Hôm nay,  

Buồn Vui Của Một Người Lính Già

03/08/200700:00:00(Xem: 132037)

Người viết: Lê Duy
Bài số 2059-1922-626vb6030807

Tác giả Lê Duy, cư dân Westminster, là một cựu quân nhân Q.L.V.NC.H., cấp bậc cuối cùng: Thiếu tá. Sau 30-4-75, ông  bị tù cải tạo 7 năm. Tới Mỹ theo diện H.O. Sau 10 năm đi làm,  nay đã về hưu. Trong thư gửi kèm bài viết về nước Mỹ đầu tiên, ông viết “Trong vụ tuần báo Việt Weekly, tôi cùng một số bạn đồng cảnh rất khó chịu. Thế nên tôi đã ghi lại, những điều có thật cùng ý nghĩ của tôi.” Sau đây là bài viết của ông Duy với nhiều hồi tưởng xúc động và ý nghĩa.

Mấy tuần lễ gần đây kể từ cuối tháng 5 năm 07, Little Saigon - thủ phủ của người Việt tị nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ xôn xao vì tuần báo Viet Weekly số 22 đã đăng "Bài Học Khó Thuộc" của tác giả là cán bộ tuyên truyền đảng viên Cộng Sản tên là Hà Văn Thùy.

Nội dung bài báo đề cao ông Hồ Chí Minh, mạ lị cờ vàng ba sọc đỏ và chế độ Việt Nam Cộng Hòa, biểu dương thành tích trận tấn công Tết Mậu Thân 1968 và tán dương khủng bố ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ. Nơi đâu cũng bàn tán xôn xao, từ các quán café, các chợ, tới các tư gia. Tuyệt đại đa số đồng hương phẫn nộ. Cũng có một số tỏ ra buồn phiền.

Họ buồn phiền vì e rằng nhân dân Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mất thiện cảm và coi thường những người Việt Nam tị nạn đang sống nơi đây. Họ buồn phiền vì các anh chị trẻ tuổi trong tuần báo Viet Weekly - quá khứ lúc còn tuổi nhi đồng được bình an nơi hậu phương nhỏ biết bao chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình hoặc đã mất một phần thân thể, đã đổ máu ngoài tiền tuyến. Họ muộn phiền vì các anh chị đã được Chính Phủ và nhân dân Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ nhận cho định cư và bao dung để các anh chị được an vui học hành, làm ăn. Sở dĩ các anh, chị được như vậy vì trước 30-4-1975, các anh chị là những người có thân nhân liên quan với chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Vết đau thương ngày 11 tháng 9 còn đậm sâu trong tâm tư nhân dân Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ. Nhất là hiện nay bao chiến sĩ Hoa Kỳ đang gian nguy, đã có hàng ngàn chiến binh là tử sĩ trên các chiến trường Afghanistan, Iraq v.v... để truy lung và tiêu diệt khủng bố hầu giữ an ninh cho thế giới và Hoa Kỳ. Tán dương khủng bố là điều không thể chấp nhận.

Một giờ chiều Chủ Nhật ngày 15-7-07 tôi tới hội trường số 8200 đường Westminster, CA 92683 thì đã đầy đồng hương đang ngồi, đứng trong hội trường. Rất hiếm khi hội trường đầy người trước giờ khai mạc như ngày hôm đó. Nhiều đồng hương phải đứng bên ngoài hội trường, trên bãi cỏ dưới bóng cây. Họ nghe những lời phát biểu của Ban Tổ Chức, và những ý kiến của các đồng hương phát biểu góp ý qua một loa phóng thanh được gắn trên một xe đậu ở bãi đậu xe gần các tàng cây trên bãi cỏ. Quả đúng là hàng ngàn cánh tay giơ lên! Hàng ngàn cánh tay giơ lên nhiều lần đồng loạt, thể hiện quyết tâm và đồng lòng với những góp ý thích đáng về những việc phải làm đối với tuần báo Việt Weekly. Nhiều tràng pháo tay vang rền liên tục để tán thưởng những ý kiến chính đáng hợp lý. Khí thế thật sôi động đầy nhiệt huyết của tất cả đồng hương tới tham dự buổi hội.

Kết thúc buổi hội khoảng 4g50' chiều. Tôi ghé thăm tượng đài chiến sĩ. Tôi dâng hương hành lễ. Tôi nguyện cầu hương linh chư liệt vị anh hùng Việt Mỹ đã bỏ thân vì tự do của đồng bào Việt Nam, vì tự do và an ninh của nhân dân Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ.

Hành lễ xong, tôi ghé ra hàng ghế phía bên phải tượng đài ngồi cúi đầu, miên man suy nghĩ về các chiến hữu đã bỏ thân vì kiệt sức, vì kiết lỵ, vì tự sát, vì sốt rét cấp tính, vì bị xử bắn dã man tàn bạo nơi các trại  tù tôi đã trải qua.

Anh Thiếu tá Thịnh, nước da trắng xanh, gầy yếu dáng người thấp thấp. Anh ra khỏi thùng sắt nhốt anh trước cổng trại K1 để bị dẫn lên tòa án tại ban chỉ huy của trại. Anh Thịnh bị tuyên án tử hình đã được định trước (chúng tôi đã thấy 2 quan tài bằng gỗ mỏng màu trắng để nơi ban chỉ huy của trại trước mấy ngày xử án, khi chúng tôi lên ban chỉ huy trại làm tạp dịch). Khi anh Thịnh bị tuyên án tử hình thì tức khắc hai người vệ binh lực lưỡng kè chặt 2 tay anh và một vệ binh đứng sau anh tống ngay một trái chanh vào miệng anh. Họ bịt mắt, bịt mồm, trói thúc ké hai tay anh ra sau, dẫn ra nơi xử bắn. Họ trói chặt hai tay anh vào một cọc sắt phía sau lưng anh. Một tràng AK47 phá nát ngực anh. Đầu anh gục xuống, máu anh tung tóe đỏ cả mặt đất dưới chân anh. Các anh em trong trại tù Suối Máu năm 1976 ngày đó vô cùng xót thương bạn. Họ nhìn xa xăm. Không có một ai tỏ ra hoảng hốt với nhiều loạt AK 47 bắn chếch về phía trại tù sau khi họ đã hành quyết anh Thịnh. Những đầu đạn AK47 rớt lốp cốp vào mái tole trên các căn nhà đang giam giữ các anh để khủng bố tinh thần các anh. Một trường hợp khác: Anh Thiếu tá Gia lớn tuổi lao động bị kiệt sức. Anh bị lao phổi không thuốc chữa mà dinh dưỡng hàng ngày hai bữa sáng chiều, mỗi bữa một chén khoai mì khô luộtđen xám với 2 muỗng cơm và một ít nước muối. Anh nằm bất động trên cáng, trên miệng còn vài vệt máu. Anh đã chết như thế trong phân trại B thuộc trại tù A20 Xuân Phước-Phú Khánh năm 1980.

Nhớ lại chiến trường xưa, tôi bị xúc động về những hy sinh của đồng đội đã bỏ mình trên các chiến trường mà tôi đã tham chiến. Các anh là những sĩ quan xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia, trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, Đồng Đế. Các anh là những hạ sĩ quan, binh sĩ được đào tạo từ các quân trường Đống Đa, Quang Trung, Vạn Kiếp, Hòa Cầm, Chi Lăng, Lam Sơn, Dục Mỹ. Hành quân chạm địch nơi rừng núi, đầm lầy, ruộng đồng, xóm làng, phố thị nếu người lính không can trường, kỷ luật và nhất là lý tưởng bảo vệ tự do và an bình cho đồng bào thì không thể chiến đấu được. Thật vậy, mìn, đạn, đủ loại địch quân bắn phá khủng khiếp. Đồng đội bị thương máu đầy người, đồng đội tử thương không toàn thây ngay trước mắt anh. Vậy mà các anh vẫn tiến lên theo điều quân của cấp chỉ huy lúc tấn công. Các anh vẫn giữ từng tấc đất chịu đựng hỏa lực của địch, pháo tới tấp nổ sát sạt. Nhiều hầm bị cày nát. Các anh vẫn gan lỳ bắn gục những địch quân tiến sát hàng rào phòng thủ để giữ những vị trí các anh đang phòng thủ.

Hình ảnh Trung úy Hứa - Đạo - Huy khóa 20 VBQG, Thiếu úy Huỳnh thanh Chúc khóa 23 SQTBTĐ cùng nhiều đồng đội tử thương khi xung phong tiến chiếm chiến hào địch quanh bờ ấp. Hình ảnh Hạ sĩ Nhường bị bắn bể bụng, tay trái ôm bụng, anh cắn chặt môi, tay phải bấm cò đại liên do binh nhất Huy tiếp đạn yểm trợ cho đồng đội tiến vô bờ ấp. Ầm! một phát DKZ75 bắn tan gò mối hất tung hai anh lên cao, rớt xuống đất, nằm bất động. Trận đánh này do tiểu đoàn 3/48/18BB đảm trách, dưới sự chỉ huy, điều quân của Thiếu tá Nguyễn - Xuân - Thường khóa 12 VBQG. Tôi là Trung úy đại đội trưởng đại đội 3 của tiểu đoàn. Đây là một trận đánh mà đơn vị bị thiệt hại nặng nhất trong nhiều lần chạm địch mà tôi tham chiến. Chúng tôi bất lợi khi từ ruộng lúa tiến vô, không còn đường tiến sát nào khác vì cù lao được bao quanh bởi 2/3 là dòng nước sông Đồng Nai. Địch lợi thế chiếm giữ, đào hầm hố sát từ bờ ấp. Lực lượng địch là một tiểu đoàn quân Bắc Việt tăng cường một đại đội pháo cùng mấy trung đội du kích trong vùng. Chúng tôi chỉ có một tiểu đoàn, sự yểm trợ pháo binh, không quân bị giới hạn vì quá nhiều trận đánh đang xảy ra trên nhiều chiến trường.


Đó là trận đánh giải tỏa xóm làng trên cù lao Mỹ Hòa, Mỹ Quới quận Tân Uyên - Biên Hòa vào mùa Xuân 1968. Đây cũng là một trận thắng lớn với 40 xác định, 50 vũ khí từ AK47, đến thượng liên và hàng chục đạn DKZ75 ly địch phải bỏ lại cùng hai đồng đội bộ đội bị bắt sống. Một anh là trung đội trưởng đã khai: "nếu họ không bị đánh thì khuya đơn vị của họ sẽ tấn công phi trường Biên Hòa."

Những hy sinh lớn lao của các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong các trận đánh trên khắp miền đất nước. Lấy gì để bù đắp - nếu không là tự do, an ninh của đồng bào với tâm nguyện Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm sắt son trong tim óc.

Ông Hồ với cương vị là đảng viên trung kiên của đảng Cộng Sản quốc tế, thủ phủ là Mạc Tư Khoa, Liên Bang Sô Viết. Ông đã ra lệnh đồng loạt khai hỏa cho các đơn vị V.C nơi chúng đã xâm nhập bằng lời chúc Tết của ông đúng giờ giao thừa từ đài phát thanh Hà Nội năm Mậu Thân 1968. Ông chỉ vì quyền lợi của quốc tế Cộng Sản mà đã gieo đau thương tang tóc cho đồng bào, đúng vào dịp hưu chiến tết truyền thống mà chính phía Cộng quân đã cam kết tôn trọng. Ngay tại miền Bắc có hàng vạn người vợ mất chồng, con mất cha vì hàng vạn chồng, cha họ phải chết thảm ngay sau lời chúc Tết của ông Hồ vào những giây phút thiêng liêng đón mừng năm mới của dân tộc Việt Nam năm Mậu Thân 1968.

Cuộc tàn sát tập thể tại Huế mà những nấm mộ được đào lên thấy nhiều xác người bị trói chặt với nhau bằng dây kẽm gai. Tôi nghĩ còn tàn ác hơn là lò thiêu của Đức Quốc Xã giết người Do Thái thời thế chiến thứ 2.

Đang miên man suy nghĩ, tôi nghe tiếng nói nơi tượng đài chiến sĩ. Ngẩng đầu lên, tôi nhìn thấy đôi vợ chồng trẻ khoảng 40 tuổi. Họ dâng hương và cúi đầu xá. Sau đó họ chỉ và giải thích cho con họ nghe: "ông cao lớn không đội nón là ông lính Mỹ. Ông thấp hơn đội nón là ông lính Việt Nam Cộng Hòa."

Tự nhiên tôi cảm động trước hình ảnh lễ nghĩa tri ân đó. Tôi có ý muốn làm quen. Tôi đứng sau lưng họ. Người chồng cầm hai tay bé trai cỡ 4 tuổi, người vợ cầm hai tay bé gái chừng 2 tuổi chắp tay búp sen xá ba xá. Họ quay lưng lại thấy tôi

- Ủa Chú Duy! Chú khỏe không" Chú còn nhớ tụi con không" Tụi con không gặp chú chắc cũng hơn mười năm rồi đó!

Quả là một bất ngờ. Muộn phiền ưu tư trong lòng tôi vơi bớt, thay vào là niềm vui  mừng gặp lại người quen. Tôi ngờ ngợ mà rằng:

- Có phải Bảo, Bích đó không"

- Đúng rồi, tụi con là Bảo Bích đây, trí nhớ của Chú còn tốt lắm. Hồi mới sang Mỹ năm 1992 tụi con cùng học chung lớp ESL với Chú đó. Chú còn nhớ có lần Chú xài xể con không"

Thời ấy, lớp chúng tôi học ESL già trẻ lẫn lộn. Nhà trường xếp theo lớp với kết quả điểm thi Test trước khi nhập học. Lớp chúng tôi người Việt Nam chiếm 80% còn thì là người Mễ, Đại Hàn, Ba Lan v.v.. Bảo, Bích chừng mười tám, hai mươi tuổi, trẻ trung, thon gọn. Có lần cô giáo cho lớp xếp thành từng nhóm sáu người hình tròn, nhìn nhau để tập hỏi, trả lời. Bảo hỏi cô tu sĩ đạo Thiên Chúa người Đại Hàn: "Do you have spouse"" Cô tu sĩ Đại Hàn đỏ mặt, có vẻ giận và trả lời cộc lốc: "No!". Sau đó tôi la Bảo rằng: "Sao anh lại hỏi thế với vị nữ tu sĩ"" Bảo nói: "Con thấy cô giáo đứng trước mặt con, quýnh quá, nhớ chữ nào con hỏi đại chữ đó, chứ con đâu có ý chọc cô tu sĩ Đại Hàn đó"

- Học hết lớp ESL đó anh chị làm gì"

- Tụi con học ở Golden West College. Buổi sáng tụi con bỏ báo Register phụ gia đình đóng tiền ăn, tiền nhà. Năm 95 tụi con chuyển lên Pomona cũng vừa học vừa làm, cực lắm Chú ơi. Năm 99 tụi con tốt nghiệp. Năm 2002 tụi con làm đám cưới. Tụi con có hai đứa nhóc đây này Chú.

- Cu Việt khoanh tay chào ông đi!

Cậu bé cuối đầu chào ông.

- Bé Mỹ chào ông đi!

Cô bé tóc đen mướt, da trắng hồng, hai mắt đen tròn như hai hạt nhãn. Bé nắm tay Mẹ bẽn lẽn, nhìn nhìn thật dễ thương.

- Anh Chị đặt tên hai cháu thật đẹp mà lại ý nghĩa đấy. Thêm đứa nữa, hai cháu đặt tên cháu là gì"

- Đủ rồi chú ơi, tụi con không dám thêm nữa đâu. Tụi con đi làm mà không nhờ ông bà ngoại coi dùmhai bé thì không biết làm sao đó chú.

- Anh chị phát tướng, hồng hào tốt tươi, có trai, có gái đã tốt nghiệp đại học mà lại có công việc làm tốt thì hạnh phúc quá.

- Nhờ phước đức ông bà, Trời Phật thương đó Chú. Nếu còn ở Việt Nam nhà thì nghèo mà lý lịch nghề nghiệp của Cha là "Ngụy Quân học tập cải tạo" thế thì làm sao mà tụi con vô đại học được, phải không Chú" Nhà chú ở gần đây, chú ra hóng mát phải không Chú"

- Đâu có, nhà Chú cách đây mười lăm phút lái xe. Chú mới vừa ở phòng Hội ghé tới đây để dâng hương như anh chị đấy.

- Tụi còn cũng từ phòng Hội tới đây. Ở Việt Nam mấy người trẻ tuổi như Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, Luật Sư Nguyễn Văn Đài, Luật Sư Lê thị Công Nhân, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, nhà báo Trần Khải Thanh Thủy, nếu họ muốn an hưởng đặc quyền đặc lợi thì quá dễ. Vậy mà họ can đảm chống lại cường quyền độc tài đảng trị tham nhũng để bênh vực đồng bào khốn khổ đang bị áp bức bóc lột. Họ đã phải bị tù đày, tội quá phải không Chú" Con không hiểu mấy anh chị trong tuần báo Việt Weekly nghĩ sao, muốn gì mà họ lại làm như vậy, hả Chú" Tụi con mới mua được nhà ở Hold, Pomona. Điện thoại của con số:….. Chừng nào rảnh, Chú ghé nhà tụi con chơi nha Chú. Bây giờ tụi con phải về.
Chúng tôi bắt tay nhau tạm biệt.

Nhìn hai vợ chồng Bảo - Bích dẫn hai bé ra bãi đậu xe tôi liên tưởng tới những
người đồng cảnh cùng trang lứa với họ. Tuyệt đại đa số tuổi trẻ từ Việt Nam định cư ở các nước tự do đã trở thành những công dân hữu ích cho quốc gia họ đang cư ngụ. Nhiều người đã nổi danh là khoa học gia, chuyên gia, sĩ quan, thứ trưởng giám đốc, dân biểu tiểu bang, nghị viên quận, thành phố, thị xã, học khu. Tất cả cũng như vợ chồng Bảo - Bích nhớ gốc nguồn và ơn nghĩa với những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tự do cho đồng bào Việt Nam.

Nhìn những khuôn mặt nam nữ trẻ tuổi trong sáng sanh trên các nước tự do. Họ đầy nhiệt huyết trong những buổi xuống đường đả đảo độc tài, độc đảng, đòi tự do, nhân quyền, dân chủ cho đồng bào nơi quê hương Việt Nam xa vạn dặm tôi thấy mừng.

Với cuộc tranh đấu kiên cường bất khuất của đồng bào trong nước, với nhiều gương anh hung của tuổi trẻ trong nước. Với hỗ trợ, ủng hộ nhiệt thành của tuổi trẻ và đồng bào hải ngoại. Tôi vui với hy vọng một ngày không xa đất nước tôi sẽ phú cường, đồng bào tôi sẽ thoát ách thống trị của độc tài, độc đảng để được sống tự do hạnh phúc với nhân quyền được tôn trọng như các nước tự do, dân chủ, đa nguyên trên thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,325,576
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.