Hôm nay,  

Tuổi Thơ Tôi Và Người Mỹ

05/04/200600:00:00(Xem: 144847)

<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Tác giả tên thật là Nguyễn thượng Văn Trung, mới qua Mỹ được hơn một năm. Hiện định cư tại <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />San Josevà đang là machine operator cho một hãng tiện. Thư kèm bài viết đầu tiên gửi giải thưởng Việt Báo, tác giả viết nguyên văn như sau:

“Cả nhà tôi rất thích đọc những bài viết về nước Mỹ và tôi đã dành dụm tiền mua đủ bộ sách Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000 đến 2005.

Đối với tôi, tôi rất biết ơn Việt Báo đã tổ chức cuộc thi và những tác giả đã viết bài dự thi. Nhờ đọc những bài này mà tôi học được biết bao bài học bổ ích và tự nhiên thu thập được nhiều kinh nghiệm quí báu cho cuộc sống ban đầu ở đất nước xa lạ này.

Vì chưa ở Mỹ bao lâu, chưa từng đi đâu ra khỏi SanJose, mặc dù cả nhà đều mong mỏi có ngày đến được Little Sài Gòn, thủ đô của người Việt tỵ nạn C.S. nhưng điều kiện chưa cho phép. Hôm nay tôi chỉ có thể đóng góp một bài viết về một chút kỷ niệm của tôi với những người Mỹ thời thơ ấu, gọi là đáp lại ân tình của những người đi trước đã viết cho tôi đọc.

Xin Việt Báo nhận nó như là một lời cám ơn chân thành của tôi đối với tất cả mọi người.”

Giải thưởng Việt Báo chào mừng tác giả TiViTi - Nguyễn thượng Văn Trung.

Kính chúc ông và gia đình vững bước tiến tới.

*

Cái gì chứ nghe đến Mỹ là tôi mê lắm. Mê từ khi tôi còn bé tí cơ. Mà tôi có biết nước Mỹ là cái gì đâu.

Số là khi tôi còn nhỏ, thời 1965-1970, ba mẹ tôi có cho nhiều đợt cố vấn Mỹ thuê một phần căn nhà để lấy tiền thêm cho chi phí gia đình. Gia đình tôi gồm 9 người, bà nội tôi, ba mẹ tôi và 6 anh em tôi ở chật chội trong phần còn lại của căn nhà. Vậy mà lúc ấy, nhờ nhà tôi có sân vườn khá rộng, cây cối um tùm, nên chẳng thấy gò bó chút nào. Anh em tôi tha hồ chia phe chơi bắn súng, chơi trốn tìm trong khu vườn rộng thênh thang ấy.

Giống như khu vườn địa đàng trong kinh thánh, làm gì thì làm, chơi đâu thì chơi, cha tôi cấm không cho chúng tôi héo lánh đến khoảng sân trước phần căn nhà cho thuê. Ông làm một hàng rào thưa ngăn lại. Và cũng giống như Adam Eva, càng cấm chúng tôi càng tò mò. Lợi dụng những lúc ba tôi vắng nhà, thì mấy anh em lại cử tôi chui qua hàng rào thưa đó, núp trong bụi cây, rình xem mấy ông Mỹ. Sở dĩ tôi được cử đi vì phần thì tôi lớn hơn các em tôi, phần thì tôi gan hơn ông anh hai của tôi.

Trong lúc tôi chui qua hàng rào thì những anh em còn lại lấp ló trong các bụi cây gần đó chờ tin tức của tôi. Có nhiều hôm chia phe bắn nhau, thay vì đi kiếm xem địch quân ở đâu để bắn, tôi lại một mình chui qua hàng rào rình mò mấy ông Mỹ. Nhờ đó tôi cũng biết chút đỉnh về sinh hoạt của mấy ổng và thấy cái gì cũng khác lạ so với dân da vàng mũi tẹt của mình.

Cái đầu tiên mà tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy người Mỹ, ngoài cái vóc dang cao lớn, mắt xanh mũi lõ, là họ xài sang quá. Nhiều hôm tôi thấy mấy ổng ngồi nướng thịt nhậu ngoài sân, bia rượu ê hề, mùi thơm điếc mũi, mặc dù nhà tôi cũng không phải là nghèo đói gì cho lắm mà cũng phải nuốt nước miếng ừng ực. Không hiểu là vì thói quen hay là vì hứng chí mà cứ mỗi lần tu xong một ly rượu hay cốc cạn một ly bia, họ lại thảy nó ra xa, cho nó rơi đánh xoảng xuống nền sân xi-măng. Tôi nhìn mà tiếc đứt ruột, vì cái ly nào cái ly nấy đẹp vô cùng. Cái đẹp nhất của nhà tôi cũng không bằng cái mà họ đang ném. Thỉnh thoảng có ông hứng chí lại thảy ra xa, về phía bụi cây tôi đang núp. May mà tôi kịp né không thì cũng u đầu mẻ trán. Thường những cái ly này thì không bể và tôi thu làm chiến lợi phẩm cho mấy anh em tôi nhậu nước lạnh với nhau.

Cái thứ hai mà tôi rất lấy làm lạ, vì tôi chưa bao giờ thấy người Việt mình làm như thế, đó là lâu lâu mấy ông dẫn vài cô gái ở đâu về, những cô gái Việt Nam còn rất trẻ, mặc váy ngắn cũn cỡn và nước hoa thơm lừng. Ngồi trước sân họ vừa nhậu vừa cắn nhau. Đó là từ mà tôi diễn đạt cho các anh em tôi nghe. Hồi còn nhỏ tôi chẳng hiểu hành động ấy có ý nghĩa gì nên cứ thấy sao kể lại vậy. Mấy đứa em thì tròn mắt há mồm lắng nghe như thể tôi đang kể chuyện ma cà rồng hút máu người. Còn ông anh thì cú vào đầu tôi nói: "Mày xạo." Tức quá tôi cãi nhặng xị lên bảo không tin thì cứ chui qua mà xem, nhưng chẳng đời nào anh ta dám cả.

Mấy anh chàng Mỹ này coi vậy chứ đôi khi cũng ẩu tả lắm. Có một hôm anh ta đi nhậu ở đâu không biết, khuya lắc khuya lơ mới mò về nhà trên một chiếc xích lô. Tới cổng nhà tôi anh ta xuống xe rồi cãi vã om xòm với bác phu xe. Tôi tuy còn nhỏ nhưng ngủ lại rất thính tai. Nghe ồn ào trước cổng, tôi mò dậy lẻn ra hàng rào đứng nhìn. Dưới bóng đèn đường có hai cái bóng. Một cái dềnh dàng cao lớn đang khoa tay múa chân, thân hình chao đảo mà tôi đoán đã say rồi. Anh ta xổ hàng tràng tiếng Mỹ mà dĩ nhiên tôi nghe chẳng hiểu gì. Đối lại bên kia, một cái bóng nhỏ con đầu đội nón nỉ, cũng múa may quay cuồng chửi lại bằng tiếng Việt pha lẫn tiếng "Đức". Hoạt cảnh này diễn ra trông thật tức cười vì hai bên mạnh ai nấy nói. Thêm nữa, hễ cái bóng cao lớn nhào đến nắm lấy chiếc xích lô thì cái bóng nhỏ con vụt chạy ra xa, vừa chạy vừa gào tiếng "Đức". Đến khi cái bóng lớn con chệnh choạng lùi lại dựa vào cổng, thì cái kia xong tới núp sau chiếc xích lô mà hét: "Trả tiền cho tao." Chiếc xích lô nằm giữa hai cái bóng, lắc lư như thuyền gặp sóng. Giằng co qua lại một hồi chắc thấy cái thằng nhỏ con mà cứ nhào tới chạy lui dai như đỉa, cái bóng cao lớn nổi khùng kéo luôn chiếc xích lô vào sân nhà tôi, lấy sợi xích to thường dùng khóa cổng, quàng ngay vào bánh xe rồi khệnh khạng mở cửa vào nhà. Tưởng thế đã yên ai ngờ hắn trở ra tay xách một cái can nhà binh, tà tà đổ chất nước trong đó lên nệm chiếc xích lô rồi bật quẹt zippo. Lập tức chiếc xích lô biến thành ngọn đuốc soi sáng cả một vùng. Thế là cái bóng nhỏ ngoài đường vừa chạy vừa gào to hơn: "Bớ người ta nó đốt xe tui! Bớ người ta...!" Chẳng hiểu có ai báo gì không mà đột nhiên tôi thấy một chiếc xe zeep đậu xịch ngay trước cổng, trên xe nhảy xuống bốn ông M.P. to lớn. Cả bốn xông vào sân nhà tôi tóm ngay lấy cái bóng cao lớn, lúc đó đang ngồi trên cái ghế nhỏ nhịp chân nhìn ngọn đuốc-xích-lô. Anh ta bị mấy ông M.P. dùng mã trắc đánh liên hồi rồi tống lên xe chạy mất tiêu. Tôi chẳng biết đoạn kết ra sao với bác phu xe vì ngay lúc ấy tai tôi bị ai đó xách lên và lôi xềnh xệch vào nhà. Té ra sau khi phát hiện ra thằng con trai bỏ giường trốn ra xem màn hài kịch, bố tôi đã đi tìm và tống cổ vào chỗ cũ. Qua chuyện này, tôi mới biết dù là Mỹ mà ẩu thì cũng bị tóm cổ và cho ăn mã trắc như thường.

Ba tôi là một người rất ghét Cộng Sản. Ông là một viên chức trong ngành CSQG. Ông rất nóng tính nhưng lại rất lo cho vợ cho con. Ông là một người mẫu mực, nghiêm khắc. Đặc biệt không bao giờ muốn kiếm tiền một cách mà ông cho rằng không chính đáng. Ghét CS nhưng ông lại không thích Mỹ. Hồi đó vì nhà đông người quá, lại muốn cho anh em tôi vào học ở trường LaSan Bá Ninh sau này - đây là trường của các sư huynh dòng LaSan, học phí khá cao - ông đành bấm bụng cho Mỹ thuê một phần căn nhà để có tiền dành dụm. Dù vậy, như tôi đã nói ở trên, ông cấm tiệt vợ con không được tiếp xúc với người Mỹ cũng như héo lánh đến phần lãnh thổ được phân chia. Tôi biết có nhiều mánh lới làm ăn mà nếu ba tôi đồng ý, nhà tôi sẽ giàu to. Mấy ông Mỹ thỉnh thoảng mang về nhà cả xe lốp ô tô mới và bán với giá rẻ mạt. Họ nói với ba tôi là họ để cho ba tôi hết lố hàng, muốn làm gì thì làm, nhưng ba tôi cương quyết từ chối. Sau đó họ kêu một bà tới thầu hết số hàng và chở đi. Bà này lại quen mẹ tôi nên một lần tôi nghe mẹ tôi nói với ba tôi riêng vụ lốp xe bà ta đã lời trên trăm ngàn tiền lúc đó. Mà theo như mẹ tôi nói là gấp gần chục lần lương của ba tôi. Mà đâu có phải mỗi lốp ô tô, họ còn có chiều thứ khác mang về từ cái mà tôi nghe lỏm là P.S.

Tôi là thằng táy máy, hay chui chỗ này chỗ kia nên chuyện về mấy ông Mỹ thì tôi cũng biết khá nhiều. Cũng nhờ thế tôi cũng được hưởng chút "cơm thừa canh cặn" của họ. Từ điếu thuốc Salem, Camel, Kool... mà anh tôi và tôi chui vào nhà cầu hút lén, bị ba tôi bắt được đánh cho những trận no đòn vì khói thuốc xì ra ở các lỗ thông gió. Những hộp bánh B3, B4, những thỏi xinh-gum, những lon “cô-ca rồi cô-la” hay những cục kẹo mà cho tới bây giờ ở Mỹ tôi vẫn chưa thấy ở đâu có bán các loại ngon như thế nữa.

Trong số những người Mỹ đến và đi dạo đó tôi vẫn nhớ nhất là ông Bill. Nghe nói ông là thiếu tá lận. Ông có thể nói được tiếng Việt lơ lớ. Khác với người khác thuê nhà ở với vài người bạn, ông chỉ ở một mình. Rất ít khi tôi thấy ông mặc quân phục. Hàng ngày ông lái xe đi, chiều tối mới về. Có khi ông đi đâu mất biệt cả tuần lễ. Cũng như mấy người Mỹ trước, ông cũng hay kéo bạn bè về nhà tổ chức ăn uống ca hát, nhất là những ngày cuối tuần. Ông rất dễ thương và thích tụi tôi lắm. Lúc rỗi rảnh ông thường xâm phạm vùng lãnh thổ của nhà tôi, kiếm cho bằng được chúng tôi để cho vài món quà vặt. Đôi khi là những món đồ chơi lạ lẫm và dễ thương. Gặp mẹ tôi ông hay chào: "Chào má-mi-son". Còn tụi tôi thì ông gọi là "bé- bi-son". Thực tình cho tới bây giờ tôi cũng không biết tiếng Mỹ viết chúng ra sao, và cũng chưa bao giờ được nghe lại những từ ấy nữa.

Nhờ có Bill tôi cũng biết được vài câu chào tiếng Mỹ như Hế-lô, gút mo-ninh, then- kìu....

Một hôm ông về nhà với thái độ rất vội vàng, nói với ba tôi là ông phải đi gấp nên trả nhà. Ông kêu ba mẹ tôi lên phần nhà ông đang thuê để kiểm tra xem có hư hại gì không để ông bồi thường. Tôi cũng lò dò theo mẹ tôi lên. Sau khi xem xét một vòng không có gì đáng nói, ba tôi đồng ý nhận nhà và hỏi thử chừng nào thì ông dọn đồ đạc đi. Bill xua tay bảo rằng: "Cho má-mi-son tất cả". Ba tôi một mực từ chối nhưng ông cũng một mực xua tay. Ba tôi từ chối nhận đồ còn ông thì từ chối kêu xe chở đi. Cuối cùng ông lên xe chạy mất tiêu thế là ba tôi thua cuộc.

Ba tôi thua cuộc nhưng nhà tôi là kẻ thắng cuộc, bởi vì nhờ đó mà nhà tôi thu được vô vàn chiến lợi phẩm mà có lẽ cả đời chúng tôi chưa bao giờ được thấy hay thưởng thức. Như cái tivi là cái mà chúng tôi chưa bao giờ được xem. Cái tủ lạnh to dềnh dàng mà bây giờ chúng tôi mới được thấy. Kể từ lúc có cái tủ lạnh tôi rất khoái cái món sữa đặc pha với nước sôi, nhét vào ngăn đá để rồi lấy ra mút mút như mút cà rem. Rồi thì đủ thứ hầm bà lằng từ thứ ăn đóng hộp, nước uống đến ly tách dĩa muỗng nĩa... đến nỗi nhiều năm sau này nhà tôi không phải mua đồ mới.

À, có một cái món khá đặc biệt mà có lẽ cả đời tôi, dù sau này tôi đã sử dụng nhiều cái còn tốt hơn, nhưng cảm giác lúc đó thì không bao giờ có lại được. Đó là cái giường nệm có lò xo. Nó rất dày và nặng. Khi thu được chiến lợi phẩm này thì ba cho tôi được sử dụng. Lần đầu tiên trong đời nằm trên cái giường nệm đó tôi thấy sung sướng làm sao, êm ái làm sao. Mà tôi có chịu nằm đâu. Cả đêm tôi cứ nhào lộn trên nó, nhún lên nhún xuống. Có khi tôi giả vờ đang đứng, miệng kêu lên "bùm chíu" rồi tưởng tượng mình bị đạn V.C. bắn trúng nên ngã cái rầm. Ngã thật sự không hề gượng lại. Tấm nệm đón cú ngã của tôi một cách êm ái. Nó còn tưng tôi lên vài cái nữa làm tôi khoái trá vô cùng. Nhiều hôm lăn lộn trên cái giường nệm đến mệt nhoài, tôi ngủ thiếp đi với nhiều tư thế rất ngộ nghĩnh mà tôi nghe mẹ nói là "chèo queo như con khỉ con". Lại còn thọc cả chân ra khỏi mùng đến nỗi bị muỗi cắn sưng cả bắp vế.

Tôi rất thích làm quen với những anh chàng Mỹ, mặc dù ba tôi cấm, nhưng càng cấm tôi càng tìm cách lân la đến gần mấy ổng. Mấy ổng nói tiếng Mỹ thì tôi nói tiếng tay. Vậy mà hiểu nhau mới là kỳ. Tôi tập ăn kiểu Mỹ, dùng nĩa và dao thay vì dùng chén đũa. Cũng tập nhai kẹo xinh-gum đến mỏi cả răng. Tập ngậm điếu thuốc bên khóe mép như họ mặc dù sau này lớn lên tôi không hề hút một điếu thuốc nào cả. Cũng bắt chước ném ly ra sau khi đã nốc cạn ly rượu - nước lạnh. nhưng chỉ ném vào đám chăn mền để khỏi làm bể ly. Tôi rất thích xem phim Mỹ. Hồi đó ở thành phố tôi chưa hề có chương trình truyền hình Việt Nam. Những phim như Gun smoke, Bonaza, Mision imppossible, phim khoa học giả tưởng có tài tử lỗ tai lừa là đừng hòng tôi bỏ sót. Tuy không hiểu lời thoại nhưng tôi say mê và hiểu cốt truyện mới lạ kỳ. Nhiều khi còn đoán trước được cảnh sắp xảy ra nữa. Rồi tôi lấy gỗ đẽo khẩu súng như của những chàng cao bồi, lấy cặp da đi học cắt may cái bao súng, rồi cũng mang xệ xệ bên hông. Từ đó chúng tôi không chơi trò đánh nhau với V.C. nữa mà chơi trò cao bồi với những con ngựa là cây chổi. Những con ngựa này đôi khi biến thành những cây roi đánh những chàng cao bồi chạy tóe khói khi mà ba tôi bắt gặp.

Tuổi thơ của tôi bên những anh chàng Mỹ là như thế. Càng lớn tôi càng thích tìm hiểu về nước Mỹ hơn và mong có ngày được qua Mỹ du học. Nhưng tôi biết đó là giấc mơ khó thực hiện. Gia đình tôi không giàu có để có tiền cho tôi du học. Ba tôi thì không phải là người có chức quyền gì ghê gớm, lại không bao giờ chịu luồn cúi chạy chọt. Tôi thì chẳng học hành xuất sắc để có thể được cấp học bổng. Hồi đó chỉ còn một con đường mà khả dĩ đạt được ước mơ, đó là vào lính Hải Quân.

Tôi có ông cậu là thiếu tá Hải Quân làm việc ở Học Viện Hải Quân Nha Trang. Những lúc rảnh rỗi cậu thường ghé nhà tôi chơi. Tôi trình bày nguyện vọng của mình thì cậu hứa sẽ giúp đỡ nếu tôi thi đậu tú tài. Tôi rất mừng và nhiều đêm mơ về điều đó. Rủi thay biến cố 75 đến khi tôi chưa kịp tốt nghiệp trung học. Giấc mơ hầu như tan vỡ.

Sau 75 tôi mơ ước được vượt biên nhưng chẳng quen ai và nhà tôi thì quá nghèo không đủ ăn lấy tiền đâu mà vượt biên. Ba tôi được bọn C.S. "mời" đi học tập cải tạo để lại vợ con nheo nhóc chẳng biết làm gì để sống. Mẹ tôi thì cả đời chỉ biết ở nhà nấu cơm; anh em tôi lớn nhất 19 tuổi cũng chỉ là học sinh vô tư lự. Chúng tôi phải làm đủ cách để sống còn. Từ việc lên rừng đốn củi đốt than đến đạp xích lô ba gác mướn... việc gì làm có miếng cơm ăn là chúng tôi xông vào. Mọi giấc mơ chỉ còn lại là mong sao ăn hôm nay mà ngày mai còn có thể kiếm được cái mà ăn tiếp. Nhiều đêm mẹ con chỉ còn biết ôm nhau mà khóc.

Giấc mơ vụt bừng lên khi ba tôi trở về từ trại cải tạo và lén lút gửi đơn xin đi Mỹ qua ngã Thái Lan. Ba tôi rất gan lì. Từ trong trại cải tạo ông đã không chịu cúi mình trước bọn C.S. Vì thế chúng không cho gia đình thăm nuôi nhiều năm, mặc dù các gia đình khác vẫn được thăm nuôi. Vừa ra tù, nghe tin tức đâu đó ông đã làm đơn gửi đi Thái Lan mặc dù lúc ấy chưa có phổ biến chương trình H.O. Mãi đến 1991 ba mẹ tôi mới được gọi phỏng vấn. Chúng tôi bị loại vì đã có gia đình riêng. Chỉ còn một em trai út và một em gái út tháp tùng ba mẹ tôi đi Mỹ.

Thế là hy vọng được đi Mỹ của tôi bị xẹp lép như bong bóng xì hơi. Tôi bươn chải lăn lộn kiếm sống qua ngày mà vẫn dõi theo tình hình nước Mỹ qua những bức thư của ba mẹ tôi và các em. Tôi cũng hồi hộp theo dõi tin tức chiến sự hiếm hoi qua các đài BBC, VOA về cuộc chiến 1991 của Mỹ và Iraq. Hân hoan vui mừng khi nghe đoàn quân Mỹ đã hành quân thần tốc lật đổ Sadam năm 2003. Tôi cũng đau buồn và bàng hoàng khi nhìn thấy hình ảnh hai tòa tháp sụp đổ trong ngày 11/9/2001. Buồn mà lại tức vì không hiểu sao một nước Mỹ hùng mạnh như vậy và tình báo hiện đại như thế lại để cho bọ khủng bố tấn công mà chẳng hay.

Giấc mơ đến Mỹ của tôi được thổi bùng trở lại khi ba mẹ tôi vào quốc tịch và hứa bảo lãnh cho tôi. Từ đó tôi chỉ mong ngóng ngày được đặt chân đến xứ sở mà từ lâu tôi chỉ biết qua sách vở và lời kể của những người thân quen. Mong được gặp lại những người Mỹ tóc vàng mắt xanh mà một thời thơ ấu in đậm trong trí tôi. Thời gian dài như cả thế kỷ, tôi buồn rầu nhìn đời mình trôi theo năm tháng; các con tôi dần lớn lên mà vẫn chưa thấy nước Mỹ ở đâu. Tôi sợ đến lúc mình đạt được ước mơ thì đã già rồi, chẳng làm được trò trống gì nữa.

Mãi đến cuối năm 2003 tôi mới được gọi phỏng vấn. Vậy mà vận rủi vẫn chưa buông tha tôi. Phỏng vấn thì đậu rồi nhưng TLS lại không chịu cấp Visa vì nói rằng tôi trùng tên với một người đang bị truy nã. Tôi bàng hoàng còn hơn nghe tin tháp đôi New York sụp đổ. Tôi mất ngủ mấy đem liền tự đặt ra nhiều câu hỏi mà chẳng biết trả lời làm sao. Tôi ra vào TLS nhiều lần để mong được giải thích nhưng chẳng ai trả lời cho có đầu có đũa, bảo cứ chờ. Tôi cứ nghĩ số kếp mình đen như mõm chó thì có kêu trời cũng chẳng thấu đâu. Tôi chẳng thèm kêu nữa. Tôi viết thư cho ba tôi giận dữ nói rằng tôi chẳng thèm đi Mỹ nữa. Mỹ tự hào có hệ thống an ninh siêu việt, với đầy đủ phương tiện hiện đại nhất thế giới mà cũng không phân biệt được đâu là kẻ đang bị truy nã, đâu là kẻ đang sống lương thiện như tôi thì bị khủng bố đánh cho sập nhà là quá phải.

Giận thì nói thế nhưng tôi vẫn chạy hỏi nơi này nơi kia về tình hình của mình. Cuối cùng, tuy chỉ kêu trời vài tiếng sau khi bị từ chối cấp VISA, mà chắc là tôi kêu to quá nên thấu tới ông trời. Mãi 6 tháng sau tôi mới được TLS gọi vào bổ túc thêm một số giấy tờ chứng nhận nơi cư trú, lăn dấu tay rồi cấp VISA cho cả nhà.

Giờ đây, ngồi ngay trên đất Mỹ, quê cha đất tổ của những người Mỹ từng thuê nhà tôi năm xưa. Những người Mỹ đầu tiên mà tôi được gặp gỡ làm quen.

Tuổi vô tư làm quen với người Mỹ không còn nữa. Tôi phải làm quen với người Mỹ và đất Mỹ một lần nữa vào cái tuổi xấp xỉ 50. Bước những bước đầu tiên đầy khó khăn và xa lạ.

Ước mơ của tôi bây giờ dồn vào các con tôi. Ở tuổi chúng bây giờ, tôi đã từng ước mơ được đến xứ xở này mà không được. Bây giờ chúng phải “trả thù” cho tôi những năm tháng hoài phí đó. Tôi bảo chúng phải trả thù bằng cách học thật giỏi. Và hình như chúng đang làm điều đó để trả nợ cho tôi.

TiViTi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,422,588
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến