Hôm nay,  

Già Vẫn Chưa Yên

27/06/200600:00:00(Xem: 136173)

Người viết:TỐNG CHÍ LINH

Bài số 1044-1653-366-vb3270606

*

Tác giả là một cư dân hưu trí tại Phoenix, AZ. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, trong đó có những bài "Đàn Ông Bế Con", "Đàn Ông Đi Chợ" rất được bạn đọc ái mộ. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

*

Vài năm nữa tôi sắp bước vào thời kỳ thất thập cổ lai hi. Đời người đi qua mau như thế tưởng được yên, chẳng ngờ chuyện nhân tình thế thái cứ quanh quẩn và tôi lại tiếp tục bị quấy rầy.

Năm 1975 người Việt miền Nam đã mất những kỷ niệm quá khứ để ra đi, chỉ đem theo với mình tinh thần văn hoá dân tộc, trong đó ngôn ngữ, tập quán, phong tục, tín ngưỡng... là những nét đặc thù bất khả ly. Ra đến hải ngoại khi bước vào con đường kiếm kế sinh nhai là lúc người tỵ nạn phải học hỏi nhiều vấn đề về hội nhập mới với sự giúp đỡ về mọi mặt của chính quyền và dân chúng địa phương. Tuy nhiên bên cạnh đó họ phải đối diện những phiền toái khác về kỳ thi, về tỵ hiềm của một số ít người thiếu thiện cảm. Vài mẩu chuyện trong số nhiều câu chuyện có thật tôi xin kể cùng bạn đọc: Một công nhân người Mỹ cùng làm chung hãng đặt vấn đề với ban giám đốc về 3 người Việt, nhưng ban giám đốc trả lời rất tế nhị:

Hỏi:

-Tại sao không thuê người địa phương mà lại thuê người ngoại quốc"

Trả lời:

-Trong quá khứ, chúng ta có thuê 3 người. Họ làm việc rất hăng say và tốt đẹp, chúng ta không nên kỳ thị!

Một cậu học sinh lớp 5 đi trên chiếc xe bus nhà trường thấy chiếc xe theo sau mà người lái là người đàn ông Á châu, nó bèn đưa một ngón tay "mất dạy" lên. Ông bạn sửng sốt và quá tức giận về đứa con nít vô giáo dục, định lái xe qua mặt xe bus để buộc tài xế nhà trường ngừng lại, lên xe dạy cho nó "một bài học" vì cứ nghĩ xứ người cũng như xứ mình. Nhưng cũng may diều đó đã không xảy ra, không thì ông đã bị ghép vào tội cản trở lưu thông, hành hung con nít và nhiều tội khác là những điều ông cần phải biết. Luật lệ xứ này như màng nhện dễ dàng bẫy những "con mồi" yếu đuối, vô tình...vào vòng pháp luật.

Già vẫn chưa yên...tôi lại tiếp tục học văn hóa người Tây trong gia đình mà các "thầy cô" là những đứa con được đào tạo văn minh chữ nghĩa nơi trường học "nổi tiếng" Hoa Kỳ; còn lũ "học trò" da vàng mũi tẹt già khú đế là những người lớn chúng tôi, là những  “du sinh" di tản từ nước Nam tới. Bài học đầu tiên được "thầy cô" dạy là nhún vai nhún cổ như con gà tây, cử chỉ này dạy học viên có thái độ lừng khừng (Thí du: khi người me hỏi con có cần tiền không thì người con chỉ nhún cả vai lẫn cổ, có nghĩa là cho tiền thì lấy, không thì thôi cũng được). Bài học kế tiếp là muốn gọi ai từ xa lại với mình thì chỉ cứ việc ngã lòng bàn tay lên trời rồi dùng ngón tay trỏ ngoắt lại, làm sao cho giống như đuôi tung tăng của mấy con rắn rung chuông lúc trở trời. -Bài học này đi ngược lại với hình thức thông dụng của Việt Nam là khi chúng ta muốn gọi ai lại thì chỉ việc úp cả lòng bàn tay xuống đất và dùng cả năm ngón tay  rung" cùng một lúc thì người được gọi tới ngay.- Chưa hết, bài học về vận dụng tai mắt miệng lưỡi coi vậy mà khó hơn cả là mỗi lần nói chuyện với ai và muốn để họ thông cảm thì chỉ việc nháy lông mày, mỗi lần làm như vậy thì phải vận dụng gân guốc, da nhăn, miệng méo mới đúng cách. Lúc đầu tôi không làm được nhưng chịu khó thực tập, tôi đã dần dần quen đi mặc dù bây giờ gần như tôi bị mang tật.

Môn học nói về luân lý tức là đi thưa về trình thì "thầy cô" không quan tâm cho lắm, bởi "cô thầy" không học môn này ở nhà trường nên không biết cách xử dụng, cho nên khi "học trò" già chúng tôi muốn hướng dẫn "thầy cô" về môn tiên học lễ hậu học văn này thì chúng tôi mới được biết một bài thi phú làm theo thể thơ tự do bằng song ngữ do "thầy cô" sáng tạo như sau: Hi bà, Hi ba, Hi mẹ...bye bye you all. Chúng tôi cũng muốn "thầy cô" biết thêm về phong tục tập quán, đạo đức thánh hiền của giống nòi, thế nào là kính lão đắc thọ nhưng môn học này coi như đã lỗi thời đối với "thầy cô". Vì vậy chúng tôi thông cảm bảo nhau: "Trọng ấu đắc đạo" -trọng trẻ con mới phải đạo- và như thế có vẻ đắc nhân tâm hơn.

Trèo cao té nặng, chúng tôi bắt đầu bước vào con đường "đại học" và học nhiều môn thực hành; trước hết là hãy lắng tai nghe một "cô giáo"(cô con gái của tôi khi qua Mỹ mới 6 tuổi) nói chuyện với người lớn bằng tiếng Việt qua máy điện thoại. Câu chuyện người bạn gọi tới mời tôi đi họp Cộng Đồng, nhưng tôi không có ở nhà, khi nghe điện thoại reng cô con gái hí hửng nói:

-Hello

-Ba có ở nhà không" Giọng một người đàn ông bên kia hỏi.

Cô bé nhìn quanh nhà, thấy mẹ cô từ cầu thang đi xuống liền vui vẻ trả lời:

-Ba không có ở nà (nhà), có lấy mẹ không"

-Ơ, ờ..không..không. Ông bạn vừa chối vừa vội vàng cúp máy.

Khi gặp nhau tôi nghe người bạn kể lại câu chuyện, chúng tôi ôm bụng cười, nước mắt cứ chảy lúc nào mà không hay. Tôi tỏ ý hối tiếc về cách nói tiếng Việt của con tôi thì người bạn thông cảm cho biết đó là tình trạng chung, mấy đứa con ông cũng không hơn gì.

Còn tiếp, một bữa nọ mùa hè mà thành phố lại bị cúp điện. Bà ngoại ngồi thờ thẩn suy tư gì đó, thì cũng cô bé này đến hỏi an ủi bà:

-Bà ơi, thế chồng bà ở đâu".

Bà cụ vừa nín cười vừa chạy vội vào phòng vệ sinh đóng cửa lại không muốn cho cháu biết, bà toe miệng cười muốn vỡ bụng đến nỗi sặc sụa nín thở. Bên ngoài bé gái thừa thắng xông lên, tưởng bà ho hen bình thường nên bé lại hỏi:

-Bà có muốn help không"

Tội nghiệp bà cụ không dám ra ngoài, đợi cho cháu gái vào phòng riêng thì bà mới "hồi sinh."

Trong sinh hoạt hằng ngày tôi bắt đầu học nơi đồng hương những ngôn ngữ mới mà tôi không thể quên được. Tôi đến thăm một người bạn quen làm nghề thương mại khi tôi hỏi hàng hóa sắp về chưa thì ông nói sắp sửa on sale hàng đặc biệt. Tôi hỏi

-Có tốt không"

Ông trả lời.

-Ừ hứ tốt lắm !!!

Tôi  lịch sự chào ra về thì ông đáp:

-À há !!!

Tôi bước ra khỏi tiệm thì ông:

-Bye, bye.

Một trường hợp khác một người bạn đồng nghiệp khuyên tôi sống theo nghĩa lè phè nhàn hạ, ăn cây nào rào cây ấy. Gặp tôi trong buổi da hội lấy tiền gây quỹ cho chương trình cứu nguy người vượt biển. Hắn ghé vào tai tôi nói:

-Mẹ kiếp, cày overtime gì mà dữ thế, để thời giờ enjoy đi mày ơi!.

Những ngày lễ tết Nguyên đán, tết Tây hay mùa Noel khi phe ta gặp nhau thì thường nói tiếng Ta lẫn tiếng Tây chúc nhau về hạnh phúc, an khang thịnh vượng, sống lâu trăm tuổi hay đi xa hơn nữa là chúc con cháu đầy đàn. Có một người mẹ dẫn đứa con trai hơn 4 tuổi đến chúc tuổi một bà cụ quen thân. Người mẹ bảo bé đến chúc tuổi bà, nó ngoan ngoãn đến trước mặt bà cụ vòng tay nhưng không biết nói gì. Bà cụ bảo:

-Con nói đi bà cho tiền lì xì.

Cậu con trai vẫn đứng yên phình mặt ra. Bà cụ móc túi lấy 5 đồng thì bé trai nhìn bà, nhìn mẹ định nói gì đó. Người mẹ cúi xuống ghé vào tai con bảo:

-Con nói như lần trước ngày birthday của grandma đó!

Thằng bé mở to mắt nhìn vào bà và nói.

-Ồ con nhớ rồi, mày mầy tuổi".

Người mẹ xin lỗi, bà cụ thông cảm... thì ra nó chỉ nhớ đoạn sau của bài Happy Birthday (...How old are you") mà thôi và gọi bà cụ bằng mày vì mẹ nó thường nói tiếng mày tao với nó nên quen đi.

Một số người Việt sống lâu ngày tại hải ngoại rất bị ảnh hưởng văn hóa xứ người. Đã nhiều lần tôi đã nghe một cặp vợ chồng khi nói chuyện họ thường xử dụng ngoại ngữ You và Me pha với tiếng Việt. Họ nói chuyện to tiếng như sau:

-Thứ bảy này me đi làm overtime, you ở nhà đi chợ, đừng la cà đi nhậu nghe chưa you!

-You không được sai me nghe, you phải ăn nói đàng hoàng với me.

Bây giờ tôi trở về quê hương thăm thân nhân bạn bè sau nhiều năm xa cách.

Khi phi cơ chở tôi đáp xuống phi trường Nội Bài thì hãng xe du lich Nam Việt đón về Hà Nội, dọc đường có nhiều bảng hiệu hướng dẫn lưu thông. Một thiếu nữ cùng đi khoảng 16 tuổi có dáng Việt kiều nhìn tấm bảng có mấy chữ: "Xe quá khổ" hỏi tôi:

-Người mới quá khổ chứ xe làm sao mà biết quá khổ hả bác"

Tôi đang lúng túng vì câu hỏi bất ngờ thì ông cụ ngồi bên cạnh tôi nói:

-Xe quá khổ là xe quá kích thước đó cháu.

Trên xe mọi người yên lặng, ông cụ đã giúp tôi hiểu thêm bài học "Chống nạn mù chữ".  Tôi lưu lại Hà Nội thời gian ngắn thì vô Nam là nơi tôi sống với bao kỷ niệm từ tuổi thơ ấu đến khi lớn lên... Chuyến về thăm quê này, tôi học được nhiều tiếng Việt mới hội nhập vào miền Nam kể từ năm 1975 về sau. Những thay đổi từ ngữ, câu văn pha Hán tự hay thỉnh thoảng chen vào những tiếng lóng địa phương, nếu không có thân nhân bạn bè giải thích thì tôi rất khó hiểu.

Bà đầm tôi trước 75 là bên văn khoa, có cơ hội dạy Việt văn sau ngày miền Nam mất, nên chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa mới cũ, có kinh nghiệm nghề nghiệp nên đã giúp tôi rất nhiều. Tuy nhiên, có những vấn đề không thuộc phạm vi nghề nghiệp thì nàng chỉ cười trừ hay là không muốn tôi quan tâm. Khi tôi hỏi về chữ quá tải được xử dụng tại ngân hàng như: Máy ATM quá tải, nhà băng quá đông khách hàng thì cũng gọi là nhà băng quá tải. Tôi hỏi nàng mấy chữ quảng cáo đăng trên báo nói về máy móc điện tử TV như sau: -"Thu được 100 kênh phổ biến trên thế giới; Thu được truyền hình cáp (CATV); 02 ngõ vào & 01 ngõ ra cho Audio & Video; Chức năng dò đài tự động; Hiển thị tiếng Việt-Anh; Đa hệ màu; Hẹn giờ tắt mở"- thì nàng hiểu rất giới hạn về máy móc điện tử.

Tôi lại hỏi nàng về ngôn ngữ xử dụng trên tờ chỉ dẫn khách hàng của Ngân Hàng Ngoại Thương như sau: "Quý khách được lựa chọn hay toàn bộ dư nợ cuối kỳ sao kê khi đến hạn", một đoạn khác: "Quý khách thực hiện nhiều giao dịch ngân hàng khác nhau với các thao tác đơn giản." hay "...đổi tiền, ứng tiền mặt, thay thế thẻ khẩn cấp v.v." thì nàng cười duyên huề vốn. Một hôm nàng đem tôi đi chợ mua mấy thước vải may quần áo, nàng hỏi người bán có giá mềm không", thấy tôi mở to mắt nhìn thì nàng giải thích giá mềm là giá rẻ hay giá bán phải chăng. Nàng đến tiệm sách người quen tìm mua cuốn "Giai thoại Kẻ Sĩ Việt Nam", nàng hỏi:

-Có giá hữu nghị không"

-Gớm, cả năm mới thấy chị, có chứ, sách đang khuyến mãi. Người bán trả lời.

Thấy mặt tôi vui lên muốn tìm hiểu thì nàng cho biết muốn mua gì với giá rẻ ở tiệm hàng quen thì dùng tiếng "hữu nghị" mới tiết kiệm được tiền, nàng tiếp:

"Bây giờ em đã dưỡng hưu nhưng còn đi dạy bồi dưỡng", tôi hiểu được là nàng đã về hưu và đi dạy thêm gì đó.

Đọc qua báo chí trong nước tôi như đi khám phá nhiều từ mới lạ, nàng hướng dẫn tôi như dạy học trò chuẩn bị dự thi tiếng Việt nhờ vậy mà tôi dám mạo muội chuyển đạt dễ dàng từ mới sang từ cũ, tuy chưa chỉnh lắm nhưng cũng tạm hiểu được tùy theo vấn đề như bàn về cầu cống đường xá bị hư, nứt phải sửa thì họ nói: "phun keo khắc phục sự cố nứt cầu..." có thể hiểu là dùng chất nhựa, xi măng vá (sửa) chỗ bị nứt. "...phải cưỡng chế nóng" hiểu là phải thi hành ngay. Nói về hành chánh thì dùng: "...có bút phê vào các văn bản ưu ái" tôi hiểu là...có bút phê vào các văn kiên ưu tiên hoặc ưu đãi". Nói đến đi bộ ngoài trời thì có câu: "Đi dã ngoại với cự ly mỗi lần khoảng 15 km." Tôi tạm hiểu là đi bộ ngoài trời mỗi lần đi với khoảng cách 15 km.

Nguời xưa nói -nhân bất học bất tri lý- nên tôi cứ tiếp tục con đường học vấn trong tuổi già, tuy không còn nhạy bén như xưa, thường thì học qua sách vở báo chí cho chắc khỏi bị lầm lẫn. Đọc báo có những câu, những từ ngữ nếu không hiểu thì hỏi bà đầm là cách tốt nhất. Đôi khi nàng khảo sát năng khiếu và trí tuệ xem tôi còn sáng suốt hay đã lẩm cẩm, nàng nói một câu mới thì tôi phải tìm một câu văn cũ cho tương xứng như:

"Sự cố kỹ thuật" là "Trở ngại kỹ thuật" -  "Bước đột phá" là "Sự thay đổi bất ngờ"- "Khám nghiệm hiện trường" là "Điều tra tại chỗ"   "Cơ quan chức năng" là "Cơ quan thẩm quyền"- "Công trường thi công" là "Công trường xây cất"- "Động viên" là "Cổ võ, khuyến khích"- "Di tản" là "Sơ tán"- "Anten thông minh tự dò đài" là "Anten tự động"- "Hội chữ thập đỏ là tổ chức phi lợi nhuận" là "Hội Hồng Thập Tự là tổ chức bất vụ lợi" v.v...

Tôi học thật nhiều mà không hết văn hóa mới rồi lại học nơi đứa cháu, một lần bác cháu gặp nhau thấy tôi đi chậm nó nói

-Khẩn trương lên bác!

-Khẩn trương thằng cha mày. Tôi mắng đứa cháu.

Tình cờ đọc một bức thư tình của đôi trai gái, tôi tìm được chữ nghĩa của hạnh phúc: "Theo đánh giá sơ bộ của anh thì chúng ta đã đạt được một sự nhất trí cao về một số mặt, đó là những thành công bước đầu trên quá trình tiến tới hôn nhân..."

Khi bước vào một quán ăn, tôi thấy có hai người đàn ông đứng tuổi to tiếng với nhau, một người nói:

-Ở đời này, chưa chắc gì anh đã hơn tôi.

Ngươi kia trả lời:

-Tôi không giàu hơn ai, nhưng tôi cho anh biết thế nào là lễ độ.

Nhân ngày tết Bính Tuất về quê thăm thân nhân và ăn Tết, tôi có dịp đi thăm chợ hoa, hội hoa các nơi tại Saigon, điều mà tôi xúc động và hạnh phúc nhất là khi nghe những bản nhạc Xuân trước năm 1975 phát ra từ các loa phóng thanh trong khu vực hội chợ. Những bản nhạc mà trước đây người dân miền Nam dù sống trong chiến tranh cũng phải cất lên: "...mời anh mời chị, mời em lên đây thăm tôi...Xuân ơi Xuân, nếu chẳng vui gì, hãy đừng, đừng tìm đến chi..." nay lại nghe tại Saigon. Tôi tìm đến dạ hội Xuân ở vườn Tao Đàn trong đêm mát trời bên cạnh người vợ đồng hành, chúng tôi và mọi người say mê những bài ca tiền tuyến mà sau năm 1975 người ta cố gắng khoác lên chiếc áo có tên là nhạc "Sến" và ai cũng tưởng nhạc "Sến" đó đã bị bỏ quên!.

Tuy xuân không có pháo nổ nhưng những người nghệ sĩ không phân biệt chính kiến, đã thay pháo đón xuân bằng cách gieo trong lòng người mến mộ những nụ cười thoải mái, ròn rã. Về quê ăn Tết mà lại nghe thấy nhìn thấy Xuân sống động, gợi những kỷ niệm đã qua thì có gì bằng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,779,676
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến