Hôm nay,  

Á Đông Made In... Giao Chỉ

21/09/200600:00:00(Xem: 123095)

Bài số 1104-1713-426-vb3190906

       

Kim N.C., cư dân Anaheim,  là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2005. Bà từng góp nhiều bài viết đặc biệt như "Vui buồn nghề nails" “Nước Mỹ đủ thứ chuyện,” “Đặc sản Hoa Kỳ, Những mối tình xanh đỏ, Đi câu cá... Bài viết mới được bà ghi rõ là “chuyện này viết cho phe ta đọc, phe địch tò mò cứ muốn đọc thì ráng chịu.”

*

Lúc này bà con miệt Bolsa tha hồ được thưởng thức khá nhiều show ca nhạc vinh danh ca sĩ này, nhạc sĩ nọ, bà con mặc sức có dịp lên áo quần gặp gỡ giao lưu văn hóa hai miền nam bắc. Thấy bà con vinh danh dữ dội quá, bà già trầu này cũng táy máy, phen này ta vinh danh phe ta,  ta tự bốc thơm phe ta, mà đã nói tới phe ta là phải nói phe địch, cho nên bài này cấm đàn ông đọc, nếu các ông tò mò cứ đòi đọc thì đừng tạc giăng nổi giận.

Khi mới chân ướt chân ráo tới Mỹ, đàn bà chúng tôi nghe nói tới nói lui, cái câu nghe mà mát lòng mát dạ như giữa trưa hè mà dược ăn chén thạch xoa chan nước đường đen pha gừng, là ở Mỹ người ta sắp hạng đàn bà, con trẻ, phụ lão, chó mèo chim chuột, cây cỏ rồi mới tới quý ông. Rồi lại còn được nam nữ bình quyền nữa chứ, nghĩa là cái gì các ông làm được thì chúng ta đây cũng đều làm được. Vậy mà trên thực tế có mấy ai được cái quyền đó, 90% các ông vẫn còn cái máu gia trưởng coi vợ  như Osin thứ thiệt.

Tôi không bao giờ quên được cái thuở trời đất nổi cơn gió bụi, các ông lần lượt đi vào các trại  tù ở tận miệt Kátum, Suối Máu, có ông ra tận Vĩnh phú, Cổng Trời gì đó xa lơ xa lắc, có ông bỏ của chạy lấy người leo tuốt lên tàu Trường Xuân, để lại đám đàn bà con gái chân yếu tay mềm bắt đầu phải lăn xả vào cuộc đời đen tối với hy vọng sống còn chờ ngày đoàn tụ. Chỉ có một số may mắn được trở lại đi dạy đi làm hãng xưởng còn thì hầu như mất dạy,  homeless, jobless không thiếu chi. Rồi thì quanh năm buôn bán ở... ven đường, ai bán chi cũng mua, ai mua gì cũng bán.

Năm 82 tôi về Huế bằng xe lửa chứng kiến một cô gái Huế nhỏ nhắn trông dáng con nhà đài các cùng em gái đi buôn gạo, cô có bầu chừng 6 tháng, khi thoáng thấy bóng công an gần tới toa mình, cô cùng đứa em gái phóng tới cửa sổ leo ra ngoài trốn lên mui tàu lửa khi đoàn tàu đang chạy, vì công an thì luôn kiếm những người đi buôn để bắt nộp tiền mãi lộ, tôi phục lăn 2 cô gái nhỏ. Đó là một trong những cách kiếm tiền nuôi chồng nuôi con, nhan sắc ai nấy tàn phai theo năm tháng, quần áo te tua tơi tả, bàn tay năm ngón kiêu sa giờ vắt than đá, đi làm ruộng mệt nghỉ.

Cho đến khi được định cư trên vùng đất tự do, phe đàn bà chúng tôi cũng vất vả không kém. Chỉ có một phần chị em may mắn có chồng nuôi, hoặc có ông Bush ra tay giúp đỡ, còn hầu hết miệt mài chăm chỉ phụ bếp trong các nhà hàng, hãng may, tiệm nails. Họ đầu tắt mặt tối làm lại từ đầu trên quê hương mới.

Ấy thế mà nào có nghe ai có ý kiến ý cò gì ca ngợi phụ nữ đâu, đã thế mà mỗi khi có dịp tụ tập ăn nhậu là các ông lại đem các bà ra kể chuyện diễu, thỉnh thoảng lại có ông anh xi em xi gì đó đem các bà lên video chọc quê.

Tôi nghe các ông kể vầy: có 2 vợ chồng nhà nọ đi tắm biển, bà vợ bị chết đuối, đám đông ở trên bờ làm chứng và quả quyết rằng bà vợ có kêu cứu nhưng ông chồng cứ tỉnh bơ lội vào bờ. Ông chồng bị truy tố đưa ra tòa, ông toà hỏi:

- Tại sao ông nghe thấy vợ ông kêu cứu mà không lôi bà ấy vào bờ để bà ấy phải chết đuối"

- Dạ thưa quan tòa, vì bình thường ở nhà lúc nào mà bà ấy chẳng la toáng lên như thế

 Đấy, " họ" riễu chúng mình lắm lời đấy, họ cũng hay "trù ẻo" cho chúng mình chết sớm để họ trở thành "quá đã", đi đến đâu có con gái đẹp họ thừơng nhá đèn hiệu là anh đây vợ đà khuất núi, họ không nghĩ ra được là từ quá đã đến quá cố thì không quá xa.

"Họ" liệt chúng ta thành loài côn trùng bò sát có chân, ăn nhiều nói nhiều, mau già... mà lâu chết.

"Họ" không hề chung thủy một lòng một dạ như lúc thề khấn trước bàn thờ, khi cùng đi về Việt nam thăm ông bà cha mẹ họ cũng len lén đi tìm thăm cho bằng được con bồ cũ năm xưa giờ đã già chát mà lỡ ra chúng ta biết được thì họ chống chế chê bai con bồ cũ không tiếc lời nào là già là xấu là răng rụng xuống cầu hết rồi, làm sao mà bằng em...

"Họ" ghê lắm, họ rủ nhau đi nhậu thịt chó để chúng ta khiếp quá mà không dám đi cùng, các bà đâu có biết rằng trong quán cầy tơ có máy lạnh kia thì... chó một bên và em một bên, chó thì thơm mùi rựa mận, em thì áo quần cởi mở thơm lừng mùi nước hoa Chợ lớn, trong bàn nhậu họ tỏ ra vô cùng linh hoạt chả bù lúc ở nhà họ chậm chạp lờ đờ một cách rất gia trưởng, đôi tay không ngừng, hoạt động, tay vuốt ve tay gắp thịt chó cho em,  nghe mà thấy ghét.

"Họ" chỉ muốn vợ đi làm nhưng đừng đi shopping. Mặt họ sẽ sưng lên khi thấy vợ la cà mua sắm.

"Họ” coi vợ là cơm nguội cơm thiu thấy cái mặt là  ngao ngán, họ coi bồ là phở ăn hoài không thấy ớn. Còn mụ vợ tào khang mấy mươi niên thì đã quá old fashion.

"Họ" đi làm về đổi tiếng chuông của cell phone từ tiếng chim kêu thánh thót thành chế độ rung để vợ khỏi thắc mắc rắng ai gọi anh giờ này... rồi họ len lén xách phone đi ra đường thì thầm to nhỏ với cái con đ. chó nào đó.

"Họ" dùng xong bữa cơm chiều thì chén bát để đấy cho "con sen'' nó dọn còn họ thì dí mắt vào baseball, fooball game trên tivi, vợ có nhờ cạo gió, có than thở cảm cúm thì họ lại phán ... cả nước cúm chứ đâu có phải mình em, họ chớ có hề pha cho miếng thuốc.

"Họ" vô cùng khả ái thời mới yêu  nhau, họ đáng yêu lắm vì họ yêu cả con Tôtô nhà nàng.

"Họ" vô cùng khả ố sau mấy mươi niên chung sống, họ lải nhải rằng con là nợ vợ là oan gia. Họ muốn đi tu nữa trời ạ, họ nói tu là cõi phúc tình là... dây thun.

"Họ" len lén chúng ta đi xuống tận miệt Newport Beach ghé vô cửa hàng bán hạnh phúc có tên là Condom Revolution mua cả tá đồ chơi có đủ màu sắc mùi vị thơm nho táo chuối để khi có dịp về bển họ vi vu vung vít với các em bé bỏng để họ hát bài "trời không mưa anh cũng mặc áo mưa", và họ luôn mồm bảo nhau "chớ có hoãn cái  sự sung sướng ấy lại” (chữ của phim miền bắc).

Bảo đảm với các bà các ông sẽ nhao lên phản đối  khi nghe việc tán tụng phe ta: ối giời ơi, vớ vẩn, đã làm đàn bà thì phải thế, phải hầu chồng nuôi con, phải gánh vác cả giang san nhà chồng,  phải...., các bà chỉ là cái xương sườn của chúng tôi thôi mà lại còn đòi bình đẳng.  Gớm, rõ là rách việc.

Ai cũng phải công nhận từ đời xửa đời xưa đàn bà chúng ta có khối người đảm đang từ việc nhà  cả việc nước, sang đến Mỹ đã có biết bao nhiêu phụ nữ VN đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong guồng máy Hoa kỳ, nổi bật là cô Nguyệt Ánh sáng chế ra thứ bom gì đó cực kỳ văn minh, cô Leyna Nguyễn xướng ngôn viên của Tivi Mỹ, họ góp phần không nhỏ trong việc làm rạng danh dàn bà con gái. Còn những người phụ nữ bình thưỡng khác thì sao"  Xin chia xẻ cùng quý vị thời gian biểu của  một bà mẹ trẻ đi làm nails, như chúng ta thường nghe nói dân làm nails chảnh lắm, nào là xài tiền như nước, nào là cái nghề này có cơ hội gặp khách đàn ông nên cũng dễ bỏ chồng... thực ra nghề nào cũng đẹp cả chỉ có người xấu thôi. Người ta đâu có biết rằng  nghề làm nails vất vả không kém những nghề lao động trí óc khác, dân làm nails  mỗi ngày hít thở nhiều chất  độc hại, phải chịu nhiều căng thẳng với chủ với thợ và với khách hàng.

Hãy xem cô bạn tôi đi làm nails có chồng 2 con còn nhỏ, sáng ra  khi đồng hồ baó thức rung lên lúc 4 giờ, cô phải thức dậy lo làm thức ăn sáng cho chồng đi làm rất sớm, bới lunch cho chồng xách theo để tiết kiệm ngân sách gia đình, lo điểm tâm cho con, nấu thức ăn cho buổi chiều, đánh thức lũ con dậy cho tắm rửa ăn sáng rồi chở đi học, chiều chồng cô sẽ đón về. Sau đó cô sửa soạn đi làm, có khi hơn 10 tiếng trong tiệm. Chiều về dọn cơm chiều cho cả gia đình xong, dọn dẹp bếp núc nhắc con học hành, lội thức ăn trong tủ đá ra để mai nấu,  giặt giũ áo quần cho cả nhà.... cứ thế sáng hôm sau đồng hồ lại cúc cu lúc 4 giờ.

Cô vẫn thường ngâm nga rằng:

Vì chàng em phải làm "neo"

Vì chàng em phải leo trèo suốt đêm...

Chẳng biết cô bạn nhỏ của tôi có đủ giờ để đi ăn trộm không mà phải leo trèo cả đêm thế kia.

Còn cô bạn khác của tôi chọn nghề may để có thì giờ ở nhà chăm sóc cha mẹ già, đến khi cha mẹ qua đời thì phải lo cho chồng sau  một thời gian dài trong tù cải tạo mang trong người biết bao mầm bệnh, chồng  cô giờ cũng bị hạn chế đi lại sau cơn tai biến mạch máu não, từ ngày qua Mỹ tới giờ cô bạn tôi chỉ có lui tới 3 nơi là nhiều nhất...đó là nhà thương, văn phòng bác sĩ và tiệm thuốc tây.... Thì giờ còn lại chôn vùi cuộc đời trong đám bụi mịt mù của đám vải vóc áo quần mà chẳng hề thấy thiên đường trên đất Mỹ.

Ai cũng đồng ý với tôi rằng phụ nữ VN khi ra nước ngòai họ tháo vát, nhanh nhẹn, giỏi giang, đảm đang, học hỏi nhiều hơn. Riêng tôi hồi mới qua thì phục lăn  khi thấy qúy bà lái xe chạy vù vù trên xa lộ. Tính ra thời gian làm việc ở hãng và tại nhà của các bà gấp đôi  thời gian của các ông.

Vậy mà có khi nào các ông đưa tay ra làm một cử chỉ đẹp với vợ đâu. Ngày lễ Valentine, sinh nhật có mua cho được bó hoa chăng hay lại bảo... ối giời hoa với cỏ, cứ vẽ chuyện...

Cuộc đời vẫn đẹp sao nếu một ngày các ông lắng nghe các bà thỏ thẻ:

- Anh à, ở tiệm LV dưới South Coast mới về cái sắc tay đẹp tuyệt trần... hoặc là anh mua cái gì nho nhỏ mà hơi chói chói cũng được, cỡ  1, 2 K gì đó cũng được, mà phải là loại xịn  có giấy G.I.A  đó nha, hay là ở Christian Dior có cái đồng hồ nạm đá emeral đẹp chiu không nổi.....

Các ông hãy nở một nụ cười độ lượng mà rằng:

- Chuyện nhỏ, em cứ việc mua đi. Em vui là anh vui, cứ tha hồ mua sắm, anh đây sẵn sàng “rê đít" (credit card) ra mà đỡ...

Trên thực tế thì hiếm hoi lắm, như bột ngọt trong nồi canh thời bao cấp bên Sàigòn sau 75.

Tuần qua, trong một bữa tiệc tôi có nghe  một  câu chuyện riễu như vầy; có 2 vợ chồng nhà nọ cãi nhau, bà vợ cằn nhằn ông chồng:

- Anh có biết là từ khi lấy nhau em chỉ toàn nghe anh nói... đừng làm cái này, đừng mua cái nọ. Không bao giờ nghe anh nói ừ, em cứ làm điều em muốn, hay ừ em cứ mua đi... Chán quá, chắc em về nhà má em ở chắc là sướng hơn.

Ông chồng tỉnh bơ nói:

- Ừ, em cứ đi đi....

Còn chuyện nữa thì tôi mới đọc được trong tờ VW, chuyện như vầy: trong tù, tên tù cũ hỏi tên tù mới:

- Cha làm gì mà vào  đây"

- Tui bỏ vợ.

- Chỉ đơn giản vậy sao cha nội"

- Ừa, tui bỏ từ sân thượng xuống đất...

Chưa hết, các ông còn đứng núi này mà ngó qua núi nọ, đứng ở núi Yorba Linda mà trông qua núi Chino Hills. Cứ đi làm về nay khen em này nói tiếng Anh vi vút, em kia ăn mặc thời trang duyên dáng, em kia da dẻ nắng rám hè trông chỉ muốn cắn cho một phát... Vâng, thưa các liền anh, các liền em đây là trâu chậm uống nước đục, chúng em đến Mỹ khi tuổi tác chồng lên nhau 5, 6 bó đâu còn thanh xuân nữa mà đi đến trường nên chúng em nói tiếng Anh bacon (ba rọi), đủ để đi kiếm tiền như mọi người khác, da mặt chúng em đầy những vết nhăn năm tháng, bàn tay hằn lên những đường gân xanh, đó là kết quả của quá trình nuôi dạy lũ con nên người và chăm lo cho các liền anh cơm no bò cưỡi....

Tôi có cô bạn học năm xưa, học giỏi xinh gái, nói tiếng Anh như gió, luôn luôn tuyên bố..no good man on the world, nên giờ vẫn còn độc thân vì không muốn trao duyên  nhầm tướng cướp... Bạch hải Đường.

Có một đọan thơ hay xin chia xẻ cùng qúy vị; bài thơ mang tên "Đôi dép."

 

Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ

có yêu nhau đâu mà chẳng rời một bước

cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược

lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau

cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao

cùng chia xẻ sức người đời chà đạp

dẫu vinh nhục không đi cùng người khác

số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia

nếu ngày nào một chiếc dép mất đi

moị thay thế sẽ trở nên khập khễnh....

      (vô danh)

 Đấy các ông cứ mong cho chúng tôi mau khuất núi để các ông đi về bển kiếm đào nhí thì các ông sẽ thấy mình khập khễnh cỡ nào..

Đã nói câu chuyện này viết cho phe ta đọc, phe địch tò mò cứ muốn đọc thì ráng chiụ, đừng kiếm tui mà cho ăn bánh đập... Phụ nữ muôn năm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,305,573
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến