Hôm nay,  

Viết Về Nước Mỹ: Đến Hẹn Lại Lên

02/09/200700:00:00(Xem: 158546)

Người viết: Huyền Thoại

Bài số 2081-1944-648vb8020907

*

Huyền Thoại là bút hiệu mới của Thịnh Hương, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2006. Là cư dân San Jose, cô vẫn không ngại về Little Saigon họp mặt Viết Về Nước Mỹ và như năm ngoái, lại nhanh nhẹn tường thuật. Cám ơn Thịnh Hương Huyền Thoại luôn linh hoạt, tươi tắn, có lòng.

*

Một sáng thứ bảy cuối tháng sáu, Duy An gọi cell phone cho tôi , hỏi:

-  Chị , cuối tháng sáu rồi mà chưa thấy Việt Báo đả động gì về chuyện phát giải thưởng năm nay" .     

Tôi bảo, "Chắc sẽ thông báo nay mai.  Nếu cần, cậu gọi hỏi ông từ đó!  Sao mà nôn thế"

-  Nôn gì!  Muốn biết để sắp xếp chuyện nghì hè cho con cái thôi!  Chỉ sợ "đụng ngày".

Chúng tôi đang nói đến "bác" Trần Dạ Từ, nhưng tôi không viết hoa, vì ông từ là một chức vị.  Đầu đuôi xuôi ngược cũng do Phan Cao Bồi mà ra!  Số là, nhờ Việt Báo mà tôi được quen thêm hai người bạn trẻ, Nguyễn Duy An, và Phan.   Phan cư ngụ ở Dallas,  nên tôi gọi "hắn" là Phan Cao Bồi.  Phan viết cho báo Ca Dao, nên đôi khi tôi họi "hắn" là Phan Ca Dao.  Đối lại, " hắn" tặng tôi danh hiệu Hòa Thượng, chẳng biết vì sao!  Sau đó, Phan lại biếu cho ông Trần Dạ Từ chức "ông từ giữ chùa Việt Báo".  Gặp chị Nhã Ca trưa thứ bảy 25 Tháng Tám 2007 trong buổi triển lãm và rehearsal của các em thiếu nhi, tôi mách với chị, thì chị  gật đầu:  "Đúng, gọi ổng là ông từ giữ chùa thì đúng lắm!  Nhưng kêu em là Hòa Thượng thì không!  Phải là Sư Cô, hoặc Sư Bà".  Cả nhà cười toe. Hôm đó chị mặc chiếc áo tunique mầu nâu sậm, may theo kiểu áo người nhà chùa.  Nhìn chị đúng là  một từ mẫu , dáng dấp tu hành, tôi không hiểu sao chị lại là  người có những tác phẩm rất  "trần gian", đôi khi cũng rất bụi đời, tỉ dụ như trong cuốn "Đường Tự Do Sài Gòn". 

Giữa tháng bảy, tôi vào  Vietbao online, thấy có thông báo ngày trao giải thưởng và danh sách các tác giả được tuyển chọn.  Không có Duy An, nhưng có Phan!  Tôi liền gọi cho An:

- Cậu chuẩn bị đi Quận Cam là vừa!  Hoa hậu cũ đăng quang cho hoa hậu mới!

-  Bà chị ơi, em đang đi nghỉ mát dzới dzợ con ở Ocean City!  Hai tuần nữa sẽ về.  Tất nhiên là sẽ đi, đi trước vài ngày, về sau vài ngày.  Hẹn tái ngộ chị bên đó nha!

Em vừa viết xong truyện " Người đi qua đời tôi ở Ocean City".  Chị có muốn coi ké không"

- Thì cậu email cho chị, sợ gì mà không coi!

Kế đó, tôi email cho Phan.  Phan email lại:

-  Ba Mùa Cỏ hả"   Đệ chưa biết.  Cám ơn hiền tỉ đã cho đệ hay.  Không biết đệ có đi Cali được không!  Mới đi Đông du, hết vacation rồi!  Với lại, lúc đó nhằm dịp con em tựu trường.  Kẹt quá.  Thôi, để hạ hồi phân giải.  -  Vẽ chuyện, đi có một cái cuối tuần, phân với phối gì!  Hay là không đi để làm người tình không chân...dung" 

Tôi bảo Phan vậy, vì mới đây, vừa viết xong Người Về Từ Chiến Trường Irag, tôi cho Phan "coi ké".  Coi xong, hắn phán:

- Đừng cho bác sĩ chết, hiền tỉ! 

Theo Phan, bác sĩ chết thì phí đi một cuộc đời "làm trai cho đáng làm trai".   Cảm phục tâm tình của Phan, tôi bèn...viết lại đoạn cuối! 

Tôi, Phan và Duy An hay email cho nhau, thường là vào sáng thứ bảy.  Một hôm An bảo:  "Hôm nào mình phải gắn webcam, để ngồi uống cà phê hàm thụ!  Mỗi người ngồi một nơi, cà phê ai nấy uống!" 

Nói chuyện với hai cậu xong, tôi gọi điện thoại cho Quyên, manager của toà soạn Việt Báo.  Tôi hỏi, "Tôi chẳng giật cái giải gì hết, nhưng muốn đến họp mặt, thì phải làm sao""   Cô trả lời:

- Việt Báo đã gởi giấy mời đến chị rồi, chị Thịnh Hương ơi! 

Tôi tính hỏi cô, "Tôi mang Huyền Thoại tới có được không""  Suy đi nghĩ lại,  chẳng hỏi nữa!

Từ ngày tham gia "câu lạc bộ Viết Về Nước Mỹ", tôi được thêm một niềm vui vào lúc chiều tà đang đi vào đời!  Cứ độ vào hè, phượng tím nở, là bắt đầu nôn nao mong chờ.  Chẳng phải là chờ phần thưởng [vì biết mình biết ta], nhưng cứ mong cho tới ngày "đến hẹn lại lên", vì tôi muốn được gặp những tác giả mà tôi hâm mộ. 

Sau khi nhận được giấy mời  tôi gọi điện thoại,  mời chị tôi và cô bạn thân cùng tôi đến tham dự buổi trao giải thưởng Viết Về Nước Mỹ , như năm ngoái.  Vì các con tôi, người phải đi làm sáng sớm thứ hai, người phải vô trường nhận lớp.  Nên tôi đi xuống Quận Cam bằng xe đò Hoàng.  Sở hay bắt tôi đi làm việc xa nhà, nên tôi ngán máy bay như cơm nếp.  Đi xe đò Hoàng tiện lợi lắm !  Có tài xế lái , mình ngả ghế ra nằm coi video.  Họ lại còn phục vụ cơm trưa cho mình bằng một ổ bánh mì (hoặc gói xôi), rồi mời mình ăn tráng miệng bằng một chén sương sa và chai nước lọc.  Mỗi chuyến đi có 35 mỹ kim, đỡ hao tiền hơn tự mình lái xe nhà mà đi.  Vừa không mòn xe, vừa chẳng hao xăng.  Ủa, Hoàng Xe Đò đâu có trả tiền cho tôi mà tôi quảng cáo xôm tụ quá vầy nè"  Tôi tới bến chót là chợ ABC lúc bốn giờ chiều ngày thứ sáu, 24 tháng Tám.  Một buổi chiều mùa hè  chan chứa nắng vàng, ấm áp.  Chỉ vì cái khí hậu tuyệt với này, mà tôi không xa được California, dù đã thử dứt tình hai ba lần.  Nhất là bây giờ, mỗi mùa hè tôi lại có dịp hội ngộ với những người bạn văn nghệ, mà chị Trương Ngọc Bảo Xuân nói là ngày tao ngộ của các Ngưu Lang Chức Nữ...

Trưa thứ bảy, 25 tháng tám, tôi nhờ chị chở đến toà soạn Việt Báo trên đường Moran.  Là cọp giấy, tôi sợ ...một mình giữa chốn ba quân, nên đìện thoại cho Duy An cầu viện:

- Cậu ở đâu"  Tới Việt Báo chưa"

- Em ở trong đây rồi, đang nói chuyện với quí vị thân hữu đây.

- Chị tới liền một khi!

Tôi vào tới nơi, thấy một bàn dài thức ăn để dọc lối vào gallery.  Năm nay, chỗ họp mặt rộng và sáng sửa hơn năm ngoái nhiều.  Năm ngoái,  một phần ba diện tích đã phải dành cho một nhóm chụp hình làm việc.  Tôi bước vào phòng họp, thấy cô Quyên và vài ba cô khác đang dượt cho các em thiếu nhì những bản hợp ca và những màn vũ để trình diễn cho ngày mai.   Vì là buổi rehearsal, nên các em được mặc y phục giống như buổi trình diễn chính thức.  Trong cái không khí tràn đầy âm nhạc và lời ca đó, tôi đưa mắt ngó quanh và thấy có nhiều bức tranh do các em  vẽ được treo khắp ba bức tường.  Tôi không biết nhiều về hội họa, nên không dám bàn  đến tài năng của các em.  Nhưng thấy tác giả Lê Tường Vi rất thích thú và hết lời khen ngợi.  

Vì đây là buổi triển lãm và là ngày sinh hoạt của thiếu nhi nên chỉ có ít tác giả VVNM tham dự.  Tôi thấy có anh chị Trần Dạ Từ, vợ chồng Duy An, nữ tài tử Kiều Chinh, Ba Má của Anne Khánh Vân, Khánh Vân, và anh Trần Nguyên Đán.

Tất nhiên có tôi và chị tôi, cũng tên là Khánh Vân.  Tôi yêu cầu được mua trước mấy cuốn Viết Về Nước Mỹ năm nay và  tuyển tập Cay Đắng Ngọt Bùi, nhưng "ông từ" và cô Quyên khăng khắng chối , hẹn đến ngày mai mới...bán mở hàng. 

Tôi rất thích thú được tiếp chuyện thân mật với ba má của Anne Khánh Vân và mục sư Trần Nguyên Đán.  Ông Đán bảo tôi, "coi bộ Huyền Thoại nổi tiếng hơn...Thịnh Hương".   Gay go quá. 

Trước khi ra về, tôi hỏi An:

- Cậu có biết năm nay ai đoạt giải quán quân chưa"

- Biết rồi bà chị ơi!  Nhưng mà bí mật quân sự, phải giữ kín.

Lại bí với rợ.  Chán chết.  Song tôi cũng đoán được người ấy là ai!

Năm ngoái, tôi đoán trúng.  Để xem năm nay, bà bói còn nói trúng hay không.

Ở  toà soạn vài tiếng, tôi chia tay mọi người, hẹn ngày mai tái ngộ, rồi cùng bà chị đến nhà một người đồng hương ăn cơm ké!  Người đồng hương sang sau đến muộn mà giờ đây thành công lớn trên thương trường.  Bà thầy bói nói tôi không có giang buôn bán, đừng mơ làm chủ kẻo có ngày banh rấp xì.  Nên tôi chỉ an phận đi làm lãnh lương.  Sướng chán. 

Hai giờ chiều chúa nhật, 26 tháng tám, tôi lấy xe của bà chị, tự lái tời tòa soạn.  Bàn ghế sắp xếp theo hình chữ U trước sân khấu.  Chính giữa chữ U là một bàn đầy thức ăn nhẹ và trái cây.  Năm nay, ngoài các tác giả mới như Bác Đỗ Thị  Bông, 81 tuổi,  (Thăm Xứ Đạo Amish), Chi Mai, Nguyên Quỳnh, Trần Nguyên Đán,  Anne Khánh Vân,  tôi còn được gặp lại các tác giả mà tôi được hân hạnh biết từ năm ngoái như Nguyễn Viết Tân,  Trương Ngọc Bảo Xuân, Trân Nguyên, Tường Vi,   Sapy Đi Đi, Sapy Nguyễn Văn Hường, Phạm Đình Chương.  Có một tác giả đã ...cũ với VVNM, nhưng mới với tôi, đó là Iris Đinh.  Người đồng hương . Miền Bắc California của tôi!   Năm nay, tôi mới được biết Sapy Đi Đi và Sapy Hường là...đôi uyên ương.  Vài bạn hỏi tôi:  " Chị có thấy Huế Xưa đâu không""  Tôi cũng không biết, vì năm ngoái quên không hỏi địa chỉ email của nhau.  N hưng tôi biết anh XYZ Phạm Đình Ninh  năm nay sẽ không tham dự được, vì phải đưa gia đình đi thăm mẹ già.   Cả tuần lễ sau ngày phát giải thưởng anh mới trở về. Anh báo cho tôi biết trước như vậy.  Đành hẹn các bạn sang năm, nếu vẫn được Việt Báo gởi giấy mơì. 

Buổi họp các tác giả bắt đầu!  Điều khiển chương trình cũng là nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa như năm ngoái, với sự tham gia của anh chị Trần Dạ Từ, Minh (Quyến) và chủ bút Phan Tấn Hải.  Đề tài cuộc họp cũng như năm ngoái: 1. Làm sao đẩy mạnh sức tiêu thụ của những tập Viết Về Nước Mỹ [để duy trì sự sống còn của chương trình; phát huy văn học Việt Nam ở hải ngoại]

2. Tiến đến việc ấn hành những cuốn sách này bằng tiếng Anh, phổ biến rộng rãi vào các cộng đồng bạn để phản ảnh những nguyện vọng và tâm tình của người Việt chúng ta.  [Đây là phương tiện để ta chen chân một cách tích cực hơn vào "giòng chính" (mainstream) hầu đạt được những chỗ đứng xứng đáng hơn trên quê hương thứ hai của ta].

Duy An mạnh bạo góp ý kiến:  Năm ngoái đã bàn qua rồi, mà mình cứ đứng im một chỗ!  Năm nay mình phải làm một cái gì tích cực và quyết liệt hơn!  Tôi đề nghị ta mở một cái group email để các anh chị em (ACE) được trao đổi ý kiến và yểm trợ nhau trong việc hợp tác với Việt Báo và chương trình VVNM hầu đạt hiệu quả hữu hiệu hơn. 

Ai cũng đồng ý với Duy An, và hăng hái cho địa chỉ email của mình để thành lập cái group email này ngau tức thì.  Ông Nghĩa nắm ngay đầu kẻ có tóc,  giao cho An và anh Hường làm công tác kỹ thuật.  Làm việc không lương mà hai ông ai cũng hớn hở nhận lời. 

Việc liên lạc với các tác giả thành viên được giao cho Lê Tường Vi và Iris Đinh.  Theo Tường Vi, thì ta nên "kiên nhẫn" đi vào chào hàng với các thư viện địa phương.  Các thư viện họ order sách theo dân số và sắc tộc từng địa phương, mà trong đó số người Việt ta lui tới thư viện mượn sách không là bao, cho nên họ lơ là, không mấy quan tâm đến sách của ta, dành phần lớn cái ngân khoản chính phủ cấp để đưa vào các chương trình khác.  Tường Vi đề nghị ta cứ "à la xô" đến các thư viện, hỏi họ có sách Viết Về Nước Mỹ hay không.  Hỏi hòai, hỏi mãi, cho đến khi nào họ chịu mua mới thôi!  Theo Tường Vi, nếu có nhiều người hỏi, thì thế nào họ cũng phải order.  Đẹp trai không bằng...chai mặt, là vậy!  

Về vấn đề xuất bản các tuyển tập bằng tiếng Anh, ông Nghĩa nói là các tác giả cứ dịch bài của mình, sau đó gởi cho Việt Báo.  Việt Báo sẽ có editor để sửa bài dịch của ta lại cho ngay ngắn đúng đắn trước khi cho vào máy cắt,  ủa, xin lỗi, máy in.  Tôi có một thắc mắc nhỏ, nhưng hôm đó vui quá, quên hỏi chánh chủ khảo.  Thắc mắc đó là,  ban tuyển chọn có thông báo cho biết bài nào được lựa để đưa qua Anh Ngữ  hay không"  Nếu cứ dịch túa xua, rủi bài đó không được tuyển, thì uổng công ngồi gõ... Nay đã có cái group email rồi, tôi trộm nghĩ, các tác giả sẽ có dịp cộng tác và hỗ trợ nhau trong việc dịch thuật để cho ra đời những cuốn sách  giá trị.  Chúng ta không phải là những nhà văn chuyên nghiệp, chúng ta không ganh nhau tiếng gáy, cũng chẳng màng tiếng tăm.  Chúng ta là những người viết để chia xẻ tâm tình, Cay Đắng Ngọt Bùi, trên một quê hương mà vẫn nhớ về một quê hương.  Có lần Phan tâm sự với tôi, "ông từ giữ chùa"  nói với Phan, " Chúng ta là một lũ đứng bên trời..."  Thấm thía làm sao, lứa tuổi chưa già mà không còn trẻ.

Tuyển tập Cay Đắng Ngọt Bùi mới được giao cho 90 cuốn, nên ông Nghĩa và "ông từ" chưa cho bán.  Chỉ để ...nhử thèm.  Lại còn bắt ai có mặt thì phải ký vào, để ...đem đấu giá! 

Khoảng ba giờ rưỡi, ngài chánh chủ khảo đề nghị " Let s take a break".  Chúng tôi tà tà thưởng thức cà phê, bánh ngọt và trái cây.  Tân Ngố đưa ra một chồng sách, Chuyện Miền Thôn Dã, vừa tặng vừa ...cho.  Thấy tôi đang say sưa trò chuyện cùng tác giả Nguyễn Lê (Tôi làm chủ diner), Tân hỏi:

-  Thế nào, Huyền Thoại có muốn sách của tôi không thì bảo!

Tôi vội vàng đáp:

- Muốn chứ, phải ký vào đàng hoàng đó nha.

[Tân viết tếu đến độ cả nhà tôi đọc mà cứ cười như bị ai thọc lét.  Vui không chịu được].

Tôi xin viết vài giòng về tác giả Nguyễn Lê.  Tôi thường không dễ tin, ít khi nào chịu tâm sự dài giòng với những người vừa quen.  N hưng anh Nguyễn Lê có một phong thái khác người, gương mặt đôn hậu, giọng nói chậm rãi, rõ ràng.  Tự nhiên tôi ...tin cẩn anh,  ruột gan phèo phổi đem ra khoe hết.  Chẳng hiểu ổng có ...mang bùa nói hay có thuật thôi miên hay không"  Hì hì...

Chưa nói hết chuyện với anh Lê, nhìn quanh ...chẳng còn ai!  Tôi hỏi Duy An:

- Ủa, mọi người kéo nhau đi đâu hết rồi, An"

- Giời ơi, họ đi về hết rồi!  Bà chị có về hay không"

Tôi vội vàng chia tay, chạy thẳng ra xe, về đón bà chị và cô bạn tới nhà hàng Sea Food World trên đường Brookhurst.  Trước khi về, tôi hỏi ông từ:

- Sao ông cứ tổ chức vào chiều chúa nhật vậy ông"

Ổng trả lời:

- Sức nào mà đua lại với các đám cưới mà làm vào ngày thứ bảy"  Nhà chùa còn nghèo!

Là như vậy!

Đúng năm giờ chiều, " ba bà bán lợn xề" chúng tôi đến nhà hàng.  Đã có rất nhiều người tụ tập ngoài cửa, chờ lấy bảng tên và số bàn.  Ngay chỗ đứng chờ, người ta cũng phục vụ appetizers để mọi người ...chống đói.  Tôi cũng gặp anh Nguyễn Lê và chị Hà, bà xã của anh,  ở đó.  Chị Hà trẻ và đẹp thì thôi.  Anh giới thiệu tôi với chị.  Chúng tôi chẳng hàn huyên lâu được, vì khách khứa bắt đầu tới nhiều.  Không dám choán chỗ nên chúng tôi tạm chia tay.  Anh chị bảo tôi, "Này, Huyền Thoại, nếu có đến thành phố chúng tôi ở, thì đừng ở khách sạn, đừng mướn xe nhé!  Để chúng tôi mời về nhà và chở đi chơi đây đó, đừng ngại gì cả!"

Tôi cảm động, cám ơn tấm thịnh tình của anh chị đã dành cho tôi.  Hy vọng tôi có dịp gặp lại anh chị.  Sang năm vậy.  Đến hẹn lại lên.  Đúng không bác Từ"  Cám ơn Việt Báo, vì nhờ VVNM mà chúng tôi được dịp quen biết nhau .  Đến với nhau như một buổi đoàn tụ đại gia đình.  Ấm cúng. 

Buổi lễ phát giải thưởng được khai mạc lúc sáu giờ chiều, bằng việc chào quốc kỳ của cả hai nước, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa.  Năm nay, ngoài các tác giả cũ mới và thân nhân, Việt Báo cũng mời các viên chức chính quyền địa phương như mọi năm.  Mở đầu, là việc trao giải thưởng Bé Viết Văn Việt.  Các em ca múa rất rộn ràng, phấn khởi.  Trước đây cả tháng, tôi và Duy An có yêu cầu cô Quyên cho được ngồi chung bàn, vậy mà tối nay, vợ chồng Duy An ngồi góc Đông, tôi ngồi góc Tây.  Ghét nhau đến thế thì thôi!  Nhưng bù lại, tôi được ngồi chung với Đỗ Viết Tân, tức Cánh Chuồn Chuồn, tác già bài Thế và Tôi, được giải thưởng vinh danh tác phẩm năm ngoái.    

Ông Lou Correa đi ngang bàn chúng tôi để vô nhà...xí.  Mãi trong xa.  Thấy bọn tôi nói cười vui vẻ, ông ngừng lại, lên tiếng:

- Hello,  quí vị vui không"  [Thật ra, ổng hỏi, quí vị khỏe không.  Nhưng tôi dịch vui không, vì không khỏe, thì làm sao mà tới đây tham dự như thế này được]. 

Tôi trả lời như bắp rang:

- Này, ông Lu ơi, chúng tôi vui lắm.

- Cám ơn quí vị đã đến chung vui cùng chúng tôi! 

Ơ, tôi là khách, ông cũng là khách, mà ông lại cám ơn tôi!  Thì ra người Mỹ họ lịch sự có thừa.  Cái gì họ cũng có thể cám ơn.  Lời nói không mất tiền mua, bạn nhỉ.

Tôi chòng ghẹo ông: 

- Ông Lu, chắc ông chẳng nhớ tôi đâu nhỉ"

Trong lúc ông ta lúng túng chưa biết đối xử với tôi ra sao, thì tôi tiến tới:

- Tôi biết không có cách chi mà ông nhớ tôi được.  Vì ông còn có quá nhiều người vây quanh ông.  Tôi...buồn lắm, nhưng không có trách ông đâu.   Để tôi nói cho ông nghe, năm ngoái, ông bắt tay tôi, ông đưa cho tôi ...một tờ thư và một món quà bằng gỗ.  Hình của ông và tôi, tôi phóng to lên, treo đầu giường  [Cái này là tôi "nói dối".  Nhái theo câu nói của Iris Đinh!] 

Thế là ai cũng cười.  Cười thoải mái.  Ông Lu nắm cơ hội, đi mất.

Vừa lúc đó, nữ tài tử Kiều Chinh được mới lên sân khấu để mở đầu phần trao giải thưởng Viết Về Nước Mỹ, của người lớn!  Và đây là câu chuyện về Trần Dạ Từ mà chị chia xẻ cùng mọi người:

"Dạo vừa đặt chân đến Quận Cam, gia đình ông ở tạm nhà nguoi cháu.  Gặp Kiều Chinh, ông Từ nói:

- Tôi chẳng biết làm gì ngoài nghề làm báo.  Tôi sẽ làm báo.

Kiều Chinh hỏi:

- Thế anh có bao nhiêu tiền"

- Bà Nhã có hai trăm,  Gần hai trăm...

- Anh có bao nhiêu người để làm với anh"

- Có bà Nhã, có tôi, có Hòa Bình.

- Vậy thôi sao"

- Không có sao!

- Chỗ đâu mà làm"

- Không có sao!

Và ông Từ được nhà ba o Jim Webb đặt cho biệt danh, " Mr. Không Có Sao".  Mà không cò sao thật.  Từ hai trăm đô và sáu bàn tay, ngày nay mọc lên cơ sở Việt Báo,  và trong bảy năm qua, mỗi  năm mở một giải thưởng để duy trì văn hóa của con rồng cháu tiên trên đất nước sao và sọc,   United States of America.  Giải thưởng đó gọi là Writing On America. 

Năm nay có thêm một giải thưởng mới là giải Việt Bút, dành cho những tác giả đã từng nhận giải, và càng ngày càng viết hay hơn.  Lê Tường Vi đã được cái vinh dự nhận giải mới này.  Ở đây, tôi chỉ xin nhắc lại ba giải thưởng lớn khác, đó là hai giải  Vinh Danh Tác Phẩm, được trao cho Trần Nguyên Đán và Quân Nguyễn.  Giải tối thượng, Grand Prize,  Vinh Danh Tác Giả/Tác Phẫm, được trao cho Anne Khánh Vân.  Một lần nữa, tôi lại đoán đúng.  Chắc tôi phải đi xin bằng làm thấy bói! 

Buổi tiệc chấm dứt lúc gần 10 giờ đêm.  Tôi, chị tôi và bà bạn ra về với bụng no và tâm hồn thơ thới.  Chưa gì đã mong đến mùa hè năm sau.

08/2007

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,315,331
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.