Hôm nay,  

Nhớ Lễ Thanksgiving

27/11/200500:00:00(Xem: 132939)
Người viết: HO PHI
Bài số 879-1470-206-vb7112605

Tác giả là một cư dân cao niên tại Fountain Valley, Nam California. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng chừng mực, cẩn trọng. Sau đây là bài viết mới nhất của ông, nhân mùa Lễ Tạ Ơn.
*
Hằng năm cứ vào tháng 11 là bắt đầu vào mùa Thanksgiving, Việt ta có thể gọi là lễ Tạ Ơn.
Người Mỹ có tục lệ ăn lễ nầy từ mấy thế kỷ trước. Khởi sự do một nhóm di dân đầu tiên cố tránh sự truy bức và đàn áp tôn giáo bên Ău Châu đã đi trên thuyền buồm Mayflower vượt Đại Dương đến định cư tại bờ biển miền Đông Bắc nước Mỹ. Sau một mùa đông giá lạnh, lạ thủy thổ, họ chỉ còn sống sót phân nửa. Họ được những thổ dân da đỏ giúp đở, và qua mùa xuân họ bắt đầu trồng trọt và ổn định đời sống. Cuối năm sau họ tụ tập và mời những người da đỏ gần gủi, đem thức ăn đã thu hoạch được ra ăn mừng. Họ cầu nguyện, tạ ơn trời đất và tất cả đã giúp cho họ sống còn. Rồi từ đó trở thành một thông lệ. Lâu về sau, Tổng Thống Mỹ ký ban hành sắc luật lấy ngày thứ Năm cuối tháng 11 Dương lịch là ngày National Thanksgiving Holiday.
Từ đó cả nước bắt đầu nghĩ lễ vào ngày thứ Năm cuối tháng 11 và tiếp luôn 3 ngày cuối tuần. Công sở, cơ xưởng, trường học đều đóng cửa nghỉ lễ. Ngay cả những cơ sở buôn bán, dịch vụ cũng đóng cửa, nghỉ ngày thứ Năm nầy. Người Mỹ dù đi học hay làm ăn xa đôi ba ngàn miles cũng đều tìm về thăm nhà, thăm cha mẹ, đoàn tụ với bà con, và dự tiệc lễ tạ ơn, giống như người Việt chúng ta dù đi làm ăn xa cũng thích về quê ăn Tết vậy.
Người Mỹ không ăn uống cao lương nấu nướng cầu kỳ như người Việt, người Tàu, mà chỉ thường ăn gà tây quay với khoai, bắp, và bánh mì đơn giản. Lễ nầy có thể nói là dịp lễ long trọng nhất trong 4 ngày lễ lớn khác của nước Mỹ, là Chúa Giáng sinh, Lễ Tân niên, Lễ Độc lập 4th July, vì nó có tính cách thiêng liêng và phổ thông hơn tất cả, vì ai dù bất cứ tôn giáo nào, hay không tôn giáo cũng nghĩ đến việc tạ ơn tạo hóa, các đấng thiêng liêng có tên gọi tùy theo mỗi tôn giáo, và tất cả.
Trong cuối tháng 11 nầy, các chuyến bay xa gần, các phương tiện giao thông khác đều rộn rịp, đầy nhóc khách du hành lên xuống để kịp về nhà đoàn tụ, dự tiệc tạ ơn với gia đình. Rồi sau 4 ngày đó họ lại lên máy bay hay xe cộ trở về trường, sở làm việc. Hằng năm tại Mỹ có khoảng non bốn chục triệu người hành trình đường xa trong dịp lễ nầy.
Tại các phi trường máy bay liên tiếp đáp xuống và cất cánh nhộn nhịp chở những người đi và đến để họ về thăm gia đình hay bà con bạn bè trong dịp lễ. Người Mỹ luôn nói lời cảm ơn khi tiếp xúc nhau, họ rất có lý, vì nghĩ con người sống liên đới và phụ thuộc, nhờ vả lẫn nhau như trong một dàn máy, bộ phận kia có chạy được là nhờ bộ phận nọ. Người ta nương nhờ trời đất, đồng loại, và muôn loài trong năm châu bốn biển. Chỉ một số ít người thiếu suy nghĩ hoặc tâm thần bất thường mới vô ơn, bạc nghĩa, và hung bạo, trong khi hầu hết mọi người đều ý thức đến công ơn tha nhân và biết cảm ơn tất cả. Khi gặp nhau dù xa lạ, hỏi han nhau việc gì, họ đều trả lời đàng hoàng đầy đủ chân thành, khi cần giúp nhau là họ sẵn sàng không tiếc công tiếc thì giờ.
Trong thương mãi, người bán khi nhận tiền nói cảm ơn người mua và người mua khi trả tiền cũng nói cảm ơn người bán. Khi đến một cửa hàng Mỹ dù bạn không mua, khi bước ra họ vẫn vui tiễn bạn bằng tiếng cảm ơn vì đã viếng cửa hàng . Nói chung là lúc nào người Mỹ cũng thank you, thanks cả. Thật khác với những xứ chậm tiến đầy gian trá, ngụy biện, lường gạt, cướp đoạt ngang xương, đầy đạo tặc thiếu lẽ công chính mới không hề biết cảm ơn. Chẳng thế mà còn cư xử vô ơn bạc nghĩa, người luôn tìm cách gây khó khăn, khốn khổ cho nhau, ganh ghét trù hại kẻ hiểu biết, hoặc ăn cháo đá bát, lấy ân làm oán cả những kẻ đã từng giúp đở cưu mang không chút tiếc thương.
Nhân dịp lễ Thanksgiving đang đến, nghĩ cũng nên kể một kỷ niệm của một người tỵ nạn Việt đã có dịp dự lễ Tạ Ơn đầu tiên của mình tại Mỹ, với một gia đình Mỹ để cảm thấy tình thân ái trong nhân loại bao la.
*
Anh Lê Nguyễn và gia đình rời con thuyền gỗ neo ở bờ đảo Java, đáp máy bay Pan Am đến San Francisco, chuyển qua máy bay Delta Airline để đến Atlanta, thủ phủ bang Georgia, miền đông nam Hoa kỳ, vào cuối tháng 10, cách đây đúng 29 năm, trong gió lạnh buốt xương, dưới trời thu ẩm ướt, lá vàng nâu rơi đầy mặt đất. Lòng buồn, tay trắng, tài sản nửa đời lao lực, lao tâm đều bỏ lại cả bên kia bờ đại dương, nhưng rất mừng vì đã thoát khỏi nơi quê cũ với đầy những nghịch lý và hung hiểm. Lê ngơ ngác giữa một rừng xe hơi chạy nhộn nhịp như đan cửi, với tốc độ chóng mặt. Lòng chàng buồn vô hạn.
Trước đó mới hai ngày, Lê còn ở đầu mùa hè nhiệt đới, nắng nóng cháy da. Giờ sang đây trời đang cuối thu giá lạnh tái tê. Nhờ có linh mục Beltran và Hội nhà thờ Saint Anthony bảo trợ, Lê và gia đình được tạm thời cung cấp chỗ ở tiện nghi, thức ăn đầy đũ,và được hướng dẫn mọi việc trong bước đầu đến xứ nầy, nên mọi việc trở nên thoải mái dễ dàng. Lê mang ơn nước Mỹ, hội nhà thờ và linh mục chủ quản rất nhiều và nhớ mãi không quên.
Sau những ngày lo ổn định ăn ở, đi lại, thủ tục giấy tờ và đang tìm hiểu địa phương mới vừa đến định cư. Loai hoai khoảng một tháng, thì lễ Tạ Ơn đã đến.
Chiều thứ năm, lễ Thanksgiving năm đó, Lê được anh Tâm, cũng là Việt tỵ nạn định cư vùng nầy từ hơn một năm trước, ở gần nhà Lê, đem xe đón chở Lê đi dự tiệc thanksgiving tại nhà người bạn. Tâm nguyên là sĩ quan không quân được qua đây huấn luyện, chưa mãn khóa thì mất nước thành ra anh ở lại luôn, nhưng rất may anh đã liên lạc nhờ các viên chức Mỹ đưa vợ con anh sang đoàn tụ trước giờ mất Saigon. Vì qua trước lâu hơn, anh có quen biết một vài gia đình Mỹ trong tiểu bang.
Mới qua Mỹ, có nhiều tò mò, nóng lòng muốn mau biết đường sá, phong cảnh, nhân vật nơi quê hương mới, được Tâm rũ đi như thế, Lê mừng rở lên xe cùng đi ngay.
Tâm chở Lê đến một vùng dân cư cách xa Atlanta khoảng non giờ lái xe. Mới qua, chưa tự lái xe, trời chiều mau tối, chưa biết diện địa, đường sá, Lê ngồi xe mà không biết xe Tâm chạy về phương hướng nào. Đến trước ngôi nhà nhỏ nhắn, nhưng bên ngoài trông đẹp đẻ, tọa lạc trên bãi cỏ trong một rừng thông xanh tốt, trông rất thơ mộng tưởng như đang trong tranh vẽ. Miền nầy lạnh, có lẽ người ta cất nhà nhỏ gọn để đở tốn gas sưởi ấm mùa lạnh. Nhà trệt trông rất kiên cố, vách gạch đỏ dày mái nghiêng khó bám tuyết.


Tâm bấm chuông, cửa hé mở, Lê theo Tâm vào nhà, nghe mấy người chào mừng "Hello Tâm, anh đến vừa đúng giờ". Vừa vào, Lê thấy cả một đại gia đình Mỹ trắng đang quây quần, lao xao, tụ tập trong nhà bếp, phòng khách, và garage nối liền. Mấy bà đầm Mỹ thì đang loay hoay chuẩn bị thức ăn, cắt thịt gà tây quay, trộn khoai, nướng bánh. Còn các ông đang cầm ly, lai rai nhấm nháp bia, rượu, và nói chuyện xầm xì. Vì bên ngoài trời giá buốt, nên khi mới bước vào Lê thấy nóng nực vì hơi người và hơi nóng từ lò sưởi, nhưng chỉ vài phút sau Lê thấy thoải mái ấm áp dễ chịu ngay.
Tâm giới thiệu: "Đây là Mr. Lê từ VN, mới đến Atlanta tháng trứơc, đang ở gần nhà tôi, tôi rủ đến đây dự tiệc thanksgiving với quí vị". Người ta đứng dậy bắt tay Lê và chào mừng tới tấp: "Welcome to America" Lê đáp bằng câu "Thank you" liên tục như thế. Mọi người có vẻ tò mò vì chiến tranh VN đã kết thúc hơn một năm rưởi rồi, Việt nam CS đang hoàn toàn kiểm soát, bức màn sắt đã buông, và đang bị Mỹ cấm vận, đôi bên không có quan hệ ngoại giao, mà sao có người còn rời VN để mò sang đây lúc nầy được. (Vì lúc đó, còn sớm quá, chưa có mấy người vượt biên như bốn năm năm về sau, và việc định cư người tỵ nạn bay sang từ 1975 cũng đã hoàn tất từ lâu).
Lúc Tâm đưa Lê đến chào bà chủ nhà. Bà trông còn trẻ đẹp với vẻ lịch sự duyên dáng, bà bước đến bắt tay, ôm hug Lê vào lòng tay, hôn vào mặt Lê, rồi mới thả ra nói "Welcome to America", làm chàng rất bối rối ngượng ngùng, vì nghĩ mình đàn ông xa lạ, mà cử chỉ thân mật của bà có thể làm phật lòng ông chủ nhà đang ngồi đâu đó mà mình không biết là ai. Thêm nữa Lê cảm thấy mình là dân tị nạn cắc ké mà sao được những người ở đây trông toàn là dân có hạng lại chào mừng mình rất nồng nhiệt thân tình. Ngay cả ở quê nhà trước kia, chưa hề có đám nào, nơi nào chào mừng Lê niềm nở lịch sự đến như thế. Lê cảm ơn tấm thịnh tình của nhóm người Mỹ xa lạ nầy và chàng vẫn giữ mãi một ấn tượng sâu xa về lễ Tạ Ơn năm đó.
Sau việc chào hỏi xong, một ông già trông khôi vĩ, hiền lành, khoảng sáu bảy mươi tuổi, còn vẻ tráng kiện, khui một lon bia đưa cho Lê và mời Lê ngồi xuống bên cạnh. Xong không khí trong nhà mới trở lại bình thường. Trong chuyện vãn, Lê được biết ông là một thiếu tá đã giải ngũ từ lâu, đã từng đánh nhau với quân Nhật ở đảo Okinawa. Lê tưởng tượng đến hình ảnh một người như thế mà đã từng cùng quân sĩ xung phong cận chiến, đâm vật với quân Nhật trong khói lửa mịt mù, và thấy việc đánh giết là chuyện bổn phận bắt buộc, chứ nhìn mặt mày phúc hậu của ông nầy không ai nghĩ ông có lòng muốn giết ai được.
Vài người ngồi bên hỏi Lê chuyện Vietnam và hỏi làm sao Lê có thể thoát khỏi được. Lê kể vắn tắt những chuyện xảy ra sau 30/4/75 ở Miền Nam, như chuyện các sĩ quan bị bắt đi cải tạo lâu dài, chuyện văn nghệ sĩ bị bắt ở tù, chuyện bắt các người giàu có, lục soát, tịch thu tài sản, chuyện đuổi dân Saigon đi khai khẩn núi rừng, chuyện cán bộ đua nhau chiếm nhà đất, chuyện đổi tiền mới, chỉ đổi một số tối đa cho mỗi nhà chừng đủ nuôi sống một tháng, còn bao nhiều tiền cũ đều bị vô hiệu hóa, chuyện nhiều dân Saigon trở nên trắng tay, bần cùng, đem mọi thứ ra bán cho cán bộ miền Bắc. Chuyện Lê chịu khổ ra làm ngư phủ trên biển và đem gia đình trốn đi trong đêm tối, những nổi khốn khổ hiểm nguy khi bị các nước Đông Nam Aì lại đuổi ra khơi, suýt chìm khi gặp gió bão lúc qua biển xích đạo, cuối cùng đến đảo Java, may được cho đậu lại sát bờ và thông báo cho phái đoàn Mỹ đến phỏng vấn chấp thuận, và phải chờ mãi trên thuyền, chật chội suốt sáu tháng mới được nhà thờ bảo lãnh sang định cư ở tiểu bang nầy.
Nghe Lê kể có mấy người rưng nước mắt, cảm thông với những nổi gian nguy và khó khăn của thuyền nhân Việt nam trước cơn đại nạn của thời đại.
Bà Mỹ ngồi bên lúc đó, buồn bã cho Lê biết bà có người con trai duy nhất tử trận ở Khe Sanh, bà đau buồn, thương xót con, mà nước Mỹ cuối cùng vẫn coi như bại trận, để CS chiếm Nam Việtnam. Bà phiền rằng, trước kia chồng bà từng tham gia Đệ nhị thế chiến cũng đã hy sinh ở Âu Châu, nhưng Mỹ đã chiến thắng đem lại tự do cho nơi ấy, còn con bà thì không. Mấy chính phủ Mỹ sau đó dùng biện pháp nửa chừng, để chiến tranh kéo dài, không có kế hoạch chiến thắng, khiến cho sự hy sinh của con bà và gần 58,000 binh sĩ Mỹ khác ở VN đã trở thành vô nghĩa.
Lê tìm lời an ủi bà bằng cách nói những điều mình thấy biết và suy nghĩ chân thành rằng nếu không có sự can thiệp của chính phủ Mỹ và sự trực tiếp chiến đấu hy sinh của binh sĩ Mỹ và đồng minh thì CS đã chiếm Nam VN từ 20 hay 10 năm về trước. Khí thế CS lúc đó rất hăng say, có thể đã thừa thắng xông lên, lan tràn khắp Đông Nam Á và cục diện thế giới sẽ khác đi so với hiện tại. Và sự tiếp xúc với Mỹ đã làm cho số lớn người Nam Việtnam đã có dịp so sánh hai bên tốt xấu, chính tà, tự do và áp bức. Sự hy sinh cao cả của những chiến binh Mỹ mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp đã mang lại trật tự và hòa bình, cả thế giới văn minh phải mang ơn. Thế giới không có quân Mỹ cũng như thành phố không có cảnh sát, các tay anh chị tung hoành.
Chuyện vãn môt lúc, các bà đã bày ra đầy đủ thức ăn trên một bàn dài. Mọi người đứng dậy cúi đầu để cùng nghe lời cầu nguyện của một ông đứng tuổi, nói lời tạ ơn Đấng Tạo Hóa đã ban phước cho mọi người được bình an, sức khỏe và đời sống hạnh phúc. Mọi người nói câu Amen khi lời cầu nguyện vừa dứt.
Lần lượt mọi người tự lấy thức ăn ra đĩa giấy và tìm chỗ ngồi ăn uống vui vẻ trong bầu không khí ấm cúng thân mật, khi trời bên ngoài gió thổi lạnh buốt.
Sau bữa ăn, mọi ngừơi lai rai bia rượu, chuyện vản, xem football trên TV một lát rồi chia tay ra về. Tâm và Lê chào cảm ơn mọi người về bữa tiệc, chúc lời tốt đẹp đến chủ nhà và mọi người. Đáp lại, chủ nhà và mọi người cũng nói cảm ơn Tâm và Lê đã đến dự tiệc tạ ơn, và chúc cả hai được may mắn.
Nay đã đúng 29 năm trôi qua, mà trong tâm trí Lê vẫn nhớ rành rẽ những chi tiết về bữa tiệc Thanksgiving năm ấy với ý nghĩa của tình thân ái giữa những con người khác giống xa lạ. Lê thấy rằng người trên năm châu bốn biển, dù văn hóa khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, nhưng đều suy nghĩ và đều có tình thương mến như anh em, đúng như lời Khổng Tử viết "Tứ Hải giai huynh đệ". Cớ sao người cùng giòng giống, cùng ngôn ngữ, đang ở thế thượng phong mà không nới tay, thực tâm hòa giải, thương xót, tôn trọng nhân quyền của nhau để tạo nên một xứ sở hạnh phúc.
Tạ ơn cũng đồng nghiã với yêu người.
HOPHI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến