Hôm nay,  

Ép Con Học Hành Quá Sức

05/06/200700:00:00(Xem: 389721)

Người viết: Thanh Mai

Bài số 1275-1886-591vb6010607

*

Tác giả cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell,  Minnesota. Thanh Mai  đã góp một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Sau đây là bài viết thứ tư của cô.

*

Vừa rồi, đọc bài báo nói là hiện nay Sài gòn xuất hiện bệnh lạ như ma ám ở học sinh, tôi xin copy nguyên văn bài báo đó cho các bạn đọc:

Saigon xuất hiện bệnh lạ như ma ám ở học sinh

Apr 05, 2007

Bản tin nói rằng tại các trường Trung học ở quận 7 Saigon gần đây xuất hiện một số học sinh bị một triệu chứng giống như người mắc bệnh tâm thần.

Giới phụ huynh, học sinh các trường trên nhanh chóng đồn thổi đó là căn bệnh ma ám. Từ sau Tết Đinh Hợi, một em học sinh lớp 6 nhiều lần tự nhốt mình vào phòng vệ sinh, rồi ú ớ khóc thét như người điên. Nặng nhất là những ngày 17 đến ngày 21 tháng 3 vừa qua, em này lên cơn như một người điên loạn, tự xưng mình là người đến từ cõi chết và rượt đánh các bạn trong lớp, trong đó có một học sinh bị đánh đến chảy máu đầu. Em còn lên lan can lầu 2 của trường đứng múa, ca hát và dọa nhảy xuống đất nếu ai can ngăn.

Ngày hôm sau, em này bóp cổ một bạn nam cùng lớp đang ngồi học. Kể từ hôm đó, cứ mỗi lần vào lớp là em bị bạn bè xa lánh vì cho rằng em bị ma ám. Nhiều phụ huynh hoang mang không muốn con mình đến lớp vì sợ em bóp cổ. Điều đáng nói đây không phải là trường hợp duy nhất, tại một trường Trung học khác, một

học sinh lớp 7 cũng bị căn bệnh tương tự. Là học sinh giỏi nhưng em này mới phát bệnh gần đây. Đang học, H. thường nói nhảm, cười khóc vô thức một mình. Theo cô giáo thì em là một đứa bé rất chăm ngoan, dễ thương thế nhưng khi bị bệnh lạ này thì sức học của em bị sa sút trầm trọng và dường như không thể học nữa. Khi em vào lớp nhưng chỉ biết ngồi khóc suốt buổi. Khi cô giáo an ủi thì em cho biết, em đang bị một ai đó xúi giục làm điều mà em không thể làm. Gia đình đã đưa em đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Trung tâm Y tế Nhà Bè, nhưng các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân và cho rằng em vẫn bình thường. Được biết, vì không tin tưởng vào y học nên gia đình đã đưa em đi điều trị ở một người thầy cúng ở Long Khánh, Đồng Nai. Ngoài hai học sinh với những triệu chứng của cơn bệnh bất thường trên, hiện nay tại quận 7 và Nhà Bè, cơn bệnh lạ này đang tiếp tục xảy ra ở các học sinh lớp 7 Trường Trung học Nguyễn Thị Thập; một học sinh lớp 2 Trường Phan Huy Thuật. Khi tiếp xúc với các gia đình bệnh nhân trên thì họ cho biết đã đi đến khám tại Trung tâm Sức khỏe thần kinh, nhưng các bác sĩ ở đây vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân và cách chữa trị.

Tôi thấy các em này có một số triệu chứng phát bệnh tương tự như con tôi, nên tôi muốn kể câu chuyện của con tôi xem có giúp gì được không.

Nhiều người bị bịnh thần kinh mà cứ bị cho là ma quỉ ám, người nhà đem tới thầy cúng chữa trị bậy bạ tiền mất tật mang, có khi mất mạng tội nghiệp lắm.

*

Mỗi lần nghĩ đến cu Lộc, đứa con út của tôi, là lòng tôi lại tràn ngập một nỗi yêu thương xen lẫn ân hận. Có phải tại tôi đã một thời gian dài ép con học hành quá sức khiến nó bị lâm hoàn cảnh hôm nay chăng" Tôi muốn kể về kinh nghiệm giáo dục với đứa con thân yêu của mình để đừng ai phải giẫm lên bước chân của tôi.

Tôi sinh cháu Lộc ở Việt nam. Lộc còn bé mặt mũi rất dễ thương với đôi mắt mở to đen láy. Nhưng có ai ngờ đôi mắt lúc ấy lại không thấy được gì cả theo lời của bác sĩ. Chúng tôi thấy con có nhìn mình, nhìn theo đèn mà. Có điều khi bồng Lộc ra sáng thì nó không chịu nỗi ánh sáng mặt trời cứ nheo mắt lại cho nên chúng tôi mới bồng con đi bác sĩ khám thử. Ai ngờ, bác sĩ phán là Lộc bị cườm bẩm sinh, nó đang bị mù. Hai vợ chồng tôi như thấy bầu trời sụp đổ, trời ơi, con mình bị mù rồi sao. Xét trong giòng họ hai phía đâu có ai bị bịnh mắt hay bị mù để nói là nó bị di truyền; trong thời gian mang thai tôi đâu có bị cúm hoặc bị bịnh gì đó uống thuốc ảnh hưởng đến thai nhi. Có phải là mắt nó bị cườm, bị đau nhức nên mới hay khóc đêm đó chăng! Chúng tôi nghi ông bác sĩ ở bệnh viện Nha trang không chắc gì đoán đúng nên thu xếp công việc bồng Lộc vào bệnh viện chuyên mắt ở Sài gòn khám chắc ăn hơn.

Chúng tôi đến bệnh viện Điện Biên Phủ (trước 1975 là bệnh viện Saint Paul) của thành phố Sài gòn. Lấy số chờ chực cho đến trưa mới được khám và bác sĩ vẫn tuyên bố là Lộc bị cườm bẩm sinh cả hai mắt. Ông ta đắn đo suy nghĩ không biết có nên mổ mắt cho cháu ngay hay đợi vài năm nữa chờ cháu lớn hơn có sức mới mổ. Lúc đó cu Lộc mới được bốn tháng tuổi. Rồi thì, ông ta chọn giải pháp là thu xếp thử máu ngay hôm đó và hôm sau thì giải phẫu, sợ để Lộc càng lớn thì thần kinh thị giác càng hư hoại không cứu được nữa. Quyết định này của ông ta đã hại Lộc cả một đời!

Chúng tôi thu xếp chọn bác sĩ giỏi nhất để làm giải phẫu cho cu Lộc. Thời đó có quy chế là nếu chịu trả thêm chi phí thì có thể chọn bác sĩ nên chúng tôi đã được bác sĩ trưởng khoa mắt đứng ra mổ mắt cho con. Vị bác sĩ này đã từng du học ở Mỹ trước 1975. Trông ông ta to lớn mập mạp nhưng hai bàn tay thì thật nhẹ nhàng khéo léo. Thấy ông cầm kéo hoặc cầm nhíp cắt chỉ trong mắt bệnh nhân là biết. Có điều, bác sĩ giỏi nhưng phương tiện, dụng cụ và phương pháp thì xưa cũ, nên đã hại thêm đôi mắt của con tôi.

Sau lần mổ thứ nhất kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ, bác sĩ tuyên bố là ngày mai phải mổ lại vì cườm trong mắt cu Lộc ở dạng đặc biệt, nước không ra nước, đá không ra đá mà là sềnh sệch nên không lấy ra hết được. Bác sĩ phải ngưng mổ vì gây mê lâu không tốt cho sức khỏe của em bé. Sau này coi hồ sơ mới biết là lần đó họ làm đứt mống mắt của Lộc. Giải phẫu tới giải phẫu lui tất cả là bốn lần trong gần một năm, vẫn không biết mắt Lộc sẽ có thấy được không.

Thời gian đó, chúng tôi bỏ hết công việc làm ăn cứ vô ra Sài gòn liên tục. Có khi hai vợ chồng phải ở lại bệnh viện cả tháng. Cũng có khi nửa chừng hết tiền và nhớ đứa con lớn nên chồng tôi đón chuyến xe đêm về Nha trang và vào lại bệnh viện Sài gòn ngày hôm sau. Cũng may là lúc đó có được Ba tôi và cô em gái bên Mỹ tiếp tế nên mới yên tâm mà ra vào bệnh viện Sài gòn để lo cho Lộc. Đứa con lớn là anh của Lộc lúc đó được bảy tuổi, để lại Nha trang nhờ mấy cô chú ở Cam ranh thay nhau ra sẵn coi nhà và chăm sóc cho nó luôn. Nghĩ cũng tội nó, từ ngày đứa em bị bịnh là đứa anh bị tách ra khỏi vòng tay yêu thương của Ba má và phải tự lo cho bản thân. Chúng tôi đã quá lo lắng cho đứa con bịnh hoạn mà xa cách đứa con khỏe mạnh lần lần lúc nào chẳng hay.

Ở Việt nam, Lộc mổ mắt bốn lần nhưng gây mê để tái khám và cắt chỉ thì nhiều nhiều lắm, không nhớ được. Mỗi lần như thế, hai vợ chồng tôi phải điêu đứng không ít, bởi vì, trước khi gây mê phải nhịn ăn ít nhất mười hai tiếng. Một đứa con nít bịnh hoạn, mắt đau nhức mà không ăn không bú suốt nửa ngày thì chịu sao thấu. Nó khóc dữ lắm, đến khi vào phòng mỗ thì yếu sức rồi, cái mặt ướt đẫm nước mắt tái xanh hẳn đi. Hai vợ chồng tôi thì ngồi bệt ra đất trước phòng mỗ chờ tin con, lòng đau xót và lo lắng không yên. Nhớ có lần đang mổ thì bệnh viện bị cúp điện đột xuất, trời ơi, lo muốn chết đi được. Nhưng rồi sau đó bệnh viện có máy phát điện riêng nên đã có điện lại. Rồi có lần chồng tôi bế con đi thang máy cũng bị cúp điện thình lình. Hai cha con bị nhốt trong thang máy hơn hai tiếng đồng hồ. Cu Lộc bị hầm hơi trong thang máy nên khóc quá chừng người ta phải tìm cách bắt thang cho cha cõng con leo ra. Nhiều, rất nhiều điều chúng tôi không thể quên được trong thời gian khốn khổ này.

Ngoài kỷ niệm buồn với nhà thương cũng có kỷ niệm vui. Cứ ra vô bệnh viện làm trú khách suốt, chúng tôi quen thân với các y tá và mấy bà làm việc trong nhà thương. Có một anh y tá mê đánh cờ tướng lắm, mỗi lần trực đêm là ảnh hay rủ thân nhân của các bệnh nhân đấu cờ. Có lần ngứa nghề nên tôi đòi đấu với anh ta. Thiên hạ bà con bên ngoài ai cũng ủng hộ và đứng bên phía tôi vì tôi là phụ nữ mà. Mỗi lần thắng ảnh một ván là họ hò reo và chạy về phòng báo tin chiến thắng cho chồng tôi biết. Anh lúc đó có nhiệm vụ giữ con cho tôi yên tâm chiến đấu. Cũng hên là tôi toàn thắng không hà, cho nên anh chàng y tá này cứ đòi phục thù hoài. Sau này, anh y tá này đã giúp chúng tôi copy giấy tờ hồ sơ trị bệnh cho Lộc mới biết được những sự cố gì xảy ra thêm trong những ca mổ mắt của Lộc mà bác sĩ lúc đó đã giấu không cho chúng tôi biết.

 Có mấy bà y công bảo tôi:

- Sao cô chú cứ phải vào bệnh viện hoài vậy" Không biết mắt cháu có được lành hẳn không" Hay là cô chú mua đồ về cúng ông bà cô bác ở đây xin bình yên đi.

Chúng tôi đâu có tin ba cái chuyện ma quái quỉ thần. Lâu nay gặp bất cứ chuyện gì hơi khác thường chúng tôi đều tìm cách lý giải theo khoa học. Nhưng sau khi nghe mấy bà này nói, đêm đêm trong bệnh viện nhìn ra ngoài sân tăm tối, thấy rợn rợn sao đó. Mấy cái cây cổ thụ cành lá um tùm trong đêm đen cứ như là có mắt có mũi và có linh hồn, đang vươn những cánh tay lông lá ra níu kéo những bệnh nhân bất hạnh, không cho người ta hồi phục và bắt người ta phải đời đời kiếp kiếp ở lại làm bạn với chúng vậy. Càng nhìn càng rợn, càng nghĩ càng lo, tôi bàn với chồng tôi:

- Thôi kệ, thà tin có còn hơn không, anh chạy ra chợ mua ít bánh trái hoa quả về cúng ông bà cô bác ở đây cho yên tâm.

Ngẫm ra, con người lúc tinh thần yếu đuối thường dễ tin vào ba chuyện huyền hoặc và những đấng vô hình. Đêm đó, chúng tôi cũng bày nhang đèn hoa quả bánh trái ra cái bàn nhỏ, hướng ra ngoài cửa sổ mà vái và khấn mấy ông thần cây, thần bệnh viện xin thương và tha cho cháu Lộc, cho nó được sáng mắt và khỏi phải ra vô cái bệnh viện này nữa.

Chúng tôi đâu có ngờ rằng, mấy ông thần cây, thần bệnh viện này lại chịu nhận hối lộ mà tha cho Lộc và chúng tôi khỏi phải vào bệnh viện này chữa trị nữa. Không biết có phải là có ma quĩ thánh thần thiệt không, hay là một chuyện trùng hợp mà sau lần xuất viện đó về Nha trang, chúng tôi nhận được giấy của văn phòng xuất cảnh báo tin cho phép chúng tôi được làm thủ tục phỏng vấn và khám sức khỏe để đi Mỹ đoàn tụ. Thật là ngạc nhiên! Mấy năm nay chúng tôi hết hy vọng đi Mỹ vì họ có gởi giấy từ chối bảo tôi có gia đình nên loại tôi ra khỏi danh sách bảo lãnh của ba tôi. Không hiểu sao nay lại nhận được giấy báo này. Và chúng tôi lại càng thêm ngạc nhiên vì những khâu tiếp theo được giải quyết xuông xẻ và nhanh chóng cho đến nỗi chỉ sau ba tháng chúng tôi đã có mặt ở phi trường LA gặp lại Ba tôi và cô em gái. Vậy là chúng tôi và Lộc không phải trở về bệnh viện Điện biên phủ để chữa bệnh nữa mà chỉ để nhờ anh y tá địch thủ cờ tướng quen biết đó copy tất cả hồ sơ chữa trị của Lộc đem theo qua Mỹ để tiếp tục chữa trị. Thật là may mắn.

Những ngày đầu tiên trên đất Mỹ, chúng tôi gia đình bốn người ở chung với vợ chồng cô em gái ở gần chợ Little Saigon. Hai vợ chồng cô em thật tốt, lo lắng cho chúng tôi đủ điều từ A tới Z. Khoảng một tháng sau khi xin được Medical của tiểu bang, cô em của tôi chở đến một bệnh viện gần đó để khám mắt cho Lộc. Lộc lúc đó được một tuổi rưởi rồi, dễ khóc, và không cho ai đụng vào, nhất là đụng vào mắt nó để khám. Bác sĩ mới tới gần là nó la khóc um sùm lên. Thấy nó khóc và phản ứng dữ dội quá, vị bác sĩ người Mỹ ấy đã cố gắng dỗ dành, dụ nó đủ cách, giả làm tiếng mèo, tiếng chó và ngay cả bò lên thảm giả làm chó để kiếm cách làm cho nó vui và khám mắt cho nó được. Thật là cảm động và phục cho tinh thần cũng như y đức của những người bác sĩ Mỹ.

Ở Cali được hai tháng, chúng tôi dời về Minnesota để dễ kiếm việc làm và cần nhất là có điều kiện chữa mắt tốt cho cháu vì Mayor clinic ở Minnesota nghe nói là rất có tiếng về khoa mắt.

Lộc đã được một nhóm bác sĩ nổi tiếng ở đây chữa trị. Các bác sĩ bảo là những lần giải phẫu ở Việt nam đã phá hỏng võng mô, gây rất nhiều vết sẹo sau giác mạc của Lộc. Họ so sánh mắt nó như một cửa sổ bị những thân cây che chắn nhìn qua không thể thấy gì bên ngoài cửa sổ được. Nếu đừng mỗ ở Việt nam thì họ sẽ dễ dàng chữa trị cho cháu hơn.

Sau đó, Lộc phải chịu thêm nhiều lần giải phẫu mắt nữa, tổng cộng cho đến nay tính cả bốn lần mổ bên Việt nam thì lên đến mười hai lần rồi. Mắt trái Lộc vẫn không cứu được mà bị mù chín chín phần trăm (một phần trăm còn nhìn thấy ánh sáng), còn mắt phải thị lực còn được mười phần trăm. Ngoài ra Lộc còn bị bịnh cao áp suất mắt (glaucoma), cũng phải thuốc thang hàng ngày để khống chế áp suất mắt tăng cao. Cho nên chúng tôi mới nói là quyết định mổ ngay của ông bác sĩ ở Việt nam đã hại Lộc một đời. Tuy nhiên cũng còn may là qua được Mỹ và được một nền y khoa gần như là tân tiến nhất thế giới cứu chữa chứ nếu còn kẹt lại bên Việt nam thì chắc chắn ngày nay Lộc bị mù hoàn toàn rồi.

Ngoài thị lực kém, tay chân Lộc cũng rất vụng về. Khi nó đi chương trình mẫu giáo ở đây, các cô giáo phải chế ra một cái muỗng đặc biệt để tập nó tự xúc ăn. Còn nói chuyện thì nó nói không được khôn như những đứa trẻ cùng tuổi. Nó hay dùng dạng câu hỏi để yêu cầu một chuyện gì, chẳng hạn như khi muốn ăn thì nó nói "Lộc muốn ăn hở"". Các cô thày giáo và nhân viên giáo dục chuyên môn xếp Lộc vào chương trình "Huấn luyện đặc biệt".

Phải nói là chương trình giáo dục của Hoa Kỳ dành cho những trẻ em bị khuyết tật rất tốt. Xe bus học sinh đến đón tận nhà, được cung cấp đầy đủ những dụng cụ đặc biệt để giúp cho cháu học hành thuận tiện và có giáo viên đi theo giúp đỡ riêng trong những giờ lên lớp và ngay cả trong giờ ăn. Cho nên chúng tôi rất vui vẻ đóng thuế vì thấy đồng thuế mình đóng ra có giá trị xứng đáng.

*

Một hôm, một chuyện bất ngờ xảy ra. Chúng tôi thấy Lộc cầm đồ bấm chơi game của anh nó lên chơi và bấm lia lịa. Lúc đó nó mới được gần ba tuổi. Người ta cầm đồ bấm game bằng tám ngón và thường bấm bằng hai ngón tay cái, còn nó thì xử dụng ngược lại, bấm lia lịa bằng tám ngón trừ hai ngón cái để giữ máy. Điều này cũng chưa đáng ngạc nhiên, bởi vì nhìn lên màn hình của tivi, thấy nó đang sắp xếp những hình khối trong game thật là logic và thông minh. Sau đó, nó còn chơi và giải thêm một số game hình khối mà chúng tôi không giải được. Hóa ra cu cậu cũng thông minh và có đầu óc logic lắm đây.

Chúng tôi bắt đầu chú ý đến nó, thử xem nó có khả năng về Toán không. Tôi ra vài bài toán cộng trừ đơn giản, thấy nó tính được. Tôi bày nó bản cửu chương hai, tôi đọc trước nó đọc sau. Hỏi nó lập lại một lần, nó đọc được. Rồi tôi hỏi lộn xộn bất ngờ những con số trong bản cửu chương hai, nó trả lời ngay và đúng. Tôi ngạc nhiên lắm, bày tiếp và thử những bản cửu chương tiếp theo bằng cách đó, nó đều trả lời được. Cứ thế nó thuộc hết bản cửu chương từ nhân hai cho đến nhân mười chỉ trong vòng nửa tiếng và trả lời đúng những con số nhân không theo thứ tự. Vậy là Lộc rất có năng khiếu về số học.

Từ đó, mới lên ba, Lộc bắt đầu chương trình học toán. Nó tiếp thu Toán rất nhanh, học cả số học, phương trình đại số đủ cả. Mới học lớp ba chương trình phổ thông ở trường mà ở nhà chúng tôi đã dạy nó đại số của college Mỹ rồi. Thấy con học được, tôi càng dạy, cho nó làm toán suốt ngày. Vì giới hạn bởi thị lực mắt, Lộc không khá môn toán hình. Nó nhìn lờ mờ không thấy hết hình ảnh được. Tôi ra toán cho nó viết chữ to như cái trứng gà để nó đọc cho dễ. Chương trình toán thấp thấp thì tôi dạy nó được, còn lên cao thì dành cho chồng tôi.

Ngoài năng khiếu về Toán số học, Lộc còn có năng khiếu về âm nhạc nữa. Chúng tôi thấy nó hát được nhiều bài nhạc Việt nam từ hồi ba tuổi, và cứ theo người ta nói thì "Thị lực yếu thính lực sẽ mạnh", hơn nữa nhìn mấy ngón tay nó bấm game khéo léo thế kia biết đâu nó sẽ cũng có khả năng bấm đờn piano. Thế là lúc Lộc lên bảy, chúng tôi đưa Lộc đi học đàn piano.

Cô giáo dạy đờn đầu tiên của Lộc là cô Trang, người Việt nam. Mỗi tuần học cô nửa tiếng. Cô dạy Lộc bấm những nốt căn bản trong những tuần đầu, tập riêng tay phải rồi đến tay trái. Tôi nhớ những ngày đó tôi phải chép lại những nốt nhạc của Lộc cho to ra bằng bút màu xanh đỏ cho nó dễ thấy. Chép suốt ngày! Tôi có dùng thử máy in để phóng to ra nhưng theo kiểu này những nốt nhạc nhòe đi mắt Lộc không đọc được. Cũng may sau đó chồng tôi scan vào computer rồi làm to cỡ chữ những trang nhạc ra nên tôi khỏi mất công chép nữa. Từ đó đến nay, nhiệm vụ của anh là in nhạc cho con, rồi thu nhạc và làm CD cho nó mỗi năm.

 Lộc học đờn được vài tuần thì cô giáo và tôi rất ngạc nhiên vì một hôm, khi đang tập một đoạn nhạc bằng tay phải, nó tự động đặt thêm tay trái đánh đệm và nghe cũng hợp tai.

Một hôm khác nữa cô Trang bảo nó nhìn cô đánh để đánh lại nhưng khi cô đánh thì nó lại nhìn đâu đâu lên trần nhà. Cô giáo bực mình tưởng nó không tập trung nhưng nó bảo là nó có thể đánh lại được. Sau đó chúng tôi mới biết là nó học nhạc bằng tai, có lẽ vì mắt yếu nên tai nó tốt chăng. Sau này, khả năng nghe và phân biệt những nốt nhạc trong một chùm hợp âm phức tạp chứng tỏ điều đó. Lộc có thể nghe một đoạn nhạc Tây phương cổ điển rồi đánh lại chính xác. Còn nhạc lý cơ bản thì dường như nằm sẵn trong đầu nó từ lúc nào, cô Trang hỏi và nó trả lời chính xác nhiều điều.

Chúng tôi ai cũng ngạc nhiên về khả năng tiếp thu âm nhạc của nó, bởi vì trong gia đình đâu có ai giỏi âm nhạc. Thằng anh của Lộc chúng tôi có cho đi học piano một thời gian, có khi Lộc học qua thằng anh chăng. Điều này cũng vô lý vì anh của Lộc không thích môn này và biếng tập lắm, mỗi tuần chỉ quẹt quẹt trên cái piano điện dăm phút trước khi đến lớp nhạc thôi. Có thể là Lộc hay mày mò nghe những bài piano cổ điển cài sẵn trong đờn rồi nhập tâm những hợp âm và giai điệu chăng"

Ngoài ra, Lộc còn có năng khiếu sáng tác. Nó viết nhạc chứ không viết lời được. Nó viết nhạc cứ như mình viết thơ, viết văn, sau đó chơi lại trên piano. Nhiều bảng nghe rất du dương êm tai. Đôi khi nó sáng tác thẳng trên đàn piano, đánh một lèo hết bản nhạc. Tôi nghĩ là đánh như vậy làm sao nhớ được nhưng nó lại nhớ và đánh lại nhiều lần nữa. Một ngày nếu hứng nhạc sĩ tí hon này có thể sáng tác kiểu này liên tục ba bốn bài và nhớ hoài đến cả năm sau.

Cô Trang cứ kêu Lộc là thiên tài âm nhạc và khuyến khích chúng tôi cho cháu tiến xa hơn kẻo mai một tài năng. Thế là chúng tôi chuyển Lộc đến học một cô giáo dạy piano người Mỹ tên là Shaffer. Cô Shaffer có rất nhiều học trò đoạt được nhiều giải thưởng piano của thành phố hoặc tiểu bang tổ chức hàng năm. Có được thằng học trò như Lộc, cô mừng lắm, luyện con gà mới để đưa đi đá khắp nơi.

Cô Shaffer dạy rất nhiệt tình và đòi hỏi rất cao. Lộc phải tập đờn mỗi ngày hơn tiếng rưởi đồng hồ. Sáng sớm sáu giờ sáng phải dậy tập đờn nửa tiếng trước khi ăn sáng rồi đến trường. Mỗi tối đi học về cũng phải tập hơn một tiếng cho nên Lộc tiến bộ rất nhanh, nó học piano mới ba năm mà khả năng bằng những đứa học được được sáu hay bảy năm. Cô còn khuyên chúng tôi nên mua cho Lộc một cái piano chiến để nó tập. Cô bảo mua piano không như mua xe vì giá trị của nó cũng tăng lên từ từ theo thời gian. Thế là chúng tôi bấm bụng mua cho nó cái grand piano trị giá hai chục ngàn coi như đầu tư cho tương lai của con. Con cái chịu học thì tốn mấy cũng không sao.

Lần thi đầu tiên là cuộc thi tổ chức ở Conservatory of Music, Lộc đứng hạng ba. Vài tháng sau Lộc đoạt giải nhất cuộc thi piano của thành phố Saint Paul tổ chức cho lứa tuổi tám đến mười hai. Năm đó Lộc được mười tuổi. Nhìn cháu trên bục lãnh bằng khen, bên cạnh là những người đoạt giải dành cho những lứa tuổi khác nhau, chúng tôi rất mừng rỡ, hân hoan và hãnh diện đã có được một đứa con giỏi giang như thế, và cũng hãnh diện vì người Việt nam mình cũng đoạt được giải như ai. Những em đoạt giải khác toàn là người Mỹ hoặc là Tàu, Đại hàn.

Qua năm sau, cô Shaffer giới thiệu Lộc dự thi giải năng khiếu âm nhạc của thành phố tổ chức. Đề thi đa dạng về đủ mọi lãnh vực như sáng tác, xử dụng bất cứ nhạc cụ gì, xiếc, nhảy múa, ảo thuật, ca hát .. vân vân và vân vân. Người dự thi thu băng bài dự thi của mình rồi gởi đến ban tổ chức để tuyển lựa vào chung kết.

Lộc thu băng chơi solo bài Waltz in B Minor Op 69 No.6 của Chopin và được chọn vào chung kết. Buổi thi đó, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi lãnh vực, ai cũng rất điêu luyện, coi mà mê. Thấy người ta hay quá mình thấy hết hy vọng. Thêm nữa lúc Lộc biểu diễn xong, nó đứng lên cui chào khán giả nhưng vì thị lực kém nên nó lại...cúi chào phía cánh gà.

Đến khi ban giám khảo đọc tên Trần Lộc là người được giải nhất lứa tuổi minor, vợ chồng tôi và Lộc rất ngạc nhiên và mừng rỡ. Cả hội trường vỗ tay vang dội mừng cho nó. Rồi thì phát giải, chụp hình, lãnh bằng khen.. rồi thì cũng vì những niềm hãnh diện, hân hoan, chúng tôi và Lộc bị cuốn theo vòng danh lợi lúc nào chẳng hay.

Chúng tôi còn mê nhạc Việt nam, đi sưu tập những bản nhạc tình hoặc nhạc tiền chiến được biên soạn cho piano như Nhìn những mùa thu đi, Trả lại em yêu, Đêm đông, Mắt biếc, Suối mơ, Lòng mẹ, nhiều và nhiều lắm, để tối tối bắt Lộc đánh cho nghe. Tiếng đàn piano réo rắt nghe thật thanh tao, thú vị. Nghe những bài nhạc tình của Việt nam thấy thấm vào lòng mình hơn nên chúng tôi càng dụ Lộc tập những bài nhạc Việt nhiều hơn. Nếu không có nốt nhạc thì kiếm CD để Lộc nghe và đánh lại. Có bài nó không thích thì nói ngon nói ngọt dụ nó. Thằng con ngây thơ dễ dụ lắm nên cuối cùng rồi cũng tập và đánh cho cha mẹ nghe.

Lộc có học lớp Việt ngữ ở chùa Phật ân mỗi cuối tuần. Mỗi lần chùa tổ chức văn nghệ thì Lộc lại biểu diễn chơi piano những bài nhạc Việt nam. Có lần nó chơi bài "Lòng mẹ" hay quá, bà con tán thưởng dữ lắm nên Lộc rất thích chí. Rồi từ đó, những buổi văn nghệ Tết hoặc lễ hội của cộng đồng người Việt Minnesota, Lộc thường lên biểu diễn những bài piano nhạc Việt nam. Nó lần lần được nhiều người Việt ở tiểu bang vạn hồ này biết tiếng.

Được nổi tiếng, được nghe những lời khen và những tiếng vỗ tay rợp trời như vậy ai mà không say men. Chúng tôi cũng vậy. Cha mẹ ép con học. Con cũng tự ép mình. Tính Lộc cũng háo thắng, thích được khen, và nhất là làm ba má vui nên nó cũng cố gắng hết sức mình. Nó học Toán, học nhạc, bận rộn suốt ngày. Còn bài vở của trường thì ngày nào cũng vác về nhà cả một cặp dày cộm. Vì mắt yếu nên bài tập ở trường Lộc làm không kịp phải xách về nhà làm thêm một hai giờ mới xong, nhiều khi phải thức đến hơn mười giờ mới đi ngủ, rồi sáng hôm sau phải dậy sớm tập đờn, đi học. Nghĩ lại thấy tội quá, không ngờ thằng nhóc bịnh tật mà phải học căn thẳng như vậy, nó kham nỗi một thời gian dài quá hay. Mà vợ chồng tôi thấy Lộc chịu học và học được thì cứ lại đôn đốc và yêu cầu cao với nó, không nghĩ đến sức khỏe của thằng con.

Để rồi cho đến một ngày, tai họa xảy ra..

*

Năm 2004 những cuộc thi piano của Conservatory of Minnesota, MMTA (Minnesota Music Teacher Awards), Festival tổ chức trong cùng một ngày thứ bảy.

Lộc cũng như các thí sinh khác phải chạy xuôi chạy ngược từ Đông sang Tây để thi tuyển. Vòng chung kết được tổ chức cùng ngày vào buổi tối. Có những thí sinh được vào chung kết cả ba, buổi tối không kịp chạy cả ba nơi để tham dự thì phải tự mình bỏ bớt. Lộc thì được vào chung kết có hai nơi nên không phải bỏ chỗ nào. Nó trông bình tĩnh nhưng tôi biết bên trong nó căng thẳng lắm. Nó cũng háo danh và muốn làm ba má vui nhưng tối đó, Lộc chẳng đoạt được giải nào! Nó buồn thỉu buồn thiu! Tôi lựa lời khuyên nó. Thất bại là mẹ thành công mà. Biết thắng thì phải biết thua.

Bắt đầu từ ngày đó, Lộc trông hơi là lạ. Thứ hai khi đi học về nó cứ ngồi tập hít thở phì phì, lại còn ôm cái máy đọc chữ Braille (loại chữ nổi của người khiếm thị) bấm tới bấm lui cả tiếng đồng hồ. Nó trông như bị mắc kẹt vào cái máy vậy. Tôi la nó và bắt nó dẹp cái máy, lấy bài vở khác ra làm. Nó nghe lời cất cái máy lấy bài tập môn Reading ra rồi ngồi nhìn tờ giấy đăm đăm như người vô hồn. Tôi hỏi và giảng bài cho nó nhưng cu cậu cũng không tập trung vào bài vở được, làm một lúc sau tôi nỗi nóng la nó um sùm. Thằng con cứ đứng nghe la và nước mắt chảy dài. Nghĩ lại tôi thật thương nó quá.

Hình như mấy buổi tối đó Lộc bị mất ngủ nhưng tôi không biết rõ vì Lộc ngủ riêng trong phòng nó. Nhớ lại thì ban đêm lúc thức dậy đi tiểu tôi nghe tiếng nó trăn trở. Buổi sáng hôm sau nó vẫn dậy tập đờn ăn sáng trước khi đi học, rồi chiều về lại cũng lừ đừ và bị tôi la thêm một trận vì không tập trung được.

Đêm thứ năm cùng tuần đó khoảng mười hai giờ, tôi nghe tiếng la sợ hãi trong phòng Lộc nên vội chạy qua xem. Nó đang đứng giữa phòng mặt đầy sợ hãi. Quần áo và chăn nệm tẩm nước đái. Tôi phải dỗ dành và đem Lộc lên phòng mình ngủ nhưng suốt đêm nó không ngủ được. Tôi cũng không ngủ, thức với nó. Thật là lo. Ngày mai thứ sáu chồng tôi nghĩ làm chở Lộc đi khám bác sĩ. Còn tôi thì liên lạc hỏi trên trường có bạn học nào khủng bố hù ma để thằng nhỏ sợ hãi thất thần như vậy.

Bác sĩ gia đình thấy tình trạng Lộc vội vã chuyển nó qua bệnh viện thần kinh. Nó giờ như người mất hồn, cứ nói về ma quỉ và tự cho mình là Mario, một nhân vật trong game điện tử của nó.

Đến bệnh viện thần kinh, bác sĩ hỏi gia đình có đánh đập hành hạ nó không. Lộc là cục cưng của chúng tôi mà, làm gì có chuyện đó, nhưng họ đâu có tin nên tách riêng thằng nhỏ ra hỏi. Nghe nói nhiều đứa nhỏ đã bị người lớn hành hạ đến dở điên dở khùng. Rồi họ hỏi Lộc có dùng drug không, có nghe tiếng nói vang bên tai và biểu Lộc tự tử không. Cũng may Lộc lâu nay là đứa trẻ vui vẻ yêu đời, nay nó có nghe nhiều tiếng người nói trong đầu nhưng không ai bảo nó tự tử cả. Ngay ngày hôm đó, chồng tôi ký giấy cho Lộc nhập viện ở lại chữa trị. Lộc ở lại khu 4A dành cho trẻ bị thần kinh dưới mười hai tuổi.

Ngày xưa tôi có vào khu vực chữa trị khoa thần kinh của bệnh viện để thăm cô bạn bị thần kinh. Muốn vào thăm khu này phải qua mấy lần cửa khóa cứ như vào thăm tù vậy.

Đồ ăn mang vào cũng phải bị kiểm soát không được đem các vật dụng như dao kéo và bao nhựa. Tôi có một ấn tượng không tốt về bệnh viện thần kinh, nay thấy thằng con thân yêu của mình lại phải vào chữa trị trong đó thì hãi hùng quá.

Lộc được thu xếp một phòng riêng. Trong phòng có hai giường nệm trải ra sạch sẽ, có buồng tắm và nhà vệ sinh riêng, và có cửa sổ kính lớn nhìn ra ngoài trời cảnh rất đẹp. Phòng giống như trong khách sạn vậy. Thường thì mỗi phòng hai bệnh nhân nhưng có lẽ vì là mới nên Lộc được ở riêng một phòng. Đêm đầu tiên có một người y tá trực bắt ghế ngồi trước cửa phòng quan sát nó.

Không biết họ coi chừng nó như thế nào nhưng sáng sớm hôm sau chúng tôi vô thăm thì thấy con mình quần bị ướt nước tiểu, mặt mày bơ phờ và đầy sợ hãi. Suốt đêm qua nó cũng không ngủ đi tới đi lui suốt đêm trong phòng.

Lâu nay Lộc lúc nào cũng được cha mẹ bảo bọc lo lắng, nay đến khi bịnh hoạn khủng hoảng lại phải bơ vơ một mình, chắc là suốt đêm nó sợ lắm. Chúng tôi trình bày với bác sĩ và yêu cầu được vào với Lộc suốt ngày và suốt đêm. Thấy chúng tôi tha thiết lo cho con quá, cuối cùng bác sĩ cũng bằng lòng và cấp riêng căn phòng đó cho gia đình chúng tôi.

Chồng tôi, tôi và thằng anh của Lộc thay nhau vào chơi, ngủ đêm với Lộc. Coi như là đi du lịch thuê khách sạn ở vậy. Buổi sáng cũng có người phục vụ vào làm vệ sinh, còn thức ăn mỗi buổi nóng sốt thực đơn được thay đổi hàng ngày. Chồng tôi làm ở bưu điện nên có nhiều ngày phép và bịnh lắm. Anh gọi nghỉ và vào ngủ đêm với Lộc, hai cha con mỗi người một giường thoải mái. Lộc được nghỉ ngơi, không cần uống thuốc mà hồi phục tỉnh táo lần lần, ngủ được, ăn được như trước đây. Đến cuối tuần, bác sĩ cho phép xuất viện. Chúng tôi mừng quá là mừng.

Nhưng, nỗi vui mừng không được mấy ngày vì đầu tuần thứ hai đi học về nó lại trở cơn rối loạn. Nó cứ chạy vào nhà tắm xúc miệng liên tục và bảo là miệng mình sao bị thúi quá. Rồi Lộc bảo là nó đã làm sấm sét cháy mất nhà của người hàng xóm cạnh bên. Chúng tôi cứ nghĩ là chắc trên trường của Lộc có đứa học sinh nào đó kỳ thị chơi ác với Lộc nên gọi lên trường hỏi nhưng đâu có còn ai trên trường. Thấy cô giáo riêng của Lộc ở trường có ghi nốt về là đến giờ học thứ ba thì Lộc bị mệt và ngồi khóc. Chắc là Lộc bị căng thẳng rồi đây.

Tối đó Lộc lại không ngủ được. Tôi vào phòng nằm coi chừng nó, thấy nó cứ nhìn quanh sợ hãi lắm. Rồi nó nhìn lên trần nhà và bảo là nó thấy bà tiên đến muốn bắt nó đi và dặn tôi:

- Má ơi. Khi nào bà tiên hỏi Má có muốn nuôi Lộc không thì Má nói là có nhen.

Tôi hỏi nó:

- Chi vậy"

Nó bảo:

- Nếu Má không chịu nuôi Lộc thì bà tiên sẽ bắt Lộc đi.

Rồi nó giục tôi:

- Đó, bà tiên tới rồi đó. Má nói là Má chịu đi.

Tôi làm cho nó yên tâm nên giả bộ kêu lên:

- Chịu nuôi.

Nó như yên lòng nằm yên nhưng vẫn không ngủ được. Được một lúc nó lại hỏi tôi có chịu nuôi nó không và hốt hoảng nhắc tôi trả lời bà tiên lần nữa. Có lần tôi muốn thử nó nên giả bộ nói "không chịu nuôi", thế là nó sợ hãi khóc òa lên và níu chặt lấy tôi như sợ bà tiên bắt đi mất nên tôi vội đổi câu trả lời. Cứ thế nó hỏi tôi suốt đêm, còn tôi thì buồn ngủ mắt nhắm mắt mở trả lời khi nó "thấy"bà tiên tới. Đến một lúc tôi cũng hơi sợ sợ và lo âu hay là con mình đã đến lúc sắp về cõi tiên rồi chăng" Hồi giờ nó đâu có nhắc đến tiên. Có khi nào là "bà tiên" này tức là "thần chết""

Sáng mai, chồng tôi làm bưu điện trở về, nghe tôi thuật lại, thế là chúng tôi đưa Lộc trở lại bệnh viện khoa thần kinh ngay. Lần này Lộc lại được xếp vào phòng cũ, và gia đình cũng được cho vào ở chung phòng để chăm sóc Lộc. Lần tái phát này, Lộc như bị nặng hơn kỳ trước. Nó càng ngày càng ngơ ngáo hơn. Mặt mũi lờ đờ, không chịu nằm yên mà cứ đi tới đi lui hát suốt.

- I believe I can fly.

I believe I can touch the sky. (Tôi tin rằng tôi có thể bay. Tôi tin là tôi có thể chạm đến bầu trời.)

Những bước chân của nó ngắn ngắn, đơ đơ kỳ cục lắm. Ăn thì không biết tự đút ăn, khi có thức ăn trong miệng cũng không biết nhai, và ngay cả đi vệ sinh cũng không biết nữa. Hình như não bộ của nó mất đi những nhu cầu tự nhiên đó rồi.

Mấy ngày liên tiếp trong bệnh viện Lộc vẫn không ngủ được. Bác sĩ quyết định cho Lộc thuốc an thần để giúp nó ngủ và tăng lượng thuốc lên dần dần nhưng vô phương. Nó vẫn mở mắt thao láo và thức suốt đêm, suốt ngày. Chúng tôi giải thích cho bác sĩ là chắc Lộc bị lờn thuốc ngủ vì ngay từ nhỏ cho đến nay nó đã trãi qua mười hai lần mổ mắt và rất nhiều lần gây mê khác để đo và khám mắt. Mỗi lần như thế đều phải uống trước một lượng thuốc ngủ trước khi chuyển vào phòng gây mê, nhưng sau này lượng thuốc ngủ đó không còn tác dụng lên nó nữa, chắc cơ thể của nó đã quen và chế ngự được thuốc ngủ rồi. Các bác sĩ bàn với nhau và mời một vị bác sĩ giáo sư nghiên cứu về khoa thần kinh của trường đại học Minnesota cùng tham khảo về bệnh tình của Lộc. Họ chuẩn đoán và bảo chúng tôi ký giấy cho phép họ dùng một số thuốc nào đó cho Lộc.

Từ từ, sau nhiều ngày dùng thuốc, bị ảnh hưởng phụ rồi thay thuốc khác, thay tới thay lui rồi cũng tìm ra đúng bịnh, đúng thuốc. Lộc dần dần ngủ được và phục hồi các chức năng cũng như những nhu cầu sinh lý. Nó ăn uống, đi đứng, và ngủ trở lại như bình thường. Nhưng có điều nó hay nói về châu Phi và thượng đế, ma quỉ; và còn lẫn lộn giữa thực và hư. Lần bịnh này phải ở nhà thương đến hai tuần mới được cho về nhà. Vợ chồng tôi không để Lộc trở lại trường học mà để cháu ở nhà thêm vài ngày vì sợ là trong trường có đứa trẻ nào đó chơi xấu làm Lộc trở bịnh. Và thêm nữa để đầu óc Lộc được thanh thản thư giản thêm ít ngày nữa.

Nhưng, mặc dầu vậy, ba ngày sau Lộc lại bị bịnh và phải vào lại nhà thương lần thứ ba. Vợ chồng tôi buồn và thất vọng, chán nản cực độ. Cuộc đời, tương lai của đứa con cưng như vậy là tiêu rồi sao" Chẳng lẽ nó phải ra vào nhà thương điên suốt đời" Bịnh nó cứ tái đi tái lại như vậy, biết có chữa được không" Trời ơi! Chồng tôi mất tinh thần, ảnh như muốn tan ra nước, người ảnh xụi lơ. Còn tôi cũng không khá hơn. Thời gian đó tôi đang còn lấy hai lớp cuối để xong chương trình học, và mới vào làm Honey well còn đang thời gian thử thách. Vào lớp tôi không thể tập trung nghe thầy giảng gì cả, vì cứ khi nghe thầy nói "clear memory" cho máy thì lại liên tưởng đến memory của thằng con mình bị hư mất tiêu rồi, thế là nước mắt trào ra không thể nào cầm được. Cũng may là ông thầy sau này nghe tôi cho biết hoàn cảnh hiện nay nên cũng thông cảm, cho tôi đậu hai lớp đó để ra trường.

Buổi sáng lên trường, buổi chiều lên hãng cũng không khá hơn. Cứ nghĩ đến con mình đang điên loạn mà buồn quá. Nhất là mấy hôm chờ kết quả Cat-scan bộ não của nó xem có phải nguyên do bịnh là vì có bướu trong óc không, tôi cứ lo và nghĩ quẩn nếu lỡ may Lộc chết đi thì có thể đó là một điều tốt cho nó chăng" Cuộc đời này nó chịu nhiều đau đớn, mắt mũi không toàn vẹn, tương lai còn phải mỗ mắt nhiều lần nữa chứ đâu phải là xong rồi. Lộc như một thiên thần bay xuống trần gian ở với chúng tôi không được lâu, nay chắc đến lúc Thượng đế muốn lấy nó lại. Mong sao nếu phải tái sanh, nó sẽ được một hình hài hoàn thiện toàn mỹ không bị yếu mắt như kiếp này nữa. Tôi cứ nghĩ đến những câu nói như những cái điềm mà nó nói như để từ giã gia đình vài ngày trước đây "Lộc bye Má, Lộc lên trời ở với Mario đây", hoặc " Bà Tiên muốn bắt Lộc đi" mà buồn quá, và..nước mắt lại tuôn trào.

Buổi tối tan ca, tôi từ hãng lái xe lên nhà thương ngủ với con. Suốt ngày không được gặp nó, nhớ và thương quá. Rồi buổi sáng, chồng tôi lên thay ca ở lại với Lộc, tôi chạy về nhà nấu qua loa món gì rồi chạy lên trường, lên hãng. Thời gian đó, cô tôi và người bạn thân thỉnh thoảng kho cá, kho thịt tiếp tế nên tôi cũng đỡ mất thời gian lo chuyện bếp núc, mà lúc đó đâu còn tinh thần gì nghĩ đến chuyện ăn uống. Ăn bậy bạ qua ngày để còn lo cho con. Nghĩ lại không hiểu sao chúng tôi qua được thời kỳ khủng hoảng này. Chồng tôi sau này thỉnh thoảng hay nói:

- Không ngờ Má nó rất nhạy cảm, dễ xúc động mà lại mạnh mẽ. Thời gian đó Ba rất xuống tinh thần và chán nản nhưng thấy Má vững vàng không sao nên Ba cũng gượng được.

Tôi không ngờ mình lại "chì" như thế!

Cuối cùng bác sĩ cũng tìm được đúng bịnh, đúng thuốc. Lộc bị bịnh "Bipolar Disoder", tôi không hiểu dịch ra tiếng Việt là bịnh gì. Chỉ biết là tinh thần bịnh nhân có thể rơi vào hai trạng thái cực vui hay cực buồn rất nhanh. Hèn chi lúc Lộc bị bịnh, nhiều lần nó cứ hỏi "Ba có thương Lộc không, hoặc Má có thương Lộc không"" rồi òa lên khóc nức nở. Cũng may là Lộc phần nhiều rơi vào trạng thái vui hơn buồn. Hồi xưa mặc dù bị yếu mắt, nó lúc nào cũng vui vẻ lạc quan. Tôi thường hay khuyên con hãy sống vui vẻ, yêu đời và yêu người. Mở mắt dậy chào đón một ngày mới với tinh thần lạc quan sẽ giúp con thấy thoải mái, khỏe mạnh. Vì nếu con có bi quan buồn bã thì cũng phải sống qua ngày đó, nhưng sẽ thấy ngày dài lê thê và người thì mệt mỏi, chán chường. Lộc còn nhỏ, rất ngoan chịu nghe lời khuyên của cha mẹ.

 Bệnh nhân bị bịnh này còn tin vào quỹ thần; không phân biệt được thực hư; thường nghĩ về chết và có thể tự tử. Còn nhiều triệu chứng lắm. Nhưng tôi thấy rõ là khi Lộc bị bịnh, nhiều chuyện hay nhiều câu nói từ xửa từ xưa chúng tôi hay dùng để chọc nó cho vui đều nằm sâu trong tiềm thức nó từ lúc nào và bây giờ thì sống lại. Đó là một kinh nghiệm cho chúng ta phải cẩn thận khi đối xử hoặc ăn nói với con cái. Nhiều khi tôi nghĩ lại mà thấy may, lâu nay chúng tôi không bao giờ để cho Lộc coi phim ảnh hoặc nghe kể những câu truyện có tính cách bạo hành, hoặc là chơi những game bắn giết người. Chứ không đến lúc bịnh như vầy, những chuyện bạo hành đó chui ra khỏi tâm trí và lỡ nó làm chuyện gì đó không hay thì nguy hiểm biết chừng nào.

Nguyên nhân Lộc bị bịnh Bipolar Disoder có thể vì Lộc bị nhiều áp lực vì việc học, việc đờn; và cũng vì Lộc đang trong thời kỳ tuổi dậy thì, cơ thể thay đổi. Nhưng chắc chắn là không phải di truyền từ gia đình. 

 Lộc vào ở khoa thần kinh tất cả là ba lần. Sau ba lần này bịnh nó có trở đi trở lại nhưng không nặng như những lần đầu nên không phải nhập viện. Bác sĩ cho phép để cháu ở nhà, gia đình chăm sóc, yêu thương là phương thuốc chính. Sau năm tuần Lộc ở bệnh viện, các bác sĩ và y tá ở đây cũng tin tưởng chúng tôi rồi. Họ bảo họ chưa thấy gia đình nào lo cho con như vậy. Những đứa trẻ bịnh nhân khác đâu có đứa nào được gia đình túc trực săn sóc như Lộc. Người Mỹ họ khác mình, con cái tự lập tự lo từ lúc nhỏ. Còn Việt nam thì cứ chăm chút lo lắng bảo bọc cho con suốt đời. Không thể nói lối giáo dục bên nào hay hơn.

Trong thời gian Lộc bị bịnh, cô giáo dạy đờn và một cô giáo cũ hồi lớp năm của Lộc thường xuyên lên bệnh viện thăm nom. Hai cô giáo này đều là người Mỹ, hai cô thương Lộc lắm. Có hôm tôi thấy cô Shaffer (dạy đờn piano) khoanh tay trước ngực giả bộ như cái rổ để Lộc ném banh vào. Trái banh bóng rổ nặng chịch trúng nhằm mặt, nhằm vai mà thương cho cô quá. Tướng cô quý phái, yểu điệu thướt tha, nhưng lại hòa đồng và chịu thương chịu khó với Lộc như vậy làm tôi thật ngạc nhiên và cảm động. Cô cứ nghĩ là một phần tại cô dồn ép học sinh mà khiến Lộc bị bịnh và ra nông nỗi này.

Còn nhà trường cũng hàng ngày liên lạc với bệnh viện và với phụ huynh. Cô thày và các bạn học thường gởi thơ, gởi thiệp thăm hỏi, động viên. Tôi nhớ lúc gần hết niên khóa, có lần Lộc lên trường để chào tạm biệt các bạn, cả lớp mừng rỡ đứng lên vỗ tay hoan hô làm tôi rất cảm động và mừng là con mình cũng được cảm tình của các bạn. Đó cũng là một trong những điều tốt mà học sinh ở Mỹ được giáo dục. Trẻ biết giúp đỡ và yêu thương người bị khuyết tật chứ không như ở một số nước chậm tiến, đem tật nguyền của người khác ra trêu ghẹo, chọc phá.

Lộc bị bịnh nên không lên trường nữa cho đến hết niên khóa, thay vì thế thì nó đi học ở "Day treatment" gần bệnh viện. Nhà trường phổ thông của Lộc phải thu xếp xe taxi đưa đón riêng Lộc mỗi ngày. Lộc tới lớp chỉ để nghỉ ngơi, học sơ sơ toán cộng toán trừ và có bác sĩ tới quan sát, khám bịnh theo dõi sức khỏe của nó. Họ cũng thường cho Lộc thử máu để xem lượng chì có cao hơn bình thường không mà thay đổi thuốc ngay lập tức. Thật là kỹ càng! Cứ như vậy cho đến hè, Lộc cũng được cho hoàn tất chương trình lớp sáu và lên lớp bảy như các bạn bình thường khác.

Nhờ gia đình quan tâm đặt hết thì giờ cho Lộc nên nó dần dần khỏi bịnh. Những chu kỳ trở bịnh kéo dài ra rồi hết hẳn. Mỗi ngày Lộc khỏi phải làm toán, tập đờn nhiều và làm cả đống homework như trước nữa. Thay vì thế chúng tôi tranh thủ chia nhau đưa nó ra công viên dạo chơi mỗi ngày.

Mùa xuân đến, cây cỏ xanh tươi, bông hoa muôn sắc, gió mát hiu hiu, phong cảnh tuyệt vời như thế cũng góp phần giúp cho Lộc được sớm hồi phục. Nó vui vẻ, yêu đời, nhảy nhót như chim, hưởng thụ cuộc sống sinh động đầy màu sắc, và đầy âm thanh này. Thật ra, Lộc đâu có nhìn được cảnh đẹp của thiên nhiên và vạn vật, nhưng tôi an ủi nó:

-"Sáng mắt đâu bằng sáng lòng", chỉ cần tâm hồn con trong sáng, biết nhìn được điều hay lẽ phải là con hơn nhiều người có mắt mà cũng như mù vì tâm hồn họ đen tối chỉ làm toàn điều ác hại người.

Năm nay Lộc học lớp chín rồi. Nó cao lớn khỏe mạnh. Ở trường thày cô đặc biệt để nó làm số lượng homework bằng một nửa học sinh bình thường. Hiểu bài là được. Còn âm nhạc thì chỉ còn học cho vui, không còn phải luyện để đi thi như trước nữa. Không có gì quan trọng bằng sức khỏe!

Con người có phải ai cũng có một số phận" Nhưng nếu không thử thì biết số phận mình như thế nào" Có khi nhân định thắng thiên mà cũng có khi ta cũng phải chấp nhận câu "số phận đã an bài". Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình được thành đạt nên người, nhưng có ai cũng được hài lòng cả đâu. Trải qua những tháng ngày với con khi nó bị bịnh, chúng tôi giờ đây chỉ mong con cái mình được một cuộc sống khỏe mạnh, thoải mái. Nhiều khi thấy cũng tiếc cho những năng khiếu của nó, nhưng thôi! Cạch đến già! 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,321,068
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.