Hôm nay,  

Để Nhớ Về Sài Gòn

15/11/200500:00:00(Xem: 199421)
- Người viết: TOÀN NHƯ

Bài số 871-1462-297-vb4111605

Tác giả tên thật Nhữ Đình Toán, cư dân Santa Ana, sinh năm 1943, cựu sĩ quan CSQG/VNCH cấp bậc Đại Úy (Khóa 1 BTV-Học Viện CSQG), tù cải tạo gần 7 năm, định cư tại Hoa Kỳ từ 1991 theo diện HO-5. Hiện là Machine Technician làm việc cho một hãng sản xuất phụ tùng máy bay Mỹ ở Fullerton (CA). Ngoài ra còn là một cây viết tài tử với bút hiệu Toàn Như, thỉnh thoảng có bài đăng trên một số báo tại quận Cam. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là một tuỳ bút về Little Saigon.

*

Vào khoảng cuối thập niên 1980 khi còn ở Việt Nam tôi đã nghe nói đến Little Saigon, một "thành phố nhỏ" của người Việt mới được thành lập ở Nam California. Cho nên khi được đến Mỹ theo diện Hát Ô vào năm1991 tôi rất háo hức muốn được đi thăm Little Saigon một lần cho biết, lúc đó tôi còn ở San Bernardino, một nơi cách Little Saigon không xa lắm, chỉ khoảng hơn 60 dặm về hướng Đông Bắc.

Thế rồi một buổi sáng đẹp trời kia tôi cũng đã thỏa được ước mơ, được tháp tùng theo một người bà con đi chợ và dạo phố Little Saigon. Đến khi đó tôi mới biết rằng Little Sàigòn là một địa danh, một khu vực của cộng đồng người Việt ở miền Nam California, nằm trong hai thành phố Westminster và Garden Grove thuộc quận Cam (Orange county), cách Los Angeles khoảng 30 dặm về hướng Đông Nam. Cái tên Little Sàigòn này đã chính thức được công nhận kể từ năm 1988, sau nhiều năm vận động của nhiều cá nhân trong cộng đồng người Việt.

Tuy Little Saigon trải dài trong hai thành phố Westminster và Garden Grove, nhưng tấp nập và nhộn nhịp nhất là khu vực nằm trong khu tứ giác giới hạn bởi các con đường Bolsa, Brookhurst, Westminster và Magnolia. Khu vực này được coi như là downtown của Little Saigon, nơi tập trung các cơ sở thương mại, dịch vụ của người Việt nhiều nhất.

Tôi không biết ai đã nghĩ ra cái tên Little Sàigòn thật là ý nghĩa. Nó nghe thân thương làm sao và không khỏi làm cho người ta gợi nhớ về Sàigòn, một thành phố đã bị mất tên từ sau ngày 30-4-1975, coi nó như là một Sàigòn thu nhỏ trên xứ tạm dung. Lần đầu tiên khi đi đến Little Saigon tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy nhan nhản những bảng hiệu bằng chữ Việt và đông đảo bà con cô bác người Việt dập dìu tài tử giai nhân nhất là trong thương xá Phước Lộc Thọ. Bên tai tôi toàn những âm thanh giọng nói Việt Nam mà tôi tưởng đã rất hiếm hoi khi ra xứ người.

Thương xá Phước Lộc Thọ là một tòa nhà hai tầng kiến trúc kiểu Á Đông nằm trên đường Bônsa, với mặt tiền có mái cong màu xanh giống như một ngôi đền lớn. Phía trước thương xá là một hồ nước nổi có trang trí tượng của ba ông thần Phước, Lộc và Thọ. Bên trong thương xá là một trung tâm mua sắm gồm nhiều gian hàng phần đông là của người Việt với đủ loại hình thức kinh doanh khác nhau đầy kín hai tầng lầu. Thương xá này lúc nào cũng tấp nập người ra vào, nhất là vào những ngày cuối tuần thì thật là khó để mà kiếm ra được một chỗ đậu xe đi vào mua sắm tại đây. Vì vậy vấn đề đậu xe (parking) ở Phước Lộc Thọ cũng như ở các nơi khác ở Little Sàigòn đang là vấn đề nan giải cho các giới chức trong thành phố Westminster. Có lẽ một dự án xây dựng các bãi đậu xe nhiều tầng như ở các thành phố lớn khác cho Phước Lộc Thọ và Little Sàigòn mới là một giải pháp hợp lý trong tương lai.

Vào đầu thập niên 1990, hình như chỉ mới có một mình thương xá Phước Lộc Thọ ở Little Saigon có kiến trúc mang dáng vẻ Á Đông, nhưng nay thì đã có thêm nhiều kiến trúc khác. Chẳng hạn như tòa nhà tổ hợp y tế của ông bác sĩ Cơ trên đường Bônsa, hay như khu thương mại có chợ T & K cũng nằm trên đường Bônsa cách Phước Lộc Thọ không bao xa.

Một đặc điểm khác gây ngạc nhiên và thích thú cho tôi và có lẽ nhiều người khác là, có rất nhiều những cái tên, những bảng hiệu ở Little Sàigòn mang những cái tên từng vang danh một thời ở Sài Gòn ngày xưa. Những cái tên đó không khỏi làm cho nhiều người, nhất là những người ở vào lớp tuổi trung niên như tôi, gợi nhớ đến những ngày ở Sài Gòn xưa cũ. Sau một vài lần lui tới Little Saigon tôi mới nhận ra rằng có rất nhiều những nhà hàng, quán ăn mang tên của những nhà hàng, quán ăn đã từng nổi tiếng ở Sàigòn trước kia. Chẳng hạn như tên những tiệm phở, một món ăn quốc hồn quốc túy của người Việt mà bây giờ người ngoại quốc cũng đã bắt đầu chú ý và hâm mộ. Tôi đã nhiều lần nhìn thấy có những ông bà Mỹ, Mễ ngồi ăn phở rất tự nhiên và có vẻ rất thích thú. Đặc biệt ngạc nhiên là họ đi một mình không có bạn bè người Việt đi cùng, và đáng chú ý hơn nữa là có người còn biết sử dụng cả đũa ăn phở rất thành thạo.

Ở Little Sàigòn, mọi người có thể thấy có những cái tên hiệu phở và cả nhiều cái tên hàng quán nổi tiếng khác ở Sàigòn thuở trước. Chẳng hạn như Phở Hiền Vương, Phở Công Lý, Phở Tàu Bay, Phở 79, Bò 7 Món Ánh Hồng, Bò 7 Món Pagolac, Bánh Cuốn Tây Hồ, Hủ Tiếu Thanh Xuân, Bánh Mì Sáu Voi, Bánh Mì Ba Lẹ, nhà hàng Đồng Khánh, nhà hàng Bát Đạt, v.v... Nhưng thật khó có thể tìm lại được những nét độc đáo riêng của những cái tên đó ngày trước. Chẳng hạn cái tên Phở Công Lý, nó làm tôi nhớ đến một tiệm phở không tên, không bảng hiệu nhưng nổi tiếng nằm sâu trong một cư xá của dân Bắc Kỳ di cư trên đường Công Lý gần chùa Vĩnh Nghiêm và ngã tư Yên Đổ, Sài Gòn. Tiệm phở này còn được gọi là Phở Dậu, tên của bà chủ tiệm, khá đặc biệt và nổi tiếng trước năm 1975 vì nó từng được nhiều vị khách tai to mặt lớn chiếu cố. Nghe nói nó đã từng đón tiếp cả ông tướng 'kỳ cục' đến ăn phở tại chỗ với súng máy đại liên hộ tống ồn ào cả cư xá. Và còn nghe nói cả cậu bí thư họ Hoàng đẹp trai của tông tông Thiệu cũng đã nhiều lần đến ăn phở tại đây ra cái điều bình dân sành điệu gây khó chịu cho khách đang ăn trong tiệm. Điểm đặc biệt của tiệm phở này mà bây giờ ít có tiệm phở nào dám áp dụng là không bao giờ cho khách thưởng thức rau thơm và gía sống vì theo bà chủ "như thế mới là phở Bắc chính cống, chứ còn thêm rau và giá sống vào thì nó đã lai hủ tiếu mất rồi."

Ngoài tiệm Phở Công Lý, cũng còn phải kể đến tiệm phở Tàu Bay, cũng là tên một tiệm phở từng nổi tiếng trên đường Lý Thái Tổ ở Sài Gòn. Không biết cả hai tiệm phở Tàu Bay này có liên hệ gì đến nhau không" Nhiều người hẳn còn nhớ cái chất rất bình dân mà cũng rất phở của nó. Cái tên "tô xe lửa" mà bây giờ người ta Mỹ hóa gọi là tô "Extra Large" dường như cũng xuất xứ từ tiệm phở này. Tuy nhiên đối với những người mới đến Mỹ lần đầu thì khi ăn phở chỉ cần tô thường, chẳng cần phải tô xe lửa hay extra large, cũng đã ngất ngư con tàu đi rồi bởi vì tô phở ở Mỹ trông thật là bề thế so với tô phở ở trong nước. Chả thế mà mấy anh chị cán được đi ra nước ngoài, ở Mỹ về nước đã bôi bác mô tả tô phở ở Mỹ bự như một cái ... thau!

Ở trong Phước Lộc Thọ cũng có tới hai tiệm phở mang tên hai tiệm phở nổi tiếng khác ở Sài Gòn; đó là tiệm Phở 79 và Phở Hiền Vương. Phở 79 cũng từng vang danh một thời ở số nhà 79 đường Võ Tánh, Sài Gòn, gần nhà thờ Huyện Sĩ. Còn Phở Hiền Vương thì nhiều người hẳn cũng liên tưởng đến một dãy những tiệm phở trên đường Hiền Vương gần Tân Định, Quận Ba-Sàigòn ngày nào nổi tiếng với món phở gà độc đáo. Mỗi lần đi ngang qua đoạn đường này nhìn những con gà vàng béo ngậy treo lủng lẳng trong những tủ kính như mời mọc khách ghé ăn trông thật là hấp dẫn.

Nhưng tại Little Sàigòn, ngoài phở ra thì cũng còn nhiều món quà ăn chơi nổi tiếng khác của dân Sàigòn cũng có mặt ở nơi này. Chẳng hạn như các món bún riêu, bún ốc, bún thang, bún mọc, bún mắm nước lèo, bún bò Huế, bánh tôm Cổ Ngư, chả cá Thăng Long, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang, bánh cuốn thanh trì, bò 7 món, v.v... Và cũng giống như phở, nhiều cái tên nổi tiếng một thời ở Sài Gòn bây giờ cũng thấy xuất hiện ở Little Sàigòn. Nhưng có mấy ai còn nhớ đến cái 'lý lịch trích ngang' của những cái tên này. Những lúc ăn một đĩa bánh cuốn Tây Hồ nổi tiếng bây giờ, tôi bỗng nhớ đến cái quán cóc bán bánh cuốn ngay bên trong sân đền thờ cụ Phan Tây Hồ ở khu Đa Kao Sài Gòn ngày xa xưa. Bởi thế nó mới có tên là bánh cuốn Tây Hồ. Tôi còn nhớ những lần ngồi chực chờ những đĩa bánh cuốn nóng hổi được tráng ngay tại chỗ khói bốc lên nghi ngút. Dù lần nào đến ăn cũng phải ngồi chờ đợi lâu nhưng hình như chẳng ai sốt ruột hay phàn nàn chi cả. Có lẽ vì bánh cuốn quá ngon mà giá cả lại "nhẹ nhàng" bình dân. Và cũng tương tự như thế, cái tên Bò 7 Món Ánh Hồng không khỏi làm nhiều người nhớ đến cái quán ăn thịt bò bảy món, khách ngồi ăn vừa ở trong nhà vừa ở ngoài trời bên cạnh đường rày xe lửa ở Phú Nhuận. Thật là thơ mộng khi vừa ngồi ăn vừa nhìn ngắm trăng sao và đôi lúc còn được nghe tiếng còi tàu xe lửa rầm rập chạy ngang qua ...

Nhưng tất cả những cái tên ấy giờ đây chỉ còn là kỷ niệm của một thời vang bóng xa xưa! Ngay cả ở Sàigòn bây giờ đã mấy người còn nhớ đến những cái tên ấy. Nhưng dù sao thì đó cũng là một mất mát của dân Sàigòn mà Little Sàigòn như muốn làm sống lại những kỷ niệm về một thành phố đã bị mất tên từ sau tháng tư đen năm 1975. Nhưng chỉ những cái tên không thôi chưa đủ làm cho Little Sàigòn trở thành như là một Sàigòn Nhỏ, một thành phố nhỏ của người Việt tha hương.

Những ai đã từng đi qua những khu phố Tàu (Chinatown) ở những thành phố lớn trên đất Mỹ hẳn dễ dàng nhận ra những nét đặc thù của nó. Đây đó rải rác những kiến trúc và trang trí kiểu Trung Hoa đầy những màu sắc xanh đỏ lòe loẹt. Thậm chí ngay cả những phòng điện thoại công cộng ở đó đôi khi cũng được thiết kế với những kiểu dáng rất Tàu, rất Trung Hoa. Bảng hiệu, đèn màu, chữ Tàu nhấp nháy như một góc phố Hồng Kông hay Chợ Lớn của Sài Gòn. Người ta cũng sẽ gặp rất nhiều người Hoa, nhất là những phụ nữ, trong những bộ y phục truyền thống của người Tàu. Trong khi đó có thể nói ở Little Sàigòn chúng ta chưa có một kiến trúc nào tiêu biểu cho Việt Nam ngoài một vài kiến trúc như thương xá Phước Lộc Thọ tuy có dáng vẻ Á Đông nhưng lại có vẻ Trung Hoa hơn là Việt Nam. Dường như chủ nhân của một số các kiến trúc đó không phải là người Việt.

So với hơn mười năm trước khi tôi lần đầu tiên đến Little Sàigòn thì nay Little Sàigòn đã có nhiều thay đổi. Một số đường phố trong đó có con đường "huyết mạch" Bônsa đã được chỉnh trang đẹp hơn. Đại lộ Bônsa đã được chia làm hai, có những tiểu đảo phân ranh ở giữa có trồng cây dừa và hoa anh đào nên trông cũng hấp dẫn hơn. Thêm nhiều công trình và cơ sở thương mại mới đã được xây dựng, đặc biệt là có thêm khá nhiều chợ hay siêu thị, một điều gây ngạc nhiên cho các người bạn Mỹ. Họ đã gọi Little Saigon là thành phố của các siêu thị (city of supermarkets) cũng có phần nào đúng.

Little Sàigòn đang ngày một phát triển mở rộng sang các thành phố kế cận. Những tấm bảng "Welcome to Little Saigon" đã được dựng lên ở nhiều nơi, một điều mà nhiều cộng đồng bạn dù đã lập nghiệp ở Mỹ lâu năm trước chúng ta vẫn chưa làm được. Thế nhưng, mặc dù chúng ta vẫn đang tự nhận Little Sàigòn là thủ đô của người Việt tị nạn nhưng trên thực tế nó chưa có một công trình kiến trúc nào xứng đáng với tầm vóc như nó muốn vươn tới. Chúng ta chưa có một công viên Việt Nam, một cổng chào Việt Nam, hay một kiến trúc nào tiêu biểu. Chúng ta đã có các nghị viên người Mỹ gốc Việt trong cả hai hội đồng thành phố mà Little Saigon vẫn chưa có một con đường nào mang tên Việt Nam. Cho nên tôi vẫn nghĩ và có thể nhiều người cũng nghĩ như tôi, biết đâu một ngày đẹp trời nào đó con đường Bônsa sẽ trở thành đại lộ Lê Lợi hay Trần Hưng Đạo hay Sài Gòn hay một cái tên Việt Nam nào đó, biết đâu chừng.

Little Sàigòn còn có gì đáng nói nữa" Những năm gần đây chúng ta mới xây dựng được một tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ tại thành phố Westminster. Đây là bức tượng hai người lính, một Mỹ và một Việt Nam Cộng Hòa, đứng sát cánh bên nhau biểu tượng cho tình đồng minh trong cuộc chiến vì Tự Do trước đây tại Việt Nam. Việc xây dựng Tượng Đài này cũng lắm gian nan, sau gần năm năm vận động và quyên góp - phần lớn do sự đóng góp của cộng đồng người Việt ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều nhất là tại quận Cam - cuối cùng nó mới được khánh thành vào một ngày cuối Tháng Tư năm 2003. Buổi lễ khánh thành Tượng Đài đã làm nức lòng biết bao người Việt không chỉ ở Little Sàigòn mà còn ở khắp nơi trên thế giới vì đây là nơi duy nhất đầu tiên ở hải ngoại có hình tượng người lính Việt Nam Cộng Hòa được vinh danh cùng với lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa. Trong buổi lễ, nhiều người đã xúc động không cầm được nước mắt khi tấm màn che phủ tượng đài được kéo xuống. Có thể nói đây là một biểu tượng cho Little Sàigòn hay không"

Little Sàigòn là như thế đó. Rõ ràng là cái tên Little Saigon là để mọi người nhớ về Sài Gòn. Mặc dù nó còn nhiều cái chưa được như mong muốn của nhiều người nhưng dù sao nó vẫn là niềm hãnh diện chung của cộng đồng người Việt dù ở bất cứ nơi đâu. Đi trong Little Sàigòn, giữa những bảng hiệu bằng chữ Việt và văng vẳng bên tai những giọng nói Việt Nam, có một chút gì đó ấm tình quê hương. Dù sao Little Sàigòn hãy còn quá trẻ để nói lên điều gì và chúng ta vẫn hy vọng một ngày nào đó nó sẽ xứng đáng với danh hiệu là Thủ Đô Tị Nạn của người Việt như nhiều người đã đặt cho nó./.

TOÀN NHƯ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,297,866
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến