Hôm nay,  

Dì Năm

15/06/200600:00:00(Xem: 124232)

Người viết: MAI THỊ TRÂM

Bài số 1034-1643-356-vb5150606

*

Tác giả sinh năm 1912, là một vị cư dân cao niên của San Jose. Cầm bút ở tuổi 94, bài viết của cụ bà vẫn linh hoạt, tinh tế và đầy lòng tử tế khi nhìn người, nhìn đời.

*

Vào dịp lễ giáng sinh, khoảng 5 giờ chiều trời đã tối, tôi và đứa cháu gái xếp hàng trong chợ bán thực phẩm chờ trả tiền. Chợ đông nghẹt, hai bà cháu tôi đứng cuối nên hơn nửa tiếng mới thanh toán xong. Cháu đẩy xe đi trước, tôi đi sau, bỗng có tiếng gọi:

- Bác ơi, cho con hỏi một chút được không"

Ngoảnh nhìn lại phía sau, thấy cậu nhỏ phụ thu tiền hàng hấp tấp chạy theo, tôi nghĩ là có chuyện lầm lẫn tiền hàng gì đó liền hỏi:

- Gì thế cậu, nhầm tiền phải không"

- Dạ không phải nhầm tiền. Con chỉ muốn hỏi thăm về máy nghe tai mua mất bao nhiêu tiền. Con thấy bác đeo máy nên con hỏi thăm vậy thôi.

- Vậy hả, nếu đã có phụ cấp tuổi già thì chính phủ cho, còn nếu chưa đến tuổi có phụ cấp thì phải tự mua mất khoảng gần 3 ngàn đô. Cậu hỏi mua cho má phải không"

Nghe trả lời, cậu thanh niên mặt buồn thiu, lắc đầu:

- Con mua cho dì. Dì con chưa có lương già; nhưng 3 ngàn con không đủ tiền.

Nhìn vẻ buồn rầu trên khuôn mặt của đứa trẻ vừa qua tuổi thiếu niên, tôi thấy cảm thương liền hỏi:

- Thế bà Dì năm nay bao nhiêu tuổi và tên cậu là gì để có cơ hội nào tốt tôi sẽ mách giúp"

- Theo giấy khai sanh, Dì con 57 tuổi. Mẹ con mất lâu rồi. Con tên là Châu, phụ tá thu tiền tại đây từ sáng đến 5 giờ chiều. Bữa nay nghỉ lễ Giáng Sinh nên con về muộn.

Dứt lời Châu vội vã chào rồi chạy vào tiếp tục làm việc. Tôi và cháu đẩy xe ra về. Ngoài trời đã tối xẫm, đèn mừng lễ Giáng Sinh rực rỡ khắp nẻo đường. Bãi đậu xe đã vắng nhưng đường phố xe hơi xuôi ngược nhộn nhịp.

Sau đó ít lâu, tôi đổi nhà sang phố khác nên không có dịp gặp lại cậu nhỏ nơi khu chợ cũ nữa. Rồi độ ba năm sau, đang ngồi trên xe bus bỗng nghe thấy tiếng chào: "Thưa bác mạnh  khỏe"", tôi ngoảnh nhìn lại thấy  một thanh niên đứng gần bên cạnh liền nhận ra ngay là Châu  bởi đôi mắt đen to, vẻ nhìn thân thiện, nhưng so với năm trước Châu bây giờ cao lớn hơn, da mặt tươi sáng hơn. Châu mang túi đựng sách trên vai áo sơ mi cũ bạc mầu.

- À cậu Châu, đi trường về đấy à" Vậy bây giờ còn làm ở siêu thị nữa không"

- Con nghỉ làm ở chợ đã ba năm. Giờ đây đi học và làm thêm ở trường vậy thôi.

Chợt nhớ đến chuyện máy nghe mua cho bà Dì, tôi hỏi thăm:

- Chà cháu có chí giỏi quá! Bà Dì của cậu có khỏe không, tai có khá không"

- Dì con đã mua máy nghe rồi. Khá hơn trước. Dì khỏe nhưng gày ốm vì làm lụng nhiều. Ngoài việc trông nom hai đứa trẻ lại còn làm vườn trồng rau.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Vậy là bà đã có cháu. Cậu đã lập gia đình" Nhà cậu có vườn rộng trồng rau à"

Châu cười vội đáp:

- Dạ không, con đang đi học mà. Dì con giữ 2 trẻ nhỏ của chủ nhà, vườn trồng rau cũng trong khu nhà của chủ.

Vừa khi đó xe bus chạy ngang qua một khu phố chợ Á Đông, Châu chỉ tay về phía trái:

- Thường sáng ngày thứ Bảy, Dì con ngồi bán rau bên lề hè chợ kia. Bán các thứ rau thơm bác ạ

Vừa nói tới đó xe bus ngừng. Châu vội vàng chào rồi cùng các bạn xuống xe.

Hai tuần sau, tôi đến khu chợ mà Châu đã chỉ bữa trước có ý tìm gặp bà Dì của Châu để mua rau thì trông thấy trước lề tiệm bánh ngọt có một bà ngồi phía ngoài bán các loại rau thơm bày trên ba bốn cái mẹt bằng nhựa. Hàng của bà gồm các loại rau ghém như rau mùi, tía tô, húng lũi, kinh giới, chanh…v…v… bà hàng vận quần đen, áo bà ba trắng, bên ngoài thêm chiếc áo len màu nâu. Bả đang cười nói với khách mua:

- Đây là thứ thì là thực, mùi vị khác với các loại lá Hồi mà các chợ thường bán. Lá Hồi hắc và cay nồng khác hẳn. Đó là Thì Là giả tuy hình lá cũng giống như thì là của tôi.

-  Má cháu cũng nói như vậy. Hôm nay má cháu nấu riêu cá nên bảo cháu đến hàng bà Năm mua thì là và các thứ rau húng.

Bà Năm cười vui, xếp mấy thứ lá rau cho khách mua. Tôi làm quen ngồi xổm bên mẹt rau lựa chọn và hỏi:

- Bà Năm là dì của cậu Châu phải không"

- A bà có biết cháu Châu" Phải rồi, tôi là dì của Châu. Bà gặp cháu ở đâu thế"

- Mấy năm trước đây, tôi gặp cậu Châu đứng phụ giúp thu tiền hàng ở chợ bên kia. Cậu ấy hỏi thăm tôi về chiếc máy nghe tai. Vậy bây giờ tai bà có khá hơn trước không"

Bà Năm cười tươi, đôi mắt sáng ngời đáp:

- Vậy hả, cháu thôi làm việc ở đó đã ba năm rồi. Bây giờ còn học ở trường Cô-le; ấy vì nó đi học nên được vay tiền của trường nên mới có tiền mua cho tôi chiếc máy nghe này. Thật đỡ quá, nhưng làm sao nghe rõ ràng như xưa được.

- Này bà năm còn chanh không, tôi muốn mua mấy chục để làm chanh muối. Nếu có thì tuần sau tôi lấy.

- Dạ còn, chanh đang độ chín. Tuần sau, sáng thứ Bảy bà đến đây sẽ có chanh.

- Cho tôi 50 trái, chọn những trái chín vừa thì ngâm mới ngon. Đây tôi đặt trước một đô. Tuần sau tôi tới.

Nghe bà khách nói đến chanh muối, tôi nhớ đến mứt chanh nên cũng đặt mua 30 trái hẹn tuần sau đến khoảng 11 giờ.

Bảy ngày sau, tôi đến hàng bà Năm lúc 11:30. Bà hàng vẫn mang y phục hôm trước. Ngoài chiếc búi tóc nhỏ quàng vuông khăn lụa mỏng màu đen, túi chanh tôi đặt mua để sẵn trên mẹt, cạnh mấy mớ rau răm, tía tô, húng quế. Tôi chào rồi ngồi xuống bệ xi măng dưới cây cột mái hiên hỏi:

- Bà qua Mỹ lâu chưa, gia đình có đông không"

- Hơn 5 năm rồi bà. Chỉ có hai dì cháu thôi. Vất vả lắm bà ạ. Bố cháu Châu đi từ mấy năm trước, bây giờ chưa gặp. Thấy nói ở Mỹ nhưng không biết có phải không nữa.

Nghe bà nói, tôi bỡ ngỡ hỏi lại:

- Bà sinh cháu ở quê nhà tỉnh nào mà sao hai dì con đều nói giọng Bắc. Sao ông nhà lại đi trước mà sao mấy năm rồi mà chưa gặp"

Có khách mua rau, bà Năm xếp hàng cho khách. Trên mẹt chỉ còn vài ba mớ tía tô, ngò…bà quay lại tôi nói tiếp:

- Để tôi nói cho bà nghe. Tôi vốn gốc Bắc di cư vào Nam. Các cụ tôi mất tại Nam lâu rồi. Tôi sống vất vả nên định đi tu chùa nên mãi đến thời kỳ chiến tranh sôi động, một thân sợ hãi nên tôi mới lập gia đình lúc 40 tuổi. Bố cháu là trung sĩ quân đội Cộng Hòa, đóng tại miền Trung. Khi trận chiến quá gay go, tôi mang cháu về Mỹ Tho. Năm 1975, ông bị cộng sản bắt đi học tập vì ổng là lính pháo binh. Các tờ giấy giá thú của tôi và khai sinh của Châu đều thất lạc nên nhà ở Mỹ Tho bị tịch thu vì vắng chủ. Dì cháu tôi phải đi ở nhờ nhà hàng xóm, tần tảo nuôi cháu dù khổ cực, khó nhọc tôi vẫn cho cháu đi học. Cháu thông minh chăm học. Ròng rã 3 năm sau bố nó mới được về, nhưng họ bắt đi khai thác vùng kinh tế mới, thế là tôi và cháu cũng theo đi.

Kể lại chuyện xưa, nét mặt bà Năm rầu rầu, giọng nói trầm trầm nhưng bình tĩnh. Tôi hỏi:

- Thế ở vùng kinh tế mới họ bắt làm lụng những gì, còn lương thực thì sao"

- Họ cấp cho ba tháng gạo mốc, làm việc cầy đất, phá rừng, đào mương, trồng ngô, khoai…v…vv khổ sở, đói khát quá, chúng tôi bỏ trốn, chồng đi một nơi, vợ con đi một ngả khác. Tôi và cháu lưu lạc đến phụ giúp một bà bán quán tại Tây Ninh, còn bố cháu thì nghe nói trốn về Rạch Giá. Ở Tây Ninh gần 3 năm thấy tình hình không yên, tôi theo bạn về Châu Đốc với mục đích tìm xem bố thằng Châu có ở vùng biển không. À tôi quên chưa nói là vì giấy tờ không còn nên họ kiểm tra dân số tôi phải khai Châu là con ruột, không có bố. Tại Châu Đốc, tôi may gặp ông bà chủ có lòng thương nên cho một gian nhà làm chỗ ở. Châu được đi học, và tôi làm vườn. Ông bà chủ có một vườn rộng trồng cây trái và một thuyền câu cá 2 block ngoài khơi. Mỗi tháng ra biển một vài tuần. Cậu con lớn du học ở Pháp, còn đứa em cũng ngang tuổi với Châu đang đi học. Lần lữa mấy năm tôi nghe tin là bố cháu đã vượt biên, có lẽ là sang Mỹ.

Nghe bà Năm kể, tôi hồi hộp cảm thương hỏi:

- Thế làm cách nào bà và cháu tới đây"

Bà Năm cũng xúc cảm nhớ về những nông nổi xa xưa nên giọng nói trầm trầm buồn rầu hơn. Bà tiếp:

- Ấy tại vì thời kiểm kê quá nặng nề, ông bà chủ có vườn trái cây, có thuyền câu cá nên coi là tư bản nên họ hạch sách đủ chuyện. Thấy tình thế không yên nên nhà chủ thu xếp bỏ quê quán ra đi. Năm đó cháu Châu đã 14 tuổi. Nó đã biết lái thuyền và chăm chỉ học hành làm đủ việc nên ông bà chủ thương dì con tôi cho đi cùng. Thế rồi một buổi đêm khóa trái cửa ngõ cả nhà ra biển. Trên thuyền chỉ gồm có 5 người: Ông bà chủ, thằng con, và dì cháu tôi. Coi như đi câu cá. Tạ ơn Trời, biển yên, chúng tôi thoát.

Được cứu mạng về trại Phi Luật Tân. Ông bà chủ xin đi Pháp với con trai, còn tôi và cháu ở lại đảo. Ăn ở do ban cứu trợ tị nạn cung cấp. Cháu Châu được đi học, còn tôi đi làm những việc lặt vặt để kiếm tiền nuôi sống hai dì con. Sau hai năm, một ông cố đạo nhận mang về Mỹ. Vì lúc đó Châu đã học khá, tiếng Anh nói giỏi nên ổng thương mến. Tôi và cháu đến Mỹ. Cháu được phụ cấp nhưng tôi thì không. Nhà thờ tìm việc cho đi làm. Lúc đó vào mùa Thu nhưng vừa ở chỗ nóng đến nơi lạnh, tôi run lẩy bẩy trong khi làm việc tại một cửa hàng bán cá biển. Ông chủ nhà hàng là người Tàu, vợ là người Việt. Hai ông bà rất tốt, cho tôi tạm trú tại nhà ông bà. Dì cháu tôi ở dưới hầm, tuy gọi là hầm nhưng có đủ điện nước, nhà tắm, bếp, và một căn phòng nhỏ với phòng ăn, có đủ giường và bàn ghế. Tôi đi làm từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều về lo dọn dẹp nhà cửa, còn cháu đi học từ 5 giờ mới về, lo trông coi tưới vườn cây cảnh. Miền Đông nước Mỹ tuyết rơi trông thực buồn, tuy có quần áo nhà thờ cho không thiếu nhưng vẫn lạnh cóng.

Độ hơn một năm sau có cô em gái bà chủ lên chơi nói với bà chủ xin tôi về San Jose vì nhà cô có 2 con nhỏ không ai trông nom. Còn 2 vợ chồng thì có cửa tiệm nên quá bận rộn. Tôi mừng vì nghe nói miền này nắng ấm nên theo cô về đây. Buổi sáng, Châu đưa hai đứa nhỏ đến trường rồi đi làm phụ thu tiền.

Đấy là năm bà gặp cháu; tôi ở nhà lo dọn dẹp, giặt quần áo. Ba giờ đi đón hai đứa nhỏ ở trường về, nấu đồ ăn cho chúng, lo tắm rửa. Mỗi tháng cô chủ cho tôi $350. Buổi trưa Châu ăn ở ngoài, chiều về mẹ con tôi ăn trước. Còn cô cậu chủ ăn riêng với hai con. Nhà có vườn rộng, nhưng cỏ mọc đầy. Tôi và cháu cuốc đất nhổ cỏ suốt mấy tháng tháng rồi tìm hạt giống, rễ cây trồng thành vườn rau tươi tốt, mãi hơn một năm rưỡi mới có rau bán. Còn chanh thì ở góc vườn có hai cây rất nhiều trái. Khi tôi chưa đến ở đây, nghe nói mùa chanh chín rụng đầy phải nhặt bỏ đi hàng mấy bao lớn. Bây giờ cô cậu chủ nhà cho tôi hái mang bán. Kể ra nếu không có cháu Châu hái giúp thì tôi cũng chịu, vì cây cao lại nhiều gai. Phải đứng trên thang cao mới hái nôi.

Tôi an ủi khen:

- Bà thực quý hóa có cậu con chăm làm, chăm học và có hiếu hạnh. Ở xứ này được như vậy là nhất đấy. Thế tai bà bị lãng từ bào giờ"

- Từ khi ở đảo đã hơi khác. Rồi đến Mỹ lạnh quá, dần dần tăng thêm. Khi về đây chỉ còn nghe được một tai. Bây giờ có cái máy đỡ rồi. Nhưng tôi nhận thấy cả hai tai cũng yếu.

- Thế còn tin tức về ông nhà ta, bà đã biết đích xác ông ở đâu chưa"

Bà Năm lắc đầu:

- Tôi có đăng báo tìm và thăm hỏi nhiều người nhưng chưa có tin xác thực. Có người nói ổng ở Texas, đã có vợ con, và cũng có người nói ổng ở Pháp. Thôi cũng là số phận, vái Trời cho ổng bình yên. Dì con tôi ở đây đùm bọc lấy nhau, mong cháu đỗ đạt, có công ăn việc làm là tôi mừng rồi. Khi nào đủ tiền tôi sẽ đi các nơi tìm ông.

Nghe giọng nói hiền hòa đầy chịu đựng của bà Năm, lòng tôi bùi ngùi, lặng nhìn đôi tay gầy nhỏ thu xếp mấy mớ rau trên mẹt một cách cẩn thận nhẹ nhàng, rồi bà kể tiếp:

- Mỗi sáng thứ Bảy tôi đi bán rau, cháu Châu đi thư viện. Chủ Nhật Châu đi làm ở tiệm Kentucky bán thịt gà và khoai tây chiên đến 8 giờ tối mới về. Có nhiều khi hàng còn lại, người chủ cho mang về cả mấy hộp thịt gà, ăm mấy bữa mới hết.

Giữa lúc bà Năm quàng lại vuông khăn sửa soạn ra về thì Châu từ phía xa bước tới gọi:

- Dì ơi, xong chưa" Bữa nay con về sớm vì có anh bạn cho quá giang. Con đón dì cùng về.

Bà Năm cười vui:

- May quá, dì xong rồi. Để dì thu dọn rồi sẽ qua chợ mua ít đồ ăn tối và ngay mai nữa.

- Dì để con dọn hàng cho. Nhớ mua cho con chiếc bánh chưng để ăn buổi trưa mai. Ở tiệm ăn mãi thịt gà chiên chán ngấy. Nhanh lên để con còn về xới luống đất để mai dì gieo rau cải.

Bà Dì chào tôi tồi tất tả đi về phía chợ. Cậu sinh viên vai vẫn đeo túi đựng sách cúi xuống dọn dẹp bỏ mẹt hàng và các thứ vào hai túi nylon lớn, rồi cầm chổi quét dọn, đổ rác, mang hai túi đồ hàng ra xe rồi quay sang phía chợ đón bà dì.

Bên lề trước cửa chợ, tôi nhìn theo bà Năm thấp nhỏ đi bên cạnh cậu con dỏng cao tay xách túi đồ ăn nhẹ nhàng đỡ bà dì vào xe rồi lên ghế trước ngồi với bạn. Xe từ từ chuyển bánh giữa hàng cây cao, nắng vàng rực rỡ. Mấy chùm tường vi màu hồng đưa đẩy theo gió thu mát lạnh. Tay xách túi rau trái, tôi nhìn theo xe chở dì cháu bà Năm cho đến khi khuất bóng rồi đón bus ra về.

Đã gần 10 năm qua, từ Sacramento về thăm San Jose, tôi nhìn lại nơi chợ cũ nhớ đến bà bán hàng rau thơm năm xưa. Bà Năm, người đàn bà hiền dịu đầy thiện tâm, can đảm đã cố gắng xây dựng tương lai ở xứ lạ bằng những mớ rau do chính tay bà vun trồng mang bán tại vỉa hè khu chợ vào sáng thứ Bảy mỗi tuần.

Mai Thị Trâm

 

 

 

 


 

Ý kiến bạn đọc
26/12/201709:27:21
Khách
Cuộc sống đơn sơ, vất vả nhưng đầy ắp tình thương yêu. Đọc xong thấy thương đời, thương người hơn!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,313,967
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.