Hôm nay,  

Hạnh Phúc Rất Đơn Giản

11/06/200500:00:00(Xem: 125133)
Người viết: THÙY DƯƠNG
Bài số 766-1345-191-vb7061105

Tác giả định cư tại Hoa Kỳ từ 1987, hiện là một bác sĩ đang hành nghề tại quận Cam. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ba, như tựa đề được chọn, kể chuyện về cách nhìn, cách nhận chân hạnh phúc của người phụ nữ Việt tại Hoa Kỳ qua ba hoàn cảnh sống khác nhau. Bút pháp tinh giản của tác giả hứa hẹn sắp tới sẽ còn nhiều bài viết đặc biệt.
*

Dưới đây là ba bài viết về hạnh phúc của ba người phụ nữ Việt Nam trên đất Mỹ, với ba hoàn cảnh sống khác nhau. Một người có được hạnh phúc làm vợ, một người cô đơn mong được hạnh phúc, và một người hạnh phúc nhờ làm mẹ.

EM À...CON NÌ...

Ai bảo hôn nhân muốn hạnh phúc cần phải môn đăng hộ đối, hay tâm đầu ý hiệp" Đôi khi tôi ngỡ rằng hạnh phúc rất đơn giản, chẳng cần điều kiện nào cả. Chỉ ngờ vậy thôi cho đến khi tôi quen biết vợ chồng anh Chuck - Chị Đức thì biết điều mình nghi ngờ là đúng.
Chuck, anh chàng Mỹ trắng hiền lành, thích làm bạn với đám Việt Nam trong hãng hơn dân bản xứ. Phở phiếc, bánh cuốn, bún riêu là anh ta ngốn ào ào. Thấy Chuck còn độc thân nên đám bạn Việt Nam tìm người kết bạn cho Chuck, cũng phải hiền lành, dễ thương, nhất là làm sao Chuck vẫn tiếp tục ăn nhậu với bọn họ. Bàn cãi, góp ý kiến, cuối cùng họ làm mai cho Chuck một cô giáo dạy cấp một tại Việt Nam. Giáo viên tiểu học, thích trẻ em, ắt phải hiền hậu. Chuck về Việt Nam gặp Đức, và bão lãnh nàng qua Mỹ.
Đức hiền hậu, xinh xắn, nấu ăn giỏi, chỉ cái tội không biết nói tiếng Anh. Chuck không biết tiếng Việt. Vậy mà họ hạnh phúc ghê gớm. Giữa đêm tôi đói bụng, bèn lái xe xuống phố Bolsa, vào một tiệm mì, cũng thấy vợ chồng anh ta xếp hàng đợi chỗ.
Chị Đức gặp người quen, vồn vã nói:
- Em nửa đêm thèm mì quá, bắt ổng chở đi đó.
Tôi không hiểu Đức nói tiếng Việt làm sao mà Chuck biết chở chị đến đây.
Một lần khác, thấy hai cha con Chuck và bé Christina mà không thấy chị Đức đâu cả, tôi hỏi:
- Where is your wife"
- Oh, Đức" She went see her OB-Gyn, doctor Pham.
Tôi khâm phục Chuck vô cùng, Đức vừa nói vừa diễn đạt như thế nào mà Chuck vẫn hiểu được vợ, chứ ngay đến tôi, nói cùng một thứ tiếng mẹ đẻ với chồng mà đôi khi vẫn bị người bạn đời mình hiểu lầm đấy chứ.
Đức cứ búa xua xài tiếng Việt, Đức gọi chồng là "Anh à" và dạy Chuck gọi chị là "Em à". Đức nói với tôi:
- Em nghe vậy hay hơn, chứ ho ni, ho niếc, nghe toàn là ho, mắc bịnh quá.
Mẹ chồng Đức thấy con mình gọi vợ là Em à, nên tưởng Đức đổi tên Mỹ, bà gọi Đức là Emma, Emma.
- No, chuck gọi "mi" Em à, còn you gọi "mi" Con à.
Tiếng Việt tiếng Mỹ loạn xạ, nên bà mẹ chồng nói với chị:
- It's Okay. Connie is a nice name. I like it alot.
Thế là bà cứ gọi chị Đức là Con nì.
Đức nói với tôi, bà mẹ chồng bảo Chuck cũng gọi chị là Con nì, nhưng anh ta không chịu:
- Em thích được gọi là Em à, anh cũng muốn lúc nào em cũng là Em à của anh. Má anh không chịu thì thôi. Em là vợ của anh chứ đâu phải là vợ của bà ấy.
Thành ra, Đức nói, lúc đầu em cứ quên, bà mẹ chồng gọi Con nì, Con nì hoài, rồi anh Chuck gọi em là Em à, Em à nữa, em chẳng biết để trả lời đó. Lâu dần nghe hoài giờ quen rồi, thành ra bây giờ em có hai tên, Emma với chồng, Connie với má chồng. Đức cười trong hạnh phúc.

MỘT THOÁNG HẠNH PHÚC

Đoạn trước, tôi kể chuyện hôn nhân hạnh phúc không cần điều kiện. Điều đó không đúng hẳn vì thành kiến giai cấp, địa vị, nhất là đối với người Việt đã hằn sâu từ bao đời. Hôn nhân bất cân xứng sẽ bị người đời chọc "như đôi đủa lệch so sao cho bằng."
Thanh là một bác sĩ nội trú tại bệnh viện trên Los Angles, mà đa số bạn đồng nghiệp của chị là ngoại quốc, khó có sự thông cảm, nhất là lúc chị qua Mỹ tuổi đã trưởng thành nên khó hòa nhập vào cuộc sống của dân bản xứ. Thế là vào những ngày nghỉ, Thanh thường tìm đến một thư viện nhỏ vùng Alhambra, ngoại ô thành phố Los Angeles để học, để đọc sách, đôi lúc nhìn qua khung cửa kính như tìm về Sài gòn một thời xa xưa.
Tại đây, một lần bỗng có tiếng người đàn ông, ngồi bên hỏi chị bằng giọng miền Nam hiền hoà.
- Bộ người Việt Nam hả"
- Không Việt Nam sao đọc sách Việt.
Thanh sẵng giọng trả lời vì bị cắt đứt giòng tư tưởng, vừa nhìn qua người vừa hỏi chị. Đó là một người đàn ông da vàng, tầm thước, dễ nhìn. Người đàn ông vẫn tươi cười nhìn cái backpack của chị, hỏi tiếp:
- Còn đang đi học hả" Vẫn lối hỏi trống không, không xưng hô.
- Già như vầy còn học gì nữa"
- Làm nail hả"
Anh chàng nhìn sang những ngón tay sơn đỏ của Thanh.
- Biết làm nail thì đâu có sơn móng tay xấu quắc như vầy" Vẫn giọng cấm cẳn Thanh trả lời.
Anh chàng vờ đi như không biết, tiếp tục hỏi:
- Đi làm hãng hả" Hãng Mỹ hay hãng Việt"
- Hãng Mỹ. Thanh trả lời cụt ngủn.
Làm nhà thương Mỹ thì là hãng Mỹ chứ còn gì nữa, chị nghĩ trong đầu.
- Giỏi quá ha. Qua đây lâu chưa mà được làm hãng Mỹ" Tui làm chef cho nhà hàng Tàu gần đây, hôm nay nhà hàng đóng cửa.
Anh chàng vui vẻ trình bày về mình một tí.
- Vậy hả"
Thanh hơi bực mình vì anh chàng này dai quá mà chị đọc quyển tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đang tới hồi hấp dẫn, đoạn Thị Mịch bị Nghị Hách dụ khị. "Vô duyên", Thanh nghĩ trong đầu, có ai hỏi đâu mà khai chứ.
- Có biết lái xe không"
- Không biết lái xe làm sao đi làm" Thanh vẫn đọc sách.
- Tưởng không biết lái xe, chỉ cho. Bên Mỹ, đàn bà con gái không biết lái xe khổ lắm.
Anh chàng vẫn điềm nhiên nói chuyện với cô, phớt lờ thái độ bực mình của Thanh, anh tiếp:
- Nếu xe hư, gọi tui, tui sửa cho.
Tự dưng Thanh bỗng có cảm tình với anh ta, có lẽ chị nghĩ đến lúc nói mới qua Mỹ, lái xe cũ nên nhiều lần xe nằm hư dọc đường, chị lo cuống cuồng nhất là vào lúc trời sập tối.
- Ờ cảm ơn.
- Mà nè, có biết nấu ăn không vậy"
- Không.
Anh chàng mừng rỡ:
- Mình đã không biết nấu ăn, phải kiếm người biết nấu ăn, để họ nấu cho vợ cho con.
Thanh cười thầm, anh chàng này cũng tán dữ đấy chứ, anh chàng vừa cho biết mình là chef cách đây không lâu.
- Má tôi và các chị tôi nấu cho ăn rồi.
Anh ta vẫn không nản lòng, hỏi tiếp.
- Weekend ở nhà làm gì vậy"


Rồi anh chàng tiếp tục offer cho Thanh, nào rạp hát bên Mỹ mát rượi à, không giống như bên Việt Nam, chừng nào có phim hay anh sẽ báo cho chị biết. Chẳng cần chị có đồng ý hay không, anh ta nhỏ nhẹ hỏi:
- Mà số phone là số mấy vậy"
- Má tôi cấm không cho ai số phone.
- Về nói với má, con gái lớn rồi đừng cấm đoán nữa, phải cho tiếp xúc để còn lấy chồng chớ.
Rồi từ má chị, anh ta nhảy sang chuyện má của anh:
- Má tui nói về Việt Nam cưới vợ, nhưng tui không thích, kiếm người bên đây để còn tìm hiểu.
Thấy Thanh không nói gì, anh ta rút viết ghi ghi chép chép gì đó, rồi trao mảnh giấy cho chị:
- Không cho tui số phone, thì gọi cho tui nghen.
- Thôi tôi phải về rồi. Chắc tôi không gọi đâu.
Bỗng Thanh nhớ tới những người mà chị đã và đang date mà chị quen ở chỗ làm hay do bạn bè mai mối vì thương chị đã lớn tuổi mà còn cô độc. Những buổi hẹn hò trong những tiệm ăn sang trọng, những lối nói chuyện kiểu cách, lịch sự và lạnh lùng. Thanh nhớ đến những lọ nước hoa đắt tiền mà chị dửng dưng nhận mà chẳng bao giờ dùng tới, và chị phải lái xe vội vã đến những shopping mall để mua tặng lại họ những chiếc cà vạt đắt tiền cho tương xứng sau những ca trực thiếu ngủ trong lúc chị chỉ muốn về nhà, ngã đại trên thảm ngủ thẳng cẳng. Chị và họ gặp nhau chỉ vì những tính toán kỹ lưỡng, cả hai phía, nghĩa là cũng từ phía chị nữa.
"Giá mà mình là cô thợ làm móng tay hay chị assembler chắc mình hạnh phúc hơn," chị Thanh nghĩ thầm trong lúc rời thư viện.
Tiếng anh chef dịu dàng nói với theo "nhớ gọi tui nha, tui đợi đó......"

XIN CẢM ƠN CON

Ở Mỹ có những ngày giành cho cha, cho mẹ, cho người yêu, tôi tự nghĩ sao không có những ngày giành cho con cái vì chính con cái là người mang hạnh phúc lớn nhất cho cha mẹ, đặc biệt là cho chính người mẹ.
Đã từ lâu tôi định sẽ viết những giòng thương yêu giành cho con cái nhưng tới giờ tôi mới viết lên lời nói này: Dương ơi, con là niềm hạnh phúc, sự hãnh diện và là niềm vui của mẹ.
Tính tôi thương trẻ em một cách kỳ lạ cho dầu đó là một đứa bé đen đủi xấu xí, hay trắng trẻo dễ thương, tôi vẫn ôm vào lòng âu yếm, có lẽ vì thế tôi đã chọn nghành nhi khoa. Nhận ra lòng yêu thương trẻ con có vẻ hơi quá đáng của tôi chăng, ông Yusin, ông thầy dạy tôi về sự phát triển của trẻ em phải thốt lên: " T, you should have your own child". Vậy mà, tôi vẫn chưa được làm mẹ, và bị xảy thai. Tôi còn nhớ lòng buồn vô hạn khi thấy máu nhuộm đỏ cả bồn tắm. Dựng chồng dậy giữa đêm: "Anh à, chắc con chết rồi..." chồng tôi khóc rống lên, vừa ôm chồng xin lỗi trong lúc chính mình vừa đau đớn về thể xác vừa đau khổ về tinh thần. Rồi tôi lại mang bầu lần nữa, lúc này tuổi đã trên 40, những nguy cơ cho trẻ sơ sinh có bà mẹ lớn tuổi cành nhiều hơn nữa và chính nhiều bệnh nhi của tôi đang mang những dị tật này. Tôi chỉ báo cho chồng hay khi thai được ba tháng, và mới dám đi gặp bác sĩ sản khoa của mình vì nỗi lo sợ canh cánh trong lòng, để cho dù thai có bị sao đi nữa, bầu lớn quá làm sao phá được nữa.
Kết quả thử nghiệm nước ối bình thường, l2ng chỉ bớt lo đi một chút thôi vì tôi bị thai hành qú, ói mửa liên tục, chẳng lên cân, chẳng biết con có bị ảnh hưởng gì không. Ngàyhôm đó tôi nhơ như in vì là ngày trọng đại nhất trong đời mà tôi thường mong ước cũng đã đến. Ngày hôm đó, ngày thứ ba, 18 tháng 11, tôi cảm thấy mệt mõi vô cùng nhưng vẫn cố gắng khám bệnh, làm cho tròn nhiệm vụ, đến giờ trưa tôi mới nghỉ tay, gọi cho cô bác sĩ sản khoa của mình:
- Hồng Anh ơi, chị mệt quá, sợ không biết bào thai có sao không"
- Vậy hả, thôi để em gọi vào nhà thương dành phòng mổ cho chị.
Thế là tôi sinh sớm hơn dự định cả tuần lễ. Phải mổ khẩn cấp ngay vì tự dưng huyết áp của tôi tăng đột ngột, cao đáng sợ. Được cái đây là bệnh viện tôi làm việc nên khung cảnh quen thuộc, bác sĩ y tá tôi đều biết nên cũng yên tâm. Chỉ tội cho chồng tôi, anh chưa từng vào phòng mổ bao giờ, lúng túng trong bộ đồ Scrub, đang lo lắng cho giờ phút quan trọng.
- It's a boy!
Cô bác sĩ sản khoa lôi thằng bé ra và kêu lên.
Tôi lắng nghe, im lặng, lo sợ và mỉm cười khi nghe tiếng khóc của con. Giao đứa bé cho tôi ẵm trong khi các bác sĩ còn khâu khâu vá vá, cô y tá nói:
- Chồng bà rất dễ thương, ông ấy đang khóc đấy, bà cảm thấy sao"
- Hạnh phúc lắm, cô không thấy sao, tôi đang cười đây mà.
Ôm thằng bé, tôi hôn vào khuôn mặt thanh tú, thiên thần của nó, tôi thầm nói, "Xin cám ơn trời đã cho viên ngọc tuyệt vời. Đây là máu mủ, là xương là thịt của tôi", rồi tự dưng rơi vào giấc ngủ hồi nào không hay trong khi chồng tôi đang đứng bên cạnh nắm nhẹ tay con.
Chồng tôi đặt tên con là Dương dù đó là gái hay trai vì đó là tên kết hợp của anh và tôi, tên lót của tôi là Thanh là màu xanh, còn anh tên Tùng. Dương là hàng dương mọc dọc bờ biển, Dương cũng mang ý nghĩa của màu Xanh. Thằng bé rất ngoan, ngoài lần đầu tiên khóc lúc chào đời, cu Dương chẳng bao giờ khóc nhè, bắt cha mẹ ẵm bồng, bú no là bé lăn đùng ra ngủ, tôi nghĩ chắc thằng cu Dương thương cha mẹ bận, cực nhọc đi làm nên ngoan thế chăng.Thằng bé lại may mắn, chọn những cái tốt đẹp của cha mẹ, cái xấu nó chừa lại. Cu Dương có nước da trắng của cha, mũi cao mắt to của mẹ, chừa lại mắt một mí của cha, và da ngâm ngâm của mẹ lại.
Thương con ngoan ngoãn, tôi thầm cám ơn Trời Phật, những ngày con khỏe mạnh, nhìn con vui chơi tôi sung sướng vô cùng. Nhưng những ngày con bệnh, tôi thức suốt đêm với con, thấy con ho từng cơn, tôi lại lắng nghe hơi thở, nhịp tim của con, ông xã tôi lại nói " May con có má làm bác sĩ, không phải lo lắng chạy vào Emergency Room giữa đêm". Hình như cu Dương cũng cảm nhận tình mẫu tử, nó cứ nắm chặt tay tôi khi bị bệnh. Tôi ôm con vào lòng, nắm bàn tay bé nhỏ của con, cái sinh mạng bé bỏng này đang cần sự chăm sóc, bảo vệ của người mẹ, người mẹ ấy lại là tôi.
Được trông nom con lúc khỏe mạnh, được chăm sóc chon lúc đau ốm, tôi cảm thấy tôi vô cùng hạnh phúc. Xin cảm ơn cu Dương của mẹ, đã mang lại cho mẹ niềm hạnh phúc này: hạnh phúc được làm mẹ.

Thùy Dương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,246,390
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến