Hôm nay,  

Người Về Từ Chiến Trường Iraq

24/08/200700:00:00(Xem: 155589)

Bài số 2072-1935-639vb6240807

*

Tác giả là cư dân San Jose và Huyền Thoại là bút hiệu mới của cô, thay thế bút hiệu Thịnh Hương, giải thưởng danh dự năm 2005. Bài viết mới của Huyền Thoại lần này là  chuyện tình thời chiến.

*

Buổi chiều tan sở Liên rủ tôi đi shopping vì ra xa lộ giờ này chỉ có nước dậm chân tại chỗ.  Tôi định nhận lời nhưng lại đổi ý, vì thật sự tôi cũng chẳng biết mình cần những gì mà đi mua sắm.  Hôm nay tôi cảm thấy bứt rứt, muốn về nhà mở email xem có thư của Tuân hay không.  Ba ngày nay không có email mà cũng chẳng có text messages của anh. Tôi quay quắt với những lo sợ âm ỉ trong lòng. Từ ngày Tuân sang Irag phục vụ với đơn vị quân y của mình tôi bỗng trở nên ngoan đạo và năng cầu nguyện hơn bao giờ.  Trước lúc lên giường đi ngủ, tôi cầu nguyện.  Sáng sớm ngủ dậy, tôi cầu nguyện.  Nhiều khi tôi cảm thấy thẹn cho mình , vì khi hạnh phúc, lúc an vui tôi đã không nghĩ đến God.  Nhưng khi hiểm nguy đe dọa thì lại sốt sắng chẳng ai bằng. 

Tôi đang chờ Tuân về để được làm cô dâu mặc áo dài đội khăn hoàng hậu.  Hạn kỳ một năm của anh đã hết nhưng anh tình nguyện ở lại đến khi có thêm y sĩ bổ sung.  Chiến trường mỗi lúc mỗi phức tạp và con số thương bình cứ tăng dần.  Khi quyết định ở lại, Tuân viết email cho tôi, bảo rằng " nếu em thấy được những gì anh thấy nới đây, anh tin chắc em sẽ thông cảm và tha thứ cho sự lỗi hẹn của anh.  Huynh đệ chi binh là điều mà anh cảm nhận một cách rất rõ ràng và sâu sắc trong những tháng vừa qua ở đây.  Nhưng xin em đừng lo, vì dầu sao anh cũng ở một nơi tương đối an toàn hơn những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài kia.  Bích ơi!  Anh muốn ở lại, muốn góp phần vào việc chữa lành các vết thưong và giảm đi những đau đớn họ đang phải gánh chịu.  Những người lính này trẻ lắm, Bích ạ!  Họ chọn con đường binh nghiệp này vì nhiều lý do, nhiều động lực khác nhau, nhưng điểm chung cũng là đem chính thân xác và mạng sống của mình phục vụ cho mảnh đất mà họ gọi là quê hương.  Họ đã chọn lựa con đường mình đi và can đảm thi hành bổn phận của họ.  Anh cũng đã chọn lựa và cám ơn em vô vàn đã không tìm cách cản ngăn anh.  Bây giờ, hơn bao giờ hết, anh mới thấy câu nói "Đằng sau một người đàn ông thành công là một người đàn bà giỏi"  không phải là một câu nói nịnh.  Mà đó là sự thật.  Cám ơn em, người chinh phụ đáng yêu của anh nói riêng, và của nước Mỹ nói chung". 

Khi Tuân bảo anh muốn gia hạn thời gian phục vụ của mình trên cái chiến trường đầy máu lửa đó, tôi biết tôi lại thua Tuân một lần nữa.  Liên thường chê tôi, bảo tôi dại dột cho Tuân cái thế "thượng phong" trong cuộc tình của chúng tôi.  Theo Liên, đáng lẽ tôi phải xử dụng sắc đẹp và học thức của mình để lèo lái Tuân, bắt Tuân phải chiều theo ý muốn của tôi.  Như phần đông những người đàn bà biết mình đẹp, biết mình có địa vị và nghề nghiệp vững vàng.  Song tôi yêu Tuân ,vì Tuân là Tuân.  Là của lòng vị tha nhân ái.  Mối tình chúng tôi kết tụ từ những ngày hai đứa còn đang  học chung một mái trường, từ thuở vừa yêu vừa đánh vật với sách vở.  Khi biết chúng tôi có ý định làm đám cưới sau khi Tuân mãn hạn thực tập, mẹ tôi nói đùa với ba:  " Vậy là nhất hai gia đình này rồi!  Đau ốm đã có bác sĩ kê toa, dược sĩ hốt thuốc.  Cây nhà lá vườn, một xu teng cũng chẳng lọt kẽ tay!"

Rối khói lửa Irag lan tràn.  Cuộc chiến đó ở xa, rất xa.  Nhưng lại rất gần.  Vì ngày nào TV và báo chí cũng làm rầm rộ, cũng đưa lên những hình ảnh kinh hoàng.  Ban đầu là một khí thế hồ hởi.  Sau đó là chê bai, bắt bẻ.  Khói lửa mịt mù bên kia thì bên này cũng um xùm khẩu chiến.  Người đàn bà mang tên Cindy Sheehan giận dữ vì cho rằng con mình đã hi sinh cho một cuộc chiến vô lý.  Chàng Pat Tillman nhập ngũ, từ bỏ không chút luyến tiếc sự nghiệp thể thao vinh quang và những bản hợp đồng béo bở để rồi chết dưới lằn đạn oan nghiệt, gây nên bao nhiêu bẽ bàng và uất ức.  Tôi chơi vơi trong những tình cảm và khái niệm mâu thuẫn, lẫn lộn.  Tôi là một người đàn bà bình thường với những ước mơ đời thường.  Tôi cũng muốn có Tuân bên tôi mỗi ngày, muốn được vuốt ve, được yêu thương.  Tôi nhớ thân thể của Tuân.  Tôi nhớ những lúc hai đứa hòa trộn trong hạnh phúc tuyệt cùng của tình yêu.  Phải chăng tôi nên nổi giận, nên dọa nạt, nên dùng áp lực tình yêu để lôi anh về với cuộc sống êm đềm của chúng tôi" 

  Hôm Tuân nói ý định nhập ngũ của mình, cả gia đình anh xôn xao chống đối.  Lúc đó cũng có sự hiện diện của tôi.  Đó là một buổi chiều thứ bảy, Tuân về nhà sau buổi thực tập trong bệnh viện.   Ông Thịnh, cha của Tuân là một đại tá di tản vì vận nước nổi trôi.  Ông trầm ngâm sau khi nghe Tuân mở lời.  Ông nhìn con bằng một ánh mắt khó hiểu.  Ánh mắt sâu thẳm, thấp thoáng nét buồn .  Đôi mày ông hơi nhíu lại.  Mẹ Tuân buông tờ báo đang đọc ngơ ngác nhìn anh một lúc trước khi trở về thực tại để buông ra câu hỏi:

- Cài gì, con đi lính"  Con nói cái gì lạ vậy"

Tuân cúi đầu không dám nhìn mẹ. 

- Con muốn trở thành một bác sĩ quân y.

Bà Thịnh quay sang nhìn chồng, rồi nhìn tôi:

- Thế này là thế nào"  Nó có điên không hả ông, hả Bích"

Tôi kín đáo thở dài, chưa dám lên tiếng.  Tôi quay mặt nhìn ra khỏang trời chiều  xanh thẫm với những vệt nắng vàng sậm đang ngả sang mầu đỏ cam .  Tôi cũng đang chấn động như bà.  Tôi biết rất rõ những gì bà đang trải qua  vì tôi cũng đã sửng sốt và chao đảo hôm Tuân bảo cho tôi biết ý định của anh.  Thấy mọi người im lặng, bà chợt cao giọng:

- Ơ kìa, sao không ai nói gì hết vậy"  Hóa đá hết cả rồi hay sao"

Quay lại Tuân, bà hạ giọng:

- Tại sao con lại đi lính"  Có ai bắt con phải đi lính đâu"  Công lao bao nhiêu năm ăn học...

Bà ngưng nói vì những xúc động đã làm bà nghẹn lời.  Vẻ mặt bà tối lại.  Ông Thịnh ôm lấy cánh tay run rẩy của vợ, nói chậm rãi:

- Mình nên bình tĩnh, để con nó giải thích.

Tuân kín đáo thở dài, ngước nhìn mẹ:

- Con xin lỗi đã đường đột và làm ba mẹ thất vọng.  Nhưng con nghĩ con đã đủ trưởng thành để  quyết định cuộc sống riêng của mình.

Bà Thịnh giận dữ:

- Phải rồi, "anh" đã lớn, đã tự lo cho mình được.  Nhưng sao anh nông cạn đến thế"  Bao nhiêu năm đèn sách, bao nhiêu tiền vay của nợ mà bây giờ anh đem đổ sông đổ biển.  Người ta chỉ mong có ngày nay để được no cơm ấm aó...

Rồi bà bật khóc.  Khi bà gọi con cái là "anh" là "chị", là những lúc bà giận và thất vọng đến tận cùng.  Tuân bối rối nhìn cha cầu cứu.  Anh hy vọng ông hiểu anh.  Ông từng ở trong quân đội.  Ông tự hào với dĩ vãng của mình mặc dù ông không chấp nhận và vui sướng gì với đọan cuối cuộc đời binh nghiệp của ông.  Những tấm hình ông trân quí, những kỷ vật ông cất giữ chứng tỏ ông thương tiếc và lưu luyến một thời đã qua của mình.  Quay sang vợ, ông vỗ nhẹ vai bà và ôn tồn:

- Mình nên bình tĩnh lại.  Con nó đi lính mà mình làm như chuyện gì ghê gớm lắm không bằng. 

Bà nhìn ông với ánh mắt đau đớn xen lẫn giận hờn:

- Với mình thì không ghê gớm, nhưng với tôi lại là chuyện động trời.  Bố con mình cứ thay nhau làm khổ tôi.  Ngày xưa mình đi lính, tôi đã đổ biết bao nhiêu nước mắt, tim tôi đã bao lần muốn ngừng đập.  Ngày nay ở đây, có ai bắt nó phải đi lính mà nó phải lăn mình vào chỗ chết"  Vậy ra nó mang cái nghiệp của mình"

Tuân đến quì dưới chân mẹ, vuốt ve đầu gối bà:

- Mẹ, con xin lỗi đã làm mẹ sợ hãi.  Nhưng mẹ ơi, sống chết là do số trời.  Con đi mấy năm rồi con lại trở về đời sống dân sự, lại hành nghề bác sĩ, lại sống cuộc sống bình thường như ý mẹ muốn.

Bà Thịnh hất tay Tuân ra khỏi nguời bà:

- Con có nghĩ kỹ chưa, Tuân"  Mẹ xem TV mỗi ngày, mẹ biết lắm.  Mẹ chán ghét chiến tranh lắm rồi.  Mẹ chỉ còn sống một ít năm nữa, con hãy để mẹ yên ổn.

Tuân im lặng một phút, như để cân nhắc lời nói rồi lên tiếng:

- Mẹ, nghề của con là làm vơi bớt nỗi đau của con người.  Những người ngoài mặt trận cần con hơn những người ở trong thành phố.  Con muốn làm một việc đáng làm, dù nhiều người sẽ nói là con ngu xuẩn, dại dột.  Có những người đang lăn mình vào chốn lửa đạn để đem lại an vui cho người khác thì con cũng muốn bù đắp một phần những mất mát, thua thiệt của họ.  Với lại, với cương vị của một y sĩ, con không phải trực tiếp đối diện với súng đạn.

Bà Thịnh ngắt lời Tuân:

- Ba con và con chỉ biết làm khổ mẹ! Chắc mẹ sẽ điên, sẽ chết mất, Tuân ạ!

Ông Thịnh nghĩ đã đến lúc mình phải lên tiếng:

- Mình à, sống chết là lẽ nhiệm mầu của trời đất.  Đâu phải ai đi lính cũng chết, cũng tàn phế"  Mình đã chẳng từng nói là con người ai cũng có số...

Bà Thịnh cắt ngang lời chồng:

- Thôi, mình đừng dùng những lời tôi nói để bắc cầu cho nó!  Tôi nói như vậy để an ủi người ta nên mình đừng hòng an ủi tôi bằng chính những lời tôi nói ra!

Ông Thịnh  vẫn ôm nhẹ vai vợ, quay sang bảo Tuân:

- Ba không có ý kiến trong việc chọn lựa của con.  Chỉ mong con không hối hận về quyết định của mình.  Những ngày ý nghĩa nhất của ba là những ngày ba nghĩ mình đang làm những việc mình phải làm và nên làm.   

Cuối cùng, Tuân vẫn giữ nguyên ý định.  Mặc dù mẹ vẫn vùng vằng.  Tôi chẳng muốn Tuân ra đi, vì tôi là một người đàn bà bình thường với những ước muốn bình thường.  Nhưng tôi yêu Tuân, và tôi thụ động với quyết định của chàng.  Dù sao, Tuân cũng thể hiện cho tôi một hình ảnh đáng yêu.  Một người sống bên ngoài thân xác mình với một tâm hồn cao hơn đời.  Tôi cũng tự trấn an mình với câu nói của mẹ Tuân và của mẹ tôi, "Sống chết là do số phận an bài".  Rồi tôi lại nhớ đến chuyện xảy ra cho ba người bạn của Tuân mới đây.  Họ cùng mgồi trên một chiếc xe.  Cùng một tai nạn.  Hai người kia chui ra khỏi xe không một vết bầm, không một trầy trụa.  Nhưng một người lại vĩnh viễn ra đi chẳng kịp nói lời từ biệt.    Tôi chỉ còn cầu mong số phận sẽ đưa Tuân về cho tôi từ cái chiến trường mịt mù gió cát và thăm thẳm xa đó.

Đang thất vọng vì vẫn chưa có email của Tuân thì điện thoại reo.  Nhìn ID caller, tôi biết mẹ Tuân gọi. 

- Con đây, thưa bác.

- Bích à, con ăn cơm chua"

- Dạ chưa.  Bác cần con chuyện gì không"

- Không, bác không cần gì cả, chỉ gọi sang hỏi xem mấy hôm nay con có tin tức gì của nó không"

 Tôi mỉm cười thú vị vì cái lối gọi âu yếm bà dành cho con trai.  Đang định trả lời thì computer chớp nhẹ và một email mới xuất hiện.  Email mà tôi đang mỏi mòn trông chờ.  Tôi vội bảo bà:

- Thưa bác, vừa có email của Tuân.  Bác cho con một phút, con xem anh ấy nói gì.

"Nàng chinh phụ yêu dấu của anh, hai hôm nay anh rất bận vì thương binh đến hơi nhiều.  Anh tiếc đã làm em lo lắng trông mong.  Song để chuộc lỗi, anh xin tặng em một món quà mà anh biết em sẽ vừa ý:  Đã có bác sĩ khác đến thay cho anh trong vài tuần nữa!  Kìa, anh thấy em đang mỉm cười mãn nguyện.  Anh yêu nụ cười rạng rỡ đó biết chừng nào.  Anh cám ơn thượng đế đã sinh ra em, đã cho anh đôi môi gợi cảm và hàm răng ngọc ngà của em.  Em biết không, anh đang tưởng tượng...Không còn bao lâu mữa, môi anh sẽ lại được mơn trớn đôi môi thơm và ngọt mềm đó.  Anh bảo thằng bạn sắp đến thay anh. " Lẹ lên, tao muốn sớm trở thành chú rể".  Nó bảo anh "Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây."  Rồi nó lại tròng thêm cái câu mà mình vẫn đùa với mấy đưá cháu con anh Vượng, " Từ từ em nào cũng có.  Nhăn nhó em có em không. "  Thằng này cũng có máu tếu trong người, hy vọng vì vậy mà những ngày nó sống ở đây sẽ bớt căng thẳng.  Nó cũng là dân Mỹ gốc Việt như mình em ạ.  Chỉ khác có một điều, là đã có vợ và một baby boy."

Không ngăn được niềm vui như nước vỡ bờ, tôi nói như reo :

- Bác ơi, Tuân sắp về .  Có người thay ảnh rồi. 

Tôi nghe tiếng thở phào bên kia đầu giây .  Rồi mẹ Tuân nói nhỏ:

- Nó còn ở bên đó ngày nào là bác còn lo ngày đó, con ạ!

Tôi cố trấn an bà, cũng như tự trấn an mình:

- Bác đừng lo.  Anh ấy đâu có phải ra ngoài mặt trận. 

Mẹ Tuân đổi giọng, tươi tắn hơn:

- Kỳ này nó về, bác sẽ bảo nó đem hai bác về thăm quê hương một lần cho bác trối già.   Bác trai cứng lòng lắm , đi bao nhiêu năm mà chưa chịu về quê một lần nào.  Tuân nó về, nếu nó nói vào, thế nào bác trai cũng xiêu lòng.  À, bác mới nấu xong món bún chả .  Con sang ăn với hai bác.  Ăn mừng nhé.

Tôi reo lên:

- Chả Đồng Xuân bác nấu thì không ai sánh kịp.  Con sang liền.  Bác cho con mấy phút.

Ngồi vào xe , tôi gài seat belt trước khi cho xe nổ máy.  Sợi giây belt đã được Tuân gắn thêm một lớp đệm cho êm khoảng bờ vai gần cổ tôi.   Có lần, trong lúc cài giây belt cho tôi anh kề miệng sát tai tôi thì thầm, "  Anh muốn làm sợi giây belt để luôn được ôm em vào sát  lòng anh."  Tôi  nhìn anh tình tứ, " Hôm nào anh chả ôm em".

Tuân giấu mặt vào cần cổ tôi, " Anh tham lắm.  Lúc nào cũng muốn ôm em".

Vậy mà hơn một năm đã trôi qua.  Tôi chợt nghe lòng rạo rực và rộn ràng nỗi mong chờ.  Tôi nhớ hơi thở, nhớ mùi thân thể của Tuân đến tái tê. 

Cuối cùng, Tuân đã trở về .  Anh về, nhưng không chạy đến ôm tôi vào lòng như tôi mường tượng.  Mà anh nằm đó, trên băng ca, giữa những chai lọ và giây nhựa lủng lẳng.  Nếu anh ra máy bay chậm mười giây...Nếu anh lìa đơn vị sớm  một ngày...Còn nhiều "nếu" và "nếu" mà tôi có thể viết mãi không ngừng.  Khi Tuân quyết định đi vào cuộc đời binh nghiệp, tôi và anh không mang một ảo tưởng.  Anh đã vẽ cho tôi biết trước những gì có thể sẽ xảy đến trong khoảng tương lai vô định của mình.  Anh đã cho tôi nghe một bài hát tiếng Việt có  những câu " Anh trở về có thể là hòm gỗ cài hoa.  Anh trở về trên chiếc băng ca, trên trực thăng sơn mầu tang giá...Anh trở về, viên đạn đồng đen, anh cho em để làm kỷ niệm. ..Anh trở về bại tướng cụt chân...Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân bên người yêu tật nguyền chai đá..." .  Khi người ta vén chiếc mền cho tôi nhìn thân thể rách nát của Tuân , tôi chới với như rớt xuống vực thẳm từ trên đỉnh núi cao.  Tại sao những vết thương kia lại có thể xảy đến cho Tuân, cho cái thân thể mà những ngón tay tôi đã từng âu yếm vuốt ve"   Một phần da thịt anh đã vĩnh viễn ỡ lại trên cái phần đất xa lạ và hung hãn đó.   Tôi không có gương soi để nhìn những biến chuyển trên dung nhan mình lúc đó, nhưng tôi biết, vì tôi đọc được trên gương mặt của người y sĩ đìều trị, khi anh ta lặng lẽ  gật đầu và nói nhỏ bên tai tôi, " Tôi xin chia xẻ niềm đau của chị.  Nhưng anh ấy sẽ bình phục .  Chúng ta cần nhẩn nại ".   Nhẫn nại, chẳng phải tôi đã từng nhẫn nại hay sao"  Và tôi phải tiếp tục cho đến bao giờ"  Trong lúc tôi còn đang quay quắt giữa những cảm xúc bềnh bồng của mình thì mẹ Tuân ngã xoài trên sàn nhà.   Ông Thịnh bất ngờ nên để vợ rơi xuống từ tay mình.  Tuân vẫn im lìm trong giấc ngủ người ta tiêm cho anh để không bị những cơn đau hành hạ.   

Những tuần lễ ủ dột rồi cũng dần trôi qua.  Từng ngày qua, mắt tôi đã quen dần  những vết thẹo trên mặt Tuân và chiếc chân chỉ còn một cục thịt ngay dưới phần xương chậu đã không còn làm tôi khiếp đảm như lần đầu.  Tôi mừng vì Tuân đã không phải nhìn thấy vẻ mặt thảng thốt của tôi hôm đó.  Tôi vào bệnh viện với anh mỗi buổi chiều, chia xẻ với anh những chuyện cỏn con hằng ngày của tôi.

Liên cũng đến thăm anh nhiều lần với tôi.  Một hôm nó hỏi , " Mày và Tuân vẫn tiến hành đám cưới"".  Tôi không giận Liên vì cái câu hỏi mang hơi hướm phản ngược.   Vì chúng tôi thân nhau đã lâu và hiểu nhau tường tận.  Mẹ Tuân cũng đã có lần thăm dò như vậy vào một hôm bà ngồi với tôi trong xe trên đường về từ bệnh viện, " Bích ạ, Tuân nó như thế, con và nó có quyết định gì hay chưa""  Tôi bảo bà, "Chúng con chưa tính gì cả.  Phải chờ anh ấy lành mạnh hẳn đã, thưa bác".  Bà sụt sùi, "  Bác sẽ không trách con nếu con..." .  Rồi bà im lặng, chắc không biết phải nói với tôi thế nào cho xuôi.  Tôi hỏi bà, " Bác nghĩ con sẽ từ hôn vì Tuân bây giờ tàn phế"".  Bà nấc lên,  khóc không thành tiếng trong tiếng thở dài kín đáo của tôi.

Tôi bảo Liên:    

- Người không muốn có đám cưới nữa là Tuân, không phải là tao.

Liên quay sang nhìn tôi dò hỏi.  Tôi kể cho nó nghe buổi chiều tôi đẩy xe lăn cho Tuân trong công viên bệnh viện.   Sau những phút tư lự, anh bảo anh muốn huỷ bỏ

hôn lễ để tôi được sống cuộc sống bình thường với một người chồng lành lặn .  Anh nghĩ anh không thể đem đến cho tôi hay bất cứ một người đàn bà nào một cuộc sống tiện nghi, dễ dàng.  Anh yêu tôi quá nhiều để ràng buộc đời tôi vào chiếc xe lăn của chồng mình. 

Tôi biết Tuân không nghĩ là tôi đang đến với anh vì tôi vẫn yêu anh.  Anh nghĩ tôi đang thương hại anh, và bản chất anh không cho phép anh nhận những tình cảm ép buộc.  Tôi bảo Tuân khi anh nhập ngũ, tôi đã chấp nhận một tương lai bất trắc.  Tôi biết những gì sẽ chờ đợi tôi với quyết định của anh.  Tôi không thương hại anh.  Nếu có chăng, thì đó là sự thương cảm.  Mà thương cảm thì khác với thương hại nhiều lắm, ít ra là trong định nghĩa của riêng tôi.   Tuân không có vẻ tin tưởng vào những lời  biện hộ của tôi.  Và tôi không trách anh.   Với anh, tôi là một người đàn bà với những ước muốn bình thường.  Nhưng tôi yêu Tuân vì cái tâm hồn rộng lớn hơn đời đó của anh.  Tôi cố gắng thuyết phục Tuân, rằng tôi không cần nhiều tiền để sống, mà tôi cần anh, cần một người cho tôi niềm tin vào sự thiện mỹ.  Mà nào phải anh hoàn toàn tàn phế"  Khối óc anh vẫn còn minh mẫn.  Anh vẫn có thể đem lại hạnh phúc cho tôi.  Khoa học ngày nay đã có thể lắp cho anh chiếc chân giả hoàn hảo.  Và họ đã đem lại khuôn mặt mà anh tưởng đã không còn toàn vẹn.  Thì tại sao tôi không thể tiếp tục đi cạnh cho đến lúc nào đời còn cho phép và trái tim chúng tôi vẫn còn rộn ràng một nhịp đập của yêu thương"  Vẫn biết đời sống là đổi thay, tình yêu không là miên viễn.  Bao nhiêu đôi vợ chồng chia ly nhau dù xác thân họ vẫn còn lành lặn nhưng tâm hồn họ đổ vỡ"   Nếu một Dana xinh đẹp và tài năng đã không lìa xa Christopher Reeves trong những năm dài chàng dán mình trên giường và di chuyển bằng  chiếc xe lăn, thì tại sao Tuân không cho phép tôi chứng minh tình yêu của tôi với anh"   Chiến tranh đã cho Tuân một cơ may để sống còn, thì tôi cũng xin anh cho tôi một nửa cơ may với tình yêu của tôi.  Sự chung thủy của tôi cũng cần một cơ may.  Đã đến lúc tôi cần chứng minh cho Tuân thấy đôi khi anh không thuyết phục được tôi một cách dễ dàng.

Chiều hôm đó Tuân đã khóc trên mái tóc tôi trong ngực anh. 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,679,638
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình". Bài mới nhất của tác giả là một du ký về Prague, trước đây là thủ đô Tiệp Khắc, nay thuộc cộng hòa Czech. Đây là nơi có khu thương mại Việt lớn nhất Âu châu.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả là một du ký kể về chuyến du lịch Thụy Sĩ trên tuyến xe điện kỳ thú có tên Bernina Express.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”, kể chuyện tác giả bay đến thăm đôi bạn Mỹ bảo trợ tại vùng vịnh Tillamook, Oregon.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ tư của ông là chuyện tình của một người... trúng số.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tại Việt Nam cô học đại học tổng hợp ngoại ngữ. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và tác giả đang làm công việc thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Mong Quynh Gibney tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến