Hôm nay,  

Người Chị Hoa Kỳ

21/04/200900:00:00(Xem: 111731)

Người Chị Hoa Kỳ

Tác giả: Trương Tấn Thành
Bài số 2593-16208670- vb342109

Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Ông là một tác giả rất nhiệt thành đóng góp bài vở cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm 2005 với bài viết mang tên “Bà Mẹ Hoa Kỳ”. Bài mới của ông là phần tiếp theo câu chuyện gia đình của Bà Mẹ Hoa Kỳ.

***

Tôi nghĩ rằng đã viết về Bà Mẹ Hoa Kỳ của mình thì cũng phải viết về người chị Hoa Kỳ của mình.
Chị tên là Lorriane, tên một địa danh của Pháp được quân đội Hoa Kỳ giải thoát khỏi sự chiếm đóng của quân Đức Quốc Xã hồi thế chiến. Ba má Alice đã đặt tên cho chị để ghi nhớ ngày đó. Chị sanh cùng tháng và năm với tôi và chúng tôi thường được má Alice tổ chức sinh nhật chung một ngày "cho tiện" như má vẫn nói. Tôi được má Alice, với sự đồng ý của chồng là ông Will, cho về ở chung khi tôi còn đi học ở đại học. Hai cụ có một trai ở xa và Lorriane cũng không ở chung với ông bà. Tôi được biết ông bà khi đến làm vườn cho ông bà vào mùa hè để kiếm thêm tiền tiêu xài. Bà thương tôi như là con trong nhà. Lorriane thì ở mãi xa mỗi tuần về thăm ba má một lần.
Lorriane người cao dong dỏng rất vui vẻ và hoạt bát. Lorriane cũng có tật hút thuốc liên tục như ba má mình. Chị đang làm trong một trung tâm cải huấn và mua được căn nhà đẹp mà giá lại rẻ. Chị thường nói về căn nhà của mình và đưa cho tôi xem những tấm hình chụp hoa kiểng chung quanh nhà. Bạn trai của chị là một anh cựu thương binh có vẻ ngang tàng khí phách rất được cụ Will thích. Chị rất nhanh nhẹn và rất khỏe. Có lần tôi nghe má Alice kể là Lorriane có đi học Thái Cực Đạo hồi còn nhỏ. Gương mặt của chị hơi hóp, gò má nhô cao. Chị đeo kiếng cận, tóc uốn quăn ngắn kiểu xưa. Chị luôn mặc quần jeans. Tuy chị làm nhân viên an ninh trong một trại giam nhưng chị không hề bị ảnh hưởng xấu bởi môi trường mình làm việc. Chị ăn nói tuy có bộc trực nhưng lúc nào cũng giữ đúng phép lịch sự khi xã giao. Vì má Alice bị sưng chân, đi lại khó khăn phải nhờ vào khung chống, mọi việc trong nhà kể cả việc nấu nướng đều do cụ Will. Mỗi lần Lorriane xuống chị nấu ăn, dọn giường, đem quần áo của má ra giặt, hút bụi trong phòng. Nấu nước pha ra nước ấm để ngâm thuốc cho hai chân bị sưng lỡ của má. Xong rồi chị gội đầu cho má, pha cà phê rồi cùng mẹ ngồi vào bàn vừa hút thuốc vừa trò chuyện vui vẻ. Thường mỗi Noel chị xuống ăn Noel với ba má mình và những lần đó có tôi. Cả nhà chị tuy là người Mỹ nhưng lại tin vào thuốc Tàu. Má thường hốt thuốc của một ông thầy Tàu trên mé Seattle. Chị cũng nói là chị vẫn dùng và thấy thuốc Tàu hiệu nghiệm và ít bị phản ứng bất lợi cho sức khỏe hơn là thuốc Tây.


Lorriane kêu tôi bằng tên "Tom" như má và không hề có gì khó chịu khi biết tôi về ở chung nhà với ba má mình. Chị trò chuyện và luôn nói đùa với tôi vui vẻ. Ngày sinh nhật và Noel chị đều có quà cho tôi. Chị thường nói lời cảm ơn tôi đã về ở chung với ba má mình trong cảnh già yếu của hai cụ. Tôi thấy lời chị cảm ơn quá khách sáo vì chính tôi là người mang ơn mới phải. Tôi ít thấy có người con gái nào lại lo lắng cho mẹ chu đáo như vậy. Má Alice cho tôi biết là cụ Will rất thương Lorriane vì sự hiếu thảo của chị. Chị thường chở cụ Will đi hớt tóc hay mua sắm lặt vặt. Má Alice luôn tự  hào về đứa con gái cưng của mình. Má nói:
- Má dạy cho các con của má biết tự lập ngay từ hồi còn nhỏ cho nên giờ đứa nào cũng nên người.
Cực nhất cho chị là hồi má bắt đầu nằm gần như liệt giường. Má ăn uống khó khăn, hay nóng nảy và hờn dỗi. Có nhiều lúc má thức dậy nửa đêm cũng gọi phone cho chị, lúc đó, chị đang ngủ. Rồi cuối tuần chị phải lo tắm gội và thay quần áo, đổ bô cho mẹ mình rồi mới lái xe về. Trong cơn mê lẫn, má thường gọi chị luôn ngày cả vào những lúc nữa đêm. Cuối cùng rồi má đã ra đi. Ngày chôn cất má tôi về thăm gia đình nên không dự. Bây giờ chị chỉ còn lại cha mình. Trong thời gian này tôi ra trường và chờ vợ tôi qua. Nhờ may mắn tôi có được việc làm nên tôi chạy vay mua được nhà. Tôi mua căn nhà cách xa nhà má Alice không xa.
Sau khi má chết, chị đưa cụ Will về ở với mình để dễ bề chăm sóc và quyết định bán căn nhà. Vừa mới có việc làm cho nên tôi không có tiền để mua sắm đồ dùng trong nhà, biết vậy chị liền nói với tôi:
- Nhà mình sắp bán rồi. Tom có cần gì cứ nói cho mình biết nhe.
Tôi xin hai cái tủ đựng quần áo trong phòng của má và mớ cuốc xẻng ngoài kho để sau này có mà làm vườn. Chị lấy xe truck của cụ Will chở thẳng đến nhà tôi. Khi tôi dời về nhà mình thì cụ Will lên ở với chị, còn căn nhà thì để bảng For Sale. Trong các kỷ vật thời gian tôi sống trong gia đình có tấm hình đóng khung của chị không mang kiếng cận và tươi cười.
Chị Lorriane ơi,
Từ ngày qua sống ở xứ này Tom chưa bao giờ thấy được một người con hiếu thảo như chị. Chị có nết giống như một người con gái Á đông, hiếu thảo hết lòng lo cho cha mẹ của mình. Ngoài ra chị còn có một tấm lòng rộng lượng và vị tha. Đối với một người khác chủng tộc và xa lạ như Tom mà chị không hề có cử chỉ thái độ gì làm cho Tom thấy mình bị xem là kẻ dư thừa, chịu ơn trong gia đình. Chị đối xử Tom như một người anh em với tất cả lòng quí trọng. Tuy hiện nay Tom không liên lạc được với chị nhưng xin chị biết cho rằng chị thật sự là một người thân của Tom ở xứ sở này. Chị là một người không đồng chủng với Tom nhưng tấm lòng của chị thật còn hơn một số người cùng màu da với Tom nhưng đã ngược đãi đồng bào mình đến tận độ. Tấm chân tình của chị là biểu hiện cho một yếu tố to lớn nhật và cần thiết nhất mà cuộc đời này đang thiếu, đó là yếu tố Tình Thương. Chỉ có Tình Thương mới đem con người ta lại gần nhau và để sống chung không cần có cùng xuất xứ, màu da.
Chị Lorriane, xin chị biết cho là ở trong tấm lòng tri ơn của Tom lúc nào chị cũng luôn hiện diện.

Trương Tấn Thành, WA.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,860,013
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.