Hôm nay,  

"đời Tôi Đó! Xin Xem Có Gì Vui...”

26/07/200600:00:00(Xem: 119756)

Người viết: NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG

Bài số 1066-1675-388-vb4260706 

Tác giả Nguyễn Viết Trường, cư dân Rosemead, CA, từng góp nhiều bài viết đặc biệt. Ông là cựu học sinh Chu Văn An, cựu sĩ quan phi công Không Lực VNCH (khóa 64C SVSQPH), cựu tù nhân CSVN, tới Mỹ theo diện HO8, từng là Đại diện hội ái hữu không quân miền trung California tại Los Angeles (13 năm),  cựu trưởng ban tổ chức Hội chợ Tết LA 2003,  chủ nhiệm kiêm chủ bút Đặc San Phi Đoàn 116.  Bài mới nhất của ông sau đây được ghi là viết theo lời dẫn ý của người bạn cựu học sinh Chu Văn An NGUYỄN PHÚC THÁI, vừa từ quê nhà sang dự ngày Hội Ngộ Cựu Học Sinh Chu Văn An-Nguyễn Trãi.

       *

Có lẽ tôi sanh ra dưới một ngôi sao xấu, lại “đầu thai lầm  thế kỷ” -nói theo thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, đồng thời cũng là một giáo sư văn chương nổi tiếng của trường Chu Văn An. Cuộc sống vốn đã chẳng xuôi chèo mát mái, nên phận tôi phải ba chìm bảy nổi tám cái long đong....

Tôi có Mẹ cũng như không, nên theo Cha sống với Mẹ ghẻ và hai em gái cùng Cha khác Mẹ. Tuy cuộc sống có éo le, nhưng tôi cũng được ăn học đến nơi đến chốn.

Do hoàn cảnh, cũng có thể là do bản chất và cái "tự ty mặc cảm" đã thấm vào da vào thịt từ nhỏ, nên khi lớn lên, bước vào đời, tôi trở thành người tính tình rụt rè,  thụ động, thích "xuôi theo tự nhiên" nhưng lại hay tự ái nên mình thường tự làm khổ mình mà không hay!

Tôi sinh ở Bắc Giang, miền Bắc. Do tình hình đất nước, năm 1954 tôi đã theo gia đình di cư vào miền Nam nước Việt, thủa ấy mới hơn mười tuổi đầu nên Chính Trị Chính Em nào có biết gì, người lớn đi đâu thì mình đi đó thôi...

  Vào miền Nam, khu tôi ở,  chẳng có bao nhiêu gia đình người Bắc,  nên tụi con trai con gái gần nhà  thường hay "bắt nạt" tôi. Tôi còn nhớ những câu, mà bọn chúng trêu chọc tôi như

"Bắc Kỳ ăn cá rô cây"

"Từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau (ám chỉ rau muống)...

Có bữa bọn chúng đứng chận hàng ngang, bắt tôi phải đứng lại, rồi chúng ra lệnh

nếu nói đúng câu TÂN SƠN NHỨT thì mới cho qua. Tôi là dân 100% Bắc Kỳ, nên  cứ nói TÂN SƠN NHẤT... hoài, thế là nếu không có những người lớn đi qua can thiệp, thì tôi chắc phải "bỏ mạng sa trường" cũng nên....

Tôi theo học bậc trung học tại trường CHU VĂN AN, từ năm 1956 đến năm 1964 mới ra trường, có lẽ "học giỏi quá", nên nhà trường thương, bạn bé ái mộ, thành ra "ĐÚP" năm đệ nhị, nhưng rồi cũng ra trường được như ai chứ bộ!

Trong những năm  trung học, tôi quen thân nhất với anh  Nguyễn Quý Thành. Anh Thành rất thương mến tôi, cháu của anh là người đã giúp tôi đạt điểm 08 trong môn Thể Dục, và cũng chính nhờ vào 08 điểm quý gíá này mà tôi đã trúng tuyển kỳ thi Tú Tài.

Trường CHU VĂN AN có nhiều Thày dạy giỏi, trong đó Thày Đặng ngọc Thiềm là vị thày mà tôi quý mến nhất.

Thủa Thày Thiềm còn dạy ở CHU VĂN AN, Thày ăn mặc rất chỉnh tề và đẹp mắt, ăn nói hoạt bát, dí dỏm và yêu đời. Cứ nhìn Thày lái chiếc xe hơi láng coóng, với cái biển số rất đặc biệt một tràng số 5, là các cậu học sinh Trung Học như tôi "thấy" mà "thèm".

Thế mà sau đổi đời năm 1975, Thày lại bị sống đời lao động tay chân, tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ... ôi nhìn cái cảnh Thày đèo một cây nước đá đi bỏ mối trên chiếc xe đạp Mini cũ mèm, trong bộ quần áo bạc màu, phong sương, mà tôi thấy lòng đau ruột thắt...

Thầy trò cũ gặp lại nhau sau cảnh đổi đời thân thiết hơn. Có lần, Thày rủ tôi về nhà. Nhìn căn nhà Thày ở, chẳng còn thứ gì để có thể bán lấy tiền đong gạo nuôi thân. Tuy sống cảnh cơ hàn (mà tôi cũng chẳng hơn gì thày) mà cái tiết tháo của bậc sĩ phu vẫn có trong Thày. Cùng cảnh ngộ, thày trò thấy thân nhau hơn xưa.         

Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất chính là con người của Thày. Có gian nan mới rõ chân tình, thày Thiềm vẫn là một tấm gương sáng chói trong tôi! 

*

Cha Tôi mất vào đúng thời điểm tôi chuẩn bị thi Tú Tài Toàn Phần. Gia đình túng bấn, để giúp tôi có thể tiếp tục học thi, hai người em cùng Cha khác Mẹ của tôi đã phải âm thầm quyết định bỏ học để ra ngoài bươn trải kiếm sống. Sau này, cả hai cô em đã kết hôn với hai quân nhân người Hoa Kỳ, và theo chồng về Mỹ khi hai quân nhân này mãn hạn phục vụ tại Việt Nam...

Phần tôi, sau khi đậu tú tài, không chấp nhận công việc bươn trải lấy chồng Mỹ của hai người em gái, tôi đã bỏ học để vào thụ huấn ở Trường Bộ Binh Thủ Đức. Với hầu hết mọi người, thì "BỊ" vào Thủ Đức, còn tôi lại "ĐƯỢC" vào, thế mới biết cuộc đời lắm cái oái oăm ! Bởi khi còn đi học, Bạn Nguyễn Văn Chuế đã cho Tôi cái Nick name là THÁI THỌT, vì tôi bị tật đi đứng không bình thường.  Vì bị tật nên khi đi khám sức khoẻ, tôi phải cố tình làm mọi cách dấu diếm để không bị loại, và "may mắn" trúng tuyển.

Ra trường khóa 20 Thủ Đức, tôi đã xin đi làm việc tại nơi xa xăm (Quảng Ngãi). Cho vơi đi niềm sầu hận. Mãi sau này,  khi hay tin hai người em gái mình đã qua Mỹ tôi mới dám xin về làm tại SàiGòn.

Sống cuộc sống quân ngũ một thời gian dài, rồi tôi giải ngũ, đi làm cho Mỹ cho tới ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Các em làm với Mỹ, rồi mình cũng làm với Mỹ, định mệnh tại sao lại xô đẩy cuộc sống anh em tôi vào vòng luẩn quẩn này như vậy" Tôi cũng chẳng hiểu tại sao, nhưng có điều là trong tôi dần dà không còn định kiến khắt khe với hai em gái mình như trước nữa. Tôi tìm cách dò hỏi để biết tin tức về hai em gái mình ... và qua những bạn gái cũ của hai em gái tôi, tôi được biết hai em tôi vẫn còn sống ở Mỹ, mỗi người cùng có một đứa con trai, và một đứa con gái... bọn trẻ cũng được ăn học đàng hoàng, và nay đã trưởng thành.

Sau ngày dân Việt ly tán, tôi cũng vì tính "nhút nhát", e dè và chậm quyết định, nên đã không có dịp cùng mọi người di tản.

 Đời sống ngày một khó khăn, nguy hiểm hơn, dân miền Nam đua nhau vượt biên bằng đường bộ, đường thủy, riêng tôi, cô quạnh trong cuộc sống, chẳng có tiền nong thì làm sao dám nghĩ đến chuyện ra nước ngoài"

Thôi đành, sống an phận thủ thừa bên người vợ tốt bụng, đức hạnh. Vợ tôi trước cùng học một lớp với em gái lớn của tôi, nên rất cảm thông cho số phận hẩm hiu của chồng. Chúng tôi lấy nhau năm 1970, sau khi tôi giải ngũ và chúng tôi có được ba người con, nay đã trưởng thành...

*

Trong những năm tháng sau năm 1975, tôi như "Hổng giò", chẳng biết làm gì để sống, đành phải xông pha đi làm đủ nghề, nào bán vé số, nghề bán lung tung mọi thứ "hầm bà lằng sắng cấu" tại chợ trời, nghề bán thuốc lá, nghề bán giấy báo cũ v.v..,

Những năm sau này, tuổi già mắt kém, sức khoẻ lại hạn chế, nên không thể xông pha được như trước, tôi đã phụ vợ  dạy học tại tư gia, ngoài ra tôi cũng biết đi chợ, nấu cơm, nuôi học trò bán trú ...  Cũng may mà vợ chồng đồng lòng, chuyện gì rồi cũng xong. Cuộc sống tuy đạm bạc nhưng êm ả, hạnh phúc.

Lúc sau này, thấy phong trào chơi máy điện toán lên cao, tôi cũng mày mò tự học, khi biết rồi thì "mê" điện toán như điếu đổ. Tôi được một người bạn học CVA, cho tiền mua một cái máy điện toán.

Từ đó, với cái máy điện toán, thế giới như trong tầm tay, tôi học hỏi được bao điều trên máy, nhưng có lẽ quý giá vô ngần vẫn là nhờ qua máy, tiếp cận được hệ thống internet, tôi dần dà có thể gặp lại bạn bè khi xưa... nhất là những bạn học CVA thân quý.

Tiếp xúc với các bạn CHU VĂN AN khi xưa, tôi bỗng nảy sanh ý nghĩ nhờ các bạn mình tìm hộ mình hai người em gái cùng cha khác mẹ, nay đã nghìn trùng xa cách, 40 năm biệt ly chẳng hiểu hai em gái mình ra sao.

Tôi là người theo đạo Công Giáo, nên ngày đêm đã cầu nguyện Ơn Trên sớm cho tôi được tìm lại hai em gái mình.... Những lời cầu  nguyện thiết tha đã kết quả, anh em CHU VĂN AN đã là sợi dây kết nối anh em chúng tôi lại ...

Người em gái lớn đã dẹp hết mọi chuyện để về Việt Nam thăm gia đình tôi ... Nhưng có lẽ, dư âm những định kiến hủ lậu khi xưa của tôi còn đọng lại đã phần nào làm cho buổi hội ngộ giữa hai anh em có phần gượng gạo. Khi chia tay nhau, em gái tôi trở về nước Mỹ, tôi thấy lòng mình như còn đang rỉ máu....

Ngày 3 tháng 6 năm 2006, anh em bạn bè CHU VĂN AN và NGUYỄN TRÃI cũ (56-63), đã tổ chức Hội Ngộ tại Montreal, Ban Tổ Chức và một số anh em khác đã có nhã ý mời tôi cùng tham dự,

Biết được hoàn cảnh khó khăn của tôi nên anh em đã tạo mọi phương tiện, tinh thần cũng như vật chất cho tôi được thỏa nguyện...

E-mail qua lại, nói sao cho vừa, những tình cảm và tấm lòng các bạn dành cho tôi... Ôi, một người như tôi, cả cuộc đời như những mảnh vụn khổ đau, vậy mà bây giờ lại được hiên ngang qua nước ngoài để gặp lại bạn bè đã 40 năm cách biệt!

Thế rồi, ngày "trọng đại" của tôi đã đến. Tôi như đi trong mơ khi thấy mình ngồi trong đang phi cơ cất cánh khỏi phi trường Tân Sơn Nhứt (bây giờ thì tôi phát ngôn câu này trơn chu và "nhuyễn nhừ").

Cảm tưởng khi đặt chân đến Hoa Kỳ, thì thật là tuyệt vời, cái gì cũng lộng lẫy huy hoàng, tráng lệ, nền văn minh bậc nhất của thế giới!

Nhờ các bạn cũ giúp đỡ, đưa đón, tôi đã có dịp  thăm miền Bắc và Miền Nam CaLif. đã được thăm cầu Golden gate, thăm những siêu thị của Mỹ và của người Việt, thăm phố Tàu, thăm Disney Land, thăm Holywood, tới khu thủ đô của người Việt tị nạn, thăm khu  Phước Lộc Thọ, thăm bãi biển, thưởng thức những món ăn Âu Á,và gặp lại một số bạn bè học trung học khi xưa.

Rời Calif., tôi sang thăm Canada, cái chính là tham dự ngày Hội Ngộ CVA-NT, nhưng trước và sau ngày này, anh em bạn học đã cho tôi có dịp "rửa mắt" trong buổi đi xem Festival, đi ăn đi uống, đi du ngoạn, chụp hình ở nhiều nơi đầy di tích lịch sử,                                                                         

Tại OTTAWA, tôi cũng được đến thăm tòa nhà Quốc Hội, thăm các nhà thờ, và thăm  hồ nước trên miệng núi lửa. Ba ngày gặp gỡ các bạn học, đối với tôi thật là một kỷ niệm "để đời."

Bao năm phân ly, vậy mà có nhiều người vừa thấy tôi là nhận ra liền.  Anh Ân cầm tay tôi, dẫn tôi ra giới thiệu cùng mọi người, bàn tay tôi đẫm ướt mồ hôi, "ấp a ấp úng" chẳng nói được điều gì, chỉ biết đưa mắt nhìn mọi người, bằng ánh mắt biết ơn, trìu mến.

Thưa các bạn học xưa cũ của tôi, Tôi nhớ ơn các bạn nhiều lắm, rất nhiều bạn đã cho tôi sống những giây phút hạnh phúc nhất trong đời. Xin cám ơn "TINH THẦN CHU VĂN AN- NGUYỄN TRÃI" mà các bạn đã "truyền" sang cho tôi, giúp tôi tràn đầy nội lực. Mai này, khi về lại quê nhà Việt Nam, tôi sẽ là một "nhân chứng sống” cho Tình Bạn  CVA bất diệt...

Bây giờ tôi lại trở về San Jose, miền Bắc Cali, thành phố của thung lũng hoa vàng, của những công ty, nhà máy, điện toán hàng đầu thế giới, đó chính là thành phố San Jose đầy kỷ niệm ...

Còn vài ngày nữa tôi mới lên máy bay trở lại quê nhà, nên tôi tranh thủ thời gian để làm một  chuyến xuôi Nam thăm lại một số bạn bè thân quen, hy vọng sẽ gặp khá nhiều người ...

Chỉ vài tiếng nữa thôi, tôi sẽ gặp lại một số bạn bè tại Nam Cali.  Bên cạnh tôi lúc này, trong chuyến xe Bus xuôi Nam, mọi người như đang yên ngủ, chỉ mình tôi còn thức. Tôi mong khi tới Nam Cali, sẽ nhờ bạn hữu giúp liên lạc điện thoại thăm hai người em gái cùng cha khác mẹ đã theo chồng về Mỹ. Em gái lớn của tôi hiện ở Texas, em thứ hai từ lâu bặt tin. Tôi sẽ cố gắng tìm gọi các em, mong rằng anh em ít ra cũng được trò truyện qua điện thoại... Xin Chúa hãy cứu rỗi tâm hồn chúng con, cho chúng con một sự sáng suốt để yêu thương dùm bọc nhau như ý Chúa từng dạy....Amen..

NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG

Viết theo lời dẫn ý của CVA LÊ PHÚC THÁI


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,601,534
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến