậy cho đến khi ánh bình minh vừa ló dạng.  Mọi người reo hò mừng rỡ khi thấy xa xa là một dãy đất liền. Cũng may ở nơi cập bến mới này, tuy vẫn thuộc về Thái Lan, nhưng chính quyền địa phương tiếp đón mọi người đàng hoàng hơn vì đang có mặt một phái đoàn báo chí Liên Hiệp Quốc đến làm phóng sự về vấn đề người tị nạn.  Mọi nguời sau đó được chuyển đến một trại tị nạn ở Mã Lai. Thầy kể lại là suốt mấy ngày liền sau đó, mỗi khi phải di chuyển, Thầy phải đi dạng cả hai chân ra một cách thật khó khăn.  Tuấn thầm nghĩ phải có một ý chí kiên cường cộng với một thể lực bền bỉ trong bao năm trời tập luyện võ Vovinam, Thầy mới có đủ sức khoẻ và ý chí phi thường để trở thành vị cứu tinh cho bao nhiêu người trong chuyến đi đó.  Trong thời gian ở trại tị nạn, Thầy cũng cố gắng tổ chức sinh hoạt và huấn luyện Vovinam cho một số môn sinh.  Những dãi cát trên bờ biễn Mã Lai, nơi tạm dung của người tị nạn Việt Nam trong thời gian đó cũng đã từng in đậm dấu chân của những môn sinh Vovinam qua những lần tập luyện hay biễu diễn dưới sự hướng dẫn của Thầy Thành.
Từ ngày được đặt chân lên mảnh đất Tự do, cũng như bao nhiêu người Việt tị nạn khác, Thầy phải lo chuyện sinh kế cho gia đình.  Tuy nhiên, bất cứ lúc nào, trong lòng Thầy cũng canh cánh nỗi lo gây dựng và phát triển môn phái Vovinam trên xứ người.  Thầy làm cố vấn và huấn luyện các môn sinh trong một vài võ đường trên Los Angeles trước khi về làm Võ sư chính cho Võ đường Nguyễn Bá Học ở Orange County.  Có lẽ sâu lắng trong tâm khảm, Thầy mong muốn những thế hệ tương lai không phải gặp phải những khổ đau mà thế hệ của Thầy đã phải trải qua. Qua môn võ thuật Vovinam, Thầy mong muốn đào tạo những thế hệ tương lai dù sống trên mảnh đất Tự do, nhưng không quên đi nguồn cội.  Song song với những thế võ công, quyền pháp, v.v... mà Thầy chỉ dẫn, những võ sinh còn được học để trở thành những trẻ em ngoan, lễ phép và hiểu rõ nguồn gốc của mình.  Trong quá trình huấn luyện các môn sinh, Thầy luôn luôn nhấn mạnh đến ba điểm chính yếu của môn Vovinam là võ đạo, võ thuật và võ lực.  Các môn sinh khi luyện tập  Vovinam, sẽ trở thành những người có một tâm hồn thanh cao, có căn bản võ thuật để nếu cần ra tay "bênh vực lẽ phải' và có một thân thể cường tráng, dẻo dai và khoẻ mạnh để làm việc đó.  Những ngày lễ Giổ Tổ, Tết Trung thu hay Tết cổ truyền hàng năm,  Thầy thường tổ chức và chuẩn bị rất kỹ càng, trang trọng, như là dịp để các môn sinh ôn lại những truyền thống cao đẹp của võ phái.  Các võ sinh luôn luôn được Thầy nhắc nhở đến 10 điều tâm niệm của môn Việt Võ Đạo mà hai điều đầu tiên các võ sinh được học là "Đạt tới cao độ của nghệ thuật để phục vụ dân tộc và nhân loại" và "Trung kiên phát huy môn phái, xây dựng thế hệ thanh niên Việt Võ Đạo".
Mối băn khoăn và quan tâm lớn nhất của Thầy là làm sao tạo được sự đoàn kết chặt chẽ giữa các Võ sư Vovinam của các võ đường khắp nơi để ngày càng phát triển thêm môn phái và giới thiệu sâu rộng môn võ Vovinam đến cả những người bản xứ để họ có một cái nhìn nể trọng đến môn võ của người Việt.  Thầy Thành chia sẻ với Tuấn là Thầy có nhiều hy vọng cho tương lai của môn phái vì Vovinam là một môn võ thuật được tổ chức một cách có hệ thống căn bản như hệ thống giáo dục sư phạm từ sơ cấp (lam đai) đến trung cấp (hoàng đai) và cao cấp (hồng đai) nên rất dễ dàng truyền bá và ngày càng thu hút sự tìm hiểu và theo học của các môn sinh không phải người Việt. Qua những huấn luyện của Thầy, Tuấn càng thêm hiểu ý nghĩa của đòn thế Vovinam trong hệ thống "một phát triển thành ba".  Tất cả các thế võ căn bản của Vovinam sẽ phát triển thành đơn luyện dưới dạng các quyền pháp và cuối cùng phát triển thành dạng đa luyện như song luyện, tam hay tứ đấu, v.v...Với cách sắp xếp một cách có hệ thống khoa học, các võ sinh Vovinam như Tuấn sẽ có dịp thực hành, ôn luyện và ứng dụng các thế đánh một cách uyển chuyển theo tuỳ tình huống mà không bị gò bó trong bất cứ đòn thế nào.   Tuấn cũng được biết Vovinam đã chính thức được chọn làm một trong các bộ môn thi đấu trong cuộc tranh tài thể thao khu vực Đông Nam Á vừa rồi và trong tương lai chắc chắn sẽ có mặt ở những cuộc tranh tài như Thế vận hội Olympic để làm vẻ vang môn võ thuật Việt Nam. 
Tuấn luôn thầm nghĩ anh thật sự may mắn được làm một "Vovinam kid" của một Võ sư rất đáng kính trọng như Thầy Thành Phạm.  Dù đối thủ của Tuấn là một kẻ vô hình, nhưng nó là một đối thủ đã và đang gây ra bao nhiêu cảnh tang tóc đau thương cho cả dân tộc Việt.  Tuấn hy vọng sẽ theo bước chân Thầy, đào tạo một thế hệ trẻ những "Vovinam kids" không quên nguồn cội.  Những thế hệ trẻ Việt nam ở hải ngoại nếu chịu khó học hỏi và rèn luyện môn võ Vovinam, sẽ có tiềm ẩn trong mình một sức mạnh phi thường về tinh thần và thể chất theo đúng nhân cách sống của một võ sĩ Vovinam theo như lời dạy của vị Sáng Tổ Nguyễn Lộc "sống cho mình, giúp cho mọi người khác sống, sống cho mọi người".  Biết đâu các em sẽ trở thành những "Vovinam kids" với lòng yêu chuộng tự do cho quê hương đất nước, để một ngày không xa cùng nhau hạ đo ván kẻ thù chung của dân tộc Việt. 
Anthony Hưng Cao

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,976,253
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến