Hôm nay,  

Linh Tinh Ở Nước Mỹ

20/04/200700:00:00(Xem: 137006)

Người viết: Phạm Thị Như-Ý

Bài số 1245-1856-562vb5190407

*

Tác giả cho biết truớc 1975, bà giáo viên tại Hóc Môn, Gia Định. Sau 1993 phụ y tá ở Seattle Nursing Home, phụ giáo ESL Seattle Central Community College, và tình nguyện viên Hội Cao Niên Seattle, WA. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là tự truyện về cuộc sống, học hành, công việc của một bà vợ H.O. tận tụy và có lòng trong cuộc phấn đấu hội nhập cuộc sống tại Mỹ. Mong bà sẽ tiếp tục viết thêm.

*

Sau những gay go chật vật, cơm, áo, tiền ...; rồi cũng đến Seattle năm 1993 với danh nghĩa HO.  (HO, (Humanitarian Operation), tị nạn nhân đạo hay tị nạn chính trị, trong tâm tư có niềm tự hào nhen nhúm trong xứ sở tự do.  Một đời mới bắt đầu cho cuộc sống, học hành, và việc làm.

1. Cuộc sống:

Giữa tháng hai năm 1993, tại phi trường Sea-Tac (Seattle-Tacoma) gia đình chúng tôi chờ người thiện nguyện đến đón.  Một phút chờ đợi là một phút suy tư tính toán trong tâm trạng nửa vời: rắc rối với cộng sản ư, thiếu sót với tự do nào.  Những hình ảnh xa lạ trong phòng chờ làm vơi đi những lo lắng bồn chồn.

 Đây là khu chờ đợi quốc tế, với nhân viên đồng phục, hành khách ăn mặc, đi lại thoải mái, hình như không có vài ba chục người đưa đón.  Đôi khi có vài cặp ôm nhau hôn từ giả như trong phim, coi như không có mặt mình ở đó.  Có những người mặc áo choàng trắng, râu ria và cũng giống như trong phim.  Có lẻ người Á Rập chăng"  Có hình ảnh đập mạnh vào mắt nhất là có những người, có vẻ phụ nữ, mặc áo choàng đen, bịt đầu, bịt mặt, chỉ chừa hai mắt; điều nầy lại chưa thấy trong phim...

Rồi sau gần ba tiếng đồng hồ người đại diện của cơ quan thiện nguyện bảo lảnh đến

đưa chúng tôi về thành phố Seattle.  Vừa ra khỏi cửa kính phi trường tôi đã giật dội lại vì cái lạnh không tuởng, dù tôi đã có ở Đà Lạt.  Người hướng dẫn  bảo lên xe sẽ sưởi ấm.  Tại sao trên xe lại có sưởi ấm nhỉ"

Anh ta đưa chúng tôi vào căn nhà trống và hỏi có muốn muớn hai hay ba phòng cho gia đình năm người lớn trên 18 tuổi.  Rõ ràng đây là câu hỏi tọc mạch, soi bói vào chuyện phòng the theo kiểu tư bản.  Nhưng bản chất nhập gia tùy tục và là người chân uớt chân ráo, tôi cũng kịp nhẹ nhàng đáp; trăm sự nhờ chú.

Cái chánh là việc học hành của con cái, còn tôi thì tự hứa sẽ làm bất cứ công việc gì nếu có người mướn. 

Tuần lễ đầu, đi học cách sinh hoạt ở Mỹ, trước đây giai đoạn nầy học ở Phi Luật Tân hay Thái Lan.  Sau đó hai con trai đi học ở truờng trung học chánh qui Seattle, vì chúng chưa tới 21 tuổi, dân bản xứ thì tuổi ở trung học là 18.  Xe rước từ 7 giờ sáng, đến ăn sáng, đưa về 3 giờ chiều, có ăn cơm trưa.   Các cháu đựợc học lớp 9.  Gia đình chúng tôi mừng rơi nước mắt, nhưng lo không hiểu vào lớp chúng nó học thế nào và nghe tiếng Anh làm sao được.  Dù rằng chúng vừa tốt nghiệp phổ thông (lớp 12).

Tuần sau, có một nguời thường đi ngang nhà giống như Việt Nam, tôi mạnh dạn làm quen.  Bà ta cho biết trước đây nhà nầy Phi Luật Tân ở, nên thấy chú thím mà không có chào hỏi... Lân la tâm sự, có ý muốn đi làm, chị ta sốt sắng giới thiệu một người đang cần người nấu ăn và giữ em bé.  Thì ra đúng là nguyện vọng và nghề của nàng, y như coi con và làm việc nhà.  Nhất là lương tháng quá hấp dẫn tới $700 mà làm có 6 ngày, từ 6 giờ sáng tới 6 giờ chiều, còn nghỉ được ngày chủ nhật.  Thế nhưng, không phải khôi hài, nhưng, tại, bởi, vì người chủ chê vợ HO thì không biết nấu nướng, coi con.....Thế ư!!!!

Còn đang trong tình trạng lảnh trợ cấp 8 tháng cho cả gia đình trên 18 và dưới 65 tuổi.  Tôi nôn nao phải đi làm vì làm sao trả tiền nhà, điện, thức ăn sau 8 tháng đây...May mắn có người chỉ đi xin "food bank", thực phẩm thặng dư của cơ quan hay nhà từ thiện.  Tôi bất kể lạnh lùng mưa gió, đi xin gần như 6 ngày trong tuần, và bảo lủ con cũng phải sắp hằng để xin khi chúng nghỉ học.  Rồi còn đi xin quần áo nữa.  Có lần, tôi tự cho mình nói tiếng Anh quá giỏi, vì dám cãi với cô cho thực phẩm.  Cô ta hỏi ông Liên Sô đứng trước tôi, đi xe hơi hay đi bus.  Ông ta trả lời, đi xe hơi, cô ta cho nguyên thùng táo, (apple) còn tôi trả lời đi bus cô ta cho có 6 trái táo.  Tôi đâu có chịu, đây là kỳ thị đây mà.  Xin ăn mà nói đi xe hơi chớ.  Tôi cãi lung tung, còn cô ta thì nhã nhặn trả lời vì giữ gìn sức khỏe cho tôi không thể mang nặng....

Rồi tôi cũng tìm cách đi học cấp tốc và đậu cái bằng phụ y tá, rồi đi làm giá $8/giờ sau ba tháng ở Mỹ.  Tôi khoe cái giấy phép hành nghề của tiểu bang Washington cấp cho thằng cháu, tạm nhận, xem.  Nó dám cầm xé ra.  Tôi la chói lói. Nó mới giải thích là mình chỉ cần cái licence nhỏ xíu như giấy căn cước, xung quanh đã đục lỗ sẳn, xé ra để gọn vào bóp...Thì ra xứ tự do và tự động nữa...Còn nhiều cái linh tinh trong cuộc sống mà có nhập gia mới tùy tục.  Rồi cũng hiểu cộng sản, tư bản, và tự do hay cao hơn là chính trị...  Bây giờ nhớ lại chuyện học hành.

2. Học hành

Từng là giáo viên nên việc học và dạy có rất nhiều kinh nghiệm lối 30 năm trong nghề.  Chuyện học là dễ thôi, tuy hơi khớp khi bảo phải thi xếp lóp.  Mình chưa thi máy nghĩa là khoanh tròn với viết chì #2.  Hai mẹ con cùng thi, cùng vô lóp 3 ESL, English as a Second Language.  Trong lớp thì mẹ có nói con ít dám nói vì sợ trật, không nói cuối giờ bị trừ điểm; văn phạm thì con nhớ, mẹ quên.  Cuối khoá, mẹ con cùng ở lại lớp.  Trong khi đó buổi chiều tôi đi học khóa Nusing Assistant.  Rồi đi làm đêm, sáng vẫn đi học...

Vừa học vừa ngủ gục, rồi copy; toàn là những điều tối kỵ trong những năm học và dạy ở quê nhà.  Tôi copy đến nổi, bạn ngồi gần nó hỏi, bác copy như vậy rồi làm sao bác thi được bác. Gần ngày thi tôi thức ngủ lẫn lộn, ôn những bài mà thây cô cho sẽ thi cuối lớp.  chuyện lên lớp hay ở lại là bình thuờng.  Ở trường cộng đồng, thì tuổi từ 18 đến vô hạn định, không phân biệt nam nữ, sắc tộc....Tại đây mới thắm thía "học thầy không tầy học bạn" và tục ngữ Anh  "học thầy biết một, học bạn biết hai, dạy biết mười"...

Tôi là giáo viên dạy học, dạy nên biết mười.  Biết mười đây là mười cái chưa biết trong cuộc sống toàn cầu từ thượng vàng hạ cám hay trong tâm tư ra xã hội.  Xã hội sinh vật cao cấp.  Tự mình cho mình là cao cấp, y như rằng mỗi chũ nghiã tự cho rằng mình đúng và đem tự do hạnh phúc đến nguời khác.  Trong gia đình hẹp hòi nhỏ bé, ông bà, cha me, con cái, mỗ vị trí đều cho mình đúng và mang hạnh phúc đến người khác.  Thật đó ư.....

May mắn trong gia đình Việt Nam còn ba thế hệ ở chung một mái nhà, ăn chung một mâm cơm.

Trong khi học ESL, có giờ tâm sự, tôi kể con trai tôi muốn sống riêng dù rằng chưa lập gia đình.  Cô cười ngất và bảo: kick him out when he is 18 (18 tuổi tống cổ hắn ra khỏi nhà).  Nữ sinh dưới 18 tuổi có chửa nhà nước lo, con gái có con không cha, nhà nuớc lo.  Không có chuyện cạo đầu trét dầu con rái... Con nuôi thì cũng phải cho biết cội nguồn...

Trở lại việc học trong lớp ESL thời đó chia ra 3 cấp, mỗi cấp 3 bậc A, B, C.  Hiện giờ chia 6 cấp, mỗi cấp 3 bậc A, B, C. Rồi đến college, hay giỏi lên thẳng University.  Đây là nói về Seattle, Washington.  ESL học 2 giờ/ ngày, ba ngày một tuần, và khoảng hai tháng ba tuần cho một tam cá nguyệt.  Gần như có ba lớp trong ngày, sáng, trưa, chiều, tối... Có vài bạn ghi học hai lớp ESL trong cùng một quarter.  Trong lớp ESL dạy ngôn ngữ, phong tục, phát âm, vi tính, có lớp lab để học theo tape, và không có dạy toán.  Toán học theo chương trình khác và ở bậc college. 

Sau bốn năm học ESL tôi cũng thi đậu vào college.  Bây giờ có tiền học, tiền vừa học vừa làm, hơn nữa quá chán nản về việc làm nên tôi xin làm đi học.  Và rồi đến gặp cố vấn về việc học.  Cô ta bảo với 30 năm nghề daỵ hoc là quý báu, taị sao không tiếp tục sự nghiệp dạy học.  Tôi tự than thầm, nói tiếng Anh không suông mà dạy ai. Cô đề nghị nghề nấu ăn, tôi chợt nhớ lại thành kiến, vợ sĩ quan mà biết nấu nướng gì.  Cô đề nghị tiếp kế toán.  Tôi lại chán những con số. 

Trong khi làm phụ ý tá, tôi thấy y tá tốt nghiệp 1 năm (LPN) là lương gấp đôi phụ y tá và nhẹ nhàng sạch sẽ hơn, không phải va chạm với tiểu tiện của người cao tuổi; nên tôi dự định học y tá.  Tôi tỏ ý muốn học LPN (License Practice Nurse).  Cô cố vấn bảo có những khó khăn cho người không học trung học ở Mỹ, vì hạn chế từ ngữ và phát âm.  Những môn đòi hỏi khó đó là Dinh duỡng, Hóa học, và Cơ thể học... để vào lớp y tá chính thức.  Ở đây không thi tuyển, chỉ học theo ý muốn và có thể nhờ cố vấn chuyên môn góp ý.  Trong khi học, có thể học với Tutor, phụ giáo dạy kèm tùy môn học và khả năng cuả thầy cô phụ giáo.  Người phụ giáo có trình độ ngang mình hay là đã có bằng tiến sĩ....

Tôi vựợt qua lớp Dinh Dương dễ dàng, Hoá học tương đối dù rất khác khi xưa tôi học; đến môn Cơ thể học, thì điên đầu với từng chi tiết trong cơ thể.  Trong lớp người giỏi nhất là Nepal.  Tôi hỏi kinh nghiệm thì cô ta trả lời tôi là giáo sư về Cơ thể học và qua Mỹ du học để trở thành bác sĩ.   

Trong những năm học ở college, tôi nhận ra quá nhiều lỗi lầm mà tôi mắc phải khi còn đứng lớp ở quê nhà.  Tôi đã không nhận thấy lối chỉ dạy của mình là thiếu sót mà chỉ thấy lỗi tại học sinh kém thông minh. Tôi chưa tìm cách minh họa bài học để dể nhớ, chưa đi sát tâm lý học sinh.... để chúng dể hoà mình với bài học, với bạn bè, và với thầy cô.  Tuy nhiên những caí tự do quá đáng cũng tạo nên tánh tự cao, tự đại.  Nhìn xa thì có chủ nghĩa, mỗi chủ nghĩa có cái hay, cái độc tài, và cái quá tàn ác của nó.  Cuối cùng tôi chọn học ngành giáo dục và trở thành phụ giáo ESL.

3. Việc làm 

Phụ giáo ESL có gì hay và có gì khó khăn. 

Hay và khó khăn thì hình như ở đâu và ngành nghề nào cũng có.  Những năm tháng dài 30 năm đứng lớp cứ tuởng là mình vua một cõi. Rồi những năm lăn lộn với cơm, áo,  tiền cứ an ủi là vận nước thế, cá nhân mình, gia đình mình, và xóm làng mình phải thế.

Ngày đầu buớc chân xin việc cũng khá suông sẻ khi xin việc phụ y tá, chỉ việc cái thằng phỏng vấn hay "ba lăm".  Tôi đã học qua lớp chuẩn bị trả lời khi xin việc làm., quần áo chỉnh tề, tuyệt đối không mặc quần jean (hạ cấp"), mỉm cười tự tin... trả lời chính xác và gọn nhẹ... Tôi chọn làm ca đêm, vì nghĩ sáng còn đi học.  Hơn nữa ca sáng, 7 giờ giao ca thì không có phương tiện di chuyển.

Ngay ngày đầu đã bỡ ngỡ và tủi thân.  Cơm ăn không được vì những hình ảnh và mùi từ con nguời thải ra... Tự nén lòng vì đã hứa việc gì cũng làm được để các con có thể tiếp tục học, và một phần chu cấp bên nhà.  Thế mà đã rán gần 5 năm. 

Có những công việc phải làm hai người như thay tả bệnh nhân nặng kí lô.  Người làm chung ca hưá sẽ giúp nhưng đợi làm xong việc của họ xong trước.  Nạn bè phái và sắc tộc lộ rất rõ, mà người Việt chê ít người làm việc nầy.  Nhiều nhất là Phi Châu và Phi Luật Tân.  Nghề ít chữ mà nhiều tiền là làm móng tay và săn sóc sân vuờn.  Nghề phổ cập là kỹ sư vi tính, vuơn cao là dược sĩ, nha sĩ... Nhìn chung giới trẻ Việt Nam rất đa dạng về nghề nghiệp để hoà nhập vào nếp sống của người bản xứ.  Chỉ riêng giới cao niên có phần lẹt dẹt với nghề tay chân, cắt cỏ, bỏ báo đêm qua ngày.  Tuy nhiên nghề tay chân nầy không sánh nổi với sức khỏe trẻ trung và giá rẻ của người anh em phiá Nam Mỹ như Mễ Tây Cơ.  Nói đến đây gợi nhớ về câu nói vè: không ăn cắp là không xxx, không đi trễ là không Việt Nam.  Thói quen tiệc cưới mời 6:00 tối, mà 8 giờ chưa mở tiệc...

Trở lại việc làm sau khi nghỉ phụ y tá, là phụ giáo viên ESL. Công việc quá nhẹ nhàng tay chân, nhưng đầu óc nặng như chì. Thật ngạc nhiên khi biết có người chưa biết đọc chữ Việt; vậy mà tật chảnh và hoạnh hẹ thì còn phát triển mạnh hơn vì ở xứ tự do.  Họ bảo rằng không có học trò thì thầy cô giáo và phụ giáo lấy ai mà dạy.  Học trò là vua, phải chìu, phải nhã nhặn.  Xứ tự do mà, con cưng của chánh phủ mà.  Nhưng cái lợi là vừa phụ lớp vừa học cách phát âm mà tôi chưa có dịp học kỹ càng. 

Nhân học về phong tục, tôi mới nhớ ra cái ông phỏng vấn khi làm phụ y tá.  Sau khi phỏng vấn xong, ông hỏi tôi có câu hỏi hay thắc mắc nào không.  Tôi trả lời cám ơn, vì đuợc ông nhận vào làm.    Ông đưa hai ngón tay tréo chào tôi, làm tôi đỏ cà mặt thẹn thùng, còn ông nghĩ tôi quá sung sướng được việc làm.  Thật ra hai ngón tay tréo ở đây chỉ tương trưng là may mắn.  Điều nầy làm tôi liên tuởng đến cuốn tiểu thuyết Doctor Zhivago của nhà văn Nga Boris Pasternak, có một chi tiết đaị loại như vâỵ.

Sau cuối là làm thiện nguyện cho Hội Cao Niên WA.  Vốn hai đầu gối tôi bị sưng trong những năm sau nầy.  Bác sĩ khuyên tôi là không có thuốc đặc trị cho đau khớp mà là ăn uống và vận động.  Ăn nhiều rau quả, giảm thịt và chất béo; thêm vào đó vận động cơ thể như đi bộ, bơi lội, nhảy đầm và v.  v...  Tôi đã tự khen khi dùng tiếng thể dục nhịp điệu và nhảy đầm thư giản cho tuổi xuân tròn hay xuân tàn.  Còn nuôi những kỳ vọng nào trong tương lai nếu không có sức khỏe.  Vì vậy, tôi đang theo trào lưu vi tính, theo thể dục nhịp nhàng, theo tư tuởng khỏe mạnh từ tinh thần đến thể chất ở Mỹ cũng như ở Việt Nam.  Ứớc mong cơ thể khỏe trong tâm hồn tự do dù ở đâu và lúc nào.  Vì thế nên tình nguyện sinh hoạt ở Hội Cao Niên coi như phần nào mình tự tập và chia sẻ những động tác để giữ cơ thể khỏe mạnh trong cộng đồng thân thương ở quê hương tạm dung.

Chúc Quý Bạn có cuộc sống linh tinh đầy bận rộn mà thư thới trong mọi tình huống.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,270,221
Nhạc sĩ Cung Tiến