Người viết: CHU TẤT TIẾN
Bài số 807-1396-233-vb5081805
Tác giả Chu Tất Tiến từng là nhà giáo, hiện là nhà báo nhà văn, người hoạt động cộâng đồng quen thuộc của người Việt tại Little Saigon, vừa góp thêm bài mới, về đề tài giáo dục gia đình Việt tại Mỹ mà ông hằng quan tâm.
*
Một giáo sư về Tâm Lý Học người Mỹ đã nói: "Ngay chính tôi là chuyên viên về Tâm Lý cũng vẫn mắc lỗi lầm khi đối xử với con cái đều đều. Chúng ta không phải là Superman, mà dù cho là Superman cũng phạm lỗi lầm hoài hoài."
Người văn minh trùm đã thế thì nói gì đến người Việt tị nạn, di cư như chúng ta. Chưa kể rất nhiều người vẫn giữ quan niệm xưa cũ, nghĩa là tin rằng làm cha mẹ chỉ cần cho con ăn no, mặc đẹp, có sức khỏe tốt, rồi dẫn chúng đi học là đủ. Nếu chúng không biết ơn thì "cho chúng một trận nhớ đời." Hoặc: "Con mà không ra con thì chẳng cần! Không thích ở nhà, cứ việc ra đường ở!" Người giận dữ hơn thì nói: "Nuôi con mà không nên hồn thì cứ coi như đẻ vãi, rớt đường rớt chợ thì mặc xác nó!" Những câu cấm cẵn ấy vẫn thường nghe thấy đâu đó chung quanh ta. Vì vậy, nhà tù thiếu niên bên Mỹ này vẫn đông đảo thiếu niên Việt Nam, đẹp trai, đẹp gái có đủ. Những căn nhà vắng hoe chỉ có ông bà già ngồi nhìn ra ngoài đường vẫn không thiếu. Những nhà hưu dưỡng vẫn có rất nhiều ông cụ bà cụ ngồi ngơ ngác mất hồn, cứ có tiếng động ngoài cửa là giật mình, tưởng con cháu đến...
Theo một số nhà tâm lý học, một số những lỗi lầm mà cha mẹ hay mắc phải là:
-Nóng giận mất khôn: Vị giáo sư Tâm lý kể trên đã kể lại một lần có thằng con cứ ham chơi "game boy", quên ăn cơm. Ông giục giã hoài, chú bé 16 tuổi vẫn cứ ngồi bấm bấm như điên. Tự nhiên, ông nổi đóa, giật lấy cái hộp "game" đó, vất ra ngoài cửa sổ và gào lớn: "Gêm! Gêm! Tối ngày chơi gêm! Cút ra ngoài kia mà chơi!" Chú bé tròn xoe mắt, kinh hoảng, nước mắt ứa ra, tay chân run giật, sợ hãi. Mẹ cháu vội chạy vào an ủi, và sau đó, đi xuống thang lầu hai, tìm cả nửa giờ mới thấy hộp gêm đã bị móp. Từ đó, cháu đâm lầm lì, không nói không rằng cả mấy tháng. Ông bố hối hận, mới nhớ lại rằng chính mình đã mua cho con cái hộp gêm ấy để mừng sinh nhật con, và chú bé đã mê mẩn cám ơn bố nhiều lần. Ông đã đi mua lại cái hộp khác, nhưng chú không còn thích nữa. Cơn giận bất ngờ trong lúc trí tưởng của chú lên cao đã làm cho chú bị chấn động nặng. Tình bố con đã bị giảm đi nhiều. Nếu bị vài lần nữa, chắc sẽ khó mà cậy miệng cậu bé mà nghe tâm sự.
Một ông bố khác, đang lo buồn mà con trai lại đi chơi, không về nhà. Tìm được con rồi, ông bố tra vặn con rất dữ, cậu con ấp úng, ông gầm lên: "Đồ mất dậy! Mày không muốn sống với tao thì cút!" Cậu con ú ớ, không nói gì, nhưng từ đó, ông bố đã không còn tìm thấy sự thân thiện giữa hai bố con như trước, cho đến khi con lấy vợ một mình... Hối hận thì đã muộn rồi!
Một bà mẹ trẻ khác, giận điên lên khi con gái đi "pạc ti" về trễ, chỉ tay vào con, mắng: "Đi thì đi luôn đi! Đừng về nhà nữa! Con gái gì mà hư đốn!" Cô con gái không cãi lại, nhưng lầm lì dọn đồ đi luôn. Khi bà mẹ về thì thấy nhà trống trơn, gào khóc khản cổ cũng không tìm thấy con nữa cho đến khi cô gái thành bà mẹ trẻ độc thân mới dẫn cháu về thăm nhà vài ngày lại ra đi...
-Bố mẹ không thành thật: Đã làm con người, không ai tránh khỏi nói dối. Nói dối chơi, nói dối thật, nói dối để trốn nợ, để khỏi đi ăn cưới tốn tiền, nói dối để khỏi gặp mặt một người mà mình ghét trong đám bạn bè, nói láo để che mặc cảm nghèo hơn người ta, để không phải về ăn giỗ bà ngoại, để không phải đi làm, để... hàng ngàn hàng vạn cái cớ khiến cho người ta nói dối. Có người nói dối qua điện thoại xong thì cười khoái trí, có ông bố nói dối vợ rồi lại nhờ con che chở, có bà mẹ đi đánh bài, dặn con nói dối bố... Tất cả những câu nói dối, những câu "nổ dăng miểng", thái độ nói láo đó đã ảnh hưởng lên con cái rất nhiều, tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất là nói dối với chính con của mình.
Một ông bố ham đi nhậu với bạn bè, con cái cố cản, thì lại hay sừng sộ, nói dối như thật: "Bố đến nhà thăm người bạn mới qua! Đâu có nhậu nhẹt gì! Mày chỉ bịa!" Đứa con nhếch mép, cười "hì" một tiếng, rồi bỏ vào trong nhà. Bà mẹ nói láo với con về một quan hệ với bạn trai từ hồi còn đi học, nói dối con để đi Las Vegas... con cũng cười "hì" rất nhẹ. Bố mẹ không biết rằng tiếng cười "hì" nhẹ đó lại nặng vô cùng, vì đứa con biết tỏng ông bố, bà mẹ mình đi đâu rồi. Từ đó, mất kính trọng bố mẹ, dần dần xa lánh, đến khi con muốn lấy vợ, đi xa, cháu không bao giờ nói chuyện với ai. Và nếu có cơ hội đi xa, cháu sẽ đi không trở lại.
-Dễ dãi quá đáng: Nhiều ông bố, bà mẹ dẫn con đi "shopping", thấy con đòi mua cái gì cũng trả tiền, không hỏi một tiếng. Con cái quen cái tật dễ của bố mẹ rồi, thành ra tin tưởng "Muốn là Được". Dần dần, con đòi hỏi những cái lớn hơn, đòi mua xe khi mới 16, 17 tuổi, đòi đi ngủ nhà bạn (sleep out), đòi áo hở ngực, lòi rốn, đòi quần hở mông, đòi xâm mình, làm "neo" khi mới trăng tròn lẻ, bôi môi xám xịt, nhuộm tóc "tếch ních co lo", con trai thì làm đầu như cái bờm ngựa... Đến một chừng mực nào đó, bố mẹ mới giật mình, hãm lại thì đã muộn. Tư tưởng "muốn là Được" sẽ đụng với "Tao cấm mày không được chơi với thằng (con) đen thùi lùi đó!". Cả hai tư tưởng đều mạnh, đều cứng; đụng nhau thì nhất định vỡ đầu, sứt tai, cả hai đều nghiêng ngả. Bà mẹ có thể mất con, đứa con sẽ thành du đãng, thành "một bà mẹ trẻ" hưởng Welfare tới già luôn.
Tính dễ dãi này có nhiều cách thể hiện khác nhau. Một ông bố thoải mái tắm, không bao giờ đóng cửa phòng tắm, vừa tắm vừa ca hát ngân nga, mặc dù con gái lớn xộn trong nhà.. Một bà mẹ thoải mái giải đáp về tình dục với đứa con gái 7, 8 tuổi mà không theo phương pháp giáo dục nào cả. Đứa nhỏ kinh hãi, khóc òa, bịt mặt chạy đi, rồi biến tính thành âm u, ảm đạm. Điều gì sẽ xẩy ra với các em" Nhất định các em sẽ có quan hệ tình dục sớm với chú nhóc nào hay cận kề. Tới lúc đó, bố mẹ lại nổi cơn lôi đình, thịnh nộ... Vài trường hợp loạn luân giữa anh em ruột với nhau, chỉ vì bố mẹ quá dễ dãi trong nhiều chuyện...
-Cưng đứa này, bỏ đứa kia: Ở nước người rồi mà trường hợp này vẫn không thiếu. Đa số bố mẹ cổ hủ thường cưng "con giai cả", cậu "cháu đích tôn".. Ưu tiên một là con giai, con gái ưu tiên hai. Vài người lại cưng con út. "Giầu sang út chịu, khó nghèo út lo." Nhất là trong gia đình mà bố mẹ đẻ một loạt con gái, đến khi có cậu "quý tử" ra đời thì ôi thôi, con gái coi như đã hết hình, mất bóng, chả còn ra tích sự gì. Mở miệng nói câu nào cũng sai, động tay làm chuyện chi cũng trật... nói chi việc được tham gia bàn luận chuyện nhà... Bởi thế, cứ 17, 18 rồi là mấy cô tìm đường đi cho lẹ. Ở nhà căng thẳng qúa lại mang tiếng là vô tích sự! Cũng có nhiều cậu út bỏ nhà đi hoang, vì bao nhiêu xui xẻo là cậu lãnh hết, trong khi của cải, cưng chiều lại dồn vào ông anh cả. Ông này uy quyền hơn bố, nói một câu là mẹ hùa theo, nói hai câu là bố gật đầu. Còn cậu út, đúng là "nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi", dù có hiếu như thế nào, cũng chẳng được mẹ nhìn nửa con mắt. Ngoài ra, có những bà mẹ coi con trai còn hơn... ông nội luôn! Mê con như điếu đổ, con theo gái, con hỗn hào, con đánh bạc, con dâu láo.. tất cả đều được tha thứ hết, bỏ qua hết, một điều "mẹ, mẹ, con, con", trong khi lại trợn mắt với thằng tư, thằng năm: "chúng mày là lũ ăn hại..."
Kết quả của việc chia để trị này cũng dễ đoán. Anh em thì nếu không coi nhau như kẻ thù, cũng chẳng bao giờ thương nhau. Có dịp thì đứa này bỏ nhà đi, đứa kia "dọt" lẹ... Đau lòng và thực tế hơn là các cụ ở nhà dưỡng lão cứ ngóng ra cửa năm này qua năm khác mà không thấy đứa nào trở lại. Trong nỗi buồn khôn nguôi, các bậc cha mẹ đó có thể (hay không có thể) nhớ lại những sai lầm trong cuộc đời của mình mà ứa nước mắt. Nhưng, dù cho nước mắt chẩy ra ngày đêm cũng không kéo được những gì đã mất. Vậy, sao không chuẩn bị dậy con có phương pháp ngay từ bây giờ"
Chu Tất Tiến