Hôm nay,  

Bố tôi

04/06/200700:00:00(Xem: 154679)

Tác giả: An Trinh

Bài số 1263-1874-579vb2040607

*

Tác giả An Trinh đã góp một số bài viết đặc biệt về đề tài gia đình. “Bố Tôi” là bài viết mới nhất của ba, nhân mùa Father’s Day.

*

Phải nói rằng tôi là thằng con trai vô cùng bướng bỉnh.  Với tuổi đời ngót nghét ba mươi, ngồi nghĩ lại, quả thật tôi chưa làm được điều gì theo ý muốn của bố tôi cả.

Ngay lúc mới hai tuổi, nghe lời mẹ kể, tôi đã nghịch ngợm cầm que tăm chọc vào tai, chả hiểu đã đâm thủng màng lỗ nhĩ chưa mà máu chảy ra ướt cả vai áo nhưng không thèm khóc cho tới khi mẹ nhìn thấy.  Bố mẹ cuống cuồng đưa tôi đi bác sĩ.  May sao tôi không bị điếc sau cái vụ đó.

Rồi khi ba tuổi, bố bế tôi đi vượt biên.  Cũng lời mẹ kể, sáng hôm ấy, tôi vui lắm.  Dù bị đánh thức dậy thật sớm nhưng vì được bố diện cho bộ quần áo bốn túi, vải dầy mầu xanh lam đậm -chỉ được mặc những khi đi chơi đâu hay về thăm ông bà nội ngoại- trông rất bảnh.  Nên tôi không lấy thế làm phiền mà hân hoan ra mặt, tưởng tượng được hết người này đến người kia cầm tay vuốt tóc khen con bố Chính đẹp trai rồi cho ăn bánh ăn kẹo, tôi chỉ mong thoát khỏi vòng tay ôm của mẹ ra đường thẳng hướng đến những nơi vui vẻ ấy cho mau cho lẹ.

Tôi nào có ngờ đâu, cả một ngày ngột ngạt, phải ngồi im thin thít trong lòng bố trên chiếc xe chật chội ì ạch không khác gì ông cụ già hì hục leo núi, thở hổn hển từng hồi để thu ngắn con đường dài dằng dặc từ SaiGòn đi Rạch Giá, tới điểm hẹn để lên tầu ra biển, xa rời quê hương đất nước mà tôi không nhớ được như thế nào.  Vì nực nội khó chịu và vì những mùi gì tôi chưa bao giờ bị ngửi và cả vì những người lạ, những tiếng ồn ào lộn xộn chung quanh, thỉnh thoảng tôi quay lại ngước mắt hỏi bố:

- Bố ơi tới chưa"

Bố ghé sát miệng vào mái tóc tôi trả lời thật nhỏ:

- Sắp rồi con, ráng chút xíu sẽ tới thôi.

Nghe giọng bố có vẻ quan trọng, tôi nhổm lên, kéo tai bố xuống thì thào vào đó:

- Sao lâu thế"

Nhớ mấy lần trước bao giờ bố cũng phì cười rồi nói giỡn giỡn cho tôi vui, nhưng hôm ấy, bố chỉ lắc lắc cái đầu, ánh mắt như muốn bảo tôi phải giữ im lặng, đừng thắc mắc nhiều.  Thấy bố có vẻ mệt và buồn nên tôi cũng buồn theo với cả ngàn câu hỏi ấm ức trong lòng.

Những lúc không phải ngồi trên xe thì bố cõng tôi trên lưng.  Hai bố con tôi sau chuyến đi hãi hùng lênh đênh giữa biển cả hơn mười ngày, bị hải tặc nhẩy qua cướp 4 lần mới tới được đảo tạm trú rồi dừng chân ở đất nước này.  Suốt quãng thời gian không có mẹ, bố vừa làm mẹ lẫn làm cha, lo cho tôi từng chút, rất chu đáo.  Chắc không có người đàn ông nào dịu dàng tỉ mỉ săn sóc con nhỏ đầy đủ cẩn thận đến thế.  Vắng bàn tay của mẹ nhưng tôi không cảm thấy thiếu thốn gì.  Ban ngày bố đi làm, gửi tôi nơi nhà trẻ.  Tối bố đón về, dẫn đi ăn, tắm rửa rồi dạy tôi học, cầm tay tôi đồ từng nét trong cuốn tập có những hàng chữ mẫu.  Lên giường bố không ngừng xoa lưng cho tôi chìm dần vào giấc ngủ.  Cuối tuần đi chơi đây đó cả ngày, đòi gì bố cũng mua cho.  Thời gian này trò chơi nào có trong thành phố dành cho con nít, tôi đều được bố cho tham dự, thoải mái thích thú vui hưởng.

Tới ngày mẹ tôi qua, không còn bị thiếu mẹ nên bố không chiều tôi nữa.  Bố nghiêm nghị bắt tôi vào khuôn khổ, hay tại tôi lớn rồi nên bố luôn ép tôi học hành.  Lười một tí cũng không được.  Chữ phải viết cho đẹp, tròn trịa vuông vắn.  Toán phải tập làm cho thật nhiều.  Điểm phải cho thật cao, 100 thì tốt, dưới 90 là bị chê, dù bằng những lời nhỏ nhẹ thôi.  Mặt bố vui hay buồn theo điểm A+ hay A- của tôi.  Dứt khoát không chấp nhận điểm B.  Thế là tôi cứ phải nhào đầu vào mà học.  Nhưng không vì vậy mà tôi không có thì giờ rong chơi, tôi đã biết dối trá chút đỉnh để qua mặt bố lang thang với bè bạn ngay từ hồi còn ở bậc tiểu học.

Lên Middle School, bố muốn tôi học đàn, tôi đòi học trống.  Cũng không sao, đàn với trống không khác nhau cho lắm.  Thực ra tôi chẳng thích trống tí nào, chỉ vì không thích phải vâng lời bố.  Mà đòi chơi basket ball hay foot ball thì biết chắc là bố sẽ nghe lời mẹ nhất định không cho.  Mẹ sợ tôi chạy không lại với tụi học trò bản xứ to con lớn xác.  Mỗi Chúa Nhật, bố chở tôi đến nhà ông thày dạy trống, ngồi ngoài xe đọc báo cả giờ đông hồ đợi chờ trong khi tôi chỉ muốn trong thời gian đó, ông thầy đừng làm nhiệm vụ, coi TiVi hay nằm ngủ cũng được để tôi khỏi phải cầm dùi gõ lên cái mặt da bò tròn quay ấy, nghe lùng bùng cái lỗ tai muốn nhức cả đầu và mỏi cả cánh tay. 

Thấy học suốt năm mà chỉ một lần đi diễn hành phô trương tài nghệ chẳng ra gì.  Mỗi giờ học tốn hai chục đồng đáng lẽ phải thực tập ở nhà lấy một mình thêm nữa thì tôi không bao giờ chịu làm việc ấy dù mẹ nhắc nhở dục dã hoài hơi mỏi miệng.  Nên năm sau, bố bàn với mẹ cho tôi chơi basketball.  Tranh banh với bạn hung hăng quá, tôi bị chúng đè gẫy tay, bó bột mấy tháng mới lành, bố lo tắm rửa săn sóc tôi không một lời la mắng.  Thử tưởng tượng, lớn tồng ngồng còn bị người khác tắm hộ dù người đó là bố mình, nhất là bố sợ tôi bị ngứa nên kỳ cọ rất kỹ, lại nương nhẹ sợ bị đụng vào tay đau.  Ngại ngùng muốn chết, tôi cứ phải kêu lên:

- Thôi bố ơi... sạch rồi.

Bố gắt yêu:

- Lại bày đặt mắc cở nữa.  Có muốn ghẻ kềnh ghẻ càng ra đây không"

Tưởng một lần gẫy tay đã là hết hồn, đằng này tôi bị gẫy tay tới hai lần.  Lần sau vào đúng vết gẫy của lần trước, cũng tại tranh banh, cũng tại bị đè.  Do đó khi lên High School, dù tôi rất thích basket-ball và chơi rất khá, tạo nhiều thành tích cho lớp cho trường nhưng mẹ bảo không ham và bố có lý do bắt tôi chơi tennis, không phải tranh dành vật lộn với ai, không bị ai đè xuống gẫy tay gẫy chân nguy hiểm.  Thôi thì tennis cũng được miễn là tôi có những thời gian đi tập dượt để từ đó tha hồ bay nhảy với mấy thằng bạn, không phải về nhà ngồi vào bàn học chúi mũi nhìn những trang sách vở hay nơi bàn ăn để phải cắm cúi nhai hết món này tới món khác mà mẹ bảo là bổ béo rất cần cho sức khỏe của tôi.

Thời gian này tôi có cô bạn gái tóc vàng người Mỹ, dĩ nhiên bố tôi chẳng ưng bụng, một phần sợ tôi hò hẹn trai gái lơ là học hành, một phần có cha mẹ Việt Nam nào muốn con mình yêu người ngoại chủng.  Tôi biết bố cũng như mẹ không tỏ vẻ cấm đoán nhưng cầu nguyện hằng đêm sao cho hai đứa chúng tôi bỏ nhau càng sớm càng tốt.  Dầu vậy, cuối tuần mỗi lần chúng tôi phải đi tournament ở đâu - cô bạn gái của tôi cũng chơi tennis và là partner của tôi - bố tôi và bố nàng thay phiên đưa chúng tôi đi, ngồi lại hết buổi để cổ võ tinh thần chúng tôi.  Khi chúng tôi thắng, bố vỗ tay hò hét khan cả tiếng.  Còn khi thua, bố tới vỗ vai nói năng pha trò làm chúng tôi phải nhe răng ra cười quên cả buồn phiền bực bội.

Với tính ham chơi, tôi có rất nhiều bạn, xấu có, tốt có, học giỏi có mà học dốt cũng có luôn.  Lợi dụng phải ở lại tập dượt sau mỗi buổi học, tôi đi miết từ chiều cho tới tối khuya tối mịt, tụ tập đàn đúm uống bia hút thuốc.  Tuy report-cards đem về vẫn điểm A nhưng tôi bỏ lớp khá nhiều.  Tôi được bạn chỉ dẫn mánh lới, nhà trường không thể phê tôi điểm xấu và có thể qua mặt bố tôi một cái vù.  Nhất là khi đang lớp 12, các môn học tôi đã xong gần hết ngay từ đầu năm nhưng tôi vẫn tà tà vắng mặt ở nhà bình thường giống như những năm trước để đi chơi đủ nơi đủ chỗ, học hỏi tất cả những điều nên cũng như không nên từ lũ bạn quỷ quái của tôi. 

Thêm vào đó, có mấy lớp, nhà trường cho lên College lấy trước để mai mốt vào đại học đỡ phải mệt, tôi càng có cơ hội đi chơi nhiều hơn.  Tôi nghĩ rằng cứ điểm A đem về là xong bổn phận. Chiều tôi không ghé nhà ăn cơm, lấy cớ đi học rồi đi chơi luôn, có khi tới quá nửa đêm để bố tôi chong đèn ngồi đợi.  Vừa khi ngừng tại driveway, mở cửa xe bước xuống là cánh cửa nhà cũng mở ra, bố tôi đứng đó đón tôi vào, lắc đầu nhẫn nhịn lên tiếng:

- Tắm rửa rồi lo đi ngủ, muộn rồi, sáng mai còn đi học.

Chỉ một câu thế thôi, rồi bố khoá cửa bước vội lên lầu vào phòng riêng của bố, chắc để giấu tiếng thở dài không cho thoát ra trước mặt tôi.  Nếu vào những ngày mẹ day off - mẹ tôi làm ca chiều - chắc chắn tôi sẽ bị bà trợn mắt mắng mỏ cho một trận nên thân.  Nhưng bố tôi thì không, ông dằn sự nóng giận rất tài tình, lắm khi ông còn can mẹ:

- Thôi, cho nó đi ngủ...

Rồi quay qua bảo tôi:

- Những lời mẹ nói nhớ lấy đừng để mẹ buồn nữa.

Mẹ la mẹ khóc, không làm tôi ân hận bằng sự lặng lẽ chịu đựng của bố.  Sau những lần rong chơi quên giờ quên giấc, tôi thật tâm biết lỗi, tôi luôn luôn tự hứa là sẽ hối cải, cố gắng không vậy nữa, nhưng tôi không kiềm nổi bước chân khi có bạn bè rủ rê và vì thời gian vui chơi qua nhanh quá tôi không lường nổi.

Xong trung học, tôi được hai trường khá nổi tiếng nhận vào.  Nếu tôi vào trường kia chắc bố tôi hài lòng lắm, nhưng tôi lại vào trường này là trường bố tôi ghét nhất.  Tôi thực tâm thương yêu kính trọng bố mà không hiểu sao tôi cứ vô tình làm trái ý bố thôi.  Tôi muốn cho ông và cho tất cả mọi người biết tôi không phải cái thằng bảo sao nghe vậy.  Hình như tôi không thích là một đứa con hiền lành dễ dạy, chỉ biết vâng lời cha mẹ.

Tôi vào trường quân đội.  Dù tôi cố tình làm ngược ý bố, bố giận lúc đầu rồi sau đó vẫn tìm cách lo cho tôi, vẫn thương yêu trìu mến như tôi chẳng bướng bỉnh chút nào, như tôi là đứa con ngoan ngoãn nhất đời của bố.  Biết tôi có người yêu đang đợi chờ nhớ nhung, bố gửi cho tôi tiền mua vé máy bay về thăm nhà tất cả những dịp lễ nghỉ.  Bố chỉ vẽ cho tôi phải làm gì khi ngồi chầu chực ở nhà nàng, lấy cảm tình của cha mẹ và các em nàng dù nàng mắt xanh tóc vàng, là người bố tôi chẳng mong muốn cho tôi nhưng bố vẫn dạy tôi giữ gìn tư cách thật đàng hoàng, phong thái lịch sự lễ độ, dễ thưong dễ mến để được cả gia đình nàng yêu quý. 

Sau bốn năm được thụ huấn trong trường Naval Academy, thêm một lần nữa tôi làm bố chán nản.  Thay vì theo Navy  xin đi dạy học đâu đó tôi lại theo Marine mặc quần áo rằn ri đi tác chiến.  Tôi ưa những thứ dữ.  Tôi lại làm bố phải sợ hãi buồn phiền lo lắng.  Có lẽ bố đã hoàn toàn thất vọng về thằng con trai độc nhất của bố nên kỳ về phép thăm nhà sau một thời gian cầm cự nơi chiến trường Iraq, mẹ vui vẻ hỏi tôi:

- Con sắp hết hạn phục vụ trong quân đội rồi phải không"  Lo mà giải ngũ đi chứ"

Tôi băn khoăn chưa biết trả lời ra sao thì mẹ quay qua bố:

- Anh bảo nó một tiếng, nay đây mai đó như vậy bao giờ mới có vợ"

Bố lắc đầu:

- Anh hết ý kiến với nó rồi, bảo có bao giờ chịu nghe đâu.

Nét mặt, ánh mắt cũng như giọng nói của bố ám ảnh tôi mãi trong những ngày sau đó. Tôi suy nghĩ thật nhiều.  Sao tôi không làm bố vui được một lần, một lần để đáp lại một ngàn, một vạn lần bố làm cho tôi vui.  Cuối cùng tôi đã giải ngũ.

Dĩ nhiên chuyện hôn nhân của tôi, bố càng không có ý kiến.  Hôm nói với bố mẹ về người con gái tôi sẽ chọn làm vợ, bố điềm đạm bảo:

- Chỉ có con biết ai là "right one" của con.  Bố mẹ luôn sẵn sàng khi con nhờ đến.  Cả về tinh thần lẫn vật chất, cần gì con cứ nói.

Nói với bố là chỉ để bố biết.  Nếu bố có ý kiến mà ý kiến đó trái với ý của tôi, bảo đảm tôi sẽ chẳng nghe.  Tôi hiểu tôi hơn ai hết và tôi cũng muốn nghe lời bố tôi vô cùng.  Thật sự lúc này tôi hết sức ân hận là sao ngày xưa những chuyện nhỏ nhỏ tôi không chịu nghe lời bố, ít ra một lần, để đến bây giờ tôi không đến nỗi bị dằn vặt cắn rứt.  Vì từ nay, người mà tôi phải nghe lời là vợ tôi rồi, làm sao tôi có thể nghe lời bố tôi được nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,301,955
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.