Hôm nay,  

Thay Lời Tri Ân: Ba Bước Thay Gan

17/11/200700:00:00(Xem: 197849)

Người viết: Hà Kim

Bài số 2151-1943-719vb7171107

*

Đây là bài viết đặc biệt mở đầu cho mùa Lễ Tạ Ơn:  Tác giả vừa vượt qua lằn ranh "Sống-Chết".  Hà Kim sinh năm 1950, giáo viên tại Việt Nam, theo chồng định cư ở Mỹ diện HO năm 1995, hiện là cư dân San Jose (Bắc Calif). Cuối tháng Sáu 2007, Hà Kim thay gan tại bệnh viện Stanford. Bốn tháng sau ngày rời bệnh viện, bà viết  bài “AGAIN, AMERICA, Xin nói lời tri ân” kể lại đầy đủ kinh nghiệm của người đã đi qua "ba bước thay gan." Tựa đề bài viết  được đặt lại theo nội dung. Cám ơn  Hà Kim. Kính chúc bà và gia đình thật vui trong mùa lễ.

*

Thân thể nằm bất động, tôi choàng tỉnh giấc. Mắt tôi chói loà trong căn phòng sáng rực. Chiếc đồng hồ trước mặt vừa chỉ 9 giờ. Tôi chưa thể cảm nhận được thời gian và không gian. Thầm hỏi bây giờ là sáng hay tối" Tôi cố gắng xoay đầu ra hướng cửa sổ. Ngoài kia, một màu nắng chói chang. AÀ, vậy là 9 giờ sáng. Vụt ngang qua mắt tôi, dáng một người đàn ông to lớn dừng lại bên cạnh giường.

Ông nghiêng người thấp xuống và cất tiếng:

- Chào bà Kim. Bà đã tỉnh dậy. Bà biết bà đang nằm ở đâu không"

Chiếc áo trắng ông choàng như một tín hiệu đánh vào tiềm thức, tôi đáp:

- Chào bác sĩ, tôi đang nằm ở bịnh viện.

- Bịnh viện nào bà có biết không".

Đầu tôi xoay vòng bối rối, một chút choáng váng “bịnh viện OConor ư"” Không, đã 2 năm qua rồi mà. Vụt nhớ ra, tôi bật thốt:

- Stanford!

Ánh mắt ông sáng lên, mừng rỡ:

- Bà đã nhớ đúng. Bà vào đây để làm gì"

Câu hỏi như chiếc đũa gõ vang trong đầu, tôi đã nhớ... Cánh tay mặt với kim châm, nối đầy dây nhợ, bàn tay tôi cố di chuyển đặt lên bụng, tôi hốt hoảng kêu to:

- Ôi! Lá gan của tôi, bác sĩ ơi, bây giờ nó làm việc tốt chưa"

Ông mỉm cười, hài lòng:

- Yên tâm, bà Kim. Cuộc giải phẩu thay gan đã thành công tốt đẹp.

Tôi ngước nhìn ông, nước mắt chợt nhạt nhoà. Những ngón tay trái nhúc nhích, giơ lên. Ông hiểu ý, choàng tay vào. Tôi nắm chặt tay ông, nghẹn ngào:

- Cám ơn, rất cám ơn bác sĩ đã cho tôi mạng sống.

- Bà không nên quá xúc động, hãy nghỉ ngơi. Tôi sẽ vào thăm bà nhiều lần nữa. Tôi rất vui mừng thấy trí nhớ bà phục hồi tốt sau 25 tiếng đồng hồ bà nằm trong cơn mê.

Tôi nhẹ nhàng nhắm mắt. Vâng tôi đã nhớ lại tất cả... về căn bịnh trầm kha của mình.

*

1995- Khi còn ở quê nhà, tôi chưa từng xét nghiệm máu, cũng như chưa từng có ý niệm về kiểm tra sức khoẻ hằng năm. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, hoặc “Trị bệnh trong thời kỳ sớm nhất.” Đó là những khẩu hiệu thường xuyên được nhắc nhở trên đất Mỹ giàu có này. Hội thiện nguyện đã giới thiệu gia đình tôi vào bịnh viện để kiểm tra toàn diện. Trong gia đình, chỉ có mình tôi bị nhiểm virus B, C trong gan. Vậy mà cả nhà đều có giấy mời đến bác sĩ. Ông giải thích tường tận về căn bệnh giết người thầm lặng này. Ông nói:

- Virus B, C chỉ truyền nhiểm qua máu và đường tình dục hoặc bẩm sinh di truyền từ cha mẹ. Bệnh nhân cần phải được theo dõi thường xuyên để sớm phát hiện và ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng số lượng virus, nếu không sẽ bị viêm gan mãn tính rồi chai gan và sau cùng là ung thư gan. Dù chỉ 25% người bị nhiểm virus, lá gan bị tàn phá nhưng cũng cần phải quan tâm.

Cuộc sống của người mới định cư rất đa đoan. Lời khuyên của vị bác sĩ thoáng tựa mây trôi.

 

1998- Nhân đến tiển đưa người bạn thân từ trần vì chứng cancer gan ở tuổi 53. Tôi giật mình nhớ đến và tự hỏi: “Không biết con virus B, C trong lá gan của mình ra sao rồi"” Bây giờ tôi mới biết sợ.

Tôi lấy hẹn, đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Mỗi 6 tháng tôi đều đi xét nghiệm máu để bác sĩ theo dõi số lượng virus có trong máu. Tôi chưa cần phải uống thuốc điều trị.

2000-  Cuối năm, virus C đã phát triển quá mức cho phép, tôi phải chích một năm thuốc, mỗi tuần một mũi. Cơ thể tôi còn khoẻ mạnh nên chịu thuốc rất giỏi. Tôi chỉ bị mệt mỏi như bị cảm cúm 1, 2 ngày trong tuần mà thôi. Tôi vẫn đủ sức đi làm. Thuốc có thể diệt chết virus C. Nhưng với virus B thì chưa có nên tôi phải uống mỗi ngày một viên. Uống suốt đời để virus B chịu ngủ yên. Mặc dù điều trị rất tích cực nhưng tôi không may mắn. Lá gan bắt đầu viêm mãn tính rồi xơ cứng từ từ. 3 tháng phải thử máu và 6 tháng phải siêu âm để truy tầm bướu.

2003- Bác sĩ đề nghị chuyển tôi về bịnh viện Stanford để xin lên danh sách chờ thay gan. Thời gian này, tôi cảm thấy mình vẫn khoẻ, hồng hào, đi làm bình thường. Rất sợ giải phẫu, tôi... làm thinh, hẹn lần hẹn lựa mãi...

2005- San Jose có phong trào “Soi ruột già để sống thọ” cho người dân 50 tuổi trở lên. Tôi vào bịnh viện. Ôi khủng khiếp, bác sĩ phát hiện ra một bướu nhỏ, cắt và gởi đi sinh thiết. Đây làm mầm của bướu độc. Tôi phải giải phẩu nội soi cắt bỏ đi một đoạn ruột dài hơn gang tay. Tiện thể bác sĩ trích một mẫu gan xét nghiệm luôn. Cả khúc ruột và gan không có tế bào ung thư.

Tôi chưa kịp vui mừng. Vì lá gan của tôi vốn đã suy yếu, nay không còn làm việc nổi nữa. Bụng tôi trương nước. Lại nhập viện. Tôi không thể ăn uống, sụt cân liên tục. Tuổi trung niên, bỗng chốc tôi run rẩy như bà lão tám mươi.

Bằng biện pháp điều trị tích cực như uống nhiều loại thuốc, rút nước từ bụng ra. 4 tháng sau, sức khoẻ tôi mới hồi phục từ từ. Làm sao tôi có thể chịu nổi khi một mình ngồi ngắm ánh hoàng hôn chợt tắt" Một mình một cảnh, yên lặng bao la tại nhà" Làm sao tôi có thể là một ngườI bỏ cuộc ở lứa tuổi trung niên còn tràn đầy niềm vui này" Tiếng gọi Mama, tiếng kêu bạn hiền từ nơi làm việc réo vọng. Thế là bằng nụ cười trên môi, cố gắng quên đi căn bịnh hiểm nghèo. Tôi tiếp tục lên đường làm việc. Cũng như tiếp tục theo dõi và điều trị lá gan của mình.

2006- Qua hình chụp bởi CT Scan, bác sĩ phát hiện có một bướu nhỏ 1.3 cm trong lá gan bệnh hoạn của tôi. Sẽ có 2 giải pháp để giải quyết: nếu gan còn tốt, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần gan có bướu. Nhưng với tôi không chọn giải pháp này được. Phải qua phương pháp nội soi đưa thuốc vào diệt các mach máu nuôi để bướu teo lại và triệt tiêu. Là lần đầu vô thuốc nên được sử dụng một loại hoá chất nhẹ. Tôi chỉ nhức mỏi vài ngày. Tôi chỉ cần lấy phép nghỉ làm một tuần.

Bướu teo nhỏ dần và 7 tháng sau biến mất. Tôi vui mừng nhưng bác sĩ vẫn lo âu. Qua kinh nghiệm, ông biết chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, bướu sẽ mọc lên lại ở đâu đó trong lá gan. Và nó sẽ phát triển lớn nhanh chóng. Bướu lớn quá 5 cm thì có thể chia mach máu, di căn tràn lan. Chừng đó, ông sẽ tuyên bố đầu hàng. Vì vậy, ông khuyên phải tiến hành hoàn tất hồ sơ xin thay gan gấp. Đó là con đường sống duy nhất tôi phải chấp nhận. Để được lên danh sách thay gan, các cơ phận khác trong cơ thể bệnh nhân phải tốt, không bị bất cứ loại cancer nào khác.

Không còn chọn lựa khác, tôi bắt đầu vào chương trình kiểm tra toàn diện:

Bước 1: 

X-Ray toàn bộ xương xem có tế bào cancer không, soi ruột lại, đã an toàn chưa". Khám tim coi nhịp tim đập và mức độ vũ điệu tim và máu có tốt không". Chụp hình ngực và khám phụ khoa xem có bướu không". Huyết áp, tiểu đường ra sao". Lá lách, mật, bao tử làm việc thế nào".

Bác sĩ rất hài lòng với tất cả các kết quả xét nghiệm. Khâu nào cũng tốt. Duy có trục trặc nhỏ-9 mạch máu ở bao tử dãn ra (vì gan yếu, nó phải vận động nhiều). Bác sĩ nội soi 2 lần, lần lượt thắt lại theo chiều dài qui định, đốt bỏ phần dư.

Bước 2:  

Tôi được mời đến bịnh viện làm việc 4 buổi. Mỗi buổi khoảng 2 tiếng. Buổi sáng, tôi được gặp cán sự xã hội. Bà giới thiệu:

- Tôi là Evonne. Vì nhiệm vụ nghề nghiệp nên tôi mạn phép hỏi bà một số điều về tiểu sử gia đình và bản thân bà.

Bà đã hỏi một loạt câu hỏi như cha mẹ, anh chị tôi đã có những căn bịnh gì". Nghề nghiệp, sức khoẻ và tuổi thọ của từng người. Trình độ học vấn và nghề nghiệp của tôi và chồng con trước, sau khi đến Mỹ. Hiện nay tình trạng gia đình ra sao, đang chung sống với ai". Bà yêu cầu cho biết ai sẽ là ngườI tự nguyện hết lòng chăm sóc tôi trước và sau cuộc giải phẩu.

Con gái tôi ký tên vào bản cam kết và nhận bảng hướng dẫn cách chăm sóc bịnh nhân tại nhà. Sau cùng bà cho biết và hứa hẹn:

- Nền tảng trong gia đình là một trong những yếu tố mà hội đồng bác sĩ sẽ duyệt cho lên danh sách thay gan hay không. Tôi có ấn tượng rất tốt đẹp về một gia đình thương yêu, chăm sóc lẫn nhau như bà đang có. Bà có đứa con gái tuyệt vời. Tôi có thể hướng dẫn cháu nộp đơn xin tiền trợ cấp nuôi bệnh, liên lạc xin phép đến bảo hiểm sức khoẻ của bà. Ngoài ra, bà cần điều gì tôi sẽ giúp hết lòng.

Buổi chiều, tôi được dự lớp thuyết minh về tiến trình thay gan. Bằng hình chiếu, sơ đồ trên màn hình rộng lớn, bác sĩ hướng dẫn từng phần một. Để tạo niềm tin tưởng ban đầu, bà không  quên giới thiệu tiểu sử nhóm bác sĩ giải phẫu. Họ là những bác sĩ tài giỏi, đã từng làm thành công mấy ngàn ca phẩu thuật. Tôi được nhận một tập tài liệu hướng dẫn đầy đủ những việc cần làm.

Sang ngày sau, buổi sáng tôi được học hỏi về chế độ ăn uống cho ngườI bệnh gan, thay gan. Buổi chiều, tôi dự cuộc họp mặt các bệnh nhân trong danh sách đang chờ đợi. Dưới sự điều hợp của bà Evonne, các bệnh nhân chia xẻ những suy nghĩ, lo sợ về căn bệnh của mình. Dù là những bệnh nhân đang chờ được cứu sống, trong chúng tôi cũng không thiếu người nói hài hước, làm mọi người cười vang.

Như một người đàn ông to lớn, khoẻ mạnh phát biểu:

- Tôi tên John, 55 tuổi, tôi có một cái bướu 4 cm, bác sĩ vô thuốc, mấy tháng sau, bướu biến mất. Tôi đang chờ thay gan mới... để sống tiếp. Hiện nay, cuộc sống của tôi vẫn bình thường, ngày đi làm, tối đi dancing. Quý vị hãy như tôi, xin hãy sống bình thản.

Như một ông gầy nhom, được vợ dìu đỡ kế bên, giọng run run:

- Tôi đang làm việc, bị ngất xỉu, được chở vào bịnh viện, bác sĩ nói lá gan tôi thiếu chất gì đó nên hay làm tôi choáng váng, té xỉu. Gan tệ lắm rồi, phải thay thôi. Tháng trước, tôi được gọi vô nhận gan. Hỏi xuất xứ, được biết từ một tử tội, tôi sợ quá bèn từ chối, chạy về. Nay, tôi tiếp tục chờ.

Không khí phòng họp trầm xuống, xót xa khi chúng tôi nghe một chàng trai trẻ, người Hoa than thở:

- Tôi tên Chan, 30 tuổi. Tôi đã được cắt bỏ một bướu. Tôi đau đớn lắm. Vài tháng sau, có thêm 3 bướu nữa, phải chịu thay gan thôi. Tôi sợ lắm!.

Hay ông ngườI Mễ, được đứa cháu đẩy xe lăn vào, kể lể:

- Tôi tên Robecto. Tôi đã thay gan được hai tháng. Hai tháng vẫn nằm tại bệnh viện này. Tôi chưa thể đi được, cảm thấy người hết sức lực. Xin hãy cầu nguyện cho tôi hồi phục.

Tất cả chúng tôi đứng lên, hướng mắt rướm lệ, xót xa tiển ông về phòng nghỉ. Vâng, chúng tôi cầu nguyện cho ông, Robecto!

Điều thoải mái cho chúng tôi là tất cả những lần gặp bác sĩ, hay tham dự buổi họp đều được cung cấp người thông dịch.

Bước 3: 

Mọi thủ tục đã hoàn tất. Tôi bước vào thời gian chờ đợi. Phần tôi, ai nguyện cầu cho tôi" Chưa... vô trận mà tôi cảm thấy mình đuối sức. Điều đáng trách, khi nguy khốn, đức tin của ta mới càng mạnh mẽ. Hằng đêm, tôi đều cầu nguyện cho mình, chưa đủ, tôi thông báo đến tất cả người thân, bạn bè. Tôi biết lần này mình sắp...hụt hơi, tôi cần sự hỗ trợ. Mọi người đã hướng về tôi với niềm thương yêu vô vàn và cùng cầu nguyện. Bên lằn ranh “sống chết”, ai cũng quá ngậm ngùi, đau đớn. Tôi được chăm sóc tận tình. Được ăn uống thỏa thích những món mình ưa thích, cầm bằng như tôi sẽ mãi mãi không được hoặc sẽ sau này kiêng cử vậy. Nào là bún mắm, hột vịt lộn, nem chua, thêm vào vài hớp bia, cũng có sao" Nhưng bia vẫn không làm tôi say, vẫn không giúp tôi quên...

Vầng mây đen vẫn ám ảnh phủ lấy tôi. Xem một chương trình ca nhạc, vui nhộn mừng xuân, nhìn những vũ điệu tuyệt vời của những vũ công, ca sĩ, tôi nào cảm thấy vui. Tôi yêu quý từng người thân, bạn bè. Tôi thầm kêu lên “Ôi! Cuộc đời tươi đẹp, đáng yêu quý mà ta sắp lìa xa sao"” Và tôi chợt khóc một cơn dài nức nở, những giọt lệ âm thầm đổ tuôn. Ôi! có những niềm đau, mình ta phải chịu!

2007- Suốt ba tháng đầu năm, sức khoẻ tôi vẫn tốt, tôi vẫn đi làm. Kết quả chụp hình bằng hệ thống tối tân MRI, thậm chí đưa camera vào rà suốt lá gan vẫn không phát hiện bướu tái phát. Tôi yên tâm phần nào. Biết rằng phải có ngày...nhưng tôi cầu xin ngày đó hãy kéo dài để tôi còn được vui đi làm. Bởi tôi biết với lần phẫu thuật này, tôi sẽ là người bỏ cuộc. Có thể là...bỏ cuộc đời, có thể là bỏ cuộc chạy rong ngoài phố!

Thế nhưng, tháng 4 tôi được báo tên tôi đã được lên danh sách đầu tiên. Con gái tôi phải túc trực cell phone 24/24.

Giữa tháng 5, 10 giờ tối, tôi nhận được cú phone từ bệnh viện hỏi có sẵn sàng có mặt ở bịnh viện lúc 12 giờ khuya không" Tôi là người thứ hai chờ đợi, nếu người thứ nhất không tiến hành thì tôi sẽ vô thế ca. Tôi úp hai bàn tay vào mặt. Giòng suy nghĩ thật nhanh “Ôi mình đang khoẻ mạnh như vầy mà mình...sắp chết sao"” Tôi không kiểm soát được mình nữa, toàn thân tôi co giật, run rẩy. Tôi dành quyết định trả lời cho ông xã. Trước đó, anh thường lần lựa, thụt lùi, lần này, anh nhanh chóng chấp nhận “Hội đồng bác sĩ đúng. Vậy mình chuẩnbi. lên xe liền.”

12 giờ khuya nơi phòng cấp cứu, y tá đã chờ đón gia đình tôi với đầy đủ hồ sơ nhập viện. Tôi được đưa vào khu vực chờ đợi. Khẩn cấp tiến hành các thủ tục cần thiết như chụp hình phổi, xét nghiệm máu, đo điện tâm đồ, tắm sát trùng toàn cơ thể, rồi... nằm chờ. Ngoài kia, những chuyến chuyên cơ đỗ xuống sân thượng, khiến tôi lại run từng chập. Bà y tá lo âu hỏi:

- Bà có lạnh không".

Tôi thành thật trả lời:

- Không, tôi không lạnh, tôi sợ quá... nên run.

Bà nắm chặt tay tôi, động viên:

- Hãy bình tâm, bà nhắm mắt lại, đừng suy nghĩ lung tung.

Chừng như chưa yên tâm, bà đi gọi bác sĩ tâm lý đến. Cô bác sĩ trẻ đẹp, dịu dàng hỏi chuyện để giúp tôi lãng quên cơn sợ. Cô khuyên:

- Bà hãy cầu nguyện theo đức tin của bà, bà sẽ bình tĩnh.

May quá, 6 giờ sáng, bác sĩ giải phẩu báo tin:

- Người thứ nhất đã nhận gan. Xin lỗi để bà ra về. Hy vọng sẽ gặp bà sớm.

Tôi muốn rùng mình, thầm nói “Cám ơn, tôi sợ gặp bác sĩ lắm.” Tôi cũng nêu ra thắc mắc tại sao tôi phải bị thay gan sớm vậy" Ông cười trước câu hỏi chắc ngớ ngẩn của tôi. Nhưng ông vẫn chậm rãi, giải thích tường tận:

- Vì kết quả thử máu, và kết quả chụp hình cho biết chỉ số meil của bà vụt lên cao nhanh chóng, đã 25 (chỉ số bình thường là 10, 20 là ở mức báo động, 40 là nguy ngập). Bà có biết trong năm 2006, có 20 ngàn người trong danh sách mà chỉ có được hơn 5,7 ngàn có gan thích hợp để thay không"

Dù sao, đây cũng là lần... tập trận để tôi bình tĩnh hơn, không lo sợ nữa. Tôi kể lại cho mọi ngườI thân nghe. Ai cũng an ủi, khuyến khích. Bà chị nhắn nhủ:

- Em hãy xem như một giấc ngủ dài rồi thức giấc.

NgườI bạn đã thay gan hơn 4 năm, nêu gương:

- Nhìn mình nè, khi được gọi mình mừng hớn hở, đi ngay, vì mình nghĩ phải chọn cái sống giữa cái chết, mừng lắm vì có gan thích hợp cho mình.

Tháng 6, cuối tháng, cú phone gọi đến lúc 2 giờ sáng. Lần này, lạ thay, tôi bình tĩnh chi lạ! Tôi thức giấc, sắp xếp mọi chuyện trong nhà: tập di chúc, những lời dặn dò chồng con, tôi đã làm sẳn. Giờ đây, tôi không muốn nhắc đến. Tôi không muốn điềm xui xẻo. Tôi chỉ đưa con gái danh sách số phone của người thân cần gọi gíúp đỡ. Tuyệt nhiên, không thông báo đến ai... chuyến đi này. Tôi không muốn mọi người hãi hùng lo sợ. Tôi dặn chờ tôi tỉnh giấc hãy phone cho hay.

Cả nhà lên đường. Nhớ lời bà chị ruột nhắc nhở, tôi đành bấm phone gọi chị. Giọng chị có run nhưng trấn an “Có gan cho mình là quá may mắn. Coi như trúng số, đừng sợ nghe em.”

Khẩn cấp! Tôi làm mọi xét nghiệm như lần trước. Rồi chờ đợi... tôi là người thứ nhất. Thời gian như dài thăm thẳm. Tiếp tục chờ đợi cả ngày. Buổi chiều, tôi lần lượt gặp ba bác sĩ để được giải thích và trả lời những thắc mắc.

Bác sĩ trưởng đoàn, bắt tay, giới thiệu:

- Tôi tên Bonham, bác sĩ giải phẩu chính. Các cơ phận khác của bà đều hoạt động tốt, chúng tôi tin tưởng bà sớm hồi phục. Bà chỉ cần nằm viện khoảng 2 tuần.

Ông xã tôi rụt rè hỏi:

- Qua kinh nghiệm, bác sĩ có thể cho biết sau thay gan thì... sống được bao lâu"

Chà, câu hỏi khó trả lời, mà ông né tránh rất tài tình:

- Lúc nào, chúng tôi cũng lựa chọn lá gan trẻ tuổi, và tuyệt hảo nhất. Ít nhất là 5 năm trở lên để khỏi uổng phí công sức và tiền bạc cho một ca phẩu thuật lớn như vậy. Mà ông không có gì lo âu, bệnh nhân chết đa phần không phải vì thay gan mà vì một căn bệnh khác như nhồi máu cơ tim và vân vân...

Bà bác sĩ phó nhóm tự tin, giới thiệu thêm:

- Bác sĩ Bonham là bác sĩ giỏi, đầy kinh nghiệm. Ông đã từng thành công cả ngàn ca trong mười năm nay. Và bà có biết bốn ngày nay, chúng tôi chạy vô, ra ở bịnh viện này chỉ để cắt bỏ gan cũ, ráp gan mới. Việc quá dễ dàng. Bà và gia đình yên tâm.

Chà, tôi cảm nhận họ mổ mình như con gà, con vịt hay là họ thay phụ tùng xe cho một chiếc xe cũ chạy gần sáu mươi năm vậy.

Lát sau, ông bác sĩ gây mê đến. Tôi nhắc nhở:

- Bác sĩ ơi, ông nhớ chụp thuốc mê lâu lâu, tôi sợ đau lắm.

Ông cười thoải mái:

- Bà không phải sợ. Đây là nghề của tôi mà. Tôi làm good job lắm!

Con gái tôi ngập ngừng muốn biết:

- Xin bác sĩ cho biết lá gan đến từ sắc tộc nào, và giới tính"

- Từ sắc tộc da trắng, của một cậu bé mười bảy tuổi, mất vì tai nạn ở đầu.

Như quên đi phận mình, trái tim tôi nhói đau, tôi thầm chia xẻ nỗi đau mất mát to lớn mà gia đình cậu bé phải nhận chịu. Mắt tôi mờ lệ nhưng vẫn vẽ nhanh mờ ảo hình ảnh một thiếu niên thỉnh thoảng tôi gặp trên đường phố. Chiếc ba lô học trò nhấp nhô trên vai, mái tóc hung vàng che khuất vầng trán nhô cao. Cặp mắt rực sáng xanh veo, điểm một nụ cười trên khuôn mặt nhân hậu. Vậy mà... và tôi biết hình ảnh này sẽ theo tôi suốt cuộc đời còn lại. Tôi thầm thì:

- Bé con ơi, xin yên nghỉ. Ta đa tạ con đã cho ta cuộc sống. Sau ngày để tang con là ngày hồi sinh của ta mà cũng là của con. Hãy nhận ta làm Mẹ, Mẹ con ta sẽ chung sống hòa bình con nhé!

Tôi úp mặt vào gối, nước mắt chan hoà-những giòng nước mắt tuôn tràn như một lần nữa thay lời nói đa tạ và tri ân muôn vàn đến cậu bé.

*

Bốn tháng, sau ngày thay gan, tôi hoàn toàn bình phục, và đang ngồi đây ghi lại tỉ mỉ tiến trình điều trị bịnh của mình.

Như một giấc mơ hãi hùng đã qua. Điều kỳ diệu xảy đến. Trái với phỏng đoán của bác sĩ "nằm viện hai tuần thôi", nhờ đạt kỷ lục phục hồi nhanh nhất, chỉ một tuần sau tôi đã được xuất viện.

Cùng theo về nhà là “Cháu Nhân”, thằng con Mỹ trắng nhân hậu của tôi. Cháu rất ngoan ngoãn, thích hợp với tôi. Tôi đi đứng, sinh hoạt cá nhân không cần phụ giúp. Hai tháng đầu có khó ăn vì chắc cháu chưa ưa thức ăn Vietnam. Sau đó thì tôi ăn uống đủ thứ, cháu gật đầu khen ngon, OK. Dù sao, tôi phải săn sóc cháu rất cẩn thận, tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ.

Hằng đêm, bên tôi, tôi đều vỗ về:

- Hãy ngoan, hãy ngoan con nhé!

Đôi lúc, tôi vừa năn nỉ, vừa răn đe:

- Đừng quậy phá nhen con. Con quậy làm mẹ die thì con cũng die đấy!

Chẳng những ôm ấp, cưng chiều lắm, tôi còn triệu lần cảm tạ cháu. Cháu có tấm lòng nhân hậu cứu sống bao người với cơ phận của mình mà cháu đã hiến tặng. Ở quê nhà, cần một cái móng chân thay thôi, nào ai có cho mình"

Giờ đây, tôi thấy yêu và trân trọng cuộc sống biết bao! Tôi khát khao sống để yêu thương và được thương yêu. Tôi biết mình phải giữ vững tinh thần, tiếp tục phấn đấu hết mình để sinh tồn. Tôi nghiệm ra rằng "Giấc mơ Mỹ" không những là nơi đến tươi đẹp để tìm tương lai rực sáng. Tuyệt nhiên, quý giá hơn nữa là nơi đến để bảo toàn mạng sống của mình. Nơi có rất nhiều người từ tâm, sẳn sàng hiến tặng cơ phận và tiền bạc cho mình. (Một ca thay gan tốn kém bao nhiêu" Và làm sao để có đủ tiền chi phí sẽ được trình bày trong bài viết kế tiếp).

Tôi kính phục sự tận tâm vô bờ bến của bác sĩ, y tá, bệnh viện. Họ luôn tạo mọi điều kiện thoải mái, an tâm, giảm đau đớn nhất cho người bệnh.

Tôi ngưỡng mộ những nhà bác học ngành y, đã không ngừng phát minh thuốc men, phương pháp điều trị tốt nhất để cứu người. Nhưng có lẽ cao cả hơn hết là những con người nhân hậu. Họ sẵn sàng ký tên vào hàng chữ "Organ Donor" trong bằng lái xe của mình, tự nguyện hiến tặng cơ phận.

Và còn nữa, tôi xin đa tạ, trân quý sự chăm sóc, thương yêu vô vàn mà người thân và bạn bè đã dành cho tôi. Không phải chỉ một lần trong năm -ngày lễ Tạ Ơn vào tháng 11- mà hằng mỗi ngày tôi muốn nói:

Again, America, xin nói lời tri ân!

Ý kiến bạn đọc
14/12/201801:26:35
Khách
bài viết rất bổ ích cô ơi ...... nhà cháu có người thân bị viêm gan B ...... củng lo lắm cô , có bướu trong gan luôn ạ ..... chúc cô luôn khoẽ mạnh với em gan mới
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,328,501
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Bài này là bài viết tham dự giải thưởng VVNM số 108, của tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân, viết vào năm 2002. Đây là chuyện kể 32 năm của một cô dâu Việt, về một chàng Mỹ 17 tuổi, bắt Mẹ ký tên cho đi lính trước tuổi, để sang tận bên kia trái đất “mang tui về trả nợ”, như tác giả Bảo Xuân Abbott nói đùa. Tác giả TNBX hôm nay là trưởng ban tuyển chọn giải VVNM. Ban biên tập VVNM xin mời độc giả cùng đọc lại bài cũ, để rồi chúng ta sẽ cùng đón đọc câu chuyện mới, 21 năm sau, chuyện "53 Năm Người Mỹ Và Tôi", sẽ được đăng vào thứ Sáu ngày 14 tháng 7 tới.
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến