Hôm nay,  

Chuyện Dài Lấy Vợ Ở Việt Nam

30/03/200600:00:00(Xem: 49142)
Người viết: CHU TẤT TIẾN

Bài số 972-1581-294-vb2270306

*

Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà văn, hoạt động cộng đồng quen biết tại Nam California. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Bài mới lần này là 4 truyện ngắn ngắn trong loại chuyện dài dài.

*

MỘT: EM TẬP LÁI XE

Ông Tuấn trông vẫn còn "ngon cơm" ở tuổi 71, dáng đi vẫn thẳng, tuy da dẻ có đồi mồi nhưng nhìn chung không đến nỗi "già chát" như mấy ông bạn già vẫn chơi "mạt chược" ở mấy Hội người già. Mấy năm nay, lòng ông tự nhiên như bổi hổi bồi hồi, ăn ngủ không ngon. Từ độ nhìn thấy ông bạn thân, kém ông vài tuổi, về Việt Nam cưới vợ ngon lành, ông thấy mình thiếu thiếu một cái gì đó. Nhiều đêm ông thao thức, cật vấn lương tâm và trao đổi tâm sự với chính mình đến sáng. Mình đã bao nhiêu năm góa vợ, chung thủy như thế là đủ. Nay con cái đã lớn cả, thằng nào thằng nấy cũng có gia đình riêng rồi, mai mốt chả còn đứa nào ở với mình, thì ai đấm lưng, ai mang cho mình bát canh, ai trao cho mình viên thuốc lúc mình mệt mỏi, đau yếu" Về tài chánh, thì trên dưới 6 năm dành dụm, cũng được một số tiền, nếu mình về Việt Nam lấy vợ, thì chắc cũng được một nàng ngon lành, không đến nỗi tệ.

Ông gọi thằng Tịch, đứa con trai cả, ly dị vợ, còn ở chung với ông.

-Tịch à! Mai mua "dé" cho tao "dìa Diệt Nam" chừng một tháng, mầy ở nhà, nhớ tắt điện các phòng không có người, đừng để tốn điện, nghe mầy!

Cậu con trai quay lại, nhích môi với bố:

-Chắc ba lại "dìa" kiếm một cô đào nhí" Con biết ba hổng chịu nổi cảnh ông già góa "dợ" hoài!

Ông Tuấn chặc lưỡi mà miệng múm mím cười:

-Tầm bậy, mầy! Tao dìa thăm mấy chú, mấy bác. Lâu quá, hổng gặp, thấy nhớ.

Tịch ngạo bố:

-Nhớ chú bác cái khỉ gì! Ba vẫn chửi họ là đồ bất lương, chỉ lo móc tiền "Dziệt kiều" thôi mà! Nhớ mấy con nhỏ bia ôm thì có!

Ông Tuấn gắt um:

-Mầy chỉ nói tào lao. Tao đạp cho mầy mấy cái đạp bây giờ!

Rồi ông quày quả đi vào phòng, lo sửa soạn hành lý, lòng lâng lâng như con trẻ chờ quà.

Ngày tháng qua đi, ông Tuấn đã trở lại Cali với cô vợ nhỏ hơn ông gần... 50 tuổi. Cô bồ nhí này mới 26 cái xuân xanh, có cặp mắt nhỏ xíu, mỗi khi cười thì chỉ còn nhìn thấy hai đường chỉ, cặp má phúng phính hồng duyên trông rất bắt mắt. Ông Tuấn vui như trẩy hội. Không ngờ mình già mà vẫn còn duyên. Người yêu nhỏ bé của ông, cứ gọi là "vợ nhí" đi, đã mê ông như mê từ kiếp trước. Mới gặp qua giới thiệu của người cháu họ, đã đon đã, tình tứ làm mình quýnh cả lên. Nàng ngọt ngào quá, đầm thắm quá! Ôi chao! Cuộc đời mình tưởng xuống lỗ cô đơn ai dè còn có người đầu gối tay ấp, mà ấp chắc nịch ấy chứ! Em điệu nghệ chăn gối mê tơi! Ông chặc lưỡi, kệ, chắc em cũng một đời ly dị, như mình thôi, thời buổi này kiếm đâu ra gái trinh, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Mình cũng đã phải xài Viagra mà em không chê là được quá rồi. Vậy mà thằng Kính, mới hơn sáu bó, về lấy con nhỏ trên 20, thua nó mới có 40 tuổi, cứ càu nhàu mãi:

-Mẹ kiếp! Cả đời làm nhiều chuyện ngu, nhưng không cái ngu nào bằng cái ngu lấy vợ Việt Nam!

Có lẽ tại nó vô phước! Gặp ngay con nhỏ quậy! Còn mình, hơn vợ cả nửa thế kỷ, vẫn ngon lành như thường.

Ong Tuấn cứ mải mê với hạnh phúc cho đến khi một hôm em nũng nịu:

-Anh! Cho em đi học lái xe đi chứ! Em cũng phải đi kiếm việc phụ với anh nữa chứ! Tiền già của anh đâu đủ cho chúng mình xài!

Ông ấp úng:

-Ừa! Để anh coi...

Nghĩ tới phải chi 500 đô cho lớp học lái xe, ông tiêng tiếc. Chợt nhớ ra điều gì, ông gọi thằng Tịch:

-Mầy đang rảnh, dậy cho dì mầy lái xe nghe!

Tịch không hiểu sao từ hôm thấy ba đem dì nhỏ về, tự nhiên đâm ra bẳn gắt. Có lẽ tại dì còn kém tuổi hắn" Có lẽ dì cũng có đôi mắt lá dăm như con vợ hắn ngày trước" Hắn ậm ừ rồi cũng tính toán dậy "dì" học lái xe vào chiều Thứ Bẩy và sáng Chủ Nhật.

Mới đầu, thời gian học lái xe chỉ có thế, nhưng sau một tuần, Tịch tự nhiên tăng giờ lên. Hắn nói:

-Dì lái dở quá! Học kiểu này thì đến Tết mọi mới lái được. Tui phải hy sinh thêm giờ..

Ông Tuấn gật gật đầu. Cái thằng, cũng biết điều lắm. Tuy mồm miệng nó nói toàn là những câu khó chịu, nhưng rốt cục cũng làm nhiều chuyện tốt. Từ đó, dì được cháu kèm thêm tối thứ Sáu, rồi tối thứ Năm, thứ Tư và cả ngày Chủ Nhật...

Một buổi chiều Chủ Nhật, đi làm vài ly với ông bạn già về nhà chờ mãi không thấy dì cháu nó về, ông sốt ruột đi ra đi vào. Đến khoảng 8, 9 giờ tối mà vẫn chẳng có ma nào dẫn xác về, ông lo quá, định báo cảnh sát. Nhưng bất ngờ, linh tính ông báo hiệu điều chẳng lành. Sao không thấy áo quần em vất bừa trên giá như mọi ngày" Sao thằng Tịch không gọi về báo về trễ" Ông lật đật chạy vào mở tung tủ quần áo em ra... Trời đất! Chẳng còn cái nào! Chạy qua phòng con, thấy lù lù lá thư để trên bàn... "Chúng con xin lỗi ba! Chúng con yêu nhau rồi! Ba ở lại vui mạnh! Con, Tịch!"

Lá thư chầm chậm bay bay trên không rồi rơi xuống thảm một vài phút rồi tấm thân ông Tuấn mới rơi theo....

HAI: EM LÀ HOA HẬU

Bà Duyên buồn bực quá! Có mỗi thằng con trai mà không chịu lấy vợ cho bà bế cháu nội. Nó cứ ủng oẳng thế nào ấy! Giới thiệu con nào cũng chê. Ỷ làm lương cao mấy trăm ngàn một năm, nên cứ đòi lấy Hoa Hậu, chí ít cũng phải Á Hậu. Thôi thì đành chiều nó, cho về Việt Nam cưới vợ cho rồi. Thế là hai mẹ con lên đường về quê.

Ôi chao, không ngờ Việt Nam nhiều "Hậu" quá! Nào Hoa Hậu Quận, Hậu Tỉnh, Hậu cả nước, Hậu Thành Phố, rồi Hậu Xí Nghiệp nữa. Cậu con trai của bà cứ hoa cả mắt lên. Em nào em nấy lại còn ngọt ngào như mía luộc ấy. Một điều "Dạ, thưa", hai điều "vâng ạ!" làm hai mẹ con cứ rối rít không biết chọn Hậu nào. Cuối cùng cũng lựa được một Hậu Thành Phố, con nhà Công Giáo nữa.. Thế là nhất thiên hạ rồi! Đám cưới tưng bừng làm bà Duyên nở mặt nở mày với họ hàng. Áo gấm mặc ba bốn cái, con dâu bà thay áo, bà cũng đổi tông, con dâu đội vương miện, bà cũng mũ Hoàng Hậu. Chu choa! Bà con hai họ xầm xì "trai tài, gái sắc". Có mấy ông Cha làm lễ nữa. Hạnh phúc phải ba, bốn đời!

Thời gian qua. Bà Duyên đã bế được hai đứa cháu nội, mà bế một mình vì mẹ nó cứ đi về Sàigòn xoành xoạch. Bà lẩm bẩm:

-Quái! Về làm gì mà về lắm thế! Mới thăm mẹ lại thăm bố!

Cậu con trai bà thì cau có:

-Em ơi! Sao em tiêu gì mà sang thế" Lần nào cũng cả chục ngàn!

Cô con dâu chỉ "hứ" một cái rồi lẩm bẩm:

-Người gì mà bần chí tử! Cho cha mẹ chứ cho ai! Từ đầu năm tới giờ mới có hai chục ngàn!

Cậu con trai gầm lên:

-Mới có hai chục ngàn! Bộ phải cả trăm ngàn một năm, cô mới cho là đủ chắc"

Cô con dâu vùng vằng:

-Không cho thì thôi! Mấy người tính sao thì tính! Tôi cứ về!

Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời! Cậu con trai phải nghiến răng đưa thêm chục ngàn nữa cho cô vợ yêu quý về thăm nhà. Trong khi cô đi, cậu lén chuyển trương mục chung sang trương mục cá nhân, và lén tìm cách bán bớt một căn nhà đi, định đưa tiền cho mẹ cất.

Mới được chừng hai tuần, có điện thoại reo:

-Anh ơi! Gửi gấp về cho em ba chục ngàn nữa cho em sửa mộ ông bà!

-Cái gì! Mới đưa cho em mấy tháng trước hơn một chục sửa mộ rồi, lại sửa nữa hả" Bộ ông bà mới chết lần thứ hai hả"

Giọng oanh vàng bỗng biến thành tiếng rít của diều hâu:

-Á à! Dám nói hỗn láo thế à" Đồ chết bầm, chết đâm, chết thúi!

-Ai chết thúi! Có ông bà cô chết thúi ấy!

Cô Hoa Hậu ngoan đạo gầm lên:

-Đồ khốn nạn! Chết cha mày đi! Tao mà sang Mỹ, tao cho mày vào tù!

-Mày không cần sang! Tao bay về bây giờ!

Thế là trên chuyến bay hỏa tốc về Việt Nam hôm đó, có một anh chàng gầm gầm gừ gừ, mặt mũi đỏ phừng phừng, phóng xe Taxi về đến nhà vợ là hùng hùng hổ hổ:

-Mày đưa tiền cho thằng nào" Con nào"

Rồi "đốp", "chát".. nháng lửa. Có tiếng kêu thét lên:

"Nó đánh chết tôi rồi!"

Như đã chờ sẵn đâu đó, vừa nghe tiếng đàn bà la lên, là hai anh Công An nhẩy vào nhanh như chớp.

-Anh Việt Kiều hành hung công dân hả" Anh có quyền hạn gì mà đánh nguời" Hả" Làm biên bản!

-Ớ...Ớ... mấy ông... tôi đã đánh cái nào đâu" Mới.. chỉ ném mấy ly này thôi mà!

-Không nói lôi thôi! Đánh người là tội hình sự! Anh theo chúng tôi về Phuờng.

Anh chồng Việt Kiều Cali líu ríu theo mấy chiếc áo xanh vàng về Phường trong khi người bị "hành hung" vội phóng chiếc Dream cáu cạnh bay vào phòng khám bệnh của bác sĩ X.

Vài tuần sau, tại đất Mỹ, nguời chủ nhân trẻ tuổi ấy nhận đuợc thư tống đạt của Cảnh sát về tội hành hung vợ có thương tích, có chứng nhận của bác sĩ, của công an, của nhân chứng.

Ra tòa, dù có luật sư cãi líu lo, anh vẫn phải ngồi tù một năm, trong khi đó, cô vợ trẻ đào bới xới lộn căn nhà tìm tiền, móc cho đến đồng cuối cùng trong "rê đít cà", cuỗm luôn căn nhà, kéo mấy đứa con đi...

Nguời trẻ đào hoa muốn lấy vợ Hoa Hậu đã trở thành anh "hôm lét", hốc hác, mất dóp, thẫn thờ, đau cái bụng, tức cái đầu, giận cái thân, trở thành bệnh nhân tâm thần...

BA: NHÀ QUÊ, NHÀ TỈNH

Em Phuơng mới 18 tuổi, gốc Định Quán, làm nghề bán quán cơm cho khách du lịch. Dáng nguời cao và thanh, mắt đa tình, giọng nói tuy vẫn trọ trẹ của miền rừng núi, nhưng không kém phần hấp dẫn, nhất là với mấy cậu thanh niên mới về nước lần đầu tiên. Mỗi ngày, em chỉ đi ra đi vào niềm nở chào đón mấy anh chị, ông bà Việt kiều về thăm quê huơng, đưa "mơ nuy", tính tiền, rồi tiện thể thì chỉ đuờng cho quý vị đi thăm thắng cảnh. Nhận chút tiền "típ" là em cám ơn rối rít.

Cậu Ngải đã trên 30, chưa vợ, có việc làm ở một cơ xuởng in tại Oát Xinh Tơn. Tuy lương bổng không cao, nhà lại ở "se", nhưng cái mác Việt Kiều cũng đủ le lói các em đang thèm ông chồng ở nước ngoài.

Gặp nhau không có ông Tơ, bà Nguyệt, chỉ có mấy đồng đô la xanh là hai bên đã như hẹn nhau từ kiếp trước.

Ngải tửng tửng hỏi:

-Em có chịu lấy anh không"

Phương nhoẻn miệng cười mím chi:

-Hổng chịu thì sao" Mà chịu thì sao"

Chàng búng tay "chóc chóc":

-Chịu thì anh đưa em qua Mỹ. Không chịu thì em ở nhà lấy chồng... "nhà quê.."

-Hứ! Làm như ở đây toàn nhà quê không hà! Cũng "tỉnh" lắm chứ bộ!

-"Tỉnh" thì cũng không bằng anh! Chịu không"

Cô gái liếc một nhát sắc như dao cạo Gilette:

-Chị....u.....!

Thế là đám cưới liền tay. Một vài mâm cỗ có gà có vịt có heo quay. Tuy ở nhà quê, miệt vườn, có chừng hai chục người đến nhưng cũng có ruợu tây. Tính ra chỉ khoảng trăm đô là cùng, nhưng Phương cũng đòi chú rể đưa chẵn một ngàn. Trước đó, em đòi người yêu đưa về Saigòn mua cho em chiếc xe gắn máy "cáo chỉ." Em nói: "Để chạy giao thiệp cưới!" Mải mê trước vẻ đẹp con gái con nhà quê, mượt mà, tuổi bẻ gẫy sừng trâu rừng, da thịt căng hồng, tuy nước da hơi ngăm đen, nhưng trông dòn tan, Ngải nhắm mắt mua cho em đủ thứ, kể cả chiếc phôn trả tiền trước cả năm. Mấy ngàn đô dành dụm bỗng chốc mà bay. Chàng thanh niên phải vội trở lại Mỹ để cầy tiếp, trước khi bồng vợ sang.

Về đến Mỹ, hàng đêm, chàng gọi điện thoại cho nàng, nghe em thỏ thẻ: "Anh ơi! Em cần mua cái áo nè! Cần mua cái ví nè..." Tuy xót ruột, nhưng Ngải cứ nghiến răng gửi từng trăm về. Đến khi hết, thì đành khất nợ... Giọng của em từ từ nhạt dần, bớt thỏ thẻ, rồi ngưng luôn. Gọi mãi không thấy em trả lời. Ngải đợi đến giữa đêm Việt Nam, gọi cho chắc ăn. Có lẽ em đang ngủ say..

Giọng ngái ngủ đầu dây bên kia:

-Ai...đó"

Giọng bên này, hồi hộp:

-Anh nè! Ngải nè! Em có khỏe không" Anh gọi hoài mà em không trả lời! Sốt ruột quá! Em đang làm gì đó"

Giọng bên kia bắt đầu hết ngái:

-Anh hả" Làm gì à" Em đang làm tình!

-Cái gì" Em nói cái gì"

Giọng bên kia cứng rắn, rõ ràng hơn:

-Anh không nghe kịp à" Em đang làm tình! Làm tình với bồ của em! Nghe rõ chưa! Đồ nhà quê! Tưởng mình "tỉnh" lắm hả"

Tiếng máy cúp đánh "cụp" cùng lúc với tiếng trái tim của Ngải cũng vừa thất một nhịp.

BỐN : ANH SẼ ĐƯA EM VỀ

Sang Mỹ được sáu tháng rồi mà Loan chưa thấy mặt trời. Nói cho đúng hơn, thì chưa nhìn thấy nước Mỹ ngoài căn nhà, cái vườn đầy rau húng quế, rau dấp cá, rau thơm, ngò gai. Đực, anh chồng đưa Loan sang Mỹ xong là nhốt riệt trong nhà, không cho đi đâu hết, kể cả đi chợ. Việc gì cũng có mẹ chồng lo. Bà mẹ chồng quằm quặm, đi ra đi vào, nói oang oang:

-Cái thằng phải gió! Đã đi làm cực khổ, không biết kén vợ, lại rước cái của nợ, người thì bằng cái lỗ mũi, lại chẳng biết làm ăn gì, khổ quá đi mất!

Nghe qua mà điếng người. Loan có muốn thế đâu. Tưởng lấy chồng Việt Kiều thì ấm cái thân, có chút tiền còm gửi về cho mẹ già, mai mốt biết đâu lại chẳng giầu sang như chị Lụa, chị Nga đó, năm nào cũng về quê, mang theo cả đống tiền. Nào ngờ, qua đây mới biết anh chồng là dân lười biếng, không chịu học hành chi cả, chỉ đi làm thợ phụ sửa xe gì đó, về đến nhà là lôi hũ ruợu ra uống, rồi chửi bậy tùm lum. Gọi điện thoại với bạn bè là một điều "đ.m" hai điều "đ.m", nói chuyện tục tĩu.

Điều đau khổ nhất là hắn là một tên hung bạo, dầy vò vợ kinh khiếp lên được. Mới đầu Loan sợ quá, không chịu, thì hắn dọa đuổi về Việt Nam "cho mà chết dấp ở bên đó", Loan cứ phải nghiến răng mà chịu hành hạ.

Được một hai tháng, Loan đã quen dần, nhưng không chịu nổi cảnh ngồi nhà, nấu cơm mà không được đi chợ, quét nhà, lau dọn như đầy tớ. Loan phải nỉ non với chồng:

-Anh! Anh! Cho em đi học, đi làm gì đi chứ! Ở nhà, em chịu hết nổi rồi.

Tên chồng hậm hực:

-Chịu không được cũng phải được. Tui tống cô về nhà luôn.

Loan ngỡ ngàng:

-Anh nói gì lạ vậy" Em có đòi hỏi gì đâu mà anh đòi tống em về nhà" Em chỉ muốn đi học gì đó để đi làm phụ anh thôi mà!

Vẫn gầm gừ như chó con, tên chồng trợn mắt:

-Không được đi đâu hết! Cô cứ ở nhà!

Nói xong, hắn bỏ vào bếp, lôi con khô mực ra, quát cô:

-Ra đây, nướng con mực cho tui nhậu đi! Đứng đực ra đó à!

Lủi thủi vào bếp, Loan thấy nước mắt cay xè chẩy dọc theo mũi.

Tên chồng nhăn nhó:

-Khóc lóc cái con mẹ gì! Không thích thì cút về nhà với mẹ!

Vội lấy tay chùi mắt, Loan cúi đầu xuống bếp, nghe trái tim mình quặn thắt. Trời ơi! Biết thế này thì ở nhà cho rồi! Bỏ anh Quân mà đi để lấy giầu sang, ai dè gặp phường hung ác. Có lẽ Trời phạt vì phụ tình anh ấy...

Loan thấy đời khốn khổ khốn nạn quá. Hóa ra số kiếp mình bị mua làm nô lệ tình dục cho Việt kiều, không khác gì mấy cô lấy chồng Đài Loan. Mà có cao giá gì đâu! Cô chỉ được có hơn 300 tiền Mỹ, đưa hết cho mẹ. Tiền đám cưới, hắn lo hết, không qua tay cô. Thêm một trăm tiền may quần áo cưới. Ngoài ra, chỉ có vài lời hứa nhăng cuội. Qua đây, suốt ngày bị nhốt trong cũi, chẳng có lấy một con chó để mà nói chuyện. Chỉ có lúc mẹ chồng ngủ ngày, Loan gọi cho bà bác ruột ở Rosemead, kể lể chút đau lòng. Bác cô chỉ biết khuyên cô nhẫn nhịn, chờ ngày tốt đẹp.

Chờ mãi chưa thấy ngày ấy, bất ngờ, một hôm, hắn đưa cho cô mấy tấm vé máy bay:

-Ngày mai, tui đưa cô lên phi trường. Về Việt Nam! Tôi chịu hết nổi cô rồi. Tối ngày khóc lóc. Mẹ tui chịu không nổi.

Loan tá hỏa tam tinh, run rẩy:

-Anh nói gì, em không hiểu!

Tên chồng vất tấm vé máy bay lên bàn:

-Có chi mà không hiểu! Về! Về bú mẹ!

Vừa đi vào phòng, hắn vừa nói với theo:

-Dọn đồ đi! Tui không có chờ đâu!

Loan muốn té xuống sàn nhà, đầu óc quay cuồng. Thôi rồi một đời con gái, trao thân gửi phận nhằm tên tướng cướp. Nước mắt nước mũi choàm ngoàm, cô gạt bằng tay áo, rồi bỗng chợt, cô muốn chết đi cho rồi! Ý tưởng muốn tự tử dâng lên ào ạt. Cô đi vào bếp, tính lấy con dao đâm vào bụng, bất ngờ, khi vừa vào đến cửa bếp, cô nhìn thấy bức tranh gỗ khắc hình con gà mà bà cô cho, Loan khựng lại. Nhìn trước nhìn sau, thấy mẹ chồng và chồng rù rì ở trong phòng, cô lén nhấc máy điện thoại lên gọi bà bác.

Chừng một tiếng sau, chờ cho tên chồng nhậu say, bà mẹ coi tuồng chưởng, cô lén ra ngoài, đi dọc theo hàng rào đến gần ngã tư, đứng chờ một lúc thì thấy chiếc xe bà bác do người anh họ chở trờ tới. Loan vội leo lên, và khi chiếc xe vọt đi khỏi mới oà lên lên khóc tức tưởi. Bà bác dỗ dành mãi mới nín. Về đến nhà thì mấy anh chị họ đang quây quần bàn tính. Việc đầu tiên là đi kiếm luật sư, kiện để lấy lại giấy tờ thông hành, và tìm cách ở lại, không thể để một tên vô lại hành hạ đã đời rồi tống về Việt Nam.

Dự tính được thi hành liền. Buổi sáng, một ông anh họ đưa cô tới luật sư. Nghe xong sự tình, ông Luật sư liền gọi cảnh sát nhờ áp tải cô về nhà lấy đồ.

Đến cửa nhà chồng, Loan còn sợ rúm người lại, nhưng ông cảnh sát giúp cô vào lấy đồ. Lúc nhìn thấy cảnh sát và Loan, người mẹ chồng rít lên:

-À, cái con trời đánh! Mày rồi biết tay bà!

Nhưng cũng phải để cho cô vào lấy đồ đạc, giấy tờ xong là đóng sầm cửa lại.

Loan phải đi khám bệnh. Đầu óc cô lảo đảo, hoang mang, sợ hãi, âu lo... Lại bất ngờ, trong khi chờ luật sư làm thủ tục cho cô ở lại, Loan nhận được trát tòa đòi cô trình diện vì "mẹ chồng cô kiện cô quấy nhiễu bằng cách dẫn cảnh sát vào nhà mà không có trát tòa!" Trời đất ơi! Đúng là con người vô lương! Loan đã hãi càng hãi thêm. Nhưng có sự khuyến khích và giúp đỡ của các anh chị họ, lo tìm luật sư ra tòa cãi giùm, cô bớt căng thẳng.

Đến ngày ra Tòa, cô thắng kiện. Bà Tòa nhìn vào mặt bà mẹ chồng nói:

-Cô này chưa hề bị luật cấm đến gần bà. Cô ta về nhà lấy đồ là chuyện hợp lý. Chỉ có bà mới là vô lý. Bà ráng chờ đến ngày tòa gọi bà ra vì tội dầy vò người khác thì mới hiểu rõ hơn.

Loan thở ra, vui mừng nhưng vẫn còn một tương lai nhiều trắc trở trước mắt. Cô muốn nhắn những người con gái khác còn đang mong lấy chồng ngoại cần phải cẩn thận hơn, kẻo sa bẫy những tên háo sắc, côn đồ, hành hạ tình dục, lợi dụng gái quê để thỏa mãn thú tính. Cầu mong cho nước Việt Nam sớm có ngày không còn nghèo khổ để không có người mong đi làm vợ người ở nước ngoài....

Chu tất Tiến.

Ý kiến bạn đọc
23/11/202121:53:44
Khách
https://cialiswithdapoxetine.com/ cialis alternative
28/02/202112:45:59
Khách
https://genericviagragog.com pills viagra
24/02/202104:16:03
Khách
is erectile dysfunction reversible <a href=https://plaquenilx.com/#>cure for covid 19</a> erectile enhancement
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,973,069
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến