Hôm nay,  

Làm Lại Cuộc Đời

28/07/200500:00:00(Xem: 187646)
Người viết: NGUYỄN THỊ HUẾ XƯA
Bài số 794-1382-219-vb6072905

Tác giả cho biết “Bút hiệu cũng là tên thật chỉ khác là sau ba mươi năm lưu lạc thì Huế đã rất xưa.” Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là một truyện ngắn
*

Con bé Ni nước mắt lưng chừng, lấy vội vàng cái backpack đeo lên lưng và vùng vằng đi ra cửa. Anh Tư cũng rưng rưng nước mắt, cũng vội vàng lấy cái áo lạnh khoác lên vai con và hai cha con lật đật đi tới đầu đường chờ xe bus của trường. Vừa đi anh Tư vừa vỗ về con… giỏi đi con rồi chiều về ba cho đi cắt tóc.
Con bé Ni nghe xong thì nước mắt càng ràn rụa hơn. Con nhỏ có đòi đi cắt tóc đâu, chả là sáng hôm nay nó muốn anh Tư buộc tóc lên hai bên và thắt cái nơ cho nó, anh Tư vụng về buộc hoài mà cái nơ cứ xéo xẹo, làm không vừa ý nó cho nên mới có chuyện khóc lóc, buồn phiền này. Anh Tư nắm tay con trong lúc chờ xe trường lại đón mà lòng anh xót xa không tả.
Hai năm nay anh làm gà trống nuôi con, vợ anh bỏ đi khi con bé Ni chỉ mới năm tuổi. Hai cha con lủi thủi sống với. Anh Tư đau khổ vì thấy con sống thiếu tình mẫu tử, con bé Ni còn nhỏ dại qúa, mặc dầu anh tận tụy lo cho con nhưng có những lúc nó đau ốm nửa khuya khóc đòi mẹ thì anh đau lòng vô cùng, mà càng đau lòng anh càng căm giận người đàn bà bội bạc, vong ân.
Anh Tư qua Mỹ được chín năm nay. Ngày còn ở Việt Nam anh và vợ anh sống êm đềm hạnh phúc dù là anh phải chạy kiếm ăn từng bửa một.
Anh gặp chị Tư qua sự giới thiệu của một người hàng xóm, hai người quen nhau một thời gian ngắn thì anh xin phép cha mẹ chị cho làm đám cưới. Cha mẹ chị Tư thấy anh hiền lành, một thân một mình không bà con thân thuộc lại chăm chỉ làm ăn nên bằng lòng ngay. Nói là đám cưới chứ thật ra vì tài chánh eo hẹp, anh chỉ mời mấy người bạn lại nhà nhậu một bữa gọi là ra mắt vợ cho bạn bè biết mặt. Một năm sau thì con bé Ni ra đời, và năm sau nửa thì thằng cu Na. Anh Tư nguời cao ráo lại khá bảnh trai, còn chị Tư cũng sắc sảo lắm cho nên sinh hai đứa con mặt mũi rất sáng sủa, dễ thương.
Cuộc đời của hai anh chị đang êm đềm như vậy thì đúng là định mệnh sắp đặt. Một bửa trong lúc anh đang chạy xe giao hàng cho một cửa tiệm mới bên Phú Nhuận thì người chủ tiệm nhận ra anh, hai người là bạn học rất thân ngày trước khi mất nước. Cả hai tay bắt mặt mừng và người bạn cho biết là anh ta đang có ý định đi ra nước ngoài bằng cách làm hôn thú giả. Thế là từ đó anh Tư suy nghĩ hoài tới chuyện xuất ngoại mặc dù anh Tư biết mình không có khả năng tài chánh mà cũng không quen biết ai ở xứ ngoài cho nên việc đi ra khỏi nước là vấn đề khó thành tựu.
Vậy mà cuộc đời của anh Tư có những chuyện đến rất bất ngờ. Chị Tư có một người anh bà con xa, bà con cái kiểu bắn súng canh nông không tới. Người anh họ này đi di tản năm 75, qua tới Mỹ và mỗi năm đều trở về Việt Nam hưởng thụ. Anh Tư gặp người này vài lần mà không ưa được vì cách ăn mặc lòe loẹt, diêm duốc và có vẻ hơi vênh váo. Sở dĩ anh nghĩ là người này vênh váo vì đã bao nhiêu lần bên nhà chị Tư tính mai mối cho người anh độc thân thì người này đều thẳng thừng từ chối, cả nhà nghĩ có lẽ người này là dân Việt kiều văn minh về rồi chê con gái Việt Nam. Lần cuối người anh họ này về, đột ngột ngõ ý muốn giúp anh chị Tư đi xuất ngoại. Anh Tư rất ngạc nhiên nhưng vì qúa mừng rỡ nên cũng không tìm hiểu thắc mắc. Người anh họ này sẵn sàng cho anh chị mượn hai chục ngàn đô la đề lo giấy tờ hôn thú giả. Anh ta còn nói rằng sau khi qua Mỹ lúc nào đi làm có tiền thì hẳn trả lại không có gì phải gấp. Anh chị Tư như người được trúng số độc đắc, thế là sáu tháng sau anh có ‘vợ mới” và chị cũng có “chồng mới”. Con bé Ni là con của anh và thằng cu Na thì theo chị. Cả anh lẫn chị Tư đều đồng ý đây chỉ là hôn thú giả với những người sắp được đi Mỹ, khi qua tới nơi người anh họ sẽ trả tiền cho họ và sau đó anh chị sẽ tìm cách làm giấy tờ ly dị với mấy người chồng, người vợ hờ kia.
Anh Tư và con bé Ni qua đến Ohio được hai tháng thì chị Tư cũng qua tới với người chồng giả kia. Cả anh chị cùng hai đứa con sống trong căn nhà trong khu chung cư cùng với gia đình người vợ giả của anh. Đời sống mới lạ xa chưa kịp ổn định thì người anh họ của chị Tư một lần nửa lại ra tay giúp đỡ bằng cách đem gia đình anh Tư về Texas.
Anh chị Tư dọn về San Antonio ở trong một cái apartment một phòng mà người anh họ của chị Tư mướn cho. Anh chị Tư thấy sung sướng qúa vì ngày còn ở Việt Nam làm sao mà có được một “căn nhà” sang như vậy, mà còn tiện nghi nữa. Chị Tư thích nhất là cái microwave. Đồ ăn chị nấu hôm trước, hôm sau hâm mấy phút là nóng ngay, lạ lùng, kỳ diệu thật. Anh chị Tư cảm động về sự giúp đỡ của người anh họ. Anh Tư cứ hối hận là mình phán xét nhầm người nên từ đó anh bắt đầu thân thiện với người anh họ này.
Nhờ lanh lợi nên chỉ vài tháng sau là cả anh lẫn chị đều có bằng lái xe và xin được việc làm trong một hảng điện tử. Anh đi làm ca sáng, chị đi làm ca chiều đề còn lo cho hai đứa con nhỏ. Anh Tư cũng ráng đi học thêm anh ngữ vào buổi tối. Thời anh chị qua kinh tế còn phồn thịnh, đi làm tha hồ có overtime, tiền bạc dồi dào, đi tới đâu anh cũng nghe có người nói về việc mua bán “xì tóc” ( stock), nghe nói “ xì tóc” nào mua xong cũng lên vùn vụt lời ghê lắm, có lần anh chị đi làm có chút tiền cũng ngắm nghé muốn mua nhưng không biết ở …chợ nào có bán cái món hàng đặc biệt dễ kiếm lời đó. Việc làm thì không có gì khó chỉ có ngồi tỉ mỉ bắt mấy con ốc nhỏ, đã vậy đi làm không cần nói tiếng anh vì xếp lớn xếp nhỏ gì cũng là người Việt Nam cả. Vào tới sở mà như ở nhà, ai nấy nói năng ào ào, mỗi ngày mỗi người đem vào những thức ăn Việt Nam như chả giò, bánh ướt tôm chấy, thậm chí có người còn đem theo bún riêu, bún bò và một chai mắm ruốc to tướng. Mấy người Mỹ làm chung chắc là cũng quen rồi nên chi cũng phải …chịu đựng thôi vì sợ nói ra thì đụng chạm và còn bị gán ghép tội kỳ thị nữa.
Chị Tư đi làm được một thời gian thì bắt đầu đua đòi chưng diện. Mỗi ngày chị chải chuốt, thoa son đỏ chót trước khi vào sở. Hai vợ chồng anh lúc này ít gặp nhau, tối chị Tư về tới nhà thì anh và hai đứa nhỏ đã ngủ khò vì sáng năm gìờ anh đã phải thức giậy đi làm.
Ở xứ này thời gian qua mau qúa, quanh đi quẩn lại đã hết một ngày không như ở Việt Nam một ngày dài lê thê mà tối đến còn ra đường đi chơi tưng bừng. Một bữa anh Tư thức giấc thấy đã gần hai giờ sáng mà chị Tư chưa về anh đâm ra lo lắng vì không thấy chị kêu về như mọi lần mỗi khi chị phải ở lại làm overtime, anh sợ chị bị hư xe dọc đường hoặc có chuyện gì xảy ra. Mãi đến gần ba giờ sáng mới thấy chị Tư về nhà, chị bảo là làm bận qúa quên kêu về nhà, anh Tư cằn nhằn cho qua chuyện rồi thôi. Cứ như thế năm ba bữa chị lại quên kêu về nhà một lần, mà càng ngày chị Tư đi làm về càng trể. Anh Tư bắt đầu thắc mắc, nghi ngờ. Một bữa khuya anh ra tới đầu đường đứng chờ thì thấy chị Tư lái xe vào khu apartment rồi đưa tay vẫy chào ai đó ở chiếc xe chạy phía sau xe chị. Chị Tư bước vào nhà mặt mũi hớn hở, thấy anh Tư mật hằm hằm thì hơi e ngại nhưng cứ làm mặt tỉnh. Khi anh Tư gặn hỏi về người trong chiec xe chạy phía sau xe chị thì chị Tư chối bai bải bảo là anh cứ tưởng tượng chứ có quen biết ai giờ giấc khuya khoắt như thế này.
Từ đó anh Tư mất tin tưởng vào chị nhưng anh không có bằng chứng gì để ghen tuông. Anh Tư tìm qua nhà người anh họ để tâm sự thì người anh này khuyên anh Tư nên bình tỉnh, chuyện đâu còn có đó. Hai vợ chồng anh tiếp tục đi làm và bắt đầu trả bớt một số tiền lại cho người anh họ. Trong thời gian này người anh họ thấy anh Tư buồn nên mỗi tuần đều đến rủ anh Tư đi uống café và còn mua sắm áo quần “ có hiệu” cho anh Tư hoài. Một lần nữa anh Tư cảm động qúa vì sự tử tế của người anh này.
Hai vợ chồng anh Tư đi làm được một năm thì chị Tư ngỏ ý muốn đi học làm Nail. Cũng trong thời gian này, nghề làm Nail đang lên như diều gặp gió, ai cũng ùn ùn vào nghành làm Nail. Chị Tư đi học vài tháng sau ra nghề, chị càng chưng diện hơn lúc trước nữa. Chị đi làm từ chín gìờ sáng cho tới mười gìờ tối khi cái Mall đóng cửa thì mới về. Con bé Ni và thằng cu Na bắt đầu phải đi baby-sitter từ sáng sớm cho tới khi anh Tư đi làm chiều về mới đón con được, rồi ba cha con âm thầm ăn uống, đi ngủ một mình. Gia đình anh Tư bắt đầu rời rạc, ông anh họ của chị Tư thì càng tới lui thăm viếng thường hơn.


Có một hôm vì điện hư nên sở cho về sớm, anh Tư đón con xong chở thẳng vào Mall chổ chị Tư làm Nail định rủ chị ra cái Food Court gần đó ăn tối. Khi tới nơi anh Tư tận mắt thấy rõ ràng là chị Tư đang giỡn hớt thân mật với ông chủ tiệm. Anh Tư nổi máu ghen lên nhưng cố dằn lòng vì kẹt hai đứa con đang có bên cạnh nên anh đành bỏ về. Thế là tối đó khi chị Tư về thì hai vợ chồng bắt đầu lớn tiếng cãi vả. Chị Tư lên tiếng lấn lướt chồng và còn nhiếc mắng anh là không bằng ai cả. Anh Tư điên tiết cung tay tát cho chị một cái, mà chị Tư cũng không vừa, chị bắt điện thoại gọi ngay 911. Khi cảnh sát đến nơi thì anh Tư đã bỏ nhà đi và chị Tư cũng không đủ tiếng tăm đáp ứng nên cảnh sát cũng làm biên bản qua loa cho xong chuyện rồi thôi. Từ đó anh chị lục đục mỗi ngày, anh Tư thấy hai đứa con khờ khạo nhỏ bé thì rất xót xa nhưng càng ngày chị Tư càng qúa quắt, chị ỷ đi làm Nail có chút tiền cho nên không coi anh Tư ra gì. Anh Tư buồn đâm ra đi nhậu nhẹt mỗi tối và càng tâm sự nhiều hơn với người anh họ của chị Tư. Mà lạ lắm, người anh họ dù có an ủi anh Tư nhưng không hề khuyên lơn chị Tư lời nào hết. Chị Tư càng ngày càng lơ là chuyện gia đình, hai đứa con nheo nhóc chị để mặc kệ cho anh Tư lo, chị chỉ biết đi làm có tiền thôi. Rồi chị Tư nói đến chuyện muốn đi sửa sắc đẹp. Chị muốn đi Houston tới viện thẩm mỹ của bà Hạnh Phước để sửa ngực nâng cao lên cho hấp dẫn, chị muốn hút mỡ ở cánh tay cho thon lại, chị muốn sửa đôi mắt cho mí to và chị muốn bơm đôi môi lên cho dày mọng. Anh Tư thấy ngao ngán với sự hời hợt trong cuộc sống với chị. Ngày xưa mới lấy anh chị mộc mạc, hiền lành mà đối với anh chị Tư đã đẹp rồi thì đi sửa làm chi cho mất sắc đi.
Chị Tư đi làm chắc có nhiều tiền “tip” mà chị giấu anh, chị đi làm ở Mall nên chị tha hồi đi sắm sửa áo quần. Chị bắt đầu mặc những chiếc quần xệ dưới lưng đưa cái rốn có chiếc nhẫn đeo tòn ten, những chiếc áo ngắn cũn cỡn với cái cổ xẻ sâu lòi lồng ngực. Trời ơi, chị Tư bị nhiễm trùng của cái văn minh không hạn mức của xã hội này rồi, anh Tư đành bó tay thôi vì mỗi lần hai vợ chồng gây gổ anh thấy hai đứa con sợ hãi, khóc la, đã vậy đụng một chút là chị Tư đòi kêu cảnh sát, ngón tay của chị luôn lăm le bấm số 911.
Lúc mới qua anh Tư vẫn thường nghe người ta nói ở xã hội này ngưới đàn bà là nhứt, sau đó đến con chó rồi mới tới người đàn ông, bây giờ anh mới thấm thía câu nói mỉa mai và sự ví von tàn tệ đó. Càng ngày anh và chị Tư càng hờ hững với nhau, chị cứ theo đà ăn diện, đi làm suốt sáng tới đêm, anh đi làm về thì đâm ra đi nhậu, hai đứa con gửi cho babysitter bắt đầu đổ ra lì lợm. Ngày trước anh với chị bàn tính với nhau đi tìm sự sống mới để cùng xây dựng tương lai cho con thế mà trong một thời gian ngắn ngủi đã có bao sự đổi thay, phủ phàng. Anh Tư ngán ngẫm với cuộc đời qúa, anh càng tâm sự nhiều với người anh họ và càng ngày càng thấy gần gũi vì được sự an ủi, lo lắng của người anh này. Âu là trời còn thương anh Tư.
Cuộc sống lạnh nhạt của hai vợ chồng anh Tư kéo dài thêm được vài tháng thì một bữa anh Tư đi làm ra đón con về nhà thì thấy căn nhà trống trơn, chị Tư đã dọn hết áo quần ra đi để lại một dòng chữ là chị không muốn ở với anh nữa, chị ra đi theo…tiếng gọi của con tim khác. Anh Tư sững sờ, tức giận nhưng rồi vì thương con anh cố nhịn nhục, hỏi thăm địa chỉ của chị rồi tới năn nỉ chị về với anh, dù sao anh cũng còn thương chị tha thiết. Chị Tư không những đã không muốn về mà còn ra tay bắt thằng Na ở lại với chị. Tội nghiệp hai đứa bé ngơ ngác không hiểu chuyện gì giữa ba mẹ nên cứ gào thét khóc la. Anh Tư đành đem con bé Ni về một mình. Từ đó anh trở thành người độc thân và đâm ra cay đắng với cuộc đời. Phải chi anh đừng ham đi Mỹ thì gia đình anh đâu có tan nát như thế này.
Người anh họ của chị Tư càng năng tới lui thăm viếng và lo lắng cho hai cha con anh Tư sau ngày chị Tư bỏ ra đi. Một vài tháng sau thì người anh này có ý định về ở chung với cha con anh Tư với cái lý do là để chia xẻ tiền thuê nhà giúp cho anh Tư đỡ gánh nặng. Anh Tư nghe xong cảm động qúa, trong cái rủi của anh vẫn còn có cái hên là còn được…quới nhân phò trợ nên mới có người tốt như thế này giúp cho anh.
Anh Tư chăm chỉ nuôi con bé Ni và cố giấu nỗi buồn của mình bằng cách cố gắng trau dồi anh ngữ hy vọng một ngày nào đó anh kiếm được một việc làm khá hơn. Trong thời gian này thì người anh họ đi đi về về Việt Nam rất thường xuyên, anh Tư có đặn dò là đừng đề cập chi tới chuyện đổ bể của anh và chị Tư cho cha mẹ chị ấy nghe, sợ hai ông bà buồn. Anh cũng cố gửi một chút tiền về giúp cho cả nhà, dù gì thì gia đình chị Tư trước sau vẫn thật lòng và đối xử với anh rất tử tế.
Ngày tháng qua đi trong lặng lẽ, tưởng cuộc đời của anh Tư đã ổn định không ngờ cái số phần của anh qúa hẩm hiu, anh phải chịu đựng từ bất ngờ này tới ngạc nhiên khác. Một buổi tối anh thấy người choáng váng như muốn bị cảm cúm, con bé Ni thì nằng nặc khóc nhớ mẹ và đòi đi thăm mẹ nó. Anh Tư xót xa cho con và cũng sợ lây bệnh đến nó nên anh đành kêu chị Tư và chị đồng ý đến chở con bé Ni về ở với chị một đêm. Sau khi con bé Ni đi thì anh Tư nằm đừ người ra vì mệt mỏi, người anh họ có hỏi anh muốn cạo gió cho không, anh Tư bằng lòng ngay, may ra thì cạo gió sẽ nhả hết chất độc trong người sẽ đỡ bệnh ngay. Người anh họ dịu dàng vén áo anh Tư và bắt đầu cạo gió cho anh. Cái nóng của chai dầu xanh làm anh Tư lúc đầu cảm thấy đỡ mỏi mấy khớp xương nhưng một lúc sau tự dưng anh Tư thấy …ớn xương sống vì bàn tay của người anh họ đang cố tình đi dần vào phần thân thể riêng tư của anh. Anh Tư lặng người, bây gìờ anh mới hiều tại sao người đàn ông này có sự lãnh cảm đối với đàn bà, có một sự tử tế, chăm sóc đặc biệt cho anh và chưa bao gìờ có một lời khuyên răn cô em họ là chị Tư. Anh Tư lão đão ngồi dậy và khoác aó đi ra khỏi nhà trong đêm đó. Sáng hôm sau khi anh trở về thì người anh họ cũng đã dọn đi không lời từ giã. Một lần nữa anh Tư và con bé Ni lại sống đơn độc một mình.
Anh Tư tiếp tục sống cuộc đời đơn lạnh, ngày đi làm tối về thủ thỉ với con bé Ni, chung quanh anh cũng có rất nhiều người muốn làm bạn đời với anh nhưng lòng anh sao vẫn qúa hiu quạnh, có lẽ anh vẫn còn thương còn yêu người đàn bà bội bạc ân tình với anh. Lúc sau này nhờ đi học thêm sinh ngữ ở một community college vào mỗi tối nên khả năng anh ngữ của anh cũng khá. Anh Tư mua một cái computer và bắt đầu kết bạn tâm thư qua email. Gần đây anh có quen mấy cô ở bên Việt Nam, cô nào cũng có vẻ chìu chuộng anh dù biết anh đã hai con và một lần dang đở. Trong tất cả mấy cô anh thích nhất là cô Phylocactus tức là cô Quỳnh Hoa. Theo qua lời thư từ thì cô này nhỏ hơn anh năm tuổi và đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, cô đang làm cho công ty nước ngoài. Vài tháng sau thì anh Tư đi mua liền một cái điện thoại cầm tay để rồi mỗi tối anh và cô Quỳnh Hoa gọi nói chuyện với nhau.
Càng nói chuyện anh càng cảm thấy hạp tánh tình với cô này, con bé Ni đã có lần khôn ngoan hỏi anh là có phải nó sắp sửa có mẹ mới phải không. Anh Tư làm sao trả lời cho con được vì chính anh vẫn còn một nổi phân vân rất lớn lao, liệu anh đã hết thương chị Tư chưa và cuộc đời của anh sẽ còn những biến chuyển nào nữa không" Chị Tư đã ra đi nhưng còn đối xử với anh rất tàn tệ, năm ba bữa là chị hăm dọa bắt con bé Ni. Chị đang ở với một anh chàng người Mỹ, hèn chi thằng cu Na mỗi lần gặp anh cuối tuần chỉ nói tiếng anh thôi và cứ kêu anh là..honey, honey… chắc nó bắt chước mẹ nó. Chị Tư bây giờ là Sandy, cái tên cúng cơm Xinh , xinh như cái đẹp hiền lành của chị đã đổi thay, tóc chị bây giờ có màu hung đỏ, mắt chị vẽ viết chì đen sắc sảo và môi chị đỏ mọng nóng bỏng.
Có mấy lần anh gặp chị Tư đi trong Mall cặp tay thắm thiết với chàng Mỹ râu xồm, chị ăn mặc càng ngày càng hở hang đến độ lộ liểu. Chị đã chọn con đường đi riêng của chị thì chị còn đòi bắt con bé Ni làm gì, có lẽ chị chỉ muốn làm anh đau khổ vì chị biết anh thương con bé Ni đến tột cùng. Ngày xưa ở Việt Nam nó còn bé tí tẹo mà ngày nào đi làm chở hàng anh cũng đem nó theo trong xe, nếu không có nó anh sẽ chết vì nhớ con. Mặc dù chị Tư hăm dọa bắt con bé Ni nhưng đã mấy tháng rồi chị Tư không đến đón con bé Ni mỗi tuần cũng như anh cũng không có dịp gặp thằng cu Na. Anh và con bé Ni nhớ thằng cu Na qúa và anh đang lo sợ là không biết chị Tư sắp sửa giở trò gì nữa đây nhưng anh không biết làm sao hơn, chỉ đành bó tay chịu trận.
Chiều hôm nay đi làm về lần đầu tiên trong hai năm nay anh Tư thấy trong lòng thanh thản, yên lành. Anh đi đến thùng thư và phong thư nhận được từ Việt Nam càng làm cho anh vui hơn vì cái hình cô Quỳnh Hoa gửi qua trông rất dễ thương.
Anh đang hớn hở tính khoe hình với con bé Ni thì có người gõ cửa, người đó không ai xa lạ mà chính là chị Tư, một bên mặt của chị tím bầm, một tay chị đắt thằng cu Na, tay kia chị cầm một cái xách tay nhỏ. Chị đến trả con lại cho anh. Anh Tư nhìn chị sao thấy xa lạ qúa, anh cảm thấy dửng dưng khi gặp lại chị, có chăng chỉ còn lại trong anh chút thương hại.
Anh cầm tay thằng cu Na và con bé Ni. Anh sẽ không làm gà trống nuôi con nữa đâu, ngay mai anh vào sở xin nghỉ ngắn hạn ( Leave of Absence) và nhất quyết về Việt Nam làm lại cuộc đời với cô Quỳnh Hoa.
NGUYỄN THỊ HUẾ XƯA

Ý kiến bạn đọc
22/09/201822:26:10
Khách
lại tin vào email qua lại VN nữa rồi anh tư ơi , thôi cứ bão lãnh qua rồi sống với nhau mới nói được ...... đừng nên khen hoặc nói hạp gì sất .....trên email hay nói chuyện phôn lúc nào cũng ngọt ngào chiều chuộng hết Tư à ...chúc may mắn
02/07/201819:09:53
Khách
Anh Tư nầy tránh vỏ dưa sẽ gặp vỏ dừa. Sao anh dễ tin nguoi quá hỉ ! Nhưng cũng cầu mong anh gặp nguoi vợ mới tốt hơn vợ cũ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,315,554
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Bước qua thêm một lần 30 tháng Tư, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Kỷ niệm Ba Mươi Tháng Tư năm nay, cộng đồng người Việt hải ngoại vô cùng thương tiếc cố Trung tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương,
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO,
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa, ông kể,
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 4 bài đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ năm.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến