Hôm nay,  

Gia Đình- Quê Hương Và Nước Mỹ

22/07/200600:00:00(Xem: 145488)

Người viết: NGỌC BÍCH

Bài số 1062-1671-384-vb5200706

*

Tác giả tên thật là Nguyễn Ngọc Bích cho biết bà cùng các con hiện sống gần Frankfurt, nước Đức và đang sửa soạn bay sang California thăm gia đình cha mẹ anh chị em  hiện là cư dân Anaheim, Cali. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ hai của bà.

*

Thảm cảnh đây tiếp sau bao thảm cảnh

đã phủ lên dân tộc, nước non này.

chưa ngừng ư cuộc nội chiến hôm nay"

Để lớp trẻ ngày mai xây dựng lại,

những đổ nát, mà cha anh đành bất lực

lớp người trí thức phải khoanh tay

(Chú Hoành khóc thương  cháu Nguyễn ngọc Đông)

Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Chú Hoành em trai út của Ba, qua những câu thơ  chú đề tặng khắc trên bia mộ anh trai lớn của tôi qua đời ở tuổi  23 vào năm 1974. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy một người đàn ông biết khóc, khóc thương tiếc cháu trai.

Vào mùa Hè đỏ lửa 1972, anh Đông tôi đang là một sinh viên Đại Học Văn Khoa Saigon thì được lệnh lên đường nhập ngũ và sau đó tử trận. Vào thời điểm đau buồn này, tôi còn là một cô bé ngây ngô, buổi trưa thường được mẹ sai ra thắp hương cho anh tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Đứng  trước mộ anh mình, con bé không biết làm gì hơn là học thuộc lòng bài thơ của chú Hoành khắc trên bia mộ. 

Theo Ba Me tôi kể lại, ông bà nội tôi di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 với hai bàn tay trắng lập nghiệp. Chú Hoành là con trai út trong gia đình 5 anh em. Từ nhỏ chú đã có ý chí tự lập, học hành. Tốt nghiệp  Trường sĩ quan dự bị Thủ Đức khoá 26, chú nuôi mộng phục vụ Tổ quốc. Thủa nhỏ, mỗi lần thấy chú đến nhà thăm ba me, tôi thấy hình ảnh ông chú của mình trong bộ  độ lính  thật oai hùng.

Cuộc chiến tranh Việt nam leo thang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, bao nhiêu chiến sĩ, thanh niên, trí thức đã ngã xuống, đã đổ máu vì Hoà Bình, vì bảo vệ màu cờ đất nước ...

Thế nhưng Lịch Sử đôi khi có những việc xảy ra không tiên đoán trước được

hoặc không theo đúng như nguyện vọng mong ước của người lính cầm súng bảo vệ quê hương

Năm 1975, ngày 30 tháng 4 Saigon thất thủ, miền Nam rơi vào tay Cộng sản. Cuộc chiến tranh Nam Bắc kết thúc.

Tôi ở độ tuổi chưa trưởng thành nên chưa hiểu hết những diễn biến điêu linh cuộc nội chiến kéo dài bao nhiêu năm của nước mình, những bối cảnh phức tạp của chính trị. Chỉ biết từ nay mỗi chiều mình không còn ra đầu đường Hai Bà Trưng, ngồi hóng mát trước nhà thờ Tân Định, thỉnh thoảng nhìn thấy đoàn xe nhà binh chạy ngang qua chở theo các quan tài của người lính tử trận vì nước, phủ trên nóc quan là lá cờ vàng 3 sọc đỏ. Ngồi bên cạnh vài thiếu phụ bận áo đen, khuôn mặt thất thần, cặp mắt đỏ hoe cho tôi cảm giác buồn nao nao. Từ đây đám con nít trong xóm sẽ không còn đổ xô ra đường khi nghe tiếng máy bay quân sự gầm thét bay ngang qua vùng Trời, bỏ lại các vệt khói đen ngoằn ngoèo lẫn trong đám mây trắng nom thật ngộ mắt.

Đúng là chiến tranh đã thúc, nhưng chỉ vài tháng sau khi tiếp thu chính quyền miền Nam,  Cộng sản đã bắt đầu chính sách cai trị hà khắc, trả thù mọi thành phần họ cho là thuộc chế độ cũ tại miền Nam.  Chú tôi cũng như bao tướng tá binh lính bị bắt giam vào các trại tập trung cải tạo chốn thâm sâu, rừng thiêng, nước độc, bị tù đày đánh đập dã man.

Xã hội bên ngoài cũng tàn tệ không kém trại tù.  Vợ chú một tay không lo nổi đàn con 4 đứa, bỏ sang ngang lấy chồng khác.  Em Thơ, con gái lớn của chú, lúc ấy chỉ  mới 9 tuổi cùng lũ em bơ vơ không cha không mẹ, phải lây lất sống nhờ ông bà Nội cô bác, bữa đói bữa no.

Cô bé 9 tuổi thay mẹ nuôi em ấy có lần khi đưa các em ra đường chơi đã bị đám con nít ác độc vây quanh trêu trọc “Ba tụi bây lính ngụy, Má bỏ đi lấy chồng, con ở với ai"” Rồi chúng phá lên cười nắc nẻ, bỏ mặc em Thơ đứng ngơ ngác, nước mắt nước mũi chảy thành hàng chẳng buồn giơ tay lau.

Còn tôi lúc đó "ăn chưa no, lo chưa tới", tới trường là được các tổ chức gọi là Nhi Đồng Cứu quốc tập họp dạy ca-múa-hát, được nhồi nhét các bài hát ca tụng cách mạng. Hát như con két mà chẳng hiểu tại sao" Bài học, bài làm dành cho bọn nhỏ  dưới mái trường xã hội chủ nghĩa thời ấy được soạn theo kiểu đại loại "Anh Bộ Đội cụ Hồ giết được 20 tên lính Mỹ Ngụy, tiêu diệt 5 xe tăng, em hãy cộng coi anh Bộ Đội lập được bao nhiêu chiến công.”

Trí óc non nớt của tôi bắt đầu thắc mắc, tại sao giờ học Việt văn, sách báo luôn ca ngợi "Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo đất nước chúng ta giàu mạnh, dân ta anh hùng, tiền rừng bạc bể ...."

Vậy mà không hiểu sao, càng ngày tôi càng thấy cha mẹ lo âu nhiều hơn. Saigon trở nên thiếu ăn, thiếu mặc trầm trọng. Đổi tiền vài lần, đồ đạc trong nhà đội nón theo ông bà đi hết. Mỗi bữa cơm chiều, chị em tôi ngồi vào bàn ăn, chỉ thấy bo bo và khoai lang.

Năm tháng cứ thế mà qua dần. Một buổi chiều tôi đang ngồi phụ Mẹ giặt đồ, bỗng có tiếng gõ cửa, rồi một người đàn ông xuất hiện, dáng vẻ thất thểu, ốm trơ xương đen xạm, hai gò má nhô cao, cặp mắt kiếng gọng còn, gọng gãy, được buộc chặt lại bằng cọng dây thun, cứ chực như rớt xuống. Người đàn ông đó cất tiếng chào:

-Anh chị Ba Thân, em là Út Hoành về đây.

Trời đất ạ, sau 6 năm trời đằng đẳng trong tù, tóc chú bạc hẳn đi, già xọm, ốm yếu  ho hen. Tôi không còn nhận ra ông chú oai hùng của mình ngày nào.

Trong nhà tù cộng sản, như nhiều sĩ quan VNCH khác, chú Hoành đã bị đánh đập, bị bỏ đói, bị giam trong thùng phuy sắt phơi nắng giữa trời. Cái nóng hừng hực làm đến mê sảng. Rồi bị nhốt trong ngục tối, nước dâng ngập tận cổ, lạnh tê cóng... Là người tù khổ sai, chú Hoành đã phải lao động tới kiệt sức, gánh phân, đốn cây, phát quang rừng rậm, xây nhà cho cán bộ. Cực nhọc, đói khát, bịnh hoạn, bị hành hạ  đủ điều. Vậy mà chú Hoành đã sống được như phép lạ.

Trở về trong cảnh "nước mất nhà tan", ngoài cái “lệnh tha” của trại tù, túi không dính một xu, đã tưởng chú sẽ ngã gục, nhưng chú nói nhất định không đầu hàng số phận.

Sau đó chú xin Ba tôi chiếc xe đạp cũ, bắt đầu bằng nghề đạp xe ôm, rồi đi buôn bán khắp tỉnh thành Sóc Trăng, Cần Thơ kiếm tiền nuôi con và nhẫn nhục chờ thời.

Chưa đầy một năm sau, đã thấy chú Hoành vững vàng trở lại, chị em Thơ cũng bớt phần cơ cực.

Vào thời điểm này, không chịu nổi ách độc tài  tàn bạo của chế độ Cộng Sản, số người bỏ nước ra đi ngày càng đông.

Có lần, chú Hoành bàn với ba tôi, thu xếp gởi tôi cùng  em Thơ -nay đã 16 tuổi-  theo người bạn thân của chú vượt biển tìm Tự do.

Mọi chuyện được âm thầm tiến hành, nhưng đúng ngày người ta đến đón, tôi chợt nóng sốt li bì, nằm liệt giường. Em Thơ phải ra đi một mình.

Có ai ngờ đâu đó là ngày chú mất đi đứa con đang độ tuổi thanh xuân đẹp như đoá hoa quỳnh.

Chuyến tàu định mệnh đó không bao giờ đến bến bờ tự do được.

Đau khổ dằn vặt, nước mắt khóc con chảy ngược vào tim. Thêm nhiều vết nhăn trên trán, 2 đứa con trai lại mang bệnh ngặt nghèo do từ nhỏ đã thiếu ăn, thiếu sữa.

Vậy mà chưa bao giờ tôi thấy chú Hoành bi quan, vẫn can đảm đứng dậy bước tới, không hề trách móc người vợ đang tâm bỏ chồng. Chú bảo điều làm chú ân hận nhất trong cuộc đời làm lính là đất nước rơi vào tay Cộng sản.Còn Thơ, thế là em đã từ giã cuộc đời, từ lúc mẹ sinh ra cho đến khi nhắm mắt, là chuỗi ngày dài khổ nhục theo vận nước điêu linh. Thơ ơi, xác em chìm sâu dưới đáy biển Đông hoang lạnh. Tôi cầu mong  linh hồn em siêu thoát và hãy quên đi mọi  đau khổ của một kiếp nhân sinh ngắn ngủi phù du này!

*

Nhờ những ngườí Việt Nam đi trước định cư ở Mỹ đấu tranh, vận động không ngừng nghỉ, nhờ chính phủ Mỹ mở vòng tay đón nhận, sau cùng,  những sĩ quan VNCH cựu  tù nhân cộng sản được chính thức xét duyệt sang Mỹ.

Năm 1996, tháng Giêng, chú Hoành và 2 đứa con trai được định cư tại Sacramento theo diện H.O.   Gia đình tôi trước đó cũng được chị cả bảo lãnh theo diện đoàn tụ, cư ngụ tại Orange County.

Nhớ lại những ngày đầu trên đất Mỹ, cái gì đối với chị em chúng tôi cũng lạ lẫm, khác xa với Saigon. Sân bay, hệ thống xa lộ hiện đại, nhà cửa xây dựng có quy hoạch. Siêu thị shopping rộng thênh thang đi mỏi cả chân, ngắm hoài không chán mắt.

Chỉ ít ngày sau khi tới Mỹ,  chúng tôi bắt đầu phải đối diện với thực tế, tìm cách hội nhập cuộc sống mới. Bấy giờ mới vỡ lẽ ra rằng lúc còn ở Saigon, được chị tiếp tế đều đặn cứu đói, qùa cáp gởi về liên tục, chúng tôi ngây ngô cứ ngỡ Mỹ là Thiên Đàng theo kiểu tiền kiếm ra dễ và nhiều như hái trên cây. Giờ mới biết ra là các đồng tiền do chị và hai đứa em kiếm được phải đổ mồ hôi, sót con mắt, là sự lao động miệt mài của những đêm không ngủ, làm 2, 3 Job không dám ăn tiêu hoang phí, dè xẻn từ đồng gởi về cho gia đình.

 Nỗi vui mừng cả nhà Đoàn tụ nhung đồng thời cũng là mối lo lớn cho bà chị cố gắng bảo lãnh Ba mẹ, các em sang.

Ban đêm đang ngủ chị tôi giựt mình thức dậy, bật đèn dơ tay lấy máy tính, tính toán tiền nong chi tiêu đủ mọi thứ, nhà cửa, xe cộ, bảo hiểm, ăn uống... Nhìn chị lúc ấy mới biết thương chị làm sao.

Cả nhà lập ra kế hoạch nương tựa nhau, giúp đỡ nhau mà sống. Các em trai ghi danh đi học, ngoài giờ học các cậu quét dọn lau chùi căng tin, kiếm tiền mua sách vở. Chị hai đi học làm nail, ba tôi xin được việc làm cắt chỉ quần áo ở shop may nhỏ,  Mẹ tôi ở nhà nhận trông nom thêm vài đứa trẻ cho có đồng ra đồng vô, phụ tiền chợ...

Nhờ cả nhà cùng cố gắng, đời sống tạm ổn. Chiều tối chị em quây quần về, kể cho nhau nghe chuyện học, chuyện làm trong ngày,  rồi đến đủ loại chuyện vui do ngôn ngữ bất đồng, đưa đến tình huống hiểu lầm kỳ cục.  Nhiều chuyện tạo ra những trận cười nghiêng ngả.

Mẹ tôi -bà mẹ Việt nam chân chất, cả một đời chỉ biết tảo tần lo cho chồng con miếng ăn, giấc ngủ. Nên khi sang sống xứ Mỹ, một chữ tiếng Mỹ bẻ đôi không biết. Thế mà bà tự xoay sở nhận đưa đón 2 đứa trẻ con hàng xóm. Buổi trưa bà đi đón chúng ở trường học về. Lần đầu tiên đi bộ ra nhà trẻ cách hai con đường, do chưa quen hết ngõ ngách, mẹ tôi đi lạc cả nửa tiếng đồng hồ. Giữa trưa nắng,khuôn mặt bà đẫm mồ hôi. May thời bà trông thấy một cô người Mỹ vừa mở cửa, bước ra xe. Bà cụ vội vàng buớc tới nói với cô bằng chính tiếng Việt của bà, mong cô hiểu mà giúp giùm “Má đi ách xì xai, má lạc, chở má về giùm, số nhà quan-quan- chi- xích.

Thì ra bà cụ học lóm được  mấy đứa nhỏ từ excercise là tập thể dục, bí qúa bà chêm vào cốt ý để cô ngưới Mỹ lắng nghe, cộng thêm số nhà 1136 bà đã học thuộc lòng từ lâu. Cô hàng xóm cười ngặt nghẹo nhưng cũng ra vẻ hiểu bà cụ đi lạc. Cô đã chịu khó chở Mẹ tôi lòng vòng khu xóm đến khi bà kiếm ra nhà. Từ đó mỗi trưa tình cờ gặp mẹ tôi đi bộ ra đầu ngõ,cô luôn ngừng xe cho mẹ tôi qúa giang. Xin cảm ơn lòng tốt của cô.

Chúng tôi đi học, đi làm cả ngày. Ở nhà, quê hương của mẹ tôi thu nhỏ qua chiếc radio để góc bếp. Bạn bè thân thiết là giọng nói của anh xướng ngôn viên Đài Radio Bolsa- anh Việt Dzũng. Thế mà bà thu thập biết bao tin tức xảy ra trên thế giới hằng ngày. Trên cánh cửa tủ bếp, mẹ tôi tự tay dán lên đầy đủ các con số điện thoại cần nhớ mà radio chỉ dẫn, được bà ghi lại theo cách phiên âm của mình. Mỗi khi đọc những mảnh giấy có nét chữ run rẩy ghi:  Số bồ lít: 911, số ép bì ai ..., số bác sĩ ...v.v... các em trai tôi cứ theo chọc mẹ: - ép bì ai của Má gọi kìa. Vậy là cả nhà cười vang.

Tuy là Mẹ tôi không nói dược tiếng Mỹ, không học hành bằng cấp, không chưng diện cao sang nhưng trong con mắt chúng tôi Mẹ là tấm gương hy sinh, là người mẹ tốt nhất. Không ai có thể may cho tôi tấm áo đẹp hơn mẹ may cho. Không trường học, trường đời nào dạy tôi cách xử thế với tha nhân sâu sắc bằng mẹ. Bà luôn dạy chúng tôi nên nhớ ơn nước Mỹ đã giang tay đón nhận, giúp đỡ bao thanh thiếu niên ăn học. Phải chi phí biết bao tiền bạc cho người già Biệt nam, người đau yếu tàn tật.

Cuối cùng các em gái, trai trong nhà đều đổ đạt, ra trường kiếm việc làm ổn định. Gia đình tôi như bao gia đình khác cư ngụ trên đất Mỹ đều gặp nhiều khó khăn ban đầu nhưng sau cùng đều có kết qủa tốt đẹp, mỹ mãn.

                      *

Một buổi chiều về nhà tôi  nhìn thấy trên bàn có bao thư lớn, mở ra là một loạt copy các bài báo dưới tên Hoành Nguyễn và một quyển sách đề tặng “Thương tặng các cháu Phi-Phượng-Ngọc-Vân-Sơn-Hải-Hà.”

Ồ thì ra đây là bài vở của chú Hoành "Ly hương qúy một chữ tình", " Tâm sự với quê hương - Điểm lại Quốc nạn 30/4/75 - Tượng Đài Chiến sĩ - Vui buồn trong nghiệp viết báo- Tìm chữ nhơn tình - Niềm đau nỗi lo con cháu mất gốc v.v..., trên dưới cả trăm bài, lời văn gãy gọn, súc tích.

Cuộc sống mới bận bịu nên tôi đã tạm - quên ông chú của mình ngày nào. Vậy mà chú  không hề trách móc con cháu vô tình, vẫn định cư tại Sacramento không nhu cầu vật chất, không nhà cửa, xe cộ, nghèo như thưở nào. Nhưng chú bảo tinh thần của chú 10 năm qua rất thoải mái, ổn định. Chú viết báo đều đặn, dùng ngòi bút để phê phán chế độ cai trị độc đảng của nhà cầm quyền Cộng sản. Chú qúy trọng sự Dân chủ-Nhân quyền trên đất Mỹ.

10 năm -một quãng thời gian dài của một đời người, thế mà chú không hề mỏi gối, chùn chân, vẫn tiếp tục niềm vui viết lách cống hiến cho Đời. Lý tưởng của chú:" Hạnh phúc là xả thân vong kỷ, là mang sự an lành cho tha nhân"

Chú năm nay 67 tuổi tinh thần an bình qua những chuyến đi chùa, hành hương, nghe Thuyết pháp Đạo Phật. Không màng lơi danh, tiền bạc, gom góp tư liệu viết về Triết Lý Đạo Phật trong đời sống hằng ngày.

Có lần tôi hỏi chú sao không dọn về Little Saigon- trung tâm báo chí tiện cho việc sinh hoạt. Chú trả lời vì qúy cái Tình của những bạn bè- Hội Đoàn trên Sacramento đã giúp đỡ hết lòng cho chú khi bước đầu  đến Mỹ, nên chú vẫn an cư nơi thành phố này. Thật là Tình nghĩa cao đẹp. Cháu có lòng ngưỡng mộ chú.

****

Các bạn thân mến,

Câu chuyện mà tôi kể về gia đình tôi với những khó khăn ban đầu khi sang định cư ở nước Mỹ, nhìn chung cũng giống như khó khăn mà bao nhiêu người Việt nam đã trải qua khi sang  sinh sống ở nước ngoài. Xét cho cùng gian khổ đó không cam go lắm vì chúng ta còn có hy vọng, có mục tiêu phấn đấu và đều đạt được kết qủa hài lòng như mong đợi, nếu chúng ta quyết tâm và  siêng năng.

Câu chuyện có thực tôi kể  về cuộc đời của chú tôi- nhà báo Hoành Nguyễn cùng những đau khổ, mất mát của bản thân ông  trong cuộc chiến, cũng chỉ là một phần nhỏ trong biết bao nỗi thống  khổ chung mà cả một dân tộc đã phải gánh chịu khi sống trong đất nước chiến tranh loạn lạc triền miên từ thưở ông cha dựng bờ cõi.

31 năm qua, người Việt rên Đất Mỹ đã thành một Cộng đồng Việt hùng mạnh. Khu Little Saigon đã trở thành một thủ đô của người Việt tị nạn, vớiđầy đủ chợ búa, hàng quán, trung tâm báo chí, đài Truyền hình, đài phát thanh, trung tâm văn nghệ, chùa chiền, các trung tâm Việt ngữ khuyến khích các trẻ em thanh niên học tập, trau giồi tiếng mẹ đẻ, giữ gìn nguồn gốc văn hóa Việt nam không bị mai một.

Người Việt tại Mỹ, thế hệ thứ nhất, rồi thứ hai, thứ ba đã có được những thành tựu lẫy lừng xuất sắc trong mọi lãnh vực khoa học, kinh tế, chính trị cũng như nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền sở tại.

Đó là niềm hãnh diện, niềm tự hào để chúng ta tiếp tục  làm vẻ vang dân Việt.

NGỌC BÍCH

 


 

Ý kiến bạn đọc
02/11/201815:38:27
Khách
Co Ngoc oi co le toi la ban cua anh co ten la Nguyen Ngoc Dong phai khg
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,151,672
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Tựa đề đầy đủ của bài viết: “Ba Tôi, Những Giờ Phút Sau Cùng và người bạn tù trên đất My” được rút gọn theo nội dung.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Thời tiết Cali đầu tuần bất ngờ có mưa bụi mát mẻ, hệt như tiết xuân dù đang mùa kiết hạ. Đúng là lúc có thể mơ xuân với một truyện tình vui của Orchid Thanh Lê, tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là Phó Giáo Sư tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif. Đây là bài tác giả gửi sớm, tính dành cho báo xuân Canh Tý 2020 sắp tới. Sắp họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, mời đọc trước chuyện xuân.
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ XX - gồm những bài viết được phổ biến từ 1 tháng Bẩy 2018 tới 30 tháng Sáu 2019 - được quyết định tổ chức vào Chủ Nhật 11 Tháng Tám 2019, và 16 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Father's Day 2019, mời đọc bài viết mới của Hoàng Chi Uyên. Tác giả là một chuyên viên xã hội từng nhận giải thưởng lớn khi được bình chọn là nhân viên xuất sắc trọn năm 2003 và phụ trách Phòng Xã Hội, thuộc Trung Tâm Cao Niên thành phố Milpitas, Bắc California, và đã về hưu. Tháng Ba 2019, bà góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên: "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc" kể về hoạt động xã hội; Bài thứ hai: "Ban Cướp Biển," hồi ký về nhóm điều tra chống cướp biển trại tị nạn Pulau Bidong.
Mùa Father's Day, mời đọc chuyện “Ba Thế Hệ Cha và Con" của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM 2013. Bài viết mới của Vĩnh Chánh là hồi ký về một gia tộc hoàng phái quyền chức, với những mảnh vỡ trôi dạt từ trong ra ngoài nước.
Chủ Nhật 16/6 là Father’s Day 2019. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín, 2018. Bà.cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tụ. Bà hiện là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Về người cha được tưởng nhớ, mời coi lại hình ảnh và bài viết “Công Chúa Triều Nguyễn” do tác giả Tôn nữ Trấn Định Minh Nguyệt thời đổi đời, trong đồng phục tài xế taxi tại Huế, lái xe đưa thân phụ Vĩnh Bạch từ Mỹ về, cúng đền Trấn Định Quận Công tại Truồi
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Năm 2019. Ông là anh cả trong 9 anh chị em, có người cha chết trong trại cải tạo Vĩnh Phú từ 1979, bà mẹ một mình lo cho các con. Ông qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài viết mới được “Viết trong ngày sinh nhật 88 của Mẹ,” Tựa đề được trích từ lời kết của bài viết xúc động: “Căn bệnh Alzeithmer với mẹ cũng là một may mắn trong muôn vàn bất hạnh. Cái quên, cái lẫn sẽ làm mẹ có thể sống được với tôi, với con cháu thêm một thời gian.”
Nhạc sĩ Cung Tiến