Hôm nay,  

Bước Chân Lãng Tử

13/07/200600:00:00(Xem: 142953)

Người viết: Võ Thị Điềm Đạm

Bài số 1056-1665-378-vb4120706

Đây là bút ký đặc biệt của một người muốn làm “nữ cao bồi điệu” ghi lại 7 ngày dong duổi trên mình ngựa trong xứ cao bồi ở Arizona, quê hương của bộ lạc da đỏ Apache kiên cường.

Tác giả lần đầu dự viết về nước Mỹ đã gửi bài qua email, và viết: “Tôi không sống tại Mỹ. Tôi hiện sống tại Na Uy. Nhưng một lần du lịch sang Mỹ đã tạo nhiều kỷ niệm đẹp nơi chúng tôi nên tôi đã viết một bút ký với tựa đề “Bước Chân Lãng Tử”. Có điều là vì không có bà con và bạn bè ở Mỹ nên trong suốt 5 tuần, qua các tiểu bang New York, Arizona, Florida, Washington D.C. chúng tôi không gặp một người Việt nào cả. Cho nên bút  ký này hoàn toàn (là chuyện) sống trong lòng nước Mỹ. Tôi chỉ muốn chia xẻ với mọi người về một sự tiếp xúc với nước Mỹ, người Mỹ... trong tinh thần bình đẳng.

Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm và bổ túc dùm ít dòng sơ lược tiểu sử, địa chỉ liên lạc.

*

"When I was young  I walked all over this country, east and west, and saw no other people than the Apaches" (Cochise)

Chúng tôi là những người Viking Na Uy nhỏ bé hiền hòa đang viếng thăm nước Mỹ. Xin lưu ý: không phải bốn chúng tôi nhỏ bé hiền hòa mà là nước Na Uy của chúng tôi nho nhỏ nhu mì. Na Uy được cái hân hạnh là nơi tổ chức trao giải thưởng Nobel Hoà Bình mỗi năm vì trong lịch sử thế giới, Na Uy chưa bao giờ gây lộn, đánh lộn với bất cứ một quốc gia nào.

Sau năm ngày ngợp mắt vì cái đồ sộ, to lớn, vĩ đại, hào nhoáng,  trăm vẻ, ồn ào..., (còn chữ nào nữa không nhỉ") coi hết những thứ đã thấy trong phim ảnh của thành phố New York, bốn chúng tôi đáp máy bay đến Phoenix, Arizona để chuyển máy bay đến Tucson. 

Ngay từ trong khuôn viên phi trường, những hình ảnh hơi là lạ đã bắt đầu gây ấn tượng nơi chúng tôi: Những hàng hóa bày bán đều mang hình ảnh đủ loại cây xương rồng xấu xí, con kỳ nhông, kỳ đà thiệt là bình thường và nhất là dáng vẻ tự nhiên của mọi người với cái nón "cao bồi" trên đầu.  Lúc đầu tôi tưởng vài người nào đó làm dáng.  Tôi cười thầm: Hừm... nón cao bồi có gì mà làm dáng!

Dần dần, năm, mười phút sau tôi mới hiểu là cái sự đội nón cao bồi trên đầu ngay cả trong phi trường có máy lạnh là một chuyện tự nhiên hết sức tự nhiên của người dân Arizona, xứ nắng khô đồng cháy đã mời chúng tôi đến thử làm cao bồi ở cái "ranch" trong một tuần lễ.  Tôi quan sát các kiểu nón và gật đầu công nhận là cũng có vài kiểu phù hợp với cái tính hay làm điệu làm dáng bề ngoài của tôi.  Tôi thầm chấm một kiểu: Kiểu nón vẫn mang dáng vẻ cao bồi nhưng được đan bằng những cọng lát mỏng trắng ngà, cánh nón rộng, mịn màng, vừa ngầu vừa mỹ miều.  Sẽ mua kiểu này!

Lạ lùng! Cái xứ gì mà 150 km đường xa lộ, từ phi trường Tucson đến Grapevine Canyon Ranch không một tàn cây bóng mát, chỉ toàn loe hoe năm ba cây xương rồng to tướng khô khan. 

Cứ theo bản đồ, lần đầu tiên lái xe ở Mỹ, thế mà chúng tôi đến nơi trúng phóc, không cần de xe, không cần thắng lại, không cần quay lui một lần nào (Là do người đọc bản đồ giỏi, tôi đó! Và người lái xe nghe lời tôi, biết thân, không bàn lui bàn ngược như thường ngày, lỡ tôi bàn không lại rồi tôi dở chứng ngậm miệng, giả bộ ngủ, thì chỉ có nước vừa đọc bản đồ vừa lái xe.)  Đường xá thẳng tắp, thẳng góc,  phẳng trơn, phân minh, rõ ràng như một bàn cờ tướng, dễ chạy xe nên cũng dễ chán.  Và cái nắng, cái nóng của Arizona cũng lạ nữa.  Cùng một độ nóng vào tháng này ở Việt Nam, nhưng  nóng ở đây là nóng khô, nóng cháy da chứ không nóng âm ẩm làm cho mình có cảm tưởng người luôn luôn ươn ướt ri rỉ mồ hôi như ở Việt Nam thương yêu của mình.

Chúng tôi bốn người đều mê phim cao bồi, theo phe mọi da đỏ, bực cái chuyện người da trắng ăn hiếm, ăn gian, lợi dụng... những giống dân da đỏ cách đây 500, 400 năm,  nên đã chọn một tuần lễ được sống như những chàng cao bồi ở quê hương của Apache, một ranch (trang trại) cách xa đường tráng nhựa 20 phút xe hơi, chung quanh chỉ toàn là rừng xương rồng thưa thớt đủ mọi hình dạng, thỉnh thoảng mới có vài bóng mát rộng lớn của những cây oak lão làng hay một vài cây đầy gai nhọn, những cây gai dài 6, 7 cm. 

Cả khu vực ranch được bao bọc bởi những đồi, những núi nhìn từ xa tưởng chừng như những cái đầu trọc với vô số mụt nhọt.  Cảm giác hãnh diện vì bỗng nhiên mình được thấy tận mắt, được hít thở không khí nắng khô của những phim cao bồi, được lang thang trên vùng đất chính một trong những nơi trú ẩn của bộ lạc Apache.  Hạnh phúc!

*

Tôi tự chọn mình vào nhóm đi ngựa dở nhất vì tôi chỉ là một kỵ sĩ thiệt là tơ lơ mơ, còn ba người kia thì phi như gió.  Người bạn hiền chung thủy của tôi, không bỏ bạn lúc bạn chưa ngã ngựa nên mặc dù đi ngựa giỏi nhưng cũng ghi tên vô nhóm đi dở cho tôi có bạn và chắc cũng để thông dịch cho tôi khi cần vì cái khả năng tiếng Mỹ  hạn hẹp của tôi, lỡ tôi hiểu lầm, tôi đi đường tôi, một Apache nào đó dụ dỗ...

Na Uy có dòng họ với hoàng tộc Anh (vua Harald là người thứ tám trong danh sách sẽ thừa hưởng ngôi vua sau nữ hoàng Elisabeth đệ nhị) nên tiếng Anh người Viking chúng tôi nói thuộc loại tiếng Anh Orford Street.  Hơn nữa âm hưởng trong giọng người Việt nói tiếng Anh cũng không bay bướm mấy nên tôi đâu dám hỏi tới hỏi lui, cái gì cũng gật đầu cho xong chuyện (Kinh nghiệm cho thấy cứ mỗi lần tôi mở miệng ra nói được một vài câu là bị hỏi: Where are you from!  Quê lắm!).  Ấy cho nên tôi không cảm thấy an toàn  trong nhóm này, thầm cám ơn bạn hiền biết điều.  Và đương nhiên cách thế cưỡi ngựa của chúng tôi cũng thuộc cách thức cổ điển của nước Anh.  Từ quần áo, giày nón, yên ngựa, tư thế ngồi, cho đến cách cầm dây cương... nhất nhất đều cứng nhắc, gò bó so với cái giản dị phóng khoáng từ quần áo, giày nón (có gì dùng đó) đến phong thế cưỡi ngựa Western, yên ngựa Western và khung trời  nắng khô đồng trống toàn sỏi đá Western, sống hòa mình với những tâm hồn lãng tử của những anh chàng cao bồi Western ngày xưa. 

Hãy tưởng tượng đi, ngày xưa tù trưởng Cochise, Geronimo... tướng George Crook, Nilson A. Miles, John Butterfield... đã từng hít thở không khí này, đã từng dong dã chân ngựa trên khoảng đất này, đã từng dừng chân đốt lửa trại qua đêm bên con suối này... làm sao chúng tôi không cảm thấy mình may mắn"  Những Vikings từ miền Bắc Âu hoang sơ.  Diễm phúc!

*

Hai ngày đầu, mỗi sáng, mỗi nhóm đi theo tuyến đường của mình, tùy sở thích và tùy khả năng chịu đựng.  Mỗi ngày một tuyến đường, một cảnh vật nhưng khí hậu thì vẫn gay gắt như nhau. 

Trong khoảng ba hay bốn tiếng đồng hồ người trưởng đoàn hướng dẫn cả nhóm băng rừng leo núi, lúc thông thả, lúc bặm môi tưởng như bị hất khỏi lưng ngựa, hết hồn hết vía, lúc cắn môi vì thương cho đôi chân ngựa mảnh khảnh ráng gượng đi từ bước xuống dốc đá lởm chởm.  Người dẫn đường giải thích từng cảnh vật trên lộ trình:  Mưu cách của những con chim diều hâu lượn bắt mồi, đời sống những cây xương rồng khổng lồ, lịch sử con đường mòn... và tôi cảm thấy tôi thông thái ra chút xíu sau một ngày trên lưng ngựa.  Sự thông thái này có còn lưu lại trong đầu tôi lâu hay không là một chuyện khác. Nếu những kiến thức này còn lại chừng 5% trong đầu óc càng lúc càng lười biếng của tôi là tôi hài lòng lắm rồi.  Thật đấy!

Buổi chiều sau cơm chiều là chuyến đi chừng hai giờ.  Cũng băng rừng leo núi nhưng lộ trình hiền lành hơn, chắc vì bụng ai cũng no căng, hay chủ ranch sợ mệt ngựa (").  Đây là khoảng thời gian thoải mái nhất. 

Nắng dịu dần, đường núi cũng không mấy chông gai, thấy được nhiều thú rừng ra tìm thức ăn.  Những con nai xinh xắn dừng chân ngoái cổ nhìn đoàn thú lạ lùng hai đầu sáu chân, làm những con thỏ cụt đuôi chạy nhanh vô bụi cây...  Và nhất là ngắm được cảnh mặt trời lặn, cảnh cuối trời ửng đỏ, lặn nhanh, không ngày nào giống ngày nào làm cho lòng người viễn du lâng lâng cảm nhận cái hạnh phúc muôn màu muôn vẻ, lúc gần lúc xa, chỉ cần dừng chân ngựa năm ba phút, vói tay là tới, quay lưng là mất.  Lúc này ai muốn cho ngựa mình phi lóc thóc thì cứ thử thời vận.  Nhưng giống ngựa là giống sống theo đàn, ngồi lưng ngựa nhắm mắt, ngựa cũng theo đàn anh đi trước.  Đàn anh chạy, đàn anh phi, thì mấy đàn em cũng chạy cũng phi.  Nếu lỡ người trên lưng ngựa (như tôi chẳng hạn!) hăng máu cao bồi, thúc cho ngựa chạy qua mặt ngựa người đi trước là  cả một sự khiêu khích cả người lẫn ngựa, bị ngựa ta co giò, tai vểnh tai cụp tỏ ý bất mãn và bị người rủa thầm: "Bất lịch sự!"

*

Qua ngày thứ ba là tôi chọn tuyến đường hiểm trở chông gai 8 tiếng đồng hồ vừa đi vừa về,  cả mấy người giỏi cũng đi chung.  Tôi hãnh diện lắm!  Chuẩn bị thức ăn trưa, hai bi-đong nước (loại bi đong ngày xưa lính Mỹ và lính VN Cộng Hòa dùng) đã được để vô tủ đá từ tối hôm qua, lòng tôi hơi lo lo vì được biết là tôi phải đổi ngựa để chịu đựng dẻo dai hơn.  Như thế là tôi phải bỏ thì giờ dỗ ngon dỗ ngọt con ngựa mới này, vuốt ve, nói chuyện với nó, làm thân với nó... và nhất là phải học những thói hư tật xấu của nó để dễ  khiển nó đi theo ý tôi. 

Chúng tôi sẽ lên Stronghold, nơi ngày xưa giống người da đỏ Apache làm căn cứ để chống lại quân đội da trắng vì địa thế hiểm trở, địa thế du kích.  Xe chở cả người và ngựa đến chân núi. Từ đó chúng tôi sẽ lên Stronghold.  Gọi là đi lên nhưng đường lúc lên lúc xuống, ngoằn nghèo, có những lúc tưởng ngựa chịu hết nổi cái thân không mấy nhẹ nhàng lắm của chúng tôi mà quỵ xuống.  Nhiều khúc đường toàn là đá cục tròn nằm lỏng lẻo, chỉ cần ngựa trật chân một cái là lọt xống vực sâu bên đường.  Nhiều lúc ngựa ta lóc thóc chạy lách lõi dưới những tàn cây thấp đầy gai nhọn, không màng gì tới người ngồi trên lưng mình, kỵ sĩ phải lanh lẹ cúi đầu nằm sát lưng ngựa, nghiêng lách người, nếu không là tróc nón, gai móc rách áo, xước tay...

Lúc thúc, lúc kèm vì con Mooni của tôi hay nổi hứng bất tử lắm (Đúng ra là tại tôi không biết khiển nó!) và cũng mơ mộng như chủ nữa.  Đang đi, thấy bụi cỏ xanh là ngừng lại nhâm nhi, mặc cho tôi dựt dây, thúc bụng, đôi lúc tức quá, tôi phải quất cho một cái đau điếng, Mooni ta mới chịu tiếp tục.  Có khi tự nhiên Mooni rẽ ra hướng khác, và trên lưng ngựa, tôi đang mơ mơ màng màng nghĩ đến một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết nào đó, không để ý " ngựa nản chân bon"... Đến chừng người sau kêu, nhắc chừng, tôi mới bừng tỉnh, kéo, thúc cho Mooni đưa tôi về lối cũ.  Ông trưởng đoàn bao giờ cũng sắp xếp một vài người đi phía sau tôi.  Ma lanh!

Lộ trình quả thật chông gai nhưng bù lại được ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ, bên kia núi xa xa là New Mexico  và nhất là đến được nơi ngày xưa bộ tộc Apache ẩn trú kiên trì chống lại đội quân U.S.   Ngồi nghỉ ăn trưa, dở gói bánh mì tôi tự làm hồi sáng với thật nhiều thịt và phô mai (Nghệ thật ăn giữ eo: ít bột, nhiều protein), một dòng kem vàng vàng chảy ròng rả từ miếng sandwich duy nhất của tôi, phô mai đó, làm sao chịu nổi cái nóng 40 độ C này trong bốn tiếng đồng hồ.  Đoảng vị!  Phải nhắm mắt mà nhai mà nuốt (Ước chi có tô mì gói con tôm nhỉ!  Không cần thêm hành, tôm thịt, rau gì hết!).  Đã vậy, ông trưởng đoàn không tâm lý chút nào hết.  Hồi sáng chúng tôi được xe chở đến tận chân núi, bây giờ, sau giờ ăn trưa, mệt mỏi, thì lại phải lóc thóc cưỡi ngựa về.  Đường đi lên ba tiếng đồng hồ,  đường đi về năm tiếng đồng hồ, cả một sự tính toán sai lầm!  Dầu cho trên đường đi về chúng tôi được dừng chân ngựa ngắm cảnh núi non hùng vĩ xa xa dưới bầu trời trong thanh không một cợn mây, cũng không bù lại cái tính toán thiếu sư phạm này đã làm chúng tôi rã rời tê mông khi nhảy xuống khỏi lưng ngựa, đi thẳng một mạch về cái hut của mình, ngã lăn ra gường, làm một giấc tới khi kẻng cơm chiều gióng kêu leng keng.  Cái mệt mõi hài lòng!

Kinh nghiệm chuyến đi lên Stronghold, hôm nay đi lên Fort Bowie, tôi chỉ chuẩn bị vài cái trứng luộc, trái cây và dĩ nhiên hai bi-đong nước đong lạnh, mặc dù tôi biết rằng chỉ đến trưa trên đường về là nước trở nên âm ấm nóng, uống đến lợm giọng, nhưng phải uống. 

Tuyến đường hôm nay tương đối hiền lành, một phần của tuyến đường Butterfiel Overland Mail.  Sau cuộc chiến hơn hai mươi năm giữa U.S Army  và bộ lạc Chiricahua Apaches, Fort Bowie và Apache Pass trở thành trọng điểm cai quản khu vực.  Tất cả những chiếc wagons của đoàn người di dân vào thế kỷ thứ mưới chín, từ St. Louis đến Los Angeles và San Francisco đều phải qua Fort Bowie.  Bây giờ khung cảnh toàn trại chỉ còn vài bức tường đã bị đập vỡ nửa chừng và trạm đón du khách mới được xây sau.  Đứng trên ngọn đồi ngày xưa là trạm canh, tôi mới hiểu tại sao quân đội dùng điểm cứ này.  Trên đỉnh đồi không cao mấy nhưng ta có thể phóng tầm mắt quan sát, theo dõi được tất cả những gì đang diễn ra trên những con đường mòn xa xa,  trên những cánh đồng cỏ cây thưa thớt, trên những đồi núi trọc thâm thấp lững lơ. 

Nếu đường đi lên Stronghold hôm qua là để du khách được nhìn tận mắt, được cảm tận lòng cái khó khăn hiểm trở cửa địa thế thì đường lên Fort Bowie là ba giờ học  trên lộ trình mang đầy di tích lịch sử.  Chừng mười lăm, hai mươi phút là có bia đá được khắc những hàng chữ tường thuật lại một vài sự kiện lịch sử,  túp lều Apaches,  nghĩa địa những người tử vì... tìm đường sống còn. 

Và thác nước Apache Spring  rơi êm đềm xuống dòng suối lững lờ trôi trong cái mát dịu người của cây cối chung quanh.  Một nguồn vui bất ngờ của kẻ lãng tử trên con đường ngập nắng khô cằn.  Xuống ngựa, quì gối, cúi vóc một ngụm nước suối trong mát, làm trôi đi lớp bụi "phong trần", tôi mới hiểu cái giá trị cuộc chiến đấu mất còn của bộ lạc Apache ngày xưa để bảo vệ nguồn nước.  Apach Spring đã từng là cứu tinh của người Da Đỏ, của những đoàn lính viễn chinh, của những đoàn xe ngựa đi tìm quê hương lập nghiệp nơi miền biển Tây màu mở, nhiều hứa hẹn.

Bảy ngày dong duổi trên lưng ngựa.  Bảy ngày được sống trong lòng đất Apache, chúng tôi đáp máy bay xuống miền biển Key West Florida, một làng quê nghe nói vẫn còn giữ được nét thô sơ của làng chài ngày xưa và cũng để kịp chứng kiến ngày Henningway.  Chỉ chứng kiến thôi, không tham gia.

*

Rời bỏ quê hương Apache với lòng lưu luyến người dân Arizona thành thực, phóng khoáng từ ngôn ngữ đến cái cười. 

Sống trong lòng người Mỹ chính thực, chúng tôi những người châu Âu thường tỏ ý coi thường nền văn hóa không quá năm trăm năm, vẫn thường có thành kiến về cái hào nhoáng bề ngoài của đất nước Mỹ, luôn người Mỹ, chúng tôi đã học một bài học quí giá trong đời:  Hãy sống hòa đồng và tìm hiểu tường tận trước khi đánh giá.  Tiếc là ruột tượng đã cạn, chương trình đã được ấn định, chúng tôi đành chia tay Arizona một buổi sáng còn mờ tối, lên đường trở lại phi trường Tucson với nỗi lòng bùi ngùi.

Có một điều tôi tiếc hoài, tiếc hoài.  Tôi không sắm cho tôi được cái nón cao bồi đan bằng dây lát trắng mảnh, vừa ngầu vừa mỹ miều mà tôi đã âm thầm chọn khi ở phi trường Phoenix.  Phải chọn mua cái nón cao bồi nỉ nâu, tuy cũng đẹp và bảo vệ đầu tốt hơn, tôi vẫn còn ấm ức lắm.  Muốn có cái nón như tôi ao ước thì thợ phải đan theo đúng dạng đầu của từng người, phải chờ cả tuần mới xong.  Tôi vỡ mộng làm nữ cao bồi điệu.  Thôi vậy, chờ kiếp sau!

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,138,491
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến