Hôm nay,  

"Việt Kiều" Khác Gì "Việt Nam"?

25/09/200600:00:00(Xem: 268364)

Bài số 1046-1655-368-vb5290606


Anne Khánh-Vân, 33 tuổi, hiện đang sống tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, đã góp một số bài viết đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp Kinh Tế Kế Toán và sống một thời gian ở Pháp, cô sang Mỹ và hiện đang vừa làm việc và vừa học thêm về Management Information System. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.


Mỗi lần có dịp về thăm nhà, tôi thường đi thăm lại những bạn bè thân quen cùng các thầy cô giáo cũ. Hôm ấy đến thăm cô Lang, vừa ngồi xuống chiếc ghế mây ở phòng khách đơn sơ nhà cô, chưa nói được gì nhiều, thì cô đã hỏi tôi: "Vân, con muốn uống gi" Nước ngọt lon hay nước suối""   Tôi thong thả và vô tư trả lời: "Cô cho con nước gì cũng được ạ, miễn là nước đun sôi như gia đình mình thường ngày dùng là con uống hết!"

Cô Lang chỉ vừa đứng lên để vào nhà bếp; nghe tôi trả lời cô liền quay lại nhìn tôi cười và bảo: "Vậy con đâu phải là Việt kiều!"   Tôi tròn xoe mắt nhìn cô: "Ủa, vậy chứ Việt kiều uống gì hở cô""   "Việt kiều kỹ lắm, chỉ uống những loại nước chưa bao giờ khui, vẫn còn nhãn hiệu, chứ không uống nước dù đã lọc và đun sôi rồi đâu cô nương ơi!"

Tôi ngạc nhiên quá. Có lẽ vì chưa bao giờ có dịp tiếp Việt kiều nên "nào hay biết". Cô Lang giải thích:

- Năm ngoái cô có người dì họ ở Thụy Sĩ về, đến thăm ông nhà cô. Khi dì vừa vào đến nhà, cô chưa kịp mang nước trà ra mời thì dì ấy đã lôi ra trong giỏ sách chai nước suối để phạch lên bàn rồi nói: "Đi đâu cũng phải nhờ tụi nhỏ chở theo một kết nước suối; dì chỉ uống được nước suối mà thôi!"

Tôi bắt đầu thấy sao sao... nên mở tròn mắt hơn và hỏi cô Lang: "Dù nước đã lọc và đun sôi rồi dì cô vẫn không uống được sao""  Cô Lang kể tiếp:

- Nếu dì ấy uống được thì đâu còn chuyện để nói. Đằng này, dù cô có nói là nước uống nhà cô đã được lọc và đun sôi nhưng người dì vẫn chỉ: "Thôi để dì dùng nước của dì được rồi!" làm cô và cả ba cô thấy ngượng quá. Chắc dì nghĩ nước lọc đun sôi nhà cô chưa an toàn vệ sinh và chắc là nhà cô cũng không có những loại nước có nhãn hiệu và chưa khui nên bà đã mang theo nước của bà cho chắc ăn. Mà thật sự thì hồi nào tới giờ nhà cô có bao giờ dùng đến nước suối đâu, cho nên nếu hôm ấy người dì mà có đòi uống nước suối thì cô cũng chẳng chạy đi mua kịp để về mời bà. Từ sau hôm ấy, cô đã luôn dự trữ sẵn trong nhà một số nước suối để lỡ Việt kiều mà có đột xuất đến thăm thì mình cũng làm phải phép hiếu khách.

- Ôi trời ơi, vậy sao!" Con về Việt Nam cũng nhiều lần rồi và lần nào con cũng có uống nước lọc và đun sôi như tất cả những người thân ở đây nhưng có bao giờ con gặp "sự cố" nào đâu!

- Thế nên cô mới nói con không phải là Việt kiều! Có lẽ con là trong số ít đó, chứ khá nhiều Việt kiều giống như người dì của cô. Họ tuyên bố thẳng thừng: "Việt Nam cái gì thấy cũng mất vệ sinh, không dám đụng vô, cứ uống nước lon hay nước suối là chắc ăn nhất."

Rời nhà cô Lang ra về mà chuyện người dì của cô cứ làm tôi phải mãi suy nghĩ. Hóa ra trong mắt người Việt trong nước, "Việt kiều" là như thế"! Mọi người cứ luôn phải "chuẩn bị" từ "tinh thần" cho đến "vật chất" trước khi đón tiếp Việt kiều sao" Nếu quả đúng thế thì thật đáng buồn chứ nào vui!

Đồng ý rằng, hàng quán ở Việt Nam không phải hàng nào cũng đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Có nhiều hàng quán khi nhìn vô thấy phía dưới chân ngập tràn rác rến làm cho (từ trước khi trở thành Việt kiều) tôi đã không dám bước vào dù quán ấy có ngon bao nhiêu (vẫn thấy ơn ớn nuốt không trôi). Vì vậy mà một khi đã chưa được đun sôi, chưa được nấu chín hoặc chưa được rửa sạch thì chính người Việt trong nước cũng vẫn có thể "ôm bụng chạy " chứ đâu riêng gì Việt kiều.

Người dì ấy đã quá bi quan cho một thứ và cũng hơi quá chủ quan cho thứ kia. Nước suối "còn nguyên" nhãn hiệu chưa bao giờ khui vẫn có thể là nước suối giả nếu mua nhầm của những kẻ cố tình làm những việc thiếu lương tâm kia mà, bởi chính tôi đã từng bị mua xăng có pha nước trong một lần xe hết xăng giữa đường khi trời đã tối!

Có thể, người dì của cô Lang, vì đã từng bị "Tào Tháo đuổi" do thiếu thận trọng khi ăn uống ngoài phố chợ, nên từ sau đó bà đã có ác cảm và sợ hết tất cả những hàng quán bên ngoài, thì tôi sẽ rất cảm thông với bà.

*

Trước lần về ấy của tôi vài tháng, gia đình cậu tôi có về thăm ông bà ngoại tôi. Nhỏ em cô cậu của tôi khi kể lại chuyện ông bà nội nó tiếp đãi "Việt kiều" ra sao, nó đã vừa kể vừa trách yêu bà nội: "Bà nội phân chia giai cấp lắm đó chị, với 'Việt kiều' bà nội đối xử khác, với 'Việt Cộng' bà nội đối xử khác!"

Nghe nhỏ em nói mà tôi vừa buồn cười vừa thắc mắc nên hỏi: "Tai sao em lại nói thế""   Nhỏ em vừa liếc liếc về phía bà nội nó vừa trả lời tôi:

- Thì hễ Việt kiều về là bà nội cho máy lạnh chạy, Việt kiều mà đi thì máy lạnh cũng đi theo luôn! Tụi em mà đòi nội mở máy lạnh lại thì nội nói: "Mình ở nóng quen rồi con, cho máy lạnh chạy sao thấy nó cứ lạnh ngắt, rồi nhà cửa cứ phải đóng kín mít khó chịu quá!"   Bà nội nói vậy nhưng em nghĩ lý do chính chắc không phải vậy đâu mà là vì mỗi lần máy lạnh chạy, bà nội thấy kim đồng hồ điện cứ chạy ro ro nên bà nội sốt ruột đó thôi; vì vậy mà mỗi lần qua thăm nội, mấy người "Việt Cộng" này phải chịu nóng đó chị.

Cả nhà cười ào và tôi cũng cười, nhưng trong lòng thì hơi thấy ngài ngại vì bản thân mình cũng là một "Việt kiều"; hơn nữa, con bé chỉ mới mười ba tuổi mà đã biết để ý nhận xét sự khác biệt trong cách bà nội nó đối xử với "Việt kiều" và "Việt Cộng".

Thế là một lần nữa tôi đã lại nghĩ ngợi. Tôi bắt đầu đi sâu vào mọi thứ để tìm hiểu và so sánh xem Việt kiều thật sự khác gì Việt Nam và vì sao lại có sự "phân chia giai cấp" ấy!

Có phải vì Việt kiều tân tiến hiện đại hơn chăng, nên nếu không "giống" sẽ bị chê bai lạc hậu" Hay vì Việt kiều có nhiều tiền hơn, nên nếu không tiếp đãi sang trọng thì sẽ bị chê khinh nghèo hèn"

Trong buổi chuyện trò ở nhà cô Lang, cô có kể cho tôi nghe một số chuyện có liên quan đến Việt kiều mà bản thân cô và một số bạn bè người thân khác của cô đã có dịp chứng kiến và nhận xét. Lợi dụng trong lúc chủ đề nói về "Việt kiều" đang sôi nổi, tôi đã hỏi cô Lang: "Bây giờ cô hãy quên con là Việt kiều đi nhe, nhìn chung, cô nhận thấy Việt kiều ra sao hở cô""

Cô Lang có hơi lưỡng lự nhưng cuối cùng cũng đã chia sẻ với tôi:

- Việt kiều có nhiều người rất dễ thương; họ hiểu cao biết rộng và có khi cũng rất giàu nhưng rất khiêm tốn, rất đáng trọng. Bên cạnh đó cũng có nhiều người kiêu ngạo đến đáng sợ dù bên ấy chỉ làm "cu li" hoặc lãnh tiền trợ cấp của chính phủ chứ không phải tiền do mình đóng thuế hay làm ra. Nhưng nói thế cũng không công bằng, bởi chính dân Việt Nam ở ngay Việt Nam đây cũng vậy, có tiền một chút hoặc làm được gì hơn thiên hạ một chút thì cứ làm như là "ghê gớm" lắm, phải ăn trên ngồi trước, phải người thưa kẻ bẩm! Có dịp đến những nơi ăn chơi sẽ càng thấy rõ. Có nhiều người tiền không biết làm đâu ra mà thật nhiều. Họ xem tiền như rác nên tung tiền rất "mát mắt" - Việt Kiều (dù có tiền) chắc vẫn phải chơi không lại... Thấy cũng đáng sợ lắm!

Tôi thì chưa có dịp đến những nơi ăn chơi để tận mắt nhìn thấy những điều ấy, nhưng nếu sự thật đúng như những gì cô Lang đã nhận xét thì không biết có nên đi vào chi tiết "Việt kiều khác gì Việt Nam" không, nếu cả hai cơ bản có những điểm giống nhau" Như vậy, có phải đâu đó trong một số người Việt Nam đã có chút máu: "Thích làm le, thích 'khè' thiên hạ""

Sống ở đâu thì cũng là người Việt, khác nhau chăng chỉ là mãnh đất và tên gọi của nơi chốn ấy. Và các tên gọi ấy có thể là Hà Nội, Huế, Saigon, hay vượt ra khỏi ranh giới của Việt Nam là những nơi như Pháp, Úc, Mỹ, Canada...là những nơi mà hiện có nhiều người Việt đang sinh sống. Nhưng dù sống ở đâu thì vẫn giòng máu da vàng tóc đen ấy đang tuôn chảy trong người chứ đâu vì cái tên gọi của xứ sở mới ấy làm giòng máu của mình thay đổi! Vậy tại sao lại có sự cách biệt từ tính cách đến cách đối đãi giữa kẻ ở, người đi"

Có phải là vì thói quen, vì môi trường" Thử nghĩ xem, trước kia, khi chưa rời khỏi mãnh đất khô cằn, bùn lầy, nghèo khó ấy, cũng phải ăn bắp ăn khoai, nước ao nước giếng; cũng phải đầu trần, chân đất; cũng phải nhà lá, giường chiếu, mành the; cũng phải xe bò, xe đạp, xe thồ... nhưng vẫn sống được, có lẽ vì... quen! Khi rời đất mình đi qua đất khách, ban đầu vì "chưa quen" nên nhìn quanh thấy gì cũng "ngộ": "Dân Saigon ngộ quá!" hoặc "Dân Tây ngộ quá!", nếu không muốn nói có nhiều cái thấy thật "kỳ", thật "chướng mắt", thật "không thể chấp nhận được"... Thế vậy mà với thời gian, mình cũng đã trở thành những con người với những cái "kỳ", cái "ngộ", những cái "chướng mắt" và "không thể chấp nhận" ấy... Có phải thế không"

Bình thường thì trước khi về Việt Nam độ chừng 30 ngày, muốn "an toàn" thì phải đi chích đủ thứ ngừa. Nào là ngừa đau bụng, ngừa thương hàn, cảm, cúm, sốt rét, siêu vi gan A hoặc B,...vv. Ngoài ra còn phải mang theo bao nhiêu là thuốc men phòng khi đau sẽ có thuốc uống. Phần tôi vì lười và vì thấy sao cả một danh sách dài những thứ phải chích, ngán quá, nên lần nào tôi cũng "liều mạng" không đi chích... nhưng lần nào về tôi cũng đều khỏe mạnh (Xin Trời thương hãy tiếp tục cho con được như thế, chứ con không muốn phải "bị" chích đâu!). Khi biết thế người nhà tôi đã nói, có lẽ vì tôi thường về, "vi trùng Việt Nam" vẫn còn "quen mặt" nên "dễ dãi" không "tấn công" tôi. Nhưng chắc không hẳn là thế đâu, bởi những ngày đầu, sau một ngày dạo chơi ngoài phố, tối về nhà, tôi cứ bị đau cổ họng rồi ho hù hụ, còn mắt thì hơi sưng lên và đổ đầy ghèn. Tôi biết là do ngoài đường có nhiều khói bụi và cơ thể vì "hết quen" nên đã "phản ứng" "dữ dội". Những ngày sau đó, cổ họng tôi dần bớt đau và mắt cũng bớt sót và ít đổ ghèn. Có lẽ vì cơ thể tôi đã bắt đầu "quen lại" và nhờ tôi đã mang "khẩu trang" (Hình như cái ấy được gọi như thế!). Nói chung là những người thân của tôi khi ra đường, họ làm thế nào thì tôi cũng làm thế đấy.

Trở về Việt Nam, tôi chẳng sợ nếu có phải uống nước hơi phèn hay ăn gạo hơi mục; ngủ giường tre hay phải nằm mùng tôi vẫn cứ ngủ ngon; ra đường có phải "trùm kín mít", vẫn vui!... Nếu có sợ thì tôi chỉ sợ nếu mình "được" "phân biệt", dù rằng sự phân biệt ấy là vì tôi được người nhà thương, lo lắng sợ tôi đau nếu tôi đã mất bớt thói quen chứ không vì tôi là "Việt kiều" nên họ quan tâm hơn... Nhưng khi được đối đãi "đặc biệt" hơn như thế, nhìn lại những người thân xung quanh mình, lòng tôi không an vui. Tôi có thể tự nhận biết, mọi người khi nhìn Việt kiều, họ sẽ thấy Việt kiều "hơi khác" họ vì hoặc là da dẻ trắng trẻo hồng hào đẹp hơn, hoặc cách ăn mặc sang trọng, đắt tiền hơn, hoặc tiền trong túi cũng "dầy" và "nặng" hơn,...

Chính những cái "hơn" đó làm cho tôi càng cảm thấy thương cho những người thân vẫn còn thiếu thốn chưa được sung sướng như mình. Tôi sợ họ buồn và tủi nên càng không bao giờ muốn "phô trương" những gì mình chỉ vì may mắn hơn nên có hơn họ.

Hãy khiêm tốn nhe con! Cha đã nói với tôi như thế và đã kể cho tôi nghe một câu chuyện thật mà ông biết. Người đàn ông ấy rất thành công và giàu có trên đất Mỹ.

Mọi thứ của ông ta đều hay chỉ mỗi điều rất kiêu căng phách lối và thường hay chê khinh một cách rõ rệt những ai thua kém ông. Thế rồi đùng một hôm ông ta bị tai nạn xe cộ rất nghiêm trọng, toàn thân bất toại. Không làm ra tiền nữa mà cứ phải chi tiêu thật tốn kém cho thuốc men, chữa trị và bao nhiêu thứ linh tinh khác. Từ nhà lớn, khang trang, gia đình ông đã phải bán đi, dọn xuống ở nhà nhỏ hơn và cuối cùng chỉ thuê được một căn hộ vừa đủ diện tích để sinh hoạt. Sức khỏe, tiền bạc, lợi danh... mọi thứ tiêu tan.

Tôi biết cha không có ý kể lại nỗi đau hay mất mát của người khác. Cha chỉ muốn dùng câu chuyện ấy để nhắc nhở con cái hãy nên nhớ rằng: Trời thương Trời rộng rãi Trời cho dễ và cho nhiều thì khi Trời "giận" Trời lấy lại cũng chẳng khó bao nhiêu.

*

"Mất gốc" là những tiếng rất thường nghe khi người Việt mình có ý nói đến thế hệ thứ hai hoặc thứ ba, vì sang Mỹ khi còn quá nhỏ, hoặc được sinh ra trên đất khách, sau đó trong quá trình trưởng thành, do bị ảnh hưởng nặng những phong tục, tập quán, thói quen, cách sống của quốc gia mới ấy, "phần trăm" Việt Nam trong người họ còn lại rất ít.

Có khá nhiều các em nhỏ chỉ có thể hiểu nhưng không nói được tiếng mẹ đẻ, viết càng không. Chúng không hiểu biết nhiều về văn hóa Việt Nam hoặc chẳng ăn được mắm nêm hay nước mắm... Tuy nhiên cha mẹ các em vẫn luôn cố gắng giúp con cái họ hướng về cội nguồn dù việc ấy không phải dễ khi không đang sống tại Việt Nam, bởi dù trong ruột có "trắng", bên ngoài vẫn "vàng" và nếu thình lình có ai đó hỏi những điều cơ bản liên quan đến Việt Nam mà các em cứ "trơ ra"... thì dân bản xứ sẽ cười chê: "Sao mày là người Việt mà chẳng biết gì về xứ Việt Nam của mày thế""... Nhưng thử xem, có phải chuyện "mất gốc" chỉ xảy ra với Việt kiều thôi hay không!

Một người bác họ của tôi, năm ngoái đã về thăm quê hương sau hơn 30 năm xa cách, khi tôi hỏi bác có thấy Việt Nam thay đổi nhiều không thì bác đã trả lời:

- Chỉ cần người dân ai cũng nói thêm tiếng Hàn và ăn Kim-chi nữa thôi thì Việt Nam sẽ trở thành xứ Hàn!

Tôi nghe xong cứ tưởng bác nói đùa, nhưng ngẫm nghĩ thì thấy bác nói cũng không sai. Đi đâu, làm gì, tôi cũng đều nghe mọi người nhắc đến hai chữ "Hàn quốc". Từ áo, quần, vải vóc, giày dép, kiểu tóc, nữ trang, gương đeo mắt, mỹ phẫm, giỏ sách, đồ dùng học trò... đến các trung tâm dạy tiếng Hàn, dịch vụ mai mối lấy chồng Hàn, rồi chương trình giới thiệu sản phẩm, phim ảnh trên tivi... Lớn, nhỏ, cái gì cũng "Đại Hàn". Như thế có phải văn hóa Việt dường như đang bị Hàn hóa hay không" Có người đã nói rằng: "Việt Nam đang bị Đại Hàn "xâm lăng" bằng văn hóa một cách tinh vi." Không biết điều ấy có là quá đáng"!

Những người Việt Nam đang sống xa xứ, mỗi người ra đi với một lý do riêng, nhưng không còn ở trong nước không có nghĩa là không yêu quê hương; và cũng tương tự, không phải cứ còn ở trong nước, không phải là "Việt kiều", là còn giữ nguyên gốc, là có yêu quê hương, là thật sự một con người Việt Nam.

Yêu quê hương, với tôi, là mong muốn và làm những điều tốt đẹp cho dân, cho nước dù mình có đang sống xa tận nơi đâu. Dù "Việt Nam" hay "Việt kiều" thì chúng ta cũng luôn là con cháu Lạc Hồng. Tôi chỉ mong tất cả nơi nào có con người Việt Nam đang sinh sống, điều kiện sống được tương đối tốt giống nhau và hình ảnh nơi ấy luôn được đẹp, luôn luôn chứa đựng văn hóa Việt Nam, để giữa "Việt kiều" và "Việt Nam" không có sự khác biệt.

 

Ý kiến bạn đọc
08/01/201918:47:58
Khách
Cam on tac gia, mot bai viet that hay va y nghia
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,728,206
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến