Hôm nay,  

Xin Nhận Dùm Nụ Cười

03/09/200700:00:00(Xem: 292383)

Người viết: Anne Khánh Vân
Bài số 2080-1943-647vb7010907

 Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, Anne Khánh Vân hiện sống và làm việc cho một công ty quốc tế tại miền Ðông Hoa Kỳ, trong khi vẫn tiếp tục việc học. Với 11 bài viết trong năm, - trong đó có các bài “Ánh Dương Trong Hoàng Hôn” và “Duyên Nợ với Nước Mỹ”, Khánh Vân là tác giả có nhiều độc giả nhất trong năm và là người thắng giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2007. “Duyên nợ với nước Mỹ” là bài viết về một gia đình từng được người Mỹ nhận làm con nuôi từ thời ông bà nội của tác giả, mà trải qua nhiều cơ hội trong suốt 50 năm thăng trầm, cả nhà vẫn cứ hụt mãi cái hẹn với Hoa Kỳ. Chuyện ly kỳ và cảm động nhất là bài viết của tác giả đã góp phần biến giấc mơ ấy thành sự thật. Khi được thông báo bài viết vào danh sách chung kết, tác giả đã lập tức vận động khắp nơi và chỉ trong 10 ngày đã hoàn tất mọi giấy tờ đưa được ba từ Việt Nam qua Mỹ theo thủ tục khẩn cấp. Kết quả là “Trong câu chuyện có câu chuyện khác và trong giải thưởng có giải thưởng khác là sự đoàn tụ của một gia đình trên đất Mỹ, cùng dự họp mặt với Việt Báo.” Bài viết sau đây của Khánh Vân kể lại “câu chuyện trong câu chuyện”, với lời ghi trân trọng:

  “Viết với lòng tri ân tất cả...”

 *
Anh chị em chúng tôi đứng thành hàng chờ được giới thiệu và gọi lên... Không để ý mọi người đã lên hết cho đến khi anh Nguyễn Duy An cười và nói nhỏ, "Chỉ còn hai anh em mình thôi."  Tôi quay sang nhìn anh và nhìn phía sau anh... Đúng rồi!  "Chết chưa, sao chỉ còn hai anh em mình vậy!"   Hai anh em cười và tôi hỏi, "Năm ngoái, khi anh cũng là người... cuối cùng đứng đợi như vầy... anh cảm giác ra sao"  Chắc hồi hộp nhưng vui há..."  Cứ y như là thi... Hoa Hậu.
Và cuối cùng, hai anh em... "Hoa Hậu" được gọi tên... Tiếng nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa vang từ trên sân khấu, cái gì mà “trong giải thưởng này lại có một giải thưởng khác là sự đoàn tụ của một gia đình trên đất Mỹ.” Rồi “Xin mời Anne Khánh Vân cùng cha mẹ vừa tới Hoa Kỳ hai ngày trước đây...”
Vậy là ông bà... "Hai Lúa" được mời lên sân khấu. 
Ông Hai Lúa ấp úng rồi gần như cà... lem... trông tức cười.  Ông đã phát biểu: "Từ khi mất liên lạc với cha mẹ nuôi quốc tế, trong lòng tôi luôn nung nấu ước mong một ngày nào đó được gặp lại họ, được đặt chân trên đất Mỹ... Chiến tranh, rồi tháng ngày trôi qua, tôi cứ nghĩ mình sẽ không bao giờ có dịp... Nhưng hôm nay, nhờ cô con gái nhỏ bé quý yêu của tôi, giấc mơ của tôi đã trở thành sự thật... Đứng đây rồi nhưng tôi vẫn chưa tin...  Để tôi thử nhéo mình một cái xem mình có đang trong mơ hay không..."
Chú Nguyễn Xuân Nghĩa còn hỏi, "Được giải Chung Kết như vầy rồi, cô có nghĩ mình sẽ tiếp tục viết không""
"Dạ chắc chắn là cháu sẽ viết!  Khánh Vân tương đối bận vì ban ngày đi làm, tối về có vài lớp học, nhưng luôn cố gắng dành thời gian để viết... Câu chuyện được 'ra mắt' quý bạn đọc sớm nhất sẽ là câu chuyện kể: 'Làm sao Khánh Vân mang cha mẹ sang Mỹ trong vòng 10 ngày.'  Xin mời quý vị đón đọc Việt Báo."
Chú Nghĩa nghe xong, cười và nói, "Cái cô này giỏi 'marketing' thật!"
Thật ra thì Khánh Vân không có ý... marketing đâu.  Chỉ vì câu chuyện của Khánh Vân hơi...dài dòng, nhiều chi tiết, sẽ không thể nào kể cho hết trong buổi tối ấy, nên phải...hẹn.
Và xin thưa, câu chuyện bắt đầu... 

Chỉ còn 5 tuần lễ 

Vào cuối tuần thứ 3 của tháng 7, tôi nhận được thư cô Trương Ngọc Bảo Xuân: "Cháu ơi, cháu có hay cháu được vô danh sách 12 người vào giải Chung Kết không"  Vui quá là vui.  Má của cô là bà Đỗ Thị Bông cũng được vô giải Chung Kết nữa.  Vậy thì ngày đó mấy cô cháu mình sẽ gặp nhau hen.  Cháu thì chắc đã biết mặt cô rồi, còn cô thì chưa biết mặt cháu, vậy bữa đó cháu phải nhìn cô à nhe."
Cô Xuân và tôi liên lạc thư từ qua lại đã được một thời gian.  Bài viết "32 năm người Mỹ và tôi" của cô là một trong những động lực thúc đẩy tôi viết kể chuyện mình và chính nó cũng đã giúp cô cháu tôi "kết bạn".  
Tôi trả lời thư cô Xuân: "Dạ, cháu có biết.  Việt Báo email báo tin cho cháu cách đây vài ngày.  Cháu muốn đọc thông báo chi tiết trên Việt Báo kia, nhưng chưa đọc được vì mấy tuần qua cháu ở Việt Nam.  Cháu chỉ vừa về lại Mỹ tối qua,... Ah, cháu rất thích bài viết 'Thăm Xứ Đạo Amish' của bà Đỗ Thị Bông.  Vậy là... Cô Xuân ơi, cháu chỉ mới tưởng tượng thôi đã thấy vui quá rồi... Hẹn gặp cô cuối tháng 8 này nghen."
Hôm nhận được email báo tin của Việt Báo, tôi còn ở Sài Gòn.  Ba tôi đang nằm xem ti-vi trên võng, tôi nhảy đùng lên người ba la to, "Ba ơi, con vào Chung Kết rồi ba ơi..."  Ba tôi cùng cười vui với con gái nhưng hình như nét mặt ba có vẻ hốt hoảng nhiều hơn là mừng... Tôi vừa hiểu ra lý do thì ôm bụng cười to hơn.  Ba tôi vừa thót tim vì mém chút xíu võng đứt, hai cha con có thể sẽ té nhào, chỉ có nước gãy xương sống...
Mẹ tôi bảo, "Chỉ mới vào danh sách Chung Kết mà sao vui y như đã đạt giải Chung Kết vậy."  Tôi trả lời mẹ, "Vào được Chung Kết thôi là đủ vui lắm rồi.  Má biết không, giải Viết Về Nước Mỹ có quá nhiều chuyện hay, hữu ích, cảm động... con thấy những bài viết của mình chỉ là viết để đóng góp, chia sẻ, nhằm cảm ơn, đáp lại những cái hay, cái quý mà nhiều người khác đã đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, và có khi cả mạng sống của họ, mà họ đã chẳng ngại ngùng chia sẻ...  Vì vậy mà bây giờ, đối với con, chỉ cần có dịp được gửi những cái riêng của mình đến với nhiều người đã đủ là một niềm vui rồi..."
Sau mười bảy ngày ở chơi thăm ông bà, ba mẹ, anh chị em, đến ngày tôi lại phải ra đi.  Tôi còn nhớ mẹ ngồi vừa xếp vali vừa nói đùa, "Bộ đồ này đúng là có số đi Mỹ.  Mới hôm qua còn nằm trong cửa tiệm, hôm nay đã được Mi lùn mang nó theo lên máy bay qua Mỹ...Phải chi Má cũng được cùng con qua Mỹ luôn hen, nhưng chắc chỉ qua chơi vài ba tháng rồi về chứ không ở luôn..."  
Tôi nghe mẹ nói mà lòng xót xa... Tôi chợt nhớ đến giải Chung Kết mà mình đã may mắn được chọn... Một ý nghĩ nảy ra trong đầu, "Sao mình không tìm cách cho ba mẹ sang có mặt trong buổi lễ phát thưởng đó hen.  Chắc chắn ba mẹ sẽ vui lắm."  Tôi nhìn tờ lịch treo tường rồi tính nhẫm: Hôm nay đã 21 tháng 7. Coi như chỉ còn vỏn vẹn 5 tuần là đến ngày 26 tháng 8.  Chắc chỉ có phép lạ mới có thể biến ước mơ thành hiện thực.
Tôi tiếp tục phụ mẹ xếp đồ vào vali.  Suy nghĩ miên man, mơ tưởng hết chuyện này sang chuyện nọ, nhưng chỉ giữ mọi thứ trong lòng, chẳng dám nói ra...  Đã 15 năm tôi rời khỏi Việt Nam, vậy mà ba mẹ vẫn chỉ được đi chơi lòng vòng trong nước Việt chứ chưa được một lần đi Mỹ, đi Tây như người ta... Cũng tại tôi cứ dành hết phần của họ, đi hoài, không chịu ngừng chân...  Tôi  an ủi ba mẹ, "Con vào quốc tịch rồi, sớm muộn gì ba má cũng sẽ thấy nước Mỹ ra sao... Cùng con kiên nhẫn nghen."
Trở lại Mỹ Chủ Nhật, 22 tháng 7; sáng thứ Hai, 23, đi làm lại.  Trên đoạn đường xe bus đến sở làm, cảnh Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn thấp thoáng, ba mẹ lại hiện ra trong đầu... Cái ý tưởng muốn ba mẹ có mặt trong buổi lễ phát thưởng lại đến... Bấy giờ tôi mới thật sự đi vào chi tiết, tính toán thực tế.  Chỉ còn đúng 5 tuần lễ, chắc sẽ chẳng có cách chi làm kịp.  Nhưng, nếu không thử thì sẽ không thể biết có làm được hay không!  Và thế là tôi đã quyết định thử. 

Các loại giấy tờ 

Vào sở làm, vì chưa quen lại giờ Mỹ... cái PC thì thức,... nhưng mắt tôi thì cứ lại đòi ngủ... Nhưng ngủ làm sao được mà ngủ.  Bao nhiêu là việc chồng chất từ mấy tuần vắng mặt đi chơi, rồi còn phải bắt tay vào việc tìm hiểu thủ tục giấy tờ...
Tôi lên web site của sở di trú và của Lãnh Sứ Quán (LSQ) Việt Nam đọc xem từng mục.  Có đủ các loại visa (thị thực) để vào Mỹ.  Nào là visa đi học, đi làm, đi du lịch, rồi visa cư trú... 
Cho trường hợp của ba mẹ tôi (xin visa du lịch) thì phần giấy tờ người bảo lãnh cần làm gồm có:
--  Letter to the Consulate stating that the sponsor will take care of the visitors  expenses in the US: Thư tôi viết cho LSQ cam kết sẽ chịu mọi chi phí cho ba mẹ trong thời gian họ ở Mỹ.
--  A personal letter of invitation: Thư mời ba mẹ sang Mỹ chơi với lý do hợp lý.
--  I-134, Affidavit of Support Form: Đơn bảo lãnh cho ba một cái, mẹ một cái. 
--  Statement from the employer (Employment Verification): Giấy chứng nhận hiện đang làm việc với ngày bắt đầu làm việc, chức vụ hiện tại và số lương.
--  Copies of 4 recent pay stubs:  Photocopy của 4 giấy lương mới nhất.
--  Copies of the last 3 years income tax returns: Photocopy giấy thuế của 3 năm gần nhất. 
--  Photocopy of the sponsors' passport or greencard: bản photocopy hộ chiếu hoặc thẻ xanh của người bảo lãnh. 
--  Bank statement of checking/saving accounts: Bản chi tiết hàng tháng cho những tài khoản ngân hàng hiện có. 
--  The letter from the bank giving these following details: Một lá thư của nhà ngân hàng chứng nhận những chi tiết sau:
    -  Date account opened (Ngày mở tài khoản).
    -  Total amount deposited for the past year (Tổng số tiền cho vào tài khoản trong năm qua).
    -  Present balance (Tổng số tiền hiện có).
    -  Average balance last year (Trung bình số tiền hàng tháng có trong năm qua).
Gần đây, vì khám phá ra nhiều "mánh lới", sở di trú hoặc các lãnh sứ quán muốn biết thông tin tài chính của cả những năm trước chứ không chỉ những thông tin hiện tại, nhằm chắc chắn người bảo lãnh phải thật sự có khả năng chứ không phải chỉ bắt đầu cho tiền vào ngân hàng khi có ý định bảo lãnh, khi làm xong giấy tờ thì lại rút tiền ra đi trả... nợ...

Về phần người muốn xin visa cần phải chuẩn bị những đơn từ, thông tin sau: 
--  DS-156, Nonimmigrant Visa Application: Đơn xin Thị Thực (visa) không di dân.
--  Passport: Hộ chiếu còn hiệu lực ít nhất 6 tháng sau ngày đương đơn dự kiến kết thúc chuyến đi. 
--  The socio-economic ties to Vietnam: Những ràng buộc về gia đình, xã hội, tài chính với VN như:
   -  Occupation - company, position, stability, etc.: Công ăn việc làm, chức vị xã hội...
   -  Home/land ownership:  Tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, đất đai...
   -  Additional family members still residing in Vietnam: Thành phần gia đình còn lại ở VN
--  Is there something in the family that would necessitate the applicant to return such as the care of a terminally ill family member; or any other information that would proof that they have ties to VN and would return:  Ngoài ra, trong gia đình của người muốn xin Thị Thực, có ai già yếu đau bệnh cần phải chăm sóc hoặc bất cứ lý do, sự việc nào khác bắt buộc người xin Thị Thực phải trở về VN sau chuyến viếng thăm Mỹ.
--  Do the applicant have any family members in the US"  Bên Mỹ có những ai là người thân...
Tất cả các giấy tờ trên, phải có sẵn sàng và mang theo để trình cho nhân viên LSQ khi đến hẹn được phỏng vấn. Biết được tất cả những thứ giấy tờ cần làm, tôi bắt đầu chạy như...vịt. Càng sớm càng tốt.  Phải nhận được toàn bộ hồ sơ rồi, ba mẹ tôi mới có thể đi đóng Lệ Phí Xin Thị Thực Không Di Dân (100USD không hoàn trả lại dù được visa hay không).  Ngân hàng Citibank, nơi thu lệ phí phỏng vấn cho LSQ, sẽ dựa vào ngày giờ tiếp theo sẵn có vào thời điểm người xin Visa đóng tiền để cho ngày hẹn phỏng vấn.  Ngày hẹn đôi khi sẽ vào khoảng vài tuần lễ sau hoặc ngay ngày sau đó tùy khối lượng công việc của LSQ vào thời điểm đó, hoặc tùy có ai hủy hẹn của họ nên mình được đôn lên.  Vì thế, nếu có thể, nên đăng ký phỏng vấn càng sớm càng tốt.  Điều này có nghĩa người muốn xin Visa nên có mọi thứ giấy tờ càng sớm càng tốt.  Biết là vậy rồi,... nhưng đâu dễ gì có được mọi thứ càng sớm càng tốt.  Hôm sang ngân hàng để thị thực chữ ký cho 2 mẫu đơn bảo lãnh I-134, luôn tiện xin họ lá thư chứng nhận tình trạng tài chính của tôi, tôi mới tá hỏa tam tinh - mọi chuyện không nhanh và dễ.  Tôi sẽ trở lại chuyện lá thư chứng nhận này...
Tôi viết chương trình của mình trên cuốn lịch: ngày nào phải làm gì và xong những giấy tờ nào; rồi cho mình 1 tuần, hoặc nhiều lắm là 10 ngày phải có đầy đủ giấy tờ gửi về cho ba mẹ.  
Việc đầu tiên tôi làm là chọn những giấy tờ nào có vẻ chậm có được hoặc khó làm nhất để làm trước... 
Ngoài lá thư của Việt Báo chính thức thông báo tôi được vào Chung Kết làm bằng chứng lý do mời ba mẹ sang, tôi nghĩ chắc phải kèm theo cả bài viết "Duyên Nợ Với Nước Mỹ" gửi cho LSQ.  Đọc câu chuyện đó sẽ giúp họ hiểu rõ hơn lý do vì sao tôi thiết tha mong sự có mặt của ba mẹ trong buổi lễ phát thưởng   Câu chuyện của tôi lúc ấy mới thật sự có phần kết.  Cái "duyên" gắn bó với Mỹ từ 50 năm qua của 3 đời, mới thật là duyên.  Thế là phải bắt tay vào việc dịch bài viết "Duyên Nợ Với Nước Mỹ" ra tiếng Anh...
Phải nói là những ngày này, tôi mệt gì đâu là mệt vì còn chưa quen lại giờ Mỹ mà cứ phải giương mắt lên làm bao nhiêu là việc.  Cứ đến khoảng 5 giờ chiều là tôi hết... pin.  7 giờ về đến nhà thì không còn biết trời đất gì nữa, tôi chỉ lăn đùng ra ngủ một giấc đến 3 giờ sáng mới thức dậy "ăn tối".  Rồi từ lúc đó thức làm việc cho đến giờ đi làm.  Ngày nào tôi cũng làm được nhiều việc.  Mọi thứ có vẻ rất khả quan cho đến hôm... 

Xin chứng thư ngân hàng 

Cô nhân viên ngân hàng nói một lá thư với tất cả những thông tin như Lãnh Sứ Quán yêu cầu thì cần phải đợi 5 ngày nếu muốn nhận qua fax, còn nếu muốn nhận qua đường bưu điện thì phải đợi từ 7 đến 10 ngày làm việc (không kể ngày cuối tuần) và lệ phí là 30USD cho từng tài khoản.  Giấy tờ nhận qua fax thì làm sao có giá trị như giấy tờ bản chính nhận qua bưu điện; nhưng làm sao tôi có thể đợi từ 7 đến 10 ngày.  Thế là tiêu đời rồi, ba ơi! (tôi thầm nhủ).  Tôi trình bày với cô nhân viên rằng mình cần có lá thư sớm hơn 5 ngày và nhờ cô yêu cầu bộ phận làm thư hãy làm gấp gấp hộ... 
Sau 4 ngày chưa nhận được thư, tôi nóng ruột và trở sang ngân hàng.  Tôi xin gặp người Manager ngân hàng chi nhánh ấy và đưa cho cô ta xem một lá thư mà chính ngân hàng đã viết cho tôi cách đó vài năm.  Theo đó, mọi thứ đã rất nhanh chóng và đơn giản.  Khách hàng cần gì, họ chỉ vào hệ thống của ngân hàng xem các con số liên quan đến tài khoản và viết ngay lá thư.  Tôi hỏi cô vì sao bây giờ phải đợi lâu như thế.  Tôi nói với cô quản lý:  "Chị ơi, nếu tôi có nhiều thời gian đợi và nếu ngân hàng viết dùm tôi lá thư 'free' không hề tốn lệ phí thì có phải đợi 1 tháng chắc tôi cũng ráng mà đợi chứ không than van gì cả; nhưng trường hợp của tôi, tôi chỉ có 5 ngày thôi, và tôi cũng đã phải trả 50USD; đợi những 10 ngày, chị có thấy hơi quá lâu và vô lý không.  Chị làm ơn liên lạc với bộ phận chuyên viết thư chứng nhận và khéo léo nhờ họ làm nhanh nhanh dùm tôi đi... Hơn 1 giờ đồng hồ ngồi đợi ở đây, tôi quan sát thấy chị làm việc rất tận tình, khách hàng nào cũng muốn gặp chị, chắc hẳn chị phải giỏi lắm, tôi tin chị sẽ có thể giúp tôi." -  Thế là chị ấy tươi cười, chắc không biết phải từ chối hay hẹn tôi làm sao nên chị ấy bắt đầu giải thích.  Trước đây, những loại thư chứng nhận có tính cách viết cho các cơ quan di trú như vậy, khách hàng chỉ cần đợi 15 phút là có, nhưng vì xảy ra một vài vụ không "rõ ràng", "sáng sủa" các con số trên thư không chính xác... nên ngân hàng bị sở di trú và một vài lãnh sứ quán kiện - tốn mất mấy triệu, vì vậy mà sau đó ngân hàng đã ký hợp đồng với một cơ quan để chuyên viết những loại thư này.  Cơ quan ấy sẽ vào được hệ thống của ngân hàng để xem tất cả mọi con số - những nơi mà kể cả người quản lý ngân hàng bây giờ cũng không vào được vì lý do bảo đảm "privacy" cho khách hàng; và nếu có vấn đề sai lệch hay giả mạo, chính cơ quan ấy sẽ chịu mọi trách nhiệm.  Cơ quan này không thuộc quyền điều khiển của ngân hàng nên phải chấp nhận thời hạn họ quy định... "Ah, thì ra là vậy.  Cảm ơn chị đã giải thích mọi chuyện cho tôi biết.  Bây giờ chị cứ thử liên lạc với họ xem.  Dẩu gì thì chị cũng là một người quản lý.  Vị trí của chị sẽ dễ dàng nhờ làm gấp hơn các nhân viên của chị..." - Chắc nhờ hôm ấy cái mặt của tôi... dễ thương, chị ta đã "ngoan ngoãn" gọi phone đi, nói chuyện một lúc và chiều ngày hôm sau tôi đã có lá thư được chuyển trong nội bộ ngân hàng và tôi đã ghé sang lấy sau giờ làm việc... 
Sở dỉ tôi đã hơi "dài dòng" ở chi tiết này là để quý bạn chú ý.  Thật tình thì tôi có hơi ỉ y, cứ tưởng đến ngân hàng là sẽ có thư ngay (như trước đó), nên mãi mấy ngày sau khi bắt đầu lo giấy tờ tôi mới sang ngân hàng, ngờ đâu ngân hàng đổi cách làm việc.  Lần sau mà có phải cần một lá thư tương tự, tôi sẽ làm nó trước tiên... Nói tóm lại, để có lá thư và tất cả các bank statements, tôi đã phải lui tới ngân hàng 5 lần 7 lượt và ngồi đợi ở đấy hàng giờ.  Đối diện với thực tế khó khăn như thế cho chỉ một tờ giấy, tôi mới cân nhắc nhiều hơn về dự định mang ba mẹ sang.  Tôi vẫn chưa dám báo cho ba mẹ biết ý định của mình. 

Nhờ các vị dân cử can thiệp 

Ngày ngày trôi qua và tôi cứ phập phòng... Mình có gom được đủ giấy tờ sớm mà ba mẹ không được phỏng vấn sớm hoặc vì một lý do nào đó họ bị chối từ không cho visa thì... công dã tràng... "Mình cần phải làm gì hơn nữa" Chắc chỉ những viên chức quyền hạn lớn mới có thể can thiệp vào công việc của các LSQ."


Trên tàu điện, trong những hình quảng cáo, có hình Thượng Nghị Sĩ Jim Webb đang phát biểu... Ông ta như đang nói gì đó với tôi.  Đúng rồi, hãy viết thư cho ông ta và nhờ ông ấy giúp.  Mình có từng đọc qua vài bài viết kể về ông Webb.  Ông ta có người vợ Việt Nam nổi tiếng là bà Hồng Lê, có nhiều liên hệ với cộng đồng Việt. Nhiều người Việt và chính tôi cũng đã vận động bỏ phiếu cho ông.  Nhưng các ngài Thượng Nghị Sĩ như ông Jim Webb thường bận rộn lắm; hơn nữa, chức vị của họ quá cao, không biết họ có nhìn xuống thấp,  dành thời gian cho những trường hợp có tính cách cá nhân và nhất là khi người nhờ họ chỉ là một công dân thật bình thường không,  tôi tự hỏi.  Congressman/congresswoman có lẽ gần gũi với dân hơn; phần trăm họ đồng ý giúp chắc sẽ cao hơn.  Tiếng Việt mình hình như Congressman/congresswoman được dịch là "Dân Biểu".  Tại sao lại là... dân.. biểu"  Có phải "dân biểu gì thì họ làm nấy""... Chắc là không.  Dân biểu bậy... làm sao mà làm.   Tôi nghĩ lung tung nhưng rồi tự nhắc nhớ mình, "Phải lạc quan, tin tưởng.  Chưa ra trận đừng e ngại thua... Cứ thử!"... 
Và tôi quyết định thử liên lạc với bà dân biểu Lorreta Sanchez, ông dân biểu Jim Moran, và ngài thượng nghị sĩ Jim Webb.  Liên lạc với cả 3 vị để phòng xa lỡ trục trặc gì đó không liên lạc được với người này, hoặc người này không làm được thì còn người kia.
Cùng với thư Việt Báo chính thức thông báo tôi được vào Chung Kết; bài viết "Duyên Nợ Với Nước Mỹ" bằng tiếng Anh (Destiny With America); tôi thảo thư và gửi cho 3 vị, ngày 31 tháng 7.  Ngay ngày hôm sau, tôi nhận được thư trả lời của 3 văn phòng.  Mọi người đều nhiệt tình và hứa giúp.  Xin trích đọan lá thư văn phòng ông Jim Moran đã viết gửi tôi:
"We received your recent letter regarding your parent's non-immigrant visa applications.  We will forward a letter to the consulate on your behalf; however, in order to do so, your parents will first need to have an appointment date, which will be included in our letter.  Additionally, we will need your parents full names as well as either their dates of birth or their passport numbers.
Once you have all of that information, please let me know and we will be happy to send our letter to the consulate." 
Vậy là nhiều hy vọng rồi.  Đến lúc này tôi mới báo tin về cho ba mẹ biết.  
Đúng như dự tính, 10 ngày sau tôi đã xong hết mọi giấy tờ. Tất cả các giấy tờ bản chính tôi đều có 2 bản, gửi về VN 1 bản, giữ lại bên này 1 bản, phòng trường hợp thư bị thất lạc.   

Xin hẹn phỏng vấn 

Thứ 4, 1 tháng 8, tôi gọi phone về nhà báo, "Con đã gửi giấy tờ đi theo chuyến bay rời Mỹ sáng sớm mai, thứ 5.  36 giờ sau sẽ có người gọi phone báo ba má ra sân bay nhận.  Con đã để tên và số phone tất cả mọi người trong nhà mình để lỡ người này vắng nhà thì người kia có thể đi nhận giấy tờ.  Oh, và con quên nói cái này.  Vừa rồi, con có xem chỉ tay của ba.  Con có thấy xuất hiện đường du lịch trên tay ba rồi.  Nghĩ thấy cũng đúng.  Ba đã bắt đầu đi du lịch... xa bằng chuyến đi thăm... "lăng bác" ngoài Hà Nội vừa rồi... Tin rằng chuyến đi sắp tới ba sẽ được thăm... bạn “đế quốc” của "bác" Tổng thống Bush... (hihi)
Trước khi gửi tất cả các giấy tờ, tôi có scan lại mọi thứ và email về nhà, cùng một lá thư liệt kê những thứ đã gửi và giải thích chi tiết cặn kẽ những bước cần làm.
Tôi cũng có dặn ba mẹ bắt đầu đi tìm hỏi vé máy bay, vì nếu chờ có visa rồi mới bắt đầu đi tìm vé thì chắc chắn sẽ không kịp, nhất là đang còn mùa nghỉ hè.   "Được cấp visa mà không tìm được vé bay mới là đau à nha..."  Tôi nói ba mẹ cứ chọn đại chuyến bay nào sang tới Mỹ một vài ngày trước ngày 26 tháng 8.  Có chỗ thì đặt cọc ngay.  Khi được visa sẽ trả tiền và lấy vé liền.
Bên này tôi cũng phone đi khắp các tiểu bang tìm mua vé nhưng chẳng có chỗ nào còn vé.  Các nơi đều trả lời giống nhau rằng phải sau 5 tháng 9 mới có chỗ.  Ba mẹ tôi cũng hỏi hết các văn phòng bán vé ở Saigon nhưng cũng chẳng có gì khả quan.  Ôi chao, vậy là thấy... tía rồi!  Nhưng cuối cùng cũng may.  Vài ngày sau, một người bạn đã cho tôi số điện thoại của một văn phòng bán sỉ vé máy bay tại Saigon và họ có đúng 2 vé bay trước ngày 26 tháng 8 nhờ có 2 người vừa đổi chuyến bay.  
Thế là an tâm cho chuyện vé.  Hú hồn!
Tối thứ 7, ngày 4 tháng 8 giờ VN, ba mẹ tôi nhận đủ hồ sơ.  
Sáng thứ 2, ngày 6 tháng 8, ba mẹ tôi ra Citibank trên đường Nguyễn Huệ, để đóng lệ phí và lấy hẹn.  Tin báo sang, "Mi lùn ơi, ba má đã đi đóng tiền rồi, có hẹn phỏng vấn luôn rồi nhưng mãi đến ngày 24 tháng 8..." Chết mồ! Kiểu này thì rõ ràng ba vẫn còn... vô duyên rồi ba ơi!  26 tháng 8 phải có mặt mà 24 tháng 8 mới được phỏng vấn.  Có được cho visa cũng không cách nào qua kịp.
Đúng như tôi đã nghi trước... thế nào ngày hẹn phỏng vấn cũng xa.  Thật sự thì cũng không xa gì mấy.  Có nhiều người hẹn của họ cả một tháng sau; ba mẹ tôi được hẹn 2 tuần sau đó thì cũng đâu có lâu.  Nếu không phải qua gấp thì được một cái hẹn như vậy chắc ai cũng mừng quýnh... nhưng tôi thì không mừng chút nào mà chỉ quýnh.  Mấy ngày qua cứ xôn xao, nôn nao... và đến bữa nay thật tình là quýnh quáng... 
"Không sao! Được rồi, cứ bình tỉnh, để con sẽ tính..."  -  Trấn an ba mẹ nhưng trong bụng tôi như đang đánh... lô tô...
Người đại diện của bà Sanchez, ông Moran và ông Webb đã dặn tôi khi nào ba mẹ có hẹn phỏng vấn thì báo cho họ biết để họ gửi thư về LSQ.  Họ không muốn gửi thư về trước quá sớm mà lá thư sẽ bị quên vì hàng ngày LSQ phải phỏng vấn và xem qua hồ sơ của rất nhiều người... Thế là tôi lại cấp tốc liên lạc với những người đại diện của 3 vị - chị Diệp Nguyễn, ông Peter Hearding và anh Tùy Lê - và họ bắt đầu "ra quân".
Ngay sau khi có hẹn phỏng vấn, ba mẹ tôi đã fax cho LSQ mẫu đơn xin phỏng vấn khẩn mà tôi đã điền sẵn mọi thứ.  Nếu đương đơn phải vào Hoa Kỳ trước ngày được hẹn phỏng vấn, đương đơn có thể yêu cầu xin phỏng vấn khẩn.  Đương đơn phải hoàn tất mẫu đơn "Yêu Cầu Phỏng Vấn Khẩn" và fax đến cho LSQ kèm với bản copy phiếu hẹn mà Citibank đã cho.  Để công bằng cho tất cả đương đơn, mỗi đương đơn chỉ được phỏng vấn khẩn một lần cho một chuyến đi.
Anh Tùy gọi phone cho tôi ngay ngày hôm sau, thứ 3, 7 tháng 8: "Anh và các nhân viên văn phòng TNS Jim Webb đã thảo xong lá thư và thư đã được gửi về LSQ."
Chị Diệp cũng cùng lúc email báo tin đã gửi email về LSQ Saigon.
Dỉ nhiên là tôi mừng vui hết lớn và chỉ tin tưởng chứ không còn lo lắng chi nữa.
Một vài ngày sau, khi ba mẹ tôi liên lạc lại với LSQ về tờ đơn xin phỏng vấn khẩn đã fax cho LSQ hôm đầu tuần, thì được trả lời, "Hồ sơ này đã được xem qua, khi nào muốn đến phỏng vấn cũng được."  Và ba mẹ tôi đã trở lại LSQ ngay ngày hôm sau, tức thứ sáu, ngày 10 tháng 8, nhưng thứ sáu ấy LSQ đột xuất nghỉ vì một buổi họp và ra mắt Lãnh Sứ Quán mới.  Ba mẹ tôi báo tin, "Thứ 2 mới trở lại được."
Ôi chao, sao làm con rụng tim hoài vậy! Tôi than thầm và nói "Ba ơi, kiên nhẫn nghen ba.  Nôn ruột không ba"  Ba đã chờ được 50 năm qua, chỉ còn một vài tuần thôi hà, kiên nhẫn nghen..."
Tối Chủ Nhật giờ Mỹ, tức sáng thứ 2, 13 tháng 8 bên VN, tôi ráng chờ tin đến 12 giờ khuya, nhưng chờ hoài không thấy... Hai đứa em tôi nói, "Vẫn chưa thấy ba má gọi về báo tin... Tụi em không dám phone cho ba má sợ đang lúc phỏng vấn.  Chắc chắn sẽ được mà, thôi chị Mi đi ngủ đi..."
Thế là tôi đi ngủ và 2 giờ sáng tự động giựt mình dậy... Tin báo sang: "YES YES YES, được rồi, được rồi..."  Và ngay sau đó, tin vui được báo đi khắp nơi: "Các cô chú bác anh chị ơi, ước mơ gần hoàn tất, ba mẹ cháu sắp được đặt chân lên đất Mỹ!"
Viết mail báo tin vui khắp nơi xong, tôi vẫn không thể ngủ.  Tôi nghĩ đủ thứ chuyện. Đây là phút bà nội tôi, ba tôi, rồi chúng tôi đã chờ. 50 năm, ba thế hệ. Tôi nhớ bà nội hơn bao giờ. "Nội ơi, Nội có vui với con"... và tôi đã nói thầm, "mình phải viết kể lại câu chuyện dài dòng 'tiền hung hậu kiết' này mới được... "  Thế là bắt đầu gõ keyboard và không thể ngủ nữa. 

Hai Lúa Tới Mỹ 

Đã có visa và vé máy bay, ba mẹ tôi vẫn còn chưa tin... chỉ còn vài ngày nữa sẽ... đi Mỹ.
Họ nói, "Mọi chuyện cứ rụp rụp rụp...  Mới bữa hôm mở mắt ra: 'Ba má ơi chuẩn bị nhận giấy tờ con gửi về;'... Vài bữa sau, cũng vừa mở mắt ra: 'Ba má ơi chuẩn bị đi phỏng vấn,...'  Rồi bữa nay chưa kịp mở mắt đã nghe: 'Mua vé máy bay mau lên,... Đi Mỹ...'"
Nghĩ cũng ngộ, ròng rã 3 thế hệ qua, từ khi bà nội tôi còn xuân thời, rồi bà từ giã chúng tôi ra đi, thế hệ thứ 3 của chúng tôi cũng đã bắt đầu... già...  Chưa... "tới số" thì sẽ vẫn là "chưa tới số"... Có cố làm gì cũng chẳng được; nhưng khi đã "tới số" rồi, đúng giờ, đúng phút rồi, thì sự việc sẽ đưa đẩy và diển ra rụp rụp rụp...
Mọi chuyện thật sự cũng ngoài sức tưởng tượng của tôi nên ba mẹ tôi vẫn còn như vừa "từ trời rơi xuống".
Câu chuyện của tôi kể lại thì thấy dài dòng, nhưng mọi thứ diển ra cứ như là phóng hỏa tiển, vèo vèo vèo không kịp thấy thời gian.  Tôi chuẩn bị mọi thứ giấy tờ trong vòng 10 ngày.  Ba mẹ tôi chỉ có 1 tuần để chuẩn bị đi Mỹ.  Họ được phỏng vấn ngày 13 tháng 8, ngày 21 tháng 8 lên máy... 
Tôi nhớ các anh các chị ở Việt Báo đã hết lòng phụ giúp, thăm hỏi. "Ngày 13 đâu có xui há chị Lệ, chị Quyên, chị Hoà Bình, anh Chấn... (hihi)"
2 giờ sáng thứ tư - giờ miền  Đông, tức 11 giờ tối thứ 3 - giờ miền Tây, bên kia phone tiếng nói thật lớn, "Mi lùn ơi, ông bà 'Hai Lúa' đã đến Mỹ rồi... hihihi."  
Tôi cười nói họ, "Còn không mau viết kể chuyện 'Hai Lúa đến Mỹ'... Chỉ nghe tựa đề đã thấy hấp dẫn... Chắc khúc hấp dẫn nhất sẽ là khúc ông bà Hai Lúa đi lạc... Hai lúa mà không đi lạc mới là chuyện lạ... hihihi."
Song tôi lại hỏi mẹ, "Sao má lại nói má là Hai Lúa"  Ba má là dân Saigon mà."  -  Mẹ tôi trả lời, "Vậy nếu người miền quê lên Saigon gọi là Hai Lúa thì ba má từ Saigon qua Mỹ, không phải chỉ Hai Lúa mà là Bảy Tám Lúa..."
Khi phi cơ đến Los Angeles và chuẩn bị đáp, nhìn thấy hàng nghìn ánh đèn... rồi ngày hôm sau 22 tháng 8, 2007, trên đoạn đường đi thăm Hollywood, nhìn thấy hoa dại mọc ven đường... mẹ tôi đã cảm hứng và có bài thơ "Hai Lúa Tới Mỹ": 

Rực sáng muôn ngàn triệu ánh sao
Thực rồi mà vẫn tưởng chiêm bao
Làm sao tin được mình đang  bước
Từng bước như đang lạc cõi nào
 
Hoa dại ven đường chắc ngẩn ngơ
Lúa tôi thầm hỏi thực hay mơ
Bao năm khăn gói rồi quanh quẩn
Một phút này thôi đã tới bờ
. . . 

 Sáng hôm sau, tôi gọi phone sang Cali hỏi thăm ba mẹ đã tin mình đến Mỹ chưa...  Mẹ tôi dí dỏm trả lời, "Dỉ nhiên là đã tin rồi vì tối qua má nằm mơ thấy Tổng Thống Bush mời ba má đến dùng cơm trưa...hihi" 

Thư cám ơn 

Người giúp phải cám ơn kẻ nhờ vả. Đúng là khó tin mà có thật. Hai ngày sau khi báo tin vui, chưa kịp viết nổi lá thư tri ân những người giúp mình, thì chính tôi lại nhận được thư cảm ơn của những người đã giúp.  Xin trích đoạn thư của Senator Jim Webb viết gửi Khánh Vân: 

"Thank you for your recent letter advising me of the prestigious writing award you have won from the American Vietnamese newspaper, VietBao, and requesting my assistance regarding your efforts to bring your parents to the United States for the awards banquet.
Congratulations on your achievement.  I certainly understand your excitement.  My assistant, Mr. Tuy Le advised me this morning that he had received a call from you advising us that your parents visa was approved today.  I know that you are pleased that your parents will be able to attend the award banquet on the 26the of August, and I am sure our parents are very proud of you.
Again, thank your for writing.  As our Senator, I hope that you will contact me anytime you feel that I may be of assistance to you.
With warm regards, I remain..." 

Kể về lá thư cho ba mẹ tôi nghe, họ nói, "Đúng là xứ Mỹ có nhiều cái... hay, cái lạ... Không đi đây đi kia, cứ ở hoài một chỗ, dù mình có giàu bạc tỷ, cứ tưởng như thế là giàu lắm; đất nước mình dù có phát triển, cứ tưởng như thế là phát triển lắm... Đến nước người mới thấy Việt Nam mình quá chậm chạp, kém cỏi, nhỏ bé... Biết đến bao giờ..."
Trên đây là phần viết trước tại  Washington D.C. Sau đó bài viết phải tạm ngừng để theo Khánh Vân lên máy bay sang Cali.  Bên bờ Tây của nước Mỹ, Ba mẹ đang đợi... 

Niềm Vui Trọn Vẹn 

Và bây giờ, sau họp mặt lãnh giải thưởng, viết tiếp. Phải kể gì đây về "Niềm Vui Trọn Vẹn".  Xin được bắt đầu bằng nhắc lại lời cảm ơn đã nói buổi tối 26 tháng 8, 2007... "
Trước hết, KV xin được cảm ơn Việt Báo và tất cả các tác giả đã tham dự giải thưởng Việt Báo. Chính nhờ các bài viết về nước Mỹ là động lực thúc đẩy KV đặt bút viết bài viết đầu tiên gửi tới để chia sẻ.
Xin phép cho KV xin được cảm ơn bà nội, cảm ơn ba mẹ; Chính nhờ câu chuyện bắt đầu từ bà nội, từ ba, mà con đã có được bài viết duyên nợ với nước Mỹ.
KV cũng xin cảm ơn những ân nhân đã giúp đỡ KV trong việc mang ba mẹ sang kịp dự lễ: đó là bà dân biểu Sanchez, chị Diệp Nguyễn, chị Lilly Nguyễn; cảm ơn ông dân biểu Jim Moran, đại diện của ông: ông Peter Hearding; cảm ơn thượng nghị sĩ Jim Webb, các phụ tá của ông, và đặc biệt là anh Tùy.” 
Xin thêm một chi tiết là tất cả những người đã tận tình giúp đỡ KV, từ đại gia đình Việt Báo, chú Từ, cô Nhã, chị Hòa Bình, chị Quyên, tới bà dân biểu Sanchez, chị Diệp, chị Lilly;  ông Thượng Nghị sĩ Jim Webb, anh Tùy... KV chưa một lần được gặp mặt họ. Mãi tới buổi họp mặt Viết Về Nước Mỹ ngày 26 tháng 8 vừa rồi mới là lần đầu tiên KV được biết mặt mọi người; KV chỉ liên lạc với họ bằng email, thư tín, vậy mà họ đã rất thân tình và nhiệt tình... Mọi người rất quý mến nhau như cô chú bác anh chị em trong gia đình... Thế mới biết Viết Về Nước Mỹ lợi hại ra sao...
Nhân đây, KV cũng xin được cảm ơn anh M, một người bạn cũng từ xa đến Cali, đã dành thời gian cho ba mẹ KV trong những ngày KV chưa qua được Cali để đón ba mẹ và đưa ba mẹ KV đi đây, đi đó...  

KV và ba mẹ lên máy bay bay về Virginia trưa thứ 2, 27 tháng 8.
Liên tiếp những ngày sau khi về đến nhà, KV nhận được email và phone hỏi thăm của những người bạn lâu ngày nhưng... chỉ mới lần đầu tiên gặp mặt trong buổi lễ phát thưởng.
Ngày thứ 3, 28 tháng 8, KV đi làm lại, ba mẹ ở nhà ngủ nghỉ, lấy lại sức và tập quen với giờ giấc miền Đông.  Hôm sau, thứ 4, KV mời ba mẹ đi thử xe bus và metro trên đường KV đi làm.  
Đi xe bus một đoạn đường, rồi đổi sang metro; lên metro xanh rồi chuyển sang đỏ... ông bà Hai Lúa than  xây xẩm mặt mày.
"Sao cái sứ gì mà người ta toàn chạy." - Mẹ KV nói.
"Họ đâu có chạy; họ đi đó." - KV... đính chính.
"Đúng là mọi thứ đều khác hẳn Việt Nam.  Người ta lớn con, đi bước đi dài, đã vậy còn đi nhanh như chạy, có thế nước họ mới giàu, mới mạnh và đi trước thiên hạ.  Việt Nam mình đã nhỏ con, bước đi ngắn chút xíu, ấy vậy mà còn đi rề rề, làm việc chậm chạp... Nếu VN mình cứ như vậy thì chắc đi hoài cũng chẳng đi đến đâu..."   Ba tôi nói.
"Chỉ cần nhìn người tài xế xe buýt cũng đủ thấy.  Tài xế xe buýt Việt Nam chỉ làm việc lái xe.  Ngoài tài xế còn có 1 người thu tiền.  Còn tài xế Mỹ vừa làm công việc lái, vừa thu tiền, soát vé..." - Mẹ thêm vào.
Vài ngày sau tôi đưa ba mẹ đến nơi đã chờ họ từ rất lâu: Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, tòa nhà quốc hội Mỹ...
Ba tôi nói "Chắc ba mẹ nuôi của ba không còn sống.  Khi nhận ba làm con, họ đã ngoài 50 tuổi và đã 50 năm trôi qua.  Phải chi ông bà ấy vẫn còn, và mình vẫn còn giữ liên lạc, thì mình sẽ đến thăm ông bà ngay vì họ cũng ở vùng Virginia."
"Ủa, họ cũng ở Virginia sao"  Con hoàn toàn không biết điều này.  Bữa nay mới nghe ba nói."
"Ba nhớ chữ Virginia rất rõ, vì trên mỗi lá thư ba mẹ nuôi viết cho ba, nó được viết cạnh ngày tháng ở đầu thư."
"Ngộ thiệt hen.  Khi vừa đến Mỹ và đang tìm nơi để 'hạ.. cánh', con đi qua cũng nhiều tiểu bang lắm nhưng cuối cùng đã chọn ngừng chân ở Virginia... Phải chăng con đã 'linh cảm' có ‘ông bà nội nuôi’ ở gần đâu đây... Ba đã nói lời cảm ơn nước Mỹ như mong muốn chưa""
"Ba nói rồi, nói trong bụng..."
"Ủa, nói trong bụng làm sao con nghe, má nghe, bà nội nghe, ba mẹ nuôi của ba nghe"  Phải nói thành tiếng chứ... Con muốn được nghe để còn... viết kể lại cho độc giải Việt Báo đọc nữa! (hihihi)"
Ba tôi cười, bớt ấp úng... Ông nói, "Xin được cảm ơn ông bà ba mẹ nuôi đã cưu mang ba, xin cảm ơn nước Mỹ đã cưu mang con gái của ba, và xin được cảm ơn mọi cơ duyên đã cho ba má được đặt chân trên đất Mỹ.” 
Ba tôi đã nói những lời ấy trước tòa nhà Quốc Hội Mỹ. Và tôi nhớ chính mình đã bồi hồi ra sao khi nhìn toà cao ốc trắng xóa, nguy nga, phản chiếu xuống mặt nước hồ phẳng lặng. 
Đúng là “Thực rồi mà vẫn tưởng chiêm bao” như thơ bà Hai Lúa đã viết.  Cùng bước như trong mơ bên hồ, Ba tôi nói:
“Con à, nhìn mọi người xung quanh mình bây giờ, chẳng biết ai là ai,... Thôi thì mình cứ mỉm cười thật vui với tất cả vì biết đâu trong số bộ hành này có người là con cháu chắt chít của ba mẹ nuôi của ba, tức những người anh chị em cháu nuôi của mình."
Vâng thưa ba, thưa má, con đang mỉm cười thật vui với tất cả. Thưa các chú bác, cô dì,  anh chị xa gần... Thưa tất cả và thưa cả nước Mỹ, xin nhận dùm nụ cười... 



Một lần nữa xin được cảm ơn Việt Báo cùng tất cả các quý vị, độc giả cũng như tác giả Viết Về Nước Mỹ.  Chúng ta giàu có hơn mỗi giây phút đọc nhau... Mời đọc và mời viết cho nhau cùng đọc. 

Anne Khánh-Vân  

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,323,253
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.