Hôm nay,  

Nỗi Lòng Việt Kiều

21/02/200600:00:00(Xem: 164561)
Người viết: PHAN TỊNH TÂM

Bài số 942-1542-266-vb7021806

*

Tác giả sinh năm 1950 tại Đà Nẵng, định cư tại Hoa Kỳ năm 1993, diện ODP, đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất của bà.

*

Tháng chạp năm rồi Phụng về Việt Nam ăn tết, phi trường đông nghẹt người, hai cô em chồng ra đón có thêm bà người làm cùng đi. Gia đình chồng đông anh em, mẹ chồng lo cho các con đi vượt biên hết, ngày đứa út đi sau cùng trót lọt, công an phường mời mẹ chồng ra phường làm việc, sau đó mẹ đi tù hết hơn năm vì tội "đầu têu tổ chức vượt biên." Ông con cả đi tù cải tạo về (giờ là chồng của Phụng) đem mẹ đi Mỹ theo diện H.O, căn lầu 5 tầng ở Trần Hưng Đạo giao cho 2 cô em chồng cùng cha khác mẹ quản lý, tầng 2 cho bà người làm ngày xưa ở để hương khói ông bà tổ tiên.

Tết Phụng về, ra đón Phụng bà người làm dắt theo một chàng thanh niên 22 tuổi tên là Bình. Nhà ở tầng 2 có 2 phòng rộng, cách cầu thang có 1 phòng, chàng thanh niên được ở phòng nớ. Phụng hỏi:

- Bà cho thằng nớ thuê phòng hả" Hỏi ý kiến anh em bên Mỹ chưa"

- Chưa, thằng nớ là sinh viên nghèo không tiền, tui chỉ cho ở nhờ.

Nghe nói hắn là sinh viên nghèo Phụng làm thinh, thấy cử chỉ của bà người làm và chàng Bình khác thường nhưng Phụng không dám nghĩ bậy, chàng ni 22 tuổi, con mẹ ni 70 tuổi nhưng 3 ngày sau Phụng ra restroom cạnh phòng chàng nớ ở, cửa chính mở, cửa sổ đóng, thằng Bình nằm dưới nền gạch bông, mẹ người làm ngồi chổng mông hôn môi chàng nớ. Phụng choáng nhưng làm thinh vì quá kinh không biết làm răng hỏi, con trai mẹ đã 50 tuổi, chàng ni mới 22. Ba ngày sau bình tĩnh lại, Phụng mời con mẻ qua phòng nói chuyện:

- Em biết chị Hai bị chồng bỏ đã lâu, chị muốn bước thêm bước nữa cũng là chuyện thường tình nhưng tìm người cùng tuổi với mình để nương tựa, chị cứ đem về đây ở, anh em bên Mỹ có biết chuyện cũng vui vẻ và thông cảm thôi.

- Dạ! cô.

Nhưng dạ cô thì dạ, mấy ngày sau đi chợ tết về cửa phòng ngủ của Phụng bị chốt bên trong, kêu cửa mãi mới mở. Nhìn giường chiếu xô lệch Phụng biết có vấn đề, TV đang hát, hỏi:

- Làm chi chốt cửa chặt dữ rứa, kêu hoài mới mở"

- Dạ! tui với Bình đang xem TV.

Cả hai dắt nhau qua phòng bên cạnh, trời Saigon nắng, nóng như đổ lửa chàng nọ hết xí quách vừa đắp mền vừa run con mẹ ni thì nằm ngửa, chổng 4 vó lên trời nhe hai hàm răng vàng khè hả họng thở. Hoảng quá Phụng ra bưu điện gọi về Mỹ kể hết cho chồng nghe:

- Anh phải tính chớ có ngày thằng ni chết trên bụng con mẻ thì em đội quần hết thiên hạ ở chợ Nancy ni.

- Đuổi thằng đó ra khỏi nhà ngay, biểu bà Hai liệu hồn, anh đuổi cả hai nếu còn để thằng đó ở nhà mình.

Tính xong chuyện nhà chồng, Phụng lên Thủ Đức ở chơi nhà chị Ba của Phụng đón giao thừa. Xáng mồng một xe đạp chở bánh mì ngang nhà rao:

- Bánh mì nóng dòn đi.

Phụng mua mấy ổ bánh mì, thấy có bán cả trứng gà, mua thêm chục trứng gà vô đưa hết cho chị Ba, Phụng giữ 1 ổ bánh xẻ ra xịt xì dầu rắc tiêu ăn. Chị Ba la:

- Trứng gà nì! Chị chiên cho ăn, răng ăn bánh mì xì dầu"

- Anh chị ăn trứng đi, em chỉ thèm bánh mì xì dầu, ăn với trứng uổng bánh mì.

- Con ni, mi ở rừng về chứ đâu phải ở Mỹ.

Phụng ra chợ chồm hổm trước nhà mua bó rau muống 1 ngàn, mua bó bông sen 3 ngàn. Rau muống xào tỏi, bông sen chưng bàn thờ cúng mạ, chị Ba hỏi giá xong, la:

- Mi không trả giá hả" Rau muống chỉ năm trăm 1 bó, bông sen 2 ngàn, mi ỷ Việt kiều về mua phá giá hả"

- Tội quá chị ơi, bà nớ già rồi, chèo thuyền từ bên kia sông qua bán được mấy bó bông sen, mấy bó rau muống, còn trả giá cho mang tội.

Ăn cơm trưa xong, Phụng thuê xe ôm về lại nhà chồng về trước cửa gặp ông anh con nhà bác cũng Việt kiều Mỹ đến thăm, cô em chồng để 2 ghế nhỏ trước hiên nhà ngồi với anh, Phụng rầy:

- Sao cô không mời anh vô nhà"

- Dạ! Em mời rồi nhưng anh Hai không vào.

Hỏi thăm, được biết ở Mỹ anh Hai cãi nhau với mẹ chồng Phụng, thề không bao giờ bước vào nhà mẹ ở Việt Nam nên giờ đến thăm các em anh chỉ ngồi trước cửa, Phụng bật cười:

- Nhưng mẹ em đang ở Mỹ cơ mà, bà đâu biết.

- Không, anh thề rồi.

Anh đã già nên chướng, ừ, thôi thích ngồi trước cửa để "giữ trọn lời thề".

Ông mài dao mài kéo ngang qua nhà rao:

- Ai mài dao, mài kéo không"

Nhà đối diện, chàng thanh niên gào theo:

- Ai mài... búa không"

Có giọng oanh vàng rao tiếp:

- Ai mài ... lưỡi lam không"

Vợ bác sĩ Hưng điện thoại kiếm:

- Phụng ơi! Anh Tang bạn anh Hưng ở Mỹ về cưới vợ cho con trai, anh Hưng đi du lịch Úc không về kịp, anh gọi về biểu em đi với chị vì dân Đà Nẵng chị không quen, em đi với chị nghe, tối mai 7 giờ đi.

- Dạ chị, em đi.

Tối mai, hai chị em ra nhà hàng Bông Hồng ở Hồ Kỳ Hoà ăn đám cưới. Anh Tang xếp hai chị em ngồi cùng bàn với mấy vị đã lớn tuổi, trong bàn có cô Phan Thanh Gia Lai, cựu giáo sư Phan Chu Trinh, hai chị em không dám ngồi, xin ngồi bàn khác, cô cười hiền:

- Hai em cứ ngồi đi, đừng ngại.

Bố con anh Tang ở Philadel phia đi làm kiểu quẹt thẻ nên cũng chẳng giàu có chi. Đám cưới mở màn với 6 em bé gái ốm nhách, mặc đầm trắng lên múa. Phụng bật cười khi thấy bồi bàn bưng lên diã tôm hấp nước dừa với 10 con tôm bằng ngón tay bu quanh trái dừa xiêm. Món ăn không ngon nhưng văn nghệ thât ngon và thât dễ thương. Anh chàng bạn anh Tang đã ngoài 60, ốm nhách, miệng móm xọn lên kể chuyện vui, thấy tướng dáng là đủ vui rồi, kể xong bà con chưa kịp vỗ tay đã giục:

- Kể xong rồi... dzổ tay.

Cả phòng vổ tay rào rào vì vui quá.

Có ang chàng cựu học sinh Phan Chu Trinh Đà Nẵng lên hát, già rồi nhưng hát rất hay, hát xong bà con vỗ tay Bis... bis. Dạ, tui xin hát tiếp “Anh xin giữ trọn tình que” của ca nhạc sĩ Duy Khánh, anh trưởng ban nhạc vội khoèo:

- Dạ! Chú, bài ni văn hóa thông tin cấm hát.

- Ủa! rứa thì Tiếng Sông Hương của Phạm Đình Chương.

Đêm đám cưới của Việt Kiều nghèo nhưng vui và ấm cúng.

Mấy ngày sau, Nguyễn Như Lượng, bạn học cũ với Phụng ở Sao Mai Đà Nẵng đưa thiệp mời ăn đầy tháng cháu nội.

- Ủa! mấy bữa nghe Lượng nói chàng con trai của Lượng mới làm đám cưới cách đây 4 tháng sao giờ đầy tháng cháu nội.

Vợ chồng Lượng làm ăn khá nên đãi khách ở nhà hàng lớn, món ăn ngon, dọn ê hề ăn không hết nhưng không vui như đám cưới việt kiều nghèo vì chẳng có ai hát hò chi, chỉ ăn rồi về.

*

Phụng lấy vé máy bay ra Đà Nẵng thăm bạn bè xưa, an ninh phi trường hỏi giấy tờ:

- Cô cho cháu xem chứng minh nhân dân.

Phụng trình thẻ xanh và vé lên tàu, an ninh phi trường nhìn Phụng mặc bộ đồ tây màu càphê sữa, mặt mũi chẳng son phấn chi.

- Ủa! cô là việt kiều Mỹ hả" Sao đơn giản thế"

- Ừ! cô già rồi, mắt xanh mỏ đỏ, áo quần loè loẹt thì chỉ giống khỉ làm xiếc thôi.

Ra đến Đà Nẵng, Phụng lấy phòng ở khách sạn Hoa Sen đường Hùng Vương gần nhà Lưu Đàm, cô bạn thân của Phụng từ những năm cấp I ở trường Sao Mai Đà Nẵng, thân nhau đến nỗi mấy chục năm sau bạn bè gặp Phụng vẫn hỏi “Kim Phụng phải không" Ủa Đàm đâu"”

Tối đói bụng, ra trước khách sạn có gánh xôi, cháo gà, phụng kéo ghế ngồi:

- Cho dĩa xôi gà.

Thấy hũ bột ngọt bự chảng, Phụng vội kêu:

- Đừng rắc bột ngọt nghe.

Bà hàng đơm xôi ra dĩa, bỏ thịt gà xé nhỏ lên trên, lấy muỗng tính múc mỡ gà dội lên.

- A chù! đừng chan mỡ gà.

Bà hàng nhăn mặt:

- Bột ngọt không, mỡ gà không, ăn rứa răng ngon.

- Ngon, ngon, xịt xì dầu là ngon rồi.

Bà hàng biết việt kiều ăn, tính tiền dĩa xôi 8 ngàn, Phụng đưa 10 ngàn, tip luôn 2 ngàn.

- Tối mai cô ra ăn nữa nghe, 6 giờ chiều tui bán đây đến 2 giờ sáng, cô làm biếng ra, tui đem lên phòng cô ăn nghe.

Phụng nói thầm:

- Mình về cứ ôm dĩa xôi gà của bả ăn miết sao, còn ra đường Phan Chu Trinh ăn bánh bèo chén, ra Nguyễn Thị Giang ăn mỳ quảng, ra hàng bà Mậu ở Khuê Trung ăn bánh tráng cuốn thịt heo chấm măm nêm.

Ủu Đàm chở Phụng đi uống hồng trà ở quán Cung Đình gần Air Việt Nam. Trước khi ghé quán trà, hai đứa dạo 1 vòng quanh thành phố. Đêm nguyên tiêu, trước hiên nhà, bàn thờ với nhang đèn, hương trầm chủ nhà đặt cúng, ánh nến lung linh đều khắp các ngã đường, rất lâu Phụng mới thấy lại cảnh nầy, hương trầm làm tâm hồn Phụng dịu đi, khung cảnh thanh thoát huyền diệu quá.

Quán trà Cung Đình với những cây đèn, lồng, bàn trà kê khuất sau những chậu bonsai, hai đứa tỉ tê tâm sự:

Ưu Đàm nói:

- Phụng nhớ con Chi với con Tuyết ngồi chung bàn với hai đứa mình năm đệ thất không" Mấy tháng trước hai đứa từ Mỹ về Việt Nam có đến thăm Đàm, hai đứa ăn diện son phấn lòe loẹt giống như tú bà.

Phụng kể Đàm bắt chước đàn bà Mỹ, nạt nộ chồng, hở chút đòi ly dị, ngoài 5 bó thì người mô người nấy thịt nhão nhoét hết rồi, ra đường mặc áo sát nách váy ngắn, đế giầy cao gót đi nhí nha nhí nhảnh giống thiếu nữ 18, trông thật chướng mắt, Phụng thấy rứa kể Đàm nghe chơi chứ xứ Mỹ là xứ tự do, mình dám phê bình thẳng mặt họ dám đưa mình ra toà.

Phụng cũng kể Đàm nghe chuyện bạn của con trai Phụng ngồi dũa Nail cho bà khách Mễ, cầm tay bà Mễ dũa miết, mệt mỏi sẵn, cell phone reo, thấy số phone của mẹ lật đật xin lỗi khách:

- Dạ mẹ! con nghe

- Con có tiền không" Cho mẹ 10 ngàn.

- Tưởng mẹ bệnh cần tiền, vội vàng:

- Dạ! con có, mẹ bệnh hả"

- Không! Cho mẹ 10 ngàn hút mỡ bụng.

- Mẹ hơn 60 tuổi rồi, sức đâu mà hút mỡ bụng, con đang bận khách đây, mẹ đừng gọi nói tào lao nữa.

Con trai Phụng điện thoại kể Phụng nghe rồi cười lớn và kết luận:

- Má ơi! trên nghiêm thì dưới mới nghe.

Phụng cười theo con và nói thầm:

- Cũng may mình không xí xọn giống bà nớ.

Đàm chở Phụng ra ăn bánh bèo chén ở đường Phan Chu Trinh, hàng bánh bèo với bếp lửa và mấy tầng xửng hấp bánh to đùng, hai đứa ăn 10 chén bánh bèo nóng, ăn xong lết qua hàng gỏi đu đủ khô bò ăn tiếp, gỏi cay thật cay, chua thật chua, ngon nhức răng luôn, thấy cô bé bán hàng bưng ly rau má cho khách, màu xanh của nước rau má trông thật mát mắt, Phụng hỏi:

- Nè, cô bé! Rau má ni uống có đau bụng không"

Cô bé trả lời giọng Quảng Nam đặc sệt:

- Rao móa xai với nước sôi để ngụi, reng đao bụng được (rau má xay với nước sôi để nguội, răng đau bụng được)

Phụng bật cười:

- Ừ! thì 2 ly.

Đêm đó, ly rau má mát lạnh đưa Phụng vào giấc mơ hoa. Phụng mơ thấy mình chở Ưu Đàm trên chiếc xe đạp lên chơi chùa Bà Quãng, hai bên đường, hai hàng cây dẻ với những đóa hoa vàng đang tỏa hương thơm dịu, Phụng mở thấy mình đứng đứng trong sân chùa Phổ Đà, hoa sứ trắng rụng đầy sân tỏa hương thơm ngát, Phụng lại mơ thấy mình đang ngồi trước hiên nhà, bên kia đường, cây thị trong sân nhà chị Mộng Hiển, những trái thị chín văng đang tỏa hương thơm nồng. Đang mơ hoa thì điện thoại reo, giật mình tỉnh giấc, mùi hương vẫn thoảng đâu đây, nhưng không chỉ là hương của cây đèn thơm Phụng mang từ Mỹ về đang tỏa hương. Nhìn đồng hồ đã 7 giờ sáng, bạn Bê, học chung lớp với Phụng ngày xưa điện thoại rủ Phụng đi ăn bún mắm thịt quay ở đường Hoàng Diệu.

Quán bún mắm chỉ là cái bàn dài kê trước hiên nhà, ngồi trước mặt bà chủ bán bún, Phụng thấy bà hàng quen quen, Phụng khoèo Bê:

- Ê! Bê, tao thếy bà ni quen quen.

- Thôi! ăn đi, không quen mô, mi thì ai cũng thấy quen quen.

- Thiệt mà, dạ! Chị tên chi rứa" Tui thấy chi quen quen.

- Em tên Đông

- À! nhớ ra rồi, nhà Đông sau lưng nhà thương Phao Lồ phải không"

- Ôi! Em cũng nhớ rồi, chị là Kim Phụng, ở gần chùa Phổ Đà.

- Ủa! Răng Đông còn ngồi đây bán bún mắm, chồng của Đông là đại úy Dũng làm ở Đặc khu Quảng Đà mà sao không đi H.O.

Anh Dũng em đi tù cải tạo về, buồn, uống rượu say xỉn tối ngày và đã chết vì rượu rồi chị ơi.

Phụng nhớ lúc còn đi học ở trường Tây Hồ, Đông có giọng hát hay và là học trò cưng của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Vợ Đông cũng đã bước thêm bước nữa, hai vợ chồng an phận với hàng bún mắm, nhìn khách ra vô, Phụng biết vợ chồng Đông sống vững với hàng bún mắm.

Phụng lên Hòa Cường thăm mấy cô em. Cô Bảy dắt Phụng ra uống cafe gần nhà, cô Bảy kể nhiều chuyện với Phụng cô chủ cafe có ông bồ già ở Cali, ông ni gần 7 bó, đầu hói muốn trọc, cô hàng cafe chỉ ngoài 20, lấy tiền ông kép già ỡ Mỹ bao kép trẻ ở Việt Nam, hết tiền lại điện thoại nhỏng nhẻo kép già, đại khái Anh ơi! Em nhớ anh quá, anh qua với em nghe. Vậy là ông già lại cắc cũm ôm tiền về. Rứa đó, nhưng hãnh diện lắm, đi đâu cũng khoe có vợ trẻ bên Việt Nam. Nghe em kể Phụng biết ông già đó là ai vì mấy năm trước bạn bè Phụng đã kể nhiều chuyện về ông già đó cho Phụng nghe.

Anh bạn học cũ mời Phụng ăm bánh cuốn Tiến Hưng, Phụng ăn hết dĩa bự, hắn lặng lẽ kêu thêm dĩa nữa, Phụng không ăn thêm được, ngoắc cô bé bưng bánh nhờ To-Go dĩa bánh cuốn cho Phụng, bạn rầy:

- Thôi, ăn không được cứ để đó, còn gói đem về, dị òm.

- Không, Phụng đem về khách sạn trưa ăn, mình đã trả tiền là phần của mình, không dị chi hết.

*

Phụng rủ cô bạn hàng xóm của Phụng ngày xưa ra thăm Hà Nội. Hai đứa thuê phòng ở khách sạn Sunny phố Ngõ Gạch. Khách sạn mới xây nên sạch sẽ, phòng bên cạnh có vợ chồng Việt kiều Mỹ cỡ tuổi Phụng, hỏi thăm họ đã đi du lịch Sapa chưa, có đẹp không, có nên đi không"

Anh chồng nói:

- Chị đi đâu thì đi, đừng lên Sapa. Lên trên nớ thấy mọi không, chẳng có chi, đừng đi mà vừa mỏi chân vừa phí thời giờ.

Qua tài liệu du lịch, Phụng thấy Sapa đẹp nên cứ đi nhờ nhân viên khách sạn lấy Tour dùm.

Bẩy giờ tối nhân viên hãng du lịch đến đón ra ga. Hai đứa lên tàu phòng 2 giường đôi, chung phòng với Phụng có cô cậu Tây ba lô còn ngủ. Phụng ngủ tầng dưới, cô bạn nằm tầng trên, bạn, nhưng nhỏ hơn Phụng 1 tuổi, chơi thân nhau từ năm lên 6, Phụng thương như em gái của mình, đi đâu xa cũng dắt em theo, bạn nằm tầng trên chưa nóng giường vội trèo xuống:

- Em không nằm một mình mô, em nằm chung với chị.

- Giường nhỏ xíu, tau với mi đồ sộ ri, làm răng nằm, rứa tau lên tầng trên, mi nằm đây.

- Không, chị nằm đây với em.

Phụng chiều bạn, nằm chung, sáng hôm sau tàu ghé ga Lào cai, guide tour chờ ở sân ga đưa 2 chị em ra xe đi thêm 1 tiếng nữa thì lên đến Sapa. Nhận phòng xong, Phụng hỏi bạn:

- Tối qua mắc chứng chi đòi ngủ chung với chị.

Bạn kể, leo lên tầng trên thấy ông tây cởi hết đồ chỉ mặc mỗi cái "xì líp", em sợ quá, ngủ chung với chị thôi.

Phụng bật cười, giải thích em nghe Xuân HạThu Đông chi Tây hắn ngủ cũng rứa hết, mà có con đàn bà đi bên cạnh hắn, em sợ chi.

Hai đứa xuống phòng ăn của khách sạn ăn cơm trưa, vì đã mua trọn gói. Phụng hỏi cô bé tiếp tân:

- Tour cho ăn chi"

- Dạ cô! Canh rau, thịt kho, đồ xào.

- Ở đây có món chi đặt sãn cho cô ăn, rồi cô bù thêm tiền đừng dọn thịt kho.

- Dạ! Có món cá suối chiên xù.

Bàn bên cạnh có đôi vợ chồng mới cưới lên Sapa hưởng tuần trăng mật, cũng lấy tour như Phụng, thấy hai chị em ăn cá suối chiên xù chấm nước mắm tỏi ớt ngon quá, anh chồng than:

- Thịt kho dỡ quá cô ơi, sao họ cho cô ăn ngon thế.

- Ừ! thì đổi cá suối ăn, nữa bù tiền, rứa thôi.

Chị em Phụng và đôi vợ chồng trẻ theo guide tour dạo chơi Sapa. Trên đường đi, 2 em bé người thượng chỉ mới 4,5 tuổi, đứa cầm cây viết bic cũ xì, đứa cầm sợi dây ngũ sắc bé xíu đứng bán, thấy thương quá, cho mỗi bé 1 chục ngàn. Sapa với những bụi hoa sim tím, những cây ban trắng, những thửa ruộng bậc thang, đồi núi chập chùng, cảnh vật chìm trong sương mờ đẹp như bức tranh thủy mạc.

Trưa, đoàn dừng chân ở bản thượng ăn trưa, có đôi vợ chồng Mỹ lớn tuổi dắt 4 em bé Thượng vào quán, biểu chủ quán lấy thêm ghế, lấy coca lon mời 4 bé uống, ông bà Mỹ mở túi lấy bánh, lấy táo cắt mời 4 bé ăn, ân cần như mời khách quý.

Từ Sapa về lại Hà Nội, hai chị em thuê xe xích lô dạo chơi phố phường Hà Nội. Xe qua góc phố hàng Đường, thấy có cửa hàng bán xôi, Phụng vô mua:

- Bán 2 gói xôi muối mè.

Bà hàng quắc mắt chỉ tấm bảng trước mặt:

- Mè với chả vừng, vớ vẩn, có thấy tấm bảng xôi mặn đây không" Không biết chữ hử" Muốn ăn xôi muối vừng thì xéo ra góc đường hỏi mua.

Bán hàng sao dữ quá, Phụng lẹt lẹt đi ra.

Sáng hôm sau, Phụng hỏi thăm tiếp viên khách sạn hàng bánh cuốn ngon. Đến hàng, bà chủ hỏi:

- Bánh cuốn nhân thịt hay nhân trứng"

- Hai bánh cuốn nhân thịt.

Chờ được ăn bánh, Phụng thấy bàn để bánh có tô thịt bằm và một nồi trứng gà sống để sẵn. Bà hàng tráng bánh, múc một vá trứng bỏ giữa bánh, đậy nắp lại, bánh chín dọn khách ăn bánh cuốn trứng. Từ Nam ra Trung và ra Bắc, Phụng thấy chỉ có dân Bắc ăn bánh cuốn kiểu nớ.

Trưa, hai chị em ra dạo bờ hồ, ghé kem bờ hồ ăn, kem và bánh rất ngon, không thua Mỹ. Bàn bên cạnh, cô khách Mỹ kêu 1 ly sinh tố dưa hấu, nói người phục vụ không hiểu, Phụng nói dùm cô ta cần ly sinh tố dưa hấu.

- Dạ, nhờ cô nói dùm đây không có dưa hấu.

Nhìn trước tiệm Phụng thấy bà bán dưa hấu lẻ, Phụng nói:

- Bà bán dưa hấu lẻ ngồi trước tiệm đó, con đừng ra mua, vô nhờ ai lén mua 1 miếng vô rửa sạch xay cho cô ta uống để còn thu tiền.

Anh bồi tươi rói:

- Dạ! Cám ơn cô.

Nhờ nhân viên khách sạn lấy dùm 2 vé máy bay về lại Đà Nẵng, 2 vé 2 triệu 400 ngàn.

- Ủa! chuyến ra 1 vé 900 ngàn sao chuyến vô mắc rứa"

- Dạ! con lấy cho hai cô vé hạng thương gia.

Phụng kêu trời nhưng thôi, lỡ rồi.

Lên phi trường Nội Bài, trình vé và giấy tờ xong nhân viên soát vé chỉ 2 chị em vô phòng chờ dành riêng khách thương gia:

- Hai cô vào đó chờ chuyến bay, cứ ăn uống "vô tư" vì miễn phí.

Lên máy bay, hạng thương gia được ngồi ghế trước, mâm ăn dọn ra với khăn trắng lót mâm sạch sẽ, muống, nĩa sáng bóng, bánh mì nóng, nước uống là bia, nước ngọt hoặc sinh tố, hạng thường thì mỗi người được phát 1 hộp giấy có miếng bánh mì kẹp thịt lạnh ngắt và 1 hộp nước lạnh bé xiú, thế thôi.

*

Năm nay, Phụng ở lại Cali ăn tết, 26 tết tính ra Phước lộc thọ mua cành mai chưng tết nhưng không lựa được vì thấy có phải mai đâu mà mua, đành mua mấy chục layơn đỏ về chưng tết thôi.

Sáng mồng một đi hội chợ tết sinh viên, năm nay hội chợ xôm tụ, đẹp đẽ không thua hội chợ Saigon, làng nướng Nam Bộ nướng thịt quá ngon, bắp nướng 2 đô 1 trái, quá mắc, nhưng thôi... tết mà.

Đi hội chợ Cali an tâm, không sợ mất cắp, Phụng nhớ năm rồi Phụng đi với bạn ra trung tâm thành phố Sàigòn xem lễ hội, về đến nhà, túi xách của bạn bị rạch luôn 3 đường dài nhưng không mất tiền vì bạn bọc tiền trong áo mưa.

Ra lấy xe về, sân nhà ai đó gần hội chợ bày giỏ cúc vàng và dĩa trái cây (chắc là cúng giao thừa xong), con gái Phụng chỉ dĩa trái cây cười lớn:

- Má, dĩa trái cây có trái chôm chôm kìa má, nhà nầy cầu chôm đủ xài.

Phụng cười lớn, những người chung quanh cũng cười lớn, tràng cười thay tiếng pháo đầu xuân...

Phan Tịnh Tâm

Mồng 6 tết Bính Tuất


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến