Người viết: Trần Huyền Chi
Bài số 1257-1868-573vb7050507
*
Tác giả cho biết bà sinh năm 1959, bà mẹ của 4 người con, hiện là cư dân VA Beach, tiểu bang VA, làm nghề nail. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là tự truyện của người vượt biển năm 90’, khi trại tị nạn đã chính thức đóng cửa, thanh lọc, với nhiều chi tiết thật sống động, xúc động về đảo tị nạn: từ sinh nở tới cảnh thanh lọc, tự thiêu...
*
Ăn Tết xong được vài tuần. Gia đình tôi gồm hai vợ chồng, 2 đứa con: Trai lớn 10 tuổi, gái kế được tám tuổi, đánh cây bài quyết định ăn thua. Đi vượt biên.
Sáng ngày 18-3-90 một người đàn ông đến dẫn cả nhà tôi đi ra bến xe về Cần Thơ. Trước khi đi ông đưa cho tôi một tấm vé số, bảo tôi xé làm 2, nửa đưa cho em gái tôi giữ, nửa còn lại thì tôi cất, khi nào đến cá lớn (ghe đậu ở ngoài biển) an toàn, sẽ có người đi thâu những tấm vé số đó lại, họ sẽ đem về đưa lại cho em tôi. Nếu nối ráp trùng khớp, tức là tôi đã đến nơi an toàn, gia đình tôi sẽ chung nốt số tiền còn lại.
Thế là rời xa quê hương khỏi kể thì mọi người cũng biết chuyến vượt biên nào chẳng gian nan, 13 ngày đói khát, 13 ngày không thức ăn, nước uống, tàu hư, cuối cùng cũng đến được Indo. Nhưng rất may mắn là tàu của chúng tôi không gặp hải tặc.
Đoàn tàu tôi tổng cộng già trẻ, bé, lớn tất cả 97 người. Đến Galang ngày 31 tháng 03. Bây giờ thì số tàu của tôi sẽ là GA-0331-97. Theo số đó mà làm thẻ I.D để nhận thư từ. GA có nghĩa là Galang 0331 là ngày đến đảo, còn 97 là 97 người.
Thí dụ có tàu đến đảo ngày 2.07 gồm 90 người, thì số tàu đó sẽ là GA 0207-90. Như vậy thì dù có tên trùng với nhau, nhưng số tàu vẫn khác, không bao giờ có chuyện lẫn lộn thư và giấy tờ của ai cả.
Khi đến tàu đang khai tên họ để chuyển vô Barrack ở, tôi mới biết là LHQ đã ra lệnh đóng cửa đảo ngày 17-03-1989. Không còn chấp nhận cho người tỵ nạn đến trại nữa.
Nói trắng ra là chúng tôi không được chính quyền coi là người tỵ nạn, chúng tôi sẽ phải trải qua 1 cuộc thanh lọc. Nếu đậu thì đi định cư ở đệ tam quốc gia, còn rớt thì sáu tháng sau được quyền khiếu nại, nếu đơn khiếu nại bị bác bỏ, thì phải bị hồi hương về VN không chừng.
Bữa đầu tiên lên đảo được phân bố như sau: Tất cả phải chia ra làm tổ, 1 tổ gồm 5 người để tiện việc phân phát lương thực. 97 người chia ra được 19 tổ 16 người cho đủ 2 người lẻ kia.
Mỗi tuần Cao Ủy sẽ phát lương thực vào ngày thứ tư, mỗi tàu cử ra 4, 5 thanh niên khỏe mạnh đi khuân vác gạo, đậu nành, cá mòi về chia cho đồng bào ở Barrack.
Mỗi thứ bảy sẽ là giờ lao động, tất cả mọi người trừ con nít, phải dọn dẹp Barrack cho sạch sẽ, hốt rác, nhổ cỏ, nói chung là tổng vệ sinh.
Xong rồi cao ủy đưa chúng tôi đến một nền xi măng bề ngang khoảng 5m, dài khoảng hơn 20m, trên thì lợp lá, 4 phía trống tan hoang, không có vách gì cả. Kêu rằng vài bữa có lá sẽ kêu người đi khuân về, đồng bào tự lợp vách, che mưa nắng.
Cái sân đó chia làm 2, phía bên tay phải là 9 ô, phía bên trái là 9 ô, chánh giữa để một con đường đi thẳng từ đầu Barrack đến cuối Barrack. Sau khi lấy thước đo xong gia đình bà Bảy ở ô đầu tiên bên phải, kế đến ông sáu An, bà Thoa, Hùng râu, Trường, Vân, Lê Ngọc.
Phía trái đầu tiên là vợ chồng Dũng Hạnh, kế đến là nhà tôi. Tiếp là bà Cúc, ông Sơnke (Ông này người Campuchia) rồi đến gia đình ông Đoàn Văn Hải, ĐoànVăn Vượng (2 người này là 2 anh em, tiếp đến cha con ông Nguyễn Văn Khoán, ông Bố Tâm (Ông này lớn tuổi nhất tàu tên Nguyễn Văn Tâm) mọi người gọi ông là Bố Tâm.
Tối đầu tiên sau khi chia lương thực, mỗi người được 1 cái chén mũ màu đỏ, 1 chiếu cá nhân 2 kg rưỡi gạo, 1 xị dầu ăn, 1 xị dầu hôi, 3 hộp cá mòi, đó là hàng tuần sẽ lãnh- còn chén, chiếu, lò dầu, 1 cái nồi, 1 cái chảo chỉ phát 1 lần khi đến đảo mà thôi. Gia đình tôi có 4 người, 1 thằng độc thân tên Võ Văn Hớn đi một mình nhập chung tổ với tôi, thế là đủ 5 người.
Tối hôm đó, sau khi nấu cơm khui cá mòi ăn xong, có người ra sáng kiến lấy đậu nành rang chín lên, đổ nước sôi vào nấu uống thay trà. Tôi đang có bầu 3 tháng, đang nằm lả người vì mệt nghe mọi người nói chuyện.
Ai ai cũng tự thêu dệt cho mình một lý lịch hùng mạnh để chuẩn bị gặp phái đoàn thanh lọc.
- Trần Thị Cúc có 2 đứa con ở Mỹ, đi vượt biên đem theo 2 đứa con gái tên Thủy và Phượng. Bố Tâm bảo bà đậu rồi, con còn nhỏ cần có mẹ qua chăm sóc.
- Bố Tâm thì bị đánh tư sản, Ba của Bố bị cộng sản đấu tố. Bố lại già nữa, thế nào Mỹ cũng xét lý lịch cho đi diện nhân đạo.
- Ông Võ Văn Sen mọi người gọi là ông Bảy Sen, theo lời ông kể ông làm cho Bộ Nội Vụ, đậu là cái cẳng.
- Đoàn Văn Vượng cùng Đoàn Văn Hải, 2 anh em đi lính VNCH học tập trại cải tạo mấy năm. Thế là chắc đậu rồi.
- Nguyễn Văn Khoán có vợ ở Mỹ khỏi lo 100% là đậu thôi.
- Chồng tôi Nguyễn Minh Ngọc có mẹ và chị ở Mỹ, ai đó xuýt xoa: vậy là sướng rồi- Trước sau ông này cũng đi theo diện ODP. Mẹ bảo lãnh con.
- Lê Ngọc- La Bích Liên... Nhàn- Thọ- Phùng- Xuân... ai ai cũng chắc lắm, tự tin vô cùng, nếu như vậy thì cả tàu tôi cũng đều đậu cả, không có ai rớt hết.
- Những ngày sống ở đảo thật gian nan, lượm một cái lon nước ngọt của Indo bỏ, đổ dầu hôi vào, thả vô một sợi dây làm tim đèn, thế là đã có 1 cái đèn dầu.
- Mỗi tuần lãnh lương thực, sự đói khác làm cho con người thêm bần tiện, người này tố người kia, ăn xén bớt gạo của dân trong tổ. Khi nó đong gạo cho mình nó gạt sâu xuống, còn khi nó đong gạo cho nó, nó gạt lưng ở bên trên, đó là lời Bà Bảy hay phê bình đám người lãnh lương thực...
Riêng phần tôi mỗi tối nằm nhìn sao trên trời, thèm đủ thứ, thèm 1 trái chuối, 1 cục nước đá ngậm cho đã đời, nhớ lời bà dẫn đường đã nói: cứ ra đến đảo có tàu của Liên Hiệp Quốc chạy ra đón vô, cho thức ăn, phát quần áo, rồi đưa lên máy bay đi về Mỹ, đừng mang theo quần áo nhiều, hành lý càng gọn càng tốt... Cứ y như thiên đàng vậy đó.
LÂM TUYẾT KHANH
Cả đoàn tàu ngày nào cũng mong thơ người thân như mùa nắng hạ trông mưa. Một buổi sáng Lâm Bảo Vinh chạy từ ngoài về thở hổn hển:
- Tàu mình ai tên Lâm Tuyết Khanh. Tôi thấy để tên tàu GA 0331-97 có thư bảo đảm.
Bà Bảy lên tiếng: Là tui. Bây giờ mới biết tên thật của bà, bà Thoa còn nói: tên đẹp quá hén! Bà Bảy đi lãnh thơ về có 100 đô. Bà bán và chia cho mỗi người mượn 5000$ tiền Indo. Ai cũng có phần, kể cả tôi.
Rồi lần lượt cả tàu ai cũng có thư bảo đảm hết, chỉ riêng tôi càng ngày càng mòn mỏi, nợ càng nhiều mà thơ chẳng thấy...
Có người trong đoàn nói rằng tôi xạo, đồ ba đía, không có thân nhân mà cứ nhận có, để mượn tiền hết người này đến người kia, mỗi ngày nhỏ con gái của tôi đi lục từng thùng rác của tụi Indo lượm từng khúc bánh mì dư, vài cái hột mít đem về, kêu tôi luộc lên cho nó ăn, thấy mà thương quá.
Riêng bà Bảy là người động viên tôi nhiều nhất, bà biết tôi đang có bầu thèm đủ thứ, cứ dúi tiền cho tôi mượn và nói: kệ, đừng có nghe mấy con mẹ nhiều chuyện đó, cứ lấy xài đi chừng nào có thì trả, còn không thì thôi, không sao hết...
Đến ngày tôi đi sanh, hôm đó đau bụng cả ngày, tôi kêu chồng tôi đi mua sẵn 2 lon bia đễ lúc sanh em bé, đưa cho bà mụ tắm em bé (ở đảo lúc đi sanh bà mụ bắt phải vậy).
Đến nhà thương, bà mụ kêu tôi nằm ở trên giường, chờ khi nào sanh thì sanh, không một mũi thuốc khỏe, không một ly sữa uống, y như thời tiền sử của những người xa xưa, đau thì cứ đau, để coi mày đau đến bao lâu, mày thua hay tao thua. Cuối cùng tôi thắng, cơn đau cho ra một thằng con trai.
Sau khi cắt rốn xong bà mụ kêu chồng tôi cầm cái nhau đem về chôn, bà bảy còn dặn là đào đất cho sâu đó, chứ đào cạn quá chuột nó bươi lên nó ăn, em bé bị đau bụng hoài... Ngày qua ngày, con tôi được một tháng, bà Bảy là người gần gũi tôi nhiều nhất, giữ con giúp tôi, ẵm con, tắm dùm con tôi... còn hơn là người thân của mình nữa, nghĩ đến mà cảm động...
CHÂU THỊ TƯỜNG VÂN
Là tên của một người đi chung tàu, cũng là bạn thân nhất của tôi, 2 đứa tôi thân lắm, tha hồ mà nhiều chuyện, từ chuyện trên trời, chuyện dưới đất, chuyện ở quê nhà, người đậu thanh lọc, kẻ rớt khiếu nại. Ôi mấy năm có muôn vàn chuyện để nói.
Mà khỏi nói cũng biết mấy bà mà, ăn khôn ngồi rồi không nhiều chuyện sao được, lúc tôi chưa nhận được tiền viện trợ, có người còn độc ác tự đoán, thằng lớn là con riêng của chồng tôi, còn đứa con gái là con riêng của tôi, gian phu dâm phụ gặp nhau, lỡ có bầu nên đi vượt biên... đến lúc tôi nhận được tiền của bà má chồng, và đem khai sanh ra làm giấy tờ, thiên hạ mới hết dèm pha, nghĩ chuyện đời cũng buồn cười quá, đồng tiền nói còn mạnh hơn miệng người nữa...
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, rồi tàu tôi đến lượt phải lên thanh lọc, từ từ cả đoàn đã thanh lọc xong, bây giờ chỉ còn chờ xổ số kết quả.
Hôm đi thanh lọc về, chồng tôi tự tin lắm, đưa hết giấy tờ cho luật sư coi, nói trót lọt như thuộc bài, cũng mong mọi sự tốt lành. Tử vi nói tôi có số xuất ngoại mà, nhớ hôm Tết chưng dĩa trái cây để cúng, tự nhiên trái cây rớt ào xuống hết, không biết có điềm chi không đây"
Thế rồi một buổi sáng, loa phát thanh kêu to: Kính mời những đồng bào có tên dưới đây, đúng 8g sáng mai ra văn phòng Cao Ủy ở Galang I để nhận kết quả thanh lọc:
- Đồng bào. . . đi tàu GA 0207-70
- Đồng bào Võ Văn Sen đi tàu GA 0331-97
- Đồng bào Nguyễn Văn Khoán đi tàu GA 0331-97
- Đồng bào Võ Văn Hớn...
Rồi tới các tên Lê Ngọc, Nguyễn Minh Ngọc, Châu Thị Tường Vân...
Đêm đó cả tàu không ai ngủ được, hồi hộp, lo âu, nôn nóng, có người còn lấy bài ra để bói nữa.
Kết quả thanh lọc cả đoàn tàu rớt nhiều hơn đậu, kể cả những sĩ quan thuộc chế độ cũ, chỉ có diện vợ chồng là đậu thôi. Bây giờ không khí u ám bao vây cả Barrack, đoàn tàu bây giờ chia làm 2 phe, phe đậu và rớt, phe đậu thì vui lắm, ngồi đâu cũng bàn tính về tương lai, sẽ định cư ở đâu, qua nươc thứ 3 sẽ làm gì. Còn phe rớt thì buồn bã, chuẩn bị làm đơn khiếu nại chờ đợt xổ khiếu nại tiếp đến. Trong đó có cả tôi, không biết nếu xổ khiếu nại mà rớt, số phận gia đình tôi sẽ ra sao"
Bà Bảy, Ông Sáu An cùng con trai tên Thịnh, ông Hải, Vượng, Hòa, Nhàn, Thọ, Bố Tâm... còn nhiều nữa, rớt hết.
Một buổi sáng tôi đang ngồi chợt thằng Hà chạy đến tìm tôi (thằng Hà đi tàu khác đến trước tàu tôi) nó đã rớt đợt 2 rồi, bây giờ nó đang cặp bồ với con nhỏ tên Kim Thanh đi chung tàu với tôi- Kim Thanh cũng rớt luôn.
Thằng Hà nói: Tôi biết chỗ lo thanh lọc.
Tôi nghi ngờ: Thiệt không"
- Thiệt chứ sao, tui biết bà có khả năng nên chỉ cho bà, chứ trong Barrack nhiều người đi diện mồ côi (ý nói không có thân nhân viện trợ) tui đâu có dám chỉ, nhưng bí mật à nhe.
Biết được điều đó rồi, sau khi bàn bạc với chồng tôi viết thư cho má chồng xin hỏi vay $6.000 để lo thanh lọc. Má chồng tôi sau khi nhận được thơ liền gửi cho $6.000, và còn nói lo được thì lo, còn không lo được thì lấy tiền đó về Việt Nam làm vốn, chứ để 3 cháu nhỏ khổ quá, đêm nào bà cũng khóc. . . . . nhớ là coi chừng bị gạt đó.
Má chồng tôi gửi $6.000 đô Mỹ. Thật sự là như vậy, nhưng tụi Indo này lưu manh lắm chứ không vừa đâu. Tiền đô Mỹ thì nó lấy, nhưng phát tiền cho mình thì nó phát bằng tiền Indo. Mình phải lấy tiền Indo ra chợ mua lại đô Mỹ. Sau khi đổi chác xong xuôi, tôi chỉ cầm trên tay có $4.500 đô Mỹ, mất toi $1.500.
Mà khi mua được tiền rồi, phải lựa tiền phẳng, gấp làm 3 lại để không gãy mặt hình Tổng Thống, như vậy tiền mới có giá, chứ nếu gãy mặt thì nếu sau này có đổi ra tiền Indo để xài, bị mất giá chút ít.
Từ khi có tiền rồi tôi sợ lắm, vì hàng ngày xảy biết bao nhiêu chuyện bị giết xô xuống hố, kẻ đi lấy nước suối bị người ta đập một gậy xét người lấy tiền, thời đại nhiễu nhương mà. Không dám ra khỏi nhà ban đêm, đi đâu cũng đi cùng bà Thoa hay Tường Vân. Có người bày tôi: người đâu của đó, gói 3 hay 4 lớp giấy, bọc thêm một lớp nilon cho chắc, lỡ nếu rời mưa thì không ướt tiền, cài kim băng vào trong quần lót... tôi thật sự là sợ lắm.
PAPA PHÚC
Trưa hôm đó, theo giờ hẹn, thằng Hà mướn một chiếc xe đạp chở tôi từ Galang 2 đến văn phòng Cao Ủy ở Galang 1. Khi đến trước văn phòng thằng Hà bảo: Bà vào đi, tôi đứng ở ngoài chờ, ổng không tiếp đàn ông đâu.
Tôi run run nhìn dáo dác xung quanh, bây giờ là giờ nghỉ trưa, văn phòng im lặng quá nghe cả tiếng tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực.
Bổng có tiếng hỏi:
- Đi đâu đây.
À thì ra 2 tên giữ trật tự. Tôi nói:
Tôi nói đi gặp PaPa Phúc.
- I-D đâu " Vẫn giọng nói đó.
Tôi lấy thẻ I.D đưa cho nó xem, nó xem hình trong thẻ có phải đúng là tôi không. Chừng vài phút sau, nó trở ra và nói: - Ổng không quen biết bà.
Đôi khi bước vào đường cùng, con người bổng sáng suốt lạ thường, trước sau gì cũng chết, có gì nữa mà sợ, tôi bình tĩnh đến nổi không ngờ:
- Em làm ơn nói với ổng, chị có hẹn với ổng, chắc ổng quên rồi đó.
Thằng trật tự lại đi vào, khoảng 2 phút sau nó đi ra cùng PaPa Phúc. Tôi mừng quá, chạy lại ôm lấy ổng và nói chỉ vừa đủ ổng nghe:
- PaPa giúp tôi đi, tôi có tiền nè.
Ổng nhìn tôi thật nhanh và ra dấu cho tôi vào phòng của ổng. Khi vào đến phòng tôi thấy 1 bàn giấy làm việc, 1 giường cá nhân, máy lạnh mở mát rượi chẳng bù với khí hậu nóng bức ở bên ngoài, à còn có thêm một cái tủ lạnh nữa.
Ổng hỏi trống không: có bao nhiêu"
Tôi nhẩm tính thật nhanh trong đầu. Một hồ sơ lo thanh lọc là $4.000. Tuy đổi được $4.500, nhưng đã ăn và trả nợ hết tôi chỉ còn đúng $4.000 chẵn. Nếu đưa hết $4.000 cho ổng, lấy gì mà ăn đây.
Tôi vội nói: Dạ có $3.900.
- Sao chỉ có $3.900 vậy.
- Dạ đúng ra có $4.000 nhưng xài thâm hết $100 còn lại $3.900 thôi, tôi cũng biết giá rồi, ông cho tôi thiếu $100 đi, chờ người nhà gởi qua, tôi sẽ đem lên trả ông liền.
Cũng nói trống không:
- Đưa đây coi.
Tôi vội quay lưng lại, ổng dư biết đàn bà dấu tiền ở đâu đó mà, ổng cũng quay chỗ khác không thèm nhìn, lợi dụng cơ hội đó tôi mở kim băng ra rút vội $100 giấu lại ở trong quần.
Sau khi nhìn thấy tiền xong ông nhìn tôi lần nữa, tôi nhìn lại ổng và so sánh. Người gì mà đen thùi, tóc quăn tít, da mặt sần sùi, xấu quá, người vậy mà có đến 7 vợ, làm vua ở đây coi hơn hai chục ngàn người tỵ nạn, mỗi ngày có một người con gái dâng hiến ngủ với ổng, để đổi lấy tấm giấy đậu thanh lọc. Đó là những tin đồn về Papa Phúc mà tôi đã nghe, chẳng biết trúng trật ra sao.
Đang miên man với ý nghĩ đó thì một giọng nói nhẹ nhàng cất lên:
- Tôi lấy $3.500 thôi.
Tôi như người trên trời rơi xuống, sợ quá hỏi lại:
- Tại sao vậy"
Ông nhìn tôi một lần nữa, tôi thấy ánh mắt ổng sao mà hiền quá, ổng nói thêm:
- Tôi lấy $3.500 thôi, còn $400 bà giữ lại để sống, chờ ngày đi định cư, thời gian còn dài lắm.
Trời ơi! Lời nói của PaPa Phúc, một ông vua mà ở Galang ai mà không biết tiếng, tiếng tốt thì ít, tiếng xấu thì nhiếu, nào là ông dâm đãng, ngủ với bao nhiêu con gái Việt Nam trẻ bao nhiêu cũng được, ông chỉ biết có tiền...
Lời nói sao mà thất đức quá, tôi không ngờ dưới bộ mặt xấu xí đó, cũng có lòng nhân đạo.
Ông còn cho biết số tiền đó, ông phải chia cho 3, 4 phía chứ không phải ông ăn một mình đâu...
Sau đó tôi đi về, yên tâm về thanh lọc thì ít nhưng yên tâm vì bây giờ không còn giữ tiền nữa, đỡ lo canh cánh bên lòng, sợ bị giết bị cướp, sợ đủ thứ...
Rồi về nhà tự hỏi sao mà gan quá vậy" Lỡ lúc đó thằng Hà nổi máu tham, lúc đi dọc đường nó đập tôi xỉu lấy hết tiền tôi thì sao" Mà không biết tại sao tôi lại có niền tin mãnh liệt vô cùng, tôi không bao giờ nghĩ PaPa Phúc sẽ gạt tôi, tôi cũng không hiểu tại sao...
NGUYỄN VĂN HÒA TỰ THIÊU
Thằng Hòa đi vượt biên một mình, nó người Bắc đạo Công Giáo, nó cùng chung tổ với bà Cúc. Tổ nó cách tổ tôi cách nhau một tấm vách bằng nylon. Thằng Hòa có nghề thợ mộc, nó không có thân nhân, chuyên đi xuống suối gánh nước về đổ cho mấy bà đàn bà chân yếu tay mềm, rồi lấy tiền đó sống qua ngày...
Khi đến đảo, ai cũng nằm dưới đất mà ngủ, nó kêu chồng tôi đêm lén vào rừng đốn cây về, cây nào cũng bằng ngón chân cái, nó ghép từng cây lại với nhau đóng thành 1 cái giường. Nó nói: thấy bà bầu ngủ dưới đất, tội quá, đóng giường để khi sanh cũng đỡ.
Nằm đau lưng quá, cây thì cong, cây thì quẹo, chồng tôi đi ra chợ Indo, lượm mấy thùng giấy về lót lên nằm cho đỡ đau lưng. Gần ngày sanh tôi nóng bức quá, muốn tắm hoài, bao nhiêu nước cũng không đủ, thùng nước cuối cùng là thằng Hòa dành cho tôi. Khi về đầu Barrack nó la lên: Bà bầu ơi, ra lấy nước mà tắm đi nè...
Tôi thật sự là mang ơn nó lắm. Thằng Hòa rớt đợt 1 rồi, chờ khiếu nại, xổ khiếu nại nó rớt luôn, bây giờ nó buồn lắm, ít nói, ít cười...
Đêm hôm đó ngày Noel 92, cả Barrack đàn ông và trẻ con ra quán càphê của Indo coi ké tivi. Tôi và thằng con trai 2 tuổi nằm ở nhà. Kế đến là nhà thằng Hòa. Đầu là nhà bà Bảy. Tôi ở giữa. Tôi nhìn thằng con ốm nhom mà tội nghiệp, nhớ lời ông Khoán từng nói: thằng Indo biết đi là một phép lạ, bây giờ nếu đi vượt biên 1 lần nữa, nó đứng lên chiếc dép, dép cũng không chìm nữa, thế mới biết nó ốm như thế nào.
Không biết lúc đó mấy giờ, chắc là 10g đêm quá, vì 11g là giới nghiêm, không ai được rời khỏi Barrack hết. Bỗng tôi nghe xèo 1 tiếng thật to, y như ai đánh diêm quẹt vậy, tôi mở mắt ra chưa biết gì, chỉ thấy sao mà ô cửa thằng Hòa sáng quá, thì bà Bảy la thất thanh:
- Cháy, bà con ơi cháy, thằng Hòa tự thiêu bà con ơi, thằng Hòa tự thiêu.
Bây giờ khi nhớ lại phút giây đó, người tôi vẫn còn kinh hoàng y như sự việc xảy ra ngày hôm qua, tôi vẫn không kìm được xúc động, nước mắt vẫn tuôn ra, Hoà ơi! Tại sao mày làm như vậy hả Hòa"
Bà Bảy la lên: Bà Ngọc và thằng Indo còn kẹt ở trong đó, cứu, cứu, bà con ơi!
Bà Bảy kêu tôi bằng tên của chồng, tôi lính quýnh ẵm con dậy, chân cuống cả lên, cửa có khóa đâu, mở tang hoác thế kia, mà không biết chạy chỗ nào.
Khi dập tắt ngọn lửa xong, chở thằng Hoà vào nhà thương. Tôi ói, nghe mùi mỡ người, mùi thịt khét, mùi tóc khét, tôi ói, lại ói.
Chồng tôi còn la nữa: kềm lại được không" Có gì má ói hoài vậy.
Ói tiếp mùi thịt khét còn vương vấn ở trong mũi, trong tóc tôi. Vài ngày sau thằng Hòa chết, đem xác nó về, cả Barrack khiêng nó ra Galang 3 chôn. Một kiếp người ngắn ngủi quá. Thôi đi đầu thai kiếp khác đi Hòa, nhớ đừng đầu thai vào nước Việt nữa nha Hòa.
*
Tình hình ở trại lúc này căng thẳng lắm, ai rớt khiếu nại sẽ bị cưỡng bức hồi hương, ai cũng âu sầu thấy rõ, người đậu muốn đi cho rồi, xa rời địa ngục ở đây, kẻ rớt thì muốn mau biết kết quả khiếu nại.
Ít lâu sau, chồng tôi ra lãnh kết quả khiếu nại. Chồng tôi đậu.
Tôi như muốn bay lên trời, về chuẩn bị gặp phái đoàn, chừng nào ký giấy rời đảo mới thật sự là yên tâm, còn cho dù có giấy đậu nhưng chưa ký giấy rời đảo, chưa chắc ăn đâu, có người bị hết phái đoàn này đá, đến phái đoàn kia đá, kéo dài đến mấy năm không chừng.
Và rồi ngày rời đảo cũng tới.
Ngày mai tôi rời đảo. Xin giã từ tất cả. Giã từ đoàn tàu 97 người, có chăng là gặp trong giấc mơ. Giã từ bà Bảy, giã từ thằng Tùng. Cầu chúc những người ở lại được may mắn. Giã từ tất cả, cho dù đi đến tận cùng trái đất. Đi đến đâu đi nữa, những tháng ngày ở đảo tôi không thể nào quên!
*
Ở đảo mấy năm người tôi thân nhất là Tường Vân, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, không bút mực nào tả xiết, đành giữ mãi trong lòng vậy.
Vân cứ dặn đi dặn lại hoài: Nhớ xin đi Mỹ nghe H.Chi, đừng đi nước nào hết nhe, Qua Mỹ mình sẽ gặp nhau nhe.
Bà Vân, tui qua Mỹ bao nhiêu năm rồi, có gặp được bà đâu, bà qua trước tôi, mà không hề liên lạc, không hề gọi cho tôi hay cho tôi số phone của bà.
Bây giờ bà ở đâu"