Hôm nay,  

Du Học Tuổi Năm Mươi Lăm

26/07/200500:00:00(Xem: 123940)
Người viết: PHỤNG LINH
Bài số 792-1371-217-vb4072705

Phụng Linh, dân Saigon cũ, tới Mỹ du học bằng... visa du lịch. Trước 1975, cô học Gia Long, rồi trường luật Saigon, ban công pháp quốc tế. Ba mươi năm sau, cô một mình ø tìm tới với thế giới khác thường của một đại học cộng đồng tại Hoa Kỳ.
*
Tôi chìa cái visa du lịch cho phép được ở lại nước Mỹ trong sáu tháng. Cô nhân viên văn phòng trường Saddleback College (thành phố Mission Viejo, Nam California) khẽ liếc nhìn rồi gật đầu “OK” cái đơn xin nhập học semester Spring 2005 của tôi.
Chỉ phải đóng 26 đô la chi phí nhập học và hai tuần sau, tôi được một người bạn nhỏ đưa trở lại trường - ở cách nhà 25 phút lái xe, để test trình độ tiếng Anh. Kết quả tức thời cho thấy, dù “thất học” tiếng Anh mấy chục năm nay, vốn văn phạm của tôi vẫn còn kha khá. Tôi được phép học các lớp tiếng Anh hệ ESL (English as a Second Language) trình độ trung bình (intermediate) trở lên.
Không mặc cảm khi đến trường cùng những đứa trẻ đáng tuổi con cháu, song tôi có phần ái ngại, liệu giữa chừng sẽ “gối mỏi chân run”, bởi ở quê nhà, tuổi 55 của tôi là tuổi về hưu, là tuổi “ngồi không”nhìn thế sự!

Cuộc khởi đầu gian khổ

Trước ngày nhập học một tuần, người bạn nhỏ viết cho tôi một bản hướng dẫn chi tiết lộ trình xe bus từ nhà đến trường, nhắc đi nhắc lại từng điểm lên, điểm xuống. Cô không quên ấn vào tay tôi cái cell phone để gọi vào sở làm khi cần thiết, giúp cô tiện việc “tìm trẻ lạc”…
Còn hai ngày nữa, một buổi sáng trời nắng đẹp, tôi quyết định làm một cuộc “hành trình”, khởi đầu cuộc sống sinh viên trên đất Mỹ. Tôi biết rằng mọi thứ đều sẽ rất khó khăn dù chỉ là một sinh viên, vì tôi không biết đường đi; không thể lái xe; không người quen biết; hạn chế trong giao tiếp vì nói năng không lưu lốt như người ở đây lâu…
Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, song quả tình tôi không hình dung được sự thể, nếu tôi không bước vào cuộc sống thật của một sinh viên già nơi xứ lạ quê người.
Mất 15 phút đi bộ từ nhà ở thành phố Lake Forest ra đến trạm, tôi bước lên chiếc xe bus, loay hoay một hồi mới đặt được cái thẻ “One day pass” đi qua một cái “hộp đen”. Yên vị rồi, tôi dán mắt vào các bản tên đường, rồi lại nhìn bản hướng dẫn. Chiếc xe bus 177 dừng lại ở tổng trạm Laguna Hills, tôi mau mau chạy đến chiếc xe bus số 91.
Xe chạy, tôi lại dán mắt vào tên đường. Mất gần một tiếng rưỡi đồng hồ từ lúc rời nhà, sao vẫn thấy cảnh vật trước mặt “lạ hoắc lạ huơ”, tôi đâm lo: “Có thể mình đi lạc đường rồi chăng"”. Ồ không, cái bồn cỏ có hàng chữ Saddleback College nhấp nháy đèn hiện ra từ xa khiến tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi chồm dậy, chạy vội đến bên ông tài xế: “Tôi xuống ở đây được không"”
Ông ta nhìn tôi, kinh ngạc đến mức ngớ ra, nhưng rồi ông bấm nút mở cửa để tôi xuống ở góc đường. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo chiếc xe bus mất hút ở hướng mà mình định tới. Thì ra, trạm xe bus nằm ngay trước cổng trường…mình đã xuống xe hơi sớm. Tôi cười thầm, tự tha thứ cho cái ngố đầu tiên của mình.
Leo lên mấy bậc tam cấp, cuối cùng tôi đã đứng ở nơi hôm trước mình đến. Vậy là thành công rồi. Tôi thầm reo lên.
Tôi rảo một vòng nhỏ trong sân, không dám đi lung tung vì sợ…lạc, rồi trở ra trạm, đón xe bus quay về nhà. Quả thật, tôi không dám phiêu lưu. Ở Mỹ không có taxi, cũng không có xe Honda ôm có thể tức thời chở tôi trở về nhà lại. Tôi như một con kiến nhỏ, chỉ cần chạm đầu vào mục tiêu là bằng lòng quay trở lại chỗ cũ…
Thật là tiện lợi, chỉ mất vài phút ngồi nhà là xong. Qua mạng, cô bạn nhỏ ghi danh cho tôi một lúc năm lớp học: bốn lớp Multiskills và một lớp Conversation, tất cả đều là “0 Unit”. Điều đó có nghĩa là tôi không phải đóng học phí, nhưng tôi chỉ được vào lớp khi có giấy báo đồng ý.
Nhận được một tờ giấy báo duy nhất, tôi hớn hở đến trường từ lúc 4 giờ chiều. Không biết may hay rủi, giờ học đầu tiên của tôi trong ngày khai giảng là lớp Multiskills, từ 5 giờ đến 6 giờ rưỡi chiều và phòng học N3 lại nằm tít ở phía nam trong khi cổng trường nằm ở đàng bắc.
Lớp học chỉ có chừng mười sinh viên. Có lẽ nhờ vậy mà tôi được nhà trường cho vào lớp này chăng" Đơn ghi danh vào bốn lớp còn lại vẫn “không thấy hồi âm”. Bạn tôi an ủi: “Chị đừng lo. Tới ngày giờ, vẫn cứ vào lớp, rồi xin thầy cho add tên của mình vô. Trước sau gì cũng được học thôi hà.” Tôi gật đầu. Cô bạn nhỏ trẻ hơn tôi 15 tuổi, nhưng đã có 25 năm sống trên xứ Mỹ. Tôi tin cô ấy đến sái cổ thôi.
Bạn tôi hứa sẽ đến đón tôi lúc 7 giờ tối ở ngay trạm xe bus, sau buổi học đầu tiên. Những giọt mưa lất phất bỗng trở nên nặng hạt khi tôi vừa đến cổng. Gió mạnh làm chiếc dù lật ngược lên trời. Tôi cầm tờ in sơ đồ các lớp học nhoè nhoẹt vì nước mưa. Tháng 1, mới 5 giờ chiều mà trời đã tối sầm. Nhiều tân sinh viên lắc đầu không biết N3 nằm ở đâu. Tôi hỏi, rồi lại nhắm hướng mà đi… Vòng lên, vòng xuống nhiều lần, một hồi tôi lại trở về …chốn cũ.
Trời ơi! Tôi kêu lên. Phải chi tôi có đôi cánh bay lên để tìm lớp học cho dễ, hay ít ra, có một chiếc xe gắn máy để phóng cho nhanh. Khuôn viên trường rộng lớn quá. Các dãy lớp học nằm rải rác khắp nơi, leo đồi, xuống dốc. Nước mưa cứ chảy cuồn cuộn dưới chân.
Khi tìm được lớp học, tôi đã bị trễ đến nửa tiếng đồng hồ. Chiếc quần jean, giày, vớ len ướt sũng. Ngồi xuống ghế, tôi run lập cập, cố lắng tai nghe cô giáo dặn dò bằng những tràng tiếng Anh như không kịp thở… Cứ vài phút, tôi liếc nhìn đồng hồ, mong cho mau hết giờ.
Không có chuông, cũng không có trống trường tan học. Cô giáo chỉ nói lời tạm biệt, cả bọn đứng lên ra về.
Trời tối đen, mưa vẫn tầm tã. Chiếc dù nhỏ gần như vô dụng vì nó không che được những làn nước tứ phía ập vào người. Cũng như lúc đi, tôi lại quanh co khá lâu mà vẫn chưa đến được trạm xe bus. Ba mươi phút vòng vo một cách khốn khổ, tôi phải chạy bộ cho kịp giờ hẹn. Còn cách trạm xe bus chừng 10m, tôi mừng rỡ khi nhận ra chiếc xe của bạn tôi vừa trờ đến. Tôi chạy vội lại thì xe cũng vụt chạy đi. Đôi chân lạnh cứng lê từng bước, tôi quẹt nước mưa pha lẫn với giọt nước mắt nóng hổi ràn rụa trên mặt. Tôi thở hắt ra khi thấy chiếc xe quen thuộc vừa đánh một vòng, quày trở lại.
Đậu xe ở ngay bùng binh, cô ngoắc liên hồi, tôi chạy ào ra, nhào vô xe. Đàng sau là nhiều tiếng còi vang lên inh ỏi. Chân tay lạnh cóng, châu thân rả rời, tôi yểu xìu, không nói được một lời nào. Cảm giác bâng khuâng của buổi tựu trường “hàng năm cứ vào cuối thu, gió ngoài đường lạnh nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc”…tan biến trong cơn mưa lạnh thâu đêm không dứt.

Những kỷ niệm khó quên.

Tỉnh dậy sau buổi học đầu tiên nặng nề với cảm giác ớn lạnh kéo dài, tôi thừ người suy nghĩ. Sáu tháng trên đất Mỹ này, nếu không đi học thì biết làm gì đây! Tôi thu hết can đảm tiếp tục đến lớp ngày hôm sau.
Tôi chọn thái độ học tập thật tích cực và đầy thử thách: đến trường đủ năm ngày trong tuần. Khả năng nghe và nói tiếng Anh của tôi còn kém, lý do chính đáng khiến tôi không thể thối thác, từ nan. Huống hồ gì tôi đã đến tuổi năm mươi lăm, cái tuổi không còn trẻ, không dễ ai bắt nạt và cũng không còn “ham chơi đến đốt phí tuổi xuân”. Tôi lại tự an ủi: “Phải cố lên thôi!”
Chiều đi học về, tôi có một niềm vui: chiếc máy tính truy cập internet 24/24 chỉ với 29 đô la mỗi tháng. Tôi tha hồ đọc báo, đủ loại báo, cho đỡ nhớ nhà.
Tôi làm quen với không khí “chạy lớp”. Vào lớp này, cô giáo không đồng ý cho “add” vì đã quá đông sinh viên, tôi bỏ ra liền để kịp chạy vào một lớp khác cùng trình độ, cùng một thời điểm.
Sau hai tuần lễ “chạy ra - chạy vô”, tôi đã tìm được một chỗ ngồi yên ổn, trong bốn lớp học đúng như dự định. Tên tôi cũng đã được xướng lên khi điểm danh và tôi đương nhiên trở thành một sinh viên thực thụ.


Tôi làm thẻ sinh viên, lần mò vào thư viện đọc sách, làm quen với một số bạn bè cùng lớp để nói chuyện và chia sẻ từng miếng bánh trong giờ giải lao. Tôi biết cách mua sách cũ “tự động” trong thư viện: chỉ cần bỏ 25 xu vào một cái hộp sắt rồi cầm cuốn sách đi ra mà không bị ai kiểm tra, kiểm sốt; biết cách dùng mày đổi tiền giấy ra thành những đồng xu lẻ để dễ dàng đi xe bus…
Trong bốn lớp theo học, tôi không tìm được một người bạn “cố hương” nào. Tất cả đều là người ngoại quốc đến đất Mỹ từ khắp mọi nẻo trên hành tinh: Đại Hàn, Trung Hoa, Nhật Bản, Indonesia, Trung Đông, Âu châu, Iran, Mexico v.v..
Trong một giờ giải lao, tôi quen một bà bạn người Nam Hàn, 58 tuổi. Nghe nói tôi học đến bốn lớp, bà kêu lên: “Trời ơi, tao không hiểu thời giờ đâu để mầy làm homework (bài làm ở nhà)"” Ai cũng ngạc nhiên khi biết tôi mới sang Mỹ có…một tháng. Hầu hết đều ở Mỹ từ một năm trở lên, nói tiếng Anh sỏi như người bản xứ. Có điều, tôi không sao hiểu được họ nói cái gì vì cách phát âm của mỗi người mỗi khác. Dần dà, tôi thật lòng không còn mấy hứng thú khi nói chuyện với các bạn “đồng môn”. Tôi phục các thầy cô giáo. Học trò nói cỡ nào họ cũng hiểu được và hiểu rất nhanh, không cần hỏi lại như tôi. Tôi lại tự nhủ lòng: “Thời gian sẽ giúp mình nghe được và nói được. Phải cố gắng thôi!” Khẩu hiệu quen thuộc nằm lòng mỗi khi tôi ngả lưng xuống giường ngủ…
Không khí lớp học làm tôi thấy vui trở lại. Tiếng phấn viết lách tách, mùi bàn ghế gỗ… làm tôi nhớ những ngày thơ trẻ cắp sách đến trường. Chỉ khác là ở đây khô ráo, bãi cỏ xanh rì chung quanh thoang thoảng đưa lại hương gỗ thông. Thầy cô giáo thỉnh thoảng cho cả lớp coi phim, hoặc nghe một đoạn nhạc… Đôi khi, thầy cho… chơi trò chơi, tất nhiên cũng là một cách học tiếng Anh.
Tôi làm quen với không khí “vô cùng tự nhiên” trong lớp học. Một anh chàng Trung Đông bỗng dưng chọn một cái ghế ở cuối lớp, dựa lưng vào tường… ngủ, mặc cô giáo đang giảng bài. Vài cô bé quay xuống nhìn đôi mắt nhắm nghiền, hai tay khoanh trước ngực của anh ta, kêu lên nho nhỏ: “Oh, my God”.
Có lúc, cô giáo chuẩn bị cho làm bài kiểm tra, một nhóm đến bốn “chàng” nhi nhí đứng dậy, thản nhiên… ra về. Và rất thường, khi lớp học đã bắt đầu cả nửa tiếng đồng hồ, bỗng xuất hiện một anh chàng. Anh ta đẩy cửa bước vào “tỉnh bơ” như không, chẳng một lời xin lỗi cô giáo… Lạ lùng là thầy cô vẫn tỏ ra lịch sự, như không có gì xảy ra!
Lớp thường được chia thành nhóm thảo luận. Đó là lúc chúng tôi ồn ào hỏi chuyện nhau: gia đình, chồng con, hoàn cảnh, nghề nghiệp, đời sống, sở thích v.v.. và v.v.. Lớp vỡ ra như cái chợ. Bỗng cô giáo bật công tắc: mười mấy ngọn đèn tắt ngấm. Lớp học tối thui. Cả lũ chúng tôi ngơ ngác, nhìn qua nhìn lại, chỉ thấy một… màn đêm. Trật tự trở lại… Từ đó về sau, mỗi khi cô giáo tắt đèn, chúng tôi hiểu là phải im lặng để nghe cô nói.
Tôi còn chọn một giờ học với tutor (người phụ giảng) để tập nói tiếng Anh mà không phải trả tiền. Nhà trường trả thù lao cho ông ấy mỗi giờ 7 đô la. Giờ phụ giảng cũng khá đông, tôi có thêm bạn mới: bảy người. Chúng tôi nói đủ chuyện trên trời, dưới đất, chuyện ăn uống hàng ngày… Ở đây, nếu không dạn nói thì sẽ bị thiệt. Chúng tôi nói lung tung, nói không cần suy nghĩ. Thỉnh thoảng, thầy phụ giảng dựa theo đó mà giải thích thêm. Tôi đâm… ghiền, thèm nói tiếng Anh đến nổi cứ bạ ai cũng bắt chuyện.
Gặp một cô bé người Mỹ gốc Đan Mạch trên cùng tuyến xe bus, tôi gạ chuyện. Cô cũng trả lời, song chỉ được chừng hai – ba buổi thì tôi không thấy cô bé đi cùng. Ở đây không ai để ý đến ai. Các cuộc giao tiếp giữa những người mới quen nhau rất họa hoằn. Bây giờ thì tôi hiểu được rằng vì sao có những người Việt Nam thế hệ thứ nhất ở Mỹ cả chục năm vẫn không nghe và nói được tiếng Mỹ.
Thời khóa biểu xếp lớp dầy đặc đến nổi không có giờ nghỉ trưa. Tôi rời lớp này lúc 11g rưỡi trưa, lật đật phóng nhanh đến lớp khác bắt đầu lúc 12g, vừa chạy vừa gặm ổ bánh mì cho đỡ đói.
Tôi bỏ hẳn giấc ngủ trưa như khi còn ở bên nhà. Có lúc ngồi trên xe bus, không kềm nổi cơn buồn ngủ, tôi thiếp đi một chút. Khi giật mình tỉnh giấc thì xe bus đã đi quá một block đường. Lội bộ một đoạn trở về nhà dài gần cả cây số, tôi chầm chậm bước trên lề đường vắng lặng, hít thở không khí trong lành. Chỉ có cây xanh, gió mát, và hương thông thoang thoảng. Một Đà Lạt nhỏ là đây. Thanh bình, quá đỗi thanh bình, và thanh thản - cực kỳ thanh thản, nếu tôi đừng nhớ gì đến…bên nhà!
Có đến 90% hành khách đi xe bus là dân Mễ. Số ít còn lại là châu Á như tôi, hoặc người Trung Đông. Vừa lên xe, họ nói “hi” để chào bác tài. Có bác tài vừa lái xe, vừa hát rân trời. Một vài hành khách ý chừng đã quá quen, trò chuyện với bác tài suốt buổi.
Lần đầu tiên nhìn một người khuyết tật đi xe bus, tôi trố mắt kinh ngạc. Bác tài xế mở cửa, cho xe nghiêng hẳn một bên, hú còi bí bo liên hồi và hạ một tấm sắt to bằng cái cửa, vững vàng như một chiếc cầu để người lái xe lăn chạy lên. Bác tài còn cẩn thận cột dây cho xe lăn an toàn rồi mới ngồi vào vô lăng. “Trông người mà tưởng đến ta”: ở bên nhà, hành khách chưa kịp xuống thì xe bus đã vọt chạy, hất họ té nhào xuống đường… Ở đây, xe bus chạy rất đúng giờ. Cứ y như là giờ đó, ngang đó, chiếc xe bus dừng lại để đón khách. Mỗi lần đợi xe – trung bình khoảng nửa tiếng đồng hồ, đủ để tôi đọc được mấy mươi trang sách, khi tiếng Việt, lúc tiếng Anh. Hình như thói quen chờ xe bus giúp tôi có điều kiện để “mở mang kiến thức”.
Tôi thích nhất là những nụ cười hóm hỉnh luôn nở trên môi của thầy cô giáo. Họ pha trò cho chúng tôi cười. Không khí học tập không bao giờ ngưng đọng. Nội qui cấm sử dụng điện thoại di động (cell phone) trong giờ học. Nhưng khi cell gọi, thầy cô giáo múa theo tiếng nhạc làm ai nấy phì cười. Giữa chúng tôi hầu như không có khoảng cách, trái lại, gần gũi như người thân trong nhà. Tôi đã từng thấy sau những buổi tan học, thầy cô vẫn nán lại hàng mươi phút để giảng bài cho những người chậm hiểu. Tôi biết đó là cơ hội tốt cho những người chậm hiểu như tôi, song tôi còn nhát gan, chưa muốn nắm lấy. Những lần thầy cô giáo không đến lớp, chúng tôi reo mừng như trẻ con. Tôi nhớ lại thời trung học. Thời nào cũng vậy, kể cả lúc tuổi đã năm mươi lăm, có cháu nội, cháu ngoại, tôi vẫn còn được những “niềm vui bất tận” mỗi khi thầy giáo nghỉ dạy bất ngờ! Thường thì chúng tôi được thông báo bằng một tấm giấy dán trước cửa lớp. Đôi khi, chờ 15 phút sau giờ học không thấy thầy cô đến thì cứ… về. Và thế là tôi có dịp đi…shopping.
Hai tháng học tập trôi qua, một hôm khi đi chuyển lớp một khoảng 2 cây số, từ N3 đến thư viện, tôi nghe tiếng còi xe vang lên ở sau lưng. Suziana – cô bạn học chung, người Indonesia gốc Tàu, đã ở Mỹ đến 11 năm, dừng xe lại ra dấu cho tôi lên xe.
Từ đó, Suzi - tên gọi tắt của Suziana, “tình nguyện” đưa đón tôi mỗi tuần ba ngày học chung để có bạn chuyện trò trên đường đi học. Tôi “được” nhiều hơn vì ngoài niềm vui có bạn, còn tiết kiệm được thời gian lẫn tiền bạc.
Gần cuối khóa, các lớp học trở nên vắng vẻ. Lớp nào cũng chỉ còn một nửa số sinh viên. Đám châu Á chúng tôi kiên nhẫn theo học đến giờ phút cuối, ăn liên hoan chia tay rồi mới nghỉ. Một người bạn mới quen, Suzi năn nỉ thầy Hunt nhận cô vào học tiếp khóa sau, cũng 0 Unit – không phải đóng học phí. Suzi “please” luôn miệng khiến thầy Hunt phì cười.
Bạn tôi nói vui khi tôi vác balô mở cửa vào nhà: “Tôi sẽ cấp cho chị bằng… đi xe bus đến trường”. Sáu tháng ở vùng Orange County, năm tháng đi học trường Saddleback College, tôi rành các chuyến xe bus, đi từ nhà đến trường, từ nhà đến thư viện, đi shopping, đi chợ VN…
Tôi có thể tự tin khi trò chuyện tiếng Anh và nghe tivi khá hơn trước rất nhiều. Vừa được du lịch nhiều thành phố lớn ở Mỹ trong dịp nghỉ đổi mùa (Spring break), vừa được học một khóa tiếng Anh dài 5 tháng, tôi đã được quá nhiều trong sáu tháng ở đây. Một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng đầy ắp những kỷ niệm khó quên đầy thú vị của tuổi sinh viên “under 60”.

PHỤNG LINH

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,952,744
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.