Hôm nay,  

Ba Tôi - Thế Hệ Thứ Tư

09/11/200500:00:00(Xem: 134758)
Người viết: PHẠM DUY LIÊM

Bài số 866-1457-293-vb5110905
*
Tác giả tên thật là Phạm Duy Liêm, cư dân Montgomery County. Mới đây, với bút hiệu Quảng Thông, ông có bài viết kể về công việc làm tài xế giao pizza tại Mỹ: mười bốn năm hơn hai chục ngàn giờ lái, chưa bao giờ gây tai nạn đụng người hoặc người đụng, nhưng ba lần bị cướp. Lần này, bài viết từ tháng 8-2005, được ký tên thật và ghi thêm “Viết theo gợi ý của Duy Long.”
*
Hầu như những ngày cuối tuần nào cũng vậy, khi anh em chúng tôi còn mơ màng giấc điệp, còn “nướng” cho già lửa vì không phải dậy sớn đi làm, đi học thì tiếng chuông, tiếng mõ và lời kinh vang lên khe khẻ đủ làm anh em tôi tỉnh giấc. Không nhìn đồng hồ, tôi vẫn biết đã chín giờ sáng rồi.

Đó là giờ Ba tôi trì kinh, lúc thì A Di Đà, lúc thì Phổ Môn, lúc thì Địa Tạng, lúc Hồng Danh Bửu Sám, lúc thì Vu Lan Bồn (mùa báo hiếu). Còn ngày thường, sau khi chúng tôi rời nhà đi làm, đi học, Ba trì kinh sớn hơn. Cũng như hồi ở quê nhà, kể từ sau khi Ba qui y tam bảo, Ba đều đặn gỏ mõ, đánh chuông từ sáng sớm, luôn luôn đúng giờ. Giờ giấc chỉ uyễn chuyễn sau khi gia đình tôi tới Mỹ.

Ba đưa Mẹ và bốn anh em tôi gồm ba trai một gái đến Mỹ cách nay đã hơn 14 năm. Tôi là con út trong gia đình, lúc đến Mỹ vừa tròn 7 tuổi, người anh lớn của tôi chưa tới 18.

Nhớ lại hôm đi phỏng vấn, bốn anh em chúng tôi như những hình nộm biết nói, song không thể hiểu Ba đã nói những gì với ông Mỹ phỏng vấn dù chúng tôi biết đó là tiếng Mỹ. Rồi không bao lâu sau đó, chúng tôi thu xếp ra đi.

Bước lên chiếc phi cơ Air France khổng lồ ở phi trường Tân Sân Nhứt để sang Thái Lan, một địa danh mà ở tuổi tôi chưa bao giờ nghe qua, mọi trao đổi với tiếp viên người Pháp trong suốt hành trình khoảng 1 giờ bay đều do Ba tôi lo hết. Khi phi cơ chuẩn bị đáp xuống phi trường Bangkok trời đã tối nhìn qua cửa sổ tôi cứ tưởng như một vì sao chổi đang ở dưới chơn tôi: Thành phố vô cùng rực rở được thắp sáng không biết bao nhiêu là ngọn đèn. Những dòng xe nối đuôi trên những con đường lớn trông như những con rồng lửa đang uốn lượn. Trong khi đó thành phố tôi ở bên nhà vẫn còn những đêm dài tối tăm vì thiếu điện!

Trong thời gian ở trại tạm chuyển Thái Lan, chúng tôi sanh hoạt như mọi gia đình khác. Riêng anh Hai tôi có hơi “nổi nổi” một chút vì ngón đờn organ của anh đã thu hút một số bạn trẻ trong trại. Hồi ở bên nhà, Ba Mẹ đã cho chúng tôi học thêm piano và trống. Anh Hai tôi rất có khiếu piano; đã có lần vào năm 85, anh được đài TV Sài Gòn phỏng vấn và phát hình anh trình diển, lúc ấy anh được 12 tuổi. Còn anh Ba tôi ham thích trống hơn, mỗi lần anh tập trống thì cả xóm đều vang inh ỏi! Riêng chị Tư và tôi cũng học piano, nhưng xem chừng không có “lổ tai” cho lắm! Học hoài chẳng tiến bao nhiêu! Khi ra đi, Ba mang theo cho anh Hai cây organ nhỏ, xài cả điện lẩn battery, nhờ vậy anh dễ kết thêm bạn mới ở trại Thái Lan.

Ở trạm trung chuyễn Thái Lan một tuần, gia đình tôi được đưa ra phi trường đi Mỹ, Tại phi trường, viên cao ủy Tị Nạn trao cho Ba hồ sơ danh sách và nhờ Ba hướng dẫn một đoàn vài chục người nữa gồm có người Miên và Lào cũng sang Mỹ. Vị Cao ủy căn dặn Ba nhiều điều và Ba nói lại cho mọi người rỏ.

Mấy giờ chờ đợi lên phi cơ, trong phi trường tối tân, chúng tôi ngơ ngáo như nhân vật trong vở “Tư Ếch đi Sài Gòn” Chị Tư và tôi thích nhứt là chiếc thang cuộn, chúng tôi mãi mê lên xuống. Ba phải đứng trông chừng sợ chị em tôi hụt chơn té. Mãi mê chơi đến lúc cần đi “restroom” quả là một vấn nạn! Ra khỏi restroom tôi khẻ nói bên tai Ba:

- Con vừa đi tiểu xong tìm không thấy cần xã nước!

Ba xoa đầu tôi, nở nụ cười nhơn hậu, như thông cảm nổi ngơ ngác của tôi, Ba nói cho cả Mẹ và các anh chị tôi nghe luôn:

- Đi tiểu xong, bồn tự động xã nước dội không có gì phải lo!

- Hồi nãy, con rửa tay xong tìm hoài không thấy giấy chùi tay, con để tay ướt đi ra! Tôi nói thêm.

Ba lại cười nói:

- Ba quên dặn Mẹ và các con. Bên trong restroom gần cửa ra vào có gắn một hộp vuông vuông vẽ hình bàn tay, đó là máy xấy tay cho khô. Sau khi rửa tay, mình đưa hai bàn tay vô dưới máy, máy tự động chạy quạt ra hơi nóng. Khi tay khô, mình rút tay ra, máy sẽ tắt, không cần giấy!

Tôi nhìn Ba với vẻ hãnh diện và thán phục:

- Sao cái gì Ba cũng biết hết vậy"

- Có gì đâu con, Ba quan sát và đọc hướng dẩn. Rồi đây, khi sang Mỹ, các con sẽ giỏi hơn Ba cho coi! Ba luôn cầu mong như thế “Con hơn cha nhà có phúc” mà!

Chuyến bay Thái Lan đưa đoàn chúng tôi đến phi trường Charles de Gaulle ở thủ đô Paris, Pháp quốc. Tại đây, một nhơn viên IOM người Pháp hướng dẩn thủ tục để giúp đoàn chúng tôi chuyễn chuyến bay đi New York, là trạm cuối.

Trên chuyến bay đi Mỹ nầy, lần đầu tiên Ba chỉ cho chúng tôi biết dáng vẻ người Mỹ ra sao. Các tiếp viên người Mỹ nam cũng như nữ đều cao lớn, gọn gàng và lịch sự! Xem chừng họ đều chìu chuộng và ân cần với trẻ con chúng tôi.

Tôi suýt quên ghi lại một việc là trên các chuyến bay chúng tôi đi, Ba đã dạy chúng tôi cách sử dụng restroom, vì vậy mà chúng tôi bớt ngờ ngệch, không trố mắt “Tư Ếch” nhìn bồn toilet không có nước rút như bồn bên nhà, mà bồn được xả bằng hơi phát ra âm thanh khẹt khẹt như …khỉ; Lại còn chậu rửa tay (sink) gì mà nhỏ xíu; Ba cũng dặn chúng tôi sau khi sử dụng, dùng giấy lau nước bắn xung quanh, tỏ lòng lịch sự với người dùng sau!

Đến Hoa Kỳ, gia đình chúng tôi ở chung nhà với người Bác một thời gian. Người Bác đưa chúng tôi đi làm thủ tục giấy tờ và thủ tục nhập học. Hai anh lớn tôi vào trung học, còn chị em tôi đến trường tiểu học gần nhà, Ba đưa đi và rước về mỗi ngày.

Sau 10 tháng ở chung với Bác, Ba Mẹ quyết định ra riêng. Tôi nghe Ba Mẹ bàn với nhau là sẽ đi học lại để cùng tiến thân và cũng để có phương tiện lo cho các anh em tôi chu đáo hơn.

Sau khi Ba Mẹ thi đậu xếp lớp vào college, không hiểu sao chỉ Mẹ đi học lại, còn Ba thì quyết định đi làm. Mãi khi lớn lên chút nữa, tôi mới hiểu Ba đi làm sớm là để có thời giờ lo cho chúng tôi, từ việc đưa rước đi học, đưa rước hai anh lớn tôi làm thêm ngoài giờ, đến việc đi chợ mua thức ăn, hoặc mua sắm áo quần giầy vớ. Mẹ đi học về lo cơm nước, giặt giũ, và kèm chúng tôi bài vở.

Hồi mới sang Mỹ, người bạn lâu năm của Ba cho được chiếc xe tuy cũ, nó vẫn còn khá tốt cho toàn gia đình sử dụng. Nhờ vậy, chúng tôi đỡ phải lội mưa nắng, đở khổ sở vì gió tuyết.

Ba tự làm các việc nhẹ để bảo trì xe; khi cần phụ tùng nào Ba đến các junk-yards trong vùng tìm mua về tự thay, hiếm khi Ba đem xe tới thợ sửa. Ba thường nói: “Nước Mỹ quá dư thừa. Mình ráng tiện tặn mỗi thứ một chút thì vẫn vượt qua khó khăn và còn có thể giúp đỡ người khác khi cần.”

Có lần thấy anh Hai tôi mua sắm áo quần đắt tiền, Ba hỏi thì anh nói để mặc khi đi trình diển văn nghệ. Anh được một ban nhạc ở vùng thủ đô mời giữ phần organ, một thời gian ngắn sau khi tới Mỹ. Vì vậy mà áo quần anh mặc càng lúc càng nhiều. Tuy vậy Ba vẫn thường xuyên nhắc nhở chúng tôi

- Không phung phí thì không thiếu thốn, các con ạ! (waste not, want not!)

Ba dạy chúng tôi tiết kiệm, nhưng không keo kiệt, bỏn xẻn. Hơn một năm sau khi đến Mỹ, Ba Mẹ bắt đầu gởi tiền về giúp đở bà con nghèo bên nhà những lúc bất thường, còn thì, gởi đều mỗi khi Tết đến, từ đó cho đến nay. Mà không chỉ gởi về quê nhà, Ba Mẹ còn giúp ngay cả nơi đất tạm dung nầy mỗi khi “đất trời nổi giận” nữa!

Ba đã nêu tấm gương cho chúng tôi noi theo. Chúng tôi còn đi học, mỗi năm tựu trường thì đòi mua sắm áo quần mới. Ba thì không bao giờ. Ba đưa chúng tôi đi shopping mà không bao giờ Ba mua cho Ba dù một đôi vớ mới. Ngày thường rảnh rổi buổi sáng, Ba hay đến nhà thờ bán quần áo cũ, lựa mua về, giặt rồi mặc. Ba tìm hiểu được nhà thờ ở Mỹ rất giàu. Quần áo thường do người giàu đem cho. Trước khi cho nhà thờ, họ cũng đem giặt, cho nên quần áo tuy nói là cũ, vẫn còn mới, có khi còn rất mới, mà giá chỉ bằng một phần mười giá trong tiệm.

Chẳng những thế, Ba còn lựa tìm nhiều áo quần hiệu “xịn” (brand name), tốt, đem về giặt, xếp vô thùng chờ có dịp về quê nhà làm quà bà con. Ba nói: “Một cái quần jean gần 30 đô chỉ cho được một người. Số tiền đó Ba mua được 10 cái cho 10 người!”

Nước Mỹ là thế! A penny saved is a penny earned!

Ba làm ca chiều đến đêm mới về. Từ khi Ba làm việc, tôi thấy không đêm nào Ba vắng nhà, hoặc la cà chổ nầy chổ nọ. Mỗi đêm về, vừa bước vào nhà, Ba thường hỏi Mẹ, luôn chờ dùng cơm với Ba một câu:

- Gà đã về chuồng hết chưa, em"

Ba ám chỉ coi các con của Ba đã có mặt đầy đủ trong nhà chưa, Ba mới an tâm. Lúc nào Mẹ nói còn một đứa chưa về, thì Ba thường bồn chồn, lo lắng vô ra ngóng trông.

Việc đi vacation mỗi năm đối với người bản xứ là chuyện bình thường. Ngay cả người Việt mới định cư sau nầy cũng có thói quen, thích đi đây đi đó du ngoạn, viếng cảnh, vì nước Mỹ quá vĩ đại, nhiều kỳ quan thiên nhiên thật hùng vĩ. Ba thì thật khác lạ, chẳng có năm nào đến kỳ hè Ba lên kế hoạch đi nghỉ vacation, dù ngay cả gia đình từ khi sang đây sống lẩn quẩn trong một tiểu bang gần thủ đô, mà chẳng mấy lần đến ngắm cảnh thủ đô! Họa chăng, năm nào thời tiết nóng quá, Ba mới đề nghị gia đình đi biển và về trong ngày mà thôi! Việc giải trí cuối tuần như đi ciné thật vô cùng hiếm hoi. Trong 14 năm, nhiều lắm chỉ 2 lần Ba đi coi hai cuốn phim vĩ đại chiếu ở rạp như Titanic, Jurasic Park. Có hỏi thì Ba đáp rằng: “Ba không thích đi đâu hết cả, vì đến chổ lạ Ba khó ngủ lắm! Nếu có tiền Ba thích về Việt Nam hơn.”

Tôi biết Ba muốn về Việt Nam thường để viếng thăm ngoại tôi đã ngoài 90, mà Ba coi như Mẹ ruột vì Ông Bà Nội tôi đã qua đời từ lâu, và viếng thăm bà con và chăm sóc mồ mả Ông Bà. Ba thường nói “cây có cội, nước có nguồn.” Cách sử sự của Ba làm cho bên Ngoại tôi ai cũng yêu quí, coi như con em ruột trong gia đình, chớ không phải là con em rể.

Có năm Mẹ muốn đi Cali thăm Dì tôi. Ba nói: “Em và các con đi thăm chị, anh ở nhà cho.” Mẹ năn nỉ cách nào, Ba vẫn không chịu đổi ý. Thế là Mẹ dẫn chúng tôi đi chơi cả tuần mới về!

Lúc về, thấy Ba rất vui. Ba nói: “Mẹ và các con về Ba mừng quá! Ở nhà một mình Ba cũng lo, lúc tối lửa tắt đèn không có ai bên Ba thì không biết làm sao. Ba có nhờ Bác mỗi sáng sớm gọi điện thoại đến Ba coi có bất trắc gì không"”

Kể từ khi đến Mỹ, việc ăn uống của Ba đã đơn giản rất nhiều. Hồi ở bên nhà, bửa cơm nào cũng phải 3-4 món, Mẹ quán xuyến gọn vì có người phụ làm. Sang đây. biết không ai giúp và Mẹ lại bận rộn luôn nên Ba chỉ qua bửa một món mà thôi. Ngoài ra, nhiều khi, cả nhà dùng cơm xong, Ba hối thúc anh em tôi học, làm bài, trong lúc Mẹ dọn dẹp, thì Ba rửa chén!

Mỗi năm đến ngày sanh nhựt của Ba, Ba vẫn không nhớ, hoặc có khi Mẹ khéo léo nhắc đến sanh nhựt của tôi, cùng tháng với Ba, và chỉ sau một ngày, để hai cha con cùng tổ chức cho tiện việc, thì Ba âm thầm bỏ qua. Chị tôi lặng lẻ mua quà, đặt bánh để tổ chức tại nhà chờ đến ngày cùng ca lên bài “Happy Birthday.” cho Ba ngạc nhiên.

Anh chị em tôi thay phiên nhau tổ chức sanh nhựt mỗi năm cho Ba Mẹ. Có năm đến ngày sanh nhựt anh Hai tôi bất ngờ mời Ba chiều nay đi làm về sớm cùng ăn nhà hàng. Ba vẫn tỉnh bơ không biết việc gì anh Hai tôi mời:

- Có việc gì đi ăn nhà hàng vậy con"

- Thì Ba cứ về sớm một chút cùng gia đình đi!

- Ăn nhà hàng chi cho tốn kém! Về nhà dùng cơm được rồi. Ba hơi càu nhàu nói.

Anh Hai chỉ cười cười rồi gát phone. Dù nói vậy chớ Ba cũng về sớm cùng gia đình đi.

Đến Nhà hàng anh Hai nhường Ba gọi món ăn. Ba nói:

- Ba không quen ăn nhà hàng, không biết phải gọi gì. Con cứ đặt món đi, gọn nhẹ thôi!

Thế là anh Hai tôi đặt món. Anh Hai rất sành nhà hàng vì anh theo ban nhạc thường xuyên đám tiệc, đám cưới nên anh biết nhà hàng nào có món ngon.

Tánh Ba là như vậy, xem chừng tiết kiệm lắm; nhưng khi có ai cần giúp bên đây, cũng như bên nhà, Ba Mẹ cho ra hàng trăm, hàng ngàn không tiếc! Do vậy mà hàng tháng các cơ quan như Cảnh Sát, Cứu Hỏa, Thương Binh, Cứu đói trẻ (Hunger child), Quỷ cựu chiến Binh VN (VN Veterans Memorial Fund), Trẻ ung thư…v.v…đều gởi thơ xin Ba đóng góp.

Một năm 365 ngày, không thấy Ba vắng nhà, vắng buổi cơm nào. Có một dạo khá lâu Ba nhận dạy lái xe cho đồng hương. Lúc đầu Ba định không nhận học phí, nhưng rồi có lẻ phương pháp Ba dạy ai đi thi 1 lần đều đậu, khiến học viên đồn đãi lan ra, nhiều cú phone gọi tới nhờ dạy. Học viên thấy vậy mới đề nghị đưa thù lao. Ba chẳng than phiền nhiều ít. Có điều, cuối cùng rồi lần lượt Ba tặng cơ quan từ thiện bốn chiến xe còn chạy được, nhưng không dùng dạy lái được. Và mỗi khi học viên đậu bằng lái họ đều mời Ba ăn phở! Chỉ những dịp đó Ba mới đi ăn ngoài!

Tôi nghe Ba nói lại, Ông Nội tôi lúc sanh tiền nghiện các thứ rượu, thuốc lá, trà, cà phê; mà những người như vậy thường có tâm hồn nghệ sĩ" Vì vậy khi qua đời, Ông Nội tôi có để lại tập thơ Đường luật mà Ba vẫn còn giữ kỷ niệm.

Ba không giống Ông tôi chút nào! Ba không rượu, không thuốc, không cà phê, trà (tứ đổ tường, Ba không ghé bến nào hết!) Ngày nghỉ thích ở nhà, làm việc nầy việc nọ, quét nhà, lau nhà, tưới mấy cây kiểng, và ngắm ngía bộ trường kỷ bằng danh mộc tuyệt đẹp Ba rất thích mà Ba đã chở sang được. Có những ngày ấm áp không mở máy lạnh Ba nằm say mê đọc sách báo trên chiếc trường kỷ. Ba nói những lúc đó làm Ba gợi nhớ mấy bộ trường kỷ xưa ở bên nhà của Ông Bà để lại mà Ba không đem qua được. Ba cũng thường say xưa ngắm bộ tranh sơn mài lớn của một họa sỉ danh tiếng Việt Nam làm ra. Đây là một tác phẩm nghệ thuật (masterpiece) mà tôi chắc không có bộ thứ hai ở nước Mỹ nầy!

Thật ngạc nhiên, nhiều đêm thức giấc khoảng 4,5 giờ sáng tôi thấy Ba ngồi ở bàn viết. Ba cho biết đã viết xong một tập thơ mới, được mấy mươi bài và khoảng hơn chục bản nhạc mà nhiều lúc Ba cùng hai anh tôi dợt chơi ở nhà, tôi nghe các bạn phê bình “không tệ!” (Nhà chúng tôi có ban nhạc sống)

Đến nay, đã hơn 14 năm sống ở Mỹ, nhiều việc đổi thay. Ba có lẻ chẳng thay đổi bao nhiêu, ngoại trừ mái tóc Ba đã pha sương. Ba vẫn ngày ngày trì kinh, đêm về làm thơ viết nhạc. Ba anh chị tôi đã ra trường, có gia đình và có nhà riêng. Tôi còn hai năm nữa mới xong việc học. Ba nói lúc ấy Ba sẽ xin về hưu. Ba cũng nói “Ba rất vui và hạnh phúc khi thấy anh em tôi đều nên người, biết đùm bọc, lo lắng, thương yêu nhau và nhứt là biết sống vì người khác.”

Ba không dạy chúng tôi nhiều bằng lời lẽ suông. Cuộc sống của Ba mới là bài học cho chúng tôi ở đời. Trên trần nhà ngay bàn ăn có cái đèn năm cánh. Ba treo tòn teng năm mãnh giấy có ghi những câu sau đây mà Ba chép lại trong sách như nhắc nhở chúng tôi mỗi ngày: “Dục tu tiên đạo, tiên tu nhơn đạo.”; “Quân tử sống vì nghĩa. Tiểu nhơn sống vì lợi”; “Làm việc nghĩa chớ tính lợi hại. Luận anh hùng chớ kể nên thua” (Lư Khôn, Cổ Học Tinh Hoa); “Độ lượng to lớn bao nhiêu thì phúc trạch cũng to lớn bấy nhiêu. Có mưu sâu độc bao nhiêu thì tai vạ cũng sâu độc bấy nhiêu” (Minh Tâm Bửu Giám); “Muốn biết nhân đời trước, xem sự hưởng đời nầy. Muốn biết quả đời sau, xem việc làm kiếp này.” Đây là những bài học lớn cho chúng tôi làm hành trang vào đời.

Chúng con xin ghi nhớ lời Ba dạy và thành kính nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ Ba Mẹ sống đời với các con.

Chúng tôi xin cảm tạ chánh phủ và nhơn dân Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay cưu mang chúng tôi, cho chúng tôi sự tự do cao quý thật sự, không phải loại tự do trên giấy tờ, để chúng tôi có cơ hội thăng tiến và thành đạt.

PHẠM DUY LIÊM

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,300,820
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến