Hôm nay,  

Thời Sinh Viên Độc Thân

16/06/200500:00:00(Xem: 188655)
Người viết: NGUYỄN DUY AN
Bài số 768-1347-193-vb3061405

Tác giả Nguyễn Duy-An là cư dân Virginia, hiện là Vice President Information Technology của NATIONAL GEOGRAPHIC. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ, ông gửi một tự truyện và một truyện tình, đều bắt đầu từ Bình Giả, một địa danh quen thuộc của Việt Nam thời chiến. Chưa đầy 3 tuần sau khi bài lên Việt Báo online, đã có hơn 3,600 người đọc “truyện tình cờ”, hơn 3,000 người đọc tự truyện của chàng trai Bình Giả. Cả hai bài hiện dẫn đầu trong số 10 bài có nhiều người đọc nhất. Sau đây là phần tiếp tự truyện.

Tôi rời nông trại của người bảo trợ mấy ngày trước lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) của Mỹ vì không muốn một mình ngồi nhìn cảnh gia đình 9 người con và gần 20 đứa cháu nội ngoại của họ sum họp quây quần vào dịp lễ.
Tới Virginia, nhờ sự giúp đỡ và giới thiệu của cha Trần Đình Nhi, chánh xứ giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tôi dọn đến ở chung với 3 người bạn khác trong một chung cư 2 phòng ngủ, và xin tiền trợ cấp học bổng, nộp đơn xin vào Đại Học Cộng Đồng (Community College). Nhiều người khuyên tôi nên chờ một năm, sau khi đã trở thành thường trú nhân của Tiểu Bang để khỏi phải chịu tiền học phí cao, nhưng tôi đã quyết định xin vào học ngay từ mùa xuân 1985 vì thấy mình đã muốn già rồi!
Nhờ những người bạn cùng chung cư, tôi tới trường làm quen với những sinh viên Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm trong mấy tháng còn lại trước khi chính thức nhập học. Lúc bấy giờ, đại đa số người Việt Nam theo học ngành kỹ sư điện (Electrical Engineer) hoặc Vi Tính (Computer Science). Những ngày ở với cha Trần Đình Trọng ở Vinh Trung - Bình Giả, tôi đã bị điện giật mấy lần vì giúp sửa máy điện của nhà thờ nên rất sợ điện. Do đó tôi quyết định chọn ngành Vi Tính.
Lúc nhìn vào những môn học cần thiết cho ngành Vi Tính, tôi mới thật sự hoảng sợ vì môn toán. Thực tình mà nói, hồi nhỏ tôi rất giỏi toán, nhưng lúc ở trong chủng viện, từ lớp 10 trở lên, tôi phải theo chương trình ban C (Văn Chương và Sinh Ngữ), về sau đi học triết nên trình độ toán của tôi lúc bấy giờ chỉ ngang ngửa với một em học hết lớp 9 trung học.
Tôi ra thư viện mượn một số sách toán về học ngày học đêm để chuẩn bị cho tương lai...
Trong lúc chờ đợi nhập học, tôi phải đi kiếm một việc làm ban đêm để sống qua ngày chứ chẳng lẽ chiều chiều lên nhà thờ, giả vờ phụ giúp việc gì đó để ăn cơm "chùa" mãi cũng kỳ cục. Hai ngày cuối tuần không nói làm gì, chứ chiều nào cũng thế chắc quê xệ lắm, mặc dầu bạn bè vẫn cho tôi là người "đẹp trai không bằng chai mặt".
Cũng tại nhà thờ Việt Nam, tôi quen được một người chuyên thầu "cleaning" (quét dọn các văn phòng công sở sau giờ làm việc). Thấy tôi nói được tiếng Anh khá, bác này cho tôi trông coi một building, mỗi tối làm 4 tiếng từ 6 giờ tới 10 giờ đêm, đi về có người chở, mỗi giờ 4 dollars, không phải làm, chỉ sắp xếp công việc cho những người khác làm (đa số là người Việt Nam) và làm bù lúc có người nghỉ, thêm phần liên lạc với chủ nhân của building và ông chủ thầu người Việt Nam.
Sau vài tuần, tôi thấy công việc cũng không đến nỗi nào, nên xin nhận làm một phần như những người khác (3.50 dollars một giờ), và phải làm thật nhanh để xong việc trong vòng 3 tiếng thay vì 4 tiếng như những người khác, vì nửa giờ đầu và nửa giờ cuối phải đi một vòng phân chia công việc và ghi sổ sách giấy tờ. Từ đó, đêm từng đêm tôi đi quét nhà, hút bụi, lau cầu tiêu để sống qua ngày.
Về sau, với tiền học bổng và làm việc trong trường, tôi cũng tạm đủ sống, nhưng vẫn tiếp tục giữ cái "job" lau cầu tiêu này để kiếm thêm tiền mua quà gởi về giúp gia đình bên Việt Nam.
Việc mua hàng, đóng thùng và đi gởi quà về Việt Nam thời bấy giờ cũng là một huyền thoại! Cha mẹ tôi và các em, các cháu bên nhà đâu có hiểu được những chai dầu xanh, những xấp vải, radio-cassette... tôi gởi về từ đâu mà có. Nhưng tôi rất vui mừng và hãnh diện vì trong gian nan khốn khó của những ngày đầu sống kiếp tỵ nạn, tôi đã giúp đỡ gia đình được phần nào qua cơn túng quẫn, đều đặn 3 tháng một thùng quà cho tới ngày có chương trình chuyển tiền.
Tới ngày ghi danh các lớp vào mùa xuân 1985, người ta chỉ cho phép tôi lấy 12 credits (tín chỉ). Tôi cự nự và khiếu nại với counselor ở trường, cũng chẳng tới đâu. Người ta gởi tôi lên gặp ông Dean (Khoa Trưởng) về Vi Tính (thời đó gọi là Data Processing). Ông ta hỏi tôi tại sao muốn ghi nhiều lớp cho mùa đầu tiên, tôi trả lời thẳng thắn: Tôi già rồi, qua trễ, tôi muốn chạy nước rút càng nhanh càng tốt. Và cuối cùng ông ta đồng ý cho tôi ghi thử 18 credits, nếu qua tháng đầu cảm thấy không học được phải "drop" xuống 12. Tôi hý hửng với tờ giấy ghi danh có chữ ký của Khoa Trưởng để bắt đầu cuộc đời sinh viên tại Mỹ.
Những người bạn Việt Nam trong trường cho rằng tôi "hơi mát", nhưng tôi cứ bỏ ngoài tai. Từ đó, mỗi ngày tôi lên trường từ 7 giờ sáng, chờ tới 5 giờ 30 chiều có người chở đi làm.
Tiền mua sách vở cũng là một gánh nặng ở đại học. Tôi theo bạn bè tìm mua sách cũ nhưng cũng không đủ, nên tôi nghĩ ra một cách là mượn sách của các bạn cùng lớp, mỗi người một hôm lúc người ta không có lớp, ngồi trong thư viện chép lại bằng tay vì nghĩ rằng viết ra được cũng giúp mình học nhanh hơn. Cái tai hại đầu tiên tôi gặp phải là ông thầy không dạy theo thứ tự trong sách, nhưng nhảy qua nhảy lại. Nguyên cái việc tìm ra chỗ trong tập của mình đã khó rồi, nhưng có chỗ mình chưa viết tới nên còn khốn khổ hơn nữa. Nhưng rồi khốn khó cũng qua đi.
Sau kỳ thi giữa khóa (mid-term), tôi lấy được toàn bộ điểm A, kể cả môn Anh-Văn (English Composition I), nên anh chị em sinh viên Việt Nam trong trường bắt đầu nể phục tôi. Việc tôi thi tuyển được vào ngay English Composition I chứ không phải học một lớp ESL (English As Second Language) nào cả cũng đặc biệt rồi, bây giờ thấy tôi lấy A, bạn bè Việt Nam cứ theo hỏi cách học. Tôi thẳng thắn trả lời: Tất cả đều nhờ công lao các cha các thầy trong tiểu chủng viện Xuân Lộc, chứ khả năng tôi cũng như các bạn thôi. Còn cách để học thêm từ ngữ mới (vacabulary) thì tôi nói thật với mọi người là mỗi ngày tôi xé một tờ trong cuốn tự điển Anh Việt của Trần Văn Điền bỏ túi, thỉnh thoảng mở ra học, kể cả lúc ngồi trong nhà vệ sinh.
Lúc bấy giờ, mặc dầu là trường 2 năm, nhưng có người đang học năm thứ 3 hoặc thứ 4 vì phải bỏ cả năm hoặc hơn nữa để học tiếng Anh (ESL). Cũng có người học gần xong nhưng chưa xin chuyển trường được vì chưa lấy English Composition I & II.
Từ đầu tháng 3 năm 1985, tôi có việc làm trong trường với số lương tối thiểu, nhưng vì là sinh viên mới, lại không bắt đầu từ mùa thu, nên người ta không biết cho tôi làm việc gì... Cuối cùng, thấy tôi cứ ngồi ở thư viện suốt ngày, nên văn phòng counselor (kế bên thư viện) nhận cho tôi làm cái chân "lấy hẹn" cho sinh viên gặp counselor, làm 20 tiếng một tuần với mức lương tối thiểu. Nhờ làm việc ở văn phòng couselor nên tôi quen biết hầu hết sinh viên, nhất là các anh chị em người Việt mình.
Sau khi biết tôi được điểm A về Anh Văn trong kỳ thi giữa khóa (mid-term), một anh Việt Nam ngỏ ý mời tôi đi ăn trưa ở một nhà hàng Việt Nam, tôi ngại ngùng từ chối, nhưng anh ta cứ theo nói mãi nên tôi xiêu lòng. Ăn xong anh ta mới cho biết là đã qua Mỹ từ năm 1979, học ở trường hơn 3 năm, đang học lớp English Composition II để cho đủ tiêu chuẩn đổi lên University. Lớp Anh Văn I anh ta cố gắng lắm mới lấy được điểm C, nên muốn nhờ tôi giúp. Tôi ngại quá, nhưng "ăn của chùa thì ngọng miệng" nên đành nhận lời.
Lúc bấy giờ, trong các lớp Anh Văn, các bài viết hoặc thầy cho đề tài về nhà viết, hoặc nói trước một vài đề tài cho sinh viên chuẩn bị, rồi vào lớp viết trong vòng 45 phút. Anh ta muốn tôi giúp viết sẵn một số bài tủ, anh ta sẽ trả tiền, nhưng tôi không dám. Tôi chỉ hứa trong tuần kế đó, sẽ giúp anh viết bài luận ở nhà (homework). Khi được báo đã có đề bài, tôi hẹn anh ta xuống cafeteria của trường, mua sẵn một gói thuốc và một ly ca phê. Thời đó chúng tôi muốn hút thuốc chỗ nào cũng được chứ không khó khăn như bây giờ, vả lại vào đầu tháng tư tại Virginia trời còn lạnh lắm, nên làm liều ngồi viết bài cho người bạn ngay trong cafeteria. Khi nhận lại bài luận với điểm B, anh bạn này bắt tôi phải nhận 20 dollars và còn khoe với người khác, nên thỉnh thoảng tôi trở thành người viết bài tiếng Anh bất đắc dĩ cho bạn bè Việt Nam trong trường với giá cả $20 một bài cộng thêm gói thuốc và ly cà-phê!
Vấn đề ăn uống trong thời gian này cũng nhiêu khê lắm. Mua thức ăn trong trường thì tốn kém, về nhà thì xe cộ chưa có, nhờ cậy phiền hà, đi xe bus vừa vất vả vừa mất thì giờ. Để giải quyết vấn đề này, tôi cứ mang theo 3, 4 gói mì trong cặp, xin nước sôi ở cafeteria là xong bữa. Về sau có người ở nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam biết tôi ăn mì gói quanh năm để đi học, đã cho tôi về ở trọ, có gì ăn nấy với gia đình người ta chứ không phải trả tiền ăn, tôi mừng lắm, và lúc nào cũng nhớ ơn, đi lại thăm nom như chú ruột vậy. Đó là chuyện về sau. Còn bây giờ, tôi cứ phải vật lộn với mì gói để sống qua ngày.
Vì sợ phải ghi ít lớp, học lâu xong, vả lại tôi cứ ngồi trong thư viện suốt ngày nên cũng chẳng biết làm gì hơn là học. Tôi làm hết homework (thường là những bài số chẵn, hoặc những bài số lẻ), còn thì giờ, tôi làm hết cả những bài không phải làm. Tôi dùng một cuốn tập làm những bài phải nộp cho thầy, một cuốn khác ghi lại tất cả những bài khác. Những bài tập viết software cũng thế, tôi tìm ra ít là 2 cách làm khác nhau. Việc làm này lúc đầu chỉ giúp tôi học khá hơn thôi, nhưng về sau trở thành một dịch vụ! Số là cuối mùa học, tôi muốn tiết kiệm tiền nên cũng rao bảng bán lại sách cũ như nhiều sinh viên khác vẫn làm.
Tôi còn nhớ mãi chuyện tình cờ xảy ra lúc tôi muốn bán lại cuốn Calculus I. Cuốn sách toán nặng cả ký này tôi đã phải trả 65 dollars, nếu tính theo lương tôi làm việc tại trường lúc đó, mất hẳn một tuần lương! Tôi định bán khoảng $50, kể cũng hơi cao so với những cuốn sách cũ khác, nhưng vì tôi giữ sách rất cẩn thận nên hy vọng bán được. Một cô bé người Mỹ tới xem rồi chê mắc, bỏ đi. Tình cờ lúc đó tôi làm rớt cuốn tập giải các bài homework xuống sàn nhà, cô ta cúi xuống nhặt dùm. Tôi chưa kịp nói "thank you", cô ta đã nắm tay tôi kéo ra khỏi thư viện nói chuyện. Cô ta đồng ý sẽ mua cuốn sách toán của tôi và tập bài giải với giá $100, và sẽ mua hết những sách khác của tôi, hoặc giới thiệu người mua dùm để tôi không gắn giấy rao bán trên "bulletin" nhà trường nữa, sợ người khác mua mất. Chúng tôi trở thành bạn từ đó. Bạn thôi chứ không phải là bạn gái đâu nhé!
Vì muốn học nhanh nên tôi ghi tên học cả mùa hè 1985, nhưng chỉ ghi được 12 credits vì mùa hè không có nhiều lớp để chọn.
Chuyện xảy ra vào mùa thu 1985 mới thực sự làm tôi nổi tiếng trong trường. Sau 2 mùa với 30 credits điểm A, tôi rất tự tin nên tôi ghi 27 credits trong tờ ghi danh mùa thu. Lúc nhận được, nhân viên văn phòng trợn tròng cặp mắt xanh lè, nói lớn như hét vào tai tôi, "Are you crazy"" làm cả phòng nhốn nháo cả lên. Sau khi nghe trình bày sự việc, bà xếp phòng "registration" chẳng nói chẳng rằng, bốc điện thoại nói chyện gì đó, rồi đưa tôi mảnh giấy lên gặp ông Khoa Trưởng lần nữa.
Ông ta khuyên tôi nên giảm bớt chứ không nói gì nặng lời vì thấy tôi lấy toàn điểm A. Tôi giải thích cho ông ta là tôi muốn chuyển trường vào mùa tới nên muốn học cho xong. Thấy nói mãi không thuyết phục được tôi, ông ta đành ký giấy chấp thuận.
Mới học được 2 tuần, tôi phải giảm bớt việc "lau chùi quét dọn", chỉ trông coi nhóm nhân viên làm ban đêm để lợi dụng thời giờ làm cho xong bài vở. Tôi cũng làm đơn mượn nợ của chính phủ để đi học đại học, mặc dầu tôi thực sự chưa cần lắm. Tôi cứ mượn vì số nợ đó không phải trả trong lúc còn đi học. Tiền "student loans" tôi cứ để trong quỹ tiết kiệm, không dám đụng đến, để dành phòng khi "trái gió trở trời".
Cha Nhi cũng gọi điện thoại hỏi tôi sao kỳ này ít lên nhà thờ chơi, chỉ đi tập hát, lễ lạy xong trốn mất tiêu. Tôi đành nói sự thật, ngài hoảng quá, bảo tôi học vừa thôi, coi chừng loạn óc. Thực ra ngài gọi tôi vì thấy 2 tuần liền tôi không ghé chơi chứ cũng chẳng trách cứ gì, và hơn nữa có người cho chiếc xe cũ (10 năm hơn) nên hỏi tôi có lấy không. Đương nhiên là tôi nhận.
Chiếc xe cọc cạch đáng giá khoảng 300 dollars này đã làm phương tiện cho tôi vượt qua những năm sống đời sinh viên tại Mỹ. Một lần nữa em xin cám ơn anh Hùng (Virginia) đã giúp em, mặc dầu anh vẫn nói "cậu không lấy tớ cũng vất đi", nhưng làm sao em quên được ân tình anh đã dành cho em lúc đó. Anh bán đi cũng được, nhưng anh đã cho em vì "để hắn có cái mà đi nhà thờ nhà thánh".
Nhắc đến việc "nhà thờ nhà thánh" tôi phải nhớ lại chuyện "cười ra nước mắt" của chính mình tại nhà thờ vào đêm lễ Phục Sinh 1985.


Kể từ ngày dọn xuống Virginia, tôi vẫn giúp tập hát cho ca đoàn, nhưng rồi anh ca trưởng càng ngày càng bận rộn với công ăn việc làm và gia đình, nên tôi trở thành người tập hát thường xuyên. Trong những ngày đầu ở Mỹ, quần áo tôi mang theo từ trại tỵ nạn vẫn còn dùng được, nhưng không hiểu sao càng ngày tôi càng phì ra, mặc dầu chủ yếu chỉ có mì gói làm "lương thực hằng ngày". Thời đó tôi đâu dám ra tiệm mua quần áo mới, chỉ quanh quẩn đi xin quần áo "cứu trợ", đặc biệt là ở các nhà thờ Tin Lành. Kể cũng khổ, cái vừa bề ngang lại không vừa bề dọc, nên nhìn luộm thuộm lắm. Mùa đông tương đối là "looking good" vì trời lạnh nên ai cũng phải mặc áo len, áo khoác dày bên ngoài, trông ai cũng như ai. Mùa xuân và mùa hè mới thật là phiền. Lúc bấy giờ tôi cũng có một bộ đồ "vest" tươm tất lắm — quà của một anh bạn trong ca đoàn. Tuy nhiên, áo sơ mi của tôi chỉ toàn là loại "My Bo" (Mỹ bỏ), hoặc mua $1 một túi lớn từ các tiệm "Good Will" nên cái dài, cái ngắn, cái lê thê...
Lễ Phục Sinh 1985, tôi vừa đánh nhịp, vừa phải hát Kinh Cầu Các Thánh lúc rửa tội tân tòng, nhà thờ chật cứng những người và người nên nóng lắm, mặc dầu là ban đêm và trời mới vào xuân. Tới lúc chuẩn bị hát Ca Hiệp Lễ, vì nóng quá, tôi cởi cái áo vest ra cho đỡ nóng, lên bục đứng đánh nhịp. Ca viên lẫn giáo dân ngồi phía sau cứ nhìn tới nhìn lui cười (cả mếu nữa!) chứ không chịu hát. Tôi bực mình lắm, nhưng vừa mới rước lễ xuống, chẳng lẽ lại quát tháo trong nhà thờ (thời đó nhà thờ Việt Nam còn nhỏ lắm và cũng không có gác đàn). May quá, một bác lớn tuổi bước vội lên bảo tôi khoác áo vest vào rồi hãy đánh nhịp, chứ "áo quần cháu như thằng hề thế kia"! Tôi nhìn lại mình thì than ôi thật xấu hổ. Số là cái áo sơ mi của tôi quá rộng và ống tay dài quá, tôi dùng giây thung cột hai bên khửu tay để giữ ống tay áo khỏi lòi ra ngoài nhiều quá lúc mặc áo vest, nhưng bây giờ đã cởi áo vest ra rồi, hai tay lại khuơ khươ chuẩn bị đánh nhịp nên trông cứ như cái hình nộm người ta treo ngoài đồng để dọa chim cò khỏi xuống ăn hoa màu!
Sau thánh lễ, một cô bé trong ca đoàn đến "hạ lệnh" cho tôi: "Anh đưa hết quần áo tới nhà em sửa lại cho. Chắc tụi em phải kiếm tiền mua quần áo cho anh chứ ai lại để ca trưởng ăn mặc thế kia, làm xấu mặt cả ca đoàn". Tôi còn biết nói năng chi, ngoài câu "chiếc áo không làm nên ông thầy tu". Bạn bè lúc bấy giờ cứ nghĩ là tôi sẽ bồ cô bé ấy, nhưng không hiểu sao tôi chẳng bao giờ có một chút giao động trong tim về nàng, chỉ xem nàng như một "người em bé nhỏ", và nàng cũng muốn thế cho tới bây giờ.
Thú thật với các bạn là lúc đó tôi cũng cảm động lắm, nhưng có lẽ vì trong tim tôi thời bấy giờ vẫn còn âm thầm ủ ấp bóng hình một người con gái thôn Bình, với hy vọng sẽ tiến tới, nhưng rồi chuyện tình đó cũng "vỗ cánh bay đi" vì nàng qua Mỹ và lập gia đình trước khi tôi ra trường.
Lúc bấy giờ cuộc sống của tôi tương đối cũng khá ổn định, tôi có thể mua cho mình một vài bộ quần áo tươm tất để đi lễ, nhưng cứ nghĩ tới gia đình đang bữa đói bữa no ở Bình Giả nên tôi không dám chi tiêu một đồng cho bản thân mình. Làm sao tôi dám mua quần áo đẹp khi nghĩ tới cha mẹ và các em các cháu bên nhà phải dằn bụng mỗi ngày với những bữa cơm độn bắp độn khoai!
Sau khi giảm bớt việc "lau chùi quét dọn" để có thêm thì giờ học bài, tôi sợ không đủ tiền mua quà gởi về gia đình mỗi 3 tháng, nên tôi xin đi theo phụ việc cho một người làm thợ mộc mỗi tuần 6, 7 tiếng vào ngày Thứ Bảy. Công việc vất vả hơn, nhưng mỗi tháng tôi cũng kiếm thêm được vài trăm. Một vài người bạn khuyên tôi nên đi làm nhà hàng, đỡ vất vả hơn và có thêm tiền "tip". Nhưng vì phải làm từ 11 giờ sáng cho tới gần nửa đêm cả 2 ngày cuối tuần nên tôi không thích, vì tôi muốn có thì giờ đi tập hát, đi sinh hoạt ở nhà thờ Việt Nam vào chiều Thứ Bảy và Chúa Nhật nên tôi không làm.
Lúc bấy giờ tôi đã khá nổi tiếng ở trường, lại làm tại phòng counselor và tutorial service nên nhiều cô bé Việt Nam đến làm quen, nhờ giúp đỡ bài vở... Một bóng hồng ấp ủ trong tim từ thôn Bình đã làm tôi do dự không biết có nên đi tu nữa hay không, bây giờ thêm mấy cô sinh viên nhõng nhẽo mỗi ngày, rồi các nữ ca viên ở nhà thờ mỗi cuối tuần nữa nên tôi biết là mình không tu được nữa thật rồi! Đúng là Chúa gọi thì nhiều nhưng chọn chẳng bao nhiêu. Có điều không biết có phải Chúa không chọn tôi hay tôi không chọn Chúa! Lúc được tin cha bố tôi là linh mục Trần Đình Trọng đột ngột ra đi, tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm và quyết định đi cấm phòng mấy ngày để xem có đi tu lại được không.
Tôi không nói chắc các bạn cũng biết là tôi đã không đi tu nữa nên bây giờ mới làm bố đời ngồi đây viết lại chuyện đời mình chia sẻ với các bạn, chứ nếu đi tu thì phải viết những bài "Suy Niệm Lời Chúa" cho trang VietCatholic.net như các đấng bậc tu hành...
Ngoài tiền trợ cấp của chính phủ, tiền làm trong trường, tiền "student loans", tôi còn trở thành một "trouble maker" cho phòng "Financial Aid" của trường nữa. Các bạn có tin không"
Mỗi tuần tôi ghé vào phòng "Financial Aid" ít là một lần, thường là nhiều hơn, để xem có cái học bổng hay trợ cấp nào không để làm đơn xin. Tôi xin được nhiều tới độ ông giám đốc văn phòng "Financial Aid" phải gặp riêng tôi nói nhỏ là "you" để vài cái cho sinh viên khác được không. Thú thật với các bạn, tôi xin từ trên xuống dưới bất kể loại học bổng hay trợ cấp nào, từ 5 trăm tới 5 ngàn (Nói theo kiểu các cụ ở Bình Giả là "nậy nhỏ tấm mén chi cũng mần hết").
Tại các trường đại học ở Mỹ, thỉnh thoảng có những vị hảo tâm, các hãng xưởng hay hội đoàn cho tiền với mục đích giúp sinh viên nghèo có điều kiện theo học đại học. Thường thường các học bổng này dựa vào điều kiện tài chánh của sinh viên (tôi thì nghèo quá rồi vì đi làm ban đêm và cuối tuần lãnh tiền mặt nên coi như không có), học giỏi (dựa vào học bạ thì tôi được toàn điểm A nên không có gì trở ngại), và có một số học bổng dành cho những người "thiểu số" (minority) — đối với Mỹ thì mình chẳng những là thiểu số, mà còn là loại thiểu số ở bậc dưới âm độ nữa chứ lỵ. Tôi sống theo châm ngôn "muốn ăn thì lăn vô bếp" nên cứ xin liên tục, vì "con khóc mẹ mới cho bú", mình không xin thì ai biết mình cần mà giúp, phải không"
Những năm ở Đại Học là "thời vàng son" của tôi tại Mỹ. Tuy vất vả, nhưng vui nhiều. Với cây đàn guitar và một số vốn âm nhạc học được từ những ngày còn sống trong chủng viện, tuy tôi hát không hay, nhưng cũng có nhiều cô sinh viên mủi lòng trong những lần sinh hoạt hội Sinh Viên Việt Nam ở trường khi tôi nghêu ngao hát "con gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may" hay "chiếc áo quê hương theo anh vượt trùng dương", và nhất là bài hát tự biên, tự diễn phổ nhạc một bài thơ tình "mai anh đi rồi bé có buồn không, mai anh đi anh nhớ bé vô cùng"...
Lúc mới chuyển lên University tôi cũng hơi sợ nên mùa đầu chỉ dám lấy 15 credits để dọ dẫm xem sao. Những mùa kế đó, tôi lại tăng lên lúc 18, lúc 21 credits. Lúc này xét theo học bạ (transcript) của tôi, người ta xếp cho tôi việc trông coi phòng Lab máy vi tính của trường nên cũng hơi vất vả vì sinh viên cứ hỏi hết việc này tới việc khác: Khi thì máy không chạy, khi thì chương trình (program) bị bọ (bugs)...
Lúc bây giờ trong đầu tôi lúc nào cũng chỉ luẩn quẩn những Assembler, COBOL, JCL, với C, rồi Pascal, v.v... Theo kinh nghiệm của những người đi truớc, tôi ráo riết tìm tòi để kiếm một cái việc liên quan tới ngành vi tính trong mùa hè để học hỏi một ít kinh nghiệm bỏ vô đơn xin việc sau này, chứ chẳng lẽ đi xin việc "Programmer/Analyst" mà chỉ thấy toàn kinh nghiệm đi lau cầu tiêu với đóng "deck" thì cũng kẹt. Tôi vẫn cứ vừa học, vừa làm ban đêm và cuối tuần, nhưng vẫn mượn thêm "student loans" vì từ năm thứ 3, chính phủ cho mượn mỗi năm 5 ngàn nên tôi cứ mượn để dành đó.
Đúng là trời thương, trời đem đến. Trong lúc làm ở phòng Lab tại trường, trong một lần giúp một học sinh "debug software", tôi lọt mắt xanh một ông xếp Mỹ đi "xem sinh viên cho biết sự tình". Thực ra đây là những người của các hãng xưởng gởi tới trường để phỏng vấn những sinh viên sắp ra trường, giúp họ kiếm việc làm. Trong lúc nghỉ giải lao, ông ta đi qua phòng Lab, thấy tôi sửa một cái software cho một sinh viên trong tích tắc, ông ta mở miệng khen vì tưởng tôi là giáo sư ở trường: "your teaching method is so great.”Tôi nói chuyện làm quen và hỏi xem hãng ông ta có việc gì cho sinh viên làm mùa hè không, vì tôi muốn đi làm mùa hè tới để lấy kinh nghiệm xin việc sau này.
Ông ta ngạc nhiên quá, hỏi ra mới biết tôi chỉ là sinh viên năm thứ 3 chứ chẳng phải giáo sư, "giáo cụ" gì cả. Nhưng cũng nhờ đó tôi kiếm được việc làm mùa hè kế đó, và thay vì trở lại trường học "full-time" cho 18 credits cuối, tôi đã ở lại làm "full-time" và học "part-time" 2 mùa kế đó mới xong chương trình.
Năm cuối ở đại học chương trình học của tôi rất nhẹ vì tôi đã ráo riết học thật nhiều vào những mùa truớc, đó cũng là dịp may nên tôi mới dám nhận đi làm full-time và tiếp tục đi học part-time.
Sau khi ra trường, mặc dầu đã có việc làm tốt, nhưng tôi không muốn trả ngay món nợ 15 ngàn tiền student loans, nên ghi danh học tiếp cao học. Lúc đầu chỉ định học cho vui và tránh trả tiền nợ thời còn là sinh viên càng lâu càng tốt. Nhưng sau mới thấy học phí nặng quá, cái sở tôi làm lại không chịu trả tiền "graduate school", vì mình đã có bằng và khả năng để làm việc rồi. Tôi bực mình nên nộp đơn xin việc khác, tuần nào cũng xem báo và gởi resume đi lung tung cả.
Trước khi chính thức đi học cao học, tôi trình bày với ông chủ hãng thầu "cleaning" để xin nghỉ việc vì từ nay ban ngày tôi phải đi làm công sở, tối lại phải đi học lấy bằng "master". Ông chủ tiếc lắm, nhưng cũng rất hãnh diện vì ông đã giúp tôi có việc làm để sống qua ngày trong thời gian học đại học. Theo phép lịch sự, tôi cũng đến gặp ông chủ building nơi tôi đã làm việc mỗi tối trong hơn 3 năm vừa qua.
Trong lúc nói chuyện, ông ta quá ngạc nhiên khi biết tôi đã học xong 4 năm đại học trong thời gian đi quét dọn văn phòng cho ông ta. Sau khi nói cho ông ta biết là tôi đã có việc làm chính thức cả mấy tháng nay, từ lúc chưa ra trường, nhưng bây giờ đang đi kiếm việc khác vì muốn kiếm sở nào đồng ý giúp tôi trả tiền học cao học vì học phí nặng quá. Ông ta cho tôi cái hẹn để Thứ Hai kế đó tới phỏng vấn với ông giám đốc "data processing" của hãng TRW. Tôi được nhận vào làm và được giúp đỡ đi học lấy bằng cao học về điện toán tại hãng này. Lúc tôi quyết định sẽ tiếp tục học lấy tiến sĩ, ban giám đốc hãng cũng đồng ý, nhưng muốn tôi lấy ngay cái bằng MBA (Master - Business Administration: Quản Trị Kinh Doanh) vì họ mới cho tôi lên làm xếp nhỏ (manager), và nếu muốn đi lên trong ngành quản trị (management) thì phải có MBA. Tôi phân vân lắm, vì lúc đó tôi đã có gia đình, và một cháu gái mới mấy tháng tuổi, nên chỉ muốn học tiếp cho xong tiến sĩ chứ làm xếp chẳng làm thì thôi.
Tôi lên hỏi ý kiến ông thầy bảo trợ của tôi ở đại học, ông ta cũng khuyên tôi nên lấy MBA để dễ "thăng quan tiến chức" đã rồi trở về lấy Ph.D., vì lấy tiến sĩ ngay cũng chỉ oai thêm một tý, hoặc muốn đi dạy đại học thì tốt chứ làm việc ở ngoài họ cần cái MBA hơn. Tôi nghe theo, và phải mất thêm gần 3 năm nữa mới lấy xong cái MBA, vì lúc đó tôi đã có gia đình nên không còn học nhiều như lúc còn độc thân được nữa, và công việc cũng mỗi ngày một vất vả hơn vì làm xếp Mỹ không đơn giản tý nào cả.
Tôi không viết ra đây những chi tiết từ lúc học xong chương trình 4 năm đầu đại học, vì tựa đề của bài này là "thời sinh viên độc thân". Khi có dịp, tôi sẽ chia sẻ về thời gian vừa làm vừa học với sự nâng đỡ và khích lệ của nhà tôi, vì nếu không có nàng, tôi không thể nào vượt qua được.
Tôi chia sẻ "Nhật Ký Đời Tỵ Nạn" của mình với các bạn để khuyến khích các bạn trẻ đang miệt mài vất vả học hành hãy kiên tâm bền chí, vì "qua đau khổ mới tới vinh quang".
Lúc tôi bước lên khán đài (sân khấu) để nhận bằng tại Kennedy Center ở Hoa Thịnh Đốn, hình ảnh đầu tiên tôi nghĩ tới là những buổi chiều cỡi bò từ ruộng trở về nhà, miệng nghêu ngao đọc bài học thuộc lòng ở Bình Giả, và nhận biết rằng mình đã lớn, đã trưởng thành, nhưng cũng đã xa rồi, "Quê Hương Yêu Dấu" của tôi.
Trong những bước chân ngập ngừng đó, tôi thầm thì trong tim: Cha ơi, con không đi tu được, nhưng con đã học tới đầu tới đũa để kiện toàn ước muốn của cha. Giờ này cha không còn nữa, nhưng bao nhiêu năm qua con vẫn ấp ủ trong lòng câu nói của cha để làm động lực vươn lên những khi chán nản, thất vọng... “Các con cố gắng mà học, đời cha đã khổ vì ông nội mất sớm, không được học nhiều nên cứ phải cày sâu cuốc bẫm. Thời nào người có học cũng hơn, các con cố lên, đừng chán nản.”

Nguyễn Duy-An

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,722,093
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Kiếm Hiệp Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến