Hôm nay,  

Nỗi Lòng

01/08/200700:00:00(Xem: 153724)

Người viết: Trần Huyền Chi
Bài số 2057-1920-624vb4010807

Tác giả  Trần Huyền Chi sinh năm 1959, hiện là cư dân VA Beach, nghề nghiệp: dũa nails. Bà đã góp một số bài viết đặc biệt, về các trại tị nạn của thuyền nhân Việt, với đủ thứ nỗi niềm cay đắng ở nơi từng được coi là "cổng thiên đàng" này. Tác giả cho biết bà “Viết bài này trong lúc cảm xúc nhớ đến ngày đầu tiên đến đất Mỹ.”

Ở đời có những nỗi đau mà ta càng muốn dấu kín càng cố chôn vùi thì nỗi niềm đó càng hoành hành dữ dội thêm, giống như căn bệnh ung thư đến thời kỳ cuối. Càng đè nén dấu kín, nó lại càng bộc phát dữ dội, thật sự là nỗi đau không biết tỏ cùng ai.

Bữa nay tình cờ đọc 1 bài báo có đăng bản tin: tin vui cho những người tỵ nạn còn sót lại tại Phi Luật Tân, sẽ được CANADA đồng ý nhận hết những người này. Tôi thật sự xúc động, chia vui dùm cho những người đó, đồng thời nhớ lại nỗi đau đã từ lâu gậm nát tâm hồn tôi.

Tên cúng cơm của tôi là Trần Văn Phước, không biết cái tên của cha mẹ đặt ra có ảnh hưởng đến cuộc đời của tôi như người ta thường nói không" Không biết chữ Phước đây có nghĩa là được Phước hay vô Phước. Thôi thì tùy ý sự suy nghĩ của mọi người.

Gia đình tôi có 6 chị em, trên tôi là 2 người chị, tôi là con trai lớn trong nhà. Kể từ lúc ba tôi đi học tập, tôi mới biết thế nào là bị đói, ăn không được no, mẹ tôi vơ vét những gì có thể bán được, đem tiền đó mua thức ăn gởi vào trại cho ba tôi.

Cả nhà tôi còn lại 7 mạng chỉ ăn một bữa cơm vào buổi chiều, buổi trưa thì ăn canh độn bobo, trong các quý vị có ai từng nghe hoặc thấy món canh có tên là canh đại dương bao giờ chưa" Canh đó là do chị tôi chế biến, nấu  nồi nước sôi, nêm đường muối, bột ngọt, cho 1 chút dầu ăn vào để cho dễ nuốt, thế là với nồi canh đó, cả nhà tôi chan vào bát cơm mà húp. Tôi gọi là canh đại dương, không có một cọng rau, cọng hành nào là thuốc cả. Có buổi mẹ tôi cải thiện bữa ăn bằng cách hái một trái mít non xuống, đem luộc chín xong, mẹ tôi đem kho với nước tương, cũng tương đối còn đỡ hơn là ăn cơm với cây chuối non, hễ thấy cây chuối non nào lú lên, mẹ tôi liền chặt ngang, đem vô xắt nhỏ, thế là chiều đó tụi tôi ăn cơm với chuối bào sống chấm với nước tương. Trước nhà tôi có trồng một cây, chúng tôi gọi là cây Tôma, có người còn gọi là cây Lekima, ở ngoài Bắc thì gọi trái Tôma là quả hột gà, cây hoa mà cách mạng ca ngợi người nữ anh hùng tên là Võ Thị Sáu, tôi không biết ca tụng vì thành tích gì, mà cũng chẳng cần tìm hiểu cho mệt óc, chỉ biết nhờ cây đó thuở nhỏ che chở cho chúng tôi có bóng mát để nô đùa, bây giờ thì cho chúng tôi những trái chín để ăn, đến mùa trái chín, mẹ và chị tôi liền hái tất cả xuống để dành ăn từ từ, ăn không hết thì đem ép phơi khô y như ép chuối khô vậy đó, có ngon lành gì đâu quý vị ơi, nhớ lại cảnh mỗi sáng trước khi đi ép nước mía thuê cho người ta, tôi phải ráng ăn 2 trái tôma, ép cho có sức, nước mắt tôi muốn trào ra đây nè, trời hỡi! Có thấu, thời đại văn minh này, người ta đã lên tới cung trăng, còn có cảnh đói vì thiếu ăn nữa sao" Hôm nào có điện thì đỡ, tôi chỉ có nhiệm vụ gọt vỏ mía thôi, còn hôm nào cúp điện, ôi thôi! Nhọc nhằn biết bao nhiêu, tôi phải quay nước mía bằng tay, cả tấm thân ốm như con tép khô của tôi, nằm đè lên tay quay nước mía, bụng thì đói, mắt hoa cả lên, 2 chân muốn ngã quỵ xuống, dùng hết sức tàn lực kiệt để cố gắng quay, nhìn những giọt nước mía từ từ rỉ rả chảy ra, tôi có cảm tưởng đó chính là máu thịt của tôi đang chảy ra khi đó.

Vậy mà cũng có người để ý thương nữa đó quý vị ạ!

Nhà nàng cách nhà tôi bởi 1 căn nhà của bà hàng xóm, nhà này có cánh cửa sơn màu xanh là cây, thôi thì tưởng tượng theo thơ Nguyễn Bính: Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái giậu mồng tơi xanh dờn, cho cuộc đời thơ mộng một chút. Hai đứa tôi vừa là hàng xóm, vừa học chung một trường, gia cảnh lại giống nhau, ba nàng cũng đi học tập (già rồi mà còn ham học quá, chúng tôi thường nói đùa như vậy) cải tạo như ba tôi, nên chúng tôi càng gần gủi với nhau hơn.

Tụi tôi quen nhau đã lâu, má nàng cứ bảo chờ ba nàng về sẽ tổ chức đám cưới, chờ mòn mỏi có thấy về đâu, có lẽ là do số trời định, nên cuối cùng má nàng cũng bằng lòng. Hai nhà đều nghèo, chỉ làm mâm cơm đơn sơ cúng ông bà, rồi gia đình 2 bên ngồi xuống cầm đũa, thế là xong, kể từ đêm hôm đó, nàng đã là vợ của tôi. Không áo cưới, không xe hoa, cô dâu chú rể cũng không có bạn bè, thật đúng với khẩu hiệu Ba không của nhà nước đề ra. Nhớ lại mà thương vợ tôi làm sao! Lúc đó tôi nghĩ rằng tôi sẽ yêu thương nàng suốt cuộc đời, bù đắp lại những thiệt thòi vì yêu tôi nàng đã gánh chịu. Vợ tôi đẹp lắm quý vị ạ! Chắc cũng là vì quá yêu nàng, nên tôi cho là trên thế gian không ai sánh bằng, không biết là họa hay phước đây"

Với tình cảnh bi đát đó, nhà tôi từ đây có thêm một miệng ăn nữa, mẹ tôi quyết định bán căn nhà đang ở, cả nhà tôi sẽ dọn qua chái bếp bên hông nhà mà ở, mẹ tôi thường an ủi: ăn nhiều ở bao nhiêu. Bao nhiêu tiền bán nhà, bà đổ dốc vào tôi lo cho tôi đi vượt biên, kể từ khi ba tôi đi cải tạo, tôi là người đàn ông lớn trong nhà. Giờ đây tôi phải đi tìm đường cứu nước, thoát ly ra khỏi địa ngục trần gian này. Thế là 2 vợ chồng tôi lên đường, tôi không muốn đem vợ đi theo, vì biết những gian nan không ít sẽ đến với những người vượt biển, chưa kể là gặp hải tặc Thái Lan nữa. Nhưng mẹ tôi dứt khoát, chồng đâu vợ đó, vả lại vợ tôi còn trẻ, để lại càng nguy hiểm chứ ít lợi gì, chỉ làm mồi cho mấy ông cán bộ hay tụi khu vực mà thôi. Cũng may mắn nhờ trời thương, qua bao gian khổ chúng tôi đến được trại. Đến đảo, sau khi ổn định xong, thì tôi mới biết tôi còn trãi qua 1 thử thách lớn lao nữa, đó là qua 1 cuộc thanh lọc.

Thời gian ở đảo tuy cực vì tôi không có thân nhân, chúng tôi ăn dè xẻn lương thực của Cao Ủy cấp nhưng ít ra cũng hơn ở quê nhà. Vợ tôi nhờ người đi trước chỉ dẫn người đi sau, cũng biết cải thiện bữa ăn, lấy 1 lon đậu nành đem đổi 1 miếng đậu hủ, thế là đậu hủ chiên, đậu hủ kho, đậu hủ muối xã, đậu hủ sốt cà chua, đậu hủ chưng... ăn dài dài... Còn cá mòi thì cũng được chế biến, chắc bỏ hết nước, chừa lại cá, đem chiên vàng, nêm chút bột ngọt, muối đường vào cháy khô ăn cũng y như thịt heo chà bông chứ giỡn sao. Cánh đàn ông thì hái vài cọng rau đắng trộn dấm. Xong khui lon cá mòi đổ lên trên chế biến thành món gỏi rau đắng cá mòi... Dân ở đảo kỳ cựu không ai là không biết đến món da heo rừng kho, đem 1 lon cá mòi đi ra chợ (phải đi sớm nha), 5 giờ sáng thì đổi được1kg da heo rừng, chờ đến 6g thì đã hết không còn da heo đâu, đắt hàng vậy đó. Sau khi đem da heo về, cạo hết lông, chặt nhỏ ra từng miếng, bỏ lên bếp dầu chiên cho vàng, sau đó đem kho lại với nước mắm, hầm khoảng từ 3-4 tiếng đồng hồ mới ăn được, da heo không hầm kỹ ăn không được, vì cứng và dai như quai cao su vậy đó. Lúc vừa chín đến ăn ngon lắm, cứ lấy nước da heo kho chấm rau ăn cũng đã lắm rồi. Nhớ là mỗi sáng trước khi ăn, phải hâm nồi da heo kho cho nóng mới ăn được, vì qua 1 đêm nồi da heo đã đóng mỡ một lớp dầy khoảng 1 lóng tay thôi chứ không có nhiều... Cả nhà tôi mà nghe tôi kể về ăn uống như vầy, chắc có lẽ thèm lắm, chứ không giỡn đâu. Vợ tôi mỗi ngày lo miếng ăn, còn tôi thì ôn lý lịch chờ ngày gặp phái đoàn, y như thời xưa vợ hiền tảo tần nuôi chồng ăn học, để chờ ngày lên kinh ứng thí.


Lúc ở đảo có nhiều chuyện buồn cười, lúc đó có một số tàu bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, qua cơn khủng hoảng đó, có vài người hóa điên, điên thiệt chứ không phải giả đâu, phái đoàn Mỹ thấy vậy xét theo diện nhân đạo cho họ đậu. Thế là tin đồn lan tràn ra ngoài, bây giờ thiên hạ ùn ùn giả điên, nào là xé quần xé áo, lấy kéo xỡn đầu tóc lam nham, rồi còn nhai cả lá cây, bông hoa lúc rú, lúc cười, lúc khóc hu hu, nghe phát sợ. Chỉ trong vòng 1 tuần mà bệnh viện INDO toàn là những người điên, họ còn đánh đu trên cửa sổ, y như những con khỉ sút chuồng. Đợt tiếp đó phái đoàn Mỹ lại đến, kỳ này những người thuộc diện điên bị rớt hết, người ta càng bàn tán dữ dội nữa: đúng rồi, đem mấy người điên qua Mỹ để báo đời nhà nước à, cơm gạo đâu mà nuôi mấy con mẹ điên, mấy thằng cha khùng. Thế là chỉ vài ngày sau, bệnh viện vắng tanh, còn lại mấy cái giường trống, không còn có ai điên nữa cả.

Tàu của tôi có 1 ông tên là Nguyễn Văn Của, không biết lúc đầu tàu ông khai làm sao, người ta đánh máy mất chữ a, thành ra bây giờ tên của ông là Nguyễn Văn Củ, Từ đó cả tàu gọi ông bằng thứ thay vì tên, đó là ông Hai, còn 1 ông nữa tên là Lê Văn Hai, thế là để phân biệt mọi người kêu ông hai họ Lê là ông Hai lùn (Ông cao lắm chứ có lùn đâu). Còn ông kia là ông Hai Củ, có đứa nghịch ngởm, ranh mảnh gọi lén ông là: Củ ông Hai. Ông hai Củ đi cùng vợ và 6 đứa con, ông đi lính binh nhì, không biết tại sao lúc lên thanh lọc ông lại đậu, trong khi có nhiều Thiếu Úy, Đại Úy cũng rớt như sung rụng, sau này hiểu ra thì mới biết vợ ông đem đứa con gái 18 xuân xanh hiến dâng cho PaPa Phúc.

PaPa Phúc là ai" Phái đoàn thanh lọc ở INDO có khoảng 4 hay 5 người cứu xét hồ sơ của người tỵ nạn PaPa Phúc duy nhất là người Indo biết tiếng Việt. Khi lên thanh lọc lúc nào cũng có 1 người biết tiếng Anh làm thông dịch viên cho mình. PaPa Phúc tương đối dễ chịu hơn mấy PaPa kia. Vì gặp PaPa Phúc còn có hy vọng đậu cho dù rất mong manh, chứ nếu mà gặp mấy ông kia là biết cầm giấy rớt là cái cẳng rồi. Khi biết được chuyện đó, tôi rất bất bình và coi rẻ ông Hai Củ, tại sao lại hy sinh đứa con gái để đổi miếng giấy đậu, cùng lắm thì về Việt Nam chứ làm gì dữ vậy. Có lần trong bữa ăn tối, vợ tôi nói:

- Tội nghiệp gia đình ông Hai Củ lắm anh à!

- Tội gì" Tội chưa xử hả, đem dâng con để được đi chứ tài gì, vinh hạnh gì.

- Vợ của ông Hai biết làm vậy là không đúng, chẳng khác nào bán con, nhưng theo lời của chỉ cho biết, chẳng thà hy sinh một mạng để cứu vớt cả nhà 8 mạng, qua nước thứ 3 làm lại cuộc đời mấy hồi. Thời buổi này mà, còn ai coi trọng trinh tiết nữa đâu, còn hơn để nó đi lông nhông với lũ bạn,
có ngày vác về cái bụng bầu báo đời còn khổ nữa.

Điều này thì quả là đúng, ở đảo lâu năm không người kiểm soát, lại thiếu thốn tình cảm, nên có nhiều cặp nam nữ độc thân sống với nhau như vợ chồng, số con nít ngày càng tăng. Bởi vậy có người khi đi vượt biên thì đi một mình, khi hồi hương về dắt theo 1 đứa con nhỏ, trong tàu mấy thanh niên hay chọc ghẹo mua một tặng một... Rồi ngày ấy cũng đến, ngày gặp phái đoàn thanh lọc, tôi cũng rớt cái bịch như trái mít rụng, mà lúc còn ở nhà, kể từ khi ba tôi đi cải tạo, tôi hết được nếm mùi mít chín, vì hễ thấy trái nào vừa hơi lớn một chút, thì mẹ tôi đã hái xuống đem luộc để kho ăn làm gì chờ đến ngày chín để mà ăn. Bây giờ tôi mới thật sự là hoảng hốt, không còn gì để mà hy vọng nữa, nghĩ đến hình ảnh bị xe Police INDO xúc quăng lên xe cam nhông chở ra cầu tàu để hồi hương, thì tôi đã liên tưởng đến một tương lai đen tôi đang chờ trước mắt. Tôi đang nộp đơn khiếu nại, nộp thì cho có thôi, chứ không mong gì mà đậu nữa, dễ gì mà đậu, đợt đầu đã khó thì đợt khiếu nại còn khó hơn nữa. Mỗi ngày nhìn thấy người trong tàu lần lượt ra đi, người đi định cư, kẻ hồi hương, tôi đau như thắt ruột, không biết đời mình sẽ trôi nỗi ra sao"

Một tối, sau bữa cơm xong, thì bỗng vợ tôi khóc nức nở, tôi chưa hiểu nguyên do gì thì nàng thút thít cho biết: nàng nói hoàn cảnh của chúng tôi như phạm nhân đang chờ ngày lên đoạn đầu đài để bị xử tội. Nhờ người quen giới thiệu nàng đã âm thầm lên gặp PaPa Phúc, ngày mai vào 7g tối, nàng có hẹn với ổng, bằng mọi giá nàng và tôi phải qua nước thứ 3, nàng không muốn quay về Việt Nam, cả nhà xúm xít bên nồi canh đại dương, không muốn đến mỗi kỳ thăm nuôi ba nàng, cả nhà phải vơ vét từng cái quần, cái áo đem bán... Những lời nói của nàng chẳng khác nào những lằn roi quất vào da thịt của tôi, như muối xát, kim châm làm cho tôi đau đớn không bút mực nào tả xiết. Vừa đau đớn vừa xấu hổ, vừa giận mình vô dụng bất tài, đàn ông lưng dài vai rộng như tôi mà phải cam lòng dâng vợ để đổi chác tấm giấy đậu.

Một ý tưởng thoáng qua trong óc tôi, tôi sẽ lên gặp PaPa Phúc, tẩm hết dầu hôi lên mình, rồi tôi sẽ ôm lấy ổng bật quẹt lửa, cho chết cả hai, chợt tôi tỉnh táo nghĩ lại, bên cạnh ông có nhiếu bảo vệ quá, làm sao tôi có dịp đến gần ổng được, hơn nữa vợ tôi tự nguyện dâng hiến mà, một cuộc trao đổi xòng phẳng, thuận mua vừa bán, chứ PaPa Phúc có dùng quyền lực ép buộc vợ tôi đâu. Có trách thì trách cuộc đời khốn nạn này đã đẩy đưa tôi đến hoàn cảnh ngày nay, còn về phần vợ tôi, một sự hy sinh cao quý như vậy, khi xưa nàng đã phải lấy 1 thằng bất tài là tôi, còn bây giờ nàng phải hy sinh 1 lần nữa, để cứu vớt 2 gia đình còn ở VN... Càng nghĩ càng thấm, bây giờ tôi mới hiểu nỗi lòng của ông Hai Củ ngày đó...

 Thế là, kể từ đêm ấy, mỗi tuần vợ tôi lên gặp PaPa Phúc, có tuần 1 lần có tuần 2 lần bao giờ nàng cũng có người của PaPa đưa về barrack trước giờ giới nghiêm. Những buổi tối ấy, tôi thấy đêm dài như vô tận, mường tượng vợ tôi oằn oại trong cánh tay của người khác, tôi muốn điên lên, muốn đốt cả barrack, muốn đập phá một cái gì cho hả cơn giận. Sau khi về nàng không nói gì cả, chỉ tắm rửa xong rồi đi ngủ, 2 người quay về 2 phía, không ai nói với nhau lời nào cả, mà biết nói gì bây giờ, không lẽ hỏi nàng: em sao rồi" Em có thích không" Em cảm giác ra sao" Sung sướng không" Nằm chung giường nhưng tôi biết là không ai ngủ được cả, tôi lại nghĩ miên man nàng đang xấu hổ với tôi, hay là đang còn những cảm giác đê mê, rạo rực, vì mới va chạm một thể xác mới. Phải mà, có đồ chơi mới mà, không thích sao được chẳng thà bị vợ bỏ hoặc là nó cắm sừng lên đầu mình, công khai đi với thằng khác, đường ai nấy đi, thì còn đỡ đau hơn, đàng này, tụi tôi đang hạnh phúc, đang mặn mà ân ái, lại phải cam lòng dâng 2 tay cho người khác dày vò vợ mình... hỏi tôi làm sao chịu nổi...

Rồi tôi lại đâm giận vợ tôi. Phải, không giận sao được, nàng ác quá mà, tại sao nàng không giữ kín sự bí mật đó, có hơn không" Phải chi nàng đừng cho tôi biết, có phải tốt hơn không" Rồi tôi lại chửi tôi, một thằng đàn ông ích kỷ, hẹp hòi, cứ bình thường như không có chuyện gì xảy ra, có sao đâu! Cả một dân tộc mất nước, còn chưa thấy gì, huống hồ là tôi. Mà tôi có mất vợ đâu, tôi chỉ cho PaPa Phúc, mượn xài tạm thời thôi mà. Bây giờ thì tôi mới thông cảm cho tình cảnh của ông Hai Củ. Ông và vợ tôi đồng chung một hoàn cảnh, để đổi lấy 2 chữ Tự Do, việc gì cũng dám làm, xá chi hy sinh một thể xác trần tục, rồi mai này cũng sẽ rã tan thành cát bụi, nằm sâu dưới lòng đất. PaPa Phúc quả đúng giữ lời đã hứa.

Đợt xổ khiếu nại sau đó, trong danh sách những người đậu có tên của tôi. Mai này tôi sẽ rời đảo, qua nước thứ 3, bắt đầu một trang sử mới, một cuộc đời mới. Thôi thì đành chôn kín nỗi niềm đau này tận dưới đáy sâu tâm hồn, họa chăng là đến khi chết thì tôi mới có thể quên được./.

July 28-1993

Ý kiến bạn đọc
10/05/201921:32:42
Khách
tui hiễu và vô cùng thông cãm cho tác giả ..... vì tôi cũng đã ở Indo - Galăng gần 4 năm mới đi định cư .... tui cũng đã thấy nhiều trường hơp xảy ra như vậy .... có nhiều vc qua nước thứ 3 rồi li dị nhau luôn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,692,029
Nhạc sĩ Cung Tiến