Hôm nay,  

Giấc Mộng Mua Nhà

30/03/200600:00:00(Xem: 172416)

<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Tác giả 45 tuổi, hiện là cư dân <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />MorenoValley, Californis; Nghề-nghiệp: Hairdresser. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Hair và Hairshow” kể chuyện hành nghề làm tóc dưỡng da ở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai.

*

Vào đầu tháng Ba này, gia đình tôi vui vẻ mừng Birthday tròn tám tuổi của con bé út Cathy.

Đáng lý ra thì nó đã được gọi bằng một cái tên Việt-Nam cho khỏi “Mỹ hoá”! Nhưng là vì hai đứa anh lớn của nó “bàn ra tán vô”trước khi con bé được sinh ra. Đại-khái là dùng tên Mỹ để sau đi học cho dễ gọi, chứ như hai đứa anh lúc qua Mỹ đã sáu bảy tuổi, đi đến trường bằng tên Việt bình thường, mấy tháng đầu nhiều khi thầy cô gọi đến tên mà “không biết”! Hay là mấy đứa bạn Mỹ cùng trường, mỗi lần gọi đến tên “Diệu” tụi nó “nhọn” cả mỏ ra mà cũng không nói đúng được!

Cuối cùng sau những lần bàn thảo, cãi cọ…cả nhà đồng-ý lấy tên Cathy. Tội nghiệp bà xã tôi, muốn con gái mang một cái tên rất là Việt-Nam như Hương, Hiền hay Phượng, Loan…nay đành phải “gọi hớt khúc sau” là Thy cho nó ra vẻ Việt-Nam!

Nhưng chuyện Birthday của con bé thì hoá ra “đơn-giản” so với chuyện mấy đứa con đang dự-định. Chẳng là cũng tháng Ba, tụi nó cũng muốn làm “birthday” hai tuổi cho căn nhà, mà lại không chịu làm chung một lần với Birthday con bé. Tôi thấy cũng vui vui, vì chẳng qua cũng như là mình làm “tân-gia” muộn vậy mà! Nghe tụi nó nói “Birthday nhà” thì thật là buồn cười, tôi nói với tụi nó:

-Chẳng biết ở được bao lâu mà bày chuyện, mai mốt đi nhà khác rồi làm sao mà biết “bớt với lại không bớt”!

-Nhà mình nhà mới mà ba! Ba mẹ là “Origin Owner” mà! Thằng con lớn lý luận.

Tuy vậy tôi và bà xã “trên nguyên-tắc” cũng đồng ý cho tụi nó tổ-chức trong khuôn-khổ gia-đình, chỉ yêu cầu một điều: các cô cậu phải ngăn-nắp, gọn-gàng, phòng đứa nào đứa đó phải tự lo-liệu xếp đặt. Còn việc thêm một bữa party nhẹ thì dễ dàng thôi!

Nghĩ cho cùng, thì lũ con tôi nó mừng cũng phải, vì hơn ba năm trước, chẳng ai trong gia đình tôi lại nghĩ đến chuyện mua nhà. Đang ở trong một căn của khu chung-cư Housing thuộc thành-phố Culver, dầu gì cũng là thành-phố gần biển, khí hậu mát-mẻ, tiền thuê nhà được giảm bớt. Đã có lần vợ tôi đã “dự-đoán”:

-Tụi mình thì coi như giữ căn “áp-pa-men” này mà về hưu luôn. Sau này đứa nào khá mua nhà, nó kêu về ở ké thì khăn gói đi theo đứa đó. Còn nếu tụi nó cũng “áp-pa-men” như mình thì thà cứ ở đây còn có dịp chiều chiều ra biển hóng gió!

Thế nhưng, chẳng ai biết được những gì sẽ xảy ra, cho dù là những điều đã được dự-định, dự-đoán. Vì tháng Ba này gia đình tôi đã dọn vô căn nhà mới này được hai năm. Đôi khi đi làm về nhìn căn nhà sừng-sững đó mà tự hỏi:

-Làm sao mà mình lại có thể mua được căn nhà như thế này nhỉ"

o O o

Gia-đình tôi qua Mỹ cuối năm 1993 theo diện Con Lai Mỹ, lúc đó hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ được người anh độc thân làm giấy sponso về Los Angeles, California. Tới Mỹ chân ướt chân ráo, nhìn phố-phường lạ-lẫm chẳng biết rồi cuộc sống sẽ ra sao. Ông anh bảo:

-Nghỉ ngơi đi chơi đây đó cho biết phố Mỹ, chừng vài ba tháng rồi lại đi làm. Ở Mỹ khi đã đi làm rồi thì coi như không nghỉ. “Cày hoài-hoài chứ không phải chơi đâu”!

Vì có con nhỏ, được trợ cấp hàng tháng cũng tạm đủ. Tôi được cơ-quan chính-phủ giúp đi học nghề. Sau mấy năm, tôi đã có một nghề ổn-định, lúc này gia- đình tôi đã có thêm hai đứa con nữa và đã dọn vào một căn của khu Appartment Housing Culver City.

Tôi luôn-luôn nghĩ đến lời khuyên của một cán-sự xã-hội, người Việt:

-Chính phủ Mỹ họ giúp cho mình, tạo điều-kiện cho mình có cơ-hội vươn lên, chứ đừng “ngủ quên trong trợ-cấp”! Hồi trước tôi cũng vậy thôi, mà còn được giúp nhiều hơn anh chị nữa kìa. Mấy ai qua đây mà không nhận sự giúp đỡ của chính-phủ. Anh chị còn trẻ hãy cố-gắng. Tôi tin là anh chị thành-công.

Lời khuyên đó là động-lực rất mạnh cho vợ chồng tôi nuôi ý-chí. Sau gần sáu năm ở trong khu gia-cư. Tôi đã mở được một business nhỏ để làm ăn. Cái business này là một “vấn-đề” khi bắt đầu. Những người quen biết bảo:

-Tụi bây làm vậy là hỏng rồi! Hết trợ-cấp là chết đó!

Người thì bàn lui:

-Làm ăn bây giờ khó-khăn lắm, suy-nghĩ cho kỹ kẻo rồi trắng tay!

Nhưng đối với tôi, cái business nhỏ này là một “cây cầu” để vợ chồng tôi đi tới, mình còn trẻ mà. Mặc dù lúc đó tôi cũng chẳng ý-niệm được là đi tới chỗ nào, thành-công hay thất-bại. Nếu không bắc một cây cầu mà đi, chẳng lẽ cứ đứng mãi đây. “Có gan làm giàu”! Tôi chẳng mong là sẽ giàu có gì, chỉ mong làm ăn “được được” để cởi cái dây trợ-cấp ra. Nó là một sợi dây giúp mình khỏi tuột dốc, nhưng cứ “lằng-nhằng” không buông ra thì nó lại “vướng-víu”, không lên hết dốc được mà cũng chẳng bị tuột xuống tận cùng. Phải thử mới biết, nếu thất-bại thì lại “đu lấy dây đó” mà trèo lên, lo gì! Nghĩ thế nên tôi nhắm mắt làm liều!

Chỉ hơn một năm sau khi có business thì các khoản trợ-cấp được cắt bỏ. Điều này nằm trong những “bước dự-định” thì đâu có gì đáng ngạc-nhiên! Và với khoản thu-nhập “đủ ăn đủ mặc” như thế thì cắt bỏ là phải rồi. Tôi vừa lo vừa mừng.

Hơn hai năm sau, gia đình tôi vẫn “an-vị” trong khu Housing. Cho đến một buổi tối thứ bảy tháng Chín 2003, tôi gọi phôn thăm hỏi anh Sinh-Nguyễn (Tôi có hai người bạn cùng tên Sinh, nên thường phân-biệt bằng cách gọi cả tên họ), được anh cho biết :

-Sinh-Lê mua nhà rồi Hường biết không"

-Lâu lắm rồi em cũng không gọi phôn thăm nên cũng không biết. Tôi trả lời.

Anh Sinh-Nguyễn kể lại:

-Mấy hôm truớc đi Home Depot tình-cờ gặp Sinh-Lê. Sinh nói là lúc này bận rộn lắm, vì mới mua nhà ở Riverside, và cũng sắp sửa cưới vợ. Nghe Sinh nói là nhà đang xây, có lẽ mấy tháng nữa mới xong.

Nghe chuyện mua nhà, đụng đến “Americans’ Dream” làm tôi cũng cảm thấy nôn-nóng muốn biết rõ ra sao. Sáng hôm sau, Chủ-nhật tôi gọi cho Sinh-Lê.

-Sinh mua xong rồi, nhà bốn phòng ở Moreno Valley chứ không phải ở Riverside đâu. Đi Freeway 60 East qua khỏi Riverside thì mới tới. Từ Los Angeles tới đó chừng một giờ lái xe. Có lẽ cuối tháng Mười Một này thì nhận nhà. Sau Noel Sinh cưới vợ rồi về ở nhà mới luôn.

Nghe Sinh-Lê kể chuyện về nhà cửa, giá cả đang lên vùn-vụt “chóng mặt”, và phân lời thì lại đang “hạ cánh” nhẹ-nhàng. Căn nhà của Sinh mua bây giờ cũng chính là căn mà Sinh đã đặt tiền cọc mua trước đó hai tháng. Sau khi chọn nhà đặt cọc, rồi vì phân vân giữa nhiều vấn-đề, Sinh đã huỷ bỏ hợp-đồng, lấy lại tiền cọc. Hai tháng sau, Sinh lật-đật chạy xuống ghi tên điền đơn mua tiếp. Lần này cũng căn nhà đó, ở một vị-trí khác, Sinh phải trả thêm hai chục ngàn nữa để mua nó. Sinh cho biết là nhà cỡ to, cỡ nhỏ gì cũng có. Giá cả thì cũng không đến nỗi mắc, vì đây là khu ngoại-ô đang phát-triển, nếu mình mua nhà nhỏ một chút, nhưng vẫn đủ ba phòng thì chắc-chắn không đến hai trăm.

Dù chưa bao giờ có suy-nghĩ sẽ mua nhà, nhưng tôi vẫn có cảm-tưởng nao- nao trong dạ, làm một “con tính” chớp nhoáng việc “mua, down, payment” xem có trong tầm tay không" Khoảng hai trăm, tương-đối dễ chịu! Mua hay không mua thì cũng chạy ra đó chơi cho biết. Tôi liền hẹn Sinh sáng ngày Lễ Lao-Động mồng hai tháng Chín này nghỉ làm lái xe xuống đó cho biết rõ nguồn cơn. Vợ tôi chẳng mấy tin là đi mua nhà. Tôi bảo:

- Vậy thì đi luôn cả nhà cho biết ra sao. Mua hay không tính sau!

Từ Freeway 60 East xuống exit Day Street tới căn nhà của Sinh chỉ mấy phút. Khu nhà này đã bán hết, mặc dù một số còn đang nền đất chưa có chút xi- măng, viên gạch nào trên đó!

Xuống thêm chừng năm dặm nữa thì có một khu cũng đang xây. Rẽ xuống exit Nason Avenue thấy cây cỏ hai bên bờ um-tùm, con đường nhỏ nứt-nẻ. Có lẽ cả ngày chỉ có vài ba xe lên xuống exit này nên nó mới ra nông-nỗi thế! Chung quanh thì núi đá khô cằn, tưởng chừng như cả chục năm nay không có lấy một giọt mưa! Khô đâu mà “khô-khốc” thế! Vợ tôi buột miệng:

-Ở chỗ này à! Có thấy nhà cửa chi mô!

Qua Valley View High School là tới khu đất trống đang xây. Nói đang xây, chứ thực ra đang ủi nền, chia lô nhỏ. Rải rác quanh khu-vực cũng có một số nhà cửa chắc là ở đây lâu lắm rồi. Vào tới Office thì mới biết hôm nay là ngày Lễ Lao Động 2-9 đóng cửa. Vậy là cùng với Sinh chạy lòng-vòng xem cho biết “hàng xóm”. Khu nhà này mang tên Campus Park, có lẽ là vì cả ba trường Elementary, Middle, High School, nằm gần nhau trong cùng một khu đất, dính liền với khu nhà đang xây. Tôi nói với Sinh:

-Mua nhà ở đây thì buổi sáng nào cũng có thể được“ăn cơm chiên”!

-Sao vậy" Vợ tôi thắc mắc.

Tôi bật cười:

-Thì con cái nó đi học gần thế đâu cần chở, mình “ngủ rán” thêm được, không phải là ăn cơm chiên à!

Và đây là điểm tôi ưng ý nhất. Rất khó mà tìm thuê một chỗ ở gần cả ba trường học như thế, chứ đừng nói là mua nhà. Tôi nhớ mỗi buổi sáng ở Culver city lái xe chở mấy đứa con đi học mà phát sốt. Trường học cũng không xa lắm, nhưng cùng một lúc hàng trăm xe phụ -huynh chở con tới trường. Mấy ngã tư có bảng stop gần trường xe xếp hàng dài cả trăm mét, lắm lúc thằng con sốt ruột sợ trễ, nó xuống xe đi bộ cả block đường.

Sinh góp ý:

-Nếu anh chị có ý-định thực muốn mua thì ngày mai chạy tới đây lần nữa, lấy đơn điền nộp cho nó càng sớm càng tốt. Thà cứ nộp đơn sớm để tên mình lên “list” sớm, rồi không mua cũng không sao. Mà dù có mua xong, đặt cọc rồi sau đó không thích nữa thì gọi nó “cancel” lấy lại tiền cọc. Chứ ngần-ngừ, tên mình nằm sau mua mắc hơn. Mỗi “phase”cách nhau cỡ hai tuần giá lên từ năm ngàn đến bảy ngàn rưỡi.

Tôi tin điều Sinh nói, vì kinh-nghiệm “đau thương” mà Sinh nói lại: phải trả thêm hơn hai chục ngàn để mua căn nhà y chang đã cancel trước đó. Thích thì thích thật, ai mà không ham khi nhìn thấy nhà mới còn thơm mùi gỗ, đất còn phơi đỏ, cỏ chưa mọc! Nhưng phân-vân vô cùng, nên hay không nên, liệu mua rồi có giữ được không" Tiền “down” được bao nhiêu đây, đếm đi đếm lại, cộng tới cộng lui cũng chỉ chừng đó. Chưa kể là mình đã có “cơ-sở” làm ăn ở Culver City rồi, move xuống đây cách xa một giờ lái xe, chẵng lẽ ngày ngày lái xe đi làm như thế thì chịu sao nổi!

Thêm nữa, ở vùng Riverside này thời tiết có vẻ “hot” hơn trên vùng biển Culver. Cái nóng thì nói vậy thôi, hồi xưa ở Việt-Nam cũng nóng có thấy chết ai đâu. Ở Mỹ này hơi nóng lạnh một chút la trời rồi! Hầu như công việc ai cũng làm ở trong nhà suốt ngày thì lo gì nóng với lạnh. Lo có cái nhà hay không mới đáng để lo chứ!

Bà xã tôi thì có vẻ coi như chuyện mua nhà là chuyện vui thôi, vì từ xưa tới giờ đã bao giờ nghĩ đến chuyện mua nhà đâu. Nhưng tôi suy nghĩ lung lắm. Giá cả thì quá rẻ so với nhà ở Culver City hay ở quận Cam. Tôi thấy rõ ràng của đáp số: ở tại đây thì ngay cả đến đời con mình nó cũng khó có thể mua nhà, chứ đừng nói gì mình! Nhà nào dù nhỏ cũ kỹ cũng tròm trèm nửa triệu làm sao mua.

Ra ngoài đó, có vẻ “khỉ ho cò gáy” đi nữa thì mình cũng có cơ hội làm chủ một căn nhà. Và giá cả thì “rán một chút” là nó cũng trong tầm tay! Cái business thì …bán đi rồi xuống đó làm lại! Thật là bài toán hóc búa! Mua nhà xong thì bán tiệm. Chết thật! Cái tiệm đẻ ra tiền cho mình mua nhà, để trả “payment” hàng tháng, nay bán đi xuống đó biết ra sao" Người ta bán nhà, hay lấy tiền “equity” trong nhà để làm business, mình lại bán tiệm để mua nhà!

Hỏi ý kiến hai thằng con lớn, đứa nào cũng không muốn “move” đi, xa bè bạn, chẳng biết trường học ra sao" Tôi động-viên tụi nó:

-Hồi xưa ba mẹ chẳng biết đất Mỹ ra sao mà còn dám bỏ nhà bỏ cửa ở Việt-Nam để ra đi. Chẳng lẽ bây giờ tụi con không dám move đi thành phố khác để có cái nhà sao" Ở Mỹ đâu cũng vậy thôi! Cũng “Walmart”, cũng chợ “Food4less”, cũng “McDonald’s”, cũng trường học như nhau cả thôi! Ở đâu rồi quen đó, đừng lo!

Ngày hôm sau, tôi nghỉ làm một buổi lái xe xuống Moreno Valley lấy đơn điền và nộp ngay. Cô Mỹ trắng còn nhắc nhở tôi mấy lần:

-“You’re lucky. Next Saturday will be the second phase; only four days waiting”!

Giọng điệu ngọt-ngào của cô ta làm cho tôi chưa mua được nhà mà đã thấy thoải mái rồi! Cô ta cho tôi cái địa chỉ ở thành-phố Corona để tới đó xem nhà mẫu. Trong cái xấp “catalog” cô ta đưa cho tôi thì có đủ hình vẽ, kích cỡ của bốn “plan” nhà (mỗi plan khác nhau về kích thước, lớn nhỏ theo thứ tự plan một tới plan bốn), mỗi plan có ba kiểu mẫu khác nhau, còn kích thước bằng nhau (mỗi kiểu mẫu chỉ khác nhau mặt tiền nhà mà thôi).

Rồi cũng tới ngày thứ bảy, tôi và thằng con lớn cùng đi. Tới nơi thì người ta đã đứng sắp một hàng dài. Thật là ngạc nhiên khi thấy vậy! Cô Mỹ trắng nói là mười giờ mới mở cửa, mình thuộc loại lo xa, đến nơi là đúng chín giờ, nghĩ rằng còn quá sớm, hoá ra người ta còn nôn nóng hơn cả mình nữa!

Sinh cũng đã có nói là dân đi mua nhà họ đi sớm lắm, mặc dù thứ tự được gọi lên để chọn nhà đã có sẵn theo ưu tiên ai nộp đơn trước thì gọi trước, dù có sắp hàng trước thì cũng phải chờ.

Theo thông báo của Office thì hôm nay họ sẽ bán ra mười hai căn nhà to có nhỏ có. Tôi liếc nhanh ước lượng số người sắp hàng có đến cỡ bảy chục người, thật sự thì có rất nhiều nhà cũng như tôi, nhà chỉ mua một cái, nhưng đi hai hoặc ba người để hỏi ý kiến nhau, để cho biết, chẳng gì cũng mua căn nhà chứ có phải cái tủ lạnh hay máy giặt máy sấy đâu!

Dù cho vậy đi nữa thì cũng thật là quá sức tưởng tượng. Chỉ có mười hai căn mà thôi! Sao họ không gọi tên mà bán phứt đi cho rồi, để khách hàng phải mất công đi lại mấy lần! Ở Việt-Nam, người ta gọi khách hàng là “Thượng-đế”, còn ở đây các đấng “Thượng-đế” phải sắp hàng!

-Vậy mới ăn tiền chứ! Mỗi phase họ lên giá năm bảy ngàn, mà người đi mua đâu có bỏ cuộc. Lại càng cứ muốn đi sớm may ra mua được sớm! Sinh-Lê đã nói vậy.

Ghi tên xong, đợi đúng mười giờ thì office bắt đầu gọi tên. Giờ phút “trọng đại” rồi cũng đến, cô thư ký ra gọi một lúc ba người vào. Chao ôi! Nhìn thiên hạ vào trong office chọn nhà mà thầm mong sao cho sớm đến phiên mình. Tôi cũng đã đoán trước là hôm nay thì tên mình chắc chắn là không được gọi, nhưng Sinh có dặn là mình nên đi để tên mình luôn luôn nằm theo thứ tự ưu tiên, nếu không đi thì người nộp đơn sau mà họ đi thì họ được list trước mình. Hơn nữa cứ đi, nhỡ may ai đó họ hoãn lại chưa mua vì chưa có kiểu nhà họ thích, hoặc vị trí họ cũng không thích, trường hợp đó người kế tiếp được gọi.

Nhìn cái cảnh sắp hàng đứng dưới “nắng chang chang đốt cháy da người” để chờ mua nhà thì quả thật nhà bán đắt như tôm tươi! Tôm tươi không mua được bữa nay thì vài bữa cũng có, chứ nhà mà không sắp hàng đợi mua thì chẳng bao giờ tới phiên mình!

Khoảng mười một giờ rưỡi thì khách hàng hao hơn phân nửa, nhà thì chỉ còn vài cái, cô thư ký loan báo là mọi người có thể về, chờ thư báo “next phase”! Tôi hỏi thằng con:

-Sao" Về chưa"

-Chờ nữa đã ba, lỡ có ai phút cuối bỏ thì mình mua!

Xem ra thì thằng con “thấy hơi nhà” còn ham hơn mình. Mới nộp đơn sáng thứ ba mà thứ bảy này có thể mua được nhà, thì có mà “nhà trong hộp giấy đó chứ con”! Cuối cùng thì nó cũng đành chịu thua! Thua là cái chắc rồi! Nhà đâu còn nữa mà mua, nắng thì cứ như là ai “đốt lửa sau cổ”. Cu Sang đề nghị:

-Mình về ghé xem nhà mẫu đi ba.

Trên đường về, hai cha con ghé vào thành-phố Corona xem nhà mẫu. Lại thêm một lần được “nung nấu” cái mộng ước mua nhà.

Nhà mẫu cũng như người mẫu, được trang điểm, thoa son đánh phấn “từ đầu đến gót chân”! Từ ngoài lối vào, cho đến trong cái “restroom”, ra tận sân sau. Tất cả đều được sắp xếp bày biện gọn gàng, đúng kiểu cách của một căn nhà “model”. Tiếng nhạc nhè nhẹ phát ra từ mấy cái speaker surround sound trên trần nhà, cộng với không-khí được máy điều hoà mát rượi, làm ai cũng có cảm-tưởng “a dream come true” thật gần!

Tôi nói với con:

-Nhà mình thì không cần phải nhiều thì giờ lựa chọn, cứ cái nào rẻ nhất là của mình. To nhỏ không cần thiết đâu.

-Phải có bốn phòng ba ạ. Nhất định là con phải có riêng một phòng! Cu Sang xí phần.

-Nhưng plan một, chỉ có ba phòng mà! Tôi nhắc nó.

-Thì mình mua plan two, chỉ mắc hơn có mười mấy ngàn mà có thêm một phòng, lại rộng rãi trước sau.

Coi hết nhà mẫu này qua nhà mẫu khác, tôi chẳng nghĩ đến tiền phải trả hàng tháng, mà chỉ nghĩ: “Ừ! Thằng cu Sang có lý, thêm một phòng mà cũng chỉ thêm mười mấy ngàn. Nếu mình mua nhà ba phòng, sau này thuê thợ “ad” thêm chắc còn tốn hơn nữa chứ chẳng không đâu! Lại còn “permit” của City nữa. Vậy sao không “mua mẹ nó” bây giờ tiện hơn!

Thế là cha con tràn-trề hy-vọng ra về. Từ plan one ngày đi nộp đơn nay đã nhảy lên plan two. Chỉ có “mười mấy ngàn” sao nó nhẹ-nhàng thế!

Về nhà thằng con bô bô kể chuyện mua nhà cho bà xã tôi nghe. Vợ tôi cũng không thắc-mắc chi mấy về cái vụ plan một hay hai, chỉ hỏi:

-Thế bây giờ cha con định mua nhà bốn phòng à"

Thay đổi “chút ít” đó, chẳng làm ai bận-tâm cho lắm! Có lẽ vì đã có cái bill nào đâu! Tất cả mới chỉ được vẽ ra bằng “mồm” mà thôi!

Thấm-thoát hai tuần trôi qua. Nó dài bằng cả hai năm. Lần này rút kinh- nghiệm, thằng con mang theo hai cái ghế xếp. Trong lúc chờ đợi giăng ra mà ngồi cho đỡ mỏi chân. Thiên hạ ngoài ghế xếp còn mang theo cả dù che. Còn nước uống thì đã có office bán nhà cho free, được ướp đá lạnh buốt, thật là chu-đáo. Lần này nhìn thấy số người cũng vậy, số nhà bán đến mười lăm căn. Hy-vọng thêm một chút. Thằng con trai, cu Sang sau lần đầu hai tuần trước còn bỡ-ngỡ, bây giờ cu cậu quay ngang quay dọc hỏi thăm mấy người đứng quanh nó. Sau một lúc “you me home house”! Nó quay lại tôi báo-cáo:

-Ai cũng mua nhà plan three plan four ba ạ! Nhà rộng nhiều phòng, sau này có bán cũng dễ.

Mẹ nó! Chưa mua đã tính nước bán rồi. Tôi trả lời:

-Vậy thì mấy cái còn lại mình dễ mua, có gì đâu!

-Nhưng ba coi này! Cu Sang giơ cái list cho tôi xem. Nhà plan three cũng chỉ hơn plan two có mười mấy ngàn, mà ngoài bốn phòng còn có thêm cái loft, cái phòng học nữa. Nhà mình bốn đứa đi học, phải có cái phòng học ba ạ!

Tôi nghe cũng có lý, tụi nó lớn nhất là cu Sang mới có mười sáu tuổi, tất cả còn học hành lâu dài, vậy nếu thêm mười mấy ngàn mà có thêm hai cái phòng cho tụi nó thì cũng “còn rẻ chán”!

Hôm đó thứ tự tên tôi đã lên gần tới “top”, vì có nhiều người tự ý rời bỏ hàng ngũ vì vị-trí nhà chưa thích hợp, hoặc kiểu mẫu không ưng ý và cũng vì biết rằng tên mình còn xa lắc xa lơ mới tới. Một số thì đã mua được nhà và hân-hoan “ôm nợ” sung-sướng ra về. Tôi và cu Sang nấn ná đến tận phút cuối. Có một căn plan two đã bán, nhưng “chủ nhà” được hẹn quay lại sau mười hai giờ trưa để hoàn-tất sơ khởi hợp-đồng và đóng tiền cọc thì không thấy bóng dáng đâu. Chỉ còn ba bốn người ở lại. Cô thư-ký của office sau mười phút đợi tuyên-bố:

-Chỉ năm phút nữa thôi. Quí vị nào có tên tiếp đó sẽ có quyền mua căn nhà này.

Cha mẹ ơi! Tim tôi đập thình-thịch.Tên của tôi đúng là tiếp theo đó! Cu Sang ngập-ngừng:

-Mình được mua rồi ba ạ…Tên ba đó kìa! Nhưng… nhà này không có loft, không có phòng học.

Tôi trấn-an nó:

-Đừng lo, sau này thì mình thuê thợ “add” thêm, lo gì! Đất rộng mà!

-Nhưng mà mỗi lần làm là khó khăn lắm ba ơi!

Phút cuối, ông “chủ nhà” xuất-hiện cứu nguy cho cha con tôi, vì trong chốc lát mọi dự kiến đảo ngược làm cả hai cha con đâm ra lúng túng chẳng biết tính thế nào. Tưởng lần này có cơ may “xách” được cái nhà về cho mẹ nó mừng. Vậy là yên chuyện, cha con ra về tay không lần thứ hai, nhưng nhà thì đã “bò lên” plan three! Tất nhiên giá cũng lên “có mười mấy ngàn” lần này, cộng với mười mấy ngàn lần trước! Tôi cũng như thằng con cứ nghĩ đến nhà mấy phòng, mà không nghĩ một tháng thì trả bao nhiêu!

Về đến tiệm, cu Sang tường-trình mọi chuyện cho mẹ nghe. Cái mục suýt mua được nhà làm vợ tôi cũng hồi-hộp, mà quên bẵng đi là khi mua căn nhà plan three thì phải thêm mười mấy ngàn. Lại thêm lời cu Sang thuyết minh cho cái loft thật hấp dẫn:

-Cái loft nhà mẫu họ để một bộ sofa, tivi.Thí dụ nếu ba mẹ có khách thì tụi con rút lên loft xem tivi, không có ồn ào gì bên dưới cả. Còn đứa nào muốn học thì qua phòng học, có chỗ để computer, để sách vở, backpack. Nhà rộng lắm mẹ ơi, ba ngàn square feet mà! Ai cũng chọn plan three hay là plan four hết!

Vợ tôi nghe cu Sang dẫn-giải cuối cùng chỉ phụ-hoạ một câu:

-Chà! Nhà vậy thì thích nhỉ!

Tôi nghe “nhoi nhói” trong bụng, mình liều hết bước này sang bước khác, chẳng biết rồi sẽ ra sao. Tôi gọi phone hỏi “Lender”. Ông Nam cho biết nếu mượn Ngân hàng chừng đó thì mỗi tháng payment chừng này... Tôi thấy chênh lệch cũng không nhiều lắm, thôi thì cứ liều. “Nhất cử lưỡng tiện”! Mua cho đủ phòng bây giờ, sau này khỏi lo chuyện làm thêm! Nhìn thấy thằng con hí-hửng, bà vợ tươi-cười trong niềm hy-vọng sẽ “một sớm một chiều” ngủ trong căn nhà mới, tôi thấy cũng tạm quên đi “cái cục nợ” nó đã bắt đầu nằng nặng trong lòng!

Rồi hai tuần lại qua đi. Tam ba bận! Lần này thì chắc mẻm là “đưa nhà về”! Vì tên tôi đứng gần đầu list, tuy vậy, nhìn vào bản đồ khu xây nhà, cha con cũng có dự kiến vài ba cái ở các vị-trí khác nhau, lỡ may có người chọn trước cái này thì mình lấy cái khác. Càng chắc ăn mình mua được nhà, thì lại càng nôn nóng đi sớm.

Đến nơi chưa tới chín giờ, nhưng hàng người thì lớp đứng lớp ngồi lòng vòng ra gần tới đường cái. Nhà chỉ có mười bốn căn để chọn. Nhưng càng về sau số người sắp hàng lại thấy dài ra. Thế mới biết người ta gọi là “cơn sốt nhà đất” cũng phải! Càng đắt giá, người ta càng chen nhau mua.

Nghe gọi đến tên, cha con hớn-hở bước vào office để chọn nhà. Thật không có nỗi vui nào cho bằng. Nhà plan three còn nguyên vẹn năm cái chưa ai “rớ” vào cả, vì tôi là một trong mấy người đầu tiên được gọi tên vào trước. Cha con bàn tính trước rồi, chọn căn nằm ngay “corner lot”, vì nhà mình những bốn đứa con nít, thằng Paul với con Cathy hay lè-nhè nhất, có làm ồn-ào hàng xóm thì cũng chỉ một bên mà thôi, hai phía là đường, phía sau hai cái “backyard” cộng lại thì dù ông hàng xóm có giương tai lên cũng khó mà nghe rõ, chứ đừng nói phiền hà gì.

Nhưng, lại “nhưng nhị nữa”, là vì muốn nhà ở góc đường phải trả thêm ba ngàn đô. Hai lần mười mấy ngàn rồi, lần này thêm ba ngàn thì thấy chẳng nhằm nhò gì! “Bút sa gà chết”! Cha con hí-hửng bước ra khỏi office mà lòng sung-sướng như trúng số. Vội vàng đi tới chỗ đất nhà mình xem lại cho biết chắc là có cái “lot” số 111 nằm đó không. Đứng trên nền xi-măng, cu Sang tươi cười vung nắm tay la lên:

-“I got it”!

Còn tôi thì “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”! Sung-sướng thì sung-sướng thật, nhưng nghĩ tới món nợ khổng-lồ trả ba mươi năm mà thấy tê-tái tâm can! Tôi nói với cu Sang:

-Vậy là mua được nhà. Nhà càng to nợ càng lớn. Ít nữa rán đi làm mà phụ ba mẹ trả tiền nhà nhé!

-Don’t worry! Cu Sang vui-vẻ trả lời một cách nhẹ-nhàng.

Khỏi nói, lần này câu chuyện vui như bắp nổ. Nghĩ đến căn nhà ai nấy như đang đi trong mơ. Từ cái ngày nghe chuyện Sinh Lê mua nhà, lúc đó trong nhà tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là sẽ mua nhà, vậy mà chỉ vỏn vẹn năm tuần lễ, trong tay tôi đã có giấy biên-nhận đặt cọc mua nhà. Thêm một tuần nữa là sẽ chính-thức ký giấy hợp-đồng mua nhà. Có vẻ đơn giản mau mắn thật!

Ngày ký giấy tờ, tôi và bà xã phải cùng đi để ký tên. Cu Sang cũng đi để có gì nó thong-dịch cho nữa chứ. Nhìn đống giấy tờ dày cộm, tôi thầm nghĩ, cô Mỹ trắng đó chắc cũng chưa bao giờ đọc hết, chứ đừng nói tiếng Anh ấm ớ như tôi. Mang đống giấy tờ này về rồi cũng để đó, chắc lúc nào về hưu nếu còn nhà thì giở ra xem cho đỡ buồn, chứ còn bây giờ để tiết kiệm thì giờ cô thư-ký cũng chỉ giải thích đại-khái. Cô ta vừa nói “sign here” vừa chỉ vào đâu thì vợ chồng tôi ký vào đó. Tôi nghĩ vợ tôi chắc cũng như tôi, hí ha hí hửng nghĩ đến nhà mới là ký cái “vèo”, chứ đâu có nghĩ rằng đang sắp từng “cục nợ” lên lưng!

Sinh-Lê cũng đã có nói là thủ tục giấy tờ nhanh lắm, Builder họ làm ăn đàng-hoàng đừng lo. Yên chí vậy nên tôi ký mà không bận-tâm gì cả. Có người bạn giúp cho tận-tình như vậy cũng thật là may-mắn!

Bốn tháng chờ đợi nhà mới, là những ngày tháng “thơ-mộng” nhất. Có lẽ phải ví von như là trai tân chờ đợi đón cô dâu về nhà chồng, hay ít ra cũng như “chàng” đợi người yêu trong một cuộc hẹn hò lãng-mạn!

Vợ chồng tôi cũng như mấy đứa con, người thích trang-trí như thế này, như thế khác. Mấy đứa con còn giành nhau phòng ngủ chỗ nào cho tiện gần restroom, gần cầu thang đi xuống…Thôi thì đủ thứ thêu hoa dệt mộng cho ngôi nhà mới!

Để món nợ không quá nhiều, tôi không “option” thêm gì cả, cứ Builder xây thế nào thì lấy thế ấy. Mình cốt có cái nhà thôi mà! Mấy cái “lẻ tẻ” như lót gạch thay thảm, cầu thang bằng gỗ tốt, granite cho nhà bếp, surround sound speaker…không có nó cũng chẳng chết ai! Đỡ đồng nào hay đồng đó.

Trước ngày vào Escrow để trả tiền “down” và ký giấy tờ, Builder đã cho một ngày hẹn gọi là “walk through”, mình cùng với người nhà của Builder duyệt lại lần cuối xem có chỗ nào hư hỏng, nứt nẻ gì thì họ sẽ sữa chữa trước khi mình nhận nhà. Từ thuở “cha sinh mẹ đẻ” tới giờ đã bao giờ được ở trong một căn nhà mới như thế này đâu, cho nên xem chỗ nào cũng thấy “perfect” cả! Chỉ mong là nó đừng có trục- trặc gì về giấy tờ để mau đến ngày mà dọn vô.

Sinh Lê là người có cái may mắn hát câu: “Cho tôi được một lần …dìu em sang nhà mới…” thật trọn vẹn, vì sau đám cưới dịp Noel anh chị lên xe chạy một mạch về nhà mới. Thật là hạnh phúc vô cùng!

Tôi thì muộn rồi! Bốn đứa chứ ít ỏi gì đâu! Đành “dẫn con, giục vợ dọn đồ lẹ lên mà move” vô nhà mới. Nói vậy thôi, chứ mừng hết lớn! Trước sau gì cũng nhà mới mà! Có lũ nhỏ càng thêm vui cửa vui nhà nữa chứ!

Chiếc xe U-haul cỡ trung-bình chật cứng đồ đạc, cà-rịch cà-tàng rồi cũng tới được nhà mới trước khi trời tối. Đêm đó, cả nhà trải mền ra nằm dưới sàn ngủ một giấc êm-đềm “đầy mộng đẹp”!

Người ta nói “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”! Chẳng những là đúng cho cái chuyện tình-cảm yêu thương trai gái, mà còn đúng cho trường hợp vay nợ mua nhà trả góp như tôi nữa.

Dọn xuống nhà mới, đầu tháng Ba ở Moreno Valley thời tiết đang mùa lạnh nhất trong năm, tội gì không mở máy heat lên sưởi cho ấm, bù lại những ngày ở chung cư cứ tằn tiện góp nhặt. Nhà lớn, nhiều phòng điện đóm lung-tung, tụi nhỏ phòng nào cũng mở sáng trưng. Bãi cỏ trước nhà sáng chiều đều tự động tưới ngập nước. Lại còn rác nữa, phải gọi sở Vệ-sinh mang đến cho mấy cái thùng bự đựng rác, lớp thùng rác giục bỏ, lớp thùng rác recycle. Mọi thứ đều thoải-mái, tiện-nghi…

“Loạt” bill đầu tiên gởi về thùng thư nhà mới làm tôi choáng váng! Chẳng là từ trước tới khi mua nhà, gia đình tôi ở chung-cư, mà lại chung-cư Housing nữa, chẳng bao giờ bận-tâm đến tiền nước, tiền rác, tiền gas…Nay thì không thiếu một thứ nào khỏi trả bill!

Tối đến, tôi đặt “xấp” bill lên bàn ăn để thông báo cho “mọi người” biết tổng số tiền phải trả trong tháng đầu tiên vừa rồi. Đồng thời yêu cầu “bà con” phải giới hạn tất cả các “sinh hoạt không cần thiết”, để tránh…“nhà mất, nợ mang”!

Cũng may là lũ nhỏ nhà tôi dễ nói, nhất là đã nhìn tận mắt, sờ tận tay mấy cái bill trả tiền nợ nhà ,tiền gas, điện, nước, rác… Tụi nó cũng lo mất nhà lắm chứ! Ở đây rồi bây giờ nói chuyện về lại appartment thì khó vô cùng, trừ ra “mất nhà”!

o O o

Bây giờ đã gần hai năm ở trong căn nhà này. Đã có kinh-nghiệm “điều chỉnh âm-thanh vừa đủ nghe”! Nên tương-đối ổn-định đâu vào đó. Cái business bán đi giờ cũng đã mua lại được rồi. Các khu đất trống chung-quanh đã được xây lên rất nhiều nhà cửa và shopping mới như Target, Walmart... Ngày càng thấy dân cư đông-đảo, xe cộ qua lại tấp-nập. Và giá cả nhà cửa thì khỏi nói, “lên như diều gặp gió”! Nếu không mua cách đây hai năm thì bây giờ chắc cũng chỉ nằm mơ mà thôi.

Cám ơn Trời đất đã cho gặp được cơ may. Cám ơn Sinh Lê, người bạn đã khuyến khích mình mua được căn nhà đẹp.

Mới hôm qua, vợ chồng ngồi bàn tính chuyện lũ nhóc làm “Birthday” cho nhà, tôi nói với bà xã:

-Coi như mình làm tiệc Tân-gia vậy! Thì cũng chỉ vài ba người quen và lũ bạn của mấy đứa nhỏ chứ đâu có đông đảo gì.

-Nhưng nhà mình ở cả hai năm rồi, còn “Tân-gia” gì nữa! Vợ tôi e-ngại.

Tôi cười:

-Đâu có sao, ở Mỹ mà, tiện lúc nào làm lúc đó. Thế em không thấy là có nhiều cặp ở với nhau có con, rồi mới tổ chức đình đám tiệc “Tân-hôn” à. Chuyện bình-thường mà.

Bà xã lườm tôi một cái rồi đứng dậy tới bếp nấu nướng. Nhìn dáng của “nàng” có “đẫy-đà” hơn thời con gái nhiều, nhưng nói chung thì vẫn còn duyên lắm! Nhất là từ dạo dọn vô căn nhà mới này.

Đặng-Xuân-Hường

Ý kiến bạn đọc
19/01/202002:44:31
Khách
chuc mung tac gia va gia dinh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,696,247
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến