Hôm nay,  

Một Ngày Mùa Đông

17/12/200600:00:00(Xem: 318684)

MỘT NGÀY MÙA ĐÔNG

Người viết: TRẦN NGUYÊN ĐÁN

Bài số 1154-1763-474-vb7161206

Trần Nguyên Đán là bút hiệu của một tác giả cư dân MD. Công việc của ông là phục vụ cộng đồng trong lãnh vực tư vấn. Mỗi bài viết của ông thường là một đề tài tiêu biểu: đồng tính, ngoại tình, tình dục, tình bạn, tình yêu, tình cha con. Bài viết mới của ông lần này được ghi “ viết từ lời tâm sự của một người bạn.”

*

sergey, chân dung của đứa trẻ

tôi mơ dòng sông volga chưa hề biết

và mùa đông nước Nga có mầu xanh như tuyết

buồn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới .....

sergey, sergey tkachenko

và mùa đông nước Nga

vẫn mãi buồn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới ..

Tôi đọc lại bài thơ đó bằng hồi ức, không thể nhớ tên tác giả. Sergey Tkachenko là ai, đứa trẻ Nga nào có đôi mắt xanh như tuyết đứng bên bờ Volga, như một ly rượu vang đầy ắp, như điệu dân ca và những điệu múa đi vòng" Bài thơ nói rằng mùa đông nước Nga buồn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Có phải không" Tôi lại nhớ Doctor Zhivago khi ông từ trong nhà nhìn ra một khung cảnh mịt mù tuyết trắng và tiếng chó sói tru trong đêm vắng. Mùa đông nước Nga có buồn hơn nước Mỹ không"

Tôi đọc bài thơ đó khi ở trong xe bước ra, kéo lại zipper khép chặt cổ áo, gió thốc lên từ lòng đường lạnh buốt. Đây là mùa đông thứ 10, nước Mỹ, không có Sergey Tkachenko, không có đứa trẻ Nga nào đưa đôi mắt xanh biếc nhìn xuống dòng Volga lấp lánh ánh bạc, mà là một đứa trẻ Việt Nam mười lăm mười sáu tuổi tóc đen mắt nâu, tóc tai bờm xờm bỏ nhà đi mấy ngày rồi, và bỏ học hơn tuần lễ rồi. Tôi mới 'chộp' được nó sau mấy ngày chờ đợi ở một khu apartment dành cho người nghèo, nó đã đến ở với gia đình một đứa bạn mà sau đó cha mẹ đứa bạn sợ liên lụy đã đuổi nó đi. Đây không phải là một tỉnh lỵ thơ mộng nhỏ bé của Nga mà là thủ đô của Mỹ, một quốc gia vĩ đại nhất thế giới, dòng sông Potomac không chảy, lặng lẽ mà kiêu hãnh chia đôi hai tiểu bang, đưa đôi mắt mầu xám nhìn lên những tòa nhà cao vút hai bên bờ. Và những chiếc cầu nối những con đường, xe cộ chạy mãi như không bao giờ chấm dứt. Đứa trẻ đi bên cạnh tôi, mắt nhìn lơ đãng những con chim bay. Chúng tôi bước vào quán cà phê Starbucks, mua một ly capuchino cho tôi, một frapuchino cho em. Ngồi đối diện nhau, tôi lựa chỗ ngồi ngó ra đường nhìn cảnh vật và người ta đi lại, thích hơn là chỗ đối diện ngó vào trong quầy có mấy anh Mỹ đang cười nói đùa với mấy cô Mễ.

Con hãy cố gắng trở lại trường. Tôi nói. Đừng bỏ học. Cha mẹ con đã rất vất vả đưa con sang đây. Cha mẹ con đặt tất cả hy vọng vào con, nếu con có vấn đề gì, hãy cho bác biết, nếu con tin bác, bác sẽ hết sức cố gắng để giúp con. Đứa trẻ lắng nghe tôi nói, tay vẽ lên mặt bàn những hình vẽ vô nghĩa, thỉnh thoảng trả lời và góp ý, và cuối cùng, khóc. Đến khi chúng tôi đứng dậy, thì nó đã thỏa thuận với tôi là sẽ trở lại trường, nhưng tôi phải vào phòng giám hiệu xin phép cho nó và nói chuyện với bà hiệu trưởng. Tôi cũng hứa là sẽ nói chuyện với ba má nó. Ngoài quán cà phê không khí lạnh như đông đá, nhưng tôi cảm thấy ấm, chắc không phải vì ly extra hot grande capuchino. Tiểu Di, tôi gọi, đứa trẻ quay lại, lần đầu tiên trong ngày tôi thấy nó mỉm cười.

Tôi chỉ cho nó thấy một người mặc áo có hai mầu xanh đỏ, đầu đội một cái mũ ông già Noel đứng bên cạnh một cái thùng, tay lắc những cái chuông, miệng cười tươi tỉnh, đôi mắt sáng sủa nhìn những người qua lại, trong đó có tôi. Tôi thò tay vào túi áo jacket, móc ra những đồng bạc, bỏ vào cái thùng, và thấy bàn tay mình ấm. Người đàn ông cười thank you, God bless you, have a good weekend. You're welcome, tôi bước tránh qua nhường chỗ cho một người khác bỏ tiền vào thùng, đó là một bé trai Mỹ, tóc vàng quăn lại trên trán, đẹp và sáng láng như thiên sứ Gabriel, đó là tôi tưởng tượng thôi chứ có bao giờ thấy thiên sứ Gabriel thế nào. Và một bé gái khác đi với mẹ, bỏ vào đó những đồng xu kêu leng keng trong thùng. Người đàn ông mỉm cười nháy mắt với đứa bé. Thấy không con, cuộc sống có nhiều điều đẹp đẽ đáng để cho mình sống một đời sống thật tốt lành. Tại sao lại uổng phí đời mình như vậy" Nếu có nhiều người đến, góp một bàn tay lại, thì thế giới này sẽ có biết bao nhiêu là niềm vui và hạnh phúc.

Tôi chở đứa trẻ về nhà nó, make sure là nó sẽ ở nhà cho đến khi cha mẹ nó về chiều hôm đó. Khi tôi trở về nhà thì thấy một cái note của vợ tôi để trên bàn: Em đi công chuyện 1 giờ sẽ về, Hải Triều sẽ mang Hải Âu đến khoảng 12:30, chơi với bé một chút em sẽ về thế. Chiều nay anh có hẹn chở bác N. vào nhà thương thăm bác trai. Tin thời tiết nói rằng sẽ có tuyết vài inches chiều nay. Tôi nhìn đồng hồ và thấy đã 12:30. Nhìn ra cửa thì nghe tiếng mở cửa lách cách, một cái đầu trùm kín thò vào, trên tay là một cái giỏ đựng em bé, bên cạnh là lổm ngổm những giỏ xách đựng sữa và tã. Cháu nội đến. Mở cái mền trùm ra thì thấy Hải Âu đưa đôi mắt tròn xoe lên nhìn. Luồn tay vào giỏ bồng bé ra, tay và lòng đều ấm cả. Con đi công chuyện chút xíu, chiều 4 giờ con đón cháu. Chơi với ông nội nghe con. Người con trai cười nói và lại mở cửa đi ra. Tôi bồng cháu lại gần cây thông trang trí đủ mầu. Nó đưa đôi bàn tay bé nhỏ rờ rẫm những nhánh thông xanh. Và quay lại rờ rẫm vào mặt tôi, mỉm cười.

Tôi đặt cháu ngồi lên futon và bắt đầu dọn hàng cho nó, trải hai cái mền che kín tấm thảm cả căn phòng để cho cháu khi bò ra ngoài không bốc lung tung những thứ còn có thể vướng lại trên thảm. Dạo này bốc được cái gì là nó cho cả vào miệng. Ném năm sáu cái gối mầu làm bức tường chắn lối cho nó khỏi bò ra, lôi một đống đồ chơi quăng ra trong bốn bức tường đó. Mà nó đã chơi chán hết mấy thứ đó rồi nên chả thèm rờ tới. Quay lại nhìn tôi, nó bắt đầu ê a lên khóc. Thôi để ông nội bồng, con nỡm. Con dâu than phiền, bố cứ bồng nó hoài, về nhà là cứ đòi con bồng. Chịu thôi, nếu không thích thì đừng gởi, cháu hư tại ông. Nó thích nằm trong vòng tay tôi như kiểu đưa võng, ngửa mặt lên, rờ rẫm cái cằm đầy râu nham nhám của tôi, đôi khi giật mắt kiếng. Tôi cho nó giật tuốt hết. Đó là những giây phút tôi có cảm tưởng mình là một người hạnh phúc nhất thế giới.

Khi vợ tôi về thì bé Hải Âu đưa tay ra đòi bà. Tôi dí tay vào trán nó 'đồ phản bội' rồi đi lên lầu thay đồ để chuẩn bị chở một bà cụ đi thăm chồng bệnh nằm nhà thương. Ông cụ bệnh không thiếu thứ gì. Sau gần một tháng đưa vào cấp cứu, ông vẫn nằm ở khu critical care, dời từ phòng này sang phòng kia, trên người ông là vô số những ống nhựa và dây, từ miệng, từ cổ, từ mũi, từ tay, từ chân, hai cánh tay ông đỏ bầm những máu đông. Bà đến bên giường, lấy những chiếc khăn giấy nhúng nước lau trán ông, lau mắt ông, rồi nắm tay ông, hỏi thăm ông, nói chuyện với ông những mẫu chuyện vặt vãnh ở nhà, nào là con gái đã xin được social security card rồi, cháu ngoại đang xin, cháu học giỏi có bằng khen của trường. Ông nằm yên, thỉnh thoảng gật đầu hay lắc đầu. Bà thỉnh thoảng nói, giọng xúc động, đừng lo gì hết nghe ông, ở nhà tui lo được, ông cầu nguyện Chúa đi, Chúa cứu ông đó. Đôi khi thấy bà thoáng buồn, tôi kể cho bà nghe câu chuyện tổng thống Mỹ Reagan bị bệnh vào những năm cuối đời, ông không còn nhận biết bất cứ người thân nào, cả bà Nancy vợ ông, ngay cả ông, ông cũng không biết ông là ai. Sống mà không biết mình đang sống. Bà nói: tôi biết, chúng tôi còn có phước hơn ông bà tổng thống ấy, còn biết mình, còn nói chuyện, còn tỉnh táo, nhìn người ta, nhìn lại mình, thấy mình còn tốt hơn. Tôi có kể lại cho ổng nghe, ổng gật đầu. Những lúc đó tôi nhìn qua cửa sổ, ngó xuống mặt đất, nhìn những con chim sẻ đậu trên những cành cây khô xương xẩu. Mỗi ngày tôi chở bà vào thăm ông một lần. Khi ra về, tôi cúi xuống giường, nắm bàn tay sưng phồng lên của ông, cầu nguyện cho ông. Bàn tay ông run lên, có khi ông cố gắng dơ tay lên, xá xá tôi để bày tỏ sự biết ơn. Tôi ngăn ông lại. Tôi luôn luôn rời phòng với suy nghĩ một ngày nào đó sẽ vào thăm mẹ mình giống như thế, và chính mình ngày nào đó rồi cũng sẽ nằm như thế này. Nhưng tôi cố gắng nghĩ đến điều đó cách tích cực hơn. Tại sao cứ nghĩ đến tương lai với đôi mắt bi quan trong khi hiện tại vẫn còn đó"

Khi tôi trở về nhà thì con trai đã đón cháu về rồi, và vợ tôi cũng đi làm ca tối. Mùa đông làm ca tối vất vả lắm. Con trai lớn cũng đi làm chưa về, cậu nhỏ nhất thì đi học thêm ở trường sau khi ở sở làm về. Tôi vào phòng, ngồi vào bàn, ngồi thừ ra trước computer, suy nghĩ đề tài bài giảng phải soạn cho xong trong tuần này, mà đầu óc trống không như mặt hình phẳng, sực nhớ là có hai ba cái email hỏi công chuyện gấp mà chưa trả lời. Lục tìm, loay hoay một mớ giấy tờ rồi trả lời email. Khi ngửng lên trên mặt bàn, tôi nhìn thấy tuyết đã bắt đầu rơi bên ngoài. Những bông tuyết trắng bay lả tả như những cụm bông gòn bị gió thổi tung lên, bầu trời sáng lên như một bức tranh vẽ. Tuyết thật tuyệt vời khi rơi thật nhẹ, nhưng trở thành một nỗi khổ khi rơi nhiều và kéo dài, và càng cực khổ hơn khi nó đang tan thì thời tiết trở nên lạnh hơn làm cho mặt đường đóng băng. Khi đứng dậy tôi cảm thấy hơi mệt, cái mệt thường xảy ra vào buổi chiều của người bị diabetes khi phải làm việc cách gấp rút, liên tục. Có lẽ sáng đến giờ tôi chưa có một chút nghỉ ngơi nào, sáng sớm đã lái xe đến khu apartment để chờ đợi thằng bé, rồi trở về, tiếp tục làm việc, chưa ăn uống gì hết .... Cúi xuống lấy cái máy One Touch,  lôi ra những test strip, alcohol prep swabs, lancet, nhắm mắt lại khi mũi nhọn của cây kim đâm vào ngón tay, nặn máu ra, nhìn vào những con số đang lùi lại, 48. Nguy hiểm, phải đi tìm một lon Coke, hay vài viên kẹo, phải làm cho những con số tăng lên.  Nhà không còn một lon Coke nào hết, trong lúc bối rối cũng không nhớ những viên kẹo cất ở đâu. Mồ hôi đổ ra trên sống lưng, tôi phải vịn cầu thang để bước đi. Nhìn ra ngoài trời thấy tuyết đã phủ kín mặt đường, những nóc nhà cũng trắng xóa, một con chim lẻ loi bay đậu trên một cái đỉnh  nhọn của hàng rào, khung cảnh trông giống như một đoạn phim trong Doctor Zhivago mà tôi đã xem từ khi còn trẻ. Cơn mệt đột ngột dâng lên, có một cái gì đó chợt hao hụt trong tôi, bước chân tôi chếnh choáng như người say rượu và tôi có cảm giác rất rõ rằng mình đang rơi vào một cơn mê không kìm chế được. Ngủ đi, tôi tự nhủ và ngã mình xuống, và ngủ, như những ngày nào đó trong quá khứ, ngủ trong tiếng nhạc nhẹ phát ra từ cái máy cassette nhỏ bên cạnh giường, trong giấc ngủ có lẽ có một giấc mơ êm đềm thấy mình chạy trên đồng cỏ mênh mông, tay cầm những con chuồn chuồn cánh mỏng, đẹp đẽ như bài hát Greenfield: ta yêu đồng xanh, như đã yêu thương con người. Ta thương đôi tình nhân kia, như gió thương yêu mây trời, nhưng sao giờ đây chẳng có ai chung quanh ta ... Một ngày làm việc như thế là đủ chưa"

Tiếng điện thoại reng như xoáy vào trong tiềm thức tôi, trong cơn mê váng vất tôi mở mắt ra nhấc máy và nghe một giọng nói hoảng hốt từ đầu giây bên kia:

- Mục sư ơi, ông nhà tôi đang bị hôn mê trong bệnh viện rất nguy hiểm, Mục sư có thể nào giúp chở tôi vào bệnh viện ngay bây giờ không"

Tôi nhướng đôi mắt mệt mỏi nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn tuyết đang rơi dày đặc thêm, và trả lời như một cái máy:

- Bác chuẩn bị đi, tôi sẽ đến ngay.

Tôi cố gắng ngồi dậy, nhìn thấy một gói kẹo chocolate đặt gần những trái chuối, không biết từ khi nào, có lẽ cơn mệt làm tôi hoa mắt không nhìn thấy chăng, tôi vớ lấy bỏ vào miệng như trong cơn vô thức. Tôi mặc áo coat, quấn thêm cái khăn và mở cửa bước ra, bước chân vẫn còn chuếnh choáng. Chiếc xe vất vả lui lại, trượt những chiếc bánh của nó trên lớp tuyết mỏng. Tôi thấy tội nghiệp cho bà cụ. Tôi suy nghĩ đến những lời sẽ nói với bà khi bà ngồi trên xe, những lời nói nào sẽ khích lệ bà. Bà đang rất lo sợ, lo ông chết, nhưng trông bà có vẻ bình tĩnh hơn khi có tôi bên cạnh.

Khi chúng tôi vào, các bác sĩ và y tá đang đứng quanh giường của ông, chúng tôi phải ngồi đợi trong phòng đợi gần đấy, thời gian chờ đợi ấy là quá dài. Tôi cầu nguyện với bà cụ và xin một phép lạ. Tôi cảm thấy mình đuối sức. Rồi rốt cuộc người bác sĩ  cao lớn từ trong phòng bước ra, uể oải tiến lại gần.

- He's very ill. But he's fine now.

Khi tôi lái xe đưa bà về nhà, thì màn đêm thật sự đã buông trùm trên mọi vật, từ giã và chạy về nhà mình, chiếc xe phải chạy rất chậm vì tuyết đã rơi rất dày và hầu hết những xe trên đường đều chạy chậm lại. Một sự mệt mỏi lại ùa tới và tôi lại cảm thấy buồn ngủ, một ngày như thế là đủ rồi, tôi tự nhủ, và bây giờ tôi có thể tìm cho mình những giây phút yên tĩnh riêng tư.

Tôi nghe những tiếng kêu phát ra từ chiếc điện thoại bàn khi vừa mở cửa vào nhà. Tôi không muốn nghe chút nào cả, nhưng tôi vẫn bước tới, bấm nút để nghe lời nhắn:

- Mục sư ơi, chúng tôi cần ông bây giờ, thằng Di nhà tôi lại bỏ đi rồi, trong trời tuyết thế này, nó đi đâu, Mục sư ơi, gọi lại cho tôi.

Một ngày vẫn chưa qua, một ngày mùa đông. 

Tôi lẩm nhẩm lại bài thơ tôi nhớ buổi sáng. Tiểu Di, hay Sergey Tkachenkho, em là ai" Mùa đông nước Nga còn buồn không" Trước khi gọi điện thoại lại cho cha mẹ đứa trẻ có cái tên đẹp, tôi mở cái ví, nhìn tấm hình bé Hải Âu mở tròn xoe đôi mắt nhìn, dường như nó muốn nói (mà không thể nói): ông nội ơi, cháu đây nè, ông nội đừng mệt nữa, ông nội có vui không"

Vui hay buồn, tôi không định nghĩa được. Lòng tôi thấy nhẹ nhàng. Bây giờ thì tôi biết là mình đang sống, đang làm việc, đang làm những việc cần, những việc tốt, cho những người cần mình. Còn người cần đến, tôi còn làm việc. Tôi hôn lên tấm ảnh của cháu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,247,186
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài đăng hai kỳ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện cập nhật mùa bão, xin phổ biến kịp thời.
Nhạc sĩ Cung Tiến