Hôm nay,  

Chỉ Biết Ngậm Ngùi

19/06/200600:00:00(Xem: 180061)

Người viết: HẠO NHIÊN

Bài số 1037-1646-359-vb8180606

*

Tác giả Hạo Nhiên tên thật Nguyễn Tấn Ích, 63 tuổi, hiện cư trú tại San Jose. Với bài viết "Một góc đời tị nạn", ông là tác giả được trao tặng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ ba, 2003. Bài viết mới của ông lần này được dành cho  dịp Fathr’s Day đồng thời cũng là dịp kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH 19-6: chuyện gia đình một sĩ quan VNCH chết trong trại tù Cộng Sản.

*

Trong chuyến viếng thăm tiểu bang Utah, tôi được gia đình con tôi đưa đi thăm hầu hết các thắng cảnh nơi đây.

Thủ phủ của tiểu bang là Salt Lake City. Cái hồ nước mặn rộng mênh mông nằm trên vùng đất có cao độ hàng ngàn bộ cách mặt biển.Một kỳ công của Thượng Đế đã ưu đãi cho vùng đất cao nguyên này.

Utah còn là Thánh địa của Đạo Mormon, đang phát triển rất mạnh.

Từ ngày qua Mỹ, tôi có nghe về Đạo Mormon (Mạc Môn).

Còn tên gọi khác là Đạo LDS viết tắt của chữ Latter Day Saints, có nghĩa là Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Jesus Christ (The Church of Jesus Christ of Latter Day Saints).

Đền thờ Mormon được xây dựng đều khắp trên tiểu bang.

Trung tâm giáo hội (Temple Square) tọa lạc ngay thủ phủ Utah trải rộng trên hàng chục mẫu vuông là một quần thể kiến trúc vĩ đại, tân kỳ, lộng lẫy và trang nghiêm.

Trên đỉnh tháp đền thờ (Temple Of The Lord) cao vút là tượng một người đàn ông bằng vàng đứng thổi kèn.

Đây là tượng của vị Thiên sứ Moroni hiện ra vào ngày 21 tháng 9 năm 1823.

Ngài soi dẫn cho Tiên Tri Joseph Smith đương thời dịch và viết ra kinh sách Mormon dựa vào bảng khắc bằng vàng (Gold Plates) ghi lời của Thượng Đế được chôn cất trên đồi Cumorah tại Manchester, New York từ năm 421 sau Thiên Chúa.

Toàn bộ sách Mormon là lời rao giảng của Chúa Jesus giữa người Nephites không lâu sau khi Chúa phục sinh.

Ngài tiên tri Joseph Smith còn được Chúa khải thị viết nên tập Giáo Lý và Giao Ước.

Kết hợp với Lời Thông Sáng của đạo Mormon, đạo hữu không cờ bạc, không hút thuốc, không uống các loại nước có ga và có màu khiến cho đời sống nơi đây yên bình hơn, ít tội phạm hơn so với tình trạng chung trên đất Mỹ.

Và có thể nói là môi trường thích hợp cho tuổi thơ được nuôi dưỡng và lớn lên trong nếp sống trong lành.

Tôi đi theo đoàn người vào thăm khu Temple Square.

Luật tiểu bang Utah đặc biệt nghiêm cấm mở sòng bài và các hình thức đánh bạc công cộng. Các chợ chỉ bán bia với nồng độ 3 phần trăm.

Dọc theo lối đi là những luống hoa khoe màu rực rỡ. Mặt nước hồ nhân tạo im phăng phắc như tấm gương vĩ đại phản chiếu lấp lánh ánh mặt trời.

Các hình tượng điêu khắc đầy nghệ thuật và phong phú được trưng bày trên những bực thềm và dựng rải rác trong khuôn viên rộng lớn.

Các chức sắc, những người truyền giáo và tín hữu thiện nguyện trang phục vét-tông cà-vạt chỉnh tề.

Họ có nhiệm vụ giữ trật tự, hướng dẫn và giải thích những điều mà khách thăm viếng và tín đồ hành hương cần tìm hiểu.

Tôi vừa bước lên khỏi bậc thềm khu Museum and Art, chợt một thanh niên trong bộ vét-tông đen trông chững chạc và đạo mạo đến trước mặt tôi:

- Thưa, Bác là người Việt"

Tôi nhận ra là một thanh niên Việt Nam.

Có lẽ đây là Thầy Tư Tế, một chức sắc trong dòng đạo này làm công tác thiện nguyện vào ngày Chúa Nhật.

Tôi đứng lặng nhìn người thanh niên trước mặt. Anh ta tôi có khuôn mặt giống người bạn của tôi năm xưa khi ở chung trong trại tù Cộng sản.

Sự bàng hoàng trải qua mấy phút đồng hồ, tôi mới thốt nên lời:

- Vâng, tôi là người Việt. Xin lỗi cậu về sự thất thố đã đường đột nhìn cậu trong khung cảnh này. Có điều tôi cũng xin thú thật là cậu có khuôn mặt giống người bạn tôi hồi còn ở quê nhà.

Người thanh niên hướng dẫn tôi đi thăm khu Bảo tàng viện và Nghệ thuật gồm tranh ảnh và những bức tượng điêu khắc các vị Lãnh đạo (Presidents) và 12 Sứ Đồ từ thời khai sáng đạo Mormon đến bây giờ.

- Này, cậu qua Mỹ năm nào"

Tôi gợi chuyện, khi người thanh niên đứng lại đợi đoàn khách thăm viếng còn trụt lại sau.

- Thưa bác, cháu qua đây vào giữa năm 1992 theo diện HO và định cư ở tiểu bang Utah này ngay từ ngày đầu cùng với mẹ cháu và một người chị.

- Thế ba cậu đâu"

- Ba cháu chết trong trại tù An Điềm .

- Ba cậu tên gì"

- Tôn Long Mỹ .

Tôi sửng sốt đến lặng người, rồi nhắc lại:

- Tôn Long Mỹ là cha ruột của cậu sao"

- Vâng ạ.

Me cháu bảo ba chết lúc con mới ba tuổi.

- Cháu ơi, Tôn long Mỹ là bạn của bác sống gần nhau suốt ba năm trong tù.

Người thanh niên đứng khựng lại nhìn tôi rồi thảng thốt kêu lên:

- Ba cháu là bạn cùng tù với bác" Ôi, quý hóa quá, quý hóa quá. Đây là điều ước nguyện của Me cháu là mong gặp được người nào đã chứng kiến cái chết của ba cháu trong tù.

Và anh ta đứng lặng, cầu nguyện thành tiếng:

- Thượng Đế ơi! ngài đã chuẩn nhận lời cầu xin của con và ngày hôm nay Cha trên trời đã mang đến cho gia đình con ân sủng của ngài. Con xin tạ ơn đức Chúa Cha, Đức Chúa con và Thánh Linh, Amen.

Thêm một phút im lặng, người thanh niên ngẩng đầu lên:

- Thưa bác, tên cháu là Tôn Thất Trương Thuật và mẹ cháu là Trương Thị Ngọc. Cháu nghĩ bác không phải là người ngụ cư ở tiểu bang này vì vậy xin bác cho phép Me cháu được gặp bác trong ngày mai. Có được không, thưa bác"

Tôi móc bóp lấy tấm danh thiếp của con trai tôi đưa cho Thuật:

- Đây là số phôn và địa chỉ nhà con tôi. Tôi qua đây chỉ để thăm con cháu và viếng cảnh, tôi chẳng có gì phải bận bịu hết. Me cậu muốn gặp tôi giờ nào cũng được, còn cả tuần nữa tôi mới quay về Cali.

*

Cuộc thăm viếng vẫn tiếp tục nhưng hình ảnh của Tôn Long Mỹ qua những năm tháng trong tù như một đoạn phim hiện ra trong trí nhớ của tôi.

Mỹ nhỏ hơn tôi 5 tuổi, vóc người tầm thước, khỏe mạnh và xốc vác. Tính tình thuần hậu, phóng khoáng, vui vẻ. Anh rất sùng đạo Phật.

Tuy nội quy cấm mọi hình thức có tính cách tôn giáo, nhưng Mỹ vẫn cố gắng ăn chay vào ngày mồng Một và ngày Rằm âm lịch. Những ngày này anh cho bạn bè phần canh nhận của nhà bếp, chỉ ăn món rau luộc với muối hòa nước sôi.

Ở trong tù, không được dùng bất cứ đồ trang sức nào kể cả đồng hồ, kính mát. Nói chung chỉ xài cái vốn của mẹ sinh ra. Cuộc sống trở về với thời kỳ sơ khai của loài người.

Dựa theo ánh mặt trời ban ngày mà ghi dấu thời gian. Tiếng kẻng hiệu lệnh của trại tù là chuông đồng hồ tính mốc điểm giờ về đêm. Để theo dõi hai ngày ăn chay trong mỗi tháng, Mỹ ghi trên mảnh giấy xi-măng khởi đầu là con số 1 rồi những gạch ngắn kế tiếp cho đủ số 15. Cái mốc số 1 và số 15 để nhắc anh đến ngày ăn chay.

Một hôm, trại bất thần kiểm tra đồ dùng của tù. Họ phát giác mảnh giấy ghi toàn ám số như dấu mật mã truyền tin nằm trong ba lô của Mỹ. Cán bộ sinh nghi có âm mưu liên lạc với tổ chức phản động bên ngoài bằng hệ thống truyền thông mật mã. Lập tức, Mỹ bị bắt nhốt vào phòng biệt giam để điều tra.

Liên tục mấy ngày trời, vừa dọa nạt vừa bỏ đói, Mỹ vẫn một mực khai là bản đánh dấu ngày tháng để ăn chay.

Cán bộ điều tra không tin vào lời khai của Mỹ bèn đưa ra một trắc nghiê.m.

Họ chỉ vào bản đánh dấu mà Mỹ đã ghi hàng ngày hỏi:

- Tháng này còn mấy ngày nữa thì đến ngày 15" Mỹ nhìn vào tờ giấy đã ghi được 13 gạch sau ngày mồng 1, anh trả lời:

- Hôm nay là ngày 14, tính theo lịch tôi ghi thì ngày mai là ngày 15 tháng Bảy.

- Anh này láo! Dám dối gạt cách mạng.

Tên cán bộ điều tra quát lên rồi ném tấm lịch treo tường ra trước mặt Mỹ bảo: - Anh xem đi, hôm nay là ngày mấy" Con số 12 tháng 7 âm lịch đập vào mắt khiến Mỹ lật qua lật lại tờ lịch lấy làm thắc mắc. Nhưng anh có ngờ đâu tháng 5 và tháng 6 âm lịch của năm này chỉ có 29 ngày. Trong khi đó tháng nào anh cũng gạch đủ 30 ngày tròn trịa.

Cuối cùng họ không thể ghép tội phản động, nhưng ăn chay là vi phạm nội quy, nên Mỹ bị cùm hai chân trong hầm kỷ luật suốt một tuần lễ.

Sau khi tha cùm, trại đưa anh vào đội làm cầu.

Chiếc cầu treo bắc qua dòng sông Côn để dân chúng làng Thượng và tù nhân có thể qua lại trong mùa nước lũ. Bên kia sông là cánh đồng rộng chạy dài đến tận chân đèo.

Mỗi năm, tù phải sản xuất đủ ba mùa lúa. Mùa mưa thì tháo bớt nước ra, mùa nắng thì thay nhau đêm ngày tát nước lên đồng.

Bản vẽ chiếc cầu do một cựu sỹ quan công binh trong trại tù thực hiện, giới chức thẩm quyền cấp tỉnh duyệt xét.

Vật liệu, phần lớn thu nhặt từ các đống sắt phế thải dưới thành phố, kể cả tháo gỡ những thanh sắt đường ray xe lửa bị bỏ phế.

Hai bên bờ sông toàn là đất núi bị nước xoi mòn lâu ngày thành sông. Người ta chọn nơi có hai mô đất nhô ra là nơi hẹp nhất của dòng sông để bắc cây cầu đi qua.

Những ngày đầu khởi công, đội làm cầu phải đào đất, đóng kè xây dựng hai môi cầu cho vững chãi để giữ chân bốn thanh đường ray xe lửa làm trụ chịu đựng sức trì kéo của cây cầu treo dài 80 mét.

Mùa lũ, nước chảy xiết đã khoét lõm sâu vào chân dọc hai bên bờ.

Để nâng giữ khối đất phía trên khỏi bị sup lở, tù phải xây những lớp đá vào chỗ lõm bên dưới.

Đang trong mùa nắng hạn mực nước sông xuống thấp tận cùng nên hai môi cầu là hai khối đất khổng lồ đứng chênh vênh bên bờ vư.c.

Đám tù hì hục đưa đá tảng lấp đầy khoảng trống dưới chân môi cầu.

Mỹ là tay thợ xây cất nhà cửa chuyên nghiệp từ ngày vào tù. Cách làm việc của anh là tận lực, yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cao mặc dầu anh chỉ là tù nhân.

Mỹ có quan niệm: Bất cứ lãnh vực nào người sỹ quan Miền Nam phải thể hiện tài năng trước bọn cai tù. Đừng để họ lấy cớ sự sai sót mà mạt sát lăng nhục mình. Chính vì thế mà anh nhận công việc nặng nề nhất là xây bệ đỡ cho khối đất bên trên môi cầu.

Hàng trăm viên đá chẻ được một đội tù khác cung cấp chất đống trên mô đất dự định xây móng chân cầu.

Sức nặng của đống đá cùng với sự hỏng chân của doi đất khổng lồ có hiện tượng bị rạn nứt.

Tôn Long Mỹ đang lui cui xếp những viên đá vào lỗ hổng thì khối đất nằm trên đầu anh bất ngờ đổ sụp.

Anh bị chôn sống trong lòng đất.

Bạn tù đã nổ lực đào bới để cứu anh. Nhưng than ôi, con người chỉ là sinh vật bằng xương bằng thịt làm sao chịu đựng nổi sức nặng hàng chục tấn của đất đá đè lên.

Xác anh cuốn tròn mềm nhũn như con sùng, loại ấu trùng của loài ve nằm sâu trong đất.

Chúng tôi đã ôm mặt khóc tức tưởi. Nước mắt chảy ràn rụa tiếc thương một chiến hữu đã từng đồng cam cộng khổ nay bị chết một cách oan uổng trong cảnh lao tù.

Lần đầu tiên, những con người chiến bại không che dấu dòng lệ của mình trước mặt kẻ thắng trận.

Mỹ ra đi miên viễn để lại nỗi đau đớn tận cùng cho người vợ trẻ và hai đứa con thơ.

Xác của Mỹ được toán y tế khiêng về trạm xá.

...

 

- Thưa bác, đây là vị Tiên tri Joseph Smith được Chúa mặêc khải viết ra Giáo Lý và Giao Ước. Cũng là vị President đầu tiên khai sáng đạo Mormon.

Lời giới thiệu của Thuật làm tôi bừng tỉnh. Trước mặt tôi là bức tượng bán thân bằng đồng đỏ mà mắt tôi chỉ nhìn thấy thân thể của Mỹ đầy máu.

Máu chảy ra trong mắt, miệng, mũi và rịn ra khắp lỗ chân lông. Bị chết tức nên máu tìm đường thoát.

Hồi thời chiến tranh chống Pháp, trong vùng Việt Minh, tôi đã chứng kiến cái chết của bạn học bị máy bay Pháp dội bom chết ngợp trong hầm. Máu cũng trào ra như vậy nhưng không khủng khiếp bằng cái chết của Mỹ.

Tất cả xương trong người anh từ đầu đến chân hầu như nát vụn. Thi hài anh khi được khiêng lên nó oằn xuống thoạt trông như một chiếc bao tời đựng thịt. Đầu và mặt anh hoàn toàn bị biến dạng .

Đến đây, tôi không còn tinh thần và hứng thú để đi xem hết các công trình nghệ thuật trong viện bảo tàng nữa nên cáo từ Thuật ra về.

*

 

Sáng ngày hôm sau, tôi nhận được cú phôn của Thuật thật sớm mời tôi đến nhà hàng Mỹ Tiên Restaurant vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày, nhân tiện me của cậu xin phép được gặp mặt tôi.

Tôi đến tiệm ăn Mỹ Tiên trễ 5 phút, Thuật từ một chiếc bàn đặt trong góc nhà hàng vội vàng chạy ra cửa đón tôi.

Một phụ nữ mặc áo dài màu khói hương, thoạt trông như một ni cô đứng dậy chắp hai tay trước ngực cúi đầu:

- A di đà Phật, kính chào ông anh.

Tôi thật sự ngỡ ngàng, khi Thuật giới thiệu đây là me của cậu.

Khuôn mặt người đàn bà thanh tú, phúc hậu nhưng trong ánh mắt vương vất nỗi buồn.

Tôi cúi đầu chào đáp lễ, rồi ngồi vào chiếc ghế đối diện mà Thuật vừa mới kéo ra mời.

- Thưa ông anh -giọng Huế nhè nhẹ, trầm buồn, người đàn bà tự giới thiệu: - Em tên là Trương Thị Ngọc vợ của anh Tôn Thất Mỹ đã chết trong tù. Em nghe cháu Thuật nói gặp được ông anh, người ở cùng chung trại tù An Điềm với ba nó. Em mừng lắm. Mặc dầu anh Mỹ đã rời bỏ cõi tạm này gần 25 năm mà lòng em cứ phân vân, thắc mắc mãi khi nhận được giấy báo của trại tù rằng chồng em chết vì bệnh nhiễm trùng gan cấp tính. Trong khi đó đã hai lần em được anh ấy về báo mộng với khuôn mặt đầy máu me nhìn em trong đau đớn. Hình ảnh đó chưa phai mờ trong trí nhớ của em. Em đã nương nhờ câu kinh tiếng kệ nơi cửa Thiền mà không xóa nhòa đi được. Hồi còn ở Việt Nam, trước khi ra đi định cư, chúng em có đến trại cải tạo An Điềm để xin được dời mộ anh ấy nhưng Ban Giám Thị trại toàn là người mới còn tù nhân thì là lớp hình sự sau này chẳng một ai biết được mộ của anh Tôn Long Mỹ chôn ở chỗ nào. Cái nghĩa địa tù bị nước trên đỉnh núi cao đổ xuống xói mòn gần hết. Em thật sự thất vọng và vô cùng đau khổ lúc ra đi mà chưa lo cho chồng được mồ yên mả đẹp. Hai đứa con em biết rõ niềm trăn trở đó. Chúng nó luôn luôn cầu nguyện mong được gặp người biết rõ về cái chết của ba chúng.

Cách đây hai đêm, em nằm mộng thấy nhà em về chùa. Trong cơn mơ em mừng quá chạy đến ôm anh ấy nhưng hình hài đó tan biến ngay. Không biết có phải đây là điềm báo của anh Mỹ rằng em sắp gặp được ân nhân. Em hy vọng ông anh biết rõ cái chết của chồng em và còn nhớ địa điểm mộ phần của anh ấy.

Người phụ nữ nói một mạch như trút cả nỗi lòng đã ẩn chứa bấy lâu nay.

Tôi trân trọng lòng trung trinh tiết nghĩa của người vợ sống trọn đời thờ chồng nuôi con.

Trước khung cảnh này đây, tôi không muốn khơi lại hình ảnh cái chết vô cùng khủng khiếp của Mỹ.

Tôi không muốn gây thêm sự khủng hoảng trong lòng mỗi người khi mọi việc như đi vào quá vãng vì vậy buộc lòng tôi phải lặng thinh và đồng lõa với sự dối trá của một chế độ luôn luôn che đậy sự thật và chối bỏ trách nhiệm của mình .

- Thưa chị, tôi lên tiếng. Cái chết của anh Mỹ đã khiến cho anh em tù chúng tôi đau lòng lắm. Anh ấy sống rất hài hòa, rộng lượng sẵn sàng giúp đỡ bạn bè. Đời người chỉ một lần chết, tiếc rằng anh ra đi quá sớm. Tôi tin là số mệnh cả. Mọi sự việc xảy ra trên đời này, tôi xem như câu truyện "Tái Ông Thất Mã" trong Cổ Học Tinh Hoa vậy. Cạnh cái họa, có phúc đi kèm. Sau cái phúc, có họa chờ bên, mong chị và các cháu thôi băn khoăn về cái chết của anh Mỹ nữa. Tôi vẫn còn nhớ chỗ chôn anh Mỹ trong nghĩa địa tù. Thời gian này, ở quê nhà không biết còn gây khó khăn trong việc hốt mộ tù nhân hay không. Xin hứa với chị khi về lại Cali, tôi sẽ vẽ sơ đồ địa điểm ngôi mộ của anh Mỹ.

Khi tôi ngưng nói thì nước mắt vợ Mỹ đã tuôn chảy thành dòng.

Nước mắt vui mừng vì tôi còn nhớ mộ chồng bà hay nước mắt đau đớn trách hờn vì tôi đã cố tình lảng tránh tả lại cái chết của Mỹ.

Bà lau nước mắt, nhìn tôi với ánh mắt van nài:

- Thưa ông anh, nếu được, xin ông anh gởi cho em bản vẽ địa điểm mộ của anh Mỹ càng sớm càng tốt.

Cuối năm này, cháu Thuật đi Việt Nam với phái đoàn thuộc Hội Bạn Người Cùi Việt Nam trụ sở ở Mỹ kết hợp với Nhóm Vòng Tay Bạn Bè ở Hà Nội làm công tác thiện nguyện ủy lạo, giúp đỡ và chăm sóc cho những người mắc bệnh cùi. Nhân dịp này em sẽ theo cháu về dời mộ cho ba chúng nó .

Nhắc đến Thuật tôi mới sực nhớ đến người con trai của Mỹ đang ngồi yên trong góc bàn chăm chú nghe, tôi liền quay sang hỏi:

- Cậu về Việt Nam công tác bao lâu"

- Cháu tình nguyện một năm.

- Lâu nhỉ ! Tôi than thở.

Bà mẹ tiếp:

- Cháu nó theo ngành Y, còn một năm cuối cùng thực tập trong bệnh viện ở tiểu bang này trước khi ra trường. Người yêu của nó là nữ sinh viên Việt Nam được qua đây tu nghiệp ngành Y tá bốn năm. Chúng nó yêu nhau và dự tính sau chuyến đi này trở về sẽ tổ chức đám cưới tại đây. Bố mẹ đẻ của con bé thuộc hàng cán bộ cao cấp nhưng nó tuyên bố nhất định sẽ không trở về Việt nam sau khi học xong. Nó bảo: "Con không chịu nổi cái xã hội hiện nay, người người lừa nhau, ngành ngành lừa nhau, đầy dẫy sự dối trá. Chồng dối vợ, con dối cha, cán bộ dối gạt nhân dân. Một đất nước mà mọi người sống chỉ vì đồng tiền, thử hỏi còn đâu là luân thường đạo nghĩa." Thằng con em thì ngược lại, nó sống cho tha nhân. Sẵn lòng dấn thân giúp đỡ cho người nghèo khổ, hoạn nạn dù bất cứ dân tộc nào. Hai chị em nó có cùng một quan điểm: "Thương người như thể thương thân."

Tôi ngắt lời:

- Tôi có nghe Thuật còn một bà chị lớn. Vậy hiện giờ cháu ở đâu"

- Cháu có chồng là một Mục Sư Tin Lành người Mỹ hiện ở Colorado. Trận thiên tai, bão lụt nào ở quê nhà bị thiệt hại nặng nề là vợ chồng nó đều gởi về cả tấn áo quần, chăn mền do Thánh đường quyên góp.

Sau bữa cơm trưa tại nhà hàng, tôi từ biệt mẹ con Thuật ra về.

Một tuần lễ sau tôi lên máy bay trở lại tiểu bang Cali. Để thực hiện điều mình đã hứa, tôi ôn lại vị trí của nghĩa địa tù An Điềm để vẽ cách nào đơn giản nhất mà gia đình của Mỹ có thể tìm được mộ anh dễ dàng. Tôi không tưởng tượng được hiện giờ nghĩa địa ấy bị hoang phế ra sao, nhưng chắc chắn là nước mưa từ trên núi đổ xuống đã san bằng tất cả. Những tấm bia bằng gỗ tạp trải qua trên hai chục năm không thể tồn tại với thời gian.

Rất may mắn là ngôi mộ của Mỹ nằm bên cạnh cây cầy đại thụ to nhất ở khu vực này. Gốc nó lớn cả một người ôm không xuể. Đây là địa điểm đặc biệt duy nhất. Nước có thể xoi mòn phần trên mặt nhưng xương cốt Mỹ nằm sâu dưới đất không thể trôi theo dòng nước.

Trong sơ đồ, tôi ghi rõ trên thân cây cầy to nhất ở khu vực này có bốn nhát búa hình chữ M do anh em tù trong đội thay nhau khắc vào. Đó là dấu tích mà tôi hy vọng gia đình của Mỹ sẽ nhận ra.

Gởi đi bản chỉ dẫn cho cậu Tôn Long Trương Thuật, đúng một tuần lễ sau tôi nhận được điện thoại của cậu ấy gọi sang cảm ơn.

Nhân tiện Thuật tin cho tôi hay tháng tới cậu sẽ lên đường về Việt Nam.

*

Hai năm rồi ba năm, tôi mới có dịp trở lại Utah.

Thời gian này là mùa Giáng Sinh nên đồi núi vây quanh thung lũng rộng lớn trở thành những dãy núi tuyết sáng trắng cả bầu trời. Tuyết phủ đầy trên mái nhà và tràn ngập hai bên lề đường.

Khí hậu rất lạnh, nhưng cái lạnh trong lành khiến cho khách bộ hành cảm thấy khoan khoái, dễ chịu.

Tôi đến viếng thăm khu Trung Tâm Giáo Hội Mormon để thưởng ngoạn những trang trí có tính lịch sử đêm Chúa Giáng Sinh mầu nhiệm trong hang Bê-lêm. Hình tượng các vi. Chiêm Tinh trên đường hướng về ngôi sao tin mừng xuất hiện. Các Mục đồng cùng Thánh thần vây quanh máng cỏ. Tất cả hình tượng đều cử động trông rất sống động.

Khu khuôn viên đền thờ về đêm đèn điện sáng rực rỡ. Cây cối mùa Đông không còn lá, thay vào đó là hàng triệu bóng đèn điện nhỏ được gắn chi chít trên từng cành cây như sao nở về đêm.

Tôi thầm thán phục óc mỹ thuật, lòng nhiệt thành và sự kiên nhẫn của các tín đồ thiện nguyện đã bỏ ra biết bao nhiêu công sức và thời gian để trang trí khu "Vườn Thiên Đàng". Tôi đi dạo dưới vườn cây mà có cảm tưởng như dãy Ngân Hà hạ thấp trên đầu mình.

Tôi theo chân đoàn người tiến vào khu Temple Square. Vừa bước lên khỏi bực cấp là tôi đã cố ý tìm gặp cậu Tôn Long Trương Thuật để hỏi thăm tin tức về mẹ cậu và việc dời mộ của bố cậu như thế nào.

Tôi dạo trong khu Museum and Art rồi tiến vào khu Trung Tâm Đại Hội.

Đây là công trình xây dựng vĩ đại có sức chứa vài chục ngàn chức sắc trong Đạo trên hoàn vũ về tham dự, được thiết kế với kỹ thuật hiện đại mà âm thanh của hai mảnh giấy cọ vào nhau trên khán đài, người ở cuối hội trường cũng nghe thấy không cần có hệ thống khuếch thanh.

Cuối cùng, tôi tìm tới khu Hôn Phối dành cho các tín đồ làm lễ kết hôn nhưng vẫn không thấy Thuật đâu.

Tôi ra về mà nghe lòng mình trống trải vô ngần.

Ngày cuối tuần, mồng Một âm lịch, tôi đến chùa Tam Bảo vừa để viếng cảnh chùa vừa tìm bà Trương Thị Ngọc vì tôi đoán ngày này bà sẽ đến chùa làm công quả.

Tôi vô cùng kinh ngạc khi gặp người đàn bà của ba năm về trước giờ đây trở thành một ni cô.

Bà đã xuống tóc quy y mang pháp danh Diệu Ngọc và ở hẳn trong chùa tu tịnh.

Chỉ ba năm thôi mà trông bà cằn cỗi, già đi rất nhiều.

Đôi mắt bà tràn ngập nỗi ưu tư, sầu não.

Bà xin phép Sư Mẫu trụ trì được tiếp chuyện với tôi trong nhà khách.

Ni cô lên tiếng:

- A Di Đà Phật, trước tiên bần ni xin đại diện gia đình bày tỏ lòng tri ân đến ông anh. Nhờ bản vẽ địa điểm ngôi mộ rất rõ ràng và tỷ mỷ từng chi tiết mà chúng tôi đã tìm được mộ phần của anh Mỹ khá dễ dàng. Chúng tôi cho hỏa thiêu bộ hài cốt và mang tro cốt của anh ấy sang bên này thờ trong chùa. Những tưởng linh hồn anh Mỹ được thanh thoát và lòng tôi cũng hoàn toàn thanh thản, nhưng có lẽ vì nợ kiếp trước trùng trùng nên kiếp này chúng tôi còn phải chịu trầm luân trong bể khổ.

Nói đến đây, chợt những giọt lệ long lanh trong mắt của ni cô trào ra.

Tôi ngạc nhiên, vội hỏi:

- Có chuyện gì xảy ra cho gia đình bà"

Ni cô cúi đầu một hồi lâu để lau khô những giọt lệ mà vi. Sa Di bắt đầu vào đường tu học cần phải đè nén.

Bà ngẩng mặt lên còn hằn nỗi đau đớn:

- Sau một năm công tác thiện nguyện ở Việt Nam để chăm sóc những nạn nhân bệnh cùi, cháu Thuật trở lại Hoa Kỳ. Ban đầu, gia đình không hiểu vì lý do gì mà Thuật trốn tránh người yêu của nó và cuối cùng quyết định dứt khoát không còn liên lạc với nhau. Một thời gian sau, trên mặt cháu xuất hiện những mụn sưng đỏ. Tôi hỏi, nó lảng tránh, không trả lời. Dần dần cháu nó ít về nhà hơn.

Cách đây một năm, cháu Thuật từ bỏ quốc tịch Mỹ và xin trở về Việt Nam ở vĩnh viễn.

Tôi nhận được thơ của nó gởi về từ quê nhà. Trong thư, nó xin mẹ tha tội bất hiếu cho đứa con không làm tròn bổn phận phụng dưỡng mẹ già. Nó bảo, có lẽ ý muốn của Thượng Đế dành cho con một đời phải hy sinh thay ngài phục vụ cho nhân sinh đang gánh chịu nỗi thống khổ của căn bệnh hiểm nghèo. Mong me xem con như được Chúa đón đi từ lúc mới lọt lòng. Địa chỉ của con không có nơi nào nhất định. Tuần này ở trại cùi Quy Hòa thuộc tỉnh Bình Định. Tuần sau có thể ở làng phong cùi Đồng Lệnh tận tỉnh Tuyên Quang để chăm sóc cho các bệnh nhân. Con rất thỏa lòng khi chính bàn tay mình thoa dịu được nỗi cô đơn của bao người bất hạnh.

Ni cô nén tiếng thở dài:

- Khi hiểu ra thằng con đã mắc bệnh phong cùi, tôi đã khóc suốt đêm trường. Mỗi lần nghĩ đến con là lòng nầy quặn thắt, cơn đau hành hạ như cắt đứt từng đoạn ruột, tê dại cả tâm hồn.

- Thưa bà, tôi lên tiếng an ủi , Có phải chăng đây là sự sắp đặt củaThượng Đế" Theo tôi được biết bệnh phong cùi không dễ truyền nhiễm cho người chăm sóc khi đã ngăn ngừa đầy đủ, vả lại đã có thuốc điều trị tổng hợp từ thập niên 70 - 80. Thuốc tiêu diệt được vi khuẩn, giảm thiểu lây lan.

- Nhưng, thưa ông anh - bà mẹ của Thuật nhìn tôi không còn là ánh mắt một ni cô mà trở về với ánh mắt chuyên môn của một y tá viên điều dưỡng, nghề nghiệp của bà ngày xưa - Thuốc có thể chữa lành bệnh với đa hóa trị liệu nầy, nhưng không phục hồi được tổn thương của dây thần kinh, biến dạng của mặt, của bàn tay bàn chân. Đó là những dấu tích mà con tôi phải chịu đau lòng, mang mặc cảm tủi nhục suốt đời của người mắc bênh phong cùi!

Nói đến đây bỗng, ni cô Diệu Ngọc ôm ngực chạy về hướng tịnh thất.

Tôi thật sự xót xa trước nỗi đau của người mẹ như đã nhận lãnh cơn đau của con trai mình.

Riêng về Thuật, tôi cảm nhận được đức tin cao cả của chàng. Đức tin đã vượt lên trên những ước vọng tầm thường mà người phàm đeo đuổi. Tôi tin rằng Chúa sẽ dẫn dắt chàng đi trọn vẹn cuộc đời hạnh phúc sống vì tha nhân.

Chỉ biết ngậm ngùi, tôi đẩy cửa bước ra ngoài.

Những bông tuyết rơi đầy trời, phủ trắng cả sân chùa như trải thảm bằng bông.

Hàng cây kiểng chạy dài trước chánh điện lung lay những mảnh tuyết vỡ trên cành lá. Gió mỗi lúc mỗi mạnh thổi nghiêng ngả hàng cây trụi lá đứng chơ vơ hai bên đường. Cái băng giá ngoài trời làm tăng thêm nỗi u hoài trong tôi.

Lê đôi chân nặng trĩu, tôi bước đi dưới bầu trời đang cơn bão tuyết. Từng mảnh tuyết hắt vào mặt tôi như những mảnh vỡ thủy tinh thay nhau cứa vào da thịt tôi rát buốt.

Tôi vuốt mặt, tuyết tan ra nhơn nhớt trên đôi tay. Bất giác, tôi cảm thấy như máu và đất trộn lẫn nhầy nhụa trên tay tôi ngày nào đã vuốt mắt cho Mỹ khi xác anh nằm bất động trên bờ sông Côn.

Tôi lau nhanh những giọt lệ đọng bờ mi trước khi bước lên chiếc xe bus cửa mở sẵn đợi chờ. 

Ý kiến bạn đọc
12/06/201900:53:35
Khách
không có 1 lời an ủi , khuyên giãi nào có thể xoa dịu nỗi đau đớn tận cùng của cô Ngọc , nguyện xin tha lực của Phật A Di Đà tiếp rước vong linh người đả khuất về cõi cực lạc
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,918,623
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.