Hôm nay,  

Tình Yêu Và Cây Thánh Giá

09/08/200500:00:00(Xem: 156759)
Người viết: NGUYỄN DUY AN
Bài số 802-1390-227 vb2080905

Tác giả Nguyễn Duy-An, cư dân Virginia, hiện là Vice President, phụ trách Information Technology của National Geographic. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ, ông gửi một tự truyện và một truyện tình, đều bắt đầu từ Bình Giả, địa danh quen thuộc của Việt Nam thời chiến. Hiện nay, trong số 10 bài có nhiều người đọc nhất, riêng Nguyễn Duy An đã chiếm tới 4 bài, với tổng số gần 20,000 lượt người đọc. Danh sách ấy có thể sẽ thêm bài sau đây: một chuyện tình Bình Giả xúc động.
*

Khi nhận dạy lớp Việt Ngữ sơ cấp của hội Giáo Dục Trẻ Em vùng Hoa Thịnh Đốn, tim tôi giật thót vì đọc thấy cái tên Nguyễn Thị Hồng-Nguyệt trong danh sách học sinh. Tôi đã bàng hoàng xúc động đến chết lặng mấy phút vì ánh mắt của đứa học trò nhỏ nhất lớp được gọi đứng lên lúc điểm danh trước giờ học.
Làm sao tôi quên được ánh mắt u uẩn đau buồn vẫn ám ảnh tôi từ ngày Hương rời Bình Giả ra đi sau gần hai năm tranh đấu cho một chuyện tình không đoạn kết. Hoàn cảnh xã hội và thành kiến gia đình đã đưa đẩy chuyện tình của hai chúng tôi đi vào ngõ cụt... Đã nhiều đêm tôi trằn trọc vì kỷ niệm những ngày hai đứa yêu nhau để thấy tim mình thêm nhức nhối, xót xa.
Cha mẹ đã mất và các anh chị không đủ khả năng để “đùm bọc” đứa em út vừa học xong trung học, nên sau vụ mất mùa vì hạn hán năm 1982 ở Miền Bắc, tôi đã phải bán đi căn nhà xiêu vẹo của cha mẹ để lấy tiền rời Đô Lương, Nghệ An, vào Nam, ở nhờ gia đình một người cậu họ tại Bình Giả, để cày thuê cuốc mướn sống qua ngày.
Những ngày mới đến Bình Giả, gia đình Hương rất quý mến cái tính cần cù, nhẫn nại của tôi. Cha của nàng - ông trùm của giáo xứ - đã có lần nói với cậu tôi là bất cứ khi nào không có ai thuê, cứ gởi tôi sang làm mướn cho gia đình ông, trời mưa cũng như trời nắng. Tôi cày ruộng, trỉa bắp, gặt lúa, nhổ mì, rồi đi rừng tìm cọc căm về trồng tiêu, đào giếng, đắp bờ... Cha mẹ Hương cũng như tất cả các anh chị trong gia đình đều xem tôi như người thân trong nhà cho tới ngày họ bắt đầu nghi ngờ mối quan hệ giữa tôi và nàng. Cha của Hương đã sang nói thẳng với cậu tôi là phải cấm cản tôi không được quyến rũ Hương, mặc dầu lúc đó chúng tôi chưa yêu nhau và cũng chẳng có gì là “bất chánh” ngoại trừ một vài lần tâm sự khi nàng hỏi tôi về hoàn cảnh gia đình ngoài miền Bắc. Tôi xem nàng như một người em gái bé nhỏ và không bao giờ dám mơ tưởng xa hơn. Gia đình nàng khá giầu có và cũng có vai vế trong xứ, trong làng. Còn tôi chỉ là một thanh niên “khố rách áo ôm,” một người con trai mới lớn, “tha phương cầu thực”.
Từ ngày bị cấm cản, Hương bắt đầu lén lút gặp gỡ và nói chuyện với tôi nhiều hơn những ngày tôi còn làm thuê cho gia đình nàng. Thời gian này tôi đã mua được một miếng đất 2 sào gần Xuân Sơn và dựng một cái lều nho nhỏ làm chỗ nghỉ ngơi tạm bợ qua ngày. Tôi cứ ở lỳ trong rẫy suốt tuần, chỉ về đi lễ Chúa Nhật hoặc ghé chợ mua sắm một vài thứ cần thiết vào những ngày không có ai thuê mướn.
Trong những ngày “trốn tránh” trong rẫy tôi mới hiểu được “lý lẽ của con tim”. Tôi tự biết mình đã yêu Hương nhưng vì mặc cảm và tự ái, tôi phải “ngậm đắng nuốt cay” để rồi nhuốm bệnh vì tương tư. Cậu tôi không nỡ bỏ đứa cháu mồ côi nên bắt tôi phải trở về. Gần một tháng trời vật vã trong cơn bệnh không có thuốc chữa, Hương đã đến với tôi bất chấp những lời dọa nạt và roi đòn của cha mẹ nàng. Mới vừa khỏi bệnh, tôi lại vô rẫy ở lều để tránh gây thêm phiền phức cho gia đình cậu tôi.
Tôi đã đầu hàng chính tôi trong một đêm nguyệt thực. Dưới ánh trăng lúc mờ lúc tỏ, lúc đen sẫm, lúc hồng hồng... Hương đã tìm đến với tôi. Nụ hôn đầu trao nhau dưới ánh trăng mờ đã khẳng định tình yêu của chúng tôi. Hương và tôi tự hứa sẽ giữ gìn tình yêu trong sạch và tìm cách thuyết phục gia đình.
Suốt gần hai năm trời ròng rã, nàng đã phải chịu nhiều nỗi đắng cay tủi nhục trong nước mắt. Nhờ cậy anh em bà con năn nỉ cũng chẳng tới đâu, lời khuyên của cha xứ cũng không lay chuyển được cha mẹ nàng. Chính trong nỗi tuyệt vọng đớn đau đó, chúng tôi đã liều mình vượt khỏi vòng lễ giáo để đặt ông bà trùm vào hoàn cảnh “đã rồi”...
Hương mang thai. Hai đứa nhờ cậu tôi dẫn đến quỳ lạy trước mặt ông bà cũng không được chấp thuận. Con ông trùm xứ không thể mang tiếng “chửa hoang”! Hương bị cấm cửa từ đó, và cuối cùng nàng phải chấp nhận con đường vượt biên để gia đình không bị mang tiếng xấu vì bào thai càng ngày càng lớn, và với hy vọng sẽ giúp đỡ tôi có điều kiện cùng nàng tạo dựng tương lai nơi vùng đất mới.
Vài tuần trước ngày Hương ra đi, chị dâu của nàng cảm thương cho hoàn cảnh của chúng tôi nên đã lén lút sắp xếp cho hai đứa gặp nhau một lần trước ngày Hương ra đi. Hương đã khóc vùi trên vai tôi, và cuối cùng nàng đã gỡ sợi giây dù và cây thánh giá bằng gỗ cẩm lai, tôi vẫn treo trên cổ từ ngày mới vào Nam. Nàng nghẹn ngào:
- Nếu em có mệnh hệ gì, cây thánh giá này sẽ là “ấn tín” cho anh tìm lại con chúng mình.
- Hương! Em đừng nói gở như vậy. Em cố gắng giữ gìn sức khỏe để lo cho con. Anh sẽ đi tìm em và con ngay khi có thể.
- Em sẽ liên lạc với anh qua địa chỉ của chị Thu. Xin anh nhớ điều này: Nếu con chúng mình là trai, em sẽ đặt tên nó là Độ-Lượng để tưởng nhớ về nguyên quán Đô Lương của anh. Nếu là gái, em sẽ gọi là Hồng-Nguyệt để nhớ kỷ niệm lần đầu hai đứa hôn nhau dưới ánh trăng mầu đỏ...
Rồi chúng tôi phải xa nhau từ ngày đó.
Sau bao nhiêu ngày tháng đợi chờ trong tuyệt vọng mà Hương vẫn biệt tăm, và sau hai lần chứng kiến gia đình ông bà trùm xin lễ giỗ cho nàng, tôi tìm đường vượt biển với một hy vọng mong manh sẽ tìm lại được người yêu và một đứa con mang tên “Độ-Lượng” hoặc “Hồng-Nguyệt”.
Ngay khi vừa đặt chân đến trại tỵ nạn, tôi đã nhờ văn phòng Liên Hiệp Quốc tìm nàng; sau khi đến Mỹ, tôi cũng đã đăng báo khắp nơi kiếm nàng, nhưng tất cả đều không kết quả.
Tôi vùi đầu vào sách vở và công việc để tìm quên kỷ niệm. Đã hơn một lần tôi muốn tìm quên Hương qua bóng hình một người con gái khác, nhưng tim tôi buốt nhói và chuyện tình ngày cũ lại hiện về trong ký ức. Tôi vẫn xin lễ cầu nguyện cho nàng và ước mong được một lần gặp nàng dù chỉ là trong giấc chiêm bao, nhưng tôi không bao giờ mơ thấy nàng.
Sau khi học xong đại học và nhận việc làm gần thủ đô Hoa Thịnh Đốn, một số bạn bè đã rủ rê tôi phụ giúp chương trình Việt Ngữ cho các trẻ em trong vùng mỗi chiều Thứ Bảy cho khuây khỏa nỗi buồn, “trước là mua vui, sau làm việc nghĩa”.
Đã hơn 9 năm qua rồi kể từ buổi tối chúng tôi chia tay, tôi chẳng còn hy vọng gì sẽ tìm được tin tức về Hương... nhưng cái tên “Hồng-Nguyệt” trong danh sách học sinh đã làm tôi choáng váng. Tôi tự đặt ra nhiều giả thuyết và cuối cùng phải đi tới kết luận chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng rồi tôi vẫn không lẩn tránh được cặp mắt u uẩn đau thương của Hương mỗi lần bắt gặp bé Hồng-Nguyệt chăm chú nhìn tôi trong lớp học. Cô bé học trò lớp tiếng Việt của tôi mới 7 tuổi.
Càng ngày tôi càng linh cảm như có một sợi giây vô hình trói buộc tim tôi vào ánh mắt của đứa học trò bé bỏng mang tên Hồng-Nguyệt. Một hôm tôi liều mình đến gặp cô Mai tại văn phòng để hỏi thêm tin tức về Hồng-Nguyệt vì tôi biết cô ấy vẫn đưa đón Hồng-Nguyệt đi học tiếng Việt:
- Hồng-Nguyệt là cháu của cô Mai hả"
- “Bé cái lầm” rồi anh Tùng ơi. Em chỉ ở cùng chung cư thôi.
- Ồ. Tại tôi thấy cô vẫn chở nó đi về...
- Tại tính em lanh chanh nên nhận công tác đưa đón để con bé được đi học tiếng Việt đó mà. Cuối tuần chị Linh phải đi làm... Nghĩ cũng tội nghiệp cho hoàn cảnh chị ấy. Chị Linh vẫn còn mang nặng mặc cảm vì vụ hải tặc hồi đi vượt biên. Có người nói Hồng-Nguyệt là con của hải tặc Thái Lan nhưng em nghĩ không phải vì nó xinh và dễ thương quá. Em cũng không dám hỏi chị Linh vì không muốn gợi lại vết thương lòng của chị ấy!


Sau buổi nói chuyện với cô Mai, tôi càng thêm băn khoăn nhưng chẳng còn lý do nào khác để duy diễn xa hơn ngoài việc trùng tên của Hồng-Nguyệt. Đã hơn một lần bạn bè gán ghép tôi với Mai nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ tới việc đó vì tính tình không hợp. Mai thích sự ồn ào, náo nhiệt với những buổi khiêu vũ, tiệc tùng; còn tôi chỉ muốn sống trong thầm lặng để tưởng nhớ về dĩ vãng.
Một động lực vô hình cứ thôi thúc tôi tìm cách gần gũi Hồng-Nguyệt nhưng tôi không làm sao tiến xa hơn được. Chẳng lẽ khuấy động tâm hồn ngây thơ của một đứa bé mới 7 tuổi đầu. Lương tâm không cho phép tôi làm như vậy. Lấy số điện thoại nhà của Hồng-Nguyệt rồi gọi tới thăm dò thì tò mò quá, và có thể bị Linh cự tuyệt. Thêm vào đó, tôi cũng không muốn khơi dậy một “nỗi nhục” mà Linh đã phải âm thầm chịu đựng bao nhiêu năm qua như lời Mai kể. Đã có lần tôi đến chung cư của Mai chơi trước khi khai giảng lớp Việt Ngữ, nhưng vì không muốn Mai hiểu lầm nên tôi không bao giờ trở lại vì biết rõ hai đứa không hợp tính nhau.
Tôi vò đầu bứt tai suy nghĩ cả mấy tháng trời cũng không tìm ra một giải pháp nào khả dĩ có thể tìm hiểu thêm nên đành buông xuôi, tự dối lòng mình như chưa bao giờ biết đến mẹ con Hồng-Nguyệt.
Mãi rồi tôi phải đầu hàng chính tôi. Tôi tìm đến chung cư nơi Mai ở vào một buổi chiều Chúa Nhật. Tôi không có ý định đến thăm Mai, nhưng chỉ muốn thơ thẩn trong khu vực đó, nếu bị Mai bắt gặp thì nói dối là muốn ghé thăm nàng nhưng quên mất số điện thoại nên không gọi trước được.
Trời đã cuối thu nên cũng hơi lạnh. Tôi khoác một cái áo khoác mỏng vì sợ bị cảm lạnh rồi tới ngồi trên ghế đá trong khu đất trống gần bãi đậu xe, vừa hút thuốc vừa suy nghĩ vẩn vơ. Tôi chìm vào dĩ vãng nên không để ý đến ngoại cảnh. Tôi nghe như văng vẳng đâu đó có tiếng người gọi tên tôi, nhưng đầu óc vẫn còn mơ mơ màng màng chưa tỉnh hẳn. Một bàn tay bé nhỏ nắm lấy tay tôi giật mạnh:
- Chào thầy.
Tôi choàng tỉnh “giấc chiêm bao”, quay sang thấy Hồng-Nguyệt và một cô gái mà tôi đoán là Linh đang đứng bên ghế đá. Tôi vội vàng đứng lên:
- Ồ Hồng-Nguyệt. Chào cô.
- Dạ chào thầy. Chắc thầy đang chờ cô Mai" Cô ấy đi thăm ông bà, chắc tới tối mới về. Em là Linh.
- Tôi cũng đoán cô là Linh, mẹ của Hồng-Nguyệt. Đừng gọi tôi bằng thầy nhé, tôi có dạy cô Linh đâu.
- Dạ. Mời anh vô nhà uống nước, và nếu cần em gọi cô Mai về. Em có số điện thoại nhà ông bà của Mai.
Linh vừa nói vừa dẫn Hồng-Nguyệt vào chung cư. Tôi thẫn thờ bước theo. Vừa mở cửa, Linh vừa nói:
- Em mới dẫn cháu lên Chùa về, nhà cũng không chuẩn bị gì, anh đừng cười nhé.
- Không sao đâu Linh à. Tôi có hẹn trước đâu. Tôi thành thật xin lỗi đã quấy rầy mẹ con Linh.
Vừa vào đến nhà, Linh vội vàng vào bếp, chắc để chuẩn bị... Hồng-Nguyệt cởi chiếc áo khoác, tôi trông thấy cây thánh giá gỗ trên ngực con bé nên bàng hoàng chết sững. Tôi nghẹn ngào:
- Hồng-Nguyệt. Con tới đây nào.
Con bé ngoan ngoãn bước đến. Tôi ôm chầm lấy nó, lật cây thánh giá gỗ và sững sở nhận ra ba chữ NVT khắc phía sau. Đúng là cây thánh giá của tôi mà Hương đã cầm theo ngày hai đứa chia tay. Dĩ vãng hiện về trong trí: Cây thánh giá này sẽ là “ấn tín” cho anh tìm lại con chúng mình! Tự nhiên nước mắt tôi tuôn trào trong tiếng nấc:
- Hồng-Nguyệt. Ở đâu con có cây thánh giá này"
- Mẹ nói đây là kỷ vật của ba con.
Tôi không thể nào tin được tai mình. Cùng lúc đó Linh bước ra với một khay trái cây và mấy ly nước. Tôi vẫn ôm Hồng-Nguyệt vào lòng vì tôi biết chắc chắn đây là con mình mặc dầu tôi không hiểu được ngọn nguồn đầu đuôi câu chuyện; và tôi cũng biết chắc Linh không phải là Hương của tôi ngày nào. Linh cũng mở to mắt nhìn cha con tôi, miệng ú ớ không nói nên lời. Tôi gắng gượng nuốt nghẹn hỏi nàng:
- Linh! Tôi hỏi câu này quả không phải... Nhưng Linh đi Chùa lại đeo thánh giá cho Hồng-Nguyệt... Đây chính là cây thánh giá của tôi Linh à. Linh xem này: Ngay cả tên tôi khắc phía sau vẫn còn đây... Linh là ai" Hồng-Nguyệt là ai"
- Em tin anh. Em sẽ kể anh nghe... Hồng-Nguyệt là con của một chị bạn tên Hương và anh, người chủ của cây thánh giá này.
- Đúng rồi. Trời ơi. Hồng-Nguyệt. Ba đã tìm được con. Mẹ con đâu rồi"
Hồng-Nguyệt mừng rỡ hôn mạnh lên má tôi nức nở:
- Ba... Ba... Sao bây giờ ba mới về với con"
Tôi nghẹn ngào không nói nên lời, vòng tay run rẩy ôm con vào lòng; nhìn qua Linh cũng đang sụt sùi nước mắt. Hồng-Nguyệt vừa khóc vừa kéo Linh sát vào người tôi, con bé mừng rỡ hôn mạnh lên má tôi nức nở:
- Ba... Ba... Mẹ tìm ba mãi mà không được... Bây giờ Chúa Phật đã đưa ba về với mẹ và con.
Hai chúng tôi thẹn thùng nhìn nhau trong nước mắt. Linh nức nở:
- Em đi chung ghe với chị Hương. Chúng em bị hải tặc cưỡng hiếp và bắt theo cả năm trời... Chị Hương đã sinh cháu bé sau 3 tháng bị đọa đày trong nhục nhã ê chề... Chị Hương bị băng huyết trên hoang đảo. Chị đã uỷ thác cháu bé cho em với lời dặn dò: “Chị không thể qua khỏi. Linh nuôi cháu dùm chị. Em hãy đặt tên cho cháu là Hồng-Nguyệt. Còn đây là cây thánh giá của cha Hồng-Nguyệt. Em giữ giùm chị để làm bằng chứng cho cha con nhận nhau...” Chúng em đã phải thuỷ táng chị Hương! Khi tầu Cao Uỷ đến cứu, em đã khai Hồng-Nguyệt là con em vì em tự nghĩ sau cơn hoạn nạn em cũng chẳng còn hy vọng gì về việc chồng con vì mình đã quá nhơ nhớp... Không biết giấy tờ lộn xộn sao đó mà ngày sinh của cháu lại ghi nhầm vào ngày mẹ con em được phái đoàn Mỹ nhận cho định cư theo diện nhân đạo, đúng 2 năm sau khi cháu chào đời trên hoang đảo. Thôi thì mẹ con nương tựa nhau sống qua ngày nơi xứ lạ quê người.
- Trời ơi!
Tôi chỉ thốt lên được thế rồi chết lặng bên cạnh Linh và Hồng-Nguyệt. Tôi không khóc vì nước mắt đã cạn từ lâu. Linh cũng không còn nói được gì, chỉ gục mặt thút thít khóc. Gần cả tiếng đồng hồ sau tôi mới hoàn hồn. Hồng-Nguyệt đã ngủ vùi trong lòng Linh. Tôi nhẹ nhàng cầm tay Linh nói nhỏ:
- Linh. Anh mang ơn em suốt đời. Hãy cho anh một cơ hội để đáp đền.
- Em xin anh. Em không xứng đáng... Em chỉ xin anh cho phép em được tiếp tục dưỡng nuôi Hồng-Nguyệt... Em chẳng còn gì...
- Em vẫn còn có con và anh đây Linh à. Hương đã mất. Anh xin em... Hãy để anh lo cho em và con.
Linh lại nức nở khóc ròng. Hồng-Nguyệt giật mình, mở tròn mắt nhìn mẹ đang khóc, vội vàng hôn lên trán Linh thỏ thẻ:
- Mẹ... Mẹ đừng khóc nữa. Ba về rồi sao mẹ cứ khóc mãi" Ba... Ba đừng bỏ đi nữa nhé. Đêm nào mẹ cũng cầm thánh giá cầu xin cho ba trở về. Lên Chùa mẹ cũng thắp nhang khấn cho ba. Ba đừng đi nữa nhé ba!
Tôi nghe lời con thỏ thẻ mà lòng quặn đau như đứt từng khúc ruột. Tôi ôm cả hai mẹ con vào lòng và nghẹn ngào trong hơi thở:
- Không. Ba không bao giờ đi nữa Hồng-Nguyệt ạ. Linh... Anh không ép em, nhưng chỉ xin em nghĩ lại.
Linh vẫn sụt sùi trong nước mắt. Chuyện xảy ra quá đột ngột, tôi biết nàng cần có thời gian mới xoa dịu được vết thương lòng. Nhưng vì Hồng-Nguyệt, tôi tin tưởng rồi mây mù cũng sẽ bay xa. Tôi gục đầu khẽ hôn lên cây thánh giá trên ngực Hồng-Nguyệt. Cây thánh giá của tôi. Cây thánh giá kỷ vật của tình yêu Hương đã mang theo từ hơn 9 năm trước. Lời “tiên tri” của nàng đã trở thành sự thật: Cây thánh giá này sẽ là “ấn tín” cho anh tìm lại con chúng mình!
Trời ơi! Tình yêu! Trái đắng! Trong gian nan khốn khó, hạt giống vẫn nẩy mầm. Tôi đã vĩnh viễn mất Hương nhưng hạt giống tình yêu của chúng tôi vẫn còn đây. Cây thánh giá gỗ và Hồng-Nguyệt sẽ là nền tảng cho tôi xây dựng lại từ đầu. Hương ơi, anh vẫn hoài yêu em. Hương ơi, anh tin rằng chính em đã run rủi cho anh tìm gặp lại con chúng mình và một người thay em để săn sóc cho anh và con trong những tháng ngày còn lại...
Linh ơi, xin em đừng khóc nữa. Hãy quên đi nỗi nhục nhằn của những năm tháng cũ. Hãy giúp anh và con bắt đầu lại nghe em...
Hồng-Nguyệt con ơi, ngoài mẹ Linh, con còn một người mẹ nữa ở trên trời.

Nguyễn Duy-An

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,014,850
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến