Hôm nay,  

Người Bỏ Báo Thuê

20/11/200500:00:00(Xem: 167253)
Người viết: HẠO NHIÊN

Bài số 875-1466-202-vb8112005

Tác giả Hạo Nhiên tên thật Nguyễn Tấn Ích, 61 tuổi, hiện cư trú tại San Jose. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là hồi ký "Chị Tôi" chừng mực mà sâu sắc, xúc động. Những bài tiếp theo, ông viết về đời sốnggia đình biến đổi từ Việt Nam tới Mỹ, với thật nhiều tình tiết. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

*

Đồng hồ báo thức lúc ba giờ sáng, Phong tốc mền ngồi dậy. Chàng tập vài động tác thể thao cho tỉnh táo rồi vào toa-lét làm vệ sinh. Xong phần thủ tục sơ sài buổi sáng, Phong khoác chiếc áo lạnh vội vàng lên xe chạy một mạch đến Warehouse nhận báo đi bỏ cho khách hàng.

Trời California được tiếng là ấm áp, nhưng cái rét của mùa Giáng sinh cũng đủ làm tê cóng cả tay chân. Phong mới qua Mỹ chưa đầy một năm, dành dụm tiền trợ cấp mua được chiếc xe Ford Mustang đời 80, chạy bốc, body cứng cáp nhưng khổ nỗi, xe tám máy uống xăng thần sầu.

Phong vào lớp ESL ban ngày, ghi tên học thêm ban đêm lớp Anh ngữ Đàm thoại chờ đủ một năm chàng sẽ xin vào Đại Học Cộng Đồng. Tiền trợ cấp vừa hết, lại được hãng báo San Jose Mercury News gọi đến nhận một route báo 200 tờ bỏ buổi sáng mà Phong đã ghi tên xin việc từ tuần trước. Vùng thung lũng điện tử này gặp thời điểm kinh tế Hoa kỳ đang hồi trì trệ, việc làm assembly chỉ ưu tiên cho người có kinh nghiệm.

Riêng nghề bỏ báo chẳng cần kinh nghiệm, chẳng cần huấn nghệ. Một vài lần lái xe quan sát địa chỉ khách hàng trong danh sách là thực hiện được ngay. Ưu điểm hơn cả là nghề bỏ báo thuê có thời gian thuận lợi để cắp sách đến trường. Phong được route báo sớm sủa cũng nhờ ông thầy cũ qua Mỹ đã mười hai năm, mà thâm niên nghề bỏ báo đến mười một năm. Ông quen thân hầu hết các ông Manager trong warehouse. Hàng năm, vào ngày lễ Giáng sinh, ông chở một xe quà tặng cho tất cả “ giới chức” trong văn phòng. Người hộp bánh, kẻ chai rượu kèm theo thiệp chúc Giáng sinh và Năm Mới rất trịnh trọng. Nhờ cái cảm tình đặc biệt đó mà vợ chồng ông có route báo sát nhà gần bốn trăm tờ buổi sáng. Ông có lối so sánh rất thực tế: “Muốn tập thể dục tại các club phải mua thẻ hội viên và trả tiền hàng tháng.

Nghề bỏ báo có khác gì chạy bộ thể dục mỗi buổi sáng đâu, lại được người ta trả tiền. Tôi chạy bộ đã mười một năm nay chẳng hề lo áp huyết cao, áp huyết thấp. Bà xã của tôi trông thân ròm như thế mà mạnh đáo để, nhờ bả dành phần chạy nhiều hơn tôi”. Ông thầy cũ của Phong trở thành “Cai thầu bất đắc dĩ”. Route báo nào carrier bỏ ngang xương, route nào bị đuổi việc đều được manager thông báo cho ông. Nhờ vậy mà các gia đình Việt Nam mới đến định cư được mau chóng gia nhập vào lực lượng bỏ báo càng ngày càng đông đảo.

Phong tấp xe vào parking lot, nhanh chân vào phòng đẩy chiếc xe cart đến xếp hàng. Carrier gồm nhiều sắc dân, đủ loại tuổi tác. Riêng người Mễ Tây Cơ và Việt Nam chiếm đa số. Nhận báo xong, Phong đẩy xe đến khu xếp báo, nơi đặt nhiều dãy bàn. Hôm nay thời tiết lạnh nhưng khô ráo nên không cần bỏ báo vào túi nylon. Những dãy bàn cách nhau khá rộng đủ cho hai chiếc xe cart. Người đứng bên kia, kẻ đứng bên này, tay làm, miệng trò chuyện với nhau đủ các loại đề tài, đủ các loại ngôn ngữ. Ở Việt nam, mấy ông phó hù là nổi tiếng biết nhiều chuyện. Ngồi hớt tóc mà nghe ông kể chuyện từ đông sang tây như ông đã từng đi chu du khắp đó đây. Bây giờ ở Mỹ các người bỏ báo hàng ngày có thua kém gì ông phó cạo đâu. Ông nào cũng thông thái cả. Gặp đợt bầu cử, kẻ bênh đảng Dân Chủ, người bênh Cộng Hòa cải chí chóe rồi sừng sộ nhau. Đứng đối diện với Phong là một ông người Mễ lớn tuổi cùng cô vợ rất trẻ, có lẽ bằng nửa tuổi ông ta. Nghe đâu ông về Mexico cưới cô nàng. Nghề nghịêp chính của ông là làm công nhân xây dựng, route báo là phần phụ trội kiếm cho vợ.

Ông cố gắng huấn luyện cho vợ thành thạo cái job bỏ báo này, dần dần cô sẽ thay ông đảm trách một mình. Ông chỉ giúp nàng vào ngày cuối tuần. Nhà cửa có sẵn, nàng chỉ phụ thêm tiền trả nợ ngân hàng. Bà vợ trước bỗng dưng bỏ đi để ông sống cô đơn trong căn nhà ba phòng, phải cày một job chính và hai job phụ mới đủ trả bill. Giờ thì lão khôn ra. Căn nhà, cho người ta share hai phòng nên nhẹ gánh tiền bill hàng tháng. Để bảo đảm hơn, lão về nước tìm cô vợ tận vùng quê nơi mà phụ nữ có cuộc sống đơn giản chẳng có mơ ước cao xa. Ông tâm sự : Người đàn bà Mễ mà có gốc gác chắc chắn ở cái xứ tự do này, họ trở chứng như ngựa không cương.

Trước đây, lão loay hoay xếp báo một mình, giờ có hai người nên lão có vẻ thảnh thơi. Chồng lái xe, vợ mang báo bỏ tận hiên nhà cho khách hàng rất thuận lợi. Nay thì đã quen việc, nàng cũng không thua gì chồng về kỹ thuật quăng báo qua cửa xe. Dãy bàn phía bên kia, một thanh niên Mễ cao ráo vừa xếp báo vừa huýt sáo theo điệu nhạc đồng quê, chốc chốc liếc mắt nhìn trộm cô vợ trẻ đứng bên ông chồng già. Mái tóc nâu hớt cao rất hợp với nước da trắng hồng, lại thêm hàng ria mép duyên dáng, đôi lông mày dài đen kịt làm tăng thêm vẻ khỏe mạnh, hào hoa của người nghệ sĩ.

Buổi liên hoan mừng Chúa Giáng Sinh vừa qua do hãng báo tổ chức, anh chàng đã trổ tài với ngón đàn guitare thật điêu luyện. Cô vợ trẻ thỉnh thoảng phóng ánh mắt về phía có tiếng đàn réo rắt nhưng cũng không quên đưa ánh mắt đa tình nhìn chồng nở nụ cười rạng rỡ, khoe đôi hàm răng óng ánh như hàng ngọc dưới những dãy đèn điện sáng choang. Đôi rèm mi rợp không che được ánh mắt đầy rạo rực tình yêu của cô nàng.

Đẩy xe cart đầy báo đến chiếc Ford, Phong mở nắp thùng sau sắp báo vào cốp, số còn lại bỏ vào ghế trước. Trả xe cart về chỗ cũ , chàng lên xe lái về hướng khu route báo của mình. Một tay điều khiển vô-lăng, tay kia ném báo qua cửa xe, Phong cử động như một Rô-bô. Thông thường, địa điểm lý tưởng gởi báo cho thân chủ là nằm ngay cửa garage, trong hàng rào hoặc trên hiên nhà. Những khách hàng nào có yêu cầu bỏ báo trước cửa chính được ghi trong danh sách thì carrier mới xuống xe chạy bộ vô nhà. Những route báo tốn thời gian nhiều nhất là khu apartment, và những chung cư nhiều tầng. Riêng route báo của Phong cũng không khó khăn lắm. Một tiếng đồng hồ lái xe loanh quanh khu vực single-house, và khu mobile-home là số báo trên xe hết sạch. Chàng có thể thảnh thơi ghé vào tiệm Mc Donald “to go” cái bánh breakfast với ly cà-phê về nhà nhâm nhi. Sáng hôm nay, cơn bão cấp hai được loan báo sẽ thổi vào vùng Vịnh. Ngoài trời, mưa đã bắt đầu nặng hạt. Phong thức dậy với thân thể mỏi nhừ. Nếu nghỉ dễ dàng có lẽ Phong sẽ nằm vùi trong đống chăn ấm. Nghề bỏ báo, một tháng ba mươi ngày, không được nghỉ ngày nào và cũng chẳng được một quyền lợi nào dành cho carrier.

Dần dà cơ thể con người thích hợp với khí hậu dù nắng hay mưa. Sự mỏi mệt cũng sẽ tan biến khi những cuộn báo đầu tiên theo cánh tay vung ra. Phong lái xe vòng vòng trong khu Parking lot tìm chỗ đậu xe, bất chợt một phụ nữ đội áo mưa băng qua trước mũi xe chàng rồi chui vào chiếc xe màu trắng có người bên trong mở cửa đợi. Người đàn bà bỏ áo mưa ra, Phong mới nhận ra là cô vợ trẻ. Bên trong warehouse, ông Mễ già khệ nệ bưng những chồng báo nặng nề bỏ vào xe cart. Một chốc sau, cô vợ trẻ hổn hển chạy vào phòng đến đứng bên chồng làm cái công việc hàng ngày. Khuôn mặt tròn trịa, ánh mắt đa tình, mơ màng hơn mọi khi. Anh chàng Mễ nghệ sĩ từ ngoài sân đi vào, miệng không ngừng huýt sáo, trông chàng hân hoan lắm.

Ngoài trời, từng cơn gió giật nổi lên liên hồi mang theo tiếng hú, tiếng gầm rùng rợn như con vật khổng lồ vô hình đang trườn mình trên những ngọn cây ngã rạp, quằn quại dưới bầu trời mây đen vần vũ.

Manager đi từng bàn nhắc nhở carrier bỏ báo vào túi nylon cột dây cao su thật chặt. Với cơn mưa như trút nước này, báo vất giữa trời dễ bị thấm ướt, khách hàng sẽ khiếu nại, hãng báo mất thân chủ, người bỏ báo sẽ bị trừ tiền. Cuối cùng người làm công phải gánh lấy thiệt thòi.

Gió gầm thét, mưa ào ào, carrier vẫn lên xe như đoàn quân xông trận tỏa đi tứ hướng. Phong lượn xe theo từng con đường đầy ngập lá, cành cây gẫy rơi vãi trên lối đi. Với tốc độ cẩn trọng, chàng cố gắng liệng cuộn báo sát hiên nhà hoặc bao lơn. Gặp ngày mưa gió thế này, carrier phải tốn gấp đôi thời gian cho route báo của mình. Nghề nào cũng gặp cái khó của nó. Tiền công bỏ một tờ báo chỉ có mấy cent, nhưng rũi ro ném bể kính cửa sổ nhà của khách hàng là phải đền cả trăm bạc. Chưa tính đến lúc sửa xe, thay lốp... quả là cái nghề “ăn cám trả vàng”.

*

Vợ chồng kỹ sư Trung đã có công việc chuyên môn đúng ngành nghề tại hãng điện tử IBM, đã mua được hai căn nhà còn lãnh thêm route báo 300 tờ nữa. Phong ngạc nhiên lắm. Nhân lúc đứng xếp báo, Phong nêu thắc mắc với chàng kỹ sư điện tử ấy và được giải đáp như sau:

- Tiền lương chính của vợ chồng mình vừa đủ trả các loại bill và dành dụm hàng năm lấy vacation cho gia đình đi chơi mươi ngày, nửa tháng. Riêng job báo này, chúng tôi kiếm thêm tiền để viện trợ cho gia đình hai bên còn ở lại Việt Nam. Bên nhà, ông bà nội, ông bà ngoại cứ khoe với bà con láng giềng là con rể, con dâu đều là kỹ sư điện tử ở Hoa kỳ. Lương hàng năm của chúng nó đến cả tỷ đồng Việt Nam chứ ít đâu. Nay chúng nó đã tậu được hai căn nhà, mà nhà ở Mỹ giá đến mấy trăm ngàn Mỹ kim.

Gớm, tiền nhiều đến thế, làm sao chúng xài cho hết. Vì vậy, cha mẹ, cô chú bác, anh em không ngừng gởi thơ xin tiền, viện đủ lý do. Đến cả đau đầu cũng gởi thơ nhắc đừng quên gởi thuốc Tylenol. Mình có viết thư giải thích cái nhà là của ngân hàng. Nhưng nào ai tin, cứ cho mình là kẻ khiêm tốn, không muốn khoe khoang. Sau cùng anh kỹ sư Trung phán một câu :“Người tỵ nạn của chúng mình mang kiếp lưu đày, nay trở thành kiếp trâu cày”!

Qua câu chuyện của kỹ sư Trung kể đã tác động tình cảm của Phong không ít. Chàng có bà mẹ già đang sống lam lũ với người em trai tại một thị trấn nghèo nàn nửa chợ nửa quê. Hơn một năm nay chàng chưa dám nghĩ đến chuyện gởi tiền về cho mẹ bởi chàng còn gặp nhiều khó khăn. Nằm ở đảo gần hai năm, nhờ cái giấy chứng nhận cô nhi quả phụ của mẹ chàng cất giữ nên Phong được Cao ủy tỵ nạn cho đi Hoa kỳ. Cùng chuyến vượt biển muộn màng với chàng, đa phần bị cưỡng bức quay về Việt Nam vì thiếu giấy tờ chứng minh. Cha chàng hy sinh ngoài mặt trận lúc em chàng còn trong bụng mẹ. Người đã sống khép mình, tảo tần nuôi hai đứa con trưởng thành. Trước hoàn cảnh bi đát của gia đình, Phong đã liều chết trốn vào thuyền vượt biển. May mà thoát được, nếu còn ở lại Việt Nam, diện của gia đình Phong chỉ còn chết gí tại hợp tác xã hoặc ở các công trường, không cách nào ngẩng cao đầu được.

Phong đã ghi tên vào trường Mission College và xin được cái job Work Study. Hy vọng đơn xin Financial Aid được chấp nhận, bấy giờ chàng sẽ dành chút đỉnh tiền gởi về cho mẹ và em. Hàng ngày, Phong bỏ xong route báo về nhà nghỉ được một giờ rồi phóng xe tới trường college. Sau giờ học, chàng ở lại trường thêm một giờ nữa để làm công việc của một Tutor hoặc vào thư viện.

Báo ngày Chủ Nhật có rất nhiều phụ bản và quảng cáo, carrier cần nhiều thời gian để xếp báo, ngoài ra tờ báo cuối tuần rất nặng, không thể ngồi trong xe quăng báo qua cửa xe như báo ngày thường. Vì thế vào ngày này warehouse mở cửa trước 12 giờ khuya cho mọi người đến nhận báo.

Xe của Phong vừa quẹo qua khúc quanh của con đường vào parking lot, ánh sáng đèn xe quét một vòng, chợt Phong nhìn thấy một cặp nam nữ ôm nhau hôn sau dãy cây xanh. Chàng cho xe đậu vào chỗ trống. Thình lình cô vợ trẻ từ trong bụi rậm bước ra rồi nhanh chân vào warehouse. Một khắc sau chàng thanh niên Mễ có bộ ria mép cũng từ đó đi dọc theo hàng rào vào bãi đậu xe. Ông Mễ già đang lui cui ôm những cục báo nặng nề bỏ lên bàn. Cô vợ trẻ chạy đến tiếp tay với chồng.

Ngày Tết Nguyên Đán đã gần kề, Phong nhớ đến mẹ và em ở quê nhà. Thằng Thủy hiện là công nhân trồng cây lâm trường, tiền lương vừa đủ nuôi thân. Còn mẹ chàng, đặt tủ thuốc bên lề đường thị trấn, bán từng điếu Hoa Mai, Điện Biên. Họa hoằn mới có người hỏi mua vài điếu thuốc ngoại nhập. Phải nhìn trước nhìn sau tránh bọn thuế vụ luôn luôn rình rập.

Phong vừa nhận được tiền Finalcial Aid. Sau khi trừ tiền sách cũng còn dư chút ít, nên chàng quyết định gởi về cho Mẹ 200 Mỹ kim để tiêu Tết.

Mẹ Phong nhận được tiền từ Mỹ gởi về, mừng lắm. Bà sai Thủy viết thư tin cho anh rõ: “Nhờ tiền anh gởi về mà mẹ có được bộ bà ba mới bằng vải ka-tê, em sắm bộ sơ mi quần tây để ăn Tết, cũng nở mày nở mặt với bà con láng giềng.”

*

Thông lệ, cứ đến ngày Tết, ngày chạp, và đặc biệt là ngày giỗ cha chàng, Phong gởi tiền về quê nhà cho mẹ mua sắm rộng rãi.

Một hôm chàng nhận được thư của Mẹ gởi:

Phong, con yêu quý của mẹ,

Như con biết đó thằng Thủy em con làm công nhân lâm trường cực khổ lắm, dãi nắng dầm mưa mà tiền lương không đủ tiêu. Nay nhân dịp có người bạn của nó là thằng Hanh cùng với mấy người có thế lực trong huyện mở một công ty sản xuất bia có tiêu chuẩn quốc tế. Người ta cho em con được hùn vốn mà gia đình ta nghèo quá. Em con thì muốn thoát ra cảnh khổ của đời công nhân, nên mẹ biên thư này mong con thương mẹ, thương em gởi về cho em con mượn 10.000 đô la. Sau này mẹ sẽ nhờ vào số tiền lời của công ty chia hàng tháng mà an hưởng tuổi già. Mẹ biết hiện giờ con còn phải bận rộn việc học hành, nhưng đằng nào con cũng có khả năng kiếm tiền hơn mẹ và em con. Con chớ nên chậm trễ để cơ hội qua đi. Mẹ mong tin con từng ngày ở quê nhà.

Mẹ của con.

Bức thư của mẹ làm Phong nhức đầu mấy ngày.

Đào tiền đâu ra mười ngàn đô. Cái route báo 200 tờ, tiền Finalcial Aid, tiền làm thêm trong trường cộng lại chỉ hơn ngàn rưỡi bạc. Trả tiền share phòng, tiền bảo hiểm xe, tiền sửa xe, tiền đổ xăng và tiền ăn...chẳng có dư bao nhiêu. Mười ngàn đô gởi về trọn gói quả thực vượt ngoài tầm tay đối với chàng.

Phong thương mẹ thương em muốn cho gia đình thoát ra cảnh nghèo túng. Đây là cơ hội cho em mình kinh doanh, có công việc làm tương đối nhàn hạ lại có tiền cung cấp cho mẹ hàng tháng. Phong nghĩ tới ông thầy cũ, đến anh kỹ sư có hai nhà mà còn đi bỏ báo kiếm thêm tiền gởi về cho gia đình. Đó là một tấm gương tốt. Trong thư mẹ dặn chớ nên chậm trễ để lỡ cơ hội. Vì vậy, chàng quyết định tận dụng Credit card, mượn ông thầy cũ, vợ chồng anh kỹ sư Trung mỗi người 2000 đô cộng thêm tiền dành dụm bao lâu nay là đủ số tiền theo yêu cầu của mẹ. Chàng sẽ xin thêm một route báo nữa để có tiền trả nợ dần. Phong tự an ủi: “Mình bỏ bớt giờ nghỉ, dậy sớm hơn và về trễ hơn.

Người ta bảo: “Giúp ngặt không ai giúp nghèo.”

Tiền gởi về chia làm 3 đợt được thông suốt.

Mẹ chàng viết thư bảo rằng: “ Trong đời mẹ chưa bao giờ thấy được số tiền lớn như thế. Mẹ đã chảy nước mắt khi ôm túi tiền một trăm bốn chục triệu bạc Việt Nam, vừa mới được đổi ra.” Ngày nhận được thư mẹ cũng là ngày ông manager cho thêm route báo 100 tờ. Như vậy là Phong phải bỏ 300 tờ báo cho khách hàng mỗi ngày. Tuy khổ cực nhiều nhưng Phong rất thỏa mãn mỗi khi nghĩ đến mẹ và thằng em có công việc làm vững chắc, có lợi tức thu vào hàng tháng để mẹ chàng khỏi phải phơi nắng ngồi bán từng điếu thuốc hút.

*

Hôm nay thứ Bảy, bỏ xong route báo đến tám giờ sáng, Phong ghé tiệm cà-phê mua ổ bánh mỳ xa-xíu, ly cà-phê đá rồi lái xe thẳng đến warehouse để nhận hàng quảng cáo, loại shampoo gội đầu của hãng sản suất H.E. Phải bỏ hàng vào loại bao đặc biệt của hãng làm sẵn kèm theo mấy tờ coupons giảm giá. Phong đến trễ hơn mọi người nên phải đậu xe nơi parking lot của building kế cận. Bãi đậu xe nơi đây vắng vẻ sát bờ suối có tàn cây che mát. Chàng ngồi trong xe gặm ổ bánh mỳ và ly cà phê đá. Bất chợt, Phong trông thấy chiếc xe màu trắng đậu dãy ngoài cùng đang lắc lư, nhún nhẩy như người lên đồng. Chàng nghi ngờ, biết đâu có kẻ bị bắt cóc rồi vứt vào thùng xe, giờ đang vùng vẫy kêu cứu. Phong hấp tấp mở cửa xe phóng người đến chiếc xe đang đánh nhịp. Nhìn qua cửa kiếng, Chúa ôi, Phong đưa tay bịt miệng, quay đầu chạy một mạch về lại xe mình đóng sầm cửa lại. Một cảnh tượng đập vào mắt khiến Phong có cảm tưởng mình vừa bị lừa. Cặp nam nữ trần truồng đang hì hục làm tình trên băng ghế sau. Phong xấu hổ ngồi đờ đẫn trong xe. Phần ổ bánh mỳ còn lại chàng vứt vào bao giấy, chỉ uống cạn ly cà-phê. Độ vài phút sau, cánh cửa sau xe màu trắng bật ra, cô vợ trẻ vừa bước xuống xe vừa cài hột nút áo cuối cùng, nhoẻn miệng cười rất tươi với người bên trong rồi thoăn thoắt đi về hướng warehouse. Phong vẫn ngồi yên chờ đợi xem người còn lại là ai. Khi cô bé đi đã khá xa, người chủ chiếc xe xuất hiện, không ngoài sự dự đoán của Phong, đó là chàng thanh niên Mễ có ngón đàn guitare gợi cảm.

Trong warehouse không khí nhộn nhịp. Những chiếc thùng cartons rỗng đựng mẫu shampoo quảng cáo vất tứ tung. Cô vợ trẻ đang giúp chồng bỏ hàng vào túi nhựa. Bất chợt, người chồng phát hiện áo cô vợ gài lệch khuy khiến tà áo so le, ông nói nhỏ vào tai vợ, cả hai cùng cười. Cô nàng ngồi thụp xuống bên dưới bàn để gài lại nút áo, khi đứng lên, nàng bẽn lẽn véo yêu vào cánh tay chồng. Ông Mễ già nhìn cô vợ trẻ với ánh mắt chan chứa tình yêu và tràn ngập niềm tin. Đột nhiên, tâm hồn Phong chùng xuống. Chàng thương hại người chồng đã dồn tình yêu không đúng chỗ. Phong thấy áy náy trong lòng vì đã không làm được điều mình muốn làm cho người chồng đang bị vợ cắm sừng. Ông ta quên rằng khi con ngựa đã rõ đường đi lối về thì ngựa đâu cần đến dây cương. Khi tình yêu đến với người đàn bà sẽ không còn sức mạnh nào ràng buộc được họ ngoài sức quyến rũ của người tình. Khi phát giác ra điều này, ông già sẽ đau khổ biết chừng nào. Chàng thanh niên Mễ đẩy xe cart chất đầy thùng hàng ra parking thẳng đến xe hắn đậu sát bờ suối. Phong liếc nhìn thấy những dấu son môi còn dính trên má, trên ve áo, Phong nhổ nước bọt chửi thầm: “Thằng khốn kiếp ăn vụng quên chùi mép”, rồi đẩy xe shampoo dọc theo dãy hành lang.

*

Phong đã lấy xong bằng AS sau hai năm học miệt mài tại Misson College và đã ghi tên tại Đại học SJSU theo ngành kỹ sư điện. Trong ba tháng hè, Phong dự tính dành ba tuần lễ về Việt Nam thăm gia đình. Nhân thể xem công việc hùn hạp làm ăn của Thủy như thế nào. Chàng đã nhờ hai người bạn học bỏ hộ 2 route báo trong thời gian vắng mặt. Muốn tạo sự ngạc nhiên cho mọi người, Phong không báo tin cho gia đình biết trước.

Từ phi trường Tân Sơn Nhất, Phong lên taxi đến thẳng bến xe đò liên tỉnh. Trên đường về quê, chàng nghĩ đến giờ gặp mẹ gặp em khiến lòng chàng nôn nao. Chàng sẽ kể chuyện về quê người, về những tháng năm lo âu trên đảo và những hiểm nguy của đoạn đường vượt biển.

Trước khi xe vào thị trấn, Phong xuống xe ghé thăm người cậu ruột đã mười năm chưa gặp mặt. Nhà cậu ở gần quốc lộ nên chàng tìm đến chẳng khó khăn gì. Gặp Phong, cậu ôm chàng rưng rưng nước mắt. Cậu nghẹn ngào nhắc lại kỷ niệm ngày xưa mà cậu và cha chàng đã cùng nhau chiến đấu chung một chiến hào. Cậu bảo:

- Mẹ con thật có phước, nhờ tiền con gởi về mà đời sống khấm khá hẳn lên. Ngôi nhà cũ được sửa sang lại. Thằng Thủy em con sắm được chiếc xe Dream đời mới. Chị Ba bây giờ trông có da có thịt khác hẳn với những ngày trước kia.

Phong khiêm nhường :

- Tiền con gởi về chẳng là bao nhưng nhờ em Thủy có kế hoạch làm ăn nên mới mau khấm khá như thế.

- Thằng Thủy làm ăn gì " Bà Mợ xen vào :

- Em nó hùn vốn trong công ty sản xuất bia mợ à. Phong phấn chấn trả lời.

Bà mợ trố mắt nhìn Phong, lắc đầu :

- Công ty Bia ôm thì có!

Phong không hiểu ý của bà mợ, nhưng cách trả lời của mợ có vẻ xẵng giọng và ánh mắt ái ngại của cậu liếc nhìn Phong khiến chàng cảm thấy nỗi nghi ngại bắt đầu nhen nhúm trong lòng.

- Thế, thế... Phong định hỏi, thế có nghĩa là thế nào hở mợ , nhưng cổ họng chàng nghẹn

lại. Rồi chàng tự nhủ: “ Không thể nào, không thể nào”. Phong đứng lên, lấy ra 100 Mỹ kim đặt lên bàn:

Thưa cậu mợ, đây là chút quà mọn của con kính biếu cậu mợ để bồi dưỡng, giờ con xin được kiếu từ. Phong chạy ra đường lộ gọi xe thồ cấp tốc về nhà mẹ.

Căn nhà cũ khá sáng sủa, trông lạ hẳn. Chàng đẩy cửa bước vào. Trên chiếc chiếu hoa trải giữa sàn nhà xi-măng, mẹ chàng cùng ba người đàn bà ngồi quanh một cái đĩa đựng những con bài tứ sắc. Mẹ chàng trực nhìn lên thấy con trai, kêu lên :

- Phong, con về hồi nào, sao không tin cho mẹ biết trước. Miệng nói nhưng mắt mẹ vẫn nhìn đăm đăm vào những con bài cầm trên tay, bà tiếp:

- Bà Tám có không, tôi có đôi đấy - Con vào thay đồ tắm rửa, mẹ đánh xong ván bài nầy rồi tính.

- Vào căn phòng của Thủy, Phong ngồi thừ người chán nản. Chẳng lẽ mẹ mê những con bài tứ sắc hơn con mình từ xa về sao " Khi ngồi trên máy bay, Phong tưởng tượng mẹ chàng sẽ để rơi những giọt nước mắt vui mừng khi thấy con trai từ Mỹ về thăm sau năm năm trời xa cách. Chàng thay bộ áo quần sạch, nhét bộ đồ bẩn vào chiếc xách rồi vội vàng đi ra. Mẹ chàng hỏi: - Con đi đâu đó Phong, áo quần dơ để đó mẹ đem ra tiệm giặt ủi, nhớ về ăn cơm nghe con. Mẹ chàng vừa dặn dò Phong vừa xoa đống bài trên chiếu.

Phong cúi đầu chào mẹ và mọi người rồi gọi xe thồ chở chàng đến nhà của Hanh ở xóm trên.. Hắn là bạn thân của Thủy, người đã rủ em chàng góp vốn đầu tư vào công ty sản xuất bia. Căn nhà gạch ngày xưa nay không có gì thay đổi.

Cha mẹ của Hanh trước 1975 thuộc hạng giàu có nhất nhì thị trấn. Ông có đại bài gạo và tiệm buôn xe gắn máy. Khi chính quyền “cách mạng” mở chiến dịch đánh tư sản mại bản, tài sản của ông hoàn toàn mất sạch. Mấy năm sau, ông bà buồn khổ lần lượt từ bỏ cõi trần.

Hanh tiếp chàng khá vui vẻ. Phong nóng lòng hỏi ngay:

- Hanh à, cái công ty sản xuất bia của em đến nay như thế nào rồi"

- Bia bọt gì đâu anh, làm sao cạnh tranh nổi với người ngoại quốc đến đây đầu tư. Em có bao giờ dám nghĩ đến cái chuyện phiêu lưu đó đâu. Mình không có thế thần lại chẳng tài cán. Thôi thì sống an phận, nhận mấy trăm thước vuông ruộng, ôm cái vườn nhà làm thêm chút rau quả, trước cho cả nhà ăn, sau đem ra chợ bán kiếm tiền mua mắm. Thằng Thủy em anh có phước có phần, được Việt kiều ở Mỹ chu cấp tiền đô đều đều, sáng cà phê, chiều bia rượu.

Nghe Hanh nói đến đây, Phong rùng mình hiểu hết ngọn ngành. Chàng lấy tiền cho đứa con Hanh rồi cáo từ.

Trời nhá nhem tối, cảnh vật quanh chàng nhập nhòe dưới ánh mắt không còn thần lực. Phong bước đi lảo đảo như người mắc bịnh quáng gà.Tâm trạng hụt hẫng cùng nỗi cô đơn ùa đến tràn ngập trong lòng, bất giác Phong vẫy chiếc xe thồ bảo chở chàng đến quán bia ôm.

Anh xe thồ liến thoắng:

- Ở cái thị trấn nầy có nhiều quán cà-phê ôm, bia ôm lắm. Anh muốn đến quán Trăng Vàng nổi tiếng có nhiều em thơm mà chiều khách không chê vào đâu được. Hay đến quán Mộng Huyền có mấy em chân dài từ Hà Nội vào đây phục vụ"

Phong bực mình trước cái lối quảng cáo lố lăng của anh xe thồ, chàng xẵng giọng:

- Muốn chở đi đâu tùy anh.

Anh xe thồ chạy quanh co trên con đường đất rộngnhưng cũng khá nhiều ổ gà. Quán nằm trên địa điểm thơ mộng thuộc vùng vườn cây ăn trái. Nơi đây, ngày còn chiến tranh, du kích về khuấy phá thường đêm.

Phong kéo chiếc mũ lưỡi trai hơi sụp xuống che một phần khuôn mặt. Chàng vào quán tìm chiếc bàn ở một góc tối mà có thể quan sát hầu khắp. Chàng kêu một chai bia 33. Các cô gái xăng xái đến ngồi chung bàn phục vụ nhưng chàng xin lỗi từ chối. Một khắc sau, một tốp thanh niên bốn tên ồn ào vào quán. Phong nhận ra ngay thằng Thủy em chàng dẫn đầu đám ăn theo. Người tiếp viên đẹp nhất ở đây vồn vã ôm Thủy hôn rất sống sượng rồi dìu hắn ngồi vào chiếc ghế xa-lông. Có lẽ đây là vị thế tốt nhất của hắn đã chọn từ trước.

- Uống gì đây, thưa quý vị" bà chủ quán hỏi.

- Xin mời thủ trưởng lên tiếng, một đàn em nhìn Thủy chờ đợi.

- Cho tụi bay kêu tự do, Thủy vung tay.

- Thủ trưởng có tiền đô từ Mỹ chi viện đều đều lại vừa trúng cá độ trận banh quốc tế đấy.

Cô tiếp viên, phần trên mặc chiếc yếm để hở tấm lưng trần, phần dưới là cái váy cũn cỡn, khoe cặp đùi và đôi chân nõn nà. Cô bưng một khay bia ngoại nhập hiệu Heineken của Holland đặt trên bàn Thủy ngồi. Ả khui bia rót vào ly rồi nâng lên kề sát miệng khách như ái phi phục vụ quân vương. Hắn uống một hơi hết nửa ly, phần còn lại cô tiếp viên uống sạch và lau miệng hắn bằng chính môi nàng. Để khen thưởng cái cử chỉ đẹp đó, Thủy cầm tờ bạc 50 chục ngàn nhét vào váy của cô bé. Cô gái trân mình gục đầu vào vai hắn rên ư ử...

Phong vô cùng đau khổ. Chàng không ngờ em trai của mình lại lâm vào cảnh hư đốn đến như thế.

Muốn đứng lên giáng vào mặt thằng em mấy bạt tai cảnh cáo, nhưng chàng cố trấn tĩnh, lặng lẽ đến quầy trả tiền rồi lên xe thồ chạy thẳng ra thị xã.

*

Buổi sáng, khi trời còn mờ sương, trên con đường hẹp, Phong lội bộ băng qua cánh đồng hướng về khu đồi nghĩa địa. Chàng đến trước mộ cha, đặt một bình hoa và đốt nắm hương cắm vào chân bia. Nhìn ngôi mộ xây đã trải qua hai mươi lăm năm mưa nắng xói mòn, lòng Phong quặn thắt. Hình ảnh người cha kính yêu hiện về mờ nhạt trong trí nhớ của chàng thuở vừa lên năm.

Nước mắt Phong tuôn tràn, nước mắt của khổ đau và thất vọng. Chàng khấn giữa thinh không, dù rất nhỏ nhưng tiếng vọng vang xa, lung linh cả núi đồi:

“Xin Ba tha thứ cho con. Trước hoàn cảnh này con hoàn toàn bất lực. Một xã hội mà con người có thể nhẫn tâm lừa lọc đến cả người thân yêu của mình, có thể vui hưởng trên cả mồ hôi, máu và nước mắt của ruột thịt mình. Con xin từ biệt Ba, ngày mai này con lên đường trở lại Hoa Kỳ, một đất nước xa lạ nhưng đã cho con nhiều cơ hội thành một con người lương thiện./

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,206,895
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả tên thật Trần Thị Hậu. trước 1975 học ở Trưng Vương, Văn Khoa, từng tham gia viết bài cho các Đặc San của trường, các báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Đây là một chuyện ma có thật trong khu mộ dành cho người gốc Việt, người Nhật, người Tầu tại một nghĩa trang ở Honolulu, Hawaii, nơi có bản sao kiến trúc đền Byodo-In nổi tiếng của Nhật Bản.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California,
Từ San Jose, tôi đón xe đò Hoàng xuôi Nam. Từ hôm cùng với mấy đứa con của Hà bí mật bàn tính chuyện tổ chức buổi lễ sinh nhật thứ 60 cho Hà ở San Diego, tôi rất nôn nóng chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tác giả là một chuyên gia từng làm việc tại nhiều vùng tại Hoa Kỳ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Hoa Phượng Florida,” và “Hoa Xoan Bên Thềm Cu.”
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC, Phi Luật Tân, gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến