Hôm nay,  

Tôi Đi Trượt Tuyết

15/09/200700:00:00(Xem: 280902)

Bài số 2094-1957-662vb7150907 

*

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, bài được chuyển đến bằng email. Mong cô sẽ viết tiếp và bổ túc ít dòng sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.

 

Cứ mỗi lần đi vacation về là tôi lại phải nghỉ thêm ít nhất là một ngày để dưỡng sức. Ngày đi làm lại, nhìn bộ mặt bơ phờ của tôi mấy người bạn đồng nghiệp đã thương hại bảo:

- You đi vacation như thế này thì đi làm còn tốt hơn.

Mà quả thật như thế, tôi đi làm còn đỡ stress hơn là đi vacation. Sáng sáng, tôi chỉ phải lái xe qua một đọan đường ngắn khỏang tám miles, đậu xe vào cái bãi đậu xe của cái trạm xe lửa Riverside - Los Angeles rồi chờ xe lửa đưa đi làm. Đi khỏang chừng mười lăm phút là đến trạm ngừng ở Montebello thì đã có xe bus chờ sẵn đón vào sở. Buổi chiều xe bus lại đến sở đón về trạm, rồi lại lên xe lửa, trở về chỗ đậu xe, rồi lái xe đi tà tà về nhà. Trên xe lửa thì có ghế nệm êm ái, tôi thanh thản dựa lưng vào ghế lim dim nhìn cây cối nhà cửa đi giật lùi hai bên đường. Vào sở thì có máy lạnh thổi hiu hiu, hơi buồn ngủ một chút thì đóng hồ sơ lại, quay mặt qua cái bàn giấy sau lưng như thể đang nghiên cứu hồ sơ, và nhắm mắt lại ta dưỡng sức.

Còn vacation của tôi, tòan là đường trường xa, nào rừng, nào núi, nào sông, nào leo đồi vượt suối, nào nằm đất lội sình, tôi chưa có được lấy một ngày nào thỏai mái đi vacation theo đúng cái nghĩa vacation của nó.

Tôi là dân Sàigòn, con gái thành phố, từ nhỏ tới lớn chỉ quanh quẩn với phố phường shopping đông đảo, chưa hề biết đến một ngày cắm trại, leo núi, leo đồi. Cho đến khi tôi gặp được "the other half", "ông cụ thân sinh của mấy đứa con tôi", người của phố núi mờ sương, dân núi rừng thứ thiệt, có cả tên rừng, thì cuộc đời của tôi đã quay sang một ngã rẽ mới.

Hồi hai đứa còn là vợ chồng son thì tôi cũng thấy đời vui vui khi được chồng đưa đi chơi đó đây, đi thăm thú mấy cái danh lam thắng cảnh mà hồi ở nhà bố đâu có dẫn đi tới. Chừng có mấy con Hươu nho nhỏ chạy theo thì ổng dẫn Hươu con đi cắm trại trong cabin ở mấy cái công viên quốc gia, tập leo mấy cái ngọn núi thấp thấp, lội dọc theo mấy cái thác nước chảy êm êm.

*

Nhưng hơn mười năm nay, từ khi Hươu Đảm Đang của tôi gặp lại những người bạn Hướng Đạo trong nhóm khăn quàng đen của ông, thì những ngày vacation và cả những ngày "Beautiful Sunday" của tôi trở thành những ngày "hãi hùng" nhất thế giới. Ai lại sáng chủ nhật đẹp trời mà tôi cũng phải thức dậy từ sáu giờ sáng để sửa sọan đồ ăn, phụ ổng với Hươu con khiêng xe đạp chất lên xe, rồi hối hả thay quần áo đi cho kịp giờ đến điểm hẹn. Mà phải chi cái điểm hẹn này nó gần gũi gì cho cam, sơ sơ thì cũng phải tốn nửa tiếng đồng hồ lái xe, còn thiệt thiệt thì cũng phải chạy tới hai tiếng đồng hồ. Đến nơi tập trung rồi thì lại phải tháo xe đạp xuống rồi sửa sọan lên yên cong lưng hì hà hì hục đạp mười mấy hai ba chục miles như để sửa sọan tranh giải Thế Vận Hội năm 3000. Mà phải chi được chạy đường bằng phẳng tráng nhựa thì cũng đỡ, đằng này, chạy đường núi, leo núi thật, như ngày nào cái nhóm Hướng Đạo của ông lên chinh phục đỉnh Langbian, vừa lên dốc, tránh sỏi đá ổ gà lởm chởm, vừa phải chạy băng qua lạch nước, suối, bùn&Đến cái chỗ dốc nào sau khi sang hết số rồi mà cũng không đạp xe lên nổi, thì ta leo xuống đất dẫn xe lên, rồi khi đến đỉnh núi thì lại cắn chặt răng, gồng hai tay ghì chặt tay lái, bóp thắng (mặc dầu thắng hổng có phê với những con dốc này) để đổ dốc, vừa đổ dốc mắt phải láo liên canh chừng những mô đá trên đường, bởi vì không tránh khỏi thì sẽ có cơ hội được "airborne", làm người nhện bay hay siêu nhân tung ra khỏi xe đạp và đáp xuống mặt đường sỏi đá lởm chởm&không an tòan.

Mấy cái đám bạn bè Gia Long của tôi, thấy tôi tự dưng biến mất trong mấy cái ngày hội hè đình đám của trường, cũng lấy làm tức tối cho cái số phận dân thành phố bị người núi rừng ăn hiếp, bởi vì tới mấy cái ngày lễ lạc là tôi đi biền biệt, tôi hết còn thì giờ rảnh rỗi để họp hành với cái hội áo tím. Tụi nó đâu có biết là ông chồng tôi và bạn bè của ông đã sắp sẵn chương trình "hành động" của nguyên năm. Cứ tới mùa Giáng Sinh gặp nhau là ông và bạn bè của ổng đem lịch ra để tính tóan từ ngày lễ "Ông Vua Da Màu" cho đến ngày nghe cái bài "Đêm Đông Lạnh Lẽo". Cái chương trình này có đủ bộ ăn chơi cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông từ đạp xe đạp, cắm trại, lội nước, chèo thuyền, trượt tuyết. Rồi ông đưa cho tôi cái lịch trình dài sọc, đem vào sở để xin nghỉ phép, tôi cũng phải đành lòng làm giấy tờ xin nghỉ hết những ngày lễ từ tháng 1 cho tới tháng 12.

Thiệt tình thì hồi đầu tôi cũng hơi... hăng hái theo ổng, bởi vì bị quyến rũ bởi những trò chơi thể thao lạ, với những lời đường mật của người phố núi. Tôi cũng muốn được thưởng thức: "...những cái đêm ngắm trăng vàng soi trên mặt hồ êm ả, rồi thì hai đứa mình nắm tay nhau dạo mát giữa thiên nhiên, hoặc là nằm trong lều, nghe tiếng suối reo róc rách bên tai, buổi sáng thức dậy nghe tiếng chim rừng ríu rít, rồi thì đạp xe lên đỉnh núi, ngắm những vùng thung lũng hoa muôn màu trải rộng một góc trời..." 

Cái món cắm trại và chèo thuyền, lội nước thì không đến nỗi phải phàn nàn, bởi vì tôi cũng có được những ngày dạo thuyền trên sông ngắm trăng rất nên thơ và sáng dậy nghe chim rừng tíu tít; vả lại, hai cái món ăn chơi này thì chỉ có tồn tại được từ mùa hè đến sang thu.  

Còn cái món đạp xe leo núi thì có mặt đủ bốn mùa, trừ mùa mưa. Hồi mới đầu thì tôi cũng thấy cái môn đạp xe đạp này thể thao ra phết, nhất là nhìn cái xe đạp leo núi thấy nó "chiến" hơn cái xe đạp chạy đường thường, vỏ xe rằn ri như vỏ bánh xe hơi, mà cũng có mấy cái số để sang tới lui cho vòng xe chạy mau, chạy chậm. Mặc vô cái bộ quần áo dành riêng cho dân đạp xe đạp, đeo găng tay, đội thêm cái nón an tòan thì tôi cũng thấy mình ngon lành như dân "cua rơ" thứ thiệt.

Bắt đầu thì mấy ông Hướng Đạo cha chọn mấy cái đồi thấp thấp cho đám Hướng Đạo con: Sói, Thỏ, Nai, Gà Lôi, Sơn Ca, Bồ Câu, Họa Mi, Kiki, Nhím chạy theo để luyện sức dẻo dai. Tới chừng cái đám thú rừng con này qua được "bằng rừng một cục gỗ" thì là đến cái lúc... tôi đau khổ, bởi vì tôi không có thi đậu nổi... cái bằng rừng.

Lên khóa huấn luyện mới, chương trình sẽ bao gồm: đường núi, đường rừng và đường hẻm. Đường núi, đường rừng còn đỡ đỡ, chứ cái đường hẻm này thật là gian nan vì đường thì nhỏ và chỉ đi thỏai mái được có một xe, hai xe lấn nhau là một xe sẽ bay xuống núi. Nhưng mà đã lỡ phóng lao thì phải theo lao, lao theo cũng để canh chừng coi Kiki và Nhím của tôi có phóng xe ra khỏi núi, có lạc vô rừng không. Tôi đành phải hì hục đạp xe chạy theo, mặc dù lúc nào tôi cũng ở phía cuối đòan xe. Ông chồng của tôi cũng đạp xe bên cạnh tôi, vừa động viên tinh thần tôi bằng một trong những bài ca bất hủ của dân Hướng Đạo "đường trường xa, con chó nó tha con mèo..." Còn bạn bè của ổng và đám Hướng Đạo con thì đứng ở đầu dốc cầm mấy chùm nho mọng nước đong đưa trước mắt tôi hò hét - "gắng lên, gắng lên, còn có mấy chục thước nữa thôi. - Chừng tôi đạp được lên tới đỉnh núi rồi, chưa lấy lại được hơi thở thì đã nghe tiếng gạt chống xe đạp lào rào và những tiếng reo - "chị Mai Trắng tới rồi, mình đi tiếp..." - Bởi vậy cứ cách tuần, hễ tới đêm thứ sáu, sau 10 giờ, nghe tiếng điện thoại reo và tiếng người bên kia đầu dây oang oang, Báo Kiên Trì, hay là Voi Nhẹ Dạ đây là tôi não lòng, bởi vì tôi biết là một cái ngày "Beautiful Sunday" sắp tới của tôi sẽ tan tành theo mây gió.

*

Nhưng mấy cái món ăn chơi này cũng chưa có hãi hùng bằng trò chơi mùa đông của dân rừng núi. Hổng biết từ một ngày đẹp trời nào, cái tinh thần chinh phục đỉnh Langbian của mấy ổng sống dậy, nhưng mấy ổng không chịu đi chinh phục núi mùa hè mà mấy ổng đòi đi chinh phục núi mùa đông. Ngày nào mấy ổng đã leo lên tới được đỉnh Langbian thì bây giờ mấy ổng phải leo xuống từ đỉnh Mammoth mới chịu thôi.

Thế là một đòan xe Van, xe SUV, xe nhà, trực chỉ Bắc tiến vào mùa đông. Tôi cũng cắn răng theo chồng con với gia đình bạn bè ông đi học trượt tuyết.

Có ai đi trượt tuyết mới thông cảm được cái nỗi khổ của tôi. Trời thì rét căm căm, dưới 0 độ mà cũng phải đi ra đường. Quần áo thì năm bảy lớp, trong cùng là bộ quần áo giữ thân nhiệt, ngòai có áo cao cổ, cộng thêm quần nylong, áo jacket không thấm nước, đầu thì phải bọc một cái nón mềm chống lạnh che mặt trước khi đeo cái nón nhựa an tòan. Hai chiếc giầy sắt ở dưới chân mới là nặng khủng khiếp, chắc cũng phải chừng hai, ba ký lô. Tôi chưa đi lính bao giờ, nhưng tôi nghĩ cái đôi giầy này nó còn khó mang hơn là đôi giầy "bốt đờ sô". Ít ra, thì mấy cái đôi giầy lính cũng được làm bằng da, và nhẹ hơn là đôi giầy ski bằng sắt này để cho mấy ông lính còn dễ dàng vượt núi trèo non, chứ cái đôi giầy sắt này, chỉ có nước khiêng nó đi thôi, khỏi chạy. Cộng thêm vào đó, còn hai cái ski dài như hai cái đòn gánh lủng lẳng dưới hai chiếc giầy. Bước đi bằng đôi hia bảy dặm đã khó, mà còn bắt hai cái hia này điều khiển hai cái đòn gánh nữa mới là một điều khổ não, bởi vì điều khiển không khéo, hễ quạt cái đòn bên này chiều này, mà cái đòn bên kia không chịu đi theo, là có cơ hội "xọac cẳng ra đo đất vắn dài" ngay.

Ngày đầu tiên đi học trượt tuyết, cả nhóm tụi tôi ghi danh chiếm ngay một lớp, đồng hạng, vỡ lòng. Bọn tôi được dẫn lên một cái đồi nho nhỏ trong một góc sân trường, lội bộ lên đồi rồi từ từ trượt xuống. Tập lướt, tập quay, tập lách, tập thắng. Nghe thì cũng dễ, thấy người ta làm thì cũng không khó, nhưng tới phiên mình mới biết là trần ai. Tôi chạy xuống thì được (dĩ nhiên, đường dốc mà), nhưng tôi không lách qua nổi mấy cái cây cờ ổng thầy chống làm dấu sẵn nên tôi quạt mấy cái cây đó rớt lăn quay, tôi cũng không làm sao để điều khiển cho hai cái đòn gánh "ăn" vào trong tuyết mềm để thắng như thầy giáo chỉ, nên tôi tìm cái bờ đất dốc ngược lên (như mấy cái chỗ run away của xe truck trên freeway đó) tấp vào đó để thắng cho chắc ăn. Chỉ quay tới quay lui vài ba dạo, từng đó bước thôi, nhưng gần đến buổi ăn trưa là biết ngay ai đậu rớt. Tôi thì khỏi nói, trong cái trò chơi nào thì tôi cũng cầm cờ đỏ, thành ra không có ai ngạc nhiên khi thấy tôi... rớt.

Ăn trưa xong, ông thầy giáo dẫn hết cả nhóm lên núi, để tập trượt xuống từ mấy cái dốc cao hơn. Còn tôi thì ông gửi tôi sang cái lớp vỡ lòng buổi chiều, nhờ bà giáo này dẫn tôi lên đồi tập lướt xuống và tập thắng. Đến chừng gần ba giờ chiều thì bà giáo buổi chiều cũng dẫn cả lớp của bà lên cái đồi thỏ con "bunny slope" gần đó để thực tập. Bà nhìn tôi ngần ngại nhưng rồi cũng phải cố gắng dẫn tôi theo. Trời đất ơi, ngồi lên ghế chờ được kéo lên tôi mới thấy mình can đảm, chừng lên gần tới nơi rồi tôi mới cảm thấy rợn người hơn. Cái dốc này cũng không thua mấy cái dốc xe đạp là mấy, cái dốc thỏ nhảy nầy chắc chỉ dành cho lòai thỏ rừng. Nhưng tôi đã lỡ lên gần tới nơi rồi, không lẽ tôi ngồi lại trên ghế để chờ quay xuống. Tôi cũng phải đánh liều nhắm mắt đưa chân.

Bà giáo ngồi bên cạnh tôi hét trong tiếng gió:

- You mới đi học lần đầu tiên phải không, đừng có lo nghe, từ từ rồi cũng chạy được thôi, rồi you sẽ thấy mấy cái bunny slope này không thấm chi hết. Cần thiết là you phải biết nhảy xuống lift cho khỏi té, gần tới nơi thì dốc ngược cao ski lên, sửa sọan đẩy ghế ra đằng sau, nhưng mà cẩn thận coi chừng té. Ski chạm tuyết rồi thì chạy ra ngay, kẻo vướng đường người khác xuống thì họ sẽ tông mình té lăn cù... Lên tới trên dốc rồi thì you cố gắng đi theo tui nghe, mà lỡ có đi lạc thì cứ tìm mấy cái người huấn luyện viên mặc đồng phục cùng màu với tui như vầy nhờ giúp đỡ.

Tới đầu dốc, tôi cũng nghe theo lời giáo huấn của bà, dơ cao, dốc ngược rồi sửa sọan chạy. Nhưng không may cho tôi, tôi dốc cái đôi ski cao quá, và chưa đụng tới tuyết thì tôi đã định chạy, nên hổng chân, xém té, thời may có bà giáo ở ngay bên cạnh xốc nách tôi kéo lên rồi tiện đà đẩy nhẹ tôi về phía trước. Tôi băng mình một cái vù, quên thắng, sẵn trớn, tôi quay vòng qua con đường nhỏ ở cái dốc bên cạnh, chưa hiểu ất giáp ra sao, tôi đã thấy có một bóng đồng phục băng qua ôm lấy tôi, cản đường tôi... té.


Tôi quay lại, thì thấy bà giáo buổi chiều đứng ngay sau lưng tôi, nhìn mặt bà tái xanh (bởi vì tôi đâu có thấy mặt tôi) tôi chắc là cái điệu quay của tôi nó cũng ngọan mục lắm. Bà cám ơn ríu rít người bạn đồng nghiệp đã giúp bà qua cái tai nạn "khủng khiếp" này. Kiểm điểm học trò xong, bà nhẹ nhàng dắt bọn tôi xuống núi. Trước khi đi bà không quên quay lại dặn tôi:

- Tôi sẽ chỉ đường dễ cho mọi người đi, nhưng nếu mà cũng còn quá khó đối với you thì you đi từ từ nghe, Cùng lắm, không theo kịp lớp, không trượt nổi thì you tháo ski ra, đi bộ xuống, cái dốc này không có dài đâu, chỉ cỡ bằng hai cái dốc dưới sân trường thôi.

Nghe lời dặn dò, tôi biết ngay là bà muốn bỏ rơi tôi. Nhưng cũng không sao, tôi nghĩ đi bộ xuống thì tôi có thể kham nổi. Lúc ngồi trên ghế lên dốc, nhìn xuống, thỉnh thỏang thì tôi vẫn thấy có những người vác đòn gánh lên vai, đi bộ, thành ra tôi chiêm nghiệm được, ngòai cái thú đi ski, người ta còn có thú... vác ski.

Tôi cũng cố gắng đi theo mọi người trong lớp, cái vùng dốc này cũng có chỗ hơi bằng bằng như cái đầu dốc sân trường, nên dạng hai chân theo hình chữ V thì tôi cũng từ từ đi xuống được. Bà giáo nhìn tôi lắc đầu:

- Cái khúc này mà you vừa đi vừa thắng thì chút nữa làm sao you đi! Kéo hai cái chân ra song song, đi zic zac xuống núi, chỉ chuyển qua V khi cần thắng thôi...

Dặn dò tôi xong bà chạy băng ra phía trước, bởi vì bà phải đi đầu chỉ dẫn cho học trò bắt chước theo. Tôi nhìn qua mấy người cùng trong lớp thì cũng có hai bà cũng đang khùynh hai chân ra đi theo kiểu của tôi. Tôi nhìn họ, nhỏen miệng cười, mấy người này cũng nhìn tôi... lắc đầu cười.

Cả một đám học trò có khỏang 15 người thì chỉ có tôi và hai người nữa bị lọt lại đằng sau. Lúc đầu, bà giáo còn đứng lại chờ, nhưng rồi khi đi đến giữa dốc qua một khúc quẹo thì bà lại giao ba người tụi tôi cho một cô giáo nho nhỏ đang dạy mấy người trong cái lớp của cô tập thắng, rồi bà dẫn đòan học trò của bà chạy mất. Tôi và hai người bạn "đồng song" còn lại kiên nhẫn học theo cái cô giáo nho nhỏ này rồi đi lò mò xuống dốc. Bọn tôi lại được cầm cờ đỏ chạy theo sau, nhưng lần này thì một trong hai người bị bỏ lại với tôi cũng theo đuổi được đám học trò ở cái nhóm mới, cuối cùng thì còn lọt lại tôi với một bà (chắc hơn tuổi tôi một chút xíu) cùng bị "chuyển giao" từ cái lớp buổi chiều. Bà nói:

- Thây kệ họ, you với tôi cứ xuống từ từ, xuống tới nơi rồi thì tôi với you đi khiếu nại việc họ đã đem con bỏ chợ này. Họ sẽ phải cho mình học lại không mất tiền.

Tôi nói:

- Bà có muốn khiếu nại thì cứ việc, chứ tôi thì tôi bỏ qua để được tiếng "dĩ hòa vi quí" . Tôi bị chuyển ba lớp rồi, tôi đâu có mặt mũi nào mà khiếu nại khi mình mang cái bịnh... chậm tiêu.

Mấy cái bóng đằng trước cứ nhấp nhô, rồi mờ dần. Chúng tôi đi thêm được một vài ba bước nữa thì người bị bỏ lại với tôi vấp té. Một cái đòn gánh sút chốt văng ra nằm dài trên tuyết, bà ta ngẫm nghĩ sao đó rồi nhờ tôi đạp luôn cái chốt tháo cái đòn gánh bên phía kia. Bà cúi xuống gom hai cái ski lên bảo tôi:

- Tôi hết muốn ski rồi, tôi đi bộ xuống.

Tôi ngần ngừ:

- Thiệt không đây"

Bà thản nhiên bước tới:

-Tôi đi đây, you muốn ski thì ski một mình đi. Cẩn thận coi chừng té.

Nghe tới cái chữ "coi chừng té" là tôi lại liên tưởng đến cái lời cảnh cáo của bà giáo buổi chiều trước khi xuống lift. Mà cái tính tôi thì cũng lạ, cứ hễ biểu coi chừng là tôi làm thiệt. Tôi nghĩ tới cái lúc té chỉ có một mình phải ngồi chờ ông đi qua, bà đi lại ngừng lại giúp đứng lên là tôi rầu. Tôi nói bà chờ tôi tháo ski rồi tôi đi xuống núi với bà cho có bạn. Thế là tôi với bà bạn ski mới gặp thản nhiên vác ski lên vai, đi từ từ xuống núi. Mấy người đi trượt tuyết chạy lướt qua bọn tôi cũng thản nhiên như đã nhìn thấy một hình ảnh rất quen thuộc. Vừa đi, bà vừa kể cho tôi nghe tâm sự của bà: - hai vợ chồng bà từ hồi nào cu ki với nhau, cũng hơi buồn, gặp thêm ông chồng tánh cũng ham vui, nghe bè bạn rủ rê cũng bày trò đi ski, bà cũng đi theo bởi ở nhà cũng hổng có chuyện gì làm. Ổng thì nhờ cái tánh dạn, nên đã chạy được lang thang mấy cái đồi dễ dễ, còn bà thì học ngày thứ hai rồi mà cũng không biết đường chạy tới chạy lui. Bà đâu có ưa mấy cái trò thể thao này đâu, thà bà ở nhà coi ti vi hay đọc sách còn vui hơn. Đúng là cái trò chơi hành xác, đang ở trong nhà ấm êm thì không chịu, chịu đi ra ngòai đường trả tiền để hóng gió, hóng sương. - Tôi nghe qua mủi lòng, vì sao chuyện của bà cũng hơi giống cái chuyện... bắt buộc phải đi chơi của tôi. Tôi nhìn bà:

- Hic hic, mi cũng nghĩ dzậy too, ngồi ở trong nhà uống café, nhìn trời tuyết đổ làm thơ thì quá tuyệt.

Ngày thứ hai, mấy đứa Hướng Đạo con qua mặt cha mẹ một cái vù nên được đưa lên học lớp hai, còn mấy ông bà xồn xồn bạn bè của ông chồng tôi đồng ý là nên tập lại với nhau cho thuần thục trước khi học qua bước khác. Thế là mấy người dẫn nhau đi lên lift, tôi bị bỏ lại bởi vì không dám đi theo. Ông chồng tôi vỗ về tôi nói để ổng học trước cho giỏi rồi ổng dạy lại tôi.

Còn lại một mình tôi bèn đi lang thang vào dốc sân trường nhìn mấy người học lớp vỡ lòng để bắt chước đi theo. Tập mãi mà cũng chẳng đi tới đâu, bởi vì cứ lao đầu tới trước là tôi té chúi nhủi, nản lòng nên tôi bỏ vào nhà ăn ngồi chờ.

Buổi trưa, ăn vừa xong mấy đứa Hướng Đạo con đã rủ nhau lên lift đi tuốt luốt. Có mấy bà than mệt nên muốn ngồi nghỉ một lúc trước khi chạy mấy cái run buổi chiều. Ông chồng của tôi nói để ổng dẫn tôi lên cái dốc sân trường dợt lại cho tôi mấy bước căn bản rồi ổng sẽ dẫn tôi lên lift. Mới chỉ có mấy bước căn bản mà ổng hét hò tôi muốn bể núi. Tôi nổi giận đuổi ổng ra chỗ khác (ổng chỉ chờ có thế) rồi tháo ski ra bỏ vô cái lò sưởi ở giữa trời, gần quán ăn, ngồi uống café, nhìn tuyết rơi.

Ngồi một hồi lâu, bớt giận rồi tôi gắn ski lại đi lang thang ra sân trường. Còn đang lò mò thì tôi gặp Voi Nhẹ Dạ cũng lang thang một mình. Hỏi thì Voi nói là tại Voi đi nhanh quá nên lạc mất đòan. Còn tôi thì nói hổng có ai chơi với tôi hết thành ra tôi đi lang thang, Hươu chỉ tôi có mấy vòng mà la tôi thấu trời xanh thành ra tôi tủi thân. Thấy cái tướng tôi có vẻ tội nghiệp nên Voi nói thôi để Voi dẫn tôi lên tập ở Chair 7, chứ tập mãi ở dưới đất bằng thì làm sao mà ski. Lúc lên tới đỉnh, nhìn thấy cái bảng chỉ dẫn ở đầu đường tôi hỏang vía, tôi phải đi xuống cái dốc này sao" 700 feet, cũng khá cao đó chứ. Voi nói:

- Cái con đường Hansel này cũng dễ đi thôi, mấy người kia đã qua hết Gingerbread rồi, mấy đứa nhỏ còn chạy lên luôn Canyon Express nữa, chị mà không chịu khó thì mỗi lần lên đây là chị sẽ ngồi ở nhà nấu phở chờ bọn này về ăn đó nghen.

Nghe Voi dọa như vậy thì tôi cũng phải cố gắng lướt theo Voi. Chao ôi, cái con đường thẳng này thì cũng tàm tạm được nhưng đến cái chỗ quẹo thì tôi quíu chân té một cái rầm. Tôi ngồi phịch xuống đất làm reo:

- Voi ơi, chắc là chị không xuống nổi đâu.

Voi nhìn cái con dốc còn lại bảo:

- Chị không xuống được thì cũng phải ráng mà xuống, Voi không có để cho chị vác ski xuống như ngày hôm qua đâu. Thôi chị nghỉ năm phút đi rồi mình tiếp tục.

Trời đất ơi, chỉ có con đường nhỏ xuống núi này mà tôi tốn hết bao nhiêu là công sức, bởi vì cứ đi được ba bước thì tôi lại té một lần. Tôi nghĩ ngày xưa Tiết Đinh San đi cầu Phàn Lê Huê chắc cũng chỉ khổ bằng tôi bây giờ thôi. Ngày xưa Tiết Đinh San thì đi ba bước quì lạy một bước, còn tôi thì cứ ba bước, một lần quẹo zíc zắc là tôi cũng cúi xuống hôn chân đồi một lần. Tôi không có đem theo đồng hồ, nên không biết là đã bao lâu, nhưng chỉ biết là đã sắp đến giờ đóng cửa rồi, vì mấy cái xe tuần cảnh đã bắt đầu chạy lên xuống liên tục để nhắc nhở những người đang còn lửng lơ giữa lưng đồi như tôi nhanh chân xuống núi. Voi Nhẹ Dạ bây giờ hình như có vẻ mất dần... nét điềm đạm. Chắc Voi đang hối hận cho cái tánh nhẹ dạ hay bị dụ dỗ giúp người của mình. Tôi nhìn xuống, chắc chỉ một khúc ngắn nữa là tôi sẽ xuống đến chân đồi thôi, vì tôi đã nhìn thấy những cái lưới xanh xanh bao quanh sân trường ở phía xa xa.

Rốt cuộc thì tôi cũng theo Voi xuống được tới chân núi vừa lúc đám nhân viên của cái trung tâm giải trí này đang tháo cuốn những tấm lưới ngăn đôi sân trường và sân chơi đó lại. Cả một đòan người đang nhốn nháo chờ đợi tôi ở ngay dưới chân đồi, Thanh Phượng, vợ của Voi mau mắn đón tôi:

- Trời đất ơi, chị đi đâu mà lâu giữ vậy" Tụi em xuống dưới đây chờ cả tiếng đồng hồ rồi, anh Hươu cứ đi đi lại lại ở mấy cái lối ra mà tìm hổng thấy chị đâu. Cứ hễ cái xe cứu thương nào chạy xuống là em với ảnh cứ chạy tới dòm coi có phải người nằm trong đó là chị hay không"

Cu Nhím lanh chanh:

- Kỳ sau mình đi, bố bắt mẹ đi học như tụi con thì mẹ sẽ giỏi thôi.

Còn Voi thì dõng dạc tuyên bố:

- Khi nào chị lên ăn trưa được ở Mid-Chalet thì Voi sẽ đem một chai Latour 95 lên đãi chị.

*

Sau ba năm dùi mài "kinh sử", và sau hai năm chiếm đóng mỗi một cái lift số 7 để được cả nhóm tặng cho cái danh hiệu dễ thương là "chị Bẩy", dần dà rồi thì tôi cũng đi theo được ông chồng tôi và bạn bè đi lên những cái dốc cao và dài hơn, dẫu là có chậm chạp hơn tất cả mọi người. Tôi cứ đủng đà đủng đỉnh "đi" trên tuyết, nên cả bọn họ chạy hết năm vòng thì tôi mới bắt đầu đến chuyến thứ ba. Còn cái bọn Hướng Đạo con thì khỏi nói, chán trò chơi trượt tuyết rồi, bọn nhỏ rủ nhau chuyển qua cái màn chơi lướt tuyết (snowboard).

Hươu Đảm Đang, tuy không được chạy nhảy theo cùng các bạn, nhưng cũng cảm thấy đỡ buồn là tôi có thể theo anh đi vòng quanh mấy quả núi, đi từ từ. Tôi cũng có thể bò chầm chậm xuống từ phía sau của Face Lift. Đôi khi, tôi và Hươu đem theo mấy chai nước lạnh, mấy cái bánh bao, pate chaude nho nhỏ để lỡ có muốn lang thang không muốn vào quán ăn thì cũng có cái mà ăn cho đỡ đói. Ăn xong rồi thì Hươu và tôi tìm một chỗ nghỉ chân, đôi khi thì tôi để nguyên nón, áo nằm dài xuống tuyết, nhìn trời qua lăng kính màu hồng của cái kính che mắt.

Lần đi trượt tuyết vừa rồi làm biếng không đem theo đồ ăn, tôi và Hươu ghé vào ăn trưa ở Mid-Chalet, gặp cả nhóm bạn bè: Voi Nhẹ Dạ (Đạt) - Phượng Xanh (Thanh Phượng), Báo Kiên Trì (Khiêm) - Ngỗng Trời (Thiên Nga), Sóc Kiên Tâm (Hùng) - Én Vàng (Kim Yến) và Sư Tử Điềm Đạm (Tuấn) - Loan Trắng (Bạch Loan) đang ngồi đấu hót với nhau trong Mid-Chalet. Tôi có nhắc đến chai Latour 95 của Voi thì Voi gãi đầu gãi tai:

- Ừa, quên hén, Voi quên đem rồi chị Mai Trắng ơi. Thôi để tối nay Voi đãi chị đỡ với Chateau BelleCroix đi, bữa nào khi chị lên Upper Road Runner rồi về dưới mình nhậu Latour luôn một thể.

Ngỗng Trời biểu đồng tình:

- Cũng có lý hén, hồi xưa mình hẹn chị Mai Trắng lên Mid-Chalet ăn trưa thì chị cũng đã lên tới Mid-Chalet rồi, thì cái chiện lên Road Runner chỉ là next step phải hôn chị"

Én Vàng cũng chen vào:

- Ừa, ở bên bển vắng mà vui lắm chị Mai Trắng ơi, đường thì rộng thênh thang, cây xanh mát, chị nên theo tụi em một lần cho biết.

Sư Tử Điềm Đạm cũng chậm rãi nói:

- Chị lên được chair 3 rồi thì Road Runner cũng cỡ vậy thôi. Ngày mai chị dợt chừng vài lần cho có trớn rồi mình lấy gondola lên thẳng, ok chị"

Trời đất, trải qua biết bao nhiêu gian khổ tôi mới lên xuống con đường Stump Alley, con đường đưa tới Mid-Chalet, một chút dễ dàng. Còn muốn lên tới con đường Upper Road Runner hả, có nghĩa là phải lên tới đỉnh núi Mammoth này, nơi mà ông chồng tôi đã cố công rủ tôi lên hai lần bằng gondola. Lần đầu tiên chỉ để ổng chụp hình phong cảnh núi rừng. Lần thứ hai thì ổng rủ tôi chạy xuống theo cái con đường "dễ dễ" mà ông nói ở đằng sau đỉnh núi, cái con đường có tên là Upper Road Runner. Nhưng khi lên tới Panorama Lookout rồi, đứng ngắm nhìn trời mây non nước một hồi, nghe gió hú rợn người, tôi lạnh cẳng nên lại leo lên gondola đi xuống. Ông chồng tôi dụ dỗ cách mấy tôi cũng không đổi ý, nhưng khi nghe bạn bè đi về tả lại cái cảnh đẹp ở đằng sau Outpost 14 thì ổng tiếc hùi hụi. Ổng cằn nhằn tôi là cầm tinh con thỏ đế. Trách tôi cũng không được, ổng phải hiểu tôi là dân Sàigon, ở bình nguyên bằng phẳng nên đâu có biết leo núi, còn cái đám bạn bè Hướng Đạo của ổng và cả mấy bà vợ nữa, đều là dân có "hộ khẩu" của thành phố sương mù, nên tôi nhát hơn họ là chuyện đương nhiên rồi. Vậy mà bây giờ cả đám bạn núi rừng của ổng đang thách thức tôi đi tới nơi, chắc họ muốn cho tôi được ghi danh vào trong "hồ sơ kỷ lục thế giới" năm nay. Tôi nhìn sang ông chồng tôi, mặt ổng hí hửng như đang bắt được vàng, ổng đang chờ tôi trả lời - "Ok" -cho đám bạn của ổng mà ổng đâu có thấu được nỗi lòng của tôi!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,250,504
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Bút hiệu của tác giả là tên thật. Bà cho biết sinh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn, ra trường Gia Long năm 1973. Vượt biển cuối năm 1982 đến Pulau Bibong và định cư đầu năm 1983, hiện đã nghỉ hưu và hiện sinh sống ở Menifee, Nam California.
Tháng Năm tại Âu Mỹ là mùa hoa poppi (anh túc). Ngày thứ Hai của tuần lễ cuối tháng Năm -28-5-2018- là lễ Chiến Sỹ Trận Vong. Và Memorial Day còn được gọi là Poppy Day. Tác giả Sáu Steve Brown, một cựu binh Mỹ thời chiến tranh VN, người viết văn tiếng Việt từng nhận giải văn hóa Trùng Quang trước đây đã có bài về hoa poppy trong bài thơ “In Flanders Fields”. Nhân Memorial sắp tới, xin mời đọc thêm một bài viết khác về hoa poppy bởi Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Tác giả 58 tuổi, hiện sống tại Việt Nam. Bài về Tết Mậu Thân của bà là lời kể theo ký ức của cô bé 8 tuổi, dùng nhiều tiếng địa phương. Bạn đọc thấy từ ngữ lạ, xin xem phần ghi chú bổ túc.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, là bài mới viết về đứa con phải rời mẹ từ lúc sơ sinh năm 1975, hơn 40 năm sau khi đã thành người Mỹ ở New York vẫn khắc khoải về người mẹ bất hạnh.
Tác giả sinh trưởng ở Bến Tre, du học Mỹ năm 1973, trở thành một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, hiện đã về hưu và an cư tại Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, đã nhận giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông nhân Ngày Lễ Mẹ kể về người Mẹ thân yêu ở quê hương.
Hôm nay, Chủ Nhật 13, Mother’s Day 2018, xin mời đọc bài viết đặc biệt dành cho Ngày Lễ Mẹ. Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Chủ Nhật 13 tháng Năm là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc bài viết của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng bố và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng cách viết lời giới thiệu và chuyển ngữ từ nguyên tác Anh ngữ bài của một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tại Mỹ, Quinton Đặng, và ghi lại lời của người me, Bà Tôn Nữ Ngọc Quỳnh, nói với con trai.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến