Hôm nay,  

Một Chuyến Về Quê

05/07/200500:00:00(Xem: 144179)
Người viết: THÙY DƯƠNG
Bài số 779-1358-204-vb7070405

Tác giả định cư tại Hoa Kỳ từ 1987, hiện là một bác sĩ đang hành nghề tại quận Cam. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ba là “Hạnh phúc rất đơn giản” kể chuyện về cách nhìn, cách nhận chân hạnh phúc của người phụ nữ Việt tại Hoa Kỳ qua ba hoàn cảnh sống khác nhau. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.


Tôi rời đất nước đã khá lâu, gần mười lăm năm, bằng quãng đời truân chuyên của Kiều. Ngày rời đất nước, vì nghĩ một đi không trở lại, chẳng bao giờ còn dịp về lại, tôi đã mủi lòng khi máy bay cất cánh, đã bật khóc nức nở khi thấy những thửa ruộng vuông vức xanh ngát, những con sông dài uốn khúc quanh co đã nhỏ dần, nhỏ dần.
Có ai đã từng nói “Đừng bao giờ nói là không bao giờ” tôi thấy rất đúng, ít ra trong trường hợp mình. Bây giờ tôi đang trở về lại thăm Việt Nam trong những ngày tháng chín, những ngày tháng sôi động trên quê hương thứ hai, để chịu tang cha chồng.
Trên chuyến về thăm quê hương, tôi có cái cảm xúc lẫn lộn, vừa xôn xao mong được ngắm những con phố cũ đã một thời tôi sinh sống, đặt chân trên những con đường mà có lần tôi đã đi qua.
Trên chuyến bay chuyển tiếp từ Đài Bắc về Việt Nam, tôi có dịp làm quen những thiếu nữ (chẳng biết goị là gì, thiếu phụ hay thiếu nữ nữa) lấy chồng Tàu, mặt mũi non choẹt, vẫn còn mang nét quê mùa chân chất đáng yêu.
- Cô chú ở Mỹ về hả" Con cũng về thăm nhà, thăm ba má với có “chúc” đồ cho tụi nhỏ.
Rồi cô quay ra la con bằng tiếng Việt.
- Em giỏi quá ha, tụi nhỏ hiểu tiếng Việt hả "
- Dạ, chỗ con ở đông Việt Nam mình lắm, cũng lấy chồng Tàu như con. Được cái ổng cũng tốt, lần trước có theo con về Việt Nam đó cô.
- Làm sao em quen ổng vậy"
- Thì người ta làm mai.
Em là một trong số ít thiếu nữ Việt Nam lấy chồng Tàu may mắn. Em được chồng cho về thăm quê, được chồng cho gom góp ít tiền bạc biếu cha mẹ, ít bánh kẹo cho các em. Tôi thầm mong em có hạnh phúc, ít nhất có hạnh phúc trong việc gom góp tiền bạc giúp đỡ gia đình.
Rồi chuyến bay tưởng chừng dài như vô tận cũng chấm dứt. Rồi tôi cũng bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất, đặt chân lên mảnh đất thân yêu. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là “Người ơi là người, sao đông như thế này.” Những người có thân nhân ra đón, đang dáo dác tìm những tấm bảng trên ngực áo trong đám đông xem có tên mình trên đó không. Còn vợ chồng tôi (chồng tôi không cho gia đình biết ngày giờ về) thì đang bị các anh tài xế chèo quéo, “Xe của em rộng lắm, có gắn máy lạnh nè” hay “Em tính anh chị giá hữu nghị thôi”.
Cái nóng mùa hè của Cali mà tôi thường than thở không thấm tháp vào đâu với cái nóng của Sài Gòn. Chồng tôi thấy tôi nhễ nhại mồ hôi, đeo trên vai cái backpack, kéo lê cái vali nặng chình chịch nên tội nghiệp ngoắc đại một chiếc xe van.
Đường phố Sài Gòn dường như nhỏ lại, khói xe bụi bậm ngộp khắp trời. Xe cộ chạy chẳng đường lối, ai lách được là cứ lách, cứ bóp còi inh ỏi. Anh tài xế thấy chúng tôi là Việt kiều nên mở cassette nhạc vàng cho chúng tôi thưởng thức, vẫn giọng hát Thanh Tuyền cao vút “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” Chẳng biết các em học sinh ở thành phố biết buồn như chúng tôi thời xưa hay không khi đang ở giữa cái thành phố đông như kiến này.
Xe dừng trước khách sạn, anh chàng tài xế chém đẹp 15 đô, chồng tôi rút bóp trả tiền, cằn nhằn:
- Sao lấy mắc dzậy cha. Hữu nghị gì nổi.
Anh tài cười vui vẻ:
- Lâu lâu mới kiếm được chút cháo mà anh chị. Anh chị về chơi vui vẻ nghen.
Trong khi chồng tôi đặt vé ra miền Trung, tôi đứng ngóng xuống đường qua khung cửa sổ. Đối diện trường Lê Qúy Đôn , ngôi trường mà tôi vẫn thường nghe anh nhắc đến một cách thân yêu với những kỷ niệm của một thời niên thiếu. Một khoảng tường đã bị đập phá cho tiện việc bán cà phê, tôi thầm nghĩ chắc anh đau lòng lắm khi nhìn thấy nó.
Vé máy bay muốn đặt mua đã hết. Vậy là chúng tôi được về quê chồng bằng chuyến xe lửa xuyên Việt.
Rời cái thành phố náo nhiệt tôi sung sướng nhìn lại những hàng cây xanh ngắt, những thửa ruộng nhỏ nhắn với những con trâu đang chậm rãi lười lỉnh bước. Tự dưng tôi hát nhỏ (thường tôi không dám hát vì hát dở lắm) “Em theo anh đi về, về quê hương yêu dấu. Em theo anh đi về…” Đang hát tôi chợt nhớ ông xã mình đang buồn vì mất cha nên ngưng lại và nắm nhẹ tay anh.
Trên đường đi, có lẽ chồng tôi đã quen thuộc nên anh kể cho tôi những địa danh mà xe lửa đi qua. Nào Phú Yên, Khánh Hòa, Nha Trang… Trên toa tầu tôi cũng được dịp nhìn những Tháp Chàm nằm chơ vơ trên sườn núi, cô đơn, bí hiểm. Nhìn Tháp Chàm tôi lại nghĩ đến nàng Huyền Trân công chúa với hai châu Ô Lý mà bà đã đem lại cho dân tộc Việt, đến Chế Bồng Nga và thời đại huy hoàng của Chiêm Thành, và cả anh chàng ca sĩ Chế Linh với giọng ca buồn nẫu ruột nhất là khi nghe vào những đêm mưa tắt điện “Cóooooo … ai biết được có mình tôi buồn…”
Đang suy nghĩ miên man, giòng tư tưởng của tôi bị cắt đứt bởi tiếng hát lanh lảnh cao độ với bài hát từ lâu đã chìm trong quên lãng đang phát ra từ trong toa tầu ”Hôm xưa anh phá núi em mở đường trên đỉnh Trường sơn đồi núi chập chùng. Năm nay cũng những bàn tay lấp hố bom xây cuộc sống...”
Chỉ cần nghe vậy là hình ảnh hiền hoà trong tâm trí tôi lập tức bị thay thế bằng những hình ảnh khủng khiếp của những ngày lao động XHCN, những buổi phê tự phê, của những buổi học tập chính trị dưới mái trường XHCN. Nàng công chúa Huyền Trân lịm tắt dần để thay thế bằng nàng Đoàn viên trong lớp, con một Tỉnh Uỷ miền Nam đang “lên lớp” cho các bạn trong tổ về “làm thế nào để phân biệt rõ bạn và thù, cha mẹ các đồng chí (") nếu là ngụy quân, ngụy quyền thì tui cũng gọi là thằng và con”. Không biết giờ đây cô nàng này còn thấy sự phân biệt giữa bạn và thù có còn rõ ràng nữa hay không" Tôi cố xua đuổi hình ảnh đó bằng cách xoay ra hỏi chồng đủ thứ.
Tầu đã về Bình Định, anh tự hào kể cho tôi những trận đánh oai hùng của vua quân Tây Sơn, về sự khai phá đường Trường Sơn của đô đốc Trần Quang Diệu, về tướng ông Nguyễn văn Tuyết mặc áo trắng cưỡi ngựa trắng xông pha ra trận mạc. Vậy mà trước đây tôi cứ tưởng đường Trường sơn do VC làm nên. Phải công nhận họ đầu độc hay thật. Rừng núi Trường Sơn chập chùng cây cỏ xanh mát, vừa hùng vĩ, vừa nên thơ.
Chuyến tầu đỗ lại tại sân ga Diêu Trì. Chồng tôi nhắc nhở “Xuống đi em, đến nơi rồi”. Tôi theo anh bước xuống sân ga. Các chị em của anh đã đợi ở đó từ lâu, thấy anh, họ chạy lại ôm chầm “Ba mất rồi anh, ba mất rồi em”. Mấy chị em ôm nhau khóc, tự dưng tôi cũng cảm thấy mủi lòng. Và rồi sáu người chúng tôi lục đục chen vào chiếc xe hơi bé xiú để về huyện lỵ Bồng Sơn.
Bồng Sơn, cái tên mà tôi còn nhớ mang máng được nhắc nhở trên báo chí miền Nam trước năm 75, cái địa danh với những cuộc chiến tranh tàn khốc và giờ đây tôi đặt chân đến đây, sao nó hiền hoà dễ thương như vậy. Có lẽ vì đây là quê hương của chồng tôi chăng"
Chúng tôi về nhà vào dịp nhị thất của ba. Tôi xuống bếp phụ với các bà chị chồng, các cô em dâu để nấu giỗ. Thật ra nói là phụ vậy thôi chứ các chị em ông xã tôi chẳng để cho tôi làm gì cả. Thức ăn làm cả vừa chay vừa mặn, nhưng khi cúng chỉ thấy toàn đồ chay trên bàn thờ. Ông xã tôi ngạc nhiên hỏi:
- Má à, khi sống ba đâu ăn đồ chay"
Má chồng tôi trả lời một cách đôn hậu:
- Thì hồi sống má đã lo phần xác cho ba, lúc chết cũng để má lo phần hồn cho ổng chớ.
Nhìn lên bàn thờ, tôi cảm động thấy tên mình nằm cạnh tên chồng trên bức trướng “Trưởng nam N.T. cùng vợ là … “ Gia đìng anh cũng là gia đình mình rồi, tôi thầm nghĩ.
Xong lễ, má nói với chúng tôi ngồi xuống cạnh bà:
- Hồi ba còn sống chưa có ai lo cho má bằng ba hết, mà má cũng chưa lo cho ai bằng lo cho ba con. Má muốn tụi con sẽ yêu thương, đùm bọc nhau mãi mãi nghe các con.
Đã từ lâu tôi chưa được ai gọi bằng tiếng “con” thân yêu kể từ khi cha mẹ tôi mất nên tôi thấy bùi ngùi cảm động và nhớ đến cha mẹ mình.
Chúng tôi ở lại Bình Định một tuần lễ. Anh đưa đi thăm họ hàng, thăm mộ ông bà nội ngoại.
Cái khác lạ ở Việt Nam bây giờ là ngôi mộ thường được xây đẹp đẽ, to lớn bằng đá cẩm thạch, bằng gạch bông, có mái che và trồng bông hoa chung quanh như những dinh thự nho nhỏ. Có lẽ người VN với cái ý nghĩ nghĩa tử là nghĩa tận ăn vào tâm khảm nên những gì đẹp nhất cũng dành cho người chết chăng"
Những ngày ở Bình Định tôi cũng có dịp thăm trại cùi Qui Hoà, nơi Hàn Mặc Tử đã có lần lui về ẩn dật. Mỗi căn nhà là một kiểu khác nhau, trong sân nhà họ trồng cây cỏ và một vài người nằm mắc võng ngang thân dừa, êm đềm ngủ giữa trưa hè gió thoảng với tiếng vỗ từ biển đưa vào. Đời sống trang trại thật bình an, xa lánh những bon chen bận rộn với cuộc sống bên ngoài. Đã đến những vùng biển khác nhau, ở VN, ở hải ngoại nhưng theo tôi bãi biển Qui Hòa là đẹp nhất. Những hàng dừa xanh chạy dọc dài theo bãi biển cát trắng, xa xa là những ngọn núi xanh ngắt in đậm nét trên bầu trời xanh dương. Ước chi tôi là thi sĩ, tôi biết nó đẹp, nó nên thơ nhưng không biết diễn tả làm sao.
Những ngày ở quê chồng tôi cũng được tha hồ ăn trái cây tươi. Chồng tôi biết tôi them ăn trái cây nên thứ nào anh cũng mua cả chục trái, nào thanh long, nào mãng cầu… Anh nói:
- Em ăn cho đã để về Mỹ anh khỏi nghe em than.
Những ngày ở Qui Nhơn chồng tôi cũng dắt tôi đi thăm ngôi trường tiểu học của anh. Sân trường vắng lặng của những ngày cuối hè, chỉ còn những cây Phượng đỏ khoe sắc thắm.
Nhìn cánh Phượng rơi nhẹ trong gió, tôi nhớ lại những quyển lưu bút ngày xanh mà chúng tôi chuyền cho nhau thời xưa. Những người bạn thưở nhỏ của tôi đâu rồi" Con bé Phải, chị cả của lũ em với những cái tên ngộ nghỉnh Trung, Thành, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Thôi.. . Thằng Trâm ngồi một mình cuối lớp vì nó là con gái nhưng bị ba má bắt cắt tóc ngắn, mặc quần áo con trai nên chẳng con bé nào trong lớp chịu ngồi cạnh. Con Duyên tập vở lúc nào cũng sạch sẽ. Hai chị em con Sắc Huyền sau giờ học phải phụ mẹ bán bánh canh ở chợ Đa Kao, múc cho tôi một tô bún đầy những thịt khi tôi mua của nó.
Chồng tôi cũng dẫn tôi qua thăm ngôi chùa kế bên trường. Sờ vào mặt trống trước sân chùa, chồng tôi nói:
- Hồi nhỏ anh và các bạn hay sang đây phá các sư các vãi, cứ gõ thình thình vào trống rồI bỏ chạy. Bị thầy cô phạt hoài mà đâu có chừa.
- Nhưng lần này đừng có phá nghe anh. Anh lớn rồi đó, không bị thầy cô phạt nhưng vẫn bị em phạt quỳ đó. Tôi chọc anh.

Một tuần lễ ở Bình Định đã trôi qua. Chúng tôi về lại Sài Gòn. Anh có chở tôi đi thăm ngôi nhà cũ, trường cũ của tôi. Ai đã đọc truyện Từ Thức hay Rip Van Winkle chắc hiểu được tâm trạng của tôi lúc đó. Xa lạ. Hụt hẫng. Bơ vơ. Không những ngôi nhà của tôi mà cả khu phố đều đã đổi thay.
Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm hàng ngày tôi vẫn đi từ nhà đến trường Trưng Vương suốt bảy năm trời rợp bóng cây điệp với những bông hoa vàng rực rỡ, gần đến trường là hai hàng cây me xanh ngắt với những lá me nhỏ bay bay trong gió vướng nhẹ lên tóc của những chị học sinh lớp lớn làm rung động trái tim của những anh chàng mặc quần xanh áo trắng của ngôi trường kế bên đứng đợi bên quán Hẹn tập làm người lớn, thẩn thờ trong khói thuốc đã bị đốn ngã tự hồi nào. Tôi chẳng còn nhận ra hình ảnh quen thuộc của ngày xưa trừ ngôi đình Tân An gần nhà, nơi mà chị Côi, chị giúp việc cho mẹ vẫn bế tôi ra nghe Cải Lương hồi còn nhỏ vẫn còn mang hình dáng xưa, nhưng giờ được sơn lại một màu vàng kỳ cục, vàng như nghệ.


Những ngày ở Sài Gòn tôi cũng đi tìm gặp lại những người bạn cũ. Kẻ còn, người mất. Thế Hùng vẫn ăn mặc quần áo bảnh bao nhưng trông già dặn, phong trần hơn với mái tóc ngã màu muối tiêu. Thúy Vân vẫn dịu dàng yểu điệu. Quỳnh Giao vẫn cười nói vui vẻ nhưng hơi phát tướng ra. Anh An, anh Chức đã đạo mạo càng đạo mạo hơn xưa.
Anh Thực, người tổ trưởng tổ bảy với chiếc áo sơ mi hồng vẫn còn trong trí nhớ của tôi đã mất vì bị viêm gan siêu vi B. Anh mất mà không còn tấm áo lành lặn để mặc, phải liệm bằng chiếc áo choàng trắng. Anh chết đi, để lại người vợ và năm đứa con nheo nhóc, đi học mà cũng không có tiền mua sách vở.
Anh Thành, tướng phúc hậu, chồng của Thanh Vân cũng vừa mới qua đời. Bữa ăn ở nhà hàng Ngọc Sương bỗng nhiên trầm lặng khi tôi hỏi thăm về những người bạn cũ này.
Tôi cũng ghé thăm bệnh viện Nhi Đồng. Bệnh viện đã xuống cấp, trông cũ kỹ, chật hẹp và… dơ. Vào thăm phòng cấp cứu bỗng thấy thương tâm. Nhìn những bà mẹ ngồi bóp bóng hồi sinh cho con như của thời hai mươi năm về trước với hy vọng mong manh là kéo dài sự sống cho con mình. Chị BS Thanh nói:
- Không phải em nào cũng được intubate (đặt ống nội khí quản) đâu em. Chỉ dành cho những trẻ em có khả năng sống sót, còn những trẻ mắc bệnh mãn tính thì cho đi luôn.
Tôi thầm nghĩ, ngay cả những em bé được đặt ống nội khí quản này có mấy em được sống sót nếu người mẹ mệt mỏi, buồn ngủ quên ngưng bóp bóng trong một phút ngắn ngủi. Ai là người có thể tỉnh táo bóp bóng hết ngày này sang ngày nọ, 24 giờ một ngày" Chị Thanh còn kể tiếp, mỗi ngày chị khám vài trăm bệnh nhân trong phòng khám ngoại chẩn nên khám không được kỹ lắm. Có em sáng khám bị tiêu chảy, chiều được thân nhân chở vô BV cấp cứu vì thiếu nước đến suy thận. Nhiều trường hợp nặng quá chữa không được. Nếu được nhập viện thì hàng bao nhiêu em nằm chung một phòng bệnh chật hẹp. Nếu chữa hết bệnh này thì lây sang bệnh khác. Những điều nhỏ nhoi trước mắt là các bác sĩ chỉ cần rửa tay trước khi khám bệnh nhân khác thì cũng đã làm giảm số lượng bệnh nhân nằm lại trại rồi, theo tôi nghĩ. Nhưng ban Giám Đốc thường có những ý tưởng lớn lao, nào là hệ thống thông khí hiện đại, rất tốn kém mà chẳng giúp ích được ai. Chỉ gặp họ trong vài phút nên tôi cũng chẳng đưa ra ý kiến của mình một cách thành thật. Qua họ tôi cũng được biết ngay tại thành phố Sài Gòn, tại các bệnh viện cấp ba, cấp bốn gì đó chẳng có một em bé nào ra đời được khám xét bởi bác sĩ Nhi Khoa. Có người còn hỏi tôi:
- Như vậy ở bên Mỹ các bác sĩ Sản Phụ Khoa khám các cháu sơ sinh à"
Trời, tôi thầm nghĩ trong bụng, bác sĩ Ob-Gyn biết gì về sơ sinh, trẻ em mà khám chứ. Đến thăm bệnh viện cũ, nơi có lần tôi đến thực tập, để rồi khi ra về lòng càng buồn hơn.
Một trong những việc tôi cần làm trong chuyến về quê là thăm chị Côi. Sau khi chúng tôi rời đất nước, chị đến ở chung với anh họ tôi ở Cần Thơ. Rồi anh họ tôi cũng qua đời sau hai năm nằm bại liệt do đứt mạch máu não.
Chúng tôi mướn chiếc xe hơi nhỏ rời Sài Gòn từ sang sớm. Qua Long An, Mỹ Tho (đến đây tự dưng tôi nhớ đến Hồ Trường An với những câu chuyện Bà Già Trầu của anh) rồi vượt qua chiếc cầu treo đẹp đẽ do Úc xây tặng thay thế cho Bắc Mỹ Thuận. Đường đi xa lộ khá êm ả, tôi thầm mừng cho đất nước có những đổi thay đi lên. Niềm vui chưa được bao lâu thì những thửa ruộng hai bên bờ xa lộ tràn ngập nước lênh láng. Người ta có thể chèo xuồng từ nhà này sang nhà khác.
- Như vậy năm nay miền Tây lại mất mùa rồi anh hả"
Chồng tôi trầm ngâm trả lời:
- Nhưng em biết không, mất mùa gạo năm nay, năm sau sẽ được mùa trái cây. Nước lũ tràn vào ruộng vườn mang lại phù sa cho đồng bằng miền Nam.
Chồng tôi sống khá lâu ở miền Tây nên gì anh cũng biết.
Chúng tôi đã đến Cần Thơ. Nhà cửa ở đây cũng đông đúc hơn xưa, nhưng thành phố này vẫn còn cây xanh chứ không bị chặt láng hết để xây nhà lập quán như ở Sài Gòn nên tôi thấy dễ chịu hơn. Lần mò mãi, hết hỏi anh xích lô này đến anh tài xế khác, rồi cuối cùng tôi cũng tìm ra được nhà chị Côi. Chị đã già đi nhiều, miệng móm mém, răng rụng hết cả. Chị trông có vẻ già hơn xưa có lẽ vì cái đầu cạo trọc. Không hiểu vì sao chị cạo trọc đầu chứ lúc trước tóc chị dài và dầy lắm. Ôm lấy chị tôi nói:
- Chị Côi có nhớ em là ai không"
Chị nhìn ngắm tôi mãi, ngắm tới ngắm lui, xăm soi mặt mũi, xong chị vui mừng khóc:
- Bé T đây mà. Giờ lớn (") quá, Côi nhận không ra.
Dưới mắt chị tôi vẫn là đứa bé con mà chị thường bế ra đình Tân An mỗi chiều để coi diễn tập Cải Lương. Hai chị em mừng mừng tủi tủi hàn huyên tâm sự khá lâu để anh tài ngồi đợi đầu đường. Chồng tôi nhắc nhẹ. Chúng tôi cùng chị mua sắm quần áo, đồ ăn. Chị đòi mua kẹo bánh, tính chị vẫn như xưa. Ông xã tôi mua cho chị hàng bao nhiêu ký kẹo, bánh, sữa, và mì gói nữa. Bịn rịn nhưng rồi chúng tôi cũng phải rời Cần Thơ để về lại Sài Gòn. Chị Côi nhé, nhớ giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ, năm sau em sẽ về thăm chị.
Về lại Sài Gòn, chồng tôi biết tôi thích Cải Lương nên sau bữa ăn tối anh dẫn tôi qua Sân Khấu Nhỏ, gần khách sạn. Rủi thay tuồng Cải Lương có Ngọc Giàu, Diệp Lang đóng đã hết diễn từ tuần trước. Tuy nhiên chúng tôi cũng vào xem kịch. Cũng chẳng có gì hay lắm. Chuyện về người BS với những đứa trẻ mắc bệnh do chất độc màu da cam gây ra. Kịch bản chẳng có gì mới lạ. Diễn viên đóng cũng chẳng có gì xuất sắc.
Sau vở kịch, anh lại chở tôi đi nghe nhạc trẻ buổi tối. Quang cảnh trong khu nhạc sống ầm ỉ, thác loạn. Có những người khách chỉ là những em bé mười ba, mười bốn tuổi tay cầm chai bia, ly rượu, quần áo sexy, hở hang trong khi thân thể chưa phát triển hẳn, đang nhún nhẩy theo điệu nhạc New way.
Đâu phải đợt sống mới là phải sống thác loạn. Ở bên Mỹ chẳng có em nào ở tuổi vị thành niên được vào quán bia, quán nhạc có bán rượu cả. Chúng tôi vội rời quán nhạc sống này để đến Tiếng Tơ Đồng để nghe Phương Thanh hát. Cô hát rất khoẻ, hát nhiều bài mà giọng vẫn mạnh. Nói chung chúng tôi thích đến nghe nhạc thính phòng hơn những tiệm nhạc trẻ. Đó là những nơi chúng tôi đến vào đêm.
Vào những buổi sáng, thay vì ăn điểm tâm tại khách sạn, khá sạch sẽ và ngon, chúng tôi thả bộ xuống đường phố Sài Gòn để uống cà phê tại Grival hay trên thượng tầng của Saigon Trade Center để nhìn ngắm dòng sông Sài Gòn lửng lờ trôi phía dưới. Phải công nhận hiện nay VN cởi mở hơn thời chúng tôi chưa sang Mỹ. Tại các tiệm cà phê, nhà hàng này có cho phát đài CNN trên TV. Nhưng không biết dân thành phố có mấy ai đủ tiền để mắc cable ngoại quốc"
Những lần dạo phố Sài Gòn, chồng tôi cũng bắt tôi làm “model” để anh chụp cảnh Nhà Thờ Đức Bà, Nhà hát Thành Phố (Quốc Hội cũ) và ngồi uống nước dừa tươi tại Hồ Con Rùa ngắm người qua lại. Bác bán hàng hỏi chúng tôi:
- Phải cậu mợ bên Mỹ về không vậy"
- Dạ, sao bác biết"
- Thì cậu trắng tươi hà.
- Nhưng con đâu có trắng tươi"
- Thì cậu về rước mợ sang.
Bác vẫn tươi cười trả lời để làm vui lòng tôi. Tôi thầm nghĩ, chắc chút nữa đi chơi với đám bạn cũ, tôi phải để “cái mác Việt Kiều” của tôi ở lại khách sạn một mình qúa.
*
Gần đến ngày về, chúng tôi lo việc mua sắm đồ để làm quà cho người thân bên Mỹ.
Khâm, cậu em út của tôi thích đàn hát thì chúng tôi mua tặng cậu ta quyển nhạc của Trịnh Công Sơn. Thuỷ, cô y tá của tôi, thích sưu tầm tem thì chúng tôi mua tặng cô một bộ tem thư. Còn bánh mứt, ô mai cho các cô y tá khác. Trà, cà phê cho anh Quang. Và cả vài ba bộ đồ đầm cho con bé Huyền nữa chứ.
Bản danh sách xong xuôi, tôi nhờ chồng chở đến chợ An Đông. Chợ An Đông bây giờ được xây cất lại, to lớn và đẹp đẽ hơn xưa. Cái chợ An Đông của những ngày lãnh nhu yếu phẩm tôi chở ngay ra chợ bán để khỏi mất công chở nặng về nhà, chợ An Đông của những ngày lãnh thùng quà từ bên Mỹ gửi về hai chị em tôi mang ra chợ bán và bị người mua hàng ôm xấp vải chạy mất để hai chị em cứ tần ngần không dám đạp xe về, nay đã đổi thay nhiều.
Cái không đổi thay ở chợ này là ăn mày đông quá đỗi. Có những em bé mặt mày lem luốc, đen đủi, bồng em đi ăn xin. Có những chị bụng chửa vượt mặt cũng còn xoè cái nón năn nỉ người đi chợ. Chúng tôi vừa đặt chân lên những bậc tam cấp là hang bao nhiêu người ăn xin bu quanh.
- Cô ơi, em con đói quá cô ơi.
Đứa nhỏ đang bồng em rên rỉ.
- Nó xạo đó cô. Hai đứa vừa ăn tô bún bò. Chị đàn bà méc.
- Tui xin kệ tui, sao bà xiá dzô"
- Mày hỗn hả Tao cho mày cái bạt tai.
Vừa nói chị vừa vỗ cái chét lên đầu thằng bé, đau điếng người.
Thằng bé bỏ em xuống đất, nhào vô người đàn bà:
- Bộ bà tưởng tui sợ bà hả"
- Thôi đừng đánh nhau nữa, rồi ai cũng được hết mà.
Vừa can họ, vừa dỗ dành mà lòng tôi đau nhói. Chỉ có vài xu Mỹ mà họ có thể đánh nhau bể đầu, sứt trán như chơi. Thằng bé ở tuổi này đáng lẽ giờ đây phải đang cắp sách dến trường. Thằng em nó đáng lẽ được bồng ẳm, nâng niu, vòi vỉnh đồ chơi. Chị phụ nữ đáng lẽ đang nằm nhà chờ ngày sinh đẻ. Thế giới này đầy dẫy những bất công dù cho ở thể chế nào đi nữa. Tôi còn nhớ ông bác sĩ phó chủ nhiệm trường đại học Y dược thành phố mà lâu ngày tôi đã quên tên có nói với chúng tôi trong buổi sinh hoạt chính trị của lớp, đại khái như sau. Ông đi làm ở BV Chợ Rẫy thời Tây, đời sống sung túc nhưng bỏ đi làm Cách Mạng. Thấy người nghèo khổ cho vài đồng bạc chỉ là lòng thương hại của giai cấp tiểu tư sản. Còn đi làm cách mạng như ông là lòng thương người vô sản, mang lại no ấm cho toàn dân. Chẳng hiểu giờ đây nếu ông thấy những cảnh tượng này thì ông sẽ cho chúng tôi bài học chính trị ra sao "
Đường phố Sài Gòn đã lên đèn. Trời đã về chiều. Chồng tôi hỏi tôi muốn ăn gì trước khi về lại Mỹ cho đỡ nhớ vì anh biết tôi là dân Bắc Kỳ. Tôi đã hết thèm rồi, tôi trả lời anh vì vừa xuống tới VN là anh dẫn tôi đến ngay quán Niêu đập Tú Xương để dùng món này rồi.
- Thôi để anh chở em đến Bình Quới, có món gà nướng, ngon khỏi chê.
Đường đi tới Bình Quới khá xa, xe cộ đông đảo nhưng đã quen với cảnh lái xe ẩu ở đây rồ nên tôi không còn sợ mà hét lên chói lọi khi thấy xe người khác như muốn đâm nhào vào xe mình nữa.
Đi xa nhưng không uổng công. Tiệm ăn này được dựng lên giữa ao nước rộng với hàng dừa lùn chung quanh nặng trĩu trái nên khung cảnh khá thơ mộng. Thịt gà vừa dai vừa đậm đà mà kể từ ngày qua Mỹ tôi chưa bao giờ ăn lại nên tôi rất thích và cũng đòi anh nếm thử vài hớp bia nội địa.
Trời đã về khuya, chúng tôi phải rời quán để thu xếp đồ đạc chuẩn bị cho ngày về. Mưa rơi lất phất, những hạt mưa nhỏ bắn nhẹ vào mặt, vào tóc tai. Tôi nép vào lưng anh mà nghe lòng tràn ngập những hạnh phúc. “Theo anh về dưới mưa nói năng chi cũng thừa…” . Hình như tôi vừa sửa lời của một bài hát dễ thương nào đó.
Vợ chồng tôi giống nhau một điểm là cả hai đều không thích cảnh chia ly nên đón xe ra phi trường một mình. Lần này chuyến bay hướng về Đài Bắc nên trên phi cơ nhìn xuống tôi không thấy ruộng đồng miền Nam như lần trước mà là rừng núi Trường Sơn hùng vĩ. Tôi nhìn xuống dải đất quê hương với lòng thương mến chứ không nức nở mủi lòng như lần trước vì tôi biết quê hương tôi đang còn đó. Trong tim tôi có hai đất nước để thương yêu. Ngày mai đây tôi sẽ trở về đất nước đã cưu mang, nuôi dưỡng tôi và nơi đó có mái ấm gia đình của vợ chồng tôi. Chúng tôi cũng hẹn sẽ trở về thăm đất nước đã cho chúng tôi sự sống, hơi thở, nơi có người mẹ già của chồng tôi vẫn ngồi đợi đón con về.

THUỲ DƯƠNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,321,874
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.