Hôm nay,  

Ngày Lễ Mẹ: Má Tôi Mê Cờ Tướng

12/05/200700:00:00(Xem: 287416)

Tác giả: Thanh Mai

Bài số 1262-1873-578vb7120507

*

Tác giả cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell. Sau đây là bài viết thứ ba của cô nhân ngày lễ Mẹ, một hồi ký rất sống động, xúc động.

*

Nghe nói bà Ngoại tôi ngày xưa là hoa khôi của làng, thành thử ba người dì và Má tôi rất xinh và duyên dáng.

Tôi còn giữ rất nhiều hình ảnh của các dì và Má hồi còn con gái, toàn là hình trắng đen, qua hơn năm chục năm rồi nhưng nước màu vẫn còn tốt và rõ. Cô nào cô nấy yểu điệu thướt tha, xinh hết chỗ chê. Càng nhìn càng tủi sao đời trước như tiên mà đời sau như ...khỉ! (Mà như khỉ cũng đâu có sao vì khỉ cái cũng có khỉ đực thương mà!).

Má tôi, trong hình nào cũng cười tươi như hoa, để lộ hai lúm đồng tiền sâu hoắm. Cô nàng má thật biết khai thác ưu điểm của mình!  Nhưng, như Nguyễn Du đã nói trong Kiều: "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen", cuộc đời của người đẹp "Má tôi" cũng lắm nỗi truân chuyên.

Sinh ra trong thời giặc giã, từ nhỏ Má phải theo gia đình chạy giặc từ Hà tịnh vào sông Lòng sông ở Phan thiết. Có thời gian gia đình Má ở bên cạnh một kho thuốc lá, buổi tối leo vào kho trộm thuốc lá đem về vấn thành điếu rồi gánh đi bán lẻ. Tôi quên không hỏi trong mấy chị em ai là ăn trộm nhưng Má tôi là người đi bán "tang vật". Mấy Dì ai cũng mắc cở nên Má tôi phải hy sinh thôi. Nghe Má kể Má phải gánh qua mấy đồi cát nóng bỏng và xa lắc xa lơ, có một lần đang gánh hàng đi bán thì gặp mấy ông đang đấu cờ tướng với nhau. Má tôi lúc đó chỉ là con bé mười hai tuổi, cũng bày đặt xáp vào chỉ trỏ làm một ông đang thắng bị thua ngược. Ông ta tức quá quát:

- Này con bé kia, có giỏi thì vào đây đấu với ông chứ đứng ngoài chỉ chỏ ông bóp mũi bây giờ!

Cô bé "Má tôi" thật là gan cùng mình, còn dám cương lại:

- Nếu tôi thắng thì ông phải mua hết gánh thuốc cho tôi mới được.

Ông ta thấy con bé chút xíu nên khinh địch, với lại sợ quê với mấy người kia nên đồng ý ngay:

- Ờ, cho mày đi trước đó.

Má tôi đấu và thắng ông ta hai ván liên tiếp, không cho ông ta cơ hội đánh ván final thứ ba. Thế là cô bé Má bán được gánh thuốc lá về nhà sớm hơn mọi khi.

Không biết Má học chơi cờ tướng từ ai, tôi quên hỏi Má, nhưng tôi đoán là từ ông Ngoại vì sau này có lần tôi thấy ông Ngoại đấu cờ với mấy ông bạn già. Các Dì, các Cậu tôi ai cũng biết chơi cờ nhưng chỉ có Má tôi là ghiền nhất. Sau này khi Má lập gia đình, có con cái, Má truyền nghề lại cho chị em tôi để tạo đấu thủ cho tương lai.

Hồi tôi được bảy tuổi, còn thằng Bảo em kế cách tôi hai tuổi, Má  đem hai chị em ra, bày bàn cờ tướng và dạy học tên cùng cách xếp, cách đi những quân cờ. Những ngày sau đó Má làm trọng tài cho hai chị em đấu với nhau. Lần lần không biết tự lúc nào chúng tôi đã có thể chơi ngang ngửa với sư phụ Má. Rồi đứa lớn bày đứa nhỏ, lần lượt mấy chị em tôi ai cũng biết chơi cờ nhưng lanh nhất là thằng Toàn, đứa em thứ tư của tôi. Thằng Toàn tính tình láu cá, mánh mung. Nó chơi gì cũng hay. Bida, cờ tướng, bóng bàn, bài bạc...nói chung "tứ đổ tường" không gì là nó không giỏi. Kiểu chơi của nó ma giáo chứ không đàng hoàng chút nào, chơi với nó khó mà dò được. Nó chuyên môn dụ Má đánh cờ ăn tiền. Hai người giao hẹn "hạ thủ bất hoàn" đi lộn cấm đi lại. Má vừa thả quân cờ ra là nó nhanh như cắt chụp ăn cái rột không ai kịp nhìn quân cờ của nó hồi nãy nằm ở chỗ nào. Nó vừa đánh cờ vừa quơ tay lia lịa, rồi đánh võ mồm ba hoa chích chòe làm cho địch thủ bị phân tâm và rối trí. Má tôi ghiền cờ nên cứ theo thằng Toàn mà chơi để cho nó dụ ăn mệt nghỉ.

Má tôi trước kia là giáo viên tiểu học của trường tiểu học Tân Phước, Nha trang. Dĩ nhiên chị em chúng tôi cũng học những năm tiểu học ở trường này. Tôi còn nhớ hồi nhỏ tôi cứ sợ bị xếp vào học lớp Má dạy, nguyên nhân chỉ vì sợ nếu học lớp của Má thì không biết phải "Thưa Cô" hay "Thưa Má" đây. Còn Ba tôi thời gian đó là Đại úy. Lương hai người gộp lại không đủ chi tiêu cho gia đình tám miệng ăn nên sau đó Ba Má sửa nhà mở thêm mấy bàn bi da cho thuê để kiếm thêm thu nhập. Không ngờ mấy bàn bi da này trở thành nguồn thu nhập chính trong gia đình, càng ngày càng đông khách. Mấy năm sau Ba Má dành dụm được một số tiền. Hai người vay mượn thêm xây nhà to ra để mở rộng kinh doanh.  Đang xây nhà thì Ba tôi bị thuyên chuyển đi xa làm việc. Một tay Má phải lo cáng đáng mọi thứ, vay mượn thêm tiền, mua vật liệu, làm cai xây nhà. Suốt mùa hè năm đó, Má quần quật chạy tới chạy lui nên ốm và đen hẳn đi. Chị em tôi lúc đó còn nhỏ, đâu giúp đỡ được gì cho Má.

Rồi nhà cửa cũng xây xong, kinh doanh cho thuê bàn Bi-da hoạt động trở lại. Suốt mấy năm trời Má vừa đi dạy (Lúc đó Má đã chuyển lên dạy Văn lớp đệ thất và đệ lục tức lớp sáu và lớp bảy bây giờ), vừa lo dạy dỗ con cái, vừa lo kinh doanh và dành dụm tiền trả nợ. Ba tôi đi xa đã không giúp đỡ được gì cho gia đình lại sinh tật lăng nhăng bồ bịch nên Má khổ tâm lắm. Nhưng biết làm sao, người phụ nữ Việt nam lúc nào cũng hy sinh cho chồng, cho con. Mặc chồng phụ bạc, Má tôi vẫn âm thầm chịu đựng cho gia đình được ấm êm, con cái có đủ cha đủ mẹ.

Má tôi vừa trả được tiền nợ xây nhà xong thì biến cố 1975 tới. Miền Nam bị xụp đổ, Ba tôi lúc đó đã là thiếu tá vừa giải ngũ cũng phải đi học tập cải tạo. Ba bị tù ở trại cải tạo Tuy Hòa. Hàng tháng Má đều tom góp đi thăm nuôi chồng, thỉnh thoảng mấy chị em thay nhau tháp tùng theo Má đi thăm Ba. Một lần tôi đi thăm thấy Ba ốm nhom ốm nhách, mặc bộ đồ tù xám xịt quảy gánh đồ thăm nuôi đi vào trại giam, thật không cầm được nước mắt. Má đi thăm Ba có lần bị tai nạn xe cộ suýt chết. Xe Daihatsu chở nhóm người đi thăm nuôi về Nhatrang lúc xuống dốc đèo Rù Rì bị hư thắng. Mấy người ngồi ghế sau sợ quá nhảy ra khỏi xe té xuống đường trầy trụa bị thương hết trơn. Còn Má tôi bị kẹt ngồi băng trước với tài xế. Ông tài nhờ Má tôi cúi xuống giữ cái gì đó bên dưới, còn ông vừa giữ tay lái vừa loay hoay sửa thắng. May sao cuối cùng sửa được nên Má không bị thương gì cả, chỉ bị mất hồn thôi.

Má tôi vẫn còn đi dạy dưới danh nghĩa giáo viên lưu dung nhưng đồng lương như bèo chẳng là gì cả. Kinh doanh bi da bị đóng cửa. Đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Nhìn qua nhìn lại cái gì có thể đổi ra tiền được là cho nó ra chợ trời đổi gạo, đổi cá để sống và để thăm nuôi. Căn nhà nhìn bề ngoài to lớn nhưng bên trong trống rỗng. Tôi lúc đó xin vào làm được tổ hợp mì sợi, lãnh mỗi tháng chút ít mì sợi để phụ thêm vào bữa ăn của gia đình. Má và mấy em lãnh dây lát về đan thêm nhưng chẳng thấm vào đâu.

Đầu năm 1978 Má tôi bị khối u trong vú. Tháng Tư năm đó Má vào bệnh viện Nha trang cắt bỏ khối u nhưng vết mổ bị nhiễm trùng. Cả một bên ngực trái chạy xuống bụng bị tím tái nhìn sợ lắm. Bệnh viện Nha trang chuyển Má vào bệnh viện Ung bướu ở Sài gòn để giải phẩu lại. Cùng ngày Má phải đi xe lửa vào Sài gòn, hai chị em tôi cùng năm đứa em họ con người dì đáp xe lửa ra Lương sơn để vượt biên. Lòng tôi rất lo cho Má không muốn đi vượt biên lúc này nhưng Má tôi khuyên cơ hội rất khó có không nên bỏ lỡ. Chuyến đi được tổ chức từ Sài gòn. Họ nhờ nhà tôi cho tạm trú vài người và cho chị em tôi đi khỏi tốn tiền nên Má không muốn chúng tôi vì Má mà ở lại.

Không may chuyến vượt biển bị thất bại, chúng tôi bảy chị em bị bắt giam hết. Dì tôi từ Sài gòn phải chạy ra Nha trang để lo cho đám con của dì. Má tôi một mình ở bệnh viện ung bướu Sài gòn, giải phẫu lần thứ hai. Tôi cứ nghĩ đến chuyện này mà không cầm được nước mắt vì thương cho Má. Lần giải phẫu sau này họ lóc hết cả thịt ngực trái, sát với xương sườn, đến tận nách. Một mình Má trong nhà thương không ai nâng đỡ, muốn uống nước không ai rót, muốn đi vệ sinh không ai dìu. Đã vậy còn phải lo cho hai đứa con lớn bị bắt, mấy đứa con nhỏ bơ vơ ở nhà, và chuyến đi bị đổ vỡ thế nào cũng bị công an làm khó dễ. Má phải nằm ở bệnh viện hơn hai tháng mới được về nhà nhưng sức khỏe thì yếu đi nhiều.

Ba đứa con nhỏ nhất của dì tôi vì còn nhỏ dưới mười ba tuổi nên được thả sau vài ngày. Chỉ còn hai đứa lớn và hai chị em tôi bị giam ở trại giam địa phương khoảng một tháng thì bị chuyển ra trại lớn ở Tuy Hòa, cùng một trại giam với Ba tôi. Ngày xe bít bùng chở chúng tôi chuyển trại, bốn chị em leo xuống xe đã thấy Ba tôi đứng chen lẫn trong mấy người tù ven đường chờ đón đám con cháu không may. Mắt nhìn mắt mà nghẹn ngào không nói được lời nào. Nội qui trại đâu cho phép tù nhân nói chuyện hoặc liên lạc với nhau. Cho đến ngày hôm sau, công an trại xuống kêu tôi và thằng em dắt vào một căn phòng nhỏ. Ít phút sau Ba tôi cũng được dẫn vào. Tên công an gương mặt hiểm độc, môi thâm xì bắt đầu hoạch họe hỏi tội Ba tôi tại sao đã đi cải tạo mà còn xúi giục con cái bên ngoài phản bội bỏ đất nước trốn đi. Nhìn Ba tôi nhẫn nhục chịu đựng xỉ vã, nhìn tên công an lên mặt dạy đời, tôi thật căm ghét hắn và giận là mình làm liên lụy đến Ba.

Má tôi từ đó phải đi thăm nuôi cả chồng và con. Không biết làm sao Má và các em có thể cầm cự được những năm gian khổ đó. Chị em tôi ở tù đến hai năm mới được thả, tội vượt biển trái phép. Còn Ba thì bị đi cải tạo sáu năm.

 Ba về chưa được bao lâu thì có chiến dịch tịch thu nhà của "những người gây nợ máu với nhân dân". Nhà của chúng tôi bị tịch thu, đổi lại là nhà một phòng khách và một phòng ngủ nhỏ xíu trên lầu hai của một chung cư. Cả nhà tám người chen chúc với nhau. Ba tôi xin vào tổ hợp mành trúc lãnh hàng về nhà làm kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống của gia đình rất khó khăn, ăn uống thiếu thốn, ai cũng ốm nhom ốm nhách.

Nhất là Má tôi, sức khỏe rất yếu sau lần giải phẫu mà không có gì để tẩm bổ, bồi dưỡng. Má thường đi đứng loạng choạng rất dễ té ngã, chỗ thịt bị cắt mất đi đôi khi đụng vào còn rỉ nước vàng. Vậy mà Má lúc nào cũng cười tươi như hoa, lạc quan yêu đời, và vẫn còn mê chơi cờ tướng như điên. Rảnh ra là Má đấu với mấy chị em chúng tôi. Khi Má ngồi bên bàn cờ là mọi đau bệnh, hoặc lo toan bay hết. Vui nhất là khi Má đấu cờ với Cậu Ngọc em Má bên Đồng đế qua chơi. Hai chị em ngang cơ và có tật là vừa chơi vừa gáy. Nghe bên nào cất tiếng ca, và gáy ủm tỏi là biết phần thắng đang nghiêng về ai. Một lúc sau nghe tiếng ca im bặt và tiếng ca khác cất lên là biết đối thủ đã lật ngược thế cờ. Hai chị em như hai con dế đá nhau vui lắm.

Ba tôi không thích Má thức khuya chơi cờ ảnh hưởng sức khỏe nhưng ban ngày ai cũng bận rộn kiếm gạo đâu có thời giờ mà chơi. Đến tối Má và thằng Toàn thường thắp đèn dầu lén chơi trong mùng. Chơi mà thậm thà thậm thụt không được gáy khó chịu lắm nhưng đành chịu chứ biết sao. Có hôm thằng Toàn quên, đớp con cờ của Má kêu cái cụp làm Ba tôi đang ngủ phòng trong giật mình thức dậy. Ba ra ngoài bắt quả tang hai mẹ con đang chơi cờ bất hợp pháp, thế là cả bàn cờ lẫn quân cờ cả thảy bị quăng xuống đường. Phải chờ vài tiếng sau Ba tôi ngủ say lại, mấy mẹ con cầm đèn dầu xuống dưới đường tìm lại bàn cờ và lượm lại từng quân cờ. Bộ cờ đó Ba tôi làm trong tù gởi về tặng Má, đẹp lắm. Con cờ làm bằng gỗ Cẩm lai, màu gỗ nâu chen vàng nhạt. Còn mấy chữ tàu tên quân cờ được khắc rất sắc nét và sơn hai màu phân chia quân bên trắng bên đỏ rõ ràng. Quý như thế đâu thể nào bỏ mất.

Sau nhiều lần vượt biển thất bại, cuối cùng Ba tôi dẫn được đứa em gái và em trai út của tôi đến được Philipinnes. Người ra đi lẫn người còn lại đều thở phào nhẹ nhõm. Ba cha con ở lại trại tị nạn Philippines được một năm thì được qua Mỹ định cư. Thời gian đó, Má ở nhà thoải mái đánh cờ, với người nhà, với hàng xóm, với bạn bè. Có khi vừa hít hà đau răng vừa đánh cờ thì biết là ghiền đến mức nào rồi.

Ra đường, sức cờ của Má tôi ngang với nhiều người lắm, nhưng so với cao thủ đệ nhất thì phải chịu họ chấp con "xe" lận. Tôi biết vậy vì có lần hai mẹ con đấu với chú Xí (nghe nói chú Xí đã từng là vô địch cờ tướng), chú đã chấp chúng tôi con xe. Đấu với chú, bị chú áp đảo tinh thần khó đi lắm. Mình suy nghĩ một lúc mới đi quân, còn chú thì đi cái rẹt ngay lập tức làm như là đoán biết mình sẽ đi thế nào vậy. Lần đó ăn qua ăn lại nhưng thắng mà cứ như được chú nhường cho.

Ba và hai em của tôi qua Mỹ định cư được vài tháng thì ở nhà nhận giấy của bộ nội vụ cho phép gia đình được xuất cảnh đi Hoa Kỳ theo yêu cầu của chính phủ Mỹ. Đây là giấy tờ cho đi theo diện HO. Má và chúng tôi mừng rỡ lo làm giấy tờ theo thủ tục để ra đi, nhưng giấy tờ bị ách lại ở phường vì họ làm khó dễ không chịu ký, cứ hẹn lần hẹn lửa. Đến lần hẹn thứ ba, trên đường Má tôi đi bộ lên phường thì bị tai nạn. Một xe thổ mộ (xe do ngựa kéo) vì chạy ẩu nên tung và cán lên Má làm Má tôi qua đời một ngày sau đó. Trước khi chết, Má còn ráng căn dặn chúng tôi hãy bãi nại đừng oán trách người chủ xe ngựa. Ông này không bị tù, biết ơn, nên mấy năm sau, cứ đến ngày giỗ là đem hoa quả đến cúng Má tôi.

Ngày liệm Má, chúng tôi bỏ vào quan tài hộp cờ tướng Ba khắc cho Má. Nhưng mấy người thầy cúng lấy ra hai con tướng đỏ tướng trắng bảo kỵ không thể chôn chung ông tướng trong hòm. Không biết bộ cờ thiếu ông tướng Má có thể chơi được bên kia suối vàng không! Hai con tướng trắng đỏ giữ lại sau này cũng lưu lạc đâu mất tiêu.

Má mất đi, tôi hay nằm mơ thấy sống chung với Má nhưng lúc nào hình ảnh Má trong mơ đều bịnh hoạn, yếu đuối. Tỉnh dậy tôi thật buồn vì biết là Má chết thật rồi. Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần mơ thấy Má bị chết thì tỉnh dậy đều mừng rỡ khi thấy đời không như là mơ. Má chết đi thật là một mất mát vô cùng to lớn, tôi nhớ Má ngày đêm nhưng chỉ thấy được Má trong giấc mơ. Một đêm, tôi đang thiu thiu ngủ thì thấy đầu mình bị tê rần lạ lắm, cứ như đang có một dòng điện truyền vào. Tôi thấy Má đang ngồi ngoài mùng thọc tay vào xoa đầu của tôi. Tôi cầm tay Má và nghĩ  "Má chết rồi mà sao tay lại ấm vậy" Hay mình cầm nhầm tay của ông xã"" Tôi bàng hoàng hỏi Má:

- Má về thăm con hở"

Má tôi nói:

- Ừ, Má nhớ các con lắm nên về thăm.

Tôi còn hỏi Má thêm vài câu nữa và Má đều trả lời, nhưng bất thình lình một nỗi sợ ma dâng lên trong lòng tôi nên tôi kêu lớn tên ông xã đang nằm bên cạnh. Nghe tôi kêu thảng thốt, Má biến mất. Chồng tôi  mới làm xong công việc vừa vào giường chưa ngủ nên hỏi han và tôi kể lại cho ảnh biết là Má vừa hiện về thăm. Thường khi nằm mơ thấy Má tôi đều biết là mình mơ, nhưng lần này lạ lắm, không như những giấc mơ cũ. Tôi nằm suy nghĩ và hối hận đã tự dưng sợ hãi kêu lên làm Má đi mất. Tôi khấn thầm, xin lỗi và mong Má trở về lại nhưng vô ích, Má đã đi luôn rồi. Tôi thiếp vào giấc ngủ và quên đi cho đến sáng hôm sau, một chuyện trùng hợp xảy ra làm tôi hết hồn.

Tôi đang xách giỏ đi chợ như mọi hôm thì Hằng, tên cô nàng bán bún riêu dưới chung cư gọi giật tôi:

- Thanh! Tối qua tui thấy cô Hương về.

Hằng làm tôi giật mình nhớ lại chuyện Má tôi về tối hôm qua. Nó kể tiếp:

- Tui thấy cô dắt xe đạp gởi nhà tui, trông cô có vẻ xanh xao mỏi mệt lắm, mồ hôi đầy mặt hà. Cô nói với tui là cả tháng nay không gặp con cháu nên cô về thăm.

Tôi nhớ lại là quả cả tháng nay chúng tôi vì bận công chuyện nên không qua thăm mộ Má. Nhà nhỏ Hằng này ở dưới tầng trệt. Còn nhà của tôi bị giao ở tận lầu hai chung cư nên xe đạp của chúng tôi thường gởi nhà nó. Tôi hỏi:

- Bà có nhớ là lúc đó khoảng mấy giờ không"

- Tui nhớ là lúc đó có nghe tiếng kẻng xe hốt rác. Mười hai giờ đêm!

Tôi rùng mình! Sao lại có chuyện trùng hợp như vậy" Tối qua lúc Má về tôi cũng nghe tiếng kẻng xe hốt rác! Như vậy là có linh hồn sau khi chết sao" Có thế giới bên kia hay sao" Tôi nghĩ là làn sóng điện từ của não tôi và sóng điện từ của não Má lúc sống vẫn còn lưu lại đâu đó trong không gian, rồi một lúc nào đó trùng hợp cùng một băng tần nên tôi cảm nhận được Má chăng" Mà sao nhỏ Hằng lại cũng thấy Má cùng một thời gian" Chịu! Không biết lý giải như thế nào!

Từ đó cho đến nay, tôi thường cầu nguyện xin được gặp Má lần nữa và hứa với Má sẽ không sợ nhưng Má không bao giờ về nữa. Tôi lại chỉ còn gặp Má tôi trong mơ thôi. Nhưng lạ lắm, những giấc mơ sau này tôi không còn mơ thấy Má bịnh hoạn ốm yếu như xưa; và Má vì nhiều lý do khác nhau lại không bao giờ ở chung với chúng tôi. Kỳ quá, tôi đem mấy giấc mơ thắc mắc hỏi ông xã thì anh chàng bảo:

- May cho em đó. Nếu khi nào em mơ thấy ở chung với Má là em sắp tiêu rồi!

Má tôi lúc sống bị lấy nhà, lúc chết cũng không yên. Mộ Má được chôn trong nghĩa trang gia đình nhưng năm năm sau đất nghĩa trang cũng bị tịch thu, chúng tôi phải bốc mộ Má thiêu cốt rồi gởi vào chùa. Hy vọng chùa này sẽ không bị giải tỏa!

Tám năm sau khi Má mất, chúng tôi đều được qua Mỹ đoàn tụ với Ba. Nay cuộc sống đã thoải mái mà không có Má để báo hiếu. Không biết nếu Má còn sống và cùng ở Mỹ với chúng tôi thì Má sẽ chơi cờ với ai đây. Có thể Má sẽ đào tạo và chơi với lũ cháu. Nhưng không lo! Với thời đại vi tính như hiện nay thì Má có thể đánh cờ on-line thoải mái, bất cứ thời gian nào, và với bất cứ ai trên khắp thế giới.

Sắp đến sinh nhật của Má tôi rồi. Tôi nhớ và thương Má quá. Giờ chỉ biết thương chúc Má vui vẻ thoải mái và gặp nhiều cờ thủ trên miền cực lạc!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,996,168
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến