Hôm nay,  

Chuyện Kể Về Small Court Ở Mỹ

23/12/200600:00:00(Xem: 271088)

Chuyện Kể Về Small Court Ở Mỹ

Người viết: Dương Văn Gia

Bài số 1159-1767-479-vb6221206

Dương  Văn  Gia, sinh năm 1940 tại Cần Thơ. Cựu Giáo Sư trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Sĩ quan Khóa 20 Phụ Thủ Đức. Học tập cải tạo từ 1975 đến 1980. Vượt biển

đến Mỹ năm 1981. Technician hảng Allergan Medical Optics từ 1982 đến 2000. Hiện đang nghỉ hưu tại Santa Ana.

*

Người Việt Nam mình thường nói "vô phước đáo tụng đình" , có nghĩa là bất đắc dĩ mới đem nhau ra ba tòa quan lớn để phân xử. Bởi vì kiện tụng nhau  rất tốn kém, có khi còn tán gia bại sản nữa là khác. Người hưởng lợi nhất là mấy vị luật sư. Biết vậy, nhưng rồi người ta vẫn phải kiện tụng nhau vì không thể cùng nhau nói lý lẽ được, đành phải mượn người ngoài phân xử. Ở Mỹ, người ta thường kiện tụng nhau rất nhiều. Nhưng người Việt Nam mình sống trên xứ Mỹ,  ít khi kiện tụng như người bản xứ. Có lẽ vì bản tánh của dân mình thường lấy câu "dĩ hòa vi quí" hay "một câu nhịn chín câu lành". Do đó có nhiều chuyện đành cắn răng nhịn cho qua chuyện, chớ kiện tụng chi cho người ta chê cười là ham ăn thua đủ.

Lợi dụng như vậy, có nhiều vị sửa xe, bán xe, sửa nhà, sửa ống nước quảng cáo huyên thiên. Sau khi lấy tiền được rồi thì lời hứa, lời quảng cáo trôi theo dòng nước chảy. Tuy không phải là các chính khách, quí vị dó cũng phủi tay cho lời hứa cuốn theo chiều gió luôn.

Tôi đã từng nghe quí vị HO mình gặp lúc xe hư hay muốn mua xe cũ sẽ được quí vị chủ garage hay các vị bán xe mời mọc,  tự xưng giỏi sửa xe đến độ "thần sầu quỉ khóc". Chừng đem xe về nhà mới biết chỉ có mình khóc, mình sầu mà thôi. Còn quí vị họ Hứa kia thì chối bỏ trách nhiệm dài dài. Có khi còn hùng dũng cãi chày, cãi cối, hung hăng con bọ xít,  nếu cần phải thượng  tay, hạ  chân gì cũng làm tuốt, miễn được việc thì thôi.

Một buổi tối, đang làm ca hai, tôi lắng nghe lời quảng cáo của một ông chủ garage no trên đài phát thanh. Giọng ông ta êm đềm, chân thật. Ông cho hay là ông ta chỉ ăn tiền thay nhớt máy, rẻ giống như những nơi thay nhớt khác. Tuy nhiên, ông còn giúp thân chủ bằng cách tìm xem xe có "leak" (chảy rỉ nhớt) chỗ nào khác hay không. Tin lời , lần đầu, vừa đến  garage, tôi gặp một người dáng dấp hơi nhỏ con nhưng lanh lợi. Ông ta đội loại mũ như cao bồi  miền Texas, chân mang giày đế cao không có dáng vẻ gì là tay sưả xe chuyên nghiệp. Ông đon đả mời tôi vào và bắt tay ngay vào việc thay nhớt. Sau khi đệ tử của ông đội xe lên cao, ông dùng đèn pin rọi và chỉ cho tôi ba chỗ có vẻ rỉ nhớt. Ông nói thêm "ca" này khó  nên phải chi thêm ba chục đồng để ông ta làm gasket lại. Tôi nghĩ như vậy cũng tốt vì xe mình sẽ không chảy nhớt làm dơ chỗ đậu trước nhà.  Vả lại, giá cũng phải chăng! Tôi  gật đầu hài lòng. Sau khi chạy được hai ngày, tự nhiên tôi nghe tiếng động rột rẹt đâu đấy,  tiếng dộng rất là lạ tai mà tôi không biết xuất phát nơi nào. Tôi bèn chạy xe lại cho ông ta thử xem sao. Ông  ta mở nắp ca-pô đảo mắt nhanh, nhanh hơn trí tôi nghĩ,  phán rằng "Xe của ông cái cò (lifter) bị mòn rồi.  Chỉ cần thay cái khác là xong chuyện". Ông ghé nhẹ vào tai tôi: "Phải cẩu máy lên mới thay cái cò được. Mất công lắm. Thôi, nghĩ tình ông già cả, để tôi sửa giúp cho". Ông nói tiếp, Ông mới qua tôi tính rẻ cho Ông,  hai trăm thôi. Huynh đệ chi binh mà. Đồng hương giúp đồng hương mà lị. Tôi ừ ào  nghĩ đến hai trăm bạc sắp bay theo khói. "Ráng nghe ông Thầy", tôi gởi gấm. Ông ta hứa vài ngày sau lại lấy xe, nhưng phải gọi điện thoại báo trước. (Vậy mà ông ta lại hẹn ngày qua ngày, tới nửa tháng xe mới sửa  xong.)

Sau khi tôi chịu  thay lifter ,ông vội vàng cho thợ con tháo máy xe tôi để qua một  bên làm gắp để tôi muốn đổi ý cũng không được, tôi thầm nghĩ.  Bữa giao xe cho tôi, mặt ông tươi cười cầm  tiền tôi và phán rằng "Yên chí lớn nghe ông bạn. Xe ông còn mạnh chán. Chạy trên năm năm nữa cũng không hề hấn gì". Xe ông ta sửa  hay dến nỗi chiếc xe của tôi phải nhờ  towing car kéo  từ  xa lộ 405 South về shop của ông! Thật ra, từ bữa lấy xe về, tôi chạy được nửa đường thì tiếng rột rẹt bữa trước kêu vang nghe thảm thiết như heo bị chọc tiết. Đành phải gọi xe tow kéo về. Lại tốn thêm gần 50 đồng nửa cho xe câu !

Ông im lặng nhìn tôi; thay vì xem xe có bịnh gì không, ông lại gật gật đầu ra vẻ thấu rõ xe bị bệnh gì. "Xe ông không có gì nặng, ông ta tiếp lời, để tôi chỉnh lại water pump là an toàn xa lộ. Sẵn thay water pump, ông nên thay timing belt đi cho chắc ăn". Không hiểu Ông xui Bà hành như thế nào hay tại cái miệng ông ngọt ngào quá mà tôi lại chịu chi ra thêm gần ba trăm nữa. Tôi lẩm nhẩm tính trong đầu, từ ngày mang xe đến garage của ông, tôi đã đốt gần sáu trăm ngoài. Rồi ông lại làm con ma nhà họ Hứa nữa, nghĩa là chỉ hứa với hẹn cho khách an tâm mà thôi. Còn tôi lại phải quá giang xe bạn cùng sở để đi làm. Vào khoảng trên nửa tháng sau, vì tôi hối thúc mãi, cuối cùng xe cũng sửa xong. Tôi lái xe về nhà, vẫn còn nghe tiếng rột rẹt khó chịu. Chẳng những không bớt mà còn ồn ào hơn xưa. Ông bảo tôi nên mua "honey oil" chế vào nhớt máy để chạy đỡ về nhà.

Kết quả xe tôi cũng  lết được tới nhà như ông nói, nhưng bây giờ "lột dên" luôn. Buồn quá, tôi gọi điện thoại hỏi ông ta để cho biết ý kiến. Ông bảo rằng quả thật xe đã bị lột dên rồi. Bây giờ chỉ còn nước là thay dên khác là xong ngay. Khi mang xe lại, để an ủi tôi, ông lại bảo "Sau khi thay láp rồi, xe của Ông chạy vô địch. Xe ông có bịnh gì đâu, máy còn mạnh lắm mà. Chỉ cần bỏ thêm chừng bốn năm trăm nữa là chắc ăn". Tôi sợ mấy tiếng " chắc ăn, bảo đảm" của ông ta quá trời! Có điều phóng lao thì phải theo lao. Tôi cười gượng điều đình:

- Ông anh bây giờ tính sao" Chuyện này ông không muốn mà tôi cũng không muốn…

- Vậy thì đại ca tính  sao" Ông sẵng giọng hỏi:

- Tôi đề nghị mỗi bên chịu thiệt hại một chút: Tôi trả tiền parts còn ông thì rán chữa láp "chùa"  dùm, tôi lo âu dò xét nói.

Lập tức sư phụ không còn nét mềm mỏng để lấy lòng khách hàng nữa. Ông ta sừng xộ nói:

- Xe của ông hư thì sửa,  mà  sửa thì tôi phải lấy tiền công. Garage là như vậy, sửa không công lấy gì tụi tôi sống.

Mặc dầu tôi có giải thích là xe tôi đang chạy ngon lành, chỉ nghe ông quảng cáo hay, với lại giá rẻ nữa nên mới đút đầu vào tròng. Thay nhơt gì mà tôi đã trả tiền lên đến trên 600 đô la! Ông Trời ngó xuống mà nghe tôi than Trời nè. Ông ta càng quạu lên, đổ thừa là đã bảo tôi thay oil pump mà tôi không chịu, bây giờ mới ra nông nỗi. Tôi đáp lại là ông đã nói với tôi chuyện đó bao giờ đâu.

 Rồi thì, mạnh ai nấy cãi. Tôi thấy tình thế găng quá đành nói:

- Coi bộ tôi nói chuyện với anh không được rồi. Có lẽ chúng ta nhờ luật pháp phân giải.

Ông ta lại nhìn tôi và dò xét để đánh giá. Có lẽ ông ta nghĩ tôi là mấy anh HO mới qua Mỹ. Có lẽ tôi không biết tiếng Anh làm sao mà thưa với gởi! Do đó, ông ta ra mặt thách thức tôi, đi đến đâu ông sẽ hầu tới đó.

Thật ra, lúc đó tôi cũng đã sống tại Mỹ trên mười năm rồi. Tuy nhiên, việc thưa kiện thì tôi chưa hiểu rõ, nhưng mà thấy mình vừa bị thợ dở gạt lấy tiền mà còn bị khi dễ, tôi quyết định làm cho ra lẽ phải. Nhưng từ chuyện muốn đến chuyện làm thật ra nhiều nhiêu khê.  Trước tiên làm sao biết đi đâu mà gởi đơn thưa; muốn thưa làm sao biết tên thật của Ông ta. Có chắc  Ông ta là chủ tiệm không" Sổ danh bạ đăng ký tiệm ra sao" Vậy mà tôi cũng đi tìm hiểu và từ từ vượt qua tất cả, bắt đầu từ số không.

 Trước tiên tôi đến Tòa án nhỏ tại thành phố Westminster để vừa hỏi thăm tin tức, thủ tục nạp đơn và chuyển đơn cho ông ta. Muốn vậy tôi phải có tên người chủ tiệm và số danh bạ của tiệm. Thế là tôi lại phải đến phòng ghi sổ danh bạ của quận Orange County mà dò hỏi. Tại đây người ta đưa tôi vào một phòng rộng lớn, có nhiều cuốn sổ bộ to lớn; mỗi sổ có đề bên ngoài theo thủ tự alphabetic. Cuối cùng, sau khi trầy trụa tìm kiếm - vì phải theo thứ tự vần, thứ tự dấu chấm, dấu gạch nối. Có khi tìm trúng tên,  người đứng tên tiệm  lại trùng tên với người khác nữa thì vất vả vô cùng. Làm sao phân biệt để thưa cho đúng người đúng chỗ bây giờ. Cuối cùng thì tôi cũng vượt qua tất cả trở ngại  nhờ chịu khó tìm hỏi.

Bây giờ đến việc làm sao gởi trát đòi đương sự ra hầu tòa. Mình có thể nhờ tòa gửi thơ mời đương sự ra hầu tòa. Nhưng gặp phải đương sự tự cho là không nhận được thơ thì sao " Ngay cả khi gởi thơ bảo đảm, đương sự vì biết mình sẽ thưa y, y cũng không thèm ký nhận nữa. Rồi thì làm sao"

Rốt cuộc, nhân viên tòa án chỉ dẫn tôi, một mặt phải gởi một cái thơ riêng cho y, nói rõ ý định muốn đưa sự kiện ra tòa nhỏ. Kế đó lại phải mướn một "bailif" của tòa án đích thân đến tiệm mà giao trát tòa cho đương sự.

Bữa ra tòa, ông chủ garage không đi hầu, chỉ để cậu con nhỏ đi thế. Cậu này vừa là thợ chánh ở shop, vừa thu tiền của khách.

Quan Tòa cho bên bị nói trước. Anh ta đứng thẳng người, liếc mắt khinh khỉnh ngó tôi. Lần lượt anh ta tuôn đồ part của xe tôi do anh ta đã sửa  xe đê trên bàn và dõng dạc bảo là có chứng cớ muốn trình Tòa. Sau khi Tòa cho phép nói, anh mở máy nói tiếng Anh như gió, đại để đổ thừa cho tôi là chủ shop đã bảo   rằng xe tôi đã hư oil pump rồi,  đã biểu tôi thay cái khác mà tôi không chịu  nghe lời, nên cuối cùng xe phải lột dên (overheat).

Đến lựơt Quan Tòa  cho phép tôi nói. Tôi tuy hơi run vì phe địch ăn nói hùng dũng quá mà lại có vật chứng nữa. Chắc tôi sẽ bị đo ván phen này.

- Thưa Quan Tòa, tôi từ từ trình bày hoàn cảnh nào mà tôi đến garage của anh ta. Tôi hoàn toàn chưa biết tiệm anh trước đó, tôi đến chỉ vì tôi muốn thay nhớt xe mà thôi. Bây giờ, sau một tháng cầm giữ xe tôi và sửa chữa, cuối cùng tôi đã phải trả trên sáu trăm đô và sẽ phải trả thêm 400 nữa, nếu muốn xe hết lột dên. Chỉ vì tôi muốn " thay nhớt xe" mà phải tốn ngần ấy tiền.Thật là vô lý! Tôi trình tòa tất cả hóa đơn, giấy tow xe 2 lần, và cả hóa đơn mua honey oil nữa.

Tôi kết luận:

- Thưa quí Tòa. Tôi đã bỏ ra trên 600 đồng để mua sự an ổn tâm hồn (peace of mind). Chỉ vì tôi đã tin một người thợ dở, trốn tránh trách nhiệm nên  phải chịu cảnh tiền mất tật mang. Nếu nói rằng tôi đã không chịu thay oil pump thì rất vô lý về lý và về tình. Điều mà anh ta vừa nói có ai làm chứng không" Anh có ghi vào sổ hay hóa đơn rằng anh đề nghị tôi sửa mà tôi đã từ chối hay không" Về lý, tôi đã dám bỏ ra trên 600 đồng để làm xe chạy tốt thì tại sao tôi lại không chịu bỏ ra 150 đồng để thay oil pump, tức là làm xe an toàn khi sử dụng đi làm xa.

Quan Tòa xem xét tất cả hóa đơn, trầm ngâm một ít phút rồi hỏi tôi:

- Tại sao bên nguyên khai chỉ tốn có 600 đồng mà bên nguyên  lại  đòi tới 1,300 đồng lận.

Tôi mở cờ trong bụng vì đoán cờ đã phất về phía mình rồi.

- Thưa Quí Tòa. Tôi sở dĩ đòi 1,300 đồng là vì tôi tính tiền thiệt hại cho chiếc xe tôi đang bị phế thải do tay nghề kém của chủ garage. Cho nên phải cộng thêm 700 nữa.

- Sao lại cộng thêm 700 nữa - quan Tòa ngạc nhiên hỏi.

- Là vì chiếc xe tôi trị giá một ngàn đồng, tôi bán cho người láng giềng tôi 300 đồng. Như vậy tôi bị thiệt hại riêng chiếc xe là 700 đồng.

Tôi vội vàng trao cho bailiff tờ bán xe để minh chứng là xe đã hư hoàn toàn rồi.

Quan Tòa đồng ý và phán bên bị phải trả tiền cho tôi là 1300 đồng, cộng thêm tiền án phí.

Tưởng như thế là êm, chỉ việc chờ đợi một thời gian là lãnh tiền bồi thường. Nào ngờ bên bị dửng dưng, phớt lờ như không hề xảy ra chuyện gì cả, tức là  không chịu trả tiền như quan Tòa đã phán.

Tôi lại nhờ phòng Bailiff, gần kế bên tòa án, để đòi nợ tiếp. Nào ngờ, bây giờ mới hay tiệm đã sang tên cho người khác rồi. Quí bạn biết được người chủ mới là ai không" Chính là đứa con của ông ta. Chính là anh chàng đã ra hầu Tòa với tôi lần xử trước.

 Tôi lại bắt đầu làm lại thủ tục thưa kiện từ đầu để thưa cậu quí tử vừa lên chức ông chủ. Lần này, cậu ta đã mang thêm  một anh chàng ăn mặc bảnh bao để giúp việc kiện tụng. Tôi tưởng là họ đã mướn luật sư, định phản đối vì phía bên kia vi phạm luật của Tòa Nhỏ. Tòa cho hay anh ta cũng chỉ là một người bà con bình thường của ông chủ cũ mà thôi.

 Anh chàng trẻ tuổi ăn mặc bảnh bao, mang cặp da dày cồm nầy cũng không thắng nổi tôi, một "Ông già Ba tri" tân thời. Tòa  xử bên bị lại thua nữa. Vụ án sẽ chung thẩm và bên bị lại phải đóng thêm án phí!

Trên đường ra cửa, anh chủ con mới lại gần tôi và điều đình trả góp. Tôi thương hại, chấp nhận cho trả nhiều lần. Thật sự, nếu anh ta biết điều nghe tôi nói từ đầu, có lẽ tôi chỉ đòi cao lắm là năm trăm đồng mà thôi. Tôi sẽ sẵn lòng bỏ cả tiền án phí nữa.

Vậy mà, anh Bạn trẻ vẫn chưa biết ông già Ba tri này thực lực ra sao. Phép dùng binh của Tôn Tử đã nói: "Biết người biết ta trăm trận trăm thắng". Đàng này địch đã không biết mình , cũng chẳng biết tài sức của người, lại còn lộ vẻ khinh địch. Đó là điều tối kỵ trong binh pháp khi mặt đối mặt với quân địch.

Anh lại hẹn sẽ trả cho tôi nhiều lần. Rồi không trả, như lời đã hứa. Kế đó, lại ký check không tiền bảo chứng.

 "Enough is enough", tôi phải cho các ông bên ấy biết thế nào là "lễ độ". Tôi đã gặp cậu ấy và nói hẳn hòi với cậu:

- Chú bây giờ đã già rồi. Không làm gì nhiều. Rất rảnh và nhất là rất rảnh để đi thưa đòi tiền cậu dài dài. Cậu nên nhớ là mỗi lần ra Tòa, cậu phải bỏ công và thời giờ ra Tòa. Còn tiền án phí cộng thêm nữa.Cậu nhớ mà suy nghĩ. Cậu ta im lặng, có vẻ thách thức hay tin tưởng cách thức nào đó của cậu để đương đầu với tôi.

Quả thật khi tôi mướn bailiff lại đòi tiền cậu thì lúc nào trong tủ tiền của cậu ta không có một xu. Mỗi lần đi đòi, tôi đều phải trả sở phí, trả công cho bailiff. Tôi lại đi vấn kế tại phòng cố vấn pháp luật của City. Cuối cùng tôi tìm được phương cách chuyên trị "ma giáo". Tôi lại đóng tiền xin đòi cậu ta ra tòa để trình bày tại sản của  anh ta. Tòa đưa cho anh ta giấy kê khai tài sản. Anh ta ngồi cách xa tôi chừng ba thước, dãy ghế bên kia. Tôi thấy anh ta tay lau trán , mồ hôi nhỏ giọt liên tiếp, lui cui kê khai gì đó.

Khi ra tòa, Bailiff đưa cho tôi bản sao lời khai của anh ta. Tôi đem nạp trương mục chi phiếu, tiết kiệm và án lệnh của toà Westminster cho nhà Bank của anh ta, kể cả số xe

Mercedes của anh mà anh cố tình không khai báo (Tôi biết được điều này vì bailiff dã

trao cho tôi tờ phó bản lời khai  của anh ta). Ở đây cho biết, sau một tháng nếu anh ta không trả tiền, trương mục của anh ta bị "frozen", nghĩa là anh ta không được rút tiền của anh ta khỏi ngân hàng nữa.

Quá hạn của nhà Băng, một hôm anh ta gọi điện thoại cho tôi, la lớn:

- Sao chú ăn học đàng hoàng mà chơi ác quá vậy - Đầu dây bên kia cậu em giận dữ la to.

Tôi hỏi anh ta ý muốn nói gì. Anh đáp là trọn số tiền anh ký thác tại nhà băng đều không thể rút ra được nữa. Anh yêu cầu tôi lại nhà băng xin hủy bỏ lệnh "đóng băng" tại trương mục. Tôi đồng ý theo yêu cầu của anh ta.

Mấy tháng sau, anh ta đã trả tiền cho tôi, tôi cho bớt anh lại hai trăm rưỡi, gọi là an ủi. Như vậy kể từ ngày tôi đâm đơn thưa kiện, đòi tiền, rồi lại ra tòa. Rồi lại đóng băng và thời gian trả tiền lần nữa, tổng cộng đã mất thời giờ có hơn một năm.

 

Tôi thuật chuyện này cho vài người bạn của tôi nghe chơi, họ bảo là ông chủ garage đó thật xui tận mạng. Không dễ gì đi thưa kiện mà thắng. Thắng rồi không dễ gì đòi tiền. Còn may hơn nữa là người mình đã thắng có cơ sở làm ăn. Nếu rủi mình thưa kiện người nào sửa xe, sửa nhà … lại không có license, không có tài sản làm sao đòi cho được. Đa số tức giận chửi thề rồi bỏ. Âu là công việc thưa gởi của tôi cũng là bài học cho các Bác thợ sửa chữa phải làm việc cẩn thận. Sau nhiều năm đã qua, nghĩ lại tại sao  khi xưa tôi thay nhớt mà sanh ra đến độ xe lột dên. Tôi đoán (chỉ dựa vào suy luận hay chỉ dựa vào cảm tính) mà xét như sau: Ông chủ shop thật sự đánh giá tôi quá thấp; cứ nghĩ rằng một ông già ăn vận sập xệ, áo bỏ ra ngoài, chân mang dép thì cho là HO từ Việt nam mới qua, không rành luật lệ, không biết tiếng Anh làm sao mà dám đi thưa với kiện. Xe sau khi thay nhớt  có thể thợ thay oil-filter không đúng code theo đời xe, hoặc khi lấy cái oil-filter cũ ra, lại quên không lấy tấm đệm chêm kín ra khỏi chỗ vặn  thành thử khi vặn cái mới vào không sát kín được. Vì vậy, chỗ hộp oil-filter đã leaking. Chạy vài chục miles là đã cạn hết nhớt trong máy rồi. Tránh sao xe không overheat! Ông chủ garage lại con quá tin tưởng thợ phụ, không kiểm soát kỹ, không quan sát mà chỉ dựa vào suy luận của mình mà kết luận là xe tôi kêu rột rẹt là bị cái móc lifter mòn đi. Thay  móc cò lifter, mà vẫn không check nhớt còn hay đã cạn nên tuy đỗ nhớt vào mà vẫn chảy nhớt vì đã bị leak rồi. Cứ thế mà tiếp tục mất nhớt cho đến khi cạn kiệt nhớt mới sanh ra overheat.

Đó là phần tôi suy nghĩ. Tôi không phải là thợ máy nên chỉ đoán mò. Chư vị nào sáng suốt hay rành máy móc thử bàn sự thế ra sao.

Mấy năm sau, nhân một bữa tới ngày Ba mươi Tết tại đám biểu tình vụ Trần Trường treo cờ, tôi tình cờ gặp lại cậu ta. Cậu nhỏ đứng tên chủ shop đợt nhì đó mà! Tôi thấy cũng hơi ngượng, nhưng đụng đầu nhau thì mình cũng phải gật đầu chào. Chẳng dè, cậu nhỏ không thấy lộ vẻ giận mà còn hỏi thăm tôi. "Ông già bữa nay không ở nhà cúng giao thừa mà còn lặn lội đến đây để biểu tình. Ông già mua xe mới chưa" Mua xe để hưởng tuổi già. Chớ chạy xe cũ hoài mệt lắm". Rồi cậu chúc Tết tôi, biến đi trong lớp đông nghẹt người đêm 30 Tết.

*

Thật tình tôi muốn kể câu chuyện này như kể lại một khúc phim đời đã qua. Một đoạn đời tương đối không dài không ngắn, nhưng cũng đủ làm cho tôi, một người Việt sống tha hương ghi nhớ như một kỷ niệm khó quên.

Hình như những kỷ niệm cũng chính là những kinh nghiệm đã thu được có khi với một tiếng cười sảng khoái. Có khi chỉ là những tiếng khóc thầm hay những dòng lệ nghẹn ngào uất ức. Có khi phải trả một cái giá với mồ hôi, tim óc và nhất là tiền bạc. Thoảng hoặc, trong cái kinh nghiệm đau đớn kia lại thấy những khía cạnh mà người tỵ nạn như mình cần phải trải qua, phải có đau đớn, chà sát mới học hỏi được.

Rất nhiều, nhiều việc chúng ta chưa từng gặp để đương đầu khi còn ở quê nhà. Nay sống trong một xã hội văn minh hơn, phức tạp hơn, làm sao chúng ta không khỏi bỡ ngỡ, rồi băn khoăn lo lắng. Làm sao phải sống còn trong một môi trường đầy xa lạ với một ngôn ngữ không quen thuộc. Phải đầu hàng hay phải thích nghi với hoàn cảnh mới " Đó là những gian nan của đồng hương chúng ta ở quê người.

Tôi thường ra Phước Lộc Thọ để uống cà phê mỗi sáng. Cà phê ở đây rẻ nhất nước Mỹ. Chỉ có 1.25 đồng mà thôi. Bạn sẽ có một ly cà phê thơm phức, một tờ báo hàng ngày và một ly trà nóng. Ở đây, tôi thường gặp đủ hạng người.  Diện tỵ nạn HO, vượt biên, bảo lãnh gia đình theo diện thân nhân. Có người đã đến Mỹ năm 75. Có người mới qua chừng vài tháng. Mỗi người nhìn xã hội Mỹ với nhãn quan khác nhau, tùy thuộc vào học vấn, nhân sinh quan và tư tưởng chánh trị. Một điều thú vị là người ta tùy theo sự quan sát, học hỏi mà cùng nhìn một sự kiện với những đáp số khác nhau. Có khi tất cả đều có những giải đáp khác như giải đáp của một phương trình thông số có nhiều đáp số khác và đúng. Họ cãi nhau dữ dội, thiếu điều muốn đánh nhau. Mọi người đều trưng ra kinh nghiệm của mình, không ai chịu ai là đúng, thí dụ về những luật lệ giao thông của Mỹ. Như  sáu anh mù sờ voi, mọi người nhìn con voi với mọi góc cạnh của xúc giác. Và con voi đúng, thật ra ít người nhìn thấy toàn diện chỉ trừ người phải chịu khó quan sát, học hỏi hoặc ở trường đời hoặc bằng sách vở mới nhận chân con voi toàn diện. Bài học của tôi ra Tòa án nhỏ là  chuyện tôi đi từ chỗ không biết, chịu khó hỏi thăm, nghiên cứu và nhứt là quyết tâm theo đuổi nếu biết rằng mình  nghĩ đúng và làm đúng. Nhiều người uất ức vì bị gạt nhưng không biết phải đối phó ra sao. Đành ngậm miệng hoặc chửi thầm mà thôi.

 

Tôi yêu những buổi nói chuyện với những người bạn rất quen và cũng không quen tại khu Phước Lộc Thọ. Mọi người trong câu chuyện đều hào hứng kể lại chuyện đời mình, về những kinh nghiệm sống, nhứt là sống trên xứ Mỹ, nhưng tôi chưa nghe ai kể lại chuyện kiện thưa người chủ garage xe không làm đúng chức năng của mình. Tôi hi vọng bài viết này sẽ giúp quí vị phục vụ sửa xe sẽ làm tốt hơn trong nghề nghiệp của mình.

Ý kiến bạn đọc
26/12/201702:58:10
Khách
Tôi cũng bị bực mình như tác giả bài này ,lần cuối thì xe chết máy giữa freeway ! Sau này chỉ cho các ông này thay thắng , vá vỏ xe .Nếu trục trặc máy móc ,nhất là về điện thì đem vào dealer cho chắc ăn ,tuy tốn tiền hơn một chút nhưng mua được sự bình an cho tâm hồn .Có khi rẻ hơn vì chỉ sửa một lần và không bị lừa .
06/06/201705:44:44
Khách
Chuyen ke that la hay. Mong co' them bai moi!
01/05/201716:06:15
Khách
Cau chuyen thuc te va thu vi!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,312,826
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến