Hôm nay,  

Ba Mươi Năm Sau

03/05/200600:00:00(Xem: 116490)

Người viết: THY ĐÀO<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Bài số 999-1608-321-vb2030406

 

*

 

Tác giả Thy Đào, sinh năm 1945. Du học Nhật 1965, sang Hoa Kỳ 1975.  Hiện ở tại vùng <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Houstonvới vợ và ba con, làm kỹ sư tại một hãng thiết kế dàn khoan dầu.

 

Sau đây là bài viết về nước My của ông.

 

*

 

Vận nước nổi trôi, tôi đến Hoa kỳ vào tháng chín năm 1975.  Ngồi trên xe từ phi trường về nhà trọ, tôi thấy ngay cái không khí ở đây khác với không khí tại những nơi tôi đã đi qua.  Nó có phần tươi mát hơn, khoáng đạt hơn.  Không phải là một người trong ngành y khoa, tôi không biết cái gì đã kích thích ngũ quan của tôi để cho tôi một sự sảng khoái.  Cái gì cũng to lớn, đất rộng, người thưa, đường sá rộng rãi, những điều này làm tôi cảm thấy dễ chịu.  Nhưng sự dễ chịu đó không được lâu vì tôi phải đối đầu với nhiều thách thức, khó khăn mới.  Tiếng Anh tôi cũng tạm đủ dùng để giao thiệp hàng ngày, nhưng để có thể xin việc làm, tôi cần phải học thêm nhiều.  Tôi được bảo trợ bởi một cặp vợ chồng người Mỹ về phương diện giấy tờ, và được chăm sóc hằng ngày bởi một cặp vợ chồng khác tuổi lục tuần, là tín đồ của một hội thánh địa phương.  Tôi không bao giờ quên Ông Bà Dareneau. 

 

Từ ngày đầu, họ đối xử với chúng tôi vô cùng tử tế.  Tôi không hiểu lòng tử tế đó đến từ đâu, nhưng nó vượt quá khỏi sự mong ước của bản thân tôi.  Từ cái quần cái áo, vật dụng trong nhà, từ đôi giày đến đôi vớ, cái nồi cái chén, Ông Bà Dareneau và những người trong Hội Thánh quyên góp đem về để đầy một nhà kho nhỏ dưới hầm nhà thờ.  Các gia đình mới đến tự chọn lựa đem về dùng.  Dĩ nhiên đây là những món đồ cũ, nhưng vẫn còn tốt lắm, dùng tạm cho đến khi có thể tự mua sắm lấy được là quý hóa rồi.  Rồi việc chở đi làm giấy tờ, đi chợ, nhất nhất Ông Bà lo thật chu đáo.  Mỗi tuần hai lần, Bà chở chúng tôi đến một trường trung học vào buổi tối để học Anh Văn.  Trong lúc chúng tôi học, bà ngồi ngoài xe chờ, đến khi tan học thì chở về.  Khi nào cũng vui vẻ, hòa nhã, khi nào cũng hỏi han thân mật. 

 

Thời bấy giờ, nơi tôi ở không có bao nhiêu người Á châu.  Các món ăn Á châu cũng rất hiếm.  Cả thành phố chỉ có vài ba tiệm ăn Trung Hoa.  Những món chính của người Việt như nước mắm, các loại gia vị Việt nam đều không có.  Một trong những niềm vui của người tị nạn lúc bấy giờ là tìm ra được một món nào đó giống như món ăn ở quê nhà, trở về báo lại cho người quen mình, hay có sáng kiến nào thì cho bà con biết. 

 

Tô bún bò đầu tiên tôi ăn tại Mỹ dùng sợi spaghetti thay cho bún.  Phần lớn sống rất chật vật, chỉ đủ ăn.  Vì vậy, ai cũng cố gắng tìm việc làm nhanh để có đời sống khá hơn.  Từ đó, những anh phi công trực thăng đi làm nghề thay vỏ xe, những cựu sĩ quan đi làm nhà hàng, chỗ nào mướn là đi làm ngay.  Tôi được may mắn xin vào làm trong một hãng chế máy móc kỹ nghệ, làm thợ vẽ công nghệ, lương đủ sống.  Đủ sống đến độ có thể nghĩ đến việc lập gia đình. 

 

Đám cưới chúng tôi tổ chức tại nhà thờ, thật đơn giản.  Thiệp cưới tôi tự làm lấy, viết theo lối Leroy, bỏ dấu bằng tay, thời đó làm gì có nhà in tiếng Việt.  Không có cha mẹ, họ hàng đôi bên, chỉ có bà chị vợ giúp mọi bề, cũng như được những người đồng hương yêu thương giúp đỡ nhiều.  Vợ tôi tự lo liệu mọi thứ, từ việc may áo cưới cho mình cho đến việc may quần áo cho ba đứa cháu.  Bà chị vợ làm cho cái bánh cưới.  Các anh chị quen cũng mỗi người một tay, phụ việc nấu nướng.  Tiệc tân hôn được tổ chức tại khuôn viên apartment, cạnh hồ bơi.  Trong lúc con nít hàng xóm nô đùa la hét ầm ĩ, chúng tôi chia nhau những miếng xôi, bánh bao, bánh ngọt của các anh chị em đồng hương mang tới.  Quà cưới cũng rất đơn sơ, thằng em vợ tặng tôi một lon bia và một cuốn tạp chí, lon bia thì tôi chia cho nó phân nửa, còn cuốn tạp chí nhảm nhí đó thì về sau nó cũng dành đọc.  Thật là tiện lợi đôi đàng. 

 

Chúng tôi tìm mọi cách để liên lạc với gia đình.  Việc thư từ cũng rất khó khăn, cả tháng mới về tới, ngôn từ cũng phải cẩn thận, vì tất cả thư từ đều bị kiểm duyệt.  Ba tôi bị mất gần hết tài sản trong kỳ đánh tư sản, và sau đó không làm ra đồng nào.  Tôi cố gắng giúp hết sức mình.  Về sau này, khi có phong trào vượt biên, ở nhà luôn trông chờ vào những món tiền tôi gởi về để đi, phần lớn bị gạt mất hết.  Những món tiền đó, tôi phải đi vay ngân hàng.  Vừa lo cho vợ con, vừa trả nợ vay, tôi làm hai việc mà đời sống chỉ đủ ăn.  Hai năm sau, đứa con đầu lòng của chúng tôi ra đời.  May mà vợ có tôi cũng vừa tìm được việc làm, lương 2 đô la 30 xu một giờ.  Giá xăng lúc đó khoảng  40 xu một gallon, chừng 10 xu một lít.  Không có xe, tôi đi làm bằng xe buýt.  Hồi đó xe buýt nào cũng chạy về trung tâm thành phố, rồi từ đó đi ra các hướng khác nhau, nên từ nhà đến chỗ làm chỉ có 15 dặm, khoảng 22 cây số, mà có khi cả hai tiếng đồng hồ mới tới. 

 

Năm sau, đứa con đầu lòng của chúng tôi ra đời.  Mỗi buổi sáng tinh mơ, hai vợ chồng dậy lo thức ăn trưa, gói ghém thằng bé trong chăn rồi đem gởi cho một bà hàng xóm.  Cháu vào mẫu giáo, sau đó vào tiểu học.  Khi cháu vào trường, lần đầu tiên tôi đến một trường tiểu học ở đây.  Trường thuộc về loại nhỏ, thế mà cũng chiếm cả một khu phố. 

 

Tôi hồi tưởng lại cái lớp học của Ông thầy Già trên đường bờ sông, trường Minh Hội (còn có cái tục danh là Trường Con Voi vì nó vốn là một cái đình do người Minh Hương xây sau này dùng làm trường học, có tượng hai con voi đằng trước sân), trường Cẩm Hồ, là nơi tôi đã trải qua những năm tiểu học, nơi tôi lần đầu tiên được thầy Hồ Cẩm kể cho nghe chuyện Tam Quốc Chí. 

 

Tôi đứng trước cổng trường nơi con tôi học, thẫn thờ, nước mắt lưng tròng, mơ về một tương lai trong đó đất nước tôi có được những ngôi trường như thế này cho con em chúng ta.  Nước họ tiến là phải, vì họ đặt trọng tâm trong việc đào tạo những con người đảm nhận việc xây nước và dựng nuớc ngay từ khi còn thơ ấu.  Ở đây, đứa con đầu lòng của chúng tôi được học vĩ cầm.  Cháu học khá, và nhờ đó được may mắn đi trình diễn ở nhiều nơi trong thành phố, sau đó được đi nhiều nơi xa. 

 

Bây giờ, tôi mới hiểu tại sao chỉ hơn 200 năm lập quốc, nước Mỹ đã trở thành một quốc gia như thế này.  Hệ thống giáo dục, một lối giáo dục nhân bản, đào tạo những mầm non cho mọi ngành, mọi nghề, những đứa trẻ được phát huy tài năng cũng như sáng kiến.  Ở đây, người ta không khinh trẻ con, không khinh những người tật nguyền, không khinh những người nghèo.  Ở đây ai có thực lực thì được trọng dụng.  Bill Gates có lẽ là một thí dụ điển hình cho nước Mỹ.  Giá ông ta sinh ra ở một quốc gia nào khác, thì có lẽ ông đã không được như ngày nay.  Vì quốc gia nào cũng có những Bill Gates dưới hình thức này hay hình thức khác.  Nhưng chế độ giáo dục và giềng mối cai trị, thể chế chính trị lỗi thời sẽ làm mai một những người tài như thế này.  Ở đây, những người tốt nghiệp được dùng đúng chỗ, đúng mức, thêm vào đó họ có tất cả những sự tự do để lựa chọn con đường đi cho mình.  Vì vậy, chất xám ở Mỹ thì thật là xám. 

 

Tôi từng làm việc với nhiều người, nhiều tầng lớp, dân bản xứ cũng như những người dân đến từ nhiều quốc gia khác nhau.  Và tôi đã gặp những người có thực tài.  Họ đã làm cho tôi kinh ngạc rất nhiều.  Sự hiểu biết, căn bản đạo đức, tầm mắt nhìn xa, lối tổ chức, tính khiêm nhường của họ làm tôi ngưỡng mộ.  Họ chẳng phải ai ở đâu xa, mà là những người hàng ngày đến sở làm như chính tôi.  Vì những con người ấy, nước Mỹ đã tiến đến ngày nay.  Những tiêu chuẩn về kinh tế, khoa học, kỹ thuật do họ đặt ra là khuôn mẫu cho nhiều quốc gia trên thế giới.  Trước khi sang đây, tôi có hơi quan ngại về vấn đề kỳ thị chủng tộc.  Nhưng cá nhân tôi, sau ba mươi năm sống tại đây, tôi không thấy điều đó xảy ra cho mình.  Trái lại, tôi thấy nhiều người Việt kỳ thị với những nguời da màu bản xứ.  Nói chung, người bản xứ rất tử tế và rộng rãi.  Từ ngôn ngữ đến sức vóc, từ văn hóa đến lối suy nghĩ, tôi biết mình yếu kém hơn họ, nhưng tôi chưa bị ai chê cười.  Ngược lại,  được khuyến khích là đàng khác.  Chưa hề có một người bản xứ nào cười vào mặt tôi khi tôi nói những câu tiếng Anh sai văn phạm, phát âm sai, mặc dầu cho đến ngày nay, tôi vẫn còn vấp phải những lỗi ấy.  Tôi dạy các con tôi học tiếng Việt, nhưng các cháu hay than phiền là hễ mở miệng nói sai là bị người khác cười vào mặt và chế diễu, điều này làm các cháu không mấy hứng thú khi nói tiếng Việt.  Vì đâu có sự khác biệt này, phải chăng là giáo dục.

 

Tôi như một cô con gái nhà nghèo lấy chồng xa xứ, tuy sống trong nệm ấm chăn êm, nhưng không hề quên nghĩ về chốn quê hương xa xôi, nghèo khổ của mình, vẫn luôn mang một niềm ước mơ là cha mẹ, anh em ở phương trời đó cũng được như mình.  Có những lúc đi giữa phố xá sang trọng, nhà cửa cao vút mà người con gái lấy chồng xa vẫn nhớ về một mái tranh với khói chiều vương nhẹ, với cái cầu ao, con đường làng nhỏ hẹp và những bông hoa dại bên đường ra chợ.  Có những lần ăn miếng cao lương mỹ vị mà nhớ về những bữa cơm gia đình thanh đạm, có chút dưa, chút mắm.  Nhớ về những điều đó, để lòng không khỏi ngậm ngùi.  Ai mà không mong cho quê cha đất tổ của mình được vươn lên khỏi những nghèo nàn, những thiếu hụt, để có một đời sống tươi sáng hơn, để trẻ con không vàng da ốm yếu nhưng má đỏ hồng và nụ cười luôn nở trên môi.  Nếu bảo quê hương là chỗ đẹp hơn cả thì cũng là vì những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu, những tình người nồng thắm bên nhau.  Nhưng thấy quê hương ấy cứ mãi trăn trở trong cái thiếu thốn, trong sự lầm than thì ai lại muốn quê mình cứ mãi khốn cùng như vậy.  Nhiều khi tằn tiện gởi tiền về để rồi nghe tin mẹ đi đánh bài, cha nghiện rượu, và đám em ăn chơi,  thì đứa con gái lấy chồng xa cũng mủi lòng, xót xa, tự hỏi điều mình làm có thật sự hữu ích hay không"  Sự đóng góp ấy, tính theo con số chính thức là gần bốn tỉ mỹ kim một năm, cộng với số không qua hệ thống nhà nước cũng chừng ấy, thì đến gần 8 tỉ mỹ kim hằng năm. Tính ra là khoảng 20 triệu mỹ kim một ngày, mà đất nước nghèo vẫn nghèo, trẻ con miền quê vẫn còn đi học trong những trường học dột nát.

 

Tôi thường nghe đài tiếng Việt vào buổi sáng và có đọc vài tin tức từ quê nhà trong giờ ăn trưa, qua mạng lưới toàn cầu, vì tôi vẫn ưu tư về vùng đất tôi được sinh ra và lớn lên.  Nghe tin và đọc báo quê nhà, phải nói rằng buồn nhiều vui ít.  Cũng như mỗi lần nhận thư nhà, tin vui rất ít nhưng những tin tức về bà con thiếu thốn, nghèo khó lại nhiều, và hầu như thư nào cũng có lời nhắn, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp cần sự giúp đỡ.  Thư nhà, thực ra trong cái truyền thống cao đẹp của nó, là sợi dây nối tình thương ruột thịt với nhau, nhưng về sau này, nó lại là cái trăn trở cho người nhận và nỗi khó khăn cho người viết.  Tôi nghĩ rằng viết một lá thư để xin giúp đỡ không phải là một điều dễ làm.  Ai cũng có cái tự ái, cũng có tính tự trọng, cho nên để viết được những lời cầu cứu đó, tất người viết cũng nghèo túng, cũng đau lòng không ít khi ngửa bàn tay xin trợ giúp.  Có những tin tức làm cho tôi buồn bực cả ngày, tin những người thiếu nữ bị bán ra nước ngoài, trẻ em bị bắt vào những tổ chức đi ăn xin.  Hoặc là những tin về miền quê, nơi người dân làm quần quật mà không đủ ăn.  Người dân quê bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn và tất cả đổ dồn về thành phố.  Nhất là hình ảnh của đồng bào miền Trung, đất nước thanh bình ba mươi năm rồi mà phải bán con gái với giá mấy chục đô la để người ta mang đi đâu thì đi, bắt làm gì cũng phải làm, lại còn bị đánh đập tàn nhẫn nữa.  Bên cạnh đó là những xoa hoa, những lãng phí đến độ nôn mửa của những kẻ có quyền và có tiền. 

 

Quê hương tôi đó, cái giải non sông gấm vóc mà tôi đã từng được đi qua, hoặc được biết qua những hình ảnh và những bài học thuở còn ấu thơ.  Đất nước tôi đó, nơi mà người dân quê từ đời này qua đời khác không thấy cái gì là ấm no, hạnh phúc.  Ba mươi năm sau, tôi vẫn còn nghe tiếng thở dài của quê hương.  Cơ hội đến bằng đôi chân, nhưng sẽ ra đi bằng đôi cánh.  Nghĩa là cơ hội đến rất ít và rất chậm, và nếu ta không bắt kịp, thì nó sẽ bay đi rất nhanh.  Biết bao cơ hội để làm nước mạnh dân giầu đã bị lãng phí trong những năm qua. 

 

Những người con tha hương, ai cũng ngóng trông về đất nước.  Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao mình lại quan tâm đến một vùng đất nước quá xa tầm tay.  Nhiều khi con cái tôi không hiểu tại sao Bố nó lại gắt gỏng với chúng chỉ vì những tin tức nghe trên đài hay đọc trên báo  làm ông bực tức.  Và tôi tự trả lời rằng vì tôi và những người con xa xứ vẫn còn những liên hệ thiêng liêng với đất nước và dân tộc.  Tôi thường xuyên cầu nguyện cho đất nước và đồng bào.  Nhiều người cho là viễn vông, nhưng tôi tin lời cầu nguyện có sức mạnh vô song, tôi đã thấy những gì đã xảy ra tại bức tường Bá Linh, Liên xô và các nước Đông Âu.  Là người có lòng tin nơi Thượng Đế, tôi có một nơi để trở về, là miền quê hương vĩnh cửu mà Thiên Chúa hứa ban cho ai tin nhận Ngài.  Nhưng trước khi về miền quê hương ngời sáng đó, tôi ước mong sẽ thấy một quê hương dưới đất trong đó người dân được no cơm ấm áo, được tự do hoàn toàn trong đức tin, và tình người được nâng cao lên hàng đầu. Tôi và các bạn tôi vẫn thường xuyên đóng góp những gì có thể được cho đồng bào xấu số tại quê nhà và những nơi khác, qua nhiều hình thái khác nhau.  Tôi thường trang trải những suy tư của mình về quê hương qua những bài viết, bài thơ.  Nó chuyên chở những điều tôi suy nghĩ thành lời văn, lời thơ để tôi được bày tỏ những gì từ đáy lòng.  Điều nầy đem lại cho tôi nhiều an ủi và xoa dịu nhiều vết thương lòng.

 

Tôi vẫn luôn nghĩ dân tộc tôi là một dân tộc cần mẫn, và nếu được giáo dục kỹ càng thì chẳng kém gì ai.  Không phải chỉ về phương diện kỹ thuật, văn hóa, nhưng cả trên phương diện tâm trí, suy nghĩ.  Có tư duy đúng thì mới có hành động đúng.  Có thấy con đường chính trực phải đi thì mới đến thành công.  Ngày nào mà những người đứng ra làm nhiệm vụ điều hành đất nước thật sự yêu nước thương dân, ngày nào người dân có thể tin tưởng vào nhà cầm quyền, ngày đó nước ta sẽ khá. Bằng không, thì chỉ cứ nghèo đói đằng sau những phồn vinh giả tạo. 

 

Ba mươi năm, là một khoảng thời gian dài.  Nước Mỹ từ khi lập quốc đến nay chỉ hơn hai trăm năm.  Họ đặt nền tảng quốc gia trên lòng tin tưởng vào Thượng Đế.  Và Thượng Đế đã ban ơn dư dật cho xứ sở này.  Không phải là một xứ sở tốt đẹp tuyệt đối, cũng có những khiếm quyết của nó, nhưng là nơi đã cưu mang tôi và những người thân yêu trong ba mươi năm, với mỗi ngày là một lời cảm tạ.

 

THY ĐÀO

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,345,485
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Bài này là bài viết tham dự giải thưởng VVNM số 108, của tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân, viết vào năm 2002. Đây là chuyện kể 32 năm của một cô dâu Việt, về một chàng Mỹ 17 tuổi, bắt Mẹ ký tên cho đi lính trước tuổi, để sang tận bên kia trái đất “mang tui về trả nợ”, như tác giả Bảo Xuân Abbott nói đùa. Tác giả TNBX hôm nay là trưởng ban tuyển chọn giải VVNM. Ban biên tập VVNM xin mời độc giả cùng đọc lại bài cũ, để rồi chúng ta sẽ cùng đón đọc câu chuyện mới, 21 năm sau, chuyện "53 Năm Người Mỹ Và Tôi", sẽ được đăng vào thứ Sáu ngày 14 tháng 7 tới.
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến