Hôm nay,  

Khúc Quanh Cuộc Đời

24/09/200500:00:00(Xem: 168149)
Người viết: TRỊNH THU HÀ
Bài số 834-1424-260-vb7092405

Tác giả Trịnh Thu Hà đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2001 với bài “Có Một Người Anh”. Viết Về Nước Mỹ 2005, cô là tác giả được tặng giải danh dự, với “Bài viết Không Tên Về Nước Mỹ”. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

Nghi chào mẹ trước khi bước ra ngoài cửa. Tiếng mẹ đáp lại hòa lẫn với tiếng máy may rào rào làm cô chẳng nghe rõ mẹ nói gì, nhưng Nghi nghĩ rằng mẹ biết cô ra khỏi nhà. Nghi đóng cửa lại và bước về hướng chiếc xe cũ kỹ của mình. Bốn mẹ con Nghi ở trong căn apartment này hơn tám năm qua, từ ngày đặt chân sang Hoa Kỳ qua sự bão lãnh của bố. Sau khi bão lãnh, bố đã mướn căn apartment hai phòng này để mấy mẹ con Nghi ở đến bây giờ.
Cái xe cũ kỹ của Nghi đậu chơ vơ trên đường có một mình trông tội nghiệp làm sao. Cái xe mà Nghi đã mua cách đây hơn sáu năm cho đến bây giờ đã hơn mười tuổi vẫn cọc cạch chở cô đi học và đi làm mỗi ngày. Nước sơn màu xanh của nó có chỗ đã bạc màu, chỗ tróc sơn trông thật thê thảm. Ấy vậy, Nghi cưng cái xe lắm, nó là người bạn đã giúp cô đi hết nơi này đến nơi khác mỗi ngày trôi qua hơn sáu năm rồi.
Cái khu apartment của Nghi ở rất là hổn tạp, đủ mọi thành phần, mà phần lớn là dân lao động Mể, Việt ở, nên tìm chỗ đậu xe rất là khó khăn, nhất là buổi tối. Người mướn nhà trong khu này thường hay đậu xe đầy ra đường, vì vậy buổi tối Nghi thường rất ngán ngẩm khi phải đi đâu vì sợ mất chỗ đậu xe, ngoại trừ cô phải đi học vào ban đêm. Những lúc như vậy, mẹ thường hay lo lắng cho cô ghê lắm. Mẹ cứ nhấp nhổm ngồi không yên, vì sợ cô con gái độc nhất của mẹ sẽ phải đậu xe ở xa nhà rồi lại lội bộ một quãng xa để về nhà.
Những đêm Nghi đi học về trễ, cô thấy mẹ đứng lấp ló ở trước cổng apartment để đợi cô. Vừa thấy bóng dáng Nghi, mẹ đã vội đi lại, rồi thì nắm lấy tay cô kéo đi. Những lúc như vậy, Nghi có cảm tưởng như mình chỉ là một đứa bé gái lên năm tuổi khi bàn tay cô đang nằm trong lòng bàn tay ấm áp của mẹ. Vào trời mùa đông, mỗi khi đứng đợi Nghi ngoài cổng, mẹ thường cầm theo cái khăn quàng cổ bằng len. Khi nắm lấy bàn tay Nghi, mẹ vừa xoa nắn bàn tay gầy guộc của cô vừa xuýt xoa:
- Sao bàn tay con lạnh thế này" Mẹ đã bảo là phải mang găng tay đi theo cơ mà.
Nói rồi, mẹ cầm lấy cái khăn nỉ quấn vội vào cổ Nghi và cầm lấy tay cô dắt về nhà.
Nghi lẳng lặng ra khỏi nhà. Cô không nói với mẹ là cô đến thăm bố. Mặc dù, cô tin chắc rằng nếu mẹ biết Nghi đến thăm bố, mẹ cũng sẽ không nói một lời nào. Mẹ sẽ không giận hờn Nghi, cũng sẽ chẳng có một lời đay nghiến bố. Mẹ vẫn thường hay nhắc nhở ba anh em Nghi mãi:
- Này mấy đứa, lâu lâu nên ghé thăm bố xem bố sống thế nào. Con cái thì phải thế!
Mẹ cứ hay trách người anh trai và đứa em trai của Nghi là bạc bẽo khi không thường xuyên thăm bố:
- Hai đứa sao ít đi thăm bố chúng mày thế. Con cái gì mà làm biếng thật! Thỉnh thoảng hai con phải đến thăm bố thì cha con mới gần nhau được chứ. Vả lại, phải xem bố sống như thế nào, thế mới là con chứ lại!
Có lẽ con trai thì không giống như con gái, theo lẽ "Nữ nhi thường tình", nên hai ông con trai nhà Nghi chỉ thăm bố khi có mẹ thúc vào hông, còn thì cả hai thích đi thăm quán cafe nhiều hơn. Hình như mẹ quan tâm đến đời sống riêng của bố lắm. Mỗi lần mẹ biết Nghi thăm bố về, mẹ thường hay hỏi thăm về bố rất cặn kẽ:
- Bố con sống thế nào" Bố có khỏe không con" Dì Hoa và các em con có khỏe không"
Đại loại những câu hỏi là như vậy. Khi biết mọi chuyện bình thường thì mẹ không hỏi nữa, và tiếp tục cắm cúi trên cái máy may để may nốt đám hàng gia công.
Bố Nghi ăn ở với một người đàn bà tên Hoa sau hơn ba năm sống ở Mỹ. Bố dấu mẹ và anh em Nghi cho đến ngày bốn mẹ con đặt chân đến Mỹ. Nghi không thể nào quên được cái ngày đầu tiên gặp nhau ở phi trường, khi mẹ con Nghi vừa bước ra khỏi máy bay, đã thấy bố cùng với một người đàn bà tuổi khỏang ba mươi ngoài, đang ôm một đứa bé gái chừng bốn tuổi đứng đợi ở nơi lấy hành lý. Ánh mắt nghi ngờ, ngạc nhiên của Nghi dừng lại ở người đàn bà đó và trên khuôn mặt bố. Bố nhìn mấy mẹ con nở nụ cười thật gượng gạo và vẫn chưa nói một lời nào. Nghi bất chợt xoay qua mẹ, cô thấy nụ cười trên môi mẹ đã chợt tắt lúc nào, cặp mắt mẹ nhìn trân trân vào hình ảnh hai người trước mặt. Ánh mắt mẹ thống bối rối và bất ngờ vì cái hoàn cảnh lạ lùng đang xảy ra trước mắt mình. Nhưng chỉ độ một phút thôi, mẹ lấy lại bình tĩnh bước tới rồi nở nụ cười cũng gượng gạo không kém với cả hai người. Trong khi đó, cả mấy anh em Nghi đều im lặng không nói một lời nào.
Giữa bầu không khí nặng nề, bố bước tới ôm nhẹ lấy mẹ rồi ôm từng đứa con một. Người đàn bà xa lạ đó vẫn đứng im tại chỗ mà quan sát mấy mẹ con Nghi. Bà ta im lặng không nở một nụ cười. Bà ta không tỏ một thái độ thù nghịch hay niềm nở với gia đình Nghi. Có lẽ, chỉ là một sự dửng dưng của kẻ chiến thắng, của người biết rằng mình đã nắm thế chủ động và quan sát đối phương sẽ hành động như thế nào trước tình huống xảy ra. Bố quay lại nhìn bà ta vẫy tay để bà ta tiến tới, và ngập ngừng giới thiệu với mẹ con Nghi:
- Đây là Hoa, người bạn hiện đang chung sống với anh.
Câu giới thiệu tàn nhẫn của bố đã ném mẹ con Nghi đang từ đỉnh cao hạnh phúc xuống ngay hố sâu thăm thẳm của đau khổ. Câu giới thiệu là sự khẳng định những điều nghi ngờ mà mẹ con Nghi từ nãy giờ muốn được giải thích mà vẫn chưa tiện hỏi. Mấy anh em Nghi đều xụ mặt xuống vì bất mãn. Người anh lớn của Nghi đã quay phắt mặt đi không thèm nhìn bố lẫn người đàn bà kia. Mẹ đứng im nhìn người đàn bà đó một chút, bà ta vẫn im lặng bất động. Một thống trôi qua, mẹ gật đầu chào bà ta:
- Chào chị Hoa. Hân hạnh được biết chị.
Câu chào đầy đủ sự xả giao của mẹ như muối xát vào tim Nghi. Cô thấy cơn tức của mình như trào lên tận cổ họng. Lúc đó Nghi chỉ còn muốn la hét, chửi bới hay đập phá cho đã cơn giận của mình. Cô thấy tức tối cho mẹ mà không biết phải làm sao, Nghi sợ rằng mẹ sẽ xỉu mất, cô khua tay nắm lấy tay mẹ. Nghi chợt nhận ra mẹ cũng đang xiết chặt lấy bàn tay của Nghi thật đau. "A!" Nghi chợt nghĩ ra: "Mẹ cũng đang kìm cơn giận của mẹ đấy thôi!"
Sau giây phút im lặng nặng nề đó, bố đứng im một lúc rồi dẫn tất cả mọi người ra xe, chở tất cả về căn apartment này, mà bố cùng dì Hoa đã cất công đi tìm (theo như lời bố nói!) cả mấy tháng, để chuẩn bị một chỗ sống mới cho mẹ con Nghi.
Mấy tháng đầu tiên trên đất Mỹ, bố đến thăm mẹ con Nghi thuờng xuyên để giúp đỡ mọi thứ, giúp mấy mẹ con làm quen một đời sống hoàn toàn mới trên đất nước lạ hoắc này. Nghi để ý, có những đêm bố ở lại khuya với gia đình, bố và mẹ đã có những lúc nói chuyện với nhau rất lâu, và thuờng sau những buổi nói chuyện như vậy, là mẹ lại khóc suốt đêm trong phòng một mình. Còn bố thì lẳng lặng ra về không một lời từ giã mẹ.
Mẹ thật sự xuống tinh thần trong mấy tháng đầu tiên, thân hình mẹ tiều tụy đến nổi Nghi chỉ lo rằng mẹ sẽ chết vì đau khổ. Lúc đó, Nghi cảm thấy thù ghét bố một cách kỳ lạ. Cô chỉ mong giá như bố chết đi hay cô đừng có bố có lẽ cô sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều. Có lần, Nghi đã nặng giọng với bố:
- Bố đừng đến đây nữa, tụi con có thể tự lo lấy được rồi. Bố đến đây, dì Hoa cũng chẳng thích mà mẹ cũng chẳng vui vẻ gì đâu. Bố chẳng làm cho ai hạnh phúc cả. Sự có mặt của bố ở đây không cần thiết đâu.
Bố sững sờ vì câu nói của Nghi, nhưng ông cũng không hề la mắng cô, ông chỉ gật đầu nhẹ và nói:
- Bố hiểu, lỗi tại bố mà.
Sau đó vài tháng, bố Nghi đến thưa hơn và chấm dứt hẳn khi dì Hoa sanh đứa con thứ hai. Dù vậy, thỉnh thoảng bố vẫn gọi phone đến hỏi thăm sức khỏe từng người trong gia đình Nghi.
Mẹ già đi nhiều sau ngày đến Mỹ, Nghi thấy mẹ thường hay ngồi trầm ngâm bên cái bàn máy may. Có lúc mẹ dường như chìm vào sự suy nghĩ quên cả mọi sự xung quanh mình. Mẹ không hay nói, hay than vãn gì về hạnh phúc dang dở của mẹ với anh em Nghi. Nhưng những vết nhăn ngày càng hằn sâu trên trán mẹ, trên khóe mắt mẹ. Nhìn thân hình vàng võ của mẹ ngày ngày dán lên cái bàn máy may, Nghi thấy một sự khổ đau chất ngất tràn ngập trong mẹ. Có những buổi tối, chỉ còn Nghi với mẹ cùng may đồ. Mẹ vừa may, vừa kể cho Nghi nghe những mẩu chuyện dĩ vãng, những nối kết của tình yêu mà bố và mẹ đã có kết thúc là anh em Nghi ra đời. Giọng mẹ đều đều kể chuyện, đôi lúc pha lẫn những tiếng cười khúc khích như nhớ lại một đoạn dĩ vãng êm đẹp nào đó, làm Nghi ngạc nhiên không ít. Có lúc Nghi đã hỏi mẹ:
- Mẹ không ghét bố khi bố đã phản bội mẹ sao"
Mẹ im lặng một lúc, ánh mắt xa xăm, rồi nhìn Nghi, mẹ lắc đầu chậm rãi:
- Đã có lúc mẹ nghĩ rằng mẹ sẽ chết vì sự phản bội của bố. Mẹ nghĩ mẹ sẽ không chịu nổi nếu bố bỏ mẹ. Nhưng cuối cùng mẹ vẫn chịu đựng được, như con thấy đó. Mẹ đã từng giận bố, từng thù ghét bố khi nhận ra sự phản bội đó. Nhưng cuối cùng, mẹ muốn phải vượt qua điều đó. Mẹ chỉ muốn sống vì các con, bố là một phần đời của mẹ trong quá khứ, nhưng các con là phần đời của mẹ trong hiện tại và cả tương lai. Tình yêu mà mẹ dành cho bố vẫn như ngày nào, chỉ tiếc là kết thúc không hoàn toàn như mẹ mong ước. Cuộc đời có những ngã rẽ mà không ai lường trước được con ạ. Cả bố lẫn mẹ đều cảm thấy bố có lỗi với các con.
Cái lối nói cam chịu của mẹ làm Nghi đôi khi thấy khó chịu ngay với mẹ. Nghi tự nghĩ là: " Tại sao mẹ cứ phải làm như là một vị thánh tử vì đạo đối với bố và dì Hoa để làm gì" Cả hai đâu có xứng đáng với sự tha thứ của mẹ. Với Nghi, cô cho đó là điều bất công đối với mẹ, nhưng mẹ hình như chẳng đề ý đến cái bực bội của cô. Mẹ dường như chọn sự tha thứ bố là mục đích sống của mẹ. Mẹ vẫn nói vế bố, về những kỷ niệm xa xưa một cách say mê đến lạ.
Nghi lái xe đến nhà bố. Căn nhà rộng rãi khang trang và thống mát núp sau một tàng cây lớn thật im lìm. Dì Hoa gọi phone cho Nghi chiều hôm qua, nói bố muốn gặp cô có chuyện gấp. Nghi cũng ngạc nhiên khi dì Hoa gọi. Cô và người bà này ít khi nói chuyện với nhau, bởi vì dì luôn có một thái độ xa cách, lạnh lùng đối với mấy anh em cô. Nghi tự hỏi không biết có chuyện gì mà bố đòi gặp mặt mình. Lúc nghe tin bố muốn gặp Nghi, cô vùng vằng không muốn gặp, thì mẹ lại nài nỉ khuyên lơn cô. Thái độ của mẹ làm Nghi thấy tức tối thế nào ấy, nhưng không muốn mẹ buồn, nên cô đã hứa với mẹ là cô sẽ đến gặp bố.
Cánh cửa mở ra, dì Hoa xuất hiện trước mặt Nghi. Trông dì có vẻ thiếu ngủ và già hơn. Đôi mắt trũng sâu, mỏi mệt và mái tóc rối không chải tạo cho dì một vẻ chán chường thiếu sức sống. Dì nhìn Nghi lạnh lùng không nở một nụ cười. Dì Hoa là một người đàn bà khá đẹp, dưới mắt Nghi, nhưng có vẻ nhạt nhẽo vì cái dửng dưng xa vắng của dì. Rất ít khi thấy một nụ cười hiếm hoi trên môi dì. Thật ra, Nghi cũng chẳng màng gì đến Hoa, nhưng bởi vì dì là người bạn đời hiện giờ của bố, nên cô cứ phải gặp dì mãi.
Nghi gật đầu chào dì, và dì cũng đáp trả cái gật đầu của cô. Vẫn không một nụ cười trên môi,dì hé rộng cửa đề Nghi bước vào.Dì Hoa khép cửa lại, và nói với Nghi"
- Bố cháu ở trong phòng ngủ đó. Cháu cứ tự nhiên nhé.
Rồi dì bỏ vào trong bếp. Nghi đi về hướng phòng ngủ của bố. Căn nhà bốn phòng này không lạ lùng gì với Nghi. Mấy anh em cô đã đến đây nhiều lần, nhưng mẹ thì chưa một lần đặt chân đến. Căn nhà thật rộng rãi, khác xa với căn apartment chật chội mà mấy mẹ con Nghi đang ở. Bố kể với Nghi là bố và dì Hoa cùng mua căn nhà này khi hai người quyết định chung sống với nhau. Cả hai quen nhau khi làm chung một sở. Lúc gặp bố, dì Hoa đang trong tiến trình li dị người chồng cũ vì những xung đột về tiền bạc và tính tình.Có lẽ vì cảm thấy cô đơn , bố và dì Hoa đã tìm đến nhau đề an ủi lúc đầu, nhưng dần dần mối quan hệ trở nên khăng khít hơn và dì không còn muốn rời xa bố nữa. Dì chấp nhận điều kiện là để bố làm đơn bảo lãnh mẹ con Nghi sang mà không làm phiền gì cả. Còn bố thì trở thành chồng dì. Và sau khi mẹ con Nghi sang đến đây, bố phải đoạn tuyệt với mẹ để về ở với dì. "Một cuộc đổi chác tình cảm trong cuộc đời tị nạn." Nghi vẫn thường chua chát nghĩ như vậy.
Bây giờ, bố cũng đã có hai đứa con với dì , một trai, một gái. Đời sống gia đình của bố xem ra cũng êm ấm, nhưng hình như cả bố lẫn dì vẫn có những băn khoăn, đăm chiêu xen giữa tình cảm của hai người. Có lẽ, hình ảnh mẹ con Nghi đơn chiếc vẫn là mũi kim đâm vào mối quan hệ êm ấm của bố và dì. Nghi vẫn nhìn thấy sự bất an đó trên khuôn mặt của dì Hoa, mỗi khi anh em Nghi sang thăm bố. Có lúc, Nghi cảm thấy tội nghiệp cho dì Hoa, vì hình như dì cũng chẳng có hạnh phúc toàn vẹn khi sống chung với bố. Một người đàn bà đẹp như dì, lẽ ra phải có một đời sống tình cảm hạnh phúc hơn mới phải! Ngắm dì Hoa, Nghi nghĩ rằng có lẽ lúc trẻ dì Hoa chắc có nhiều người đàn ông theo đuổi lắm.
Với nước da trắng mát, tướng người gầy gầy cao dong dỏng mái tóc đen dài mượt mà, khuôn mặt thanh thanh với cặp mắt to đen, dì Hoa có một nét đẹp khá quyến rũ. Điều duy nhất mà Nghi cho là khuyết điểm ở gương mặt dì đó là sự trống vắng trong đôi mắt dì. Đôi mắt to đẹp đó dường như rất ít biểu lộ. Nó không phản ánh được những những thay đổi trong tâm tư của dì. Đôi mắt trống vắng đó và cả khuôn mặt bất động của dì làm Nghi không bao giờ có ý muốn tiến đến gần với dì. Mà thật sự, Nghi cũng chẳng có ý muốn đến gần với dì làm gì, bởi lẽ dì Hoa là nguyên nhân gây ra sự chia rẽ trong gia đình cô.
Nghi mở cửa bước vào phòng ngủ của bố. Căn phòng bài trí gọn gàng xinh mắt. Nghi thấy bố nằm trên giường, chăn đắp lên tận ngực. Nghi nhìn kỹ thấy bố dường như đang bịnh nặng lắm. Khuôn mặt xanh xao gầy guộc của bố quay lại nhìn Nghi. Một lúc, bố nở một nụ cười méo mó. Thấy vẻ mệt mỏi của bố, Nghi tiến đến sát bên giường rồi cất tiếng hỏi:


- Bố bịnh hả bố" Bố thấy trong người thế nào"
Bố khẽ gật đầu rồi vươn tay ra nắm lấy bàn tay Nghi. Bố xiết chặt bàn tay nhỏ bé của cô trong bàn tay mình. Nghi ngạc nhiên về hành động của bố, bình thường có lẽ cô sẽ chẳng để cho bố nắm lấy tay mình như vậy. Nhưng lần này không hiểu sao, nhìn bố bệnh hoạn, Nghi lại cảm thấy thương bố đến kỳ lạ. Cô thấy bố thật yếu đuối, không giống như xưa, cái thời mà Nghi còn bé, và bố là một sĩ quan quân đội trẻ trung, oai hùng trong bộ đồ trận. Mỗi lần nghỉ phép về, bố lại ôm lấy đứa con gái bé bỏng của mình và tung lên trời, Nghi bật cười thỏa thích. Mỗi khi dở lại quyển Album hình xưa cũ, Nghi nhìn ngắm cái gia đình bé nhỏ của mình gồm bố mẹ và ba anh em của mình,Nghi thấy mọi người trong hình cười thật tươi. Một gia đình thật hạnh phúc! Nụ cười thỏa mãn với cái hạnh phúc bé nhỏ nở tràn trên môi. Mà có lúc Nghi thấy thật xa lạ với những người trong tấm hình đó, cứ y như là tấm hình đó không phải của gia đình cô vậy.
Công bằng mà nói Nghi thấy bố mẹ thật đẹp đôi khi còn trẻ.Theo mẹ kể, thì hai người quen nhau khi còn là sinh viên trường đại học, bố học trên mẹ hai lớp. Khi vừa ra trường, thay vì đi làm, bố lại thích đi lính, còn mẹ thì cố học cho xong bậc đại học để làm vừa lòng ông bà ngoại.Vả lại, mẹ ra điều kiện với ông ngoại là sau khi tốt nghiệp đại học, ông bà ngoại phải cho mẹ lấy bố. Măc dù, ông ngoại khống thích mẹ làm vợ một người lính vì sợ rằng mẹ sẽ ở góa sớm. Nhưng vì thương đứa con gái cưng, nên ông bà đành chấp nhận điều kiện của mẹ.Vừa ra trường, ông ngoại lại có cách trì hoãn đám cưới bằng cách cho mẹ đi du học, nhưng mẹ kiên quyết từ chối. Mẹ nói với ông bà ngoại rằng: "Nếu thầy mẹ không cho con lấy anh ấy, thì con sẽ bỏ nhà đi theo anh ấy luôn." Sự cương quyết của mẹ đã dẫn đến cái đám cưới linh đình của bố và mẹ. Lúc đó, bố đã là một trung úy không quân đẹp trai hào hoa, còn mẹ thì là một tiểu thơ con nhà khá giả. Câu chuyện đã diễn ra như một chuyện thần tiên cổ tích. Anh em Nghi đã ra đời làm đầy thêm cái hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ.
Nhưng cuộc đời không bao giờ đẹp như chuyện thần tiên cả. Cuộc đổi đời lịch sử, đã đưa bố vào tù hơn sáu năm đằng đẳng. Được thả tự do, về đến nhà, chưa được bao lâu, mẹ đã lo cho bố đi vượt biên, hòng tìm con đường giải thốt cho cả gia đình. Không ai ngờ rằng đó cũng là lúc bố ra đi vĩnh viển khỏi cuộc đời mẹ và anh em Nghi.
Nghi xiết lấy bàn tay gầy của bố. Bàn tay của bố thiếu sự ấp. Bố trông xanh xao và ốm quá. "Không biết mẹ mà thấy bố như thế này, thì mẹ sẽ ra sao nhỉ"" Nghi trộm nghĩ. Bố nhìn Nghi, và câu hỏi đầu tiên của bố là:
- Mẹ có khỏe không con" Gia đình ta có gì lạ không con"
Nghi cảm thấy hơi chướng tai vì cái chữ "gia đình ta" mà bố nói. Có cái gì đó mà cô thấy mỉa mai trong cái ý nghĩa của câu nói đó. Bố vẫn xem mấy mẹ con nghi là gia đình của bố sao" Bố làm mẹ đau khổ bao nhiêu năm nay, nếu bố có thể nhìn thấy mẹ, bố sẽ hiểu được vì sao Nghi vẫn không thể tha thứ cho hành động của bố.
Nghi muốn nói một câu chua chát để đáp trả bố, nhưng nhìn cái thân hình còm cõi đang dán xuống giường kia, gương mặt tiều tụy và ánh mắt mong chờ của bố, Nghi thấy lòng mình mềm lại, và cô không nở làm như thế với bố. Nuốt vội nước miếng trôi đi cùng với nổi đắng cay xuống cổ, Nghi lấy bình tĩnh đáp lại:
- Dạ mọi chuyện vẫn bình thường bố ạ. Mẹ vẫn khỏe, nhưng có điều mẹ ốm quá, chắc tại làm việc quá sức.
Bố thở dài im lặng. Ánh măt bố lại hướng vào khoảng không trước mặt. Bố xiết chặt bàn tay Nghi:
- Bố có lỗi với mẹ và các con. Nhất là đối với mẹ. Bố không giữ trọn lời hứa với mẹ. Bố đã thiếu bổn phận làm cha với các con. Bây giờ, cho dù các con ốn bố, bố cũng không buồn vì đó là tại do bố.
Bố quay sang nhìn Nghi, cô thấy mắt bố ngân ngấn nước. Bố khóc, nghi sửng sốt vì điều đó. Giọng bố lại vang lên nhẹ nhàng ấm áp:
- Con có tin rằng với bố, mẹ vẫn là người mà bố yêu thương nhất trên đời này không" Có thể con không tin bố về điều này, nhưng thật sự là thế! Bố đã có một khoảng thời gian rất hạnh phúc bên mẹ và các con. Bố yêu quý từng giây phút đó con ạ. Sang bên Mỹ này, những ngày tháng cô đơn nhớ gia đình da diết. Cộng thêm sự chờ đợi gần như vô vọng để đem mẹ và các con sang đoàn tụ với bố, rồi thì bố gặp dì Hoa trong hoàn cảnh như vậy. Chỉ vì những giây phút yếu lòng, bố đã đến với dì Hoa, mong rằng sẽ tìm những chia sẻ tạm thời trong đời sống khắc nghiệt này. Nhưng bố đã nghĩ sai và hành động sai, phải không con" Có lẽ chính dì con cũng không cảm thấy hạnh phúc khi sống với bố. Có người người đàn bà nào mà không muốn dành hết tình cảm của người chồng cho mình, nhưng bố không thể làm điều đó đối với dì được. Bởi lúc nào, bố cũng nghĩ đến mẹ và các con. Bố có lỗi với mẹlẫn dì Hoa con ạ. Cả hai người đều không hạnh phúc khi sống với bố.
Bố nói thật nhiều về sự hối lỗi ăn năn của bố đối với mẹ, dì Hoa và tất cả các con của bố. Nghi im lặng bất động nghe từng lời tâm sự của bố. Nghi có cảm tưởng như đây là những lời ăn năn trăn trối của một nguời sắp chếp. Bỗng dưng, Nghi rùng mình vì cái ý nghĩ bố sắp chết, sắp rời khỏi cuộc đời này vĩnh viễn. Nghi cảm thấy sợ hãi vì điều này, nắm chặt tay bố, cô nhìn thẳng vào khuôn mặt xanh xao của bố, hỏi:
- Bố nói cho con biết tình trạng sức khỏe của bố ra sao" Con muốn biết, bố không thể dấu con được, con đã lớn và con có quyền muốn biết điều đó.
Bố nhìn Nghi gật thật lâu, rồi chậm rãi nói:
- Bố sẽ cho con biết, nhưng con đừng hé răng nói với mẹ về điều này. Mẹ khổ như vậy đủ rồi, bố không muốn làm mẹ lo lắng thêm nữa.
Rồi bố cho Nghi biết bố đang bị chứng bệnh ung thư ruột thời kỳ cuối, bác sĩ nói là bố không thể sống qua ba tháng nữa. Nghi bành hoàng vì cái tin dữ đó, rồi cô bật khóc. Bố ôm lấy Nghi vỗ về an ủi, và căn dặn cô đủ điều. Cả hai bố con Nghi đã ngồi với nhau suốt chiều hôm đó. Đến khi trời sắp tối, bố mới giục Nghi đứng dậy ra về, vì bố sợ mẹ trông. Khi Nghi dợm bước đi, bố lại nắm lấy tay cô và dặn đi dặn lại đừng để cho mẹ hay tin này vì bố không muốn làm cho mẹ buồn khổ nữa.
Vừa trông thấy Nghi vào nhà, mẹ đã vội ngừng may, quay lại hỏi cô về bố, xem mọi việc có bình thường không. Nghi nhìn mẹ chăm chú. Trước mắt mình, Nghi thấy một người đàn bà nhỏ nhắn, gầy yếu, nước da trắng xanh trông không mạnh khỏe chút nào. Mái tóc mẹ đã bắt đầu bạc nhiều dù mẹ chỉ mới ngoài năm mươi tuổi. Đôi mắt êm như nhung của mẹ nhìn thẳng vào Nghi đợi chờ. Lần đầu tiên, Nghi thật sự quan sát mẹ và nhìn sâu vào đôi mắt mẹ. Đôi mắt thật đẹp! Nó không đẹp một cách giả tạo nhờ sự trang điểm. Đôi mắt đẹp nhờ tia mắt nhìn ấm áp, êm đềm và đầy kiên nhẫn, làm cho đôi mắt ấy đẹp một cách tuyệt vời. Nghi nghĩ thầm: "Có lẽ, chính bố cũng đã yêu cái tia mắt này của mẹ khi xưa." Mẹ yếu đuối quá, đối với Nghi lúc này, nên cô quyết định dấu mẹ cái tin buồn về bố, vì cũng như bố, cô không muốn làm mẹ khổ. Với Nghi, mẹ chịu đựng đau khổ như thế là quá đủ. Mẹ vẫn còn yêu bố, đó là điều chắc chắn, và bố cũng biết như vậy. Nghi chớp mắt, hít một hơi để lấy bình tĩnh, rồi cô bịa ra một câu chuyện rất bình thường để kể cho mẹ nghe về tình trạng gia đình bố.
Cũng như mọi khi, mẹ chỉ nghe mà không nói một câu nào, và sau đó lại tiếp tục gò mình trên bàn máy. Còn Nghi, cô cảm thấy tràn ngập hối hận trong lòng, bởi lẽ cô chưa từng nói dối với mẹ về bố bao giờ. Nghi bước vội vào phòng cô, và nằm lăn trên giường, Nghi ôm mặt khóc nức nở. Cho đến ngày bố mất, lúc nào, Nghi cũng tự hỏi, điều cô làm với mẹ cô đúng hay không. Nghi luôn quay quắt với câu hỏi mà không có câu trả lời cho mình.
Đúng hai tháng sau ngày gặp Nghi, bố mất. Cái ngày ấy thật nặng nề mà Nghi sẽ không bao giờ quên. Dì Hoa gọi phone đến nhà báo tin bố mất. Dì gặp ngay mẹ vì lúc đó cả ba anh em Nghi đều đã đi làm. Không biết dì đã nói với mẹ điều gì, khi Nghi về đến nhà, mở cửa bước vào, cô đã cảm thấy có một điều gì không bình thường. Không nghe thấy tiếng máy may của mẹ như mọi ngày. Nghi cất tiếng gọi mẹ cũng không nghe tiếng trả lời. Cô chạy vội vào phòng ăn, nơi để bàn máy và nhìn thấy mẹ ngồi bất động ở đó, nước mắt chan hòa trên khuôn mặt. Mẹ dường như không nhận ra sự có mặt Nghi. Còn cô, đã phần nào đốn được chuyện gì xảy ra. Cô im lặng nhìn mẹ một lúc, rồi lên tiếng hỏi:
- Mẹ, chuyện gì xảy ra thế mẹ"
Mẹ ngước lên nhìn Nghi. Đôi môi mẹ run run muốn nói, nhưng me không cầm được cơn xúc động của mình. Mẹ nghẹn ngào một lúc rồi hỏi Nghi:
- Con biết bố mắc bệnh nặng tại sao không nói cho mẹ biết" Bố vừa mới mất trưa nay tại bệnh viện rồi. Dì Hoa mới phone cho mẹ hay.
Đôi mắt rưng rưng trách cứ của mẹ nhìn trân trân vào Nghi làm cô cảm thấy mình đã mắc tội vô cùng lớn. Nghi ân hận về hành động của mình. Thật sự, cũng như bố, cô không muốn làm mẹ phải lo nghĩ thêm sau những sự chịu đựng tưởng như quá sức của mẹ. Nghi đứng chết trân một chỗ, vừa ân hận hành động của mình, vừa quá xúc động vì cái tin bố mất. Một lúc, Nghi chạy ào đến ôm mẹ và bật khóc:
- Con xin lỗi mẹ. Tại bố bảo con đừng nói cho mẹ biết chuyện này. Bố không muốn muốn mẹ buồn lo về bố nữa. Con cũng đồng ý với bố nên dấu mẹ bệnh của bố. Mẹ tha lỗi cho con.
Cả hai mẹ con Nghi cùng khóc cả buổi chiều hôm ấy. Rồi Nghi ngồi kể lại cho mẹ nghe buổi chiều khi bố gọi cô đến để báo tin bố bệnh nặng, và những điều bố tâm sự với Nghi về mẹ, về những lỗi lầm mà bố gây ra cho mẹ, về những đắn đo mà bố đã tâm sự với Nghi về mẹ, về những lỗi lầm mà bố đã gây ra cho mẹ, về những đắn đo mà bố đã nói với cô. Mẹ chỉ im lặng ngồi nghe, mà nước mắt lăn dài trên má. Một lúc sau, mẹ lại ngồi kể cho Nghi nghe về những kỷ niệm xa xưa giữa bố và mẹ. Mẹ say sưa kể về quá khứ êm đẹp và thật nhiều điều về bố. Cứ thế hai mẹ con Nghi đã ngồi bên nhau suốt buổi chiều để hồi tưởng về người đã khuất. Nước mắt và tiếng cười cứ xen lẫn vào giữa câu chuyện của hai mẹ con Nghi.
Đám tang của bố không có nhiều người tham dự lắm. Ba mẹ con, dì Hoa, mẹ và ba anh em Nghi cùng một số bạn hữu trong sở làm của bố và dì Hoa đến để đưa tiễn bố đến vùng đất lạnh. Cho đến lúc này, dù lòng thật buồn trong nỗi mất mát tột cùng, Nghi cũng không còn một giọt nước mắt nào để nhỏ xuống cho bố nữa. Hình như cả mẹ cũng vậy! Đứng bên mẹ, ôm bờ vai gầy guộc của mẹ, Nghi có cảm tưởng cả thân mình của mẹ đang mềm nhũn ra và tựa hẳn vào người Nghi. Cả ba anh em cố đứng vòng quanh mẹ để an ủi mẹ, mẹ không khóc, nhưng nhìn mái tóc không chải hình như trắng hơn của mẹ. Nghi bất giác thuơng mẹ vô cùng, vì cô biết không có gì đo được nỗi đau của mẹ lúc này: Một người vợ phải nhìn thấy người bạn đời một thời chung chăn gối đã từ giã cỏi đời. Cái tình cảnh của mẹ còn bi đát hơn khi nhìn thấy mỗi người đều đến bên dì Hoa để chia buồn với dì về cái chết của bố, còn mẹ thì không một ai biết được mối quan hệ giữa bố và mẹ như thế nào.
Nhìn thân hình còm cỏi của mẹ, đứng run rẩy, đôi môi ngậm chặt như cô nuốt lấy nổi khổ đau vào trong lòng mình, Nghi chỉ muốn ôm chặt lấy mẹ. Cô chỉ muốn giúp mẹ xua tan hết những đau khổ mà mẹ đang gắng sức chịu đựng. Nhìn gương mặt âu sầu của mẹ, Nghi không cầm lòng được, cô ghé sát vào tai mẹ thì thầm:
- Mẹ ơi, mẹ khóc đi mẹ. Khóc sẽ làm cho mẹ vơi bớt buồn khổ mẹ ạ. Con xin mẹ đó!
Mẹ ngước nhìn Nghi, lắc đầu nói nhỏ:
- Đừng lo cho mẹ, mẹ không khóc được con ạ. Mẹ chịu đựng nổi không sao đâu con.
Giọng nói mẹ thống qua tai Nghi như cơn gió nhẹ. Bàn tay mẹ tìm lấy tay Nghi xiết chặt. Nghi nắm lấy bàn tay gầy lạnh giá của mẹ mong truyền một chút hơi ấm nào đó cho người. Những người dự đám tang đã bắt đầu tìm những bông hoa đẹp nhất trên những vòng hoa điếu để ném xuống huyệt lạnh như lời chia tay cuối cùng với người đã khuất. Nghi cùng hai anh em mình cũng đi tìm những bông hồng thật đẹp và ném xuống cho bố. Quay lại, nhìn thấy mẹ vẫn đứng im câm lặng. Nghi vội tìm cho mẹ một bông hoa hồng thật to và đẹp màu đỏ thẫm, rồi cô chạy lại đưa cho mẹ. Nghi nói nhỏ với mẹ:
- Mẹ ơi, mẹ ném bông hoa này xuống huyệt để chia tay với bố lần cuối.
Mẹ nhìn Nghi gật đầu, khẻ cảm ơn cô, rồi lại đứng im không hề bước tới. Nghi không dám lên tiếng để nhắc mẹ lần thứ hai, bởi cô nghĩ rằng mẹ sẽ không làm nỗi điều đó. Mẹ mân mê cánh hoa hồng nhung mắt vẫn nhìn về phía bố đang nằm. Cánh hoa trong tay mẹ dần dần bị bứt ra rồi thả xuống rơi lả tả dưới đất. Một bông hoa không thể diễn tả nổi đau của mẹ đang mang. Mẹ đã mang cả trái tim của mẹ xuống huyệt cùng với bố rồi.
Từng xúc đất được đổ xuống phủ lên nắp quan tài của người đã chết. Nghi cố rướn mình nhìn cái quan tài, nhìn mặt bố lần cuối. Cơn gió mang theo hơi lạnh của một ngày thu nhè nhẹ thổi qua. Nghi chợt nghĩ: "Phải chăng bố cũng đang đứng quanh đây, đang nhìn thấy mẹ con Nghi tiễn đưa thân xác vôhồn của bố về nơi vỉnh cữu"" Nghi ước được nói với bố trong giây phút thiêng liêng cuối cùng này:
- Bố ơi, con ước được là bố. Bố đã có một phần đời đang sống bên người đàn bà thủy chung, yêu bố nhất mực. Con biết rằng dù thân xác bố có tan rửa dưới lòng đất lạnh, nhưng bố vẫn sẽ ở trong mẹ mãi mãi cho đến ngày mẹ nhắm mắt. Bố thật hạnh phúc khi có một người yêu thương bố như vậy! Mẹ sẽ là thần tượng muôn đời của con. Con ngưỡng mộ tình yêu mà mẹ dành cho bố, con không biết là con có thể làm được như mẹ hay không. Con không là mẹ, nên con không thánh thiện như mẹ được... bố ơi, bố có thấy là bố hạnh phúc không"

Trịnh Thị Thu Hà

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến