Hôm nay,  

Mái Tóc Dài & Đôi Chân Trần

31/08/200500:00:00(Xem: 157450)
Người viết: Sapy Đi Đi
Bài số 814-1404-241-vb5090105

Tác giả tên thật: Nguyễn Đinh Thị Dĩ, 56 tuổi, hưu trí. Hiện cư ngụ tại Chula Vista, San Diego.
*

Dung đã tìm được một công việc làm tốt, thích hợp với khả năng tại ngân hàng Phát Triển Nông Nghiệp, từ trước ngày nên bề gia thất. Tuy đồng lương hàng tháng lãnh về hơn hẳn lương lính của chồng, nhưng Dung thường ao ước: sau này có con, nếu hoàn cảnh cho phép, nàng sẽ xin thôi việc, ở nhà chăm lo cho gia đình. Dung vốn bản chất hiền lành, yêu thương loài vật, cỏ cây. Ngày còn đi học, thầy cô, bạn bè cho Dung là người có hoa tay nên chữ viết như "rồng bay phượng múa". Nhờ khéo tay, Dung cũng tự chăm sóc mái tóc cho chồng con và cho chính mình.
Giờ đây, lúc tuổi về chiều, không còn vướng bận con cái, Dung thích ngắm nhìn cảnh vật, mây trời, hoa lá, rồi vẽ vời trang trí cho ngôi nhà mình đang ở. Dung ưa nhặt nhạnh những hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc sống để làm vui cho mình, đem niềm vui đến cho người.
Hơn một năm sau ngày định cư tại San Diego, Hùng chồng Dung tìm được công việc làm hợp với khả năng, trong một công ty chuyên sản xuất cơ phận thuộc ngành hàng không và không gian. Công việc ấy đem lại cho gia đình Dung một cuộc sống tương đối sung túc. Và cũng kể từ đó, Dung coi như hoàn cảnh đã cho phép nàng ở nhà lo việc nội trợ, thay vì bôn ba ra bên ngoài kiếm thêm tiền tài, danh vọng.
Làm những việc quanh quẩn trong bếp, ngoài vườn, lo cho chồng, con miếng ăn, giấc ngủ không có gì khó khăn đối với Dung. Nàng quan ngại và chú tấm nhất đến việc dạy dỗ con cái sao cho nên người.
Đời sống tha hương, phải đong đưa giữa hai nếp sống Việt - Mỹ, tưởng chừng như đối nghịch nhau, càng gây khó khăn thêm cho nàng. Dung đã thấy bao người từng gắn bó sâu đậm với nếp sống Việt, vậy mà hội nhập vào cuộc sống mới chưa được bao lâu đã đánh mất đi cái gốc của mình. Biến cố 30-4 đến quá đột ngột, khiến Dung cũng như bao nhiêu người Việt khác, không có chút sửa soạn trước nào cho cuộc đổi đời này. Mọi điều Dung nghĩ, mọi việc nàng làm cũng chẳng có mẫu mực gì cho nàng dùng để đo lường, phán xét.
Hàng ngày đưa đón con đến trường, nhìn thấy vài đứa trẻ để tóc dài, Dung nghĩ ngợi vẩn vơ rồi đâm lo. Nàng sợ một ngày nào đó bỗng nhiên con nàng nổi chứng đòi để mái tóc dài như chúng bạn thì Dung thật chẳng biết phải đối phó làm sao"
Thế rồi chuyện ấy cũng xảy đến. Nhưng nó đến ngược lại với điều nàng âu lo. Trước kia nàng sợ con muốn để tóc dài. Giờ đây, lúc Dung hớt gần xong mái tóc cho con, đột nhiên Duy lên tiếng hỏi:
- Mẹ ơi! Mẹ cạo trọc đầu luôn cho con được không"
Dung ngạc nhiên:
- Tại sao con muốn cạo trọc"
- Con muốn cạo cho mát.
Dung nghĩ: cũng như bao đứa trẻ khác, bước vào cái tuổi niên thiếu, Duy cũng "giở chứng" có vài ý nghĩ, hành động hơi khác thường. Cho nên tuy Dung không bằng lòng, nhưng nàng cũng cắt theo ý con.
Thời gian qua thật nhanh, ngày nào Dung còn mới đưa con vào mẫu giáo, vậy mà giờ đây Duy nhập học lớp 11 đã được gần 2 tháng. Dung còn nhớ như in, lúc ở tuổi này, nàng phải lo học ngày học đêm, sửa soạn thi Tú Tài I, cái mảnh bằng quan trọng nhất của đời học sinh trong thời buổi đất nước ly loạn. Còn việc học hành của các con nàng nơi đây vẫn êm ả, phẳng lặng như bình thường. Có khác chăng là năm nay Duy tự ý đánh mất đi cái háo hức, mong cho trời mau tối, để khốc lên người tấm áo đen rộng thùng thình và chiếc mặt nạ ma quỷ, hòa nhập cùng đám trẻ nít tung tăng đến gõ cửa từng nhà xin kẹo trong dịp Halloween.
Ở cái tuổi 17 "bẻ gãy sừng trâu" như các cụ ta ngày xưa thường ví von, dường như lúc nào Duy cũng cảm thấy đói. Mỗi khi đi học về, buông cái túi xách đeo sau lưng xuống xong là Duy chạy ngay vào bếp tìm mẹ, hỏi xem có gì ăn không" Biết vậy, nên trước giờ con đi học về, Dung thường cắt để sẵn cho con lúc thì quả dưa, lúc một hai trái táo hoặc nấu cho con chén chè. Ngồi nhìn Duy luôn tay vén mấy sợi tóc sụp xuống mắt, Dung chợt nhớ ra, từ sau cái hôm cạo đầu trọc cho con đến giờ, Duy chưa một lần hỏi mẹ cắt tóc. Dung liền căn dặn con:
- Ăn xong lên trên lầu để mẹ cắt tóc cho con.
Duy không trả lời mẹ, nét mặt tư lự, tiếp tục cắm cúi ăn. Nhìn đứa con trai giờ đã cao hơn bố, Dung chợt nghĩ: hay là con mình không còn muốn đưa cái đầu cho mẹ cắt nữa" Để tránh cho Duy khó xử, Dung ướm lời:
- Con có muốn mẹ đưa ra tiệm cắt tóc không" Nếu muốn, mẹ sẽ chở con đến một tiệm có đông đàn ông Việt Nam đến cắt nhất ở San Diego này"
Mặt Duy vui lên, gật đầu đồng ý. Thế là hai mẹ con sửa soạn ra đi. Ngồi trên xe, Duy dặn mẹ:
- Cắt tóc xong mẹ chở con vào trường, hôm nay đội football trường con đấu với đội trường Chula Vista.
Đưa con đến nơi, Dung để con ngồi chờ trong tiệm, còn nàng đi vội sang siêu thị bên cạnh mua vài món hàng. Lúc Dung quay trở lại, cô thợ cũng cắt gần xong. Nhìn mái tóc con vẫn còn quá dài, Dung liền bảo cô thợ:
- Cô làm ơn cắt ngắn hơn chút nữa cho cháu.
Nói xong Dung đến đứng bên cạnh, chỉ vẽ cho cô thợ cắt lại cho đến khi đúng với ý nàng. Nhìn nét thống buồn trên gương mặt Duy, Dung chợt nhận ra mình hơi "đàn áp" con và làm không đúng với những gì nàng suy nghĩ. Sau bao năm cắt tóc cho con, nay thấy con đã lớn, Dung mới đưa con ra tiệm mong làm vui lòng con. Nhưng chính Dung lại bảo cô thợ làm theo ý mình. Nàng liếc mắt sang con một lần nữa, thấy thái độ Duy vẫn như thường, Dung tạm an tâm.
Về đến nhà, nhìn Duy bước vội vào phòng tắm, linh tính như báo trước cho Dung biết một sự bất an sắp xảy đến. Dung cố giữ lòng bình thản bằng cách đi xuống phòng giặt ôm đống quần áo mới sấy xong đem lên xếp. Một lát sau, cửa phòng tắm mở ra, Dung len lén liếc trộm Duy. Nàng sửng sốt khi thấy mái tóc con cọng ngắn, cọng dài, chỗ đốm to, đốm nhỏ, trông hết sức dị hợm. Tim Dung thắt lại, nhưng ngoài mặt nàng vẫn làm ra vẻ tảng lờ như không thấy, cố giữ bình tĩnh tiếp tục làm công việc dở dang.
Dung biết mình không thể trốn tránh mãi, trước sau gì rồi cũng phải đối diện trực tiếp với vấn đề nan giải này.
- Mẹ ơi! Mẹ chở con vô trường bây giờ được không"
Giọng gọi mẹ bình thường của Duy khiến Dung giật mình. Nàng buộc lòng phải ngước mặt lên nhìn con buồn rầu nói:
- Con ơi! Con có biết con làm như thế là hỗn với mẹ không"
Duy bình thản đáp:
- Con không muốn vì mái tóc của con mà hai mẹ con mình cãi nhau.
Biết mình không thể vội vàng giải quyết vấn đề này ngay được, Dung bảo con:
- Con ngồi xuống đây để mẹ cạo lại tóc cho con rồi mẹ sẽ đưa con vào trường.
Để làm dịu bớt căng thẳng trong lòng, Dung giả lả:
- Vào trường nếu có ai hỏi về mái tóc, thì con trả lời làm sao"
Duy nhún vai thản nhiên đáp:
- Tại con thích để trọc vậy thôi!
Cạo sạch lại cái đầu cho con, Dung vẫn chưa hoàn hồn trước sự phản ứng quá quyết liệt này. Nàng ái ngại nhất là sự lỳ lợm một cách trầm tĩnh của con. Sự biểu tỏ thái độ như vậy quả là ngoài sức tưởng tượng của nàng.
*
Dù Dung vẫn chưa biết phải giải quyết vấn đề tóc tai của con như thế nào. Nhưng trên đường trở về nhà sau khi đưa con vào trường, Dung cảm thấy vui trong lòng vì nhận ra mình đã dẹp bỏ được tự ái để bình tĩnh, ôn tồn chuyện trò với con.
Đến chiều lúc chồng đi làm về, Dung kể lại mọi sự tình cho Hùng biết. Nghe xong, Hùng lặng im, đưa mắt nhìn xa xăm nghĩ ngợi. Một lúc sau chồng nàng mới lên tiếng:
- Anh nghĩ vấn đề này đã xảy ra từ lâu rồi, nhưng cả anh lẫn em đều không nhận ra để giải quyết ngay thôi.
Hùng ngừng nói, như để nhớ lại quá khứ, rồi Hùng nói tiếp:
- Có một lần Duy hỏi xin anh để tóc dài, anh không cho. Duy liền lập luận: "Tại sao Chúa Giêsu để tóc dài được, mà con lại không"" Anh trả lời cho qua chuyện: "Bởi Chúa Giêsu là người Do Thái, còn người Việt Nam thì không ai để tóc dài cả". Duy liền đứng lên đi lại tủ đựng băng video, tìm trao cho anh cuốn băng có ảnh nhạc sĩ Văn Cao với mái tóc dài bồng bềnh ngồi bên chiếc dương cầm. Duy không nói một lời, chỉ đưa mắt nhìn bố cười hóm hỉnh. Biết mình đuối lý, nhưng anh vẫn "ngoan cố" trả lời theo kiểu kiểu "làm cha": "Chừng nào con già bằng ông Văn Cao, bố sẽ cho con để tóc dài!"
Nhắc chuyện xưa xong, Hùng và Dung cùng nhau bàn bạc hầu tìm ra phương cách giải quyết vấn đề này. Như chợt nhớ thêm được điều gì, Hùng lại lên tiếng:
- Em còn nhớ buổi hội thảo về gia đình mấy năm về trước tại Carthage Missouri trong ngày Thánh Mẫu không"
Dung học hỏi và ghi nhớ được rất nhiều điều hay trong lần đầu tham dự ngày Thánh Mẫu ấy. Nhưng nàng không biết chồng muốn nhắc đến điều gì, Dung chỉ biết gật đầu chờ đợi. Hùng nói tiếp:
- Trong buổi hội thảo có sự hiện diện của giới trẻ cùng các bậc phụ huynh. Một thanh niên mạnh dạn đứng lên chia sẻ: "Con xin các bậc cha mẹ đừng nhìn chúng con qua bộ quần áo sặc sỡ, qua mái tóc dài, qua chiếc bông tai. Những thứ đó chỉ là hình thức bên ngoài, cho nó có chút khác thường thôi. Còn cái đáng quan tâm chính là tâm hồn chúng con, thì nó ẩn dấu bên trong".
Hùng ngừng lại một lúc rồi nói tiếp:
- Em có nhận ra chúng mình đã quá chú tâm về cái bề ngoài của con hay không"
Dung gật đầu, nàng biết 2 đứa con trai mình đã bước vào tuổi niên thiếu, cái tuổi bồng bột, vui buồn lẫn lộn, rất dễ xa ngã và nhất là đang muốn tách rời vòng tay ôm ấp của người mẹ. Dung cảm thấy những xung đột với con, nàng không còn có thể đương đầu một mình như trước nữa. Cũng may, suốt gần 20 năm sống đời vợ chồng, mọi chuyện lớn nhỏ xảy đến trong gia đình, Hùng và Dung đều chia sẻ với nhau để tìm phương giải quyết. Sau hàng giờ bàn bạc, cuối cùng Hùng kết luận:
- Lát nữa anh sẽ đi đón con về, rồi nghĩ cách hợp thức hóa việc tóc tai cho nó luôn. Sự việc đã như vậy, chúng ta chỉ còn nước làm theo ý con thôi.
*
Hùng nhận thấy Dung cũng như bao người mẹ Việt Nam khác, lúc nào cũng ủ ấp con mà không hay biết con cái đã lớn, đôi cánh của mẹ không còn đủ rộng để phủ kín thân con. Còn phần Hùng chú tâm quá nhiều vào việc mưu sinh, lại lo sợ "thượng bất nghiêm, hạ tắc loạn" nên đối thoại với các con, Hùng thường dùng lời dạy dỗ, răn đe nhiều hơn lắng nghe, tìm hiểu, chia sẻ tâm tư cùng con cái. Hôm nay, lúc dõi theo từng bước chân con từ sân trường bước ra xe, Hùng nhận ra con mình đã lớn hẳn, nhận ra nguyên tắc và phương cách dạy dỗ, đối xử với các con của cả Hùng lẫn Dung dường như chưa lớn lên kịp. Hùng thấy mình cần phải ghi nhớ cảm nhận này để chia sẻ với Dung, để sửa đổi lại lối giáo dục con cái cho hợp thời, hầu chuẩn bị cho chúng bước vào đời. Mọi chuyện dù chỉ bé nhỏ, mỏng manh như mấy sợi tóc Duy tự tay cắt xuống hôm nay. Nếu giải quyết không khéo, cũng có thể làm cho dột nát mái ấm gia đình, ảnh hưởng đến tương lai con cái.
Bước vào xe, Duy chưng hửng, mở to đôi mắt khi nhìn thấy Hùng ngồi sau tay lái. Duy lý nhí trong miệng vài câu chào hỏi bố xong, ngồi xuống ghế, thắt dây an toàn, cúi mặt trông như một phạm nhân đang chờ quan tòa phán quyết. Để đánh tan sự căng thẳng, âu lo cho con, Hùng nhìn sang Duy cười hỏi:
- Con có muốn đi dạo loanh quanh với bố một lát không"
Duy gật đầu, nói giọng thật thấp:
- Dạ.
Hùng chẳng hiểu là Duy thích hay không muốn chống lại mệnh lệnh. Phần Duy, không lạ gì cái tính nóng nảy của bố, nên chỉ còn biết ngồi lặng im cúi mặt chờ đợi. Hùng cho xe chạy đến một công viên, nằm bên cạnh vịnh San Diego. Xuống xe, hai cha con sánh vai đi dưới ánh điện vàng, dọc theo con đường xi măng sạch bóng, Hùng ôn tồn bảo con:
- Mẹ đã kể cho bố nghe chuyện mái tóc của con. Tối hôm nay hai bố con mình sẽ giải quyết cho xong việc này.
Đi bên cạnh bố, Duy vẫn im lặng lắng nghe, Hùng nói tiếp:
- Có phải con muốn để tóc dài không"
- Dạ.
Hùng nghe tiếng dạ của con bây giờ đã giảm bớt cường độ lo lắng so với tiếng dạ lúc mới mở cửa bước vào trong xe nhìn thấy bố. Hùng cố giữ giọng nhỏ nhẹ dạy con:
- Vì muốn để tóc dài mà con tự cạo trọc đầu. Con có biết mẹ thương con lắm không" Con có biết hành động hỗn hào của con ban chiều làm mẹ đau lòng không"
Duy gật đầu.
- Dạ.
- Con hãy suy nghĩ kỹ điều bố vừa nói. Nếu nhận ra cái lỗi mình làm, hãy lo đi xin lỗi mẹ. Còn nếu con nghĩ hành động như vậy là đúng, thì con chẳng cần phải nói gì với mẹ cả. Bố biết con đã lớn, bố nhắc con thêm lần nữa: trước khi làm một điều gì con cần suy nghĩ cho thật kỹ. Kể từ hôm nay, bố mẹ xem chuyện mái tóc con đã giải quyết xong. Muốn để dài hay ngắn là tùy con. Bố mẹ sẽ không nhắc đến nó nữa.
Duy lý nhí trong miệng:
- Dạ, con cám ơn bố, về nhà con sẽ xin lỗi mẹ ngay.
Cắt đi những trĩu nặng trong đầu cho con và chính mình xong, Hùng hỏi con việc nhà, việc học. Chuyện trò với con bằng tâm tình yêu thương của một người cha, cùng với sự cởi mở, thân mật như tình bạn, Hùng đã tỏ hết cho con những điều chàng muốn nói và cũng nghe lại được vài tâm tư sâu kín trong lòng con.
Lúc hai cha con bước xuống xe, chú Lộc em Hùng ở căn nhà bên cạnh nhìn thấy cái đầu Duy phá lên cười:
- Sao cạo đầu trọc lóc vậy con"
Duy vui vẻ đáp:
- Chú Lộc cạo râu thì con cạo tóc, có gì lạ đâu mà chú cười con.
(còn tiếp một kỳ)
Sapy ĐI ĐI

Sau khi mẹ chịu nhường bươc, Duy bắt đầu để tóc dài. Từ đó, mỗi khi hai mẹ con nhắc lại chuyện cũ, Duy thường tỏ vẻ hãnh diện:


- Con phải tranh đấu quyết liệt mới được để tóc dài. Sau này trong nhà mình, ai muốn để tóc sẽ không còn gặp khó khăn, cản trở như con nữa.
Ngẫm lời con, Dung thấy quả đúng như vậy. Để đạt được điều mình muốn, cần phải đấu tranh và biết cách tranh đấu, kể cả trong môi trường gia đình, nơi luôn có chan chứa tình yêu thương.
Ngoài việc để mái tóc dài xuống tận bờ vai ra, Duy còn là người không thích mang giày dép. Mới đầu Dung tưởng con quên nên luôn miệng nhắc nhở. Lâu dần Dung mới biết đó cũng là một cái "tật" của con. Để giải quyết "vấn nạn" này, Dung mua vài đôi dép nhật "thủ" sẵn trong xe. Còn Hùng thì diễu cợt bảo con mình là người Việt Nam gốc Việt Cộng. Dung chưa bao giờ hỏi xem con có gặp trở ngại gì với đôi chân trần hay không. Dung nhớ một lần, lúc hai mẹ con đang kéo hành lý trong phi trường, nhân viên an ninh chận Duy lại bảo:
- Vào phi trường anh cần phải mang giày.
Dung chưa kịp lôi đôi dép cất sẵn trong túi xách ra đưa cho con, Duy đã nhún vai nhanh miệng đáp:
- Tôi đi ra chớ đâu có đi vào!
Cô nhân viên nhíu mày nghĩ ngợi một lúc, ngước mặt lên cười cùng Duy rồi lặng lẽ bỏ đi. Phần Dung, nhìn người qua kẻ lại tấp nập trong phi trường, cũng chẳng phân biệt được ai ra, ai vào nữa.
Dung không biết có phải Duy thích để tóc dài từ ngày đam mê môn thể thao lướt ván trên sóng (surfing) hay không" Mỗi tuần đôi ba lần đưa con ra biển, Dung nhận thấy phần đông người chơi môn thể thao này thường hay để tóc dài. Khi đã quen mắt nhìn mái tóc bồng bềnh của nam giới tung bay trước gió, Dung cũng nhận ra nét đẹp của nó. Nhưng khổ nỗi, Duy chỉ thích để tóc dài chứ không bao giờ chăm sóc mái tóc. Từ dưới biển bước lên, Duy tắm lại nước ngọt xong, không buồn đưa tay lên vuốt tóc, thật mới khổ cho Dung. Nàng luôn mang theo lược, nhắc nhở con chải tóc nhiều lần, nhưng Duy vẫn chứng nào tật nấy. Dung chỉ còn biết nhìn con mà xót xa dâng lên trong lòng. Những gì Hùng đã hứa với con, Dung luôn cố giữ. Nhưng mỗi khi nhìn mái tóc con, nàng lại không gạt bỏ được những suy tư trĩu nặng trong đầu.
Ngồi nhìn những lọn tóc dài lòa xòa rơi xuống che khuất đôi kính cận mỗi lần Duy cúi xuống ăn. Dung cầm lòng không được, liền "tính kế" khơi lại chuyện tóc tai với con. Chờ Duy ăn gần xong, Dung hỏi:
- Phở mẹ nấu ăn được không con"
Duy ngước mặt lên nhìn mẹ cười:
- Dạ ngon lắm mẹ.
- Ăn ngon sao mẹ không nghe ai nói gì với mẹ vậy"
Duy diễu cợt:
- Mẹ ơi! Sao mẹ lùn quá vậy! còn cái mũi mẹ tròn tròn trông giống trái cà chua quá hà.
Dung buột miệng:
- Đồ chó!
Chọc ghẹo xong, Duy lại ôm mẹ nũng nịu:
- Con cám ơn mẹ nhiều lắm.
Thấy con tỏ tình thương. Dung "lợi dụng" ngay cơ hội, liền làm mặt buồn buồn, khiến Duy ôm mẹ chặt hơn rồi hỏi:
- Sao mẹ buồn vậy mẹ"
Dung than thở:
- Con ơi! Mẹ nuôi con lớn, săn sóc con từ manh quần tấm áo, đến giờ ăn giấc ngủ. Bây giờ con để thân thể con như cái bùi nhùi...
Dung nói chưa dứt câu, Duy buông ngay mẹ ra, vừa cười chọc ghẹo, vừa bước vội vào buồng:
- Tưởng mẹ nói chuyện gì, chứ mẹ lại nhắc chuyện cũ, con để cho mẹ buồn luôn.
Nghĩ mình làm nũng có thể lay chuyển được con, nàng đâu ngờ bị Duy phản ứng quyết liệt như vậy, khiến âm mưu của Dung bị thất bại nặng nề. Lúc Dung kể lại câu chuyện ấy cho chồng, Hùng cười diễu cợt:
- Em có muốn nghe hết những điều anh nghĩ về 2 mẹ con em không"
Dung gật đầu, Hùng tiếp:
- Trước hết là em phạm tội giả dối, kế đến là em vi phạm điều đã giao ước với con. Còn phản ứng của Duy, thoạt nhìn tưởng đó là hành động hỗn hào với mẹ, nhưng nghĩ cho cùng, Duy chỉ bày tỏ điều trong lòng nó nghĩ mà thôi.
Dung cũng đã nhận ra sai lầm của mình. Hùng phân tích tiếp:
- Giờ em đã biết chắc chắn là không thể thay đổi được "lập trường" của Duy trong việc để tóc dài nữa. Em chỉ còn nước phải thay đổi chính em, để có thể nhìn mái tóc con mà không xốn xang trong lòng. Điều này anh cố làm ngay từ khi hứa với nó rồi. Nay thì anh đã quen. Cái đầu tóc của Duy không còn làm anh thấy gai trong mắt nữa.
Kể từ hôm ấy, Dung bắt chước chồng, cố uống toa thuốc "sửa người không được, cần sửa chính mình sao cho thích hợp với người khác". Một thời gian ngắn sau "bịnh tình" nàng thuyên giảm thấy rõ. Cuộc chiến tóc tai giữa mẹ hai mẹ con Dung cũng chấm dứt kể từ đó. Đương nhiên việc để tóc dài, ăn mặc lôi thôi và đôi chân trần của Duy cũng làm họ hàng, thân tộc có một cái nhìn không mấy thiện cảm về Duy.
Một hôm, đưa con đi surf về, Dung ngạc nhiên nhìn Duy vội vàng chạy vào phòng. Lúc trở ra, tóc Duy vẫn nguyên lọn dài lọn ngắn dính với nhau, còn gương mặt, giống như nhìn phản ánh sáng, chỉ thấy rõ hàm răng mỗi khi Duy cười. Con nàng mặc chiếc ka rô màu xám xịt, cũn cỡn, nhăn nheo, còn cái quần ngắn đến trên mắt cá. Dung chẳng hiểu Duy mua chúng ở một "garage sale" hay tiệm bán đồ cũ nào" Ăn mặc như vậy mà Duy còn đứng xoay qua xoay lại như người mẫu, rồi cười hỏi Dung:
- Mẹ thấy con đẹp không" Hôm nay là ngày thằng Dũng ra trường. Lát nữa mẹ đưa con đi dự lễ được không"
Dung lắc lắc cái đầu, cố dịu giọng bảo con:
- Con còn bộ quần áo nào khác không"
Duy ngồi xuống ghế, với tay ôm lấy cây ghi ta vừa đàn vừa cười duyên nói:
- Bộ này đẹp lắm rồi mà mẹ.
Dung gạt bỏ nhanh những vướng mắc trong đầu về hình hài con. Dung cứ tưởng con chẳng thèm quan tâm đến việc gì. Ngờ đâu Duy vẫn còn nhớ đến ngày ra trường của Dũng, đứa em họ lớn hơn Duy đúng 1 tuổi. Dung cũng biết, hôm nay mọi người trong họ hàng, thân tộc sẽ tận mắt nhìn ngắm con người thật của Duy. Nhưng Duy chẳng những không quan tâm đến dư luận mà còn đứng trên dư luận. Dự lễ tốt nghiệp trung học của Dũng trở về. Vừa trông thấy mẹ, Duy liến thoắng:
- Mẹ ơi! Hôm nay vui lắm. Lúc con lại chào mọi người, ông nội nhìn con chằm chằm một lúc rồi thảng thốt kêu lên: "Bà ơi! Bà đâu rồi, ra đây nhìn thằng cháu đích tôn của bà này".
Nói xong Duy cười đắc chí.
*
Tuy cùng cha mẹ sinh ra và được nuôi dưỡng, giáo dục trong một môi trường. Nhưng cá tính Duy và Quốc khác nhau, nhất là lối nói chuyện. Duy hay nói lời giỡn chơi, ý nhị. Còn Quốc không biết nói bóng, nói gió là gì. Một hôm đi học về, nghe Quốc nói, Dung cứ tưởng là Quốc đã biết nói chơi để chọc cho mẹ cười:
- Mẹ ơi! Mấy đứa con gái học lớp 12 thích anh Duy dữ lắm. Nhiều đứa buồn vì không mời được anh Duy cùng đi dự tiệc vào dịp cuối niên học.
Hỏi kỹ lại con, Dung mới hay đó là câu chuyện thật, do Quốc vô tình nghe lóm được ở trong trường. Nàng hết sức ngạc nhiên. Với dáng vẻ bề ngoài của Duy, nếu được một người con gái chọn đi bên cạnh, đã khó hiểu rồi. Nay Quốc bảo có nhiều cô bạn học chung trường muốn mời Duy đi cùng trong cái ngày trọng đại ấy, Dung nghĩ quả là một chuyện lạ trên đời. Sau này bà Ana, mẹ Enick, một trong những cô gái chọn Duy và "hân hạnh" được Duy "nhậm lời" kể với Dung:
- Chị biết không" Hôm Enick đưa Duy đến nhà giới thiệu với tôi. Nhìn Duy, tôi ghé tai Enick hỏi nhỏ: "Sao con không rủ Tom đi với con"". Enick nhăn nhó phản đối: "đây là chuyện riêng của con mà má!"
Thật tội nghiệp cho Enick, đã sửa soạn thật kỹ càng cho buổi vui chơi hôm ấy bao nhiêu, thì Duy lại chẳng có gì để lo. Dung nhắc nhở để đưa con đi mua hay thuê quần áo đến mấy lần, Duy chẳng động tịnh gì, rồi nàng cũng đành phải bỏ mặc. Mãi cho đến lúc Enick đẹp đẽ, vui tươi, hớn hở, lộng lẫy trong chiếc áo dạ hội màu đỏ thắm bước vào nhà. Duy mới vội đi vào phòng lục tìm quần áo. Ít phút sau Duy bước ra phòng khách. Hình hài không khác chi hôm đi dự lễ ra trường đứa em họ là bao. Có hơn chăng là Duy khốc thêm chiếc áo vét cũn cỡn, cũ kỹ lên người. Nhìn hai trẻ bước đi, Dung thấy tội cho Enick. Ngay cả chiếc xe, cũng chẳng hơn gì hình hài Duy. Enick phải tự tay dọn dẹp khá lâu mới có được chỗ trống để ngồi. Nhưng lạ một điều, Enick không tỏ ra chút phiền hà gì về con người đến chiếc xe Duy chạy. Từ lúc Enick đến cho tới lúc rời nhà, hai đứa luôn miệng nói cười líu lo. Chỉ có mình Dung dõi mắt nhìn theo lắc đầu.
Cuộc vui tàn, Duy lôi thôi, lếch thếch về đến nhà lúc gần nửa đêm. Thấy mẹ vẫn còn ngồi đợi mình nơi phòng khách, Duy cười tươi như hoa, chỉ tấm băng vải vàng còn quấn trên người, oang oang khoe:
- Mẹ biết cái này là cái gì không" Đêm nay con được bầu là "King of the night". Đứa nào cũng muốn ôm con nhảy và xin chụp hình chung với con nữa.
Thì ra từ trang phục, mái tóc, cho đến dáng dấp bên ngoài của Duy cũng có nhiều người chấp nhận và cho là "đẹp". Chắc điều này sẽ khiến Dung trăn trở đêm nay.
*
"Cái nết đánh chết cái đẹp", câu tục ngữ được lưu truyền làm khuôn mẫu cho phụ nữ Việt. Giờ đây Dung dùng nó để tự an ủi mình và giúp nàng xóa bỏ phiền muộn mỗi khi đối diện với Duy. Bởi ngoài mái tóc dài và đôi chân trần cùng việc để đồ đạc, phòng ốc bừa bộn ra, Duy không gây thêm một điều gì khác khiến bố mẹ phải phiền lòng.
Ngồi giúp con sửa soạn hành trang nhập trường đại học, Dung cố nén lòng đau nhìn con chim non mà nàng yêu thương, ấp ủ suốt 18 năm dài sắp tung bay vào vùng trời cao rộng. Theo dòng thời gian, niềm nhớ nhung con trong lòng Dung dần vơi đi, và Duy cũng đã quen với cuộc sống mới.
Hôm Dung lên Santa Cruze thăm con, Hai mẹ con thả bộ dọc theo bãi biển. Khí hậu nơi đây lạnh hơn San Diego, nhưng số lượng người ham thích môn thể thao lướt ván trên sóng thì nhiều hơn hẳn nơi nàng sinh sống. Dung say sưa ngắm nhìn bao người ngồi chờ sóng đến trên surfboard hay đang nhịp nhàng uốn lượn thân người cho lướt êm trên đầu ngọn sóng trắng xóa, nối đuôi nhau tiến vào bờ. Dung hỏi con:
- Một tuần con đi surf mấy lần"
- Tùy mẹ ạ, ít bài vở con đi mỗi ngày, còn bận thì đôi ba lần.
Hai mẹ con ngồi xuống một chiếc ghế đá, chờ đợi ngắm cảnh hoàng hôn. Duy cất tiếng hỏi mẹ:
- Mẹ có biết tại sao con để tóc dài và đi chân đất không"
Dung âu yếm:
- Con nói cho mẹ nghe đi!
Duy thong thả nói:
- Mỗi khi ra đường, lỡ gặp một người để mái tóc dài không chải, còn kéo lê đôi chân trần như con. Người ta thường lo tránh xa. Không thấy con đến quấy rầy là họ mừng rồi, chứ đâu có mấy ai nghĩ đến chuyện quấy rầy con. Con không thích chọc phá người khác, con cũng không muốn ai chọc phá con. Nhờ cái vỏ bề ngoài này mà con luôn được yên thân để chú tâm lo việc học hành.
Dung xúc động ngước mặt lên nhìn mái tóc con, nàng không còn thấy nó xốn xang trong mắt. Dung chợt nhận ra những xung đột về đôi chân trần và mái tóc rối trước đây đã khiến Dung ray rứt, đau buồn phát sinh từ việc quá chú tâm vào cái vỏ bên ngoài rồi không nhận ra được cái vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong. Lời con nói đã cho Dung bài học quý giá về việc phán xét người qua cái dáng vẻ bề ngoài.
Chuyến đưa các con về nước lần đầu năm 1995, Dung còn nhận ra thêm một khía cạnh khác nữa cũng liên quan đến mái tóc dài. Trong số những người Hùng say mê, mến mộ có ông Bùi Giáng và Văn Cao. Cả hai ông này đều để tóc dài. Ông Văn Cao thì Dung chưa hân hạnh gặp mặt. Còn ông Bùi Giáng, cả Duy cùng vợ chồng Dung đều được hân hạnh chuyện trò đôi lần. Duy trông chẳng khác gì ông Bùi Giáng. Giáp mặt ông lần đầu qua vài mẫu đối thoại đơn sơ, nàng nhận ra ngay nét thông minh, dễ thương qua dáng vẻ "bụi đời" bên ngoài. Còn với Duy thì nàng lại phải mất quá nhiều thời gian. Dung không hiểu có phải vì tiếng tăm, danh vọng đã chuyển hướng cái nhìn của nàng hay không" Dung chỉ biết nàng đã mâu thuẫn với chính mình qua cung cách nhìn người.
*
Tốt nghiệp cử nhân xong, Duy xin về Việt nam dạy thiện nguyện, theo chương trình VIA, một chương trình xuất phát từ trường đại học Stanford. Để đạt được mộng ước này, Duy cần học thêm về sư phạm và phải trải qua nhiều cuộc phỏng vấn gay go. Tin Duy được nhận về Việt Nam dạy học 2 năm quả là một niềm vui Duy ban tặng cho mọi người trong gia đình. Hôm ra phi trường đón con từ San Francisco trở về, Dung hết sức ngạc nhiên. Nhìn xuống chân con, Dung thấy đôi giày, nhìn lên đầu con, Dung thấy tóc tai con gọn ghẽ. Nàng kinh ngạc hỏi:
- Con cắt tóc hồi nào vậy" Tại sao con lại cắt tóc.
- Dạ, con cắt trước lúc đi phỏng vấn. Con không muốn mái tóc dài làm hỏng đi ước mộng tương lai đời con.
Hiểu thấu tâm tư con, Dung thấy thương và thấy tiếc mái tóc dài đã bị hy sinh cho lý tưởng. Dung nhắm mắt để tìm lại hình bóng cũ con mình.
Câu chuyện tóc tai của mẹ con Dung vẫn chưa chấm dứt. Trước đây nó như cuộc chiến một mất một còn. Nay cũng mái tóc ấy và cũng hai con người ấy, đã biết thực sự chung sống hòa bình. Giờ đây Duy đã ngoài 30, vẫn say mê đèn sách. Mỗi lần Duy từ xa về thăm nhà hay mỗi chuyến Dung đi thăm con. Duy vẫn ngồi xuống cho mẹ o bế cái đầu. Bộ đồ nghề hớt tóc cho chồng con của Dung nay có thêm một cái gương, cho Duy nhìn thấy mái tóc mình mỗi khi ngồi cho mẹ cắt. Chiếc gương bé nhỏ này giúp Dung khỏi cắt phạm đến cái tình mẹ con. Cầm chiếc kéo lên, Dung dịu dàng hỏi con:
- Con muốn mẹ kiểu nào" Cắt dài hay cắt ngắn"
Duy hóm hỉnh mỉm cười đáp:
- Dạ, dài hơn một chút theo ý mẹ, ngắn hơn một tý theo ý con.
Dung cúi xuống hôn nhẹ lên mái tóc con rồi mắng yêu:
- Sao đầu con hôi nắng thế! Lo kiếm vợ mau đi cho mẹ nhờ.

Sapy Đi Đi

Ý kiến bạn đọc
26/09/202213:07:13
Khách
Hello,

We're excited to welcome you to the NaviForce Watches family!

We're inspired by modern military equipment and offer water resistant watches with alloy cases and quartz movement.

Order your watch today directly on http://thenaviforcewatch.com/

We hope you'll enjoy your purchase and please feel free to reach out if you have any questions.

Best,
The NaviForce Watch Team
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,081,092
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.